Từ phòng rửa mặt trở về, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy cô tớ gái
khoảng mười bảy, mười tám tuổi đang thu xếp nệm gối và đồ đạc trong
phòng tôi. Áo ngủ đã được bỏ vào ngăn tủ, ngay cả valise của tôi cũng bị mở tung ra, áo quần trong ấy đã được treo vào tủ đứng, chỉ có hai bức
hình là còn nằm trên bàn giấy mà thôi.
Người tớ gái thấy tôi cúi đầu chào:
- Thưa cô, em tên là Mạc Bính, bà chủ sai em đến hầu cô.
Tôi quá ngạc nhiên khi thấy mình được sủng ái. Hồi nào tới giờ, tôi có được ai hầu hạ đâu. Nhìn đứa tớ gái sạch sẽ gọn gàng, tôi bỗng ngớ
ngẩn:
- Để đó tôi làm cũng được mà!
Mạc Bính nhìn
tôi cười, có lẽ nó cho tôi là đứa con gái nghèo nàn chưa có quen nếp
sống trưởng giả, nụ cười của nó không có vẻ gì ngạo báng. Ôm bình hoa
trên tay Mạc Bính hỏi tôi:
- Thưa cô cô thích loại hoa nào à?
- Hoa hồng cũng đẹp lắm rồi! Tôi đáp.
- Cô chủ tôi không thích loại hoa có sắc đỏ.
Mạc Bính nói.
- Cô chỉ thích loại hoa cánh màu lam, vừa khó trồng lại vừa ít bông, trong khi bà chủ lại thích loại hoa trắng.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Thế tất cả những loại hoa đó đều được trồng lấy cả à?
- Vâng ạ! Ngoài vườn hoa ra, chúng tôi còn một nhà mát để nuôi hoa nữa.
Mạc Bính đáp.
- Tất cả mọi người trong nhà nầy ai cũng thích hoa.
Rồi như sực nhớ điều gì Mạc Bính hoảng hốt:
- Chết không, tí nữa thì quên rồi, ông chủ đang đợi cô trong phòng ăn.
Đến cửa nó lại quay vào nói:
- Vậy cắm hoa hồng hở cô?
- Vâng! Tôi đáp.
Mạc Bính ôm bình hoa bước ra ngoài. Tôi đứng trước bàn trang điểm,
chải lại mái tóc ngắn, ngắm hình ảnh tươi mắt của mình trong gương, hai
vết chân mày thẳng làm tôi mang chút dáng vẻ con trai, đưa tay kéo lại
lọn tóc xòa trước má, tôi ngửi thấy hương hoa. Nhìn xuyên ra cửa kính,
những cánh hoa khoe sắc thắm trong rừng cây xanh um, sắc đỏ chen vàng
như lung linh trong nắng sớm khiến tôi lặng người trước vẻ mê hoặc của
thiên nhiên. Hoàn cảnh của cuộc sống mới khiến tôi cảm thấy vui sướng.
Hình ảnh đen tối với cái chết của mẹ tôi đã mờ dần, bản tánh hồn nhiên
lại đến với tôi. Nhìn bầu trời xanh mây trắng, ngắm cảnh xanh um của hoa lá, lòng tôi mở rộng muốn ca vang.
Ra khỏi phòng, qua hành
lang tôi chạy nhanh xuống lầu. Trong gian phòng ăn rộng và sáng sủa,
giáo sư La Nghị đang dùng bữa ăn sáng, có lẽ đã nghe thấy tiếng chân
xuống lầu, ông ngẩng lên nhìn. Trong vùng ánh sáng tỏ, mái tóc ông vẫng
bồng bềnh che khuất cả miệng. chỉ có đôi mắt là như hai ngọn đèn pha
trong khu rừng thẳm đang chăm chú nhìn tôi:
- Chào giáo sư ạ.
Tôi cười nói.
- Ừ.
Ông ậm ừ một tiếng rồi lại chăm chú nhìn tôi ra lệnh:
- Ngồi đó đi!
Tôi ngồi xuống trước mặt ông, trên bàn đã có xúc xích và món cải xào.
Một người đầy tớ trung niên mang đến cho tôi chén cơm trắng. Giáo sư La
Nghị tiếp tục cúi xuống dùng điểm tâm, không nhìn tôi nữa trong khi tôi
vẫn tò mò nhìn ông.
Bỗng nhiên, ông ngẩng lên nhìn thẳng tôi:
- Sao không ăn cơm đi?
Đôi chân mày ông nhíu lại.
- Em làm gì nhìn tôi dữ thế?
- A. Tôi vội vàng đáp
- Dạ tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu bằng cách nào giáo sư cho cơm vào miệng mà không làm lấm những sợi râu quanh miệng?
Tôi vừa dứt tiếng thì một tiếng cười dòn thật to từ phiá sau đưa tới.
Tôi nghiêng đầu nhìn sang, một thanh niên từ thang lầu chạy bay xuống,
đến cạnh tôi mỉm cười thú vị. Tôi chợt thấy đôi mắt của hắn và giáo sư
giống tạc nhau, chỉ khác một điều là hắn sạch sẽ hơn, râu hàm cạo sạch,
đầu tóc chải ngăn nắp, áo sơ mi trắng, cà vạt màu xám bạc. Hắn nhìn tôi
cười, đôi mắt pha lẫn nét tinh quái, đùa cợt không có vẻ đứng đắn tí
nào, Giáo sư trừng mắt nhìn hắn:
- Hạo Hạo! mầy làm cái gì đấy?
- Phải cô này là cái cô mà hồi hôm còn chút nữa ba đuổi ra ngoài đó không hở ba?
- Xin lỗi cô, cho phép tôi được tự giới thiệu, tôi là La Hạo Hạo,
nhưng tên Hạo Hạo có vẻ nữ tính quá nên xin được gọi tắt là La Hạo dễ
nghe hơn.
Giáo sư hét lớn:
- Mầy có ngồi xuống không Hạo?
La Hạo ngồi xuống, đôi mắt trong sáng vẫn tinh quái nhìn tôi. Hắn hãy
còn quá trẻ, có lẽ chỉ là thằng nhóc con lớn hơn tôi ba hay bốn tuổi là
cùng.
- Thưa cha cô họ Mẫn này ở luôn trong nhà mình hở cha?
La Hạo Hạo quay sang nhìn cha hỏi.
- Ừ, Giáo sư ậm ừ - Việc đó không liên can gì đến mầy cả. Bữa nay có học không mà giờ còn chưa chịu ăn cơm?
- Có hay không có học gì cũng vậy mà thôi.
La Hao bất mãn, nhìn sang tôi gã hỏi:
- Cô tên chi?
- Dạ tôi tên Ức My.
Tôi đáp. Hắn móc cây bút nguyên tử trong túi áo ra viết hai chữ "Ý
Mai" trên quyển sổ nhỏ và đưa cho tôi, đôi mắt hắn nhìn tôi dò hỏi:
- Phải viết như vầy không?
- Không.
Tôi đáp, đoạn lấy bút viết hai chữ "Ức My". Hắn gật đầu mỉm cười:
- Chữ Hán thật phong phú phải không cô? Cùng đồng âm nhưng lại khác chữ.
Giáo sư nghiêm khắc:
- Hạo Hạo! Cút ngay đi, tao có chuyện muốn nói với Ức My.
La Hạo chống đối:
- Thưa ba!...
Giáo sư tròn xoe mắt giận dữ:
- Tao biểu cút ngay, có nghe không?
- Thôi được để con đi.
La Hạo miễn cưỡng đứng đậy, hắn nhìn tôi:
- Ức My, có cơ hội chúng ta sẽ nói chuyện sau. Nhà họ La của chúng
tôi, cha con không thể cùng sống một nhà được, hai người mà ở chung nóc
nhà sẽ sụp ngay. Cha con chúng tôi không ai chịu được ai cả.
Nói xong hắn quay đầu đi ngay ra cửa. Trong nầy, Giáo sư đã dùng xong điểm tâm ông đứng dậy cứng cỏi và vắn tắt:
- Ức My, tôi nghĩ rằng tôi có quyền gọi tên cô, đã từ lâu rồi mẹ cô
là người bạn thân của gia đình chúng tôi. Mẹ cô là người đàn bà cứng cỏi không phục ai cả. Ba tháng trước, người có viết cho tôi một bức thơ
nhưng không có viết địa chỉ, có lẽ vì bà không muốn cho chúng tôi biết
để đến gặp bà. Tuy nhiên vì bà muốn chúng tôi chăm sóc cô, nên cô sẽ
được chúng tôi chu đáo lo lắng. Nhưng có một điều cô cần lưu ý, là đối
với Hạo Hạo, cô cần phải để mặc hắn, đừng chú ý đến, hắn là thằng lêu
lổng không dạy bảo được. Còn riêng đối với Khởi Khởi, tôi mong rằng cô
và nó sẽ là chị em bạn tốt.
Giáo sư đưa mắt nhìn lên thang lầu, như muốn tìm Khởi Khởi, nhưng chiếc thang vẫn vắng lặng. Một lúc ông lại tiếp:
- Khởi là con gái của chúng tôi. Còn riêng đối với vợ tôi.
Ông chợt nhìn tôi, giọng nói biến thành nhẹ nhàng êm ái.
- Sáng nay nàng đã gặp em rồi phải không?
- Vâng ạ!
Tôi đáp. Tôi hồi tưởng lại hình dáng người đàn bà xanh gầy.
- Nhưng lúc đó cháu không biết đó là bác gái.
- Bà ấy rất yếu.
Giáo sư nói.
- Ít khi rời phòng. Tốt nhất, em đừng làm phiền bà ấy nhé!
- Vâng ạ! Tôi mím chặt môi - Tôi sẽ cố gắng hết sức không làm phiền mọi người!
Giáo sư đăm đăm nhìn tôi:
- Tánh nết của em giống mẹ em như đúc. Ương ngạnh, cố chấp, giàu tình cảm nhất là tự ái quá cao.
Nói xong ông bước ra khỏi phòng ăn. Tôi ngồi một mình trong phòng ăn
rông thênh thang dùng hết bữa điểm tâm. Gian phòng này giống như phòng
khác có rất nhiều cửa, trong số đó, có một cánh cửa toàn bằng kính nhìn
suốt qua vườn hoa. Có lẽ ngôi nhà này rộng hơn tôi tưởng. Nếu không vì
quá xa lạ với nhà họ La, có lẽ tôi đã đi thám hiểm rồi, bây giờ chưa
quen nhiều thì đành nhẫn nhịn vậy.
Buông chén cơm xuống, tôi
nhìn quanh, trên tường treo la liệt ba bốn bức tranh sơn dầu, đa số là
những cảnh tối mờ ảo, dưới mỗi bức đều có ký chữ "K. K." viết tắt.
Bước lên lầu, tôi đi về phòng, nhưng khi bước qua một gian phòng có
cánh cửa sổ, tôi tò mò dừng lại nhìn bà La đang ngồi trên chiếc ghế
trước bàn. Bộ áo trắng thêu hoa với thắt lưng thả rộng hai bên, đầu tóc
được búi cao, để lộ chiếc gáy trắng nõn. Gương mặt nhìn nghiêng với một
nét đẹp tuyệt vời, sống mũi cao, hai hàng lông mi cong vút. Dáng dấp
thật trang trọng, cao quí thanh nhã như một bức họa.
- Vào đây em!
Tôi hốt hoảng nhìn quanh, nhưng không có bóng người thứ hai nào khác
ngoài tôi. Vậy có phải bà gọi tôi chăng? Tôi do dự không hiểu nên vào
hay không thì bà ta đã quay sang, đôi mắt to đen chăm chú nhìn tôi:
- Tôi kêu em vào đây!
Bà ta nói giọng nói thật lạnh lùng. Tôi bước vào, sực nhớ lại lần gặp
mặt ban sáng có lẽ tôi vô lễ với bà, nên vội cười và gật đầu chào:
- Thưa bác ạ.
Bà Nghị nhìn tôi đăm đăm một lúc rồi bảo:
- Lại đây em.
Tôi bước đến gần. Trong lúc bà chăm chú nhìn tôi, bỗng nhiên đôi mắt
đẹp của bà ta như bị làn sương mờ bao phủ. Bà nhẹ nhàng đưa tay lên xoa
vào vai tôi, rồi lại nắm hai tay tôi, những ngón tay thon dài trắng bệch so với màu da cháy nắng khỏe mạnh của tôi, tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Bà ta xiết chặt tay tôi, rồi mơ màng nói:
- Màu da đẹp quá, đẹp như nước da của mẹ em.
Đoạn ngẩng lên nhìn tôi:
- Mẹ em với tôi như hai chị em ruột, bà ấy thường bảo tôi: "Em đừng
làm như vậy, em đừng làm như thế kia, hãy nghỉ ngơi nhiều để béo ra một
tí! ". Bà chăm sóc tôi, tạo cho tôi một cuộc sống rất đẹp, màn cửa màu
trắng, nệm trắng, khăn trải bàn cũng trắng. Tất cả cái gì cũng trắng cả. ỉ Mẹ em nói, "này Nhã Trúc, chỉ có màu trắng là hợp với em thôi. Em đẹp quá, phải chi chị đẹp bằng một phần mười của em thì hay biết mấy". Mẹ
em không cho tôi làm một việc gì cả, thương tôi như thương con búp bê.
Bà ấy nói là: "tôi sẽ chăm sóc em suốt đời, suốt đời".
Tiếng
nói của bà Nghị bỗng trầm hẳn đi, gương mặt càng trắng bệch ra, tia mắt
như hôn mê, như hỗn lọan quấn lấy tôi. Sự thay đổi của bà làm tôi khiếp
sợ tôi xụp xuống, lo lắng:
- Bác Nghị, bác làm sao thế?
Đôi tay bà vẫn nắm lấy chặt tôi, đôi mắt càng lúc càng hỗn loạn, càng
tóe lửa, như đang chú tâm nhìn một ai ở sau lưng tôi, như không hề nghe
thấy tôi hỏi, miệng bà vẫn lải nhải:
- Em là em gái tôi, tôi sẽ chăm sóc em suốt đời, suốt đời.
Cứ mấy câu đó bà nhai đi nhai lại. Đôi mắt càng lúc càng to như đang
tóe lửa. Tôi hoảng hốt cực độ, thử rút tay ra, nhưng bà tay tôi như đang bị kềm chặt không rút ra được, tiếng lải nhải càng lúc càng nhanh để
rồi không biết bà ta nói gì nữa. Tôi hốt hoảng la to:
- Bác Nghị, Bác Nghị, Bác làm sao vậy?
Tôi cố gắng chống trả để rút tay ra, nhưng vẫn không được vì bị siết
quá chặt, chúng tôi đang lấn quấn thì bỗng nhiên một tia sáng lóe trong
đầu tôi, hay là bà ta điên! Ý niệm này càng làm cho tôi khiếp đảm hơn,
vì tôi sợ người điên hơn, gấp trăm lần ma quỷ. Tôi la lớn:
- Buông tôi ra! Buông tôi ra!
Có tiếng người chạy vào phòng. Tôi quay sang đó là một thiếu nữ rất
đẹp, cô ta chỉ nhìn thoảng tôi, xong vội chạy ra. Lập tức, tôi nghe gót
giày nện mạnh trên cầu thang, sau đó bóng dáng cao lớn của giáo sư chạy
đến. Đặt hai bàn tay to lớn của ông lên vai bà Nghị, ông lớn tiếng gọi:
- Nhã Trúc.
Bà Nghị buông lỏng hai tay tôi ra, đôi mắt quay sang nhìn giáo sư, sau đó lại khóc ngất:
- Chị ấy nói là lúc nào cũng chăm sóc em, chăm sóc em suốt đời kia mà!
- Thôi nín đi, Nhã Trúc.
Giọng giáo sư thật nhẹ nhàng giống như đang vỗ về chú mèo con. Ông nẹp đầu bà Nghị vào lòng, chiếc đầu nhỏ búi cao tựa vào lồng ngực vững
chãi. Một mặt ông đưa tay vuốt ve chiếc lưng gầy của bà, vỗ về.
- Thôi nín đi em. Nhã Trúc, nín đi em.
Bà Nghị vẫn còn thút thít khóc, nhưng rồi cũng nín đi. Một lúc khá lâu ngước đôi mắt đầy lệ nhìn chồng vẻ mặt đã tỉnh hẳn, bà nhẹ nhàng bảo:
- Anh Nghị, em xin lỗi mình.
- Không sao cả phải không em?
Ông Nghị nói, đôi mắt thật hiền từ khiến tôi có cảm giác như đó không
phải là đôi mắt của giáo sư, vì với một người có bản tính cộc cằn thô lỗ như ông lại có thể dịu dàng như vậy được sao? Ông Nghị vỗ nhẹ lên lưng
vợ:
- Thôi mình đi nằm nhé, để anh bảo Mạc Bính vô hầu em.
Bà Nghị gật đầu, đứng lên, bước về phiá giường ngủ. Ngoan ngoãn như
con thỏ trắng. Tôi bước ra khỏi cửa giáo sư Nghị theo sau, nhìn thấy tôi vẻ dịu dàng lúc nãy của ông bỗng biến mất ông tròn xoe mắt giận dữ:
- Cũng cô nữa, ai bảo cô đến quấy rầy bà ấy chi vậy? Tôi đã bảo cô rồi mà, cô đừng làm rộn mà chẳng nghe?
Tôi cảm thấy cả một trời oan ức, chỉ có trời mới dám bảo tôi quấy rầy
bà ta, vả lại nếu biết trước bà ta ghê gớm như vậy, thì tôi đã lánh xa
từ lâu rồi. Mở miệng tôi lẩm bẩm:
- Không biết ai quấy rầy ai trước.
Giáo sư Nghị trợn mắt nhìn tôi, vẻ mặt bất mãn bỏ đi. Tôi bước về
phòng, lòng đầy hối hận và khó chịu, chỉ mới là buổi sớm mai đầu tiên
đến ở nhà này mà đã không may như thế! Vào phòng ngồi ở mép giường nghĩ
đến cuộc sống ăn nhờ ở đậu phải va chạm với bao nhiêu khuôn mặt bất giác tôi thở dài.
Có chiếc bóng đen đứng án trước mặt. Tôi ngẩng
đầu lên, thì ra là cô gái ban nãy trong phòng bà Nghị, cô ta nhìn tôi
gật đầu bảo:
- Thấy chị không khép cửa, tôi mới bước vào.
Cô ta rất trẻ, có lẽ không lớn hơn tôi, chiếc robe màu trắng, mái tóc
xõa chấm vai. Không cần ai giới thiệu tôi cũng đoán được cô ta là ai,
khuôn mặt giống tạc mẹ cô nhưng đẹp hơn nhiều. Làn da mịn màng trắng
xanh như bà Nghị, đôi mắt đen nháy hơi sâu, hàng lông mi cong với đôi
môi mỏng tạo nên một vẻ đẹp xúc động lòng người. Tôi tuy không phải là
con trai mà vẫn bị mê hoặc như thường. Bản tính tôi từ xưa tới giờ lúc
nào cũng tôn sùng cái đẹp. Tuy nhiên vẻ đẹp tương tợ mẹ cô, vừa cao quý, vừa trang nhã này khiến tôi cảm thấy thật cách biệt.
- Chị là Khởi Khởi phải không?
Tôi hỏi. Cô ta gật đầu không đáp.
- Tôi là Mẫn Ức My.
Tôi tự giới thiệu. Cô ta lại gật đầu với vẻ cao ngạo và lạnh lùng như
không muốn nói chuyện với tôi. Thế là, tôi cũng yên lặng, đến một lúc
sau, mới nghe cô ta nói:
- Mẹ tôi thần kinh suy nhược, nhưng
không đến nỗi nào. Đôi lúc mới nổi cơn một lần, nhưng mỗi lần có ba tôi
bên cạnh là người hồi phục nhanh chóng.
Tôi nhìn cô ta, lòng
bỗng xúc cảm. Tôi nghĩ có lẽ cô ta nói như thế là để cho tôi khỏi lo sợ
bà Nghị nữa, cho tôi hiểu rằng dù với vẻ lạnh lùng bên ngoài nhưng bên
trong lại chứa đựng trái tim hiền hoà, vì có nhiều người trời sanh ra
không biết biểu lộ tình cảm của mình cho người biết. Nghĩ thế, tôi càng
thấy thích Khởi Khởi hơn. Tôi nhiệt thành nói:
- Vậy hả? Sao không mời bác sĩ đến khám bên cho bác?
Cô ta bỗng trừng mắt nhìn tôi:
- Tại sao chị biết chúng tôi không mời bác sĩ đến khám bên cho mẹ tôi?
Lòng nhiệt thành của tôi đã bị dìm vào băng giá. Tôi nghĩ rằng càng ít nói càng hay hơn, nói nhiều chả ích gì lại đụng chạm nữa thì khổ. Tôi
thề với chính mình là sẽ không nói một câu nào nữa hết. Nhưng rồi bỗng
nhiên từ vườn hoa bên ngoài tiếng hát lanh lảnh của một cô gái đưa vào
giọng hát ấm, cao vút. Đây là bản nhạc quen thuộc mà mẹ tôi thường hát:
Hoa phi hoa, vụ phi vu.
Dạ bán lai,thiên minh khứ
Lai như xuân mộng bất đa thời
Khứ tựa triều vân, vô thỏa xứ.
Tạm dịch:
Chẳng phải là sương, chẳng phải hoa,
Nửa khuya em đến, sáng em về,
Đến như giấc mộng, xuân không đợi,
Đi tựa mây trời không định nơi.
Tiếng ca lảnh lót lập đi lập lại mãi. Tôi như bị lôi cuốn bởi tiếng hát, quên đi lời thề lúc nãy, tôi hỏi Khởi Khởi:
- Ai đang hát thế hở chị?
- Gia Gia hát đấy.
Cô ta nói, đoạn lạnh lùng quay đi khi tôi chưa kịp hỏi tiếp câu thứ hai.
Gia Gia là ai vậy? Tôi muốn hỏi nhưng cô ta đã ra khỏi phòng. Không
dừng được, tôi nhoài người nhìn ra ngoài, chỉ thấy vườn hoa dầy dặt,
tiếng hát phát ra từ đó mà người đâu không thấy.
Nhịn không
nổi tính tò mò, Gia Gia? Ở nhà họ La này lúc nào cũng thích dùng tiếng
lập lại như: Hạo Hạo, Khởi Khởi, rồi lại thêm Gia Gia. Thế Gia Gia có
phải là em út của Hạo Hạo với Khởi Khởi hay chăng? Nghe tiếng hát, có lẽ cô bé này đẹp lắm! Bước ra cửa, tôi biết rằng ít bước ra khỏi nhà chừng nào tốt chừng nấy, chỉ mới một buổi sáng đầu tiên mà tôi đã bị rắc rối
như vậy. Nhưng rồi cũng không thoát khỏi sự quyến rũ của tiếng hát, tôi
phải tìm cho ra người ca bài hát trên.
Bước xuống lầu, nương
theo tiếng hát, tôi bước ra vườn hoa. Mở vội cánh cửa từ phòng ăn thông
ra ngoài, nhảy xuống mấy bực tam cấp, bước vào khu vườn cây rộng lớn,
ven theo con đường nhỏ trải đá mát rượi bởi những hàng cây cao, tôi bước vào vườn hoa.
Vườn hình tròn, chính giữa trồng một trụ sắt,
bên ngoài nhiều loại hoa được vun trồng rất thứ tự, hàng ngoài cùng rộng nhất đầy hoa hồng, mùi hương thơm ngát, những cánh hoa rơi lả tả chung
quanh theo ngọn gió nhẹ đầu hè. Vượt qua vườn hoa, là khu rừng cây nhỏ,
thoáng nhìn không thấy thứ tự nhưng khi lại gần thì mới nhìn thấy sự
chăm sóc khéo léo, những cây tùng, cây bách tuy chưa thật lớn nhưng
thẳng vút lên cao trông rất hùng vĩ. Xen kẽ là những hoa hướng dương và
trà hoa, có lẽ vì chưa đến mùa trà nên chưa thấy hoa nở, chỉ có loài hoa hướng dương là phô cả sắc hương bên đám lá xanh thu hút. Bên dưới thân
cây các loài hoa khác như hoa hồng, cúc, thạch lựu, tường vi... nở đầy
chen lẫn với những loài hoa khác mà tôi chưa biết tên.
Vào
vườn cây, tôi có thể nhận định rõ nơi tiếng hát cao vút thanh tao kia
vọng tới. Đôi lúc tiếng hát như ngưng bặt, có lẽ người hát đang làm
việc. Tuy rằng lời ca vẫn bấy nhiêu lập đi lập lại mãi, lúc cất lên, lúc ngưng bặt, lúc thấp, lúc cao nhưng vẫn đầy vẻ quyến rũ.
Lần
theo tiếng hát, bước vào vườn cây, tôi đứng đấy lắng nghe. Tiếng ca bỗng ngưng bặt, chung quanh không một bóng người, trước mắt chỉ là những
hàng cây xanh điểm những chấm đỏ nơi đầu cành. Vượt qua giàn cây, đưa
mắt lục lọi khắp nơi cũng chỉ thấy hoa và lá. Tôi ngồi xuống ghế tựa
lưng suy nghĩ mông lung và lắng chờ tiếng hát. Tôi cảm giác như mình
đang bị trêu chọc, bực tức ngẩng đầu lên, tôi la lớn:
- Có ai trong này không?
Tiếng hỏi của tôi như tan biến đi trong gió.
Đứng lặng một lúc, vẻ yên lặng chung quanh như hơi khác thường, tôi thấy không an tâm lắm, tôi muốn ra khỏi vườn cây.
Khi vừa bước được mấy bước thì tiếng hát khi nãy lại cất lên. Theo
những câu cuối của bài hát, tôi chạy nhanh vào vườn cây, và giờ đây, tôi đã bắt gặp người đang hát.
Cô ta đang khom người trước gốc
tùng, lưng quay về phiá tôi. Bên cạnh có bình tưới hoa và cây cuốc. Cô
ta vừa nhổ cỏ vừa hát. Có lẽ vì vừa mải hát vừa chú tâm vào công việc
nên cô ta không nghe tiếng chân của tôi đi đến cạnh, đang nhìn ngắm cô
ta. Thân thể cô gầy ốm trong chiếc áo hoa nội hoá, đầu tóc búi theo kiểu xưa, nhìn cách ăn mặc, tôi nghĩ có lẽ cô ta là người làm trong nhà.
Đứng dừng lại, tôi la lớn:
- Hù!
Tiếng "hù" thật
lớn của tôi không gây một xúc động nào, cô ta vẫn tiếp tục ca hát như
không nghe thấy gì hết. Tôi ngạc nhiên nhìn, bỗng nhiên tôi khám phá ra
một điều gì không ổn! Đúng rồi mái tóc bạc! Nếu là con gái thì tóc sao
lại bạc như thế! tôi đến trước mặt bà la to:
- Hù!
Lần này thì bà ta đã chịu ngưng tiếng hát và ngửng đầu nhìn lên. Tôi
chăm chú nhìn gương mặt lạ lùng này. Đó là một bà già, nhưng gương mặt
cũng như tiếng hát ngớ ngẩn một cách hết sức thơ ngây. Bà ta nhìn tôi
với đôi mắt ngơ ngác, miệng há hốc. Một gương mặt không làm sao cho
người ta ghét được. Tôi nhìn bà cười hỏi:
- Ngôi vườn này do tay bà chăm sóc đấy à?
Bà đứng lên, tướng người lùn, chỉ cao đến mí mắt tôi. Chăm chú nhìn tôi không đáp và mỉm miệng cười ngờ nghệch.
- Bà ca hay quá!
Tôi nói thêm vì nụ cười của bà làm tôi cảm thấy thân thiện. Bà ta vẫn
cười không nói. Nhưng mà đã hai câu nói của tôi không được trả lời khiến tôi hơi cụt hứng.
Tôi nghĩ rằng hay là mình nên tự giới thiệu trước có lẽ hay hơn chăng?
- Tôi là người mới đến gia đình giáo sư, tôi tên là Ức My.
Bà ta lại cười, nụ cười giống như bức tượng phật. Tôi không vui lắm,
tại sao mọi người trong nhà họ La nầy lại đối xử với tôi lạnh lùng đến
thế, bàn tay thân thiện của tôi đưa ra không được một ai bắt lấy. Quay
đầu lại, tôi hơi giận:
- Tôi buồn cười lắm phải không? Bộ tôi đui què sức mẻ gì hay sao mà bà nhìn tôi cười hoài vậy?
Có lẽ lời nói của tôi làm cho bà ta ngượng. Bà cúi xuống, rồi ngồi xuống tiếp tục nhổ cỏ, thờ ơ.
Tôi cắn lấy ngón tay cái, ngẩn người suy nghĩ xem có nên thu xếp đồ
đạc trở về Cao Hùng hay không? Bà hiệu trưởng họ Lâm tuy nghèo, không
thể mang đến cho tôi một cuộc sống đầy đủ, nhưng thành thật và gần gũi
hơn, có đủ tình cảm của một con người còn đủ tim óc.
Đang lúc
tôi ngẩn người ra suy nghĩ thì bà ngước lên nhìn tôi, nụ cười vẫn điểm
trên môi, tay chỉ về phiá cây tùng, nói từng tiếng trên môi:
- Sắp nở hoa rồi đấy!
Tôi kinh ngạc. Sắp nở hoa rồi, mà cái gì sắp nở hoa đây chứ? Nhìn theo hướng tay, tôi thấy trên thân cây tùng có một loại dây leo không lá màu vàng, trên có những nụ hoa rung rinh trong gió một cách tội nghiệp. Tôi bỗng thấy thích thú vì bà ta đã nói chuyện với tôi. Lấy tay vuốt nhẹ nụ hoa màu trắng sữa, tôi vui sướng hỏi:
- Thế hoa nầy tên gì hả bà?
Bà ta ngơ ngẩn nhìn tôi làm như tôi đang nói tiếng Mông cổ không bằng.
- Hoa sắp nở rồi!
Bà ta lập đi lập lại và đứng dậy. Sắp nở hoa rồi, khi gió lên lá bắt
đầu rụng thì hoa sẽ nở. Bà ta lại ngẩng lên trời với tất cả sự chú tâm
và lập lại:
- Khi gió lên, lá bắt đầu rụng thì hoa sẽ nở.
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao phải đợi đến lúc gió lên?
Bà ta không đáp, nhìn tôi ngẩn ngơ, một lúc sau lại nói:
- Cô có thấy không?
Tôi ngơ ngác:
- Thấy gì?
- Hoa sắp nở rồi.
Bà ta chỉ lên cây tùng, tôi chăm chú nhìn bà, người đàn bà nầy sao lạ
vậy, hình như có một cái gì bất thường tôi nghĩ mông lung.
Trong lúc tôi đang nghĩ mông lung. thì từ trong lùm cây một bóng người
bước ra. Từ Trung Đan, gã thanh niên đã đưa tôi vào ngôi nhà họ La nầy,
quần áo xốc xếch, tay cầm một quyển sách dầy. Thái độ hết sức tự nhiên,
hắn bước đến bên tôi, nụ cười trên môi gật đầu chào tôi:
- Chào cô Mẫn.
- Dạ, không dám chào ông.
Tôi gật đầu chào lại. Hắn lại quay sang bà lão gật đầu:
- Chào Gia Gia.
Đoạn bước đến đưa tay vỗ vai bà lão như vỗ về trẻ nít.
- Sao? Hoa nở chưa?
Gia gia vui vẻ:
- Hoa sắp nở rồi!
- Ồ!
Trung Đan có vẻ vui sướng.
- Hoa sắp nở thật rồi, năm nay hoa nở sớm hơn mọi năm.
Hắn lại quay sang tôi.
- Cô Ức My đi đạo quanh vườn với tôi một chút nhé!
- Vâng!
Tôi đáp. Chúng tôi thả bộ trong khu vườn cây. Trung Đan nói:
- Cô đừng mất công chuyện trò với Gia Gia, bà ta hơi khật khùng, không biết gì hết.
- Vậy sao?
Tôi ngạc nhiên.
- Nhưng đừng sợ, coi vậy chứ bà ấy hiền lắm không làm phiền ai hết.
Đôi lúc bà ta không có vẻ gì là ngây ngô cả, thí dụi? như bà ta thích
được khen ngợi, biết ăn mặc sạch sẽ, biết chăm sóc cây cỏ, biết cỏ nào
là cỏ dại, biết đâu là mầm hoa. Có nhiều khi tôi thấy bà ta rất thông
minh, biết nhìn người nhìn vật. Trí nhớ rất khá như bài ca mà bà ta
thường hát không bao giờ hát nhảy hay ca sai một câu.
Tôi ngạc nhiên, háo kỳ lắng nghe:
- Thế bà ta là gì trong gia đình nầy?
- Hình như là có họ xa. Gia đình giáo sư La đã mang bà ta từ Đại Lục
đến đây. Đúng ra bà ấy là người làm vườn, chăm sóc cả vườn hoa rộng lớn
nầy. Khu vườn nầy mà tốt tươi đều do sự trông nom của Gia Gia.
Tôi lắng nghe. Trung Đan tiếp:
- Nhưng có một điều, bà ấy có những ngôn từ riêng của bà ấy. Thí dụ
khi nói gió lên thì có nghĩa là đến mùa giông bão. Gia Gia thích nhất là những sợi dây leo đó, bà ta chăm sóc kỹ như mẹ chăm sóc con.
- Thế dây leo đó tên gì vậy?
- Ồ! Trung Đan cười to - Cây cỏ đối với tôi thật xa lạ Trong khu
vườn nầy có nhiều loại hoa tôi không biết gọi tên, tuy vậy tôi cũng
thích nghiên cứu vấn đề nầy lắm. Cành dây leo kia, cô có bao giờ nghe
đến một loài cây có tên là Thố Ty Hoa chưa?
- Thố Ty Hoa? Tôi nói - Trong thơ cổ tôi có nghe thấy nói đến, như trong thơ Lý Bạch có
một bài thơ hay nói về Thố Tý Hoa và Nữ Oa Thảo.
- Đúng rồi,
tôi ngờ rằng loại Thố Ty là lại dây leo đó, nhưng tôi không chứng minh
được. Chỉ biết có lần tra tự điển tôi thấy giải thích về Thố Ty tương tợ loại dây leo nầy vì vậy tôi gọi nó là thố ty Hoa.
- Tiếc là không có Nữ Oa Thảo ở đây. Tôi cười nói. Bằng không thì:
Bá Trượng thác viễn Tòng.
Triển cảm thành nhất gia
(Cách xa nhau trăm trượng.
Nhờ Tòng kết thông gia).
Như vậy thì đẹp biết bao!
Trung Đan quay sang, nhìn tôi thăm dò:
- Cô thích thơ lắm à?
- Cũng không thích gì mấy, nhưng tôi hay nghe mẹ tôi ngâm nga nên
quen tai rồi cũng bị ảnh hưởng phần nào. Nhưng mà bản tánh tôi ít khi
chịu chú tâm vào một việc. Sở thích quá rộng rãi, lại không ưa gò bó, mà thi ca bắt buộc phải để tất cả tâm hồn vào, nên đối với tôi thì cao xa
quá.
Chúng tôi đi đến cạnh một băng ghế đá, Trung Đan hỏi:
- Chúng ta ngồi một lát nhé.
Tôi ngồi xuống, hắn ngồi bên cạnh, đặt quyển vở lên gối, tôi liếc nhìn thấy đề "Phổ thông Tâm Lý Học".
- Anh học môn tâm lý à? Tôi ngạc nhiên.
- Không. Hắn đáp - Nhưng, vì đối với tôi cái gì tôi cũng thích, nên tôi nghiên cứu chơi cho vui vậy.
Tôi nhìn hắn:
- Thế anh là gì trong nhà họ La nầy?
- Tôi là học trò giáo sư La Nghị, tôi đã học hết hai năm địa chất,
sau đó vì thấy nó quá khô khan nên tôi chuyển qua học mỹ thuật. Tôi tốt
nghiệp năm rồi. Bây giờ tôi dạy trường trung học công lập ở đây. Giáo sư mời tôi đến đây ở, sẵn dịp dạy cho Khởi Khởi vẽ luôn.
- Khởi Khởi à? Tôi hỏi.
- Đúng vậy. Khởi Khởi vừa thông minh vừa dễ thương lại siêng học.
Nghĩ đến Khởi Khởi, vẻ xinh đẹp tuyệt vời và nét mặt lạnh lùng của cô ta, tôi hỏi tiếp.
- Thế anh ở đây đã bao lâu rồi?
- Khoảng hơn một năm.
Tôi yên lặng nhìn quanh, tia mắt rơi trên bìa quyển Tâm Lý Học:
- Quyển tâm lý học nói gì vậy anh? Nó có thể giúp anh biết được tâm lý người khác không?
Trung Đang ôm sách vào lòng đôi mắt sáng nhìn tôi như cười cợt:
- Biết chớ sao không! Thí dụ như bây giờ tôi có thể phân tách được tâm lý của cô.
- Đâu thử xem.
Tôi nói. Hắn nhìn tôi một chập đoạn nói:
- Cô ấy à? Tôi biết cô đang nghĩ trong gia đình họ La nầy người nào
cũng lạ lùng ngoài điều cô tiên liệu, cô lạ lùng về sự kết hợp của gia
đình nầy. Một người cha thô lỗ khó tánh, một người mẹ đau thần kinh, hai đứa con hai bản tánh, một bà làm vườn khật khùng cộng thêm vào một giáo sư tư gia không ăn lương như tôi. Và cô nghĩ rằng việc cô nhảy vào nhà
họ là nầy ở trọ là một điều thiếu suy xét cẩn thận. Đến đây không được
ai đoái hoài đến, tự ái bị tổn thương và cô đang suy tính tìm cách để ra khỏi gia đình nầy trở về chốn cũ thích thú hơn.
Trung Đan nhìn tôi cười, hắn hất đầu lên để những sợi tóc trước tránh rơi về sau, hỏi:
- Đúng phần nào không cô?
Tôi ngạc nhiên mở to đôi mắt:
- Ồ! Anh có thể là nhà tâm lý tài ba lắm đấy.
Hắn cười to, vui vẻ:
- Nói cho cô biết, sự thật ra việc phân tách tâm lý cô và quyển tâm
lý học nầy hoàn toàn không giống nhau. Tâm Lý Học là một khoa học còn
việc thấu hiểu tâm lý của một người lại là một chuyện khác. Tâm lý học
chuyên môn hơn và có liên hệ mật thiết với y học và sự cấu tạo thể xác
của con người. Còn việc tôi phân tích tâm lý của cô được, đó là một điều giản dị. Một năm trước, khi mới đến đây tôi cũng mang một tâm trạng như cô, và tôi nghĩ rằng một người ở cùng hoàn cảnh sẽ có cùng một tâm
trạng, do đó tôi nghĩ rằng cô cũng tương tự.
- À thì ra thế! Tôi cũng cười to.
- Giản dị quá phải không cô?
- Vâng, thật giản dị, nhưng mà anh đã làm cách nào thoát được cái cảm giác bị bỏ rơi đó.
Trung Đan nhìn tôi thật lâu, yên lặng một cách kỳ quái. Sau đó hắn đứng lên chậm rãi nói:
- Rồi một ngày nào đó, cô sẽ khắc phục được.
Nói xong hắn lại nhìn ra vườn.
- Bây giờ tới giờ dạy Khởi Khởi học.
Bỗng nhiên, hắn đứng lại hỏi:
- Cô đậu tú tài chưa?
- Dạ, đậu chừng một năm nay rồi. Tôi đi học sớm lắm, chỉ tại mẹ bệnh nên tôi không thi vào đại hoc.
- Thế cô muốn thi không?
Tôi gật đầu.
- Cô muốn học ngành nào?
- Tôi chưa quyết định.
Hắn dừng lại thêm một lúc, đoạn cười nói:
- Cô có thấy loài người lạ lùng không. Mỗi cái miệng nhưng không bao
giờ có cùng một khuôn mặt. Mỗi người đều có cùng một cấu tạo về nội
tạng, xương cốt, đại não, tiểu não, thế nhưng không bao giờ óc có cùng
một bản tánh. Ngay cả trí thông minh cũng có sự khác biệt, mỗi người mỗi dáng trời sinh ra con người không bao giờ có sự trùng hợp. Như giữa cô
và Khởi Khởi đều ở tuổi mười bảy, mười tám, nhưng cả hai lại hoàn toàn
khác biệt.
Tôi cười nói:
- Đó có phải là nguyên nhân khiến anh nghiên cứu về tâm lý học chăng? Rồi tôi thắc mắc- Thế Khởi Khởi không đi học à?
- Cô ấy chỉ học đến đệ tam thôi.
- Tại sao vậy?
- Tại bệnh phổi hay là bệnh gì khác không biết, cô ấy quá cô độc
không thể sống hợp quần, không thể hòa hợp được với các sinh hoạt nhà
trường. Mặc dù bệnh phổi đã hết hẳn nhưng cô ấy không thích đến trường
nữa. Niềm vui của cô ấy quá nhỏ bé, lối giáo dục phổ thông không thích
hợp với cô ta.
- Nói khác đi, có phải bài vở trong lớp của cô ấy quá kém chăng? Tôi hỏi.
- Đúng vậy, trừ môn hội họa và âm nhạc, bài vở của Khởi Khởi ít khi
trên điểm trung bình. Vì vậy trên phương diện nghệ thuật, cô tỏ ra là
một thiên tài lãnh hội rất nhanh chóng, cô đàn piano rất hay. Đối với
người có thiên tài như vậy, nền giáo dục phổ thông chỉ làm thiệt tài
năng thôi.
- Anh có vẻ bất bình cho cô ấy lắm.
- Đúng! Trung Đan suy nghĩ một lúc đoạn nói - Đó là một cô bé có thiên tài, rất dễ thương.
Tôi nghĩ đến Khởi Khởi, không ai lại không nói là cô ấy dễ thương. Đẹp là một lợi thế. Thượng đế thật lạ lùng, đã tạo ra con người mà còn phân biệt đẹp xấu làm chi? Như chợt nhớ ra, Trung Đan cắt đứt dòng tư tưởng
của tôi:
- Chết! tôi phải đi đây, cô có thể tiếp tục đi dạo ở đây vừa mát, phong cảnh lại hữu tình.
Trung Đan bước đi một đỗi rồi quay lại cười thật tươi:
- Cô thông minh lắm, nói chuyện với cô thật thích thú.
Tôi ngồi lại, ngắm nhìn cái dáng cao gầy của hắn khuất sau lùm cây.
Hai tay ôm gối, tựa lưng vào thân cây, tôi nghĩ ngợi vu vơ. Cơn gió phất phơ làm vài chiếc lá vàng rơi trên áo, tôi nhặt một chiếc lá hãy còn
màu xanh nhạt, hình quả tim, có mùi thơm, cọ nhẹ lên mũi. Tạo cho tôi
một cảm giác thích thú.
Có tiếng chân người nhẹ bước về phiá
tôi. Quay đầu sang, thì ra là Gia Gia, bà ta đang đứng cạnh và chăm chú
ngắm tôi. Đôi mắt không còn ngây dại nữa, mà đăm đăm nhìn tôi như muốn
tìm một ai qua hình ảnh tôi. Tôi vỗ nhẹ tay lên ghế và mời:
- Ngồi chơi, Gia Gia!
Tức khắc nụ cười khờ khạo lại xuất hiện và bà ta xoay lưng bỏ đi, vừa đi vừa lẩm bẩm, tôi chỉ nghe những tiếng đứt đoạn:
- Bà ấy nói bà thích.. kêu tôi chăm sóc hoa. Bà nói tôi với mọi người như nhau cả, nếu không chăm sóc.. sống không được...
Tôi vẫn cô độc ngồi đấy, đồng hồ trên tay chỉ gần mười hai giờ, đứng
dậy, phủi nhẹ những chiếc lá bám trên áo, tôi bước ra khỏi vườn hoa.
Cầm hoa trên tay tôi bước lên bực tam cấp, mở cửa kính và bước vào
phòng. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên vì phòng nầy khác hơn lúc nãy. Trong lúc tôi còn đang sửng sốt ngó quanh, thì tia mắt tôi bắt gặp giáo sư
đang ngồi sau chiếc bàn giấy rộng trố mắt nhìn tôi.
- Ủa giáo sư! Xin lỗi, tôi đã đi lộn cửa.
Giáo sư vẫn chăm chú nhìn tôi. Trong đám râu tóc rậm rạp như cỏ dại,
đôi mắt ông long lanh một cách kỳ quái. Tôi không nghe ông la lối, có lẽ việc đường đột xông vào của tôi đã làm cho ông ta phiền lòng.
- Xin lỗi giáo sư. Tôi lập lại, một mắt lui ra cửa - Xin lỗi đã làm phiền giáo sư.
Bỗng nhiên ông ta nói:
- Khoan đã, đến đây bảo.
Tôi hơi do dự, đoạn bước tới. Giáo sư vẫn nhìn tôi rồi kéo ghế để trước mặt, ông nói:
- Ngồi xuống đây.
Tôi vâng lời ngồi xuống, bây giờ đối mặt ông tôi có thể nhìn ông rõ
hơn. Hai hàng lông mi đen sậm với chiếc trán rộng, một phần phủ đầy tóc, chiếc cằm vuông đầy vẻ cương nghị, sống mũi hơi cao, chứng tỏ ông là
người cứng rắn. Ông cất tiếng hỏi:
- Em đang nghĩ gì đấy?
Tôi hoảng hốt:
- Dạ, dạ tôi.. tôi nghĩ là nếu giáo sư cạo sạnh râu đi thì không biết gương mặt sẽ ra sao!
Ông ta lườm tôi. Tôi chợt hối hận, sao lúc nào tôi cũng có thể thốt ra những tiếng không nên nói như vậy. Giống như mẹ thường nói, tôi chưa
thể lớn được phải không? Len lén nhìn ông, tôi hú hồn, ông không có vẻ
gì là giận dữ cả, đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi từ mặt đến đóa hoa trên
tay. Ông ôn tồn hỏi:
- Em cũng thích hoa nữa à?
- Vâng ạ!
Ông đón lấy đóa hoa trên tay tôi, đoạn chăm chú nhìn:
- Đây là hoa của Khởi Khởi, nó đặt tên là Đừng quên tôi.
- Có thật đóa hoa nầy tên là Đừng quên tôi hay không giáo sư? Tôi hỏi.
- Có lẽ. Ông liệng đóa hoa xuống - Hoa cỏ là những món giải trí của đàn bà.
Rồi ngước lên ông như xuất thần, bất động ngắm gương mặt tôi một lúc
lâu như trên gương mặt nầy có một cái gì lạ lùng kỳ quái. Sau đó ông đưa bàn tay to lớn của ông lên, vuốt những sợi tóc trước trán tôi, hành
động bất ngờ nầy làm tôi hoảng sợ. Nhưng nhìn vẻ ôn hòa dịu dàng của ông tôi an tâm, tia nhìn vẫn còn bị khuôn mặt tôi thu hút, một lúc sau ông
bỏ tay xuống, tựa vào ghế, nhỏ nhẹ bảo:
- Em không đẹp lắm,
nhất là không đẹp bằng Khởi Khởi, nhưng nhìn đôi mắt thông minh và gương mặt tươi sáng của em, tôi biết em là người giàu nghị lực. Ông yên lặng
một lúc - Em không những chỉ thông minh mà còn đầy lòng thương người
nữa phải không?
Rồi không đợi đáp ông nói:
- Vẻ đẹp đâu cần chỉ ở bề ngoài. Đoạn ông vỗ về cách tay đặt trên gối của tôi - Ức My! Em đẹp lắm.
Tôi như người mê ngủ trước đôi mắt như thôi miên của ông, lời nói ôn
tồn làm tôi xúc động. Đây là người đàn ông như thế nào? Trái tim ông ta
ra sao mà dễ thay đổi như thế? Gương mặt đầy râu ria của ông giống như
một con sư tử đực hùng tráng. Sư tử đực! Tôi bỗng nghĩ đến cái bờm của
nó, rồi nhìn gương mặt đầy râu của giáo sư, bỗng nhiên tôi không thể nín cười được.
- Hừ! Giáo sư nhíu mày lại - Bộ em thường hay cười khan như vậy sao?
Tôi hốt hoảng:
- Dạ xin lỗi, tôi thường cười không nhằm lúc, xin lỗi giáo sư, tôi sẽ cố gắng bỏ tật đó.
- Em nói cho tôi biết, tại sao em cười?
- Dạ, dạ.. tôi nói như đớ lưỡi- Dạ. Tại con sư tử đực.
Ông ta lườm lườm nhìn tôi, tất cả vẻ hiền hòa trên gương mặt lúc nãy đã biến mất:
- Em thường nói bậy, nói bạ như vậy lắm sao?
Tôi ngương nghịu:
- Dạ không phải tôi nói bậy nói bạ mà vì tôi nói chưa tròn câu ạ.
Giáo sư lại cân nhắc nhìn tôi một lúc, rồi như không nhẫn nại được nữa, ông xô ghế đứng lên lạnh lùng nói:
- Hôm nay là ngày nghỉ cuối cùng của em.
- Dạ thưa chi ạ? Tôi chưa rõ ông bảo gì?
- Bắt đầu ngày mai em phải làm một thời khóa biểu ấn định giờ giấc
đàng hoàng, em sẽ bắt đầu học để sang năm thi vào đại học. Tôi sẽ nhờ
Trung Đan dạy em học toán lý hoá, quốc văn môn nào nó cũng giỏi cả. Đấy
cũng là nguyện vọng của mẹ em, em hãy ráng mà liệu lấy, bây giờ em có
thể đi được rồi!
Tôi đứng dậy hơi hối hận nhìn ông:
- Cám ơn giáo sư, Giáo sư đã lo lắng cho tôi quá đầy đủ.
Ông ta ngẩng lên, mắt nhìn tôi trừng trừng như không biết tôi nói những gì.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT