Dùng bàn tay phải chận trên miệng chén rượu, Khổng Văn Thông mỉm cười nhìn quanh bốn phía:
- Bằng hữu quá đông, không làm sao thân tự rót từng chén một, tại hạ xin
mạn phép tạm dùng cách này để mời mỗi vị một chén cho trọn tình, mong
chư vị thương mà lượng thứ ...
Nói vừa dứt câu, Khổng Văn Thông
nhấc bàn tay chận trên miệng chén đưa nhẹ một vòng trước mặt trong dáng
cách mời trang trọng, nhưng ngay khi đó từ trong miệng chén một vòi rượu bắn vọt lên trông y như một cây trụ nước ...
Lên gần tới nóc
rạp, «cây rượu» vụt tóe ra như một ngọn pháo bông, những tia bông ấy lại nhiễu đúng vào chén không đang đặt trước mặt của từng người khách một
...
Hay nhất là rượu chỉ vừa đầy chén chứ không hề rơi ra ngoài một giọt nào!
Một tràng pháo tay nổi lên như sấm, lẽ tự nhiên người phát pháo vẫn là Kim Sa Bảo chủ.
Một cái nhếch môi cười đắc ý nở lẹ trên môi, Khổng Văn Thông vòng tay chầm chậm quay quanh:
- Thật là đắc tội, xin mời chư vị nâng chén cho vui!
Một lần nữa Kim Sa Bảo chủ Cốc Lượng hai tay nâng bổng bức hoành phi đưa đến trước mặt họ Khổng:
- Khổng Cốc chủ quả thật là văn võ toàn tài, trên đời này chỉ có một chứ
không hai ... bức hoành phi này e hãy còn quá khiêm tốn đối với tài ba
cái thế ấy.
Xin Cốc chủ vui lòng chấp nhận, để tỏ ra rằng không phụ tấc lòng thành của bằng hữu các nơi!
Tất cả, thảy đều im lặng và vị Chưởng môn phái Chung Nam cúi mặt thở dài ...
Cố ý do dự chờ xem phản ứng một giây, Khổng Văn Thông đưa tay tiếp lấy:
- Cốc Bảo chủ và chư bằng hữu đã có thịnh tình, đệ cung kính bất như tòng mạng vậy!
Khổng Văn Thông trao bức hoành phi ra sau. Khổng Văn Kỷ bước lên đón lấy, đồng thời hắn tung thẳng lên trên ...
Theo lối «đà phong» bức hoành phi không bay đụng nóc rạp mà lại tà tà bay
gắn vào tấm vách giữa nhà, không nghiêng không xéo, chứng tỏ công lực
thôi phiên của họ Khổng cực kỳ chính xác.
Tiếp liền theo, bốn tên gia nhân lực lưỡng cầm bốn cây đinh to và bốn cây búa lớn nhảy lên
chiếc bàn, đóng đinh bức hoành phi vô vách. Họ hành động thật rập rành
ăn khớp, đúng là một hoạt cảnh đã được bố trí chu đáo từ đầu.
Tuy nhiên nhờ sự hướng dẫn của Kim Sa Bảo chủ, một màn vỗ tay nữa lại dậy
lên khiến cho chuyện «xắp xếp» cũng có vẻ «tự nhiên» hết sức!
Lữ
Vô Úy đỏ mặt tía tai hầm hầm đứng dậy, nhưng nhà sư già phái Thiếu Lâm
đã vội nắm vạt áo ông ta giật giật liên hồi. Biết không cách nào hơn, vị Chưởng môn phái Chung Nam đành nghiến răng ngồi xuống ...
Cốc Lượng lại xung xăng bước tới mọp lưng:
- Bái thọ, bái thọ ... Xin thỉnh «Thọ Tinh Ông» ngự vị, để cho bằng hữu bốn phương ... chiêm lễ.
Đúng ra thì hắn muốn nói «bái lễ» nhưng kịp bắt gặp một số bộ mặt hầm hầm,
trong đó tự nhiên là có Chưởng môn phái Chung Nam, vì thế hắn đành nén
lòng giảm xuống một bậc gọi là «chiêm lễ».
Khổng Văn Kỷ lật đật
vịn lấy Khổng Văn Thông, đẩy anh mình đứng lui vào ngay dưới tấm hoành
phi, và như một cái máy đám học trò lễ xướng rập lên:
- Hồng chúc huy hoàng, cúc cung bá bái, phước như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn!
Cốc Lượng lại châm ngòi, một tràng pháo tay nổ lên gần bể rạp.
Khổng Văn Thông nở nụ cười thỏa mãn, chấp tay chào bốn phía:
- Không dám, không dám ... Xin cảm tạ chư bằng hữu!
Vừa nói hắn vừa vái chào thêm một lần nữa, và khi ngẩng đầu lên họ Khổng chợt ngỡ ngàng ...
Hắn tưởng tượng trong lễ trang trọng như thế, tất cả tia mắt của thiên hạ
sẽ đổ xô về phía mình, không dè khi ngẩng mặt lên thì bao nhiêu con mắt
đều chăm chăm lên phía bức hoành phi bằng những tia nhìn kinh ngạc ...
Khổng Văn Kỷ quay lại ngước lên, hắn vụt trố mắt há mồm ngơ ngác ...
Không biết tự bao giờ, không biết ai đó đã dùng màu trắng viết thêm hai chữ
nhỏ trên bức hoành phi thành ra là «Thiên hạ đệ nhất Minh Đà Gia».
Khổng Văn Thông kinh ngạc, thừ người ra một lúc, sau cùng trầm gương mặt hỏi qua cơn giận:
- Chẳng hay vị bằng hữu nào đùa cợt như thế?
Lão hỏi một lượt quanh lư bằng, chẳng ai đáp. Lão hỏi luôn mấy lượt nữa,
quanh lư bằng vẫn im lặng, một sự im lặng nặng nề, những người hiện diện đều hoang mang lo ngại.
Khổng Văn Thông không còn che dấu niềm phẫn nộ, cất cao giọng, tiếp:
- Hôm nay là sinh nhật của tại hạ, với tấc lòng thành, tại hạ thỉnh các
vị đến đây, chẳng qua chỉ mượn cái cớ có lễ mọn để tụ họp cùng các vị
dùng chén rượu nhạt cho thỏa niềm khát vọng hào kiệt anh hùng, chứ nào
dám nói đến sự mầng thượng thọ mà khoa trương huy hoàng, làm nhọc các vị vượt nghìn dặm xa để tỏ tình chiếu cố? Các vị đến, tại hạ cảm kích vô
cùng, các vị không đến, tại hạ cũng chẳng dám oán hờn gì, trái lại còn
thẹn lấy mình đức bạc, tài hèn, giao tình siển lậu. Giả như tại hạ có
làm điều chi đắc tội với các vị thì các vị cứ đương diện trách cứ, tại
hạ sửa mình ngay. Chứ còn đùa cợt như thế này thì thực ra có phần quá
đáng!
Thốt xong một câu dài, lão biến sắc mặt tái xanh, lão lại nhìn quanh tân khách.
Ai ai cũng im lặng chẳng dám làm một cử động gì.
Bỗng đâu đây, hơi xa xa, có tiếng cười vang lên sang sảng, tiếng cười kéo dài, càng dài càng tỏ ra cái ngạo nghễ, thách thức.
Tất cả mọi người cùng giật mình, cùng hướng mắt về phía phát xuất ra tiếng cười.
Nơi phát ra tiếng cười là cuối hướng đông lư bằng, nơi đó có mấy bàn tiệc
dành cho tân khách thuộc hạng nhì, hạng ba trên giang hồ. Nơi đó có một
người đang đứng thẳng, người đó vận y phục vùng Quan Ngoại, một nam nhân tuổi tác trung niên, thân hình khôi vĩ.
Người trung niên đó, hoàn toàn xa lạ đối với mọi người, kể cả chủ nhân lẫn tân khách.
Một người thuộc hạng nhì, hạng ba trong võ lâm, lại dám buông tánh ngông cuồng đối với Khổng Văn Thông? Sự tình hết sức kỳ quái!
Khổng Văn Thông trầm giọng hỏi:
- Quý tánh cao danh của bằng hữu là chi.
Người trung niên cười nhạt:
- Trương Vân Trúc. Tổ phụ mấy đời cư ngụ tại Bắc Thiên Sơn. Bất quá chỉ là một tiểu tốt vô danh!
Khổng Văn Thông quan sát y một lúc, cố moi ký ức xem có nhận thức được y
chăng, song lão đành chịu, bởi song phương hoàn toàn xa lạ với nhau,
bình sanh lão chưa hề gặp y lần nào. Lão lạnh lùng hỏi tiếp:
- Vừa rồi Trương bằng hữu phát lên tràng cười như thế, vậy là có ý tứ gì?
Trương Vân Trúc bật cười ha hả:
- Hỏi về ý tứ, đáng lẽ phải hỏi nơi các hạ, chứ sao lại hỏi tại hạ? Cái ý tứ, riêng cũng được mà chung cũng được, nó như thế này:
Các hạ
nói nhiều quá, nói trường giang đại hải, nói đến mê mẩn người nghe, nói
đến cảm động người nghe, nhưng đó chỉ là lời nói thôi. Còn cái tâm của
các hạ đang chứa bao nhiêu quỷ, nào ai biết được? Nếu cần nói đến ý tứ
thì tại hạ muốn biết cái ý tứ chứa quỷ trong tâm của các hạ, chứ còn
tràng cười của tại hạ nào có quan trọng chi đâu?
Khổng Văn Thông một lần nữa biến sắc mặt. Ánh mắt của lão ngời lên niềm hung ác, lão cao giọng thốt:
- Trương bằng hữu! Xin bằng hữu biết cho rằng hôm nay là ngày vui của tại hạ, cái ý của tại hạ là muốn cho tất cả đều vui, tại hạ không thích làm phiền lòng bất cứ ai giữa cuộc tiệc này. Nhưng, tại hạ thú thật, sự
kiên nhẫn có giới hạn mà bằng hữu thì phủ nhận cái giới hạn đó. Cho nên, tại hạ tha thiết mong bằng hữu đừng bức bách tại hạ phải làm một việc
mà tại hạ không muốn làm, tại hạ cố tránh.
Trương Vân Trúc cất tiếng cười vang:
- Khổng Cốc chủ ơi! Cốc chủ nói đúng quá! Hôm nay là ngày vui thực sự của Cốc chủ mà! Bởi vì, chẳng những quần hùng mừng thượng thọ cho Cốc chủ,
mà lại còn quy tụ về đây sẵn sàng chịu sự khống chế của Cốc chủ. Người
ta nói «phước bất trùng lai», song đối với Cốc chủ thì phước đã trùng
lai rồi đó!
Khổng Văn Thông sôi giận quát:
- Nói nhảm! Cái tấm biển kia bất quá do đồng đạo võ lâm ái mộ mà tặng cho, chứ tại hạ nào dám dựa vào đó để khoác một hư danh?
Trương Vân Trúc cười nhẹ:
- Vật tặng phải không? Cốc chủ, tự động mà tặng hay do một uy hiếp nào đó mà có?
Y bật cười lớn, tiếp:
- Ha ha! Nếu chẳng có sự bức bách thì khi nào người ta lại phí công làm cái việc vẽ vời cho ngoại nhân?
Khổng Văn Thông, lượt thứ ba, biến sắc mặt. Ánh mắt của lão bốc ngời sát khí. Nhưng lão chưa kịp phát tác, Khổng Văn Kỷ đứng bên cạnh lão không dằn
được tánh nóng, vụt bước tới, đồng thời y vung chưởng đáng sang Trương
Vân Trúc. Chưởng kình phát ra rồi, y hét:
- Thất phu! Tiểu tốt vô danh! Ngươi từ đâu đến? Ngươi là ai? Dám ngang nhiên phá hoại cuộc vui
của đại ca ta? Thế ngươi đã chán sống rồi phải không?
Y đánh ra
một bàn tay, ai cũng tưởng là y phóng chưởng kình, song tay đi nửa
chừng, y lại đổi chiêu thức. Thay vì phát chưởng, y đổi thành chỉ, bàn
tay xòe hai ngón, hai ngón đó chọt thẳng vào ngực đối phương.
Quần hùng tại tiệc bất giác giật mình, nhận ra chiêu chỉ đó phát xuất vừa
nhanh, vừa độc. Ai ai cũng cầm chắc một kẻ thuộc hạng nhì, hạng ba trong võ lâm phải chuốc khổ trước bào đệ của vị cốc chủ Lạc Hồn Cốc.
Nhưng trái lại với sự ức đoán của mọi người, Trương Vân Trúc chỉ lắc nhẹ bờ
vai một chút. Bờ vai lệch qua một bên, ngực cũng chênh theo, chỉ lực của Khổng Văn Kỷ trượt ra ngoài.
Phải nhìn nhận bộ pháp của y rất
vững vàng. Nếu là người nào khác, trượt đòn công đó hẳn phải chới với,
và chới với là cầm như giao mạng sống cho đối phương.
Không.
Khổng Văn Kỷ trụ bộ liền. Đồng thời gian, y biến chiêu ngay, bàn tay
đánh ra lập tức thu về, rồi cùng một lúc với bàn tay kia, bay tới, một
trên một dưới công vào hai nơi, một tại huyệt Thái Dương, một tại hông
của Trương Vân Trúc.
Bị tấn công cùng một lượt ở cả hai bộ phận
thượng và trung, giả như Trương Vân Trúc hụp xuống thì chỉ tránh được
đòn trên và phải hứng một chưởng nơi hông. Trừ khi y nhào người sát mặt
đất mới mong tránh khỏi cả hai đòn. Mà làm sao y nhào kịp nữa?
Song phương đã đứng sát bên nhau, Khổng Văn Kỷ lại xuất thủ quá nhanh, y
không còn hụp mình xuống thấp được. Tân khách cầm chắc y phải khổ.
Thủ pháp của Khổng Văn Kỷ nhanh, động tác của y còn nhanh hơn một bậc.
Trong khi y uốn cong người tạt về phía hậu, y độ chừng Khổng Văn Kỷ đã đánh
ra trọn đà tay, hai tay của họ Khổng giao thoi với nhau, tay nào đánh
vào huyệt Thái Dương bay qua, tay nào đánh vào hông bay lại, bất thình
lình Trương Vân Trúc như con trút vừa uốn mình lại tháo mình, từ chỗ
lùi, vọt tới.
Đương nhiên y vọt thẳng người vào Khổng Văn Kỷ.
«Bình!» Chẳng biết y có xuất thủ hay không hay là y chỉ dùng cơ thể chạm cơ
thể, Khổng Văn Kỷ bị tung bắn lên không, lộn cầu vòng về phía hậu xa hơn sáu thước, bờ vai hữu xệ xuống chừng như thọ thương khá nặng.
Khổng Văn Thông không chậm trể, «hừ» lên một tiếng, cấp tốc vung tay, tung
chưởng từ phía sau lưng Trương Vân Trúc đánh tới. Chưởng kình tung ra
không gây một âm thanh nào, nhưng thế đánh rất mạnh và đương nhiên rất
nhanh.
Trương Vân Trúc tợ hồ không phòng bị. Mãi đến lúc chưởng
thế đến sát người, y mới phát giác ra, song phát giác trong phút giây đó thì còn phản ứng quái gì kịp nữa?
Một tiếng «bịch» vang lên, Trương Vân Trúc nhào hớt về phía trước.
Bị ám kích như vậy và người ám kích lại là một Khổng Văn Thông, nhưng
Trương Vân Trúc vẫn chẳng hề hấn chi cả. Nhào hớt về phía trước, y lạng
người một chút như vẽ nửa vòng cung, bật đứng lên, vững chắc như thường. Y quay lại đối diện với Khổng Văn Thông, cười lạnh:
- Lão Khổng
ơi! Hãy nhớ cái chưởng hôm nay nhé! Nhớ một ngày nào đó, tại hạ sẽ thanh toán đàng hoàng, tại hạ chẳng thích nợ của ai, bất cứ nợ về cái chi.
Thực ra thì tại hạ không mang cái nợ bất đắc dĩ này, một món nợ người ta nhân cái lúc tại hạ quay lưng mà quăng lén vào lưng! Một món nợ do con
người quang minh chánh đại nhất trần đời, chuyên môn đánh lén, cưởng
bách tại hạ phải nhận! Từ nay, trên giang hồ, mỗi khi nghĩ đến tư cách
của một con người quang minh chánh đại, thiên hạ phải biết ngay chính
những người chuyên môn đánh lén mới là chánh nhân quân tử!
Khổng Văn Thông thẹn đỏ mặt. Lão vừa thẹn vừa uất tức mà cũng vừa kinh hãi.
Đánh lén, là một việc làm bất đắc dĩ, trong tình thế bất khả kháng này bắt
buộc lão phải dùng, bất chấp lời phê phán của bao nhiêu người hiện diện.
Làm một cử động liều, song chẳng thành công, lão phải tức.
Ngoài ra, trên giang hồ, một kẻ nào đó tiếp được một chưởng của lão với năm
thành lực thôi cũng là tay hữu hạng rồi. Giờ đây Trương Vân Trúc thay vì chưởng chạm chưởng, y đưa lưng hứng chưởng, như thử thách, như đo lường công lực lão, vậy mà y không thọ thương, hứng chưởng như vậy vẫn chẳng
việc gì thì Trương Vân Trúc hẳn phải là tay phi phàm!
Lão phải sợ con người đối diện. Sự kiện này, bình sanh lão mới gặp lần thứ nhất.
Mọi sự kiện diễn tiến trên chỗ tưởng của Khổng Văn Thông mà cũng trên chỗ tưởng của tất cả tân khách.
Chẳng phải hôm nay Khổng Văn Thông mới nảy sanh cái ý chí tranh một chỗ đứng
độc tôn trên giang hồ. Thực ra Lạc Hồn Cốc đã nuôi cái chí quật cường từ hai mươi năm về trước. Lúc đó, Khổng Văn Thông có cái mộng làm bá chủ
võ lâm. Ẩn thân trong Lạc Hồn Cốc, lão điều tra từng nhân vật một hữu
danh trong vũ lâm.
Muốn thành công, lão phải nắm vững tình hình
võ lâm và điều trước tiên lão phải biết là thực lực của giang hồ như thế nào ... Giả như khi lão quật khởi tranh giành ngôi vị, bức bách quần
hùng phải quy phục lão mà có một lực lượng liên minh chống đối thì ít
nhất lão cũng có cách đánh tan lực lượng đó mới được chứ.
Qua
cuộc điều tra ngầm, Khổng Văn Thông nhận ra trên giang hồ lúc đó, chẳng
có một nhân vật nào đáng sợ đối với lão ta. Lão đắc chí vô cùng, tin
chắc là cờ phất lên thì quyền uy phải đến, quần hùng phải khuất phục cúi đầu trước mặt lão, chịu mạng lịnh sai sử của lão. Lão chuẩn bị cuộc
quật khởi, chỉ còn chờ ngày phát động đại cuộc thôi.
Ngờ đâu, đột nhiên trên giang hồ xuất hiện một nhân vật phi phàm. Nhân vật đó là
Minh Đà Lệnh Chủ Độc Cô Minh, biết rõ cái dã tâm của Khổng Văn Thông,
thách thức lão ta so tài, mượn một dịp thuận tiện, cảnh cáo lão nên an
phận để giữ niềm hòa khí trong võ lâm đồng đạo, đừng gây nên sóng gió
đang lúc giang hồ thanh tịnh.
Trong cuộc chiến đó Khổng Văn Thông thảm bại.
Cũng may, Độc Cô Minh chỉ muốn cảnh cáo thôi chứ không muốn sát hại, Khổng
Văn Thông nhờ thế không thọ thương. Nhưng cũng nhờ cuộc chiến đó mà
giang hồ được bình tịnh trong hai mươi năm dài, bởi Khổng Văn Thông từ
sau ngày chiến bại đã lui về Lạc Hồn Cốc ẩn mình, không còn chường mặt
trên giang hồ nữa.
Trong thời gian đó, lão chuyên tâm chú ý tập luyện ngày đêm, quyết tiến bộ một cách phi thường.
Ngày trước, tại đại hội Sa Mạc, Khổng Văn Thông cũng có mặt, song lão ta cải sửa dung mạo, hòa mình trong đám đông, để cho em trai lão là Khổng Văn
Kỷ đại diện lão. Dự đại hội đó, lão có cái ý quan sát thực lực của hào
kiệt anh hùng, nhận định nhân vật nào lợi hại, đáng được loại trừ trước, phòng chướng ngại sau này khi lão cử sự.
Sau lão lại bắt được một tin mừng là Độc Cô Minh đã tạ thế.
Độc Cô Minh chết rồi còn người đệ tử là Quan Sơn Nguyệt cũng lợi hại không
kém gì sư phụ. Tuy nhiên, dù sao thì Quan Sơn Nguyệt cũng còn trẻ tuổi,
kinh nghiệm giang hồ không dồi dào lắm, Khổng Văn Thông chỉ áp dụng một
kế mọn, sát hại hắn dễ dàng trong một tiệc rượu với chất độc «Hoàng Hà
Thiên Tinh Sa».
Sau khi Độc Cô Minh và Quan Sơn Nguyệt chết rồi.
Khổng Văn Thông cảm thấy con đường trước mắt rộng thênh thang không còn
một chướng vật nào nữa.
Đúng vậy, trong võ lâm thời đó rất hiếm
những tay tài giỏi khả dĩ đương đầu với Cốc Chủ Lạc Hồn Cốc Khổng Văn
Thông. Tuy vậy, lão ta vẫn tăng cường thực lực, chưa vội vọng động.
Mãi đến năm trước đây, uy thế có phần hùng hậu, lão mới bắt đầu tái nhập
giang hồ. Lão tìm người đồng chí hướng, kết giao khắp nơi, hoạch định
chương trình cử đồ đại sự.
Và hôm nay nhân ngày mừng thọ được
tròn sáu mươi tuổi, lão đạt giấy mời hào kiệt anh hùng đến chuốc chén
với lão, mà cũng tuyên cáo trước võ lâm, từ nay lão quật khởi chí lớn,
tạo dựng một cơ nghiệp hiển hách.
Thực ra thì phần đông hào kiệt
chưa thấu đáo cái dã tâm của lão, bất quá chỉ có một số ít người, đối
với lão không thuận ý đồng tình lắm, nên họ chưa thân mà cũng chẳng dám
sơ, họ dè dặt đối với lão, chờ xem lần tái nhập giang hồ này, lão noi
theo một tôn chỉ như thế nào.
Trong khi Khổng Văn Thông cầm chắc
sự thành công thì đột nhiên Trương Vân Trúc xuất hiện. Người này là một
kẻ vô danh, song tài của người này thì hẳn phi thường.
Trương Vân Trúc đương trường trách mắng lão như thế, tự nhiên lão phải sôi giận.
Trong số tân khách có mấy người cũng bất bình về hành động không quang minh của lão.
Ngày đầu tiên mà có điều bất lợi như vậy thì lão làm sao thu phục được nhân tâm?
Dù cái tài của lão có trùm thiên hạ, ít nhất lòng người phải theo về lão
một phần lớn thì cơ nghiệp tạo dựng nên mới vững bền, chứ nhơn bất hòa
cho dù thời trời thuận và địa thế lợi thì lão cũng chẳng mong gì hưởng
dụng lâu dài, và biến cố chực chờ phát sanh, thành ra lão có ăn ngon ngủ kỹ trên lợi lộc danh vọng được đâu? Cho nên, bằng mọi cách, lão phải
tiêu diệt kẻ phá đời họ Trương này, bởi y là mầm hoạn họa đe dọa an toàn của lão từ đây về sau.
Lão hết sức hổ thẹn trước quần hùng. Nhưng là hồ ly tất phải gian hoạt, lão chưa phát tác vội vàng, chỉ trầm giọng hỏi:
- Công phu tu vi của bằng hữu, tại hạ hết sức khâm phục, với tài nghệ đó
thiết tưởng tạo dựng danh nghiệp trên giang hồ, chẳng phải là sự khó
khăn đối với bằng hữu, tại sao bằng hữu không nhìn về tương lai xán lạn
đang chờ mà lại tìm đến tại hạ sanh điều phiền phức cho nhau, lại ngay
trong ngày vui của tại hạ?
Trương Vân Trúc cười lạnh:
- Sở dĩ tại hạ học múa tay xoay chân là để duy trì sức khỏe kéo dài cõi thọ, chứ học võ đối với tại hạ chẳng phải để tạo một phương tiện giúp mình
leo thang danh vọng. Còn như hôm nay tại hạ có mặt tại đây là điều vạn
bất đắc dĩ đó, Cốc chủ! Dù có gây phiền phức cho Cốc chủ thì cũng đành
vậy chứ biết sao? Bởi vì, tại hạ chẳng muốn cái ngày mừng thọ của Cốc
chủ lại biến thành ngày cúng giỗ bao nhiêu người hiện diện trong tiệc
rượu.
Khổng Văn Thông biến sắc mặt, không còn giữ lễ độ nữa, hét:
- Hồ đồ! Sao ngươi dám nói thế? Thực sự ngươi muốn gì?
Trương Vân Trúc ung dung tiếp:
- Hồ đồ đối với những người chưa biết cái thủ đoạn của các hạ, chứ chẳng
hồ đồ đối với các hạ tí nào! Thực ra thì chất độc «Hoàng Hà Thiên Tinh
Sa» do các hạ bỏ vào rượu đó, chưa chắc làm cho toàn thể hào kiệt tại
đây phải táng mạng. Mà dù cho các hạ có sát hại một vài người, điều đó
chẳng giúp các hạ thực hiện nổi mưu đồ hiểm độc, trái lại còn gây công
phẩn trong võ lâm, xúc nộ những người có thừa hiệp khí. Thiết tưởng đến
lúc đó rồi các hạ có ăn năn cũng chẳng còn kịp nữa.
Câu nói đó phát ra làm cho toàn thể tân khách đều nhao nhao lên, chẳng một ai có thể ngờ rằng Khổng Văn Thông hạ độc trong rượu.
Chưởng môn nhân phái Chung Nam là Lữ Vô Úy vốn không thích Khổng Văn Thông,
sôi giận cực độ, cấp tốc rời chỗ ngồi bước ra khỏi bàn tiệc, đưa tay chỉ thẳng vào mặt Khổng Văn Thông quát to:
- Ngươi có thể làm một điều vô sỉ được sao, Khổng Văn Thông? Ta tưởng da mặt của ngươi chẳng đến đổi quá dầy ...
Việc làm của lão hết sức bí mật, ngờ đâu Trương Vân Trúc lại biết được đem
tiết lộ trước quần hùng. Khổng Văn Thông vô cùng kinh hãi, tuy nhiên lão phải giữ bình tĩnh để cứu vãn tình hình, lão cười lạnh thốt:
-
Sao Lữ huynh nóng thế, chưa biết nguồn cơn thế nào, chưa biết thực hư
như thế nào lại phát tác nặng lời mắng tại hạ? Dù trong rượu có độc,
dược lượng cũng chẳng quan trọng lắm, không đến nổi làm cho các vị phải
táng mạng.
Huống chi tại hạ có sẵn thuốc giải? Tại hạ khuyên Lữ
huynh nên dằn cơn phẫn nộ, bởi khi trúng bất cứ loại độc nào, nếu giữ
mình được trầm tĩnh thì chất độc chậm phát tác, trái lại nếu khích động
dấy mạnh thì độc dược gấp sinh hiệu lực đấy! Nếu Lữ huynh không chịu
nghe lời khuyên của tại hạ, nếu có xảy ra tai hại như thế nào thì Lữ
huynh đừng oán trách tại hạ!
Nói như thế có khác nào Khổng Văn Thông thừa nhận những gì do Trương Vân Trúc vừa tiết lộ?
Những người không có cảm tình với lão đều lộ vẻ bất mãn, họ cùng đứng lên,
gương mặt người nào cũng trầm trầm, niềm căm phẫn hiện lộ rõ rệt.
Có người nóng tính hất bay luôn bàn tiệc cho rộng chỗ, sẵn sàng giao thủ nếu có cuộc chiến xảy ra.
Và tất cả đều bước đến tạo thành một vòng vây quanh Khổng Văn Thông.
Dù vậy, Khổng Văn Thông không hề tỏ lộ sự sợ hãi.
Khổng Văn Kỷ gượng đau, bước tới đứng cạnh trưởng huynh, sẵn sàng can thiệp nếu quần hùng vọng động.
Cũng có một số người do Khổng Văn Thông mua chuộc, thấy tình hình nghiêm
trọng vội bước đến đứng cạnh Khổng Văn Kỷ dàn thành cái thế đối lập với
Lữ Vô Úy.
Do đó, vòng vây chưa thành hình đã phải biến ra trận tuyến đối chiếu với trận tuyến của Khổng Văn Thông.
Song phương đã dàn thành trận thế, đáng lý Trương Vân Trúc phải đứng về cánh Lữ Vô Úy, y lại tách riêng ra đứng một mình một góc. Y thản nhiên như
chẳng quan tâm đến sự căng thẳng giữa đôi bên, y hướng sang Lữ Vô Úy
nói:
- Lão ấy nói đúng đó, Lữ Chưởng môn. Tuyệt đối không nên khích động!
Lữ Vô Úy phẫn nộ vì hành vi đê tiện của Khổng Văn Thông mà cũng căm hờn luôn Trương Vân Trúc. Lão cao giọng trách:
- Các hạ cũng chẳng phải là người tốt chi đó, đã biết là trong rượu có
độc lại chẳng chịu cho mọi người biết sớm, để khi tất cả đã uống rồi mới tiết lộ ra ...
Trương Vân Trúc cười hì hì:
- Nói sớm hay
nói muộn chẳng phải là điều tất yếu. Bởi tánh mạng của các vị chẳng đáng ngại kia mà! Khổng Văn Thông chưa có ý sát hại các vị thì tại hạ nói
sớm làm gì? Lão ấy chỉ muốn khống chế các vị thôi, lão có sẵn giải dược
thì khi nào các vị lại chết được? Nhưng tại hạ xin nói rõ, giải dược đó
chỉ có công hiệu ngăn chất độc phát tác liền và cứ mỗi sáu tháng các vị
lại phải đến bái phục lão ta, xin giải dược, uống vào lại chi trì được
sáu tháng nữa, rồi từ đó cứ mỗi sáu tháng các vị phải trình diện trước
lão ta một lần, ai không đến mới thực sự bị nguy.
Các vị thấy đó, muốn bảo tồn sanh mạng các vị phải mỗi năm tìm đến lão hai lượt.
Như vậy còn ai dám phản kháng lão ta?
Lữ Vô Úy hét lên:
- Câm ngay! Khi nào ta lại bái phục lão quái vật đó?
Khổng Văn Thông cười lạnh một tiếng nhưng chẳng nói gì.
Trương Vân Trúc cười nhẹ:
- Lữ Chưởng môn xem thường sanh mạng quá. Các vị đều là những người có
thân phận rất cao trong võ lâm, nếu khinh thường sanh mạng như vậy thì
đại cuộc giang hồ sau này còn ai lo liệu nữa chứ?
Y dừng một chút, đoạn tiếp:
- Không khéo rồi đây họ Khổng sẽ trở thành bá chủ võ lâm, nắm quyền sanh sát trong tay đấy!
Lữ Vô Úy lại hét:
- Các hạ thực sự là ai? Các hạ có ý tứ gì? Thoạt nói thế này thoạt nói
thế khác, phản ứng vô lường. Thế các hạ muốn toàn thể võ lâm phải khuất
phục trước lão quái vật đó?
Trương Vân Trúc bật cười ha hả:
- Lữ Chưởng môn nóng nảy nên có ý nghĩ sai lầm! Tại hạ đương nhiên là
đứng về cánh các vị, chẳng qua là từ trước đến nay tại hạ có một chủ
trương khác lạ, minh bạch, trong bất cứ hành động nào, luôn luôn giữ cái thế độc lập, bởi có chủ trương độc lập nên chỉ bằng vào sức lực mình,
tâm trí mình, phàm việc mình trước khi làm, đều xét đoán kỹ càng, do đó
ít khi bị người ám toán như các vị từng bị ...
Lữ Vô Úy quát chận:
- Ngụy biện! Chứ các hạ không uống rượu của lão quái vật ấy à?
Trương Vân Trúc bật cười vang:
- Có uống chứ, nhưng tại hạ khác hơn các vị, tại hạ biết, song cố ý uống.
Còn các vị không biết, nên uống lầm.
Lữ Vô Úy giật mình:
- Các hạ cố ý uống loại rượu có chất «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa»?
Trương Vân Trúc gật đầu:
- Đúng vậy. Tại hạ cố ý uống, để tìm hiểu có con đường thứ ba nào chăng, ngoài hai con đường chết và khuất phục trước họ Khổng!
Khổng Văn Thông «hừ» lạnh một tiếng:
- Chẳng có con đường thứ ba, mà cũng chẳng có con đường thứ hai nào cả.
Ngươi chỉ có một con đường duy nhất, là chết. Ngươi phải chết! Mẫu người như
ngươi, nếu sống sót là gieo tai rắc họa cho người đời chứ chẳng giúp ích gì cho ai cả. Dù ngươi bái phục trước mặt ta, ta cũng chẳng chấp nhận
sự quỳ lụy đó!
Trương Vân Trúc bật cười ha hả:
- Đừng nuôi mộng, Khổng Cốc chủ ơi! Ba năm trước đây tại hạ từng uống phải chất
«Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» của Cốc chủ, thế mà tại hạ có chết đâu?
Hôm nay, Cốc chủ muốn dùng «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» sát hại tại hạ thì đúng là Cốc chủ nuôi mộng đó. Hiện tại, nếu Cốc chủ muốn giết tại hạ thì chỉ còn có cách dùng võ công của Cốc chủ mà thực hiện cái ý nguyện đó thôi!
Khổng Văn Thông biến sắc, hấp tấp hỏi:
- Ba năm trước? Thế ngươi là ...
Trương Vân Trúc bật cười ha hả.
Tràng cười của y vang dội chấn động cả tai những người hiện diện.
Vừa cười, y vừa đưa tay hất ngược chiếc mũ trên đầu về phía hậu, đồng thời y cũng vuốt mặt luôn.
Gương mặt của y, trước đó trắng nhợt giờ thì đen sạm, màu đen của gió bụi
phong sương. Và hàm râu tạo cái vẻ trung niên cho y, sau khi rơi rụng
rồi trả y về với lứa tuổi phong cương. Y nghiễm nhiên trở thành một
thanh niên với già dặn của phong trần.
Toàn thể tân khách đều kêu lên kinh hãi. Tất cả đều buông gọn ba tiếng:
- Quan Sơn Nguyệt!
«Quan Sơn Nguyệt»! Cái tên đó còn khắc ghi rõ trong ký ức của mọi người.
Bởi cái tên đó xuất hiện trên giang hồ không lâu lắm, bất quá chỉ cách độ
ba năm thôi. Con người mang cái tên đó, trước đây là thần long, là mãnh
hổ vùng sa mạc.
Con người đó là truyền nhân duy nhất và đắc ý của Minh Đà Lệnh Chủ Độc Cô Minh.
Ba năm về trước, trúng độc «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa», bỗng nhiên y nhảy lên lưng bạch đà, vượt sa mạc, ra đi về một phương trời xa thẳm. Ai ai cũng nghĩ là y đã chết, bởi suốt thời gian ba năm y không trở lại giang hồ.
Và những người có cái tâm hào hiệp đều luyến tiếc y sớm mạng một khi
hoài bão một chân tài.
Giờ đây y trở lại. Y xuất hiện đúng lúc
Cốc chủ Lạc Hồn Cốc Khổng Văn Thông đang mưu đồ quật khởi toan khống chế quần hùng, thực hiện dã tâm chiếm ngôi bá chủ võ lâm.
Quan Sơn Nguyệt bật cười ha hả, cười một lúc, y đưa tay chỉ tấm biển mà y vừa phê phán, cao giọng phân bua với quần hùng:
- Thiên hạ đệ nhất Minh Đà Gia! Xin các vị ghi nhớ điểm này là ngày nào
Minh Đà Lệnh Chủ chưa chết là ngày đó bốn tiếng Thiên Hạ Đệ Nhất không
thể rơi về tay ai, bất cứ ai!
Trước kia, y là một thần long. Vắng mặt ba năm, y tái hiện, vẫn oai mãnh như thần long. Đã là thần long thì lời nói có nhiều oai khí.
Những người hiện diện tại lư bằng im lặng.
Chẳng một ai thở mạnh, một phần vì tôn kính thần long, phần khác có lẽ vì sợ
hãi, sợ hiểu lầm, bởi một tiếng động trong lúc này đều có nghĩa là phản
kháng, là bất mãn, là đứng về cánh Khổng Văn Thông.
Quả thật y có đủ tư cách nói một câu như vậy.
Bởi, ngày trước, sư phó của y là Độc Cô Minh, là tay vô địch, thì từ ngày y xuất đạo trên giang hồ y chưa hề gặp một đối thủ.
Vùng Đại Mạc hầu như giang san riêng biệt của y, nơi nào y đến là có người nghinh tiếp, nơi nào y ly khai là có người tiễn đưa.
Không một ai dám ngăn trở, không một ai dám khiêu khích trêu vào.
Khổng Văn Kỷ vâng lịnh trưởng huynh hạ độc vào rượu, y uống phải, từ ngày đó
ai ai cũng tưởng y đã vĩnh viễn ly khai cõi đời. Ngờ đâu mạng y còn dài, y bảo trì được tánh mạng để hôm nay trở lại đây ...
Và cũng kể từ ngày hôm nay, y có mặt trên giang hồ, y sẽ là một trở lực lớn lao cho Khổng Văn Thông trong mưu đồ bá chủ võ lâm.
Chưởng môn nhân Chung Nam Lữ Vô Úy giật mình, sửng sốt nhìn y một lúc lâu. Thật khó nghĩ cho lão vô cùng.
Thanh niên kia có cái thái độ lững lờ như vậy, y là địch hay là bằng hữu, thân hay là thù?
Ba năm trước, lão có ra tận Đại Mạc, tìm Minh Đà Lệnh Chủ để quyết đấu vãn hồi danh dự phái Chung Nam, lúc đó Độc Cô Minh đã chết rồi, Quan Sơn
Nguyệt thay quyền giữ ngôi Lệnh Chủ.
Khi Lữ Vô Úy đến nơi thì
Quan Sơn Nguyệt đã trúng độc «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» do Khổng Văn Kỷ hạ vào rượu, thành ra lão đã làm một chuyến viễn hành vô ích.
Rồi
nay, Quan Sơn Nguyệt trở lại. Y trở lại, cuộc quyết đấu đã dự định ngày
nào có thể khai diễn rồi. Y trở lại, Khổng Văn Thông sẽ phải gờm mà
không dám vọng động. Như vậy là điều đáng mừng hay đáng lo?
Riêng về Khổng Văn Thông thì lão ta kinh hãi đến xuất thần. Mãi một lúc sau
lão mới lấy lại bình tĩnh, lão nhìn Quan Sơn Nguyệt không chớp mắt,
trong ánh mắt có niềm hoài nghi thoáng lộ, lão hỏi:
- Quan Sơn Nguyệt! Nhờ đâu mà ngươi thoát chết với «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» của ta?
Quan Sơn Nguyệt bật cười ngạo nghễ:
- Trong thiên hạ chẳng có cái gì tuyệt đối cả, dù cho là một loại độc
dược vô cùng lợi hại. Bởi vật tánh nào cũng có sanh có khắc, sanh ở một
phương diện nào đó tất phải bị khắc ở một phương diện khác, cái lẽ sanh
khắc là đạo lý của đổi thay, có đổi thay thì khi nào tuyệt đối được? Cho nên chất độc của các hạ dù lợi hại, vẫn có thể bị hóa giải như thường.
Và tại hạ còn sống được, tức nhiên tại hạ có thể tìm được giải đáp.
Khổng Văn Thông lắc đầu tỏ vẻ không tin:
- Ta biết sư phó ngươi là Độc Cô Minh tài kiêm bách nghệ, song về y thuật thì lão ấy chẳng biết mảy mai, ngươi xuất thân từ môn phái của lão, làm gì ngươi biết được thuốc giải?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
- Các hạ nói đúng đó. Tiên sư không rành về y thuật, chứ nếu người am
tường y thuật thì người đã truyền cho tại hạ rồi, và như vậy làm sao tại hạ mắc mưu các hạ? May mắn cho tại hạ, sau khi trúng độc, tại hạ gặp
một vị cao nhân, vừa cứu nạn cho mà cũng vừa truyền phương thức giải trừ chất độc «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» của các hạ.
Khổng Văn Thông hấp tấp hỏi:
- Vị cao nhân đó là ai?
Quan Sơn Nguyệt đưa tay chỉ ra một bên:
- Vị cao nhân đó rất khen ngợi cách chế luyện «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa»
của các hạ, nên len lỏi đến đây góp mặt trong cuộc lễ mừng thọ của các
hạ để được nhìn tận mắt một tuyệt nghệ của các hạ. Cái tên giả vừa rồi
do tại hạ đưa ra, chính là tên của vị cao nhân đó. Bây giờ đã đến lúc
tại hạ phải giới thiệu người với các hạ. Đó, các hạ thấy, vị đó là
Trương Vân Trúc lão tiền bối, một thánh thủ trong y lâm! Người ẩn cư
trong một ngọn núi vùng Thiên Sơn.
Mọi người nhìn theo tay chỉ.
Nhân vật đó, tác trung niên, vận y phục Quan Ngoại, gương mặt vàng dường như có bịnh kinh niên.
Bên cạnh lão ấy có một vị tiểu cô nương vận y phục Quan Ngoại như lão nhân, mũi đỏ, mắt sáng, mày thanh, gương mặt bừng lên khí khái anh thư, tỏ rõ một cân quắc anh hùng, trong tương lai sẽ có một sự nghiệp lẫy lừng ...
Thoáng nhìn qua, ai ai cũng biết đó là một đôi phụ tử.
Điều lạ lùng nhất là Quan Sơn Nguyệt và hai cha con Trương Vân Trúc đều vận y phục hạng mục đồng!
Không có thứ y phục nào khác hơn y phục mục đồng cho họ mặc sao?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT