Hồ Tam thư dẫn Tiên Tứ đi theo Quyết đại phu và các tuần hải dạ xoa tới
chỗ ranh giới giữa biển Đông Hải và sông Hoài. Đám dạ xoa thưa trình :
- Chỗ ranh giới giữa biển và đất liền này có tên là thôn Hoài
Hải. Phía Đông thuộc quyền Hoài thần quản trị, mặt Tây đều là biển rộng, hiện tại do đại vương chúng tôi phái hải thần ra cai quản. Xin hỏi đại
tiên muốn đi thăm bạn bè ở phía nào ?
Tam thư đưa mắt cho Tiên Tứ, rồi nói với các dạ xoa :
- Cảm ơn thịnh tình của đại vương đã phái các vị hộ tống chúng
tôi đến đây. Bây giờ đã tới địa đầu, địa phương này lại nhỏ, không tiện
làm phiền tới các vị nữa, các vị có thể trở về phục mệnh, chúng tôi tự
đi kiếm cũng được.
Đám dạ xoa không dám trả lời, quay qua hỏi Quyết đại phu :
- Thế nào ? Quyết đại phu không muốn đi thêm, nói mấy câu khách sáo, rồi xin cáo từ.
Tam thư cười, nói với Tiên Tứ:
- Bọn người nhỏ mọn này ngoài mặt coi chúng ta là thượng khách, chứ thấy khó khăn cũng ngại, chẳng đáng cho chúng ta chê cười ?
Tiên Tứ cũng nhận là phải.
Hai người sử dụng khẩu quyết "rẽ nước", tìm tới đáy sông Hoài.
Quả nhiên ở đó họ tìm ra một con ốc nhồi rất lớn, đang hạ cái
vẩy ốc xuống lớp bùn để thò cái đầu ra ngài, hít thở không khí. Một số
những con vật nho nhỏ bơi chung quanh, để đớp đám rong rêu bám quanh vỏ
ốc. Tiên Tứ biết rõ đó là mẹ đẻ của mình, đau lòng quá, khóc rống lên.
Tam thư vội nói :
- Đừng khóc, đừng khóc ! Để tôi tới, thay anh thông báo một tiếng. Còn phải làm thể nào để mẹ anh có thể nhận ra anh là con!
Tiên Tứ nghe lời, khom lưng xuống, ôm lấy cái vỏ ốc đang nổi trên mặt bùn, đồng thời nghe Tam thư cất tiếng dặn dò :
- La Viên ? La Viên ! Đứa nghịch tử bị ngươi xua đuổi, là Tiên Tứ nay tới kiếm ngươi đây !
Con ốc nhô thêm một khúc mình khá dài lên phía mặt nước để nhìn
ngắm. Nhìn tình hình đó, dường như điền loa có nhận ra Tiên Tứ là con
trai mình, đưa cái đầu đụng đầu Tiên Tứ, dính chặt hồi lâu, không động
đậy, dường như không nỡ lìa xa, chẳng khác nào tình mẹ con quấn quít.
Tiên Tứ cứ ôm chặt lấy khúc mình ốc mà khóc thất thanh. Thật lâu, thật
lâu, Tam thư mới thay mặt anh mà kể rõ sự tình, nói rõ cả ý của sư tôn
muốn cứu vớt điền loa, khuyên La Viên chịu đựng thảm kiếp này trong vòng một ngàn năm, ở nơi đây mà tu thân lập mệnh, tạo thành tấm thân bất
hoại, lại nói :
- Tất cả chỉ vì kiếp trước ngươi tạo nghiệp quá nhiều, nay phải
chịu quả báo đau khổ. Nhưng nhờ có con trai ngươi, ngươi sẽ được thành
chính đạo, há chẳng phải là trong cảnh bất hạnh lại gặp may mắn hay sao ? Nay ta đem khẩu quyết tu luyện truyền thụ cho ngươi, ngươi vốn thiên tư thông minh, hãy dụng công đêm ngày, chỉ chừng ba trăm năm sau đã có thể rời bỏ vỏ xác, lời bùa chú cũng không câu thúc được ngươi. Nhưng ngươi
vẫn không được rời khỏi chỗ đáy nước, mà phải trải qua năm trăm năm nữa, công hạnh mười phần mới đạt được tám, chín, chẳng những yêu ma ngoại
đạo không thể hại nổi ngươi, mà ngươi còn có thể ở chỗ cư trú dưới đáy
biển, biến vỏ xác thành một động phủ. Một ngàn năm sau, công hành viên
mãn, lúc đó ngươi có thể cùng con trai gặp mặt, và mời về một đạo sĩ cao minh lập một đạo tràng cực lớn, siêu độ cho rất nhiều oan hồn của những kẻ đã bị ngươi giết hại, từ đó sổ ghi những điều tội nghiệt mới được
xóa sạch, tiền trình thuận lợi. Ngươi hãy chuyên tâm tu luyện, đừng để ý tới những chuyện khác .
Điền loa tinh nghe nói, gật đầu vài cái, tỏ ý tạ ơn. Tam thư đem những lời chú truyền thụ cho nó. Mọi việc xong xuôi, Tam thư bảo Tiên
Tứ :
- Nơi đây không nên ở lâu, chúng ta về thôi !
Tiên Tứ vâng lời, cùng điền loa quấn quít một lúc nữa, ân cần
khuyên nhủ, khuyến khích vài câu, mới cùng Tam thư xoay mình từ biệt,
lên khỏi mặt nước. Tam thư nói :
- việc lớn của anh đã xong, hãy mau trở lại núi Thiên Thai, tiếp tục học bài học hàng ngày của anh đi !
Tiên Tứ xin vâng. Tam thư để anh tự đọc lời chú cưỡi mây, cả hai cùng bay lên không trung, hướng về phía Nam thẳng tiến.
Không bao lâu tới núi Thiên Thai, trở lại chỗ hang động cũ, Tam thư mới ngỏ lời từ biệt. Lúc lâm biệt, trịnh trọng dặn dò :
- Này công tử, từ nay về sau, trách nhiệm của anh càng ngày càng lớn. Anh đã lập chí cứu mẹ, phải làm sao đưa được mẹ ra khỏi biển mới
kể là hoàn thành việc lớn của anh. Tất cả đều nhờ vào công hành của anh. Kiếp này tuy phải chịu khổ sở, kiếp sau sẽ có nhiều điều tốt lành.
Trong năm trăm năm đầu, anh chuyên tâm tập luyện cho thành, năm trăm năm sau, tuy chưa thành tiên, cũng đã có được nhiều pháp lực, để có thể ra
ngoài, đi rong chơi khắp nơi, gặp khổ cứu khổ, gặp nạn cứu nạn, làm cho
đủ số những việc công đức đã được dự liệu. Lúc đó sư tôn sẽ đưa anh
xuống phàm trần, chuyển kiếp. Sau lần chuyển thân này, chỉ cần anh giữ
được bản tâm không mờ tối, là vài chục năm sau anh đã có thể thành đạo,
lên tiên. Anh nên biết sư tôn hy vọng ở anh rất nhiều, chúng ta phận làm đệ tứ, đừng để phụ lòng kỳ vọng đó, mới là biết ơn sư tôn.
Tiên Tứ nhận là phải, lại hỏi Tam thư :
- Bây giờ, Tam thư đi đâu ?
- Tôi phải về núi Tây Kỳ phục mệnh sư tôn. Đại khái là việc của anh chưa tròn vẹn, e rằng tôi sẽ phải tới xử lý nhiều lần nữa.
- Tự nhiên phải vậy. Tôi là người được Tam thư nắm tay dẫn dắt,
ngày nào việc công hành của tôi chưa thành, ngày đó Tam thư vẫn phải bận tâm nghĩ tới.
- Chẳng nên nói quá như vậy. Ngoài ra, có nhiều việc tôi vẫn
chưa hiểu hết, chỉ biết rằng một ngàn năm sau, phải tìm cho được một đạo hữu làm pháp sư chủ trì đạo tràng cho mẹ anh, mà ngay bây giờ tôi phải
lo toan.
Tiên Tứ không hỏi gì nữa, tiễn Tam thư ra khỏi cửa động. Vì cô
thay mặt sư phụ để giáo huấn cho anh, anh không thể đối đãi với cô bằng
cách xã giao thông thường, mà dùng đại lễ cung kính như đối với lão sư,
quì xuống tiễn đưa tới lúc không thấy hình tung mới trở về động phủ.
Tam thư về Tây Kỳ, tham kiến Văn Mỹ chân nhân, chân nhân khen cô đã giải quyết công việc gọn gàng, đồng ý thu nhận cô làm đệ tử, và đặt
cho pháp danh là "Tuệ Thông", ở luôn bên cạnh chân nhân, nghe sai bảo.
Cứ vài chục năm, ông lại sai cô tới Thiên Thai một lần, điều tra công
hành của Tiên Tứ.
Năm trăm năm sau, chân nhân đích thân tới Thiên Thai, truyền thụ đại đạo về luyện khí, luyện đan cho Tiên Tứ, lại đưa cho chàng hai
quyển thiên thư, trong đó chép về ngũ hành độn pháp, cùng các cách vận
dụng biến hóa, vời tướng khiến thần, thu yêu phục quái, đủ mọi phép
thuật. Nếu một trăm năm luyện tập thành công, chân nhân mới cho phép
chàng chu du thiên hạ, lập nhiều công hành.
Một ngày kia, chân nhân phóng tuệ tâm đi xa, biết được Tôn Kiệt
đã đầu sinh qua hơn mười kiếp, ngàn năm có dư. Bấy giờ vào đời nhà Hạ và nhà Thương, Tôn Kiệt hiện đã giáng sinh vào một nhà giầu họ Trương, ở
thành Lạc Dương. Ông họ Trương này tuổi vừa bốn chục, vẫn chưa có con
nối dõi, Văn Mỹ chân nhân mới dạy Tiên Tứ xuống phàm, làm con trai
Trương ông, cho tròn túc nguyện của một ngàn năm trước. Họ Trương có tên gọi là Thiên Thành, sinh được một trai, đặt tên là Trương Quả. Kiếp
trước của Trương Quả chính là Tiên Tứ, vì túc căn thâm hậu, đẻ ra đã
biết nói, thông tuệ khác thường. Năm cậu ta lên mười, Văn Mỹ chân nhân
phái Tuệ Thông đạo cô tới chỉ điểm cho. Trương Quả tức thì tỉnh ngộ.
Trương Thiên Thành một đời hiếu thiện, hưởng dụng mười kiếp
không hết, từ khi được Trương Quả làm con, vô cùng mãn ý. Tuệ Thông sợ
ông ta mai sau có thể ngăn cản việc tu đạo của Trương Quả, lại nghĩ ông
ta một đời công hành, thực căn ngàn năm, nhưng nếu không biết quay đầu
nhìn lại, sẽ không tránh khỏi càng tiến càng xuống thấp, cuối cùng cũng
có ngày rơi vào biển khổ. Nhân chỉ thị cho Trương Quả, cô cũng tiện dịp
điểm tỉnh ông vài câu. Trương Thiên Thành biết được nhân quả kiếp trước, lại thấy Tuệ Thông cưỡi mây đạp mù mà đi, pháp lực vô biên, nên tin
chắc rằng trên đời quả có thần tiên. Thần tiên chẳng qua chỉ là người
phàm, tu luyện mà nên. Ông rất mừng cậu con đẻ ra đã có sẵn tiên căn,
lại nghĩ tới bản thân mình đây, sợ rằng phúc lộc một khi đã hết, kiếp
sau không khỏi chịu khổ. Vì thế ông lập chí tu đạo, thường đem ý mình
nói với Tuệ Thông. Tuệ Thông mừng rỡ, nói :
- Cư sĩ được tiên nhân làm con, kiếp trước hẳn có tiên duyên, lại biết đem thân tu đạo, sự thành tựu đã thấy trước mắt.
Nhân đó, truyền thụ cho ông các khẩu quyết về việc tu dưỡng. Hai cha con đồng tâm đồng ý, nghĩ tới việc tu đạo. Thiên Thành đem một phần gia sản, phân tán cho những người cùng khổ, đợi sau khi vợ ông ta, tức
là thân mẫu Trương Quả qua đời, sẽ chuyên tâm tu hành. Trương Quả được
Tuệ Thông chỉ dẫn hội ý với thiên Thành để hai cha con đi trước tới miền sông Hoài, kết thúc vụ án điền loa tinh. Bấy giờ Trương Quả tuy tuổi
còn trẻ, kiếp trước lập được nhiều công phu, cũng giống như lúc bé đọc
sách, lớn lên ôn luyện, có thể đem ứng dụng. Trái lại cha cậu, mới học
tiên quyết, chưa có chút công phu nào, nhất thiết phải nhờ người chỉ
dẫn. Hai cha con hẹn với Tuệ Thông, cùng gặp nhau ở thôn Hoài Hải. Tuệ
Thông thay mặt hai người tới tạ ơn long vương đã chiếu cố trong một ngàn năm qua.
Trong năm trăm năm cuối, La Viên pháp lực không nhỏ, thường hay
ra tới tận biển du hành, thấy những sinh vật dưới nước gặp nguy, liền ra sức giúp đỡ. Có một lần, ở trên sông hoài có một đám thương khách ra
biển kinh doanh. Vừa ra khỏi cửa biển, gặp ngay phải một cơn gió lớn,
một thuyền hơn hai chục người, suýt nữa đắm. Vừa hay La Viên bơi ra đó,
thấy cảnh đó, vội vã đưa vỏ ốc đỡ lấy con thuyền, đội thuyền lên, cứu
được tính mạng cho hơn hai chục người. Không dè bản thân vì thế mà lộ
ra. Vừa hay, có một yêu nhân là đồng đạo với lão giao trông thấy, liền
cầm một cây roi sắt đánh đuổi. La Viên thấy nguy, bơi đi. Yêu nhân cầm
roi, nhắm La Viên đánh xuống. Cây roi sắt của yêu nhân chưa kịp đánh
trúng, đã có vị thần tướng ở dưới biển để bảo vệ La Viên, hay tin chạy
tới, cầm chiếc chầy vàng, đánh nhau với yêu nhân, khiến nó phải bỏ chạy. La Viên nhờ vậy mới về được đáy biển.
Về sau, La Viên tu thành đại đạo, mới biến vỏ xác của mình thành một động phủ dưới đáy biển. Trong một vùng rộng lớn, cách xa nơi đó vài trăm dặm, có ánh sáng năm mầu chiếu lung linh. Nhiều yêu nhân thấy dưới biển xuất hiện báu vật kỳ lạ, kéo nhau tới tấn công. Cũng may có long
vương đề phòng sẵn, phái ba ngàn thần binh tới, trấn giữ cửa ngõ thôn
Hoài Hải, mới được vô sự. Những việc giúp đỡ như thế kể ra cũng nhiều.
Lúc Tuệ Thông tới thủy tinh cung yết kiến long vương, long vương đã biết trước ý cô, ngó lời ca ngợi cô đã chịu nhiều vất vả. Tuệ Thông cười,
nói :
- Bần đạo tới đây là để thay mặt ông bạn của đại vương, ngỏ lời cảm tạ, sao đại vương lại lên tiếng trước để ca ngợi tôi ?
Long vương cất tiếng cười vang :
- Chúng ta đều là người giúp đỡ ông bạn già, sao lại nói tới
việc tạ ơn ? Nghe nói bà La Viên tuân theo pháp chỉ của Văn Mỹ chân
nhân, mới lập ở chỗ động phủ của bà một đạo tràng, không hiểu vị pháp sư chủ trì là ai ?
- Việc này, năm trăm năm trước tệ sư đã tính sẵn, phải nhờ một
vị đạo nhân què, họ Lý, đứng ra chủ trì việc trai đàn. Người này cùng
với ông bạn già của đại vương có một mối pháp duyên, vừa trực tiếp, vừa
gián tiếp. Vị tiên què đó kiếp trước vốn là "tư hương lại" trên điện của Ngọc đế vì không giữ mồm giữ miệng, nhân ngày vạn thọ của Ngọc đế, đã
cãi nhau với một vị "Tư hoa tiên quan". Hai người đều bị biến xuống
trần, trải qua mười kiếp luân hồi. Cô "Tư hoa tiên nữ" trong lần giáng
sinh đầu tiên chính là phu nhân của ông bạn già Tiên Tứ của đại vương,
và như vậy là con dâu của bà La Viên phu nhân, người mới mở đạo tràng
hiện nay. Tính tới ngày nay, hai vị tiên bị biếm chích đều đã trải qua
mười kiếp luân hồi, nay kỳ hạn đã mãn, và hai vị đó đều giữ được bản
tính không mờ tối, tu hành chính quả, có thể hồi chuyển về thiên tào,
giữ nguyên chức. Tôi còn nghe hiện nay, cô tiên nữ sinh vào nhà họ Hà ở
Giang Nam, ra đời chưa lâu, còn Ti hương lại nay thác sinh vào nhà họ Lý ở Hà Nam. Người ta còn truyền rằng ông ấy là hậu nhân của người cùng họ với Lão Quân tổ sư. Tổ sư từ thời Bàn Cổ tới nay đã chuyển kiếp làm
người nhiều lần 1 . Một trăm năm gần đây, ngài chuyển sinh làm người ở huyện Khổ, thu
được một đệ tử là Văn Thủy chân nhân. Đúng vào lúc Ti hương lại chuyển
sinh ở kiếp thứ mười, tổ sư liền phái Văn Thủy chân nhân tới chỉ điểm
cho ông ta. Vì thế Lý tiên thành đạo khá nhanh.
Những người tu đạo từ trước đến nay chưa có ai gặp được kỳ duyên như thế. Tổ sư lại đích thân thu nhận Lý tiên làm đồ đệ, giữ lại bên
mình để sai bảo. ông ấy có tiền trình quả là lớn vô hạn. Sở dĩ tôi nói
Trương Quả và Tôn Tiên Tứ có tiên duyên gián tiếp là vì vợ Tiên Tứ chính là Tư hoa tiên nữ.
Long vương gật đầu, nói :
- Đúng vậy ! Việc Tư hoa tiên giáng sinh vào kiếp thứ chín, quả
nhân có nghe nói, lại còn giúp chút công lao nhỏ cho nàng nữa đó !
Tuệ Thông không có thời giờ hỏi tới chuyện đó, lại nói tiếp :
- Tuy rằng chẳng đáng kể làm gì, nhưng theo qui củ của tiên gia
thì hễ hai bên có chút quan hệ với nhau, đều gọi là "duyên". Vì thế ông
tiên què cùng Trương Quả hiện thời cũng có thể nói là có chút tiền
duyên.
Long vương cười, cho là phải, lại nói :
- Trong vỏ ốc mà lập đạo tràng quả là chuyện lạ, ngàn năm chưa
từng nghe nói tới ! Xét cho cùng, diệu dụng của tiên gia khác với của
người trần gian. Thịnh hội như thế, chắc hẳn lệnh sư 2 Văn Mỹ chân nhân, cùng nhiều vị tiên quan, tiên lại đều phải tới dự.
Lúc đó, quả nhân cũng phải đích thân tới, để coi cho biết một thịnh điển hiếm khi gặp được ? Nhưng chẳng hay đã định ngày nào chưa ?
Tuệ Thông đáp :
- Chưa có ngày hẹn nhất định. Nhưng cũng phải đợi mấy người kia
họp bàn kỹ lưỡng, sau đó tôi đích thân đi mời pháp sư, đạo tràng mới có
thể mở được. Lúc đó nếu đại vương rảnh rỗi, hãy cùng tôi tới tham dự cho vui.
Mọi người cùng cười ầm lên. Tuệ Thông nói xong, từ biệt long
vương, đi mau về thôn Hoài Hải. Cô thấy tình hình trong thôn đổi khác
hẳn. Trước kia vắng vẻ, cá tôm cũng không bơi tới, nay vì vỏ ốc phát
sáng, thủy tộc khắp nơi, hễ có chút đạo hạnh, nghe việc lạ này, đều
không ngại xa xôi ngàn, vạn dặm, kẻo tới xem, đồng thời những người quen mua bán các loại thủy sản cũng thừa cơ mở một thương trường. Không đầy
mười năm, thôn Hoài Hải vắng vẻ ngày trước, trở thành một hải thị lớn,
việc mua bán rất phồn thịnh. Tuệ Thông nhìn quang cảnh ấy, bất giác gật
đầu tán thưởng. Lát sau, đi tới chỗ vỏ ốc của La Viên, biến thành động
phủ. Ngôi nhà đó được kiến tạo theo nguyên hình của vỏ ốc; lối vào là
một cửa hình tròn, rất lớn, vào tới bên trong phải đi quanh co theo hình xoắn ốc, thông tới chỗ thấp nhất lại là cửa hậu nho nhỏ, cũng hình
tròn. Trong động rộng rãi khác thường, có thể chứa được tới vài ngàn
người. La Viên đã hoàn toàn biến thành hình người. Riêng bà chiếm ngụ
một phòng, phòng đó chia làm ba gian, hai bên đều có hành lang, thông
suốt từ trước ra sau. Còn đồ đạc bày biện bên trong, tuy không hoa lệ
lắm, nhưng cũng thanh nhã, đẹp đẽ. Tuệ Thông nghĩ thầm : "Theo tình hình này, có thể mời đón được nhiều vị thần tiên". Cô đang đi tham quan từ
nơi này sang nơi khác, sớm đã có những người phục dịch trong động trông
thấy, vội phi báo vào bên trong. La Viên phu nhân tiến ra, theo sau có
cha con Thiên Thành, cùng nghênh tiếp cô.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT