Tào Tháo Thiên Bá
Tào Tháo Thiên Bá
Trọn Bộ 5 năm Hoàn
15 chương
53 1157
12345
vietmessenger
Khac.Bot • Trọn Bộ • 5 năm Hoàn

LỜI GIỚI THIỆU

Trên dưới sáu thế kỷ từ thời Minh đến nay. Ở Trung Quốc "đến đứa trẻ cũng căm ghét Tào Tháo" (Quách Mạt Nhược), còn ở Việt Nam thì không biết tự bao giờ, cái tên Tào Tháo đã là biểu trưng cho những gì là gian hùng, quỷ quyệt, tráo trở, hiểm ác trong suy nghĩ của bất kỳ một ai khi cần so sánh với kẻ nào đó có những tính cách như thế.

Có thể nói, trong lịch sử loài người chưa có một nhân vật lịch sử nào bị một cái tiếng xấu nặng nề và dai dẳng đến như vậy, mà rất lạ, là ở Việt Nam lại quá sâu sắc và phổ biến đối với một nhân vật lịch sử của nước ngoài sống cách đây ngót hai nghìn năm?

Đó phải chăng là công hay tội của La Quán Trung - tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử trường thiên Tam quốc diễn nghĩa? Bởi vì từ thời Lưỡng Tấn Nam Bắc triều đến hai triều Tùy ường không thấy có sách vở nào viết xấu và chửi bới Tào Tháo. Chỉ từ sau khi bộ Tam quốc diễn nghĩa ra đời vào đầu đời Minh cuối đời Nguyên, thì Tào Tháo mới thực sự bị đem lên thớt của lịch sử và bia miệng chửi rủa của người đời về mọi sự phản trắc gian hùng quỷ quyệt. Không những thế, trong hàng chục hàng trăm vở ca kịch của Trung Quốc, hàng ngàn cái mặt nạ miêu tả kẻ gian thần nào đó đều hoá trang với bộ mặt trắng phếch như quỷ sứ của Tào Tháo.

Tại sao vậy? Điều này có nguyên nhân lịch sử sâu xa của nó. Xã hội Trung Quốc từ sau thời Ngũ Đại Thập Quốc nát bét như tương, chỉ trong một thời gian rất ngắn mà xuất hiện hàng chục triều đại và mấy chục ông vua hủ bại tàn bạo đến kinh người. Nhà Tống lập quốc cần phải củng cố một nền thống trị Trung ương tập quyền hùng mạnh, nền lý học Tống nho mới ra sức đề cao tư tưởng chính thống, tấn công kịch liệt vào những tư tưởng phản chính thống và những nhân vật phản nghịch trong lịch sử mà Tào Tháo là rất tiêu biểu. Hơn nữa, khi La Quán Trung viết Tam quốc diễn nghĩa lại vào lúc quân Nguyên Mông chiếm Trung Nguyên, mâu thuẫn dân tộc và ngoại xâm vô cùng gay gắt, lòng người hướng về triều nhà Hán, một triều đại phong kiến tiêu biểu đầu tiên kéo dài đến bốn trăm năm và đã làm nên những công trạng lớn lao, có một nền Hán nho rực rỡ. Chu Nguyên Chương đánh tan quân Mông, lập nên triều đại nhà Minh, lòng người hướng về một đất nước yên bình tập trung vào chính quyền Trung ương, tác giả Tam quốc chí diễn nghĩa hiểu rõ tâm trạng của nhân dân trong giai đoạn đó, cho nên khuynh hướng ủng Lưu phản Tào sẽ trở thành khuynh hướng chỉ đạo trong sáng tác của ông. La Quán Trung cũng muốn có một ông vua ra vua, một bề tôi ra bề tôi, vì vậy viết đẹp về Lưu Bị, viết xấu về Tào Tháo cũng không có gì là lạ.

Mặt khác, đã là nhà văn, với bút pháp hiện thực, phải xây dựng nên những hình tượng điển hình sinh động. Tào Tháo trong lịch sử đã trở thành một hình tượng văn học phản diực kỳ sinh động về tính cách gian hung, quỷ quyệt tàn nhẫn... và La Quán Trung đã làm được điều đó. Hoá ra Tào Tháo chịu cái oan trời giáng là vì vậy. Tuy nhiên, nếu độc giả tỉnh táo thì, mặc dầu, tác giả đã viết dưới quan điểm chính thống ủng Lưu phản Tào, nhấn khá mạnh về cái xấu của Tào Tháo, nhưng với bút lực hiện thực chủ nghĩa tài năng, La Quán Trung vẫn xây dựng được một Tào Tháo đa dạng, mà phần tốt đẹp của Tào Tháo vẫn ngời ngời, vượt hẳn những nhân vật đương thời. Vậy Tào Tháo của lịch sử là con người như thế nào?

Tào Tháo sinh năm 155 sau Công nguyên, thuở nhỏ có tên là A Man tự là Mạnh Đức, người Tiêu Quận nước Bái (nay là huyện Hào tỉnh An Huy), cha là Tào Tung, Thái uý nhà Hán, nhưng luôn luôn bị đối xử khinh miệt, vì vậy, trong một thời gian Tào Tháo rất khổ tâm. Tại sao vậy? Theo truyền thuyết thì tổ tiên Tào Tháo thuộc một hệ với vị Hoàng đê thời viễn cổ, tức hậu duệ của Hoàng Đế, nhưng đến thời Cao Dương mới chính thức đổi thành họ Tào, phát triển đến thời Hán Cao Tổ Lưu Bang. Tào Tham của họ Tào này trở thành một nhân vật danh tiếng nhờ chiến công hiển hách, được phong Bình Dương hầu và đời đời được thế tập tước đó. Cho đến đời Tào Tiết, nhân ái khoan hậu, trung quân báo quốc, danh trùm thiên hạ. Tào Tiết sinh ra Tào Đằng. Tào Đằng đẹp trai, cực kỳ thông minh, được nhà vua coi trọng đưa vào trong cung dạy học cho Thái tử. Đến khi Hán Thuận đế Lưu Bảo lên ngôi, Tào Đằng từ một viên tiểu hoàng môn thăng lên Trung thường thị, chính thức phục vụ ở trong cung. Ít lâu sau lại được thăng Đại trượng phu, rồi tiến phong Phí Đình hầu. Tào Đằng tiến thân vùn vụt. Cả gia tộc họ Tào được nhờ cậy, nhưng trong hoàng cung không dung nạp một người đàn ông khác giới khoẻ mạnh. Tào Đằng không có con, nuôi một người con nuôi là Tung họ Hạ Hầu, vì thế mà đổi thành Tào Tung. Tào Tung sinh được một người con trai. Đó chính là Tào Tháo.

Như vậy Tào Tháo không phải là người thuộc dòng họ của Tào Đằng, mà chỉ là một loại ang. Thân thế Tào Tháo mập mờ vậy nên thường bị bọn hào môn cự tộc khinh rẻ. Từ nhỏ, Tào Tháo đã mang một tâm lý tranh cường háo thắng, luôn luôn canh cánh trong lòng như một món nợ phải trả. Lớn lên vào những năm Hán mạt, quần hùng tranh bá, giặc Khăn vàng nổi lên, chính là lúc Tào Tháo vẫy vùng. Từ một gã Hiếu liêm quèn, Tào Tháo trở thành một quân phiệt lớn, chiếm cả vùng bắc Trung Quốc, quả là một con người có bản lĩnh đặc biệt, một "nhất thế chi hùng", một gian thần thời loạn và một năng thần thời bình.

Tào Tháo là bậc kiệt hiệt nhất trong đám quân phiệt lúc bấy giờ, là đại biểu trong tầng lớp địa chủ phong kiến nhỏ có tham gia đàn áp khởi nghĩa Khăn vàng và Tào Tháo đã thấy ngay cái gốc của sự rối ren đương thời: Nhà Hán đã hoàn toàn hết vai trò lịch sử, và tự mình đứng ra xây dựng một thời đại mới. Sứ mệnh đó quả thật là nặng nề và vĩ đại.

Chính Tào Tháo chống lại Đổng Trác, đánh bại các nhóm quân phiệt cũ như Viên Thiệu, Viên Thuật. Rồi với ý đồ tiến tới tiêu diệt hai tập đoàn quân phiệt mạnh nhất là Tôn Quyền ở Giang Đông, Lưu Bị ở Tây Thục, thống nhất Trung Quốc, nhưng tiếc thay, nhà Tào Ngụy lại mất về tay Tư Mã Viên và Trung Quốc chìm trong một triều đại đen tối vào bậc nhất của lịch sử. So với những tập đoàn quân phiệt trên, Tào Tháo tiên bộ hơn rất nhiều và cũng hùng mạnh hơn rất nhiều. Bản thân Tào Tháo là một con người cực kỳ sắc sảo, trí trá, tài ba, có hùng tâm tráng chí và cực kỳ năng động, rất biết người biết ta, có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng cực kỳ xảo quyệt. Từ khi chạy trốn, cho đến khi cầm được quyền bính trong tay, bao giờ Tào Tháo cũng có những kiến giải hơn người và đã thắng lớn về mặt chính trị vào những năm Kiến An. Tào Tháo đã ra lệnh cấm cường hào thôn tính đất đai, cải cách chế độ tô thuế, mở đồn điền giải quyết quân lương, nông dân lưu lạc có ruộng cày, nông thôn xác được gây dựng lại, thủ công, công thương nghiệp được mở mang. Tào Tháo còn là một nhà quân sự "dụng binh nh thần", "một vị tướng hiếm có xưa nay", "quân lính bình tĩnh, kẻ thù khiếp sợ". Chính bản thân Tào Tháo đã hiệu đính chú giải Tôn Tử binh pháp và nhấn mạnh: Cách dùng binh của thánh hiền là giữ lại để chờ thời, bất đắc dĩ mới dùng thôi. Điều chứng tỏ Tào Tháo hơn hẳn bọn quân phiệt đương thời là biết nhìn ra người tài, có người tài thì sử dụng triệt để, cho dù người tài đó đã một thời trung với chủ cũ chống lại mình như Trần Lâm, Hứa Chử, Trương Liêu, Quan Vũ và ngược lại, Tào Tháo tiêu diệt ngay như hạng Lã Bố... Đối xử với binh sĩ tướng lĩnh cũng vậy, Tào Tháo cùng họ chiến đấu, cùng họ múa kiếm, cùng họ nằm gai nếm mật suốt bao nhiêu năm, thật hiếm có một con người không có kẻ phản bội lại, mà chỉ có người dám chết cho mình.

Dưới tay Tào Tháo có hàng mấy chục mưu sĩ tài ba: Quách Gia, Trình Dục, Tuân Úc, Tuân Du nhưng bao giờ Tào Tháo cũng tập hợp được trí tuệ của họ, vượt lên họ, dẫn dắt họ. Dưới tay Tào Tháo có hàng trăm dũng tướng: Trương Liêu, Hứa Chử, Điển Vi, Bàng Đức, ai cũng trung thành, dám tự nguyện chết cho Tào Tháo (trừ Vu Cấm). Qua đó đủ biết Tào Tháo phải là con người như thế nào. Chính Tào Hồng nhường ngựa cho Tào Tháo xin chết thay và nói: "Thiên hạ khả vô Hồng bắt khả vô Công" (Thiên hạ có thể không có Hồng nhưng không thể thiếu ông). Tào Tháo có uy nhưng không độc đoán chuyên quyền, rất nhiều chính sách, mưu kế của tướng tá, Tào Tháo đều biết nghe, lựa chọn và thâu tóm để sử dụng, về mặt này, Tào Tháo vượt rất xa các đối thủ đương thời và giúp cho Tháo giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khi còn sống, Tào Tháo tuy không cướp ngôi xưng đế nhưng trên thực tế về mọi mặt, ông là một hoàng đế không danh hiệu. Đó cũng là cái khôn của Tào Tháo.

Tào Tháo vô cùng quyền biến không vì cái danh hão mà có hại, không vì cái ngọc tỉ mà mất sức, không giết Nễ Hành vì biết bọn hủ nho chết vì miệng lưỡi của họ.

Sử sách còn ghi lại cho biết Tào Tháo còn là một học giả uyên bác, trước tác khá đồ sộ: Ngụy Vũ đế tập (30 quyển), Vũ Hoàng đế dật tập (10 quyển), Ngụy Vũ đế tập tân tuyển (10 quyển), Ngụy Vũ đế lộ bổ văn (9 quyển), Ngụy Vũ đế binh pháp, Chú Tôn tử binh pháp, Tục Tôn tử binh pháp, Giải Thái côn âm mưu.

Điều đáng nói nữa Tào Tháo là một nhà thơ tài ba. Cha con Tào Tháo làm thơ trên yên ngựa, vung giáo thành thơ (Nguyên Chẩn đời Đường). Lên cao thì làm phú, ngâm thơ phối hợp với nhạc cụ (Ngụy Thư). Trong Tào Tháo thi tập có những bài thơ như. Cảo lý hành, Đoản ca hành, Độ quan sơn... đến nay còn nguyên giá trị là kiệt tác thời Kiến An.

Nói đến văn hoá Trung Quốc mà không biết Phong cốt Kiến An và Khí tượng Thịnh Đường thì coi như chưa am hiểu nền văn hoá đó. Hạt nhân của Phong cốt Kiến An chính là Tam Tào (Tào Tháo - Tào Phi - Tào Thực) và Thất Tử (Khổng Dung - Vương Xán - Trần Lâm - Từ Cán Vu - Ứng Đãng - Lưu Trinh - Nguyễn Vũ). Vì vậy nhìn toàn diện trong các đế vương Trung Quốc, Tào Tháo là bậc kiệt hiệt. Mao Trạch Đông đã tôn sùng: "Tào Tháo là vua trong những ông vua. Nhân vật anh hùng thời Tam Quốc, Tào Tháo là số một, đế vương phong lưu của muôn đời Tào Tháo đứng đầu...". Trong trướng quyết sách, sa trường chỉ huy, trong trại giấu mỹ nhân, dọc đường cướp người đẹp. Đại trí đại dũng, lại thêm đại gian đại hùng. Vừa là chính trị gia kiệt xuất, quân sự gia thiên tài, lại còn là một đại thi nhân phong lưu, lãng tử đa tình. Một đời tung hoành trên lưng ngựa, máu vương muôn dặm, đánh bại hết thảy mọi đối thủ của mình.

Nhưng trên đường chinh chiến, Tào Tháo đã tàn sát không ghê tay các đối thủ của mình, trên đường chính trị đã giết Đổng Thừa, Phục Hoàn, tàn nhẫn giết Khổng Dung, Dương Tu, đa nghi giết Hoa Đà - một hành động không thể tha thứ được - và không từ một thủ đoạn gian dối nào để đạt được mục đích. Chính Tào Tháo đã nói một câu "Thà ta phụ người không để người phụ ta" rất tai hại cho ông và bộc lộ đầy đủ triết lý cho mọi hành động của mình. Tào Tháo háo sắc, đa tình, vì nết đó mà suýt chết trong vụ vợ của Trương Tế, phải trả một cái giá quá đắt, con trai là Tào Ngang mất mạng, Đinh phu nhân vì vậy mà bỏ về quê. Tào Tháo đau khổ cầu xin, dùng hết mọi thủ đoạn để mong Đinh phu nhân tha thứ. Lịch sử có ghi lại những trang cảm động về sự hối cải lỗi lầm của Tào Tháo.

Viết về Tào Tháo khá nhiều, nhắc nhở trên đầu lưỡi về Tào Tháo càng nhiều hơn, nhưng đánh giá về Tào Tháo lại là một vấn đề.

Ngót hai nghìn năm qua, đã đến lúc phải nhắc lại. Dưới mắt bạn đọc đã có một bộ Tào Tháo thiên bá, Tào Tháo nhân bá do Tào Trọng Hoài - nhà văn đương đại Trung Quốc viết với một quan điểm mới, khách quan tỉnh táo hơn.

Tuy vậy, không phải yêu nên tốt, ghét nên xấu, hoặc với một quan điểm mới quá khích mà viết thiên lệch, cần khách quan đánh giá đúng như con người Tào Tháo với những tính cách phức tạp của nhân vật lịch sử này.

Đây là cuốn sách hay, cống hiến cho độc giả một cái nhìn mới về Tào Tháo và bản dịch cố gắng bám sát nguyên văn không bớt hoặc thêm ý kién chủ quan của người dịch.

Xin giới thiệu với bạn đọc

Các số gần nhất