Chuỗi ngày đài trôi nhanh. Một buổi chiều mưa to đầu hè đuổi xua đi bao
nhiêu nóng bức. Chiếc móng trời chắn ngang rặng cây xanh, ánh nắng chiều tiếp nối theo sau nhuộm đỏ cả mái nhà mốc xám, rừng cây, đồng cỏ và cả
bầu trời. Cảnh hoàng hôn thật đẹp với những trận gió tươi mát khiến mọi
người cảm thấy sảng khoái. Bước ra khỏi phòng, chạy bay xuống thang lầu, miệng tôi không quên lẩm nhẩm bài học:
- "Thiên
tương giáng đại nhậm dữ tư nhân giả, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cơ
cốt. Không phân kỳ thân, hành, phất loạn kỳ sở vi, sở dư"
Bỗng có tiếng người đọc tiếp:
- "Đông tâm nhẫn tánh, tăng ích kỳ sở bất năng".
Tôi ngẩng đầu nhìn, thì ra là Hạo Hạo, hắn đang đứng tì lưng vào lan
can ở cuối thang lầu, hai tay tựa cằm đặt trên cây chống, mỉm nụ cười
tinh nghịch nhìn tôi:
- Ức My, bộ cô muốn làm con mọt sách nữa sao?
Tôi cười nói:
- Anh Trung Đan là một ông thầy dữ lắm, anh biết không?
Nụ cười trên môi hắn chợt ngưng một lúc xong lại cười xòa. Hai tay vòng ngang ngực, hắn nhìn tôi thăm dò:
- Thế, cô với Khởi Khởi đều nể nang Trung Đan lắm à? Theo tôi nghĩ
thì cô hãy còn trẻ phải có một chút sinh khí chớ tối ngày co rút mãi
trong sách vở thì không thể bình thường được. Bản tính cô thuộc vào loại hồn nhiên và vui nhộn, chớ nào phải mọt sách đâu, phải không?
- Sao anh biết? Tôi hất hàm hỏi.
- Nhìn dáng đi của cô là biết chớ gì, đi không ra đi, chạy cũng không ra chạy, lúc nào cũng như muốn đâm sầm vào người khác.
- Phải, mẹ tôi cũng thường nói tại tôi đi đứng không vững vàng nên
không thể nào trở thành một tiểu thư trang nghiêm đài các được?
Nụ cười trên môi hắn càng tăng thêm vẻ diễu cợt:
- Tiểu thơ đài các ư?
Hắn lại nháy nháy đôi mắt:
- Không, tôi biết nơi cô xuất thân không phải là một gia đình giàu
có, vì vậy ngay cả dáng điệu cử chỉ của cô cũng không có vẻ gì là quí
phái cả. Cô với Khởi Khởi khác biệt với nhau, mặc dù nó có vẻ trang
nghiêm, quí phái hơn cô, nhưng đổi lại cô hồn nhiên và dễ thương hơn nó. Đối với tôi, cô có biết giữa hai người tôi thích ai hơn không?
Tôi thở dài:
- Có lẽ chị ấy dễ thương hơn, tôi cũng muốn bắt chước cách đi đứng
dịu dàng, hành động cho trang nhã, nhưng mà... Tôi lắc đầu - Có lẽ tại
Khởi Khởi cao quí hơn tôi nhiều, nhất là trên phương diện thể chất...
- Cô có nghĩ là Khởi Khởi dễ thương lắm à? Hắn hỏi tôi - Cô có biết
rằng nó còn thiếu một món mà con người cần phải có hay không?
- Thiếu cái gì?
- Thiếu sự sống động. Này Ức My, cô nên là cô mà đừng bao giờ bắt chước nó!
Đoạn ngắm nghiá tôi một lúc, hắn nói:
- Ức My cũng đẹp, cũng dễ thương lắm chứ. Tôi thích vẻ ngổ ngáo và tự nhiên của cô.
Ngưng một chập rồi hắn lại cười bảo:
- Khởi Khởi hồi nào tới giờ chưa hề dám ngồi bệt xuống thang lầu như cô thế này.
- Bộ Ở ván cầu thang có đinh hở cô? Hay là có lửa? Cô làm gì mà như bị đốt không bằng!
Tôi tròn mắt nhìn hắn, miệng chu chéo:
- Bộ anh trêu được ai anh mới vui thích được sao mà anh cứ mãi chọc quê tôi hoài thế?
Hắn càng cười to:
- Đúng vậy, nhưng đừng có lo, để từ từ tôi dạy cô cái thú trêu người nhé!
- Tôi không thú nổi cái trò đó.
- Nhất định sẽ thú lắm mà, tôi biết, vì tôi với cô cùng một loại với nhau.
Tôi quắc mắt nhìn hắn. Đôi mắt to đen tinh quái trên gương mặt sáng,
mái tóc tuy chải xong vẫn lòa xòa trên trán, chiếc mũi hỉnh lên, theo
sách tướng thì những con người có gương mặt này thường là những con
người có quyền bính trong tay. Đôi môi mỏng với nụ cười tinh quái, đó là một nụ cười khiến người mất cảm tình.
Tôi bước xuống thang
lầu đi về phiá cửa, mở cánh cửa kiếng ăn thông ra vườn hoa. Bên ngoài,
trên bực thêm một đôi giày trượt tuyết để nằm đấy. Tôi quay đầu lại nhìn hắn, bộ quần áo thể thao bó sát một thân thể khỏe mạnh, chứng tỏ hắn
vừa mới chơi xong. Hắn bước đến gần tôi, rồi nhìn đôi giày hỏi:
- Cô thích thể thao không?
- Thích chứ! Tôi đáp.
- Biết bơi không?
Tôi gật đầu.
- Thế chủ nhật tới, tôi mời cô đến hồ Bích Đầm bơi nhé?
Hắn nói, đoạn bước xuống thềm.
- Cô biết trượt băng không?
Tôi lắc đầu.
- Xuống đây, tôi dạy cho, học một lúc là biết ngay!
Môn trượt băng như có một cái gì hấp dẫn, lôi cuốn, tôi cưỡng không
lại ý thích. Đã từ lâu rồi tôi hằng ước ao học cách trượt băng nhưng
không có cơ hội. Khoảng sân ciment bên dưới bực thềm không rộng lắm, lại vì vừa mưa xong nên những vết bùn ẩm vẫn chưa khô.
Hạo Hạo cầm lấy chiếc giày nhìn tôi:
- Ngồi xuống mang vào chân đi!
Tôi hơi do dự, rồi cũng ngồi xuống thềm. Đôi mắt hắn nhìn như đang
thích thú. Tôi bắt hắn cười việc tôi vừa nhảy nhỏm ở cầu thang thì giờ
lại ngồi xuống bực thềm. Nhưng mà mặc hắn, việc học trượt băng làm tôi
thích thú hơn là để ý đến hắn. Hạo Hạo cúi người xuống phụ tôi cột chặt
chiếc giày vào chân.
- Bây giờ nhé, thử đi một chân trước xem sao, đừng ham đi quá nhanh. Đứng dậy xem nào!
Hắn ra lệnh, tôi đứng lên thử.
Trọng tâm của con người tôi hình như đã đi đâu mất, tôi ngã tới ngã
lui, vội vàng lấy chiếc chân còn lại giữ vững thân thể, nhiều lúc đi thử đều không được, lúc nào cũng muốn trượt té cả. Hắn đứng bên cạnh khoanh tay nhìn một lúc, đoạn dìu tôi đến bên thềm, bực dọc:
- Tôi
thấy cô ngu ơi là ngu! Ngồi xuống coi, có bấy nhiêu mà học cũng chẳng
nên thân, tôi chỉ còn dùng cách cứng rắn để dạy cô thôi.
Vừa nói hắn vừa lấy thêm một chiếc giày còn lại mang vào chân tôi, rồi lại cười:
- Bây giờ thì không còn tựa vào đâu được nữa. Đứng dậy cho cẩn thận xem!
- Đừng đùa, tôi không thích bị ngã chút nào đâu! Tôi đáp.
- Vậy thì cô phải ráng giữ sao cho đừng ngã mới hay chứ!
Hắn nói xong không đợi tôi phát biểu ý kiến gì cả, nắm lấy hai tay lôi tôi đứng dậy. Tôi hốt hoảng hét to, tay vẫn nắm chặt lấy hắn. Bốn cái
bánh xe bên dưới chân vừa chạm đất là như mắc toi không lăn không được.
Thân hình tôi ngã về phiá trước, trong khi đôi chân lại chạy toạc về
sau. Tôi hốt hoảng ôm chặt lấy tay hắn hét:
- Làm cái gì kỳ vậy. anh muốn phá tôi hả? Ôi, ôi. Không được đâu, té bây giờ, ái ái... Không được, ngã cho coi.
Tôi la lớn như thế, mà hắn như giả điếc không thèm để ý đến, lại còn
cố gắng bỏ tay tôi ra. Rút được tay về, hắn nép sang một bên, trong khi
tôi bị mất điểm tựa, giống như đầu xe hỏa bị đứt thắng, trượt tới trượt
lui trên sân. Hắn đứng bên sân, vòng tay trước ngực hét to:
- Giảm bớt tốc lực một chút! Để trọng tâm ra sau một chút. Rồi! Nếu hai chân chạy theo hai ngã phải rút bớt một chân lại.
Có lẽ chỉ có trời mới biết tôi đã làm thế nào để giảm bớt tốc độ, phải để trọng tâm ra sau một chút là như thế nào? Chỉ biết bản năng sợ té đã khiến tôi phải tìm đủ cách để giữ thăng bằng cho cơ thể, trong lúc đôi
tay quơ quào lung tung trên không. Thật tội nghiệp cho đôi tay tôi lúc
đó biết chừng nào vì có lẽ hắn cũng muốn giúp tôi lắm trong việc chế ngự đôi chân không còn nghe tôi chỉ huy nữa. Nhưng rồi sự cố gắng của tôi
cũng chẳng giúp ích được gì. Tôi nghe tiếng Hạo Hạo hét to:
- Ức My, chú ý! Coi chừng lọt ra khỏi nền ciment, xử dụng ngay hai bánh
xe đầu mũi giày, chân trái giơ cao lên. Ức My, chú ý! Trời.!
Sau tiếng la của hắn, tôi - chiếc đầu xe hỏa đứt thắng - đâm thẳng ra
khỏi nền ciment, lọt ngay vào vũng đất bùn chưa khô do cơn mưa lúc nãy
để lại! Tại sao chui vào đâu không chui mà chui sang hướng này?
Sau tiếng "trời" của Hạo Hạo là tôi không còn biết gì nữa, chỉ nghe
một tiếng "tõm!" thì đã thấy mình đang ngồi trong vũng nước, hai cánh
tay chống sâu xuống bùn, chỉ có đôi chân mang giầy là lú khỏi mặt nước.
Hạo Hạo bước đến, khom người xuống nhìn tôi, chân mày nhướng cao, có
lẽ lúc ấy đôi mày tôi cũng thế. Đôi mắt hắn mở rộng như tôi. Chúng tôi
cứ nhìn nhau một lúc rồi bỗng phá lên cười lớn, cười ngặt nghẽo. Tôi
nghĩ rằng có lẽ hắn đang cố gắng gom góp tất cả nụ cười trong đời hắn ra cười luôn một lần cho thỏa thích.
Tiếng cười của hắn chưa
dứt, tôi đã thấy có bóng người chạy về phiá chúng tôi. Tôi ngẩng đầu
lên, trời ơi! Giáo sư La Nghị! Ông ta khom người xuống nhìn tôi. Thân
hình to lớn của ông như cái núi che khuất cả mặt trời trước mặt. Tia mắt long lanh từ trong đám rừng râu tóc rối kia chiếu vào người tôi, cái
nhìn như lạ lùng, rồi như không tin rằng điều mình nhìn thấy là đúng,
ông đưa tay lên dụi mắt, xong lại mở mắt lớn ra nhìn tôi một lần nữa.
Nhìn từ đầu đến chân, miệng lại lẩm bẩm một tràng dài. Một lúc sau, ông
hậm hự:
- Hừ, Ức My! Tôi nghĩ rằng việc em ngồi ở trong vũng bùn như thế này không hay chút nào cả!
- Vâng ạ. Tôi gật đầu, miệng lúng túng - Vâng tôi cũng không thích ngồi đây chút nào hết.
Giáo sư lại nhíu mày, lắc đầu:
- Tôi cũng thấy nó không đẹp.
- Vâng không đẹp thật. Tôi lại gật đầu.
- Được rồi. Ông ta đăm đăm nhìn tôi - Thế em ngồi trong đó làm gì thế?
- Dạ! Tôi... Đôi mắt mở to, tôi không biết nói sao bây giờ, chỉ biết
đưa đôi chân có mang giày trượt băng lên nói - Tại như thế này này, nếu dưới đôi giầy của giáo sư cũng có mang mấy chiếc bánh xe như thế này
thì ngài ngồi vào nơi này rất dễ dàng ạ.
Đôi mày trên trán ông càng nhíu lại, trợn mắt nhìn đôi giầy hàng mấy giây đồng hồ sau đó ông
gật đầu như hiểu được lý do. Đưa tay lên vuốt mũi, giáo sư vẫn nhẫn nại:
- Thế bây giờ em muốn ngồi trong ấy đến bao giờ.
- Dạ! Tôi le lưỡi liếm mép - Tôi không thích ngồi một giây nào cả, nếu giáo sư chịu giúp kéo em ra khỏi nơi này.
Tôi cố gắng rút cánh tay trong bùn ra, cố nhiên là bùn trên tay vẫn
còn rất "đẹp". Giáo sư Nghị chăm chăm nhìn vào cánh tay tôi, có lẽ ông
sẽ phải hối hận nếu phụ giúp, nhưng sau đó ông ta vẫn lôi tôi lên. Ông
nắm lấy bàn tay tôi. Trời ơi! Cánh tay sao mạnh và to dễ sợ! Ông kéo
mạnh, thân hình tôi được nhấc bổng lên, nước từ trong robe chảy tuôn
xuống. Vì ông nắm quá chặt nên tôi thấy đau ơi là đau.
Khi ra
khỏi vũng nước, tôi mới thấy được việc không ổn, vì vừa đặt chân xuống
đất xong tôi mới phát giác đôi giầy trượt băng vẫn còn trên chân và bánh xe bắt đầu lăn như điên tôi không thể chế ngự được, tôi ngã người về
phiá trước như mũi tên bắn đi, chỉ nghe tiếng của giáo sư La Nghị hét ầm ĩ:
- A, a... lại làm cái trò quỷ gì nữa đây?
Trong khi tiếng cười của Hạo Hạo bên cạnh lại dòn tan. Tôi bất cần để mặc cho hai cha con họ cự nự hay cười đùa, cố giữ thăng bằng cho cơ thể, vì tôi không muốn diễn trò hề một lần thứ hai nữa. Giữa lúc tôi đang quờ quạng một cách nguy hiểm thì có tiếng mở cửa phòng ăn, tôi như bị hoa cả mắt
vì thân hình đang đổ ập về phiá đó, tôi hét:
- Coi chừng! Coi chừng tôi đâm tới!
Vừa dứt câu, thì "ầm!" một tiếng, tôi đã ngã người vào lòng hắn. Có lẽ ngoài ý muốn, hắn giữ lấy tôi, định thần kỹ thì ra là Từ Trung Đan. Sự
đau đớn do việc va chạm làm hắn nhăn nhó, một tay giữ lấy vai tôi, hắn
hỏi:
- Ức My, cô làm gì mà như hỏa tiễn bay thế này?
Nương theo thế, tôi ngồi xuống bực thềm, việc đầu tiên là tháo đôi
giày ăn hại này ra. Hạo Hạo đã nín cười, hắn bước đến bên cạnh, cúi
xuống nhìn tôi với đôi mắt tinh quái đáng ghét! Tôi quá giận liệng thẳng đôi giày vào người hắn nói:
- Chắc anh sung sướng lắm phải không? Tôi biết mà, anh chỉ vui khi chọc phá tôi mà thôi!
Hắn vẫn nhìn tôi, nụ cười dần dần tan biến, cúi mình nhặt đôi giầy trượt băng cầm trên tay, hắn nói như không nghe thấy:
- Ức My, cô đã tìm thấy được những bí quyết để trượt băng rồi, từ đây mỗi ngày chỉ cần tập vài phút là cô có thể vững vàng hơn cả những người biết đi lâu nữa là khác.
Lẳng lặng một lúc hắn lại nói:
- Ráng thông minh một chút Ức My nhé, đừng có khù khù khờ khờ như chó cắn tiên ông Lữ Động Tân!
Nói xong, hắn bước lên ngạch cửa sửa soạn quay đi. Tôi đứng trơ ra đó với áo quần, tay chân đầy bùn nhìn hắn.
Bỗng nhiên có tiếng quát lớn:
- Này Hạo Hạo, mày đứng lại đó.
Tôi quay sang, giáo sư La Nghị đang hùng hổ bước đến. ]
- Việc gì nữa đó hở ba?
Hạo Hạo từ bậc thầm quay sang thái độ khiêu khích:
- Con có xúc phạm gì tới ba đâu?
Giáo sư La Nghị la lớn:
- Tao cảnh cáo mày, từ rày mày muốn làm ma làm quỷ gì bên ngoài cũng
được, nhưng trong nhà này, tao muốn mày để tao được yên ổn một chút!
- Con có làm gì khiến ba không yên đâu?
Hạo Hạo nhìn cha với thái độ ngạo mạn.
- Bộ ba không cho phép con dạy cô Ức My trượt băng nữa à?
Hắn lại quay sang nhìn tôi, vẻ châm chọc hiện rõ trên mặt. Tôi không
biết hắn đang trêu tôi hay trêu giáo sư La Nghị? Hắn lại chậm rãi tiếp:
- Thôi được dù sao con cũng mừng cho cha tìm thấy được một cô bé hợp ý.
Nói xong hắn xoay người bước đi luôn. Giáo sư La Nghị giận dữ, như một hỏa diệm sơn bốc khói, chiếc mũi ông nở to ra, miệng lẩm bẩm cục cằn,
âm thanh vướng víu trong ổ họng. Một lúc lâu quay sang thấy tôi vẫn còn
ngồi nơi ngạch cửa cơn giận như được chỗ trút, ông chỉ vào mặt tôi hét:
- Ức My, em làm gì ở đây chứ?
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta, chỉ có trời mới hiểu ông muốn nói gì? Không đợi tôi đáp ông lại tiếp tục!
- Này, tôi cho em hay nhé, ngoài việc học tôi không cho em làm một
cái gì khác, em ở nhà tôi, bắt buộc phải nghe lời tôi, bằng không...
Câu nói chưa dứt, ông ta đã quay đi, miệng vẫn lẩm bẩm. Bỗng ông quay
lại trừng mắt đe dọa tôi, rồi hậm hực bước vào thư phòng.
Tôi
vẫn ngồi yên, tay chống lên gối, tì lên cằm, mắt nhìn trân trối bóng đêm đang che phủ vườn hoa. Có người vỗ nhẹ lên vai tôi, tôi quay lại thì ra Từ Trung Đan đã ngồi bên tôi lúc nào không rõ:
- Nào, cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện ra sao?
Tôi vung tay:
- Thì như anh đã thấy lúc nãy đấy!
Hắn nhìn tôi mỉm cười
- Này Ức My, cô thử đoán coi cô bây giờ giống cái gì nè?
- Thế anh nói tôi giống cái gì?
- Giống thằng hề trong gánh xiệc!
- Hứ!
Tôi nguýt hắn, xong nhìn đôi tay lấm bùn tôi nghĩ có lẽ mặt tôi cũng
bẩn không ít, thế là tôi nhảy qua bật tam cấp, một tay vén chiếc áo đầy
bùn, vừa đi tôi vừa nói:
- Như vậy tôi phải đi tắm ngay mới được!
Bước qua hai bậc thềm tôi lại quay sang hỏi:
- Anh Trung Đan, theo anh việc học Đại Học có cần thiết không?
- Cái gì?
Tôi cắn lấy răng đáp.
- Tôi không muốn thi vào Đại Học nữa!
- Tại sao? Hắn chăm chú nhìn tôi.
- Vì tôi muốn rời khỏi nhà này.
Trung Đan bước đến đứng trước mặt tôi đưa tay ấn nhẹ trên vai, hắn nói:
- Ức My, cô cần phải thi vào Đại Học tại vì cô nghèo, mồ côi lại
không nơi nương tựa. Việc học và khả năng con người là quan trọng hơn cả cô biết không? Hãy thực tế một chút, Ức My ạ!
Tôi nhìn hắn,
khẽ gật đầu vì tôi đã biết rồi, biết từ lâu rồi, biết nhiều hơn cả những điều Trung Đan đã nói. Vâng, chỉ tại tôi nghèo, mồ côi, không nhà không cửa nên tôi phải cố gắng, phải cố tự chủ để giành lấy một chỗ ngồi
trong cuộc đời ở trọ.
Tôi bỏ đi về phòng. Xô cửa bước vào, tôi bỗng ngạc nhiên vì bà La Nghị đã ngồi trong phòng tôi tự bao giờ, bà ta đang ngắm bức ảnh chụp cha tôi, mẹ và tôi trên vách. Mái tóc chải thật
gọn, vẫn chiếc áo trắng phất phơ trên thân hình gầy đét của bà, mặt
ngước cao để lộ chiếc cằm nhọn và chiếc cổ trắng thật đẹp... Trông thật
giống như bức tượng sáp của các nhà điêu khắc. Bước vào bên trong phòng, khép cửa lại, có lẽ tiếng khép cửa đã làm cho bà giật mình, bà quay lại chăm chú nhìn tôi như một người xa lạ.
- Chào bác ạ.
Tôi mỉm cười chào bà. Bà Nghị vẫn nhìn tôi không đáp, tôi đến cạnh ngước lên hình giải thích:
- Tấm hình này chụp lúc cháu vừa được 6 tuổi, bác thấy cháu lúc ấy
trông dễ ghét ghê nhỉ. Nghe mẹ thường kể lại thì cháu lúc nhỏ giống như
chú mèo con chỉ thiếu những cọng râu ở mép nữa thôi.
Nói xong, tôi cười lớn trong khi bà ta vẫn lặng yên nhìn tôi, rồi bỗng nhiên bà
đưa tay lên vuốt má tôi, đẩy những cọng tóc ngắn lòa xòa trước trán ra
sau, và chăm chú nhìn. Đôi mắt to, sâu hút của bà đẹp làm sao, dáng điệu khoan thai, từ tốn, khiến tôi như bị bà nuốt hồn. Hôm nay đôi mắt bà
nhìn tôi thật dịu dàng, dịu dàng như đôi mắt của Giáo Sư La Nghị đã từng nhìn tôi. Một lúc sau, bà bỗng thở dài, nhỏ nhẹ như nói với chính bà:
- Khởi Khởi ơi!
Tôi ngờ ngợ:
- Khởi Khởi? Bác muốn gọi Khởi Khởi đến đây à?
- Không.
Bà nhỏ nhẹ đáp, đoạn nắm lấy tay tôi kéo đến cạnh giường. Bà ngồi xuống và để tôi đứng cạnh. Bà lại thở dài, trầm mặc.
- Lúc em sáu tuổi, cuộc sống của em có sung sướng không? Cha em là người ra sao?
- Dạ, con cũng không nhớ rõ, chỉ biết người là một giáo sư trung học, cận thị. Nhưng mẹ nói cha con rất thật thà, siêng học lắm. Con nghĩ có
lẽ người rất tốt.
Bà Nghị xoa vai tôi hỏi:
- Thế tại sao cha em mất đi?
- Nghe nói vì bệnh phổi. Tôi đáp thật nhỏ - Vả lại lúc đó nhà con cũng quá nghèo.
Hình như bà Nghị hơi rùng mình, bàn tay bà xiết chặt vai tôi hơn:
- Gia đình con nghèo lắm hay sao?
- Vâng ạ Nếu không thì có lẽ mẹ con đã không phải chết sớm như thế mà có thể kéo dài thêm 2, 3 năm nữa. Vì nếu có tiền trị bệnh bằng quang
tuyến, giải phẫu, hoặc đưa qua Mỹ chạy chữa thì chưa chắc đã chết. Đằng
này. Tôi nói nhỏ - Vì nghèo quá biết làm sao?
Bà Nghị càng
lúc càng run rẩy, cánh tay tôi bị bà xiết quá chặt nên tôi phải quỳ
xuống tựa vào gối của bà. ỉ Ngước mắt nhìn lên một thoáng giây, tôi bỗng cảm thấy như vẻ ngăn cách giữa tôi với bà không còn nữa, chúng tôi như
thân thiết nhau tự bao giờ. Bà Nghị lại vuốt mái tóc ngắn của tôi, run
giọng nói:
- Nhưng mà, con rất giống như...
Đôi mày bà hơi chau lại, đôi mắt lờ đờ hẳn.
- Con có vẻ rất sung sướng và không hề buồn khổ.
- Vâng ạ, từ nhỏ con chưa hề biết khổ là gì, mẹ con thường gọi con là vô ưu thảo.
- Vô... Ưu Thảo, cỏ quên sầu. Bà ta lập lại từng chữ một. - Thế còn mẹ của con, người cũng không buồn phiền gì ư?
- Không phải thế. Tôi thở dài - Mẹ thường buồn lắm chứ, nhưng lúc
nào người cũng nhìn thẳng vào thực tế. Người là một người đàn bà can
đảm, cứng cỏi.
Bà Nghị không nói gì nữa đăm đăm nhìn tôi, đôi
mắt đen thẫm như một màn sa mù vây kín, rồi những giọt nước mắt long
lanh.. Tôi hoảng hốt đứng lên sợ phải gặp trường hợp xảy ra như hôm
trước, nhưng bà ta bỗng vỗ nhẹ tôi, ôn tồn bảo:
- Con đừng sợ bác.
- Không, con không sợ. Tôi không biết nói gì khác.
- Bác sẽ không bao giờ làm cho con đau đớn.
- Vâng, con biết.
- Chị ấy là người tốt.
Rồi như sợ tôi không hiểu, bà Nghị lại tiếp:
- Tôi nói mẹ em đấy!
Một giọt nước mắt rơi trên tay tôi, bà Nghị sụt sùi:
- Chị ấy quá tốt, tốt đến đỗi...
Rồi thêm một giọt nước mắt rớt trên tay tôi khiến tôi hoảng hốt la to:
- Bác Nghị, bác đừng xúc động quá!...
- Tôi không xúc động. Bà Nghị bỗng nhiên như tỉnh hẳn - Vì chỉ có
những con người có trái tim mới biết đau xót, còn những người không có
trái tim như tôi làm sao đau xót! Em không hiểu. Tôi không xúc động bao
giờ cả!
Lại một chuỗi nước mắt rơi xuống vỡ tan. Tôi không
biết gì hơn là nhìn bà ta. Chết rồi! Bà ấy lại nổi cơn nữa rồi. Tại sao
mỗi lần nhìn thấy mặt tôi là bệnh bà ta lại tái phát? Phải chăng trên
thân thể tôi chứa chấp một cái gì kích thích cơn bệnh của bà.
Bà Nghị vẫn nhìn tôi, tiếp tục những câu nói vớ vẩn:
- Trên đời này không phải ai ai cũng đều có trái tim cả đâu mà hầu
như đa số là không có trái tim, có một số khác lại không có linh hồn.
Thật tội nghiệp cho tôi, tôi là người không có cả trái tim lẫn linh hồn, tôi chỉ có một thể xác... một thể xác đáng ghê tởm và vô dụng...
Tôi ngạc nhiên tột độ nhìn bà Nghị mà nói không ra tiếng, trong lúc sợ hãi cực điểm thì phòng mở rộng, chiếc đầu rối bù của giáo sư La Nghị
thò vào. Như gặp cứu tinh tôi la lớn:
- Giáo sư!
Giáo sư La Nghị bước vào phòng. Chợt nhìn thấy bà vợ đang sụt sùi khóc,
ông có vẻ hoảng hốt hơn cả tôi, vội nắm lấy vai bà Nghị lắc nhẹ hỏi dồn
dập:
- Sao thế, sao thế hở em?
Bà Nghị khẽ thở dài, đoạn tựa đầu vào lưng chồng giọng ngọt ngào yếu ớt:
- Không có chuyện gì cả, em chỉ nói chuyện với Ức My thôi.
- Có thật vậy không?
Giáo sư La Nghị vừa dỗ vợ vừa hỏi, dáng dấp ông giống như người cha đang vỗ về đứa con gái cưng đang làm nũng
- Thế tại sao em khóc hở? Giọng nói ngọt lịm của ông như có thể chắt ra nước. - Tại sao vậy.
Rồi bỗng nhiên ông quay sang tôi trừng mắt, giọng điệu trở nên cộc lốc:
- Ức My, cô nói gì để cho bác gái khóc đấy hả?
- Tôi à? Tôi ngạc nhiên - Tôi nói gì đâu?
- Nhất định cô vừa nói cái gì đây?
Ông ta như đoán chắc. Bà Nghị thở dài:
- Anh! Anh đừng dữ dằn như vậy với Ức My, nó là đứa bé dễ thương lắm.
Giáo sư La Nghị vội cải chính:
- Không, không, anh nào có dữ dằn với ức My đâu? Nó là đứa bé ngoan lắm mà.
Bà Nghị lại thở dài:
- Có, anh đã dữ dằn với nó. Nghị, anh hãy thương nó, hãy chăm sóc nó chu đáo nghen anh.
Bà Nghị tựa đầu vào ngực chồng, sụt sùi khóc. Giáo sư La Nghị càng hoảng hốt:
- Ờ, ờ, thôi em đừng khóc nữa. Nhã Trúc, Nhã Trúc, em đừng khóc nữa,
anh sẽ không dữ dằn với nó nữa đâu, em xem này, anh đối với Ức My rất
tốt cơ mà!
Bà Nghị đã nín khóc. Giáo sư đỡ dậy và dìu bà vợ ra khỏi phòng tôi. Đứng bên trong nhìn theo dáng hai người đang tựa nhau
khuất ngoài cửa, lòng tôi bỗng bồi hồi. Một cảm giác lạ lùng khó tả như
vây quanh lấy tôi, cảm giác đó giống như màn đêm đang lùa vào từ khung
cửa sổ: mù mờ, rối rắm, mông lung và tràn đầy bí mật...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT