- Ngươi đừng mở miệng hủy báng tinh quân. Ngươi phải biết tinh
quân của chúng ta thân phận thế nào, thần thông ra sao chứ? Tất cả các
đại la kim tiên thấy mặt bà, đều phải vái dài. Dao Trì Tây vương mẫu là
lãnh tụ quần tiên, Nguyên Thủy, Lão Quân là tổ sư thần tiên, cũng chẳng
dám lên mặt trưởng bối với công chúa. Bà mà thi triển đại thần thông, e
rằng hạng súc sinh nhỏ bé như ngươi phải mất mạng. Nguyệt phủ là nơi
thanh tu, há có thể để cho lũ nghiệt súc như ngươi tới gây sóng gió ?
Công chúa còn có thể lên thiên đình, triều bái Thiên đế, xin hưng sư,
động binh, tới đây đối phó. Nhưng bà rất ghét dụng binh, vạn bất đắc dĩ
mới phải bày ra kế nhỏ mọn này, để giữ ngươi lại đây, làm công trình.
Ngươi nói công chúa dụ dỗ, lừa gạt ngươi là không đúng. Bà đã tuyên chỉ, bảo ngươi ở đây cưa cây, lấy công chuộc tội, người cũng tự mở miệng
xưng "Tuân chỉ", tự nguyện làm người thợ rồi mà. Nay công trình còn chưa khởi công, công chúa sợ ngươi không chịu làm đến nơi đến chốn, nửa
chừng chán nản bỏ bê chăng. Ngươi vừa học được phép phi hành, đang cưa
cây nửa chừng, lại hứng chí bay xuống hạ giới chơi, bao giờ mới cưa xong cây ? Vì thế, phải giữ ngươi lại, dính chặt bên gốc cây sa bà.
Hậu Nghệ không có lời nào để cãi lại, đành nhẫn nại lo việc cưa
cây Nhưng hắn cưa được nửa chừng thì một cơn gió quái nổi lên, mạt cưa
bay tá lả, tối tăm mặt mũi. Chừng gió lặng, nhìn lại, thì lạ lùng thay,
chẳng thấy vết cưa đâu cả, cây cổ thụ vẫn đứng sừng sững, vượt khỏi đám
mây. Hậu Nghệ chán nản hết sức, không biết việc cưa cây bao giờ mới
xong. Bao hùng tâm, đạo chí dần dần nguội lạnh cả.
Hai ngày ở trên trời là vài tháng dưới trần gian. Bấy giờ, trong nước Hữu Cùng của Hậu Nghệ, người ta thấy mất quốc vương, triều đình
bàn tán xôn xao, không biết giải quyết ra sao. Các vị thần lớn nhỏ trong nước mới làm sớ tâu lên thiên đình. Ngọc đế sai tra xét, biết được Hậu
Nghệ đang ở chỗ công chúa. Lại tra ra người này đáng lẽ được ở ngôi vua
hơn năm trăm năm, nhưng vì hắn trị dân không có đức độ, tàn hại dân
chúng, mới tước bỏ lộc và mệnh hắn đi, chẳng bao lâu sẽ bị bề tôi giết
chết. Ngọc đế mới ra lệnh cho Thái Bạch kim tinh truyền dụ ra ngoài, đem thân xác Hậu Nghệ thả ra, trả về bản quốc, để triều thần soán ngôi,
giết chết. Còn linh hồn hắn, vẫn giữ lại ở nguyệt cung, vĩnh viễn làm
công việc cưa cây, thay vì đưa xuống âm tào chịu tội. Chừng nào tội
nghiệt trả xong, mới cho phép được đi đầu thai.
Trên đây là những lời tường thuật của Thiết Quài tiên sinh,
người làm sách xin được thêm thắt vài câu, để quí vị độc giả hiểu rõ
hơn. Ngày nay các nhà khoa học, nhà địa lý, nhà thám hiểm, đều cho rằng
nguyệt cầu cũng là một tinh cầu, tất cả đều có nhân dân, thành quách,
chế độ văn vật. Nhưng theo các cố sự tương truyền từ mấy ngàn năm ở
Trung Quốc, thì trong cung trăng có Thái âm tinh quân cai quản mọi việc. Lại có người nói về việc cưa cây sa bà, cưa đến đâu gãy đến đó, gãy rồi lại hồi phục. Trên cây có treo giỏ cơm, mỗi lần cây đổ, giỏ cơm hạ
xuống, cây hồi phục, giỏ cơm lại lên cao. Những điều đó so với những
điều sách này đã nói, không sai bao nhiêu. Lại có người nhận lầm Hằng
Nga chính là Thái âm tinh chủ, mà không nói người cưa là ai, vì sao phải chịu đựng công việc khốn khổ như thế. Từ khi tân học đại hưng, tân
thuyết thịnh hành, những câu chuyện cổ như thế đều được cho là mê tín dị đoan. Những vị đạt nhân học sĩ, đã không tìm được chứng cứ về mặt
trăng, chỉ biết phụ họa theo tân học, nói có thể tìm đường lên cung
trăng, đến như những điều nói về tình hình mặt trăng, xét cho cùng, phân nửa thuộc về lý tưởng, còn thực hư thế nào, chẳng ai dám quyết đoán.
Theo kiến giải của người làm sách, hiện nay có nhiều sự việc, được
truyền lại từ thời xa xưa của Trung Quốc, rất gần với triết học, người
ngoại quốc giảng ra lại hoàn toàn thuộc về khoa học. Hai bên, mỗi bên
đưa ra lời nghị luận hoàn toàn tương phản. Thật ra, nghiên cứu cho kỹ,
lẽ nào lại không có chỗ thông với nhau? Chẳng hạn như chuyện sét đánh
người, khoa học gia nói đó là chạm điện. Đạo lý đó tất nhiên không sai,
sách này chỉ nói việc chạm điện, hay sét đánh, phải do thần trên trời
quản lý. Nếu không phải vậy, tại sao từ ngàn xưa truyền lại, đến nay còn nghe, nói rằng những kẻ bị sét đánh chết, đại để đều thuộc bọn hung
thần ác sát, chứ chưa từng nghe người chính nhân quân tử, phẩm hạnh đoan chính, lại bị thảm hình chạm điện. Câu nói này tuy gần với võ đoán,
nhưng những người chủ trương vô thần có tìm được bằng chứng gì, có thể
cung cấp cho chúng tôi, làm tư liệu nghiên cứu ?
Đặt giả thuyết cũng không nên nói nhiều, xin trở lại với chính truyện.
Thiết Quài tiên sinh lại kể tiếp :
- Thiên đế truyền chỉ dụ cho Thái âm tinh quân phải giữ hồn vía
Hậu Nghệ lại, đem thân thể hắn trả về nước cũ chịu tội. Tinh quân tất
nhiên làm theo. Hậu Nghệ trở về nước, cứ như thể một người điên rồ, ngu
ngốc, chẳng có chút sức đề kháng nào, nên dễ dàng bị triều thần giết
chết. Sau khi chết, tội trạng của hắn mới được tiêu trừ có phân nửa.
Chiếu theo lệ cũ, hắn còn phải bị dẫn xuống âm ti, để chiếu theo luật
cõi âm mà phân xử. Nhưng Ngọc đế đặc biệt gia ân, cho hắn được ở cung
trăng mà chịu tội trong năm ngàn năm, sau đó sẽ được phục hồi chức vị
trên trời, trở lại làm Hắc Hổ tinh. Đó là việc quá tốt đẹp cho hắn.
Ai ngờ Hậu Nghệ vốn là đứa hiếu dâm, hồn tuy bị câu thúc, một
tấm lòng si vẫn quyến luyến Hằng Nga. Mỗi khi gặp Hằng Nga tới vườn hoa
hái hoa, bẻ trúc, du sơn ngoạn thủy hắn lại lên tiếng kêu gọi, năn nỉ.
Tiếng gọi lúc gần, lúc xa, ban đầu Hằng Nga không để ý tới. Ngày lâu,
việc cũ qua đi, tình người biến đổi. Người bình thường, đối với chuyện
quá khứ, thường hay quên thù oán, mà nhớ ơn đức. Huống gì Hằng Nga, là
cô gái trung hậu, hay thương người. Nghe những lời thảm thiết, nàng
không khỏi động tâm. Dầu sao cũng là tình nghĩa vợ chồng, Hậu Nghệ ngày
trước có ngàn điều xấu chăng nữa, há không có một điểm tốt ? Nay hắn bị
câu thúc hồn vía trên cung trăng, suốt năm chịu nắng cháy, mưa dầm, gió
thổi, sương tạt, chịu đủ thứ khổ sở, đều vì việc của bản thân ta mà ra.
Nay ta đã thành tiên, không hề phải chịu chút đau khổ nào, sao ta không
nghĩ chuyện thành toàn cho hắn ? Hắn đã vì ta chịu tội, những chuyện
ngày trước không tính đến nữa, những năm tháng sau này kéo dài hàng ngàn năm. Làm sao hắn chịu đựng nổi? Những lời kêu gào, nài nỉ của Hậu Nghệ, tuy chưa đến tai tinh quân, nhưng đám chị em đi chung với Hằng Nga đều
nghe được cả. Họ thấy Hằng Nga nhởn nhơ cười cợt, nói năng quá nhẫn tâm, đẩy chồng vào chỗ giam hãm như thế, sao không phát chút từ tâm, vì anh
ấy mà nói giúp vài câu, trước mặt tinh quân ? Những câu nói nửa đùa nửa
trách như thế, Hằng Nga nghe mãi, đến không chịu nổi. Dần dà, trong lòng Hằng Nga nẩy sinh tình cảm thương xót cho Hậu Nghệ .
Thiết Quài tiên sinh nói đến đây, hai vị nữ tiên ngồi nghe đưa mắt nhìn nhau, nói :
- Trong thiên hạ, điều khó vượt qua nhất, chính là một chữ tình! Đáng tiếc, đáng tiếc ?
Chung Li Quyền vốn còn trẻ, chưa hiểu tình đời, nghe vậy bỗng nhiên cười khì, nói :
- Hai vị có tâm địa đàn bà, trời sinh có lòng nhân từ hơn chúng
tôi. Nén lòng lại đi. Sư tôn mới nói Hằng Nga phát từ tâm, chưa nói kết
cuộc thế nào, hai chị đã liệu định rằng nàng vì ý niệm đó, thế nào cũng
phải xuống phàm trần một lần nữa. Không chừng có thể đoán đó là kiếp
trước của nàng Mạnh Khương cũng nên. Hai chị từ bi như thế, vạn nhất sau này có kẻ nói lời thân ái, e rằng hai chị lại vì người đó mà động lòng
thương xót nỗi khổ tâm si tình, xúc động lòng trần. Lúc đó, sư tôn có
muốn giúp hai vị cũng không kịp.
Câu nói vừa thốt ra, Trương Quả, Phí Trường Phòng "ồ !" lên một
tiếng, không nói gì nữa, trong khi tiên cô, Tuệ Thông bực tức, buông
tiếng cười nhạt, đỏ hồng đôi má. Thiết Quài tiên sinh liền thét lên :
- Thằng lỏi không hiểu chuyện đời, sao dám nói năng bừa bãi, phê bình người khác ? Hơn nữa, trước mặt phụ nữ, ăn nói phải cẩn thận.
Những lời ngươi vừa nói, chính là lời của kẻ vô lại khinh bạc, nói với
người khác còn không nên, huống hồ nói với huynh đệ đồng đạo ? Câu nói
đó, đối với người phàm là đáng bớt tuổi thọ, đối với người tiên là đáng
giảm công hạnh, tự ngươi chuốc lấy tội, không can dự gì tới người khác.
Lần sau còn không cẩn thận, ta không thèm nhìn mặt ngươi nữa đâu.
Chung Li Quyền sợ toát mồ hôi, phục xuống đất, không dám ngẩng
đầu. Hai tiên cô phải tới, mỗi người một tay, nâng cậu ta dậy. Chung Li
Quyền hướng về hai người mà vái, nhận tội. Thiết Quài tiên sinh cũng an
ủi, khuyên nhủ vài câu, mới kể tiếp :
- Vừa rồi A Quyền đoán rằng Hằng Nga chính là tiền thân của nàng Mạnh Khương, là đoán đúng rồi đấy. Hằng Nga thương hại Hậu Nghệ, lại
muốn chấm dứt những lời rên rỉ, van nài ấy đi, đã nảy ý tới gặp hắn một
lần, nhưng lòng khiếp, gan non, cũng không dám đi. Con người ta hễ đã có suy nghĩ về tình ái, để lâu ngày, không bứt ra được, và rồi tới một lúc mười phần nồng nhiệt, đưa tới nguy hiểm rất lớn, rất không nên đùa với
lửa, thử một lần cho biết. Hằng Nga giữ suy nghĩ như thế, chính là lòng
trần chưa tĩnh, lúc đầu vì non gan, vả lại tình cũng chưa sâu, còn miễn
cưỡng chế ngự được. Chẳng bao lâu đã qua một năm, tình cảm của nàng càng sâu đậm, tuy không dám công nhiên tới hỏi thăm Hậu Nghệ, nhưng không
khỏi có lúc lân la tới gần, có lúc tới dưới cây sa bà, giả bộ như muốn
xem người thợ làm việc. Hậu Nghệ vừa thấy nàng, mừng rỡ như vớ được của
báu, luôn miệng tự oán trách, tự kể tội mình. Nói tới những chỗ khẩn
thiết, hắn ngừng hẳn công việc, cầm cây quạt tự đánh vào mình. Những
cung cách đó khiến Hằng Nga cầm lòng không đậu, lên tiếng khuyên giải,
về sau lại vì chàng mà rơi nước mắt. Từ đó, hai người hàng ngày gặp
nhau, không còn tị hiềm gì nữa. Hậu Nghệ xin nàng nghĩ cách cứu nhau,
Hằng Nga tự hận mình chức vị thấp hèn, không dám đáp ứng, nhưng trong
lòng nôn nóng vì chàng, định tìm cơ hội thăm dò ý tinh quân, phân trần
phải trái. Ai ngờ cơ hội chưa tới, bản thân nàng đã mắc vạ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT