Sự tình diễn biến ngoài chỗ tưởng của bọn Quan Sơn Nguyệt.
Nơi bờ, Ngô Phụng lật mình ngang qua, toan trờ dậy, nhưng người trung niên
nhanh hơn, vọt mình tới, tung chân đá nàng lăn đi mấy vòng, chiếc bao
bằng lụa hình vuông văng khá xa. Lão ta bước theo liền, trông thấy mặt
trên của chiếc bao thấm nước, lão sợ nước đến độ chẳng dám mó tay vào,
nhặt một cành cây khơi chỗ mối cột, mở ra.
Bên trong lớp lụa là
một chiếc hộp bằng gỗ, hình vuông, lão dán mắt nhìn kỹ một lúc, khi biết chắc chắn là hộp chẳng dính một giọt nước nào, mới cúi mình xuống, cầm
lấy, cất vào người.
Cơn giận của lão ta còn thừa, sẵn cành cây
nơi tay, lão vút nó xuống mình Ngô Phụng, lão vung tay khá mạnh, qua vài cái vút là có máu rướm ra trên mình nàng.
Quan Sơn Nguyệt cực kỳ phẫn nộ, thét:
- Lão tặc! Ngươi hèn đến độ hạ thủ người thất thế, lại là một nữ nhân ...
Chàng muốn vợt mình đến nơi can thiệp, nhưng Ngô Khẩu Thiên ngăn chặn:
- Đừng, Quan đại hiệp, lão ta dẫn dụ bọn mình lên bờ đó!
Quan Sơn Nguyệt gằn giọng:
- Không lẽ ở đây mà nhìn lão ta hành hạ con gái của tiên sanh?
Ngô Khẩu Thiên khẽ thở dài:
- Còn biết làm sao hơn, đại hiệp? Nếu chúng ta liều lĩnh lên bờ, thì cả
bọn chết hết với chúng! Lão phu không tưởng chúng lợi hại đến mức độ đó!
Quan Sơn Nguyệt nhìn lên, thấy y phục của Ngô Phụng ráo dần, máu phun ra
nhiều hơn trước, máu nhuộm luôn cả cành cây, vậy mà người trung niên vẫn chưa chịu dừng tay, cứ vút xuống liên hồi, càng vút càng gia tăng công
lực.
Ngô Phụng nằm trên mặt đất, lăn qua lộn lại, oằn oại tránh
né, quả thật nàng có gan lỳ, đau thì chịu đau, vẫn cắn răng không hề kêu đau một tiếng.
Ngô Khẩu Thiên rung giọng nói:
- Phụng nhi cho rằng mình thông minh, hành động liều lĩnh phải chịu khổ như thế,
nếu nó nhẫn nại chút nữa thì làm gì bọn đối phương chẳng chết dưới lòng
nước? Nó nông nổi quá nên có chủ ý đó ...
Quan Sơn Nguyệt toan lên bờ.
Ngô Khẩu Thiên lại ngăn chặn:
- Đừng nóng nảy, đại hiệp.
Quan Sơn Nguyệt hét:
- Cứ ở đây mãi mà nhìn sao chứ?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
- Lão ấy rất mê luyến Phụng nhi, bất quá chỉ vì tức giận mà đánh nó như
vậy, song lão cũng nương tay, chỉ làm xây sát da thịt của nó thôi chứ
không gây thương tổn cho nội phủ đâu. Quan đại hiệp không nên quá lo
lắng.
Quan Sơn Nguyệt vẫn phẫn nộ như thường, cố vùng vẫy thoát ra khỏi tay lão, đồng thời thốt:
- Kẻ bị đánh là con gái của các hạ, thực ra thì chẳng liên quan gì đến
tại hạ, nhưng nhìn nàng bị hành hạ như thế, tại hạ xót xa thay cho nàng, còn tiên sanh là đấng sanh thành, lại có thể dửng dưng được! Lạ thay!
Trên đời này, thiết tưởng chẳng mấy kẻ giống tiên sanh!
Ngô Khẩu Thiên thoáng thẹn, vì thẹn thành giận, xẵng giọng đáp:
- Này, Quan đại hiệp, việc của cha con lão phu không ai mượn đại hiệp chen vào.
Quan Sơn Nguyệt cười lạnh:
- Tự nhiên! Tại hạ chen vào làm chi chứ? Có điều, tại hạ nhận ra lịnh ái
cũng là một nhân vật trong võ lâm dù sao thì lệnh ái cũng là người đồng
đạo nên tại hạ vì đạo nghĩa mà thấy bất nhẫn, vì đạo lý mà tại hạ không
nở lấy mắt nhìn nàng thọ khổ thọ nhục ...
Ngô Khẩu Thiên đỏ mặt:
- Quan đại hiệp! Lòng nhân của đại hiệp lão phu vô cùng cảm kích, song
chẳng lẽ đại hiệp không thấy cạm bẫy chúng đang giăng ra chờ đợi bọn ta
sao?
Còn làn nước kia phân cách, chúng chẳng làm gì được bọn ta, cho nên ...
Quan Sơn Nguyệt bĩu môi:
- Tại hạ muốn lên đó, các hạ lên hay không thì tùy ý.
Thốt xong, chàng giắt thanh Hoàng Diệp Kiếm nơi lưng, tung mình xuống nước, lội vào bờ.
Về thủy tánh, chàng cũng không thạo cho lắm, bất quá chàng không quá sợ
như bọn người trung niên kia thôi, chàng vừa đề khí vừa quạt tay xuống
nước lấy trớn, đẩy mình tới, tiến dần, tiến dần. Tiến như vậy, dĩ nhiên
không nhanh, chàng lội độ mấy thước, bỗng có người nâng chàng lên.
Người nào đó nâng chàng lên, lại còn dụng lực quăng chàng tới trước. Một cái
quăng bằng mười cái lội, nhờ vậy chàng tiến nhanh hơn.
Thoạt đầu
chàng cứ tưởng là Ngô Khẩu Thiên theo sau, nhưng nhìn kỹ lại thì người
đó chính là trại chủ Thương Nhân, y vốn là thủ lãnh mấy mươi thủy trại,
nên bơi lội rất tài. Quan Sơn Nguyệt bảo:
- Buông ra đi, Thương huynh, để một mình tại hạ lội vào cũng được!
Thì ra, Thương Nhân nâng chàng lên, quăng đi, rồi vọt theo, nâng tiếp và
quăng tiếp, chuyền Quan Sơn Nguyệt vào nhanh hơn, chàng không muốn nhờ
người làm việc đó, nên bảo Thương Nhân cứ để mặc chàng.
Thương Nhân cười nhẹ, đáp:
- Điều cần yếu là Quan đại hiệp phải bảo trì công lực, đừng phí sức một
cách vô ích. Lên trên đó rồi, đại hiệp sẽ gặp toàn những tay cừ, nếu
công lực kém giảm đi thì khó tránh thảm bại với chúng.
Quan Sơn Nguyệt thốt:
- Thương huynh cứ để tại hạ lên một mình ...
Thương nhân lộ vẻ không vui:
- Nói sao thế, Quan đại hiệp! Tại hạ dẫn theo mình trên mười huynh đệ,
hiện tại chỉ còn lại năm sáu người, có lẽ nào tại hạ không báo cừu cho
họ ...
So sánh Thương Nhân với Ngô Khẩu Thiên, Quan Sơn Nguyệt
không khỏi ngậm ngùi cảm khái cho người thủ lĩnh ba mươi sáu thủy trại,
từng ngang dọc khắp sông hồ.
Thương Nhân cười nhẹ, trong nụ cười ẩn ước có niềm đau khổ, nói tiếp:
- Quan đại hiệp đàm thoại với lão già họ Ngô đó, tại hạ nghe rõ lời lẽ
đôi bên, Ngô Khẩu Thiên từng tự hào là bậc anh hùng, giàu lòng hiệp
nghĩa, song xem ra vị tất có cái khí độ ngang với một tên cường đạo là
tại hạ đây ...
Quan Sơn Nguyệt không nói gì.
Thương Nhân lại tiếp:
- Hôm nay, gặp được đại hiệp, tại hạ cho rằng mình có cái vinh hạnh lớn
nhất trong đời, nếu mà được kết giao với đại hiệp thì quả thật tại hạ
mãn nguyện bình sanh đó!
Hai người đã đến bờ.
Số thủ hạ còn lại của Thương Nhân cũng theo y mà lên.
Đến lúc đó, người trung niên mới ngừng tay roi, không đánh Ngô Phụng nữa, rồi y điểm nụ cười lạnh, thốt:
- Thế ra các ngươi vẫn không chịu từ bỏ cái mộng chiếm đoạt Bích Ngọc Phụng Hoàng!
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
- Tại hạ đâu có màng đến vật đó?
Người trung niên vẫn giữ nụ cười mai mỉa:
- Không vì bích ngọc thì đến đây làm chi?
Quan Sơn Nguyệt nghiêm sắc mặt:
- Tại hạ không thích chứng kiến cảnh nam nhân hành hạ nữ nhân, sở dĩ thế
tại hạ đến đây để cảnh tỉnh các hạ, ít nhất đối với đồng loại, cũng phải có phần nào nhân đạo.
Người trung niên bật cười ha hả:
-
Lão phu sống đến tuần tuổi này, lần thứ nhứt mới nghe một người nói câu
đó với lão phu. Và người nói câu đó lại là một tiểu tử chưa ráo máu đầu! Thật là đất nước bao la, chẳng hiếm chi bọn thừa can đảm! Hẳn là từ nay lão phu phải mở rộng đôi mắt nhìn xa hơn, để mà phòng bị hạng trẻ ăn
nói ngông cuồng.
Lão day qua một người đứng bên cạnh, hỏi:
- Hàn Phương! Tiểu tử đó là ai vậy?
Đại hán mang tên Hàn Phương, chính là người đã vào khoang thuyền đầu tiên tìm Ngô Phụng rồi chạy thoát đi.
Suy nghĩ một chút, lộ vẻ bối rối đáp:
- Thuộc hạ không nhận thức hắn, bất quá thuộc hạ nghe Hắc Phụng Hoàng gọi hắn là Quan đại hiệp, có lẽ hắn là nhân vật gần đây nổi tiếng trên
giang hồ, họ Quan tên Sơn Nguyệt, Lịnh Chủ Minh Đà Lịnh, những người
mang họ Quan thành danh trên giang hồ rất hiếm ...
Thương Nhân chận lời:
- Ngươi nói đúng, chính là Minh Đà Lịnh chủ đó, trên giang hồ làm gì có bậc đại hiệp tuổi trẻ như vậy?
Người trung niên gật đầu:
- Phải! Lão phu có nghe nói đến cái tên này.
Rồi lão day qua gã thuộc hạ trách:
- Hàn Phương ngươi thật là hồ đồ, một con người như vậy có mặt trên
thuyền mà ngươi chẳng hay biết chi cả! Thảo nào mà chúng ta chẳng dở
sống dở chết giữa dòng sông? Rồi đợi đến trang viện xem ngươi sẽ phúc
lịnh thế nào cho biết!
Hàn Phương tỏ vẻ sợ hãi cực độ hấp tấp nghiêng mình thốt:
- Sư gia quở trách là đáng lắm, thuộc hạ sơ suất thành ra mới có sự tai
hại đó! Chỉ vì Minh Đà và Độc Cước Kim Thân là vật bất ly thân mà Quan
Sơn Nguyệt thì ...
Người trung niên khoát tay:
- Được rồi, thôi đi! Chính ta lần này cũng sơ suất như ngươi, đến cả con chuột nước già kia và Hắc Phụng Hoàng có mặt mà ta cũng chẳng phát giác, may mà
Bích Ngọc Phụng Hoàng chưa sang tay khác chứ nếu vật đó mất đi thì làm
sao phúc lịnh sau này? Bây giờ, ta giao cho các ngươi thu thập những tên đó, nên nhớ là cần hành động gấp, càng gấp càng hay, phải tranh thủ
thời gian đấy nhé!
Hàn Phương giật mình, đáp:
- Sư gia! Về phần của mấy con chuột nước kia thì chẳng thành vấn đề, chỉ có cái gã
họ Quan kia thì sợ rằng bọn thuộc hạ khó mà thành công với gã! Phải chi
mà sư gia chịu ra tay tiếp trợ cho phần nào ... Vạn nhất mà bọn thuộc hạ có bề gì ...
Người trung niên nổi giận:
- Khốn nạn! Giờ
đây đâu còn ở trên thuyền nữa mà ngươi cố kỵ điều này lẽ nọ? Ta không
thể tin một «Phích Lịch Thần Quyền» của Vạn Ma sơn trang lại không thủ
thắng trước một đứa bé con!
Hàn Phương nghiêng mình:
- Phải! Phải! Thuộc hạ nhất định không đề nhục mạng của sư gia!
Thốt xong, hắn hướng qua Quan Sơn Nguyệt, nhìn chàng bằng ánh mắt ngạo nghễ hỏi:
- Các ngươi vào một lượt, hay từng người một?
Thương Nhân chịu không nổi vẻ khinh người của hắn, nổi giận hét:
- Câm cái mồm thúi của ngươi lại! Sá gì cái bọn vô danh tiểu tốt của sơn
trang Vạn Ma của các ngươi mà lên giọng hống hách? Trước mặt Quan đại
hiệp mà các ngươi dám buông lời ngông cuồng ...
Hàn Phương lạnh lùng chặn lại:
- Vạn Ma Sơn Trang không có thinh danh là vì từ lâu không hề can dự vào
việc trên giang hồ, chứ nếu đã xuất đạo thì các ngươi đâu còn được sống
sót đến ngày hôm nay? Đừng nói những lời vô ích, cứ bước tới đi, cho ta
thanh toán sớm, đừng làm mất thì giờ quý báu của ta!
Thương Nhân khoát chiếc Thiết Toán Bàn một vòng định xuất thủ, nhưng Quan Sơn Nguyệt chận y:
- Khoan, Thương huynh! Tại hạ muốn hỏi mấy câu cho rõ ràng.
Chàng nhìn vào mặt Hàn Phương, hỏi liền:
- Vạn Ma Sơn Trang của các vị, thật sự là cái chi?
Hàn Phương cười lạnh:
- Hãy đợi ta bắt ngươi giải về căn cứ rồi, Diêm Vương gia sẽ cáo tố cho ngươi biết.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng rút thanh Hoàng Diệp Kiếm thủ nơi tay, gằn từng tiếng:
- Thế thì tại hạ bắt buộc phải động thủ, tại hạ cũng muốn biết cái tài của các vị như thế nào.
Hàn Phương nhìn thanh kiếm của chàng, thốt:
- Càng hay! Ta sẽ dùng hai tay không, thu thập ngươi!
Thương Nhân có vẻ không bằng lòng:
- Quan đại hiệp, tại hạ nghĩ cuộc chiến này là phần của tại hạ ...
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
- Thương huynh cân nhắc thử xem, vũ công của Thương huynh và vũ công của tại hạ có khác biệt nhau ra sao?
Thương Nhân giật mình:
- Tại hạ làm sao sánh được với Quan đại hiệp?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
- Rồi bây giờ, Thương huynh ước độ tài năng của địch như thế nào?
Thương Nhân đáp nhanh:
- Chúng có ra gì mà mình phải quan tâm? Trên thuyền, một tên đã bị tại hạ dùng chiếc bàn toán đưa về Tây thiên, còn một gã thị bị Ngô cô nương
tung đi chỗ khác chơi!
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
- Ngô huynh có biết ý tứ của chúng như thế nào chăng? Tại thuyền thì chúng chẳng có vẻ gì là lợi hại cả, song lên bờ rồi, chúng lại dám thách thức đối phương, như vậy hẳn chúng phải có chỗ sở cậy chứ?
Thương Nhân chớp mắt mấy lượt, chừng như thức ngộ một điều gì, đáp:
- Ý tứ gì thì chưa biết được rõ điều chắc chắn là chẳng phải chúng quá
dại mà tìm cái chết. Có lẽ chúng sở cậy vào một phương tiện, một biện
pháp nào đó, và chúng tin tưởng chế ngự được bọn mình, như Quan đại hiệp vừa suy luận ...
Hàn Phương vọt mình thốt:
- Ngươi nói đúng. Trên đất liền, «Phích Lịch Thần Quyền» không còn bị hạn chế như tại giữa dòng sông.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
- Thương huynh nghe y nói đó chăng?
Thương Nhân cương quyết:
- Tại hạ không nao núng chút nào!
Quan Sơn Nguyệt lại hỏi:
- Thương huynh có thể chấp nhận một thỉnh cầu của tại hạ chứ?
Thương Nhân chính sắc mặt:
- Bất cứ việc gì, nếu Quan đại hiệp phân phó là tại hạ sẵn sàng làm ngay.
Quan Sơn Nguyệt nghiêm giọng:
- Thương huynh và năm vị anh hùng đi theo Thương huynh đó, ly khai nơi
này độ mười trượng, người này đứng cách người kia ba trượng, rồi chú ý
theo dõi tại hạ đối phó với «Phích Lịch Thần Quyền».
Thương Nhân trố mắt:
- Quan đại hiệp muốn vào cuộc trước thì cứ vào, hà tất anh em tại hạ phải ly khai nơi đây?
Quan Sơn Nguyệt vẫn giữ vẻ nghiêm:
- Nếu oai lực của môn Thần quyền đó quá mạnh, tại hạ chẳng may táng mạng, thì sáu vị lập tức nhảy xuống sông, lội nhanh sang bờ đối diện.
Thương Nhân không vui:
- Đại hiệp tính như vậy là xem thường bọn tại hạ lắm đó. Giả như đại hiệp yếu thế, thì anh em tại hạ phải xông vào tiếp trợ chứ, lẻ đâu lại chỉ
lo đến sự an toàn cá nhân?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
- Tất cả đều sẵn sàng chết chung tại chỗ, còn ai sau này lo việc báo cừu?
Thương Nhân suy nghĩ một chút:
- Như đại hiệp đó mà còn thất bại, thì làm sao tìm ra người để báo cừu? Ai có cái tài ba làm được việc đó?
Quan Sơn Nguyệt nói nhẹ:
- Tại hạ vừa từ Ngũ Đài Sơn đến đây, nơi đó có một môn phái mới thành
lập, tên Thái Cực Môn, do Trương Thanh cô nương chủ trì. Trong môn phái
đó có một số cao thủ. Nếu cần nghĩ đến việc báo cừu, thì chúng ta có thể đặt kỳ vọng nơi họ. Điều thỉnh cầu của tại hạ đối với Thương huynh là
cốt lưu lại một vài người để đến đó báo tin.
Thương Nhân đáp:
- Nếu cần báo tin thì một người cũng đủ, sao lại phải cần đến sáu người?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
- Phải! Một người thôi cũng đủ, cho nên tại hạ mới bảo các vị đứng cách
xa nhau ba trượng một, tránh «Thần Quyền Phích Lịch» tàn sát trọn số nếu tất cả cùng quây quần một chỗ. Tản mác ra như vậy, chúng ta có hy vọng
ít nhất cũng có một người sinh tồn. Ngoài ra đối phương đông người,
chúng ta hiệp nhau một chỗ thì họ dễ bao vây, còn phân tán ra thì chúng
không đủ người ngăn chặn.
Người trung niên giật mình, thốt:
- Tiểu tử khá lắm đó, thảo nào mà chẳng sớm thành danh trên giang hồ!
Bình sanh, lão phu không khen ai cả, bây giờ phá lệ tán dương ngươi đó!
Quan Sơn Nguyệt lạnh lùng:
- Tại hạ chờ xem cái gan của các hạ to lớn như thế nào mà dám thách thức bọn tại hạ như vậy.
Người trung niên thản nhiên:
- Vạn Ma Sơn Trang chẳng bao giờ sợ ai tìm đến báo cừu ...
Quan Sơn Nguyệt cười lạnh:
- Người, thì có thể là các hạ không sợ, nhưng nước thì Vạn Ma Sơn Trang
sợ là cái chắc, và các vị chẳng bao giờ dám để việc này bị lộ ra ngoài.
Người trung niên biến sắc mặt.
Quan Sơn Nguyệt cấp tốc vận công chuyển nội lực vào thanh Hoàng Diệp Kiếm,
bắn kiếm khí bức đối phương lùi lại mấy bước. Đoạn, chàng gọi to:
- Thương huynh! Cấp lui lại sát bờ sông đi!
Thương Nhân không nhích động, nhưng thủ hạ của y có hai người bước tiến sát bờ sông, nhảy luôn xuống nước, ló đầu lên nhìn vào cục diện.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười, thốt:
- Bây giờ chúng ta có thể yên tâm ứng chiến rồi. Thương huynh ơi, kiên
nhẫn chờ một chút đi, rồi muốn vào thì vào, muốn chạy thì chạy. Gì thì
chẳng biết chứ bắt đầu từ hôm nay, Vạn Ma Sơn Trang sẽ trải qua những
ngày sóng gió, người trong trang không còn hưởng sự an ninh như thời
gian cũ ...
Người trung niên lại biến sắc lượt nữa, giục:
- Hàn Phương, động thủ gấp đi chứ! Tốc chiến, tốc thắng có lợi hơn.
Hàn Phương đưa tay lên.
Bọn Quan Sơn Nguyệt ngưng thần chú ý, mười phần giới bị.
Người trung niên bật cười ha hả, đưa tay chỉ xuống sông, thốt:
- Tiểu tử ơi! Ngươi dù lợi hại, cũng không chu đáo, thủ hạ của ta được
huấn luyện kỹ, không cần ta ra lịnh mà vẫn làm được những việc phải làm, làm đúng lúc để ngừa hậu hoạn.
Quan Sơn Nguyệt quay đầu lại.
Phía sau chàng, có hai thủ hạ của người trung niên đứng chặn đường rút lui
xuống bờ sông, còn hai thủ hạ của Thương Nhân thì đã thành hai xác chết
nổi lờ đờ trên mặt nước. Hiển nhiên, hai người đó bị đối phương bắn độc
tiễn mà táng mạng. Bất giác, Quan Sơn Nguyệt sững sờ.
Người trung niên cười lớn:
- Gừng và quế, càng già càng cay, ngươi mới ngần ấy tuổi đời, dù cho có
thông minh thì sự thông minh của ngươi bất quá chỉ mới tượng hình, bất
quá chỉ là một điểm nhỏ, dùng điểm nhỏ thông minh đó đối phó với lão
phu, có khác nào ngươi nuôi mộng hái trăng, làm gì thành công được? Tuy
nhiên, lạp phu cũng nhìn nhận ngươi khá lắm, ngươi vượt bình thường đáng cho người ta chú ý.
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
- Các hạ không nên quá tự đắc. Chưa chắc gì «Phích Lịch Thần Quyền» của các hạ sẽ làm chi được tại hạ.
Người trung niên bật cười ha hả:
- Như bọn Hàn Phương thì có thể là chúng không làm chi ngươi nổi, bởi
công lực chúng còn ở mức tầm thường, nhưng nếu lão phu xuất thủ thì
ngươi không hy vọng gì tẩu thoát đâu. Khó lắm, tiểu tử ơi, lão phu thấy
ngươi khó sống sót lắm.
Niềm tin tất thắng của Quan Sơn Nguyệt hiện tại mong manh quá, chàng không đáp lại tiếng nào.
Song, Thương Nhân thì cười vang lên, cười đến độ gây ngạc nhiên cho toàn thể.
Hàn Phương nổi giận, thốt:
- Sắp chết đến nơi, lại không lo trối trăn, còn cười như điên là nghĩa gì? Có cái chi đáng cho ngươi cười đâu?
Thương Nhân phất chiếc bàn toán, những con toán khua chạm vào nhau, kêu lạch cạch, y biểu hiện sự đắc ý của y. Y đáp:
- Ta nghĩ đến cái câu lão già kia vừa nói đó mà. Cái câu gừng quế càng già càng cay đó!
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
- Đừng đùa nữa, Thương huynh!
Thương Nhân cười to hơn:
- Tại hạ đâu có đùa! Tại hạ đang nghĩ đến lão già họ Ngô, chúng ta có
nhận xét sai lầm về lão ấy. Chẳng phải lão tham sống sợ chết đâu. Mưu
của lão rất thâm ...
Quan Sơn Nguyệt quay đầu nhìn lại, thấy mảnh ván thuyền còn đó, nhưng Ngô Khẩu Thiên thì đã biến đi đàng nào mất
rồi. Đến cả tấm bố chiêu khách trước đó còn nằm tại bờ sông bây giờ cũng mất luôn. Điều đó chứng minh là lão ta đã chuồn xuống nước rồi, len lén lội vào bờ lấy lại tấm bố, nghe lọt câu chuyện của chàng và sau cùng âm thầm lẻn đi.
Người trung niên biến sắc mặt, nhưng còn biết làm sao kịp nữa?
Thương Nhân tiếp tục cười vang:
- Giả như hôm nay ta may mắn được thoát nạn, thì ngày sau, nếu gặp lại
lão già đoán số mạng đó, chắc là ta phải tránh xa, lão ấy lợi hại không
tưởng nổi.
Cả ngươi nữa, tuy ngươi là một tay gian hoạt đáng khiếp, song không sánh kịp họ Ngô đâu.
Người trung niên hét:
- Ngươi còn hy vọng sống sót? Hừ! Rõ là ngươi nuôi mộng!
Quan Sơn Nguyệt bình thản điểm một nụ cười:
- Là nam nhi, khi chọn cái kiếp sống giang hồ thì còn màng đâu đến sự
sanh tử nữa? Chết là một cái gì chực chờ khách giang hồ ở mỗi đoạn
đường, mỗi bước đi, chết sao cho đáng giá, chết sao cho đừng oan uổng,
chết đúng lúc, đúng nơi. Chết như vậy, thì nên chết, đừng bao giờ chết
bậy ở bất cứ trường hợp nào, thời gian, địa điểm nào.
Người trung niên thấy khí khái của chàng, bất giác khích động mạnh.
Thương Nhân ưỡn ngực, cười ha hả:
- Quan đại hiệp ơi! Nghe đại hiệp nói rồi, tại hạ nghĩ con người không
tránh được một lần chết, mà cường đạo thì hiếm có một dịp chết tốt, chết đẹp, giả như trong trường hợp này, bất hạnh mà tại hạ chết đi, thì đúng là một cái chết đầy vinh hạnh cho tại hạ vậy.
Ngô Phụng cố nhẫn cơn đau, dùng hai đầu gối bò đến gần, kêu thảm thiết:
- Quan đại hiệp ơi, chính tôi làm liên lụy đến đại hiệp. Như chúng tôi có bất hạnh ra làm sao, thì cũng chỉ vì chiếc Bích Ngọc Phượng Hoàng, nhân có phát thì quả phải lãnh, còn đại hiệp thì hoàn toàn chẳng có lý do
...
Quan Sơn Nguyệt khoát tay:
- Ngô cô nương không nên thắc mắc, cứ biết cho rằng chúng ta đều là người trong vũ lâm, chúng ta là đồng đạo ...
Người trung niên bực dọc, day qua Hàn Phương, gắt:
- Hàn Phương, ngươi còn chờ gì nữa? Cái lão tướng số đó đã chuồn đi rồi,
còn lại bọn người này, ngươi nên thu thập bọn chúng gấp, để minh còn lên đường chứ. Biết đâu đối phương sẽ chẳng ngăn chận đường về của chúng
ta, hoặc kịp thời theo dõi chúng ta nếu cứ dần đà ở đây mãi?
Quan Sơn Nguyệt cười nhạt:
- Các hạ cho rằng cứ giết hết bọn này thì chẳng còn ai khám phá ra vạn Ma Sơn Trang nữa sao?
Người trung niên lộ vẻ cao ngạo:
- Đừng tưởng khám phá ra Vạn Ma Sơn Trang là một việc dễ làm. Phải biết
sơn trang của lão phu được sáng lập gần trăm năm nay, trong thời gian
dài đó, trên giang hồ chẳng ai biết được nó ở địa phương nào. Chỉ cần
các ngươi chết đi, là Vạn Ma Sơn Trang cầm như an ổn chẳng khác bàn
thạch.
Quan Sơn Nguyệt lạnh lùng:
- Sở dĩ từ trước đến
nay, chưa có ai phát hiện được căn cơ của các vị, là vì các vị vận khí
còn đỏ. Hiện tại thì hình tích của các vị đã bị lộ rồi, nếu Trương cô
nương biết được, thì dù cho các vị có chạy lên trời, cũng chưa chắc chắn tìm được sự sống.
Người trung niên niên lắc đầu:
- Trời đất rộng bao la, nàng có biết ta ở đâu mà tìm?
Quan Sơn Nguyệt thốt:
- Vừa rồi, có năm sáu người của các hạ chạy trốn, hẳn là họ không chịu
nổi sự khắc nghiệt của các hạ. Muốn đến Vạn Ma Sơn Trang, không còn gì
hơn là dùng các người đó làm hướng đạo.
Người trung niên lại biến sắc.
Lão trầm lặng một lúc lâu, chẳng nói tiếng nào, song lão day qua Hàn Phương đưa tay ra hiệu bảo hắn chuẩn bị phát động.
Đột nhiên, Thương Nhân đưa cao chiếc Thiết Toán Bàn lớn tiếng gọi:
- Quan đại hiệp, đã có lão họ Ngô chạy báo tin rồi, thì chúng ta có chết
hay sống sót đi nữa, điều đó chẳng thành vấn đề. Vậy thì, đại hiệp nên
nhường trận đầu cho tại hạ nhé.
Y đưa cao chiếc bàn toán, con toán kêu vang, đoạn cất cao giọng hét:
- Anh em đâu! Hãy vì các huynh đệ bỏ mạng, mà làm một cái chi, cho họ được an ủi hồn thiêng nơi suối vàng đi nào!
Ba người, theo tiếng hét của y nhào tới.
Hàn Phương cũng quát to, đánh ngang một quyền. Lập tức gió thổi, sấm nổ,
khí thế mường tượng bão đùa, sấm động. Cuối cùng, hắn cũng phát xuất
«Phích Lịch Thần Quyền», dĩ nhiên khí thế cực kỳ hung mãnh.
Ba
thuộc hạ của Thương Nhân lướt tới, chưa kịp đánh ra một chiêu thức nào
đã bị bắn bay ngược trở lại. Nói là người bị bắn bay, thực ra là da thịt nát bấy, những mảnh vụn bay vèo vèo trở lại, máu văng tung tóe, như một cơn mưa rào.
Một chiêu «Phích Lịch Thần Quyền» sát hại ba người! Lợi hại không tưởng nổi.
Thương Nhân tuy miệng gào, song chân lùi, y thoái hậu tránh gấp mà vẫn bị
quyền phong cuốn theo hất y ngã nhào. Vừa rơi xuống đất, y thét lên:
- Lợi hại thật!
Chiếc bàn toán bằng thép của y bỗng vỡ tung, những con toán bay đi như hạt
tuyết cuốn theo gió lốc, tất cả những con toán đó cùng bay đến Hàn
Phương.
Hàn Phương tựa hồ không phòng bị. Đến khi hắn định vận
công, phát chiêu thì đã muộn rồi. Hắn hấp tấp xoài mình xuống đất, lăn
đi, tránh cơn mưa con toán, khi hắn đứng lên thì Thương Nhân thét:
- Chết này!
Thì ra, Thương Nhân còn giữ lại một số con toán phòng hờ. Bây giờ, y giác
độ rất chuẩn, thấy Hàn Phương đứng lên, y tung ra luôn. Trong trường hợp đó làm sao Hàn Phương tránh kịp?
Hai tiếng bách bách vang lên, hai con toán xuyên thủng da chui vào mặt hắn.
Thương Nhân vốn kỳ vọng sự thành công nơi lần phát xuất thứ hai, do đó y dùng
tất lực bình sanh phóng con toán. Tấu xảo làm sao, hai con toán lại
xuyên tét mí mắt Hàn Phương, chui vào trũng mắt thay thế đôi mắt thật
của hắn.
Thương Nhân bật cười lớn:
- Thì ra ngoài «Phích Lịch Thần Quyền», các công phu khác của bọn ngươi rất bình thường.
Hàn Phương cảm thấy đau quá, không chịu nổi, nhào xuống đất lăn lộn, lăn đến bên cạnh Ngô Phụng.
Ngô Phụng chụp một viên đá to bằng quả trứng, nhắm kỹ càng, đập vào đầu
hắn. Nàng không quăng, mà lại đập, bởi Hàn Phương đến vừa tầm tay. Nàng
đánh rất mạnh, đánh với trọn vẹn niềm căm phẫn để trả đũa trận roi vừa
rồi.
Dĩ nhiên, cái đánh đó phải trúng đích, và đầu Hàn Phương vỡ vụn ra một phần lớn, máu phun ra óc phọt ra.
Thương Nhân tiếp tục cười vang:
- Được lắm, Ngô cô nương! Cô nương làm một việc bù trừ đáng giá hết sức.
Bọn huynh đệ tại hạ, bất hạnh táng mạng cũng yên tâm ngậm cười nơi suối vàng.
Người trung niên biến sắc, hét oang oang:
- Thứ tặc tử vô sỉ! Dám dùng đến thủ đoạn đó, thì thật là hèn! Lạp phu
thề sẽ đập nát xác các ngươi thành đống xương thịt nhão như bùn!
Lão gọi lớn:
- Đỗ Cửu, Huỳnh Khương đâu?
Đại khái lão gọi hai hán từ bên ngoài, xông vào tấn công, nhưng lão gọi mấy lượt, hai hán tử đó đứng nguyên tại chỗ, bất động. Lão quýnh quáng,
đồng thời hết sức lấy làm lạ, vội bước tới xem sự trạng như thế nào.
Nơi cổ họng mỗi đại hán có một lỗ thủng nhỏ. Cả hai đã chết từ lâu.
Thương Nhân bật cười ha hả:
- Thương Nhân này đã là thủ lãnh ba mươi sáu thủy trại trên khắp mặt nước sông hồ, thì hành sự luôn chủ trương công bằng, ai có tội thì phạt tội, ai có công thì thưởng công. Hai tên đó chết đi, hẳn là chưa biết kẻ sát hại mình là ai! Này lão già kia, lão muốn đập nát xác chúng ta thành
những đống xương thịt nhão như bùn, thiết tưởng lão phải tự mình ra tay
mới được!
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Chàng nghĩ, Thương Nhân quả
thật chẳng phải là tay tầm thường như chàng ước độ. Chỉ vì, chàng đứng
bên cạnh y nhưng chẳng phát hiện y xuất thủ từ lúc nào, sát hại hai đại
hán ở phía hậu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT