Tôi thu xếp quần áo, mấy tập bản thảo vào túi xách. Tôi muốn rời khỏi thành phố Ðà Lạt ngay buổi sáng thứ bảy. Tôi chẳng còn hứng thú đợi đến tối xem buổi trình diễn ra mắt vở kịch của mình.

Trời nắng nhạt. Một chút hương len lỏi trong khu vườn vắng lặng. Tôi đi xuống nhà dưới chào vợ chồng bác quản gia. Hơn một tháng sống với vợ chồng bác, tôi đã có cảm tình. Những bữa cơm thân mật ăn chung với gia đình bác trong những đêm mưa lạnh đã khiến tôi luôn luôn nhớ đến, hơn những bữa tiệc linh đình ở nhà hàng.

Cả hai vợ chồng bác mắt đều đỏ hoe. Chắc họ không đau buồn vì đưa tiễn tôi mà vì thương nhớ cô bé. Bác trai nói:

- Nhớ lần tới cậu lên Ðà Lạt, chúng tôi đã rời khỏi nhà này. Vậy cậu ghé thăm chúng tôi ở Tùng Nghĩa.

Tôi nói:

- Chắc chắn rồi. Tôi sẽ đến tận nơi thưởng thức những ly cafe đặc biệt của bác.

Bác gái nói:

- Cậu về gấp quá. Chúng tôi chẳng có quà gì tặng cậu đem về Saigon.

- Cám ơn bác. Những bữa cơm bác cho ăn đã là những món quà quý báu đối với tôi. Thôi xin chào hai bác.

Tôi đeo túi xách lững thững bước ra cổng rồi quay lại nhìn lần cuối ngôi nhà giữa vườn hoa xinh đẹp. Nơi đây tôi đã sống như một giấc mơ. Bây giờ giấc mơ đã chấm dứt và tôi phải tỉnh dậy.

Ðăng phóng xe Vespa chạy ào từ ngoài đường vào con đường trải đá trong vườn. Anh hỏi tôi trong khi vẫn để máy xe nổ.

- Cậu đi đâu đó?

Tôi đáp:

- May quá. Tôi định đón xe ôm ra bến xe đò về Saigon. Nhờ cậu chở giúp tôi một đoạn.

Ðăng tắt máy xe và gỡ chiếc kính đeo cầm tay.

- Cậu định về ngay bây giờ?

- Phải.

- Còn vở kịch?

- Phần tôi đã xong. Bây giờ nó thuộc về cậu.

- Ðâu được. Tối nay cậu phải dự buổi trình diễn ra mắt để tôi giới thiệu cậu với các vị mạnh thường quân và khán giả.

- Chẳng quan trọng gì. Người tôi muốn giới thiệu vở kịch của tôi đã không còn.

Ðăng lắc đầu.

- Cậu hơi coi thường bạn bè.

- Tôi xin lỗi đã làm cậu mất lòng. Tôi chỉ muốn nói tôi không còn hứng thú nhìn những nhân vật hư cấu của mình sống trên sân khấu, trong khi nhân vật thật ở ngoài đời đã ngủ yên.

Ðăng thở dài:

- Tùy cậu quyết định. Nhưng tôi muốn báo cho cậu biết bà chủ nhà muốn gặp cậu sáng nay.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Gặp tôi ư? Ở đâu?

- Bà ấy sẽ đến đây. Nếu cậu không muốn gặp, cậu cứ ra về.

Ðăng quay xe lại rồi phóng đi. Tôi biết anh đang giận nên chẳng muốn giữ anh lại để phân trần. Bạn bè có những lúc im lặng người ta sẽ hiểu nhau hơn. Còn bà chủ, tôi có nên nói chuyện với bà lần cuối? Dù sao bà cũng đã đối xử với tôi quá tốt, tôi chẳng thể làm ngơ ra về mà không ngỏ một lời cám ơn.

Tôi đành trở lại phòng trọ, quăng túi xách lên bàn và ngồi đợi.

Một tiếng sau, bà chủ đến. Bà mời tôi sang phòng khách nói chuyện.

Ðây là lần thứ hai tôi bước vào phòng khách lạnh lẽo này dù bên ngoài trời đã nắng gắt. Trước mặt tôi, bức tranh sơn mài vẽ cảnh hồ sen có một đôi vịt trắng vẫn đang đùa nghịch. Bác quản gia theo thông lệ đặt một bình trà nóng lên mặt bàn rồi lặng lẽ bước ra.

Bà chủ mặc quần áo màu xanh nhạt, hai tay đặt trên tựa ghế salon. Khuôn mặt bà không son phấn và đôi mắt bà hơi sung lên vì đã khóc thầm. Bà rót nước trà mời tôi và hỏi:

- Cậu định về Saigon ngay sáng hôm nay?

- Vâng. Tôi đã xong công việc. Cám ơn bà đã cho tôi ở trọ một thời gian dài.

- Cậu không cần phải cám ơn. Vì cậu đã giúp tôi hiểu được phần nào về cái chết của con tôi.

- Bà hiểu được nguyên do cái chết của cô bé?

Bà chủ im lặng mở bóp da màu nâu lấy ra cái hộp quẹt gaz màu xanh lá cây, để lên bàn.

- Hộp quẹt này của cậu?

- Không. Tôi đã mua tặng cô bé.

- Tự cậu mua tặng hay nó đòi mua?

- Cô bé tự chọn.

Bà chủ nhíu mày suy nghĩ:

- Cậu có biết nó cần dùng hộp quẹt để làm gì không?

Tôi lắc đầu và kể lại cho bà nghe chuyện tôi đã dắt cô bé vào hiệu sách. Em đã đòi mua tất cả những vật dụng gì có màu xanh lá cây. May thay cho tôi lần đó ở quầy hàng chỉ có cái kẹp và hộp quẹt gaz này có màu sắc mà em ưa thích. Tôi hỏi:

- Bà đã tìm thấy hộp quẹt gaz này ở đâu vậy?

- Khi vớt xác nó ở dưới hồ lên, một bàn tay nó nắm chặt. Người ta cạy bàn tay nó ra, thấy hộp quẹt này và lấy đưa cho tôi.

Tôi buột miệng kêu:

- Trời ơi!

Bà chủ thở dài, nói tiếp:

- Tôi không ngờ nó đã giống hệt cha nó. Chỉ thích màu xanh lá cây. Lần trước vào phòng của chồng tôi chắc cậu cũng đã thấy màn cửa, tấm thảm, vôi quét tường đều màu xanh lá cây. Cậu có biết những người thích màu xanh lá cây, tính tình họ như thế nào không?

Tôi lắc đầu.

- Tôi thật sự không biết khi người ta ưa thích một màu sắc lại có ý nghĩ gì.

- Phải mất một thời gian tìm hiểu qua sách vở và trong đời sống, tôi mới biết những người yêu màu xanh lá cây thích sống cô độc và họ rất dễ ghen tương.

- Ghen tương?

- Ðúng vậy. Chính chồng tôi đã tự tử vì ghen tương khi thấy tôi giao dịch làm ăn với nhiều người. Chắc con bé cũng vậy khi nó biết tôi có ý định muốn lập gia đình một lần nữa.

Bà chủ cầm hộp quẹt gaz đưa tận tay tôi.

- Cậu hãy giữ nó làm kỷ niệm. Nhưng tôi mong cậu đừng yêu màu xanh lá cây như con tôi.

Tôi mân mê hộp quẹt gaz màu xanh lá cây trên tay. Tôi không tin bà chủ đã nói đúng. Tôi không tin cô bé đã "ghen tương" khi biết người mẹ muốn bước đi bước nữa. Tôi cũng không tin em đã "ghen tương" khi thấy tôi nắm tay Hạnh dắt ra khỏi nhà hàng Thủy Tạ. Tôi tin...

Tôi quẹt thật mạnh bánh xe hộp quẹt gaz. Một ngọn lửa bùng lên làm tôi rát mặt. A! Tôi nhớ ra rồi câu thơ của Piere Emmanuel: Pourquoi verte, L éternité? Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?

Tôi tin sau cái chết thảm khốc và đột ngột của người cha, cô bé muốn đi tìm sự vĩnh cửu. những người đi tìm sự vĩnh cửu ở cõi đời này thường dễ bị "mát" vì thất vọng. Vì vậy họ đã phải tìm đến cái chết để hy vọng sẽ tìm thấy sự vĩnh cửu ở một cõi khác.

Tôi muốn nói ý nghĩa ấy với bà chủ. Nhưng chắc bà sẽ không tán đồng nên tôi im lặng, bỏ hộp quẹt vào túi và đứng dậy chào bà.

Bà chủ cũng đứng dậy tiễn tôi ra cửa. Bà nói:

- Cậu nên ở lại đây tối nay để xem vở kịch của cậu. Hãy bình tĩnh chứng kiến sự thành công hay thất bại của mình. Dù đau buồn tôi cũng đến xem vở kịch. Tôi hy vọng qua vở kịch, tôi sẽ hiểu người bạn của con tôi hơn.

Tôi thấy chẳng cần thiết nếu bà có hiểu tôi hơn. Có ích gì khi hiểu biết nhiều hơn nhưng đã quá trễ, trong khi chỉ cần một chút hiểu biết sớm hơn, người ta cũng giúp được nhau.

Nhưng tôi quyết định phải ở lại. Chiều nay tôi muốn gặp cô bé một lần cuối. Chiều nay tôi muốn nói với em một đôi lời. Ðã đến lúc tôi không thể lặng câm dù đối với người nằm trong mộ.

Trời chiều lộng gió. Những cây thông trên đồi kêu vi vu. Không có một bóng người trong nghĩa trang. Tôi đặt bó hoa bất tử trước ngôi mộ mới đắp của cô bé. Tôi không biết loài hoa này có ý nghĩa gì nhưng đối với tôi, cô bé cũng bất tử như tên loài hoa đó.

Nắng trên đỉnh đồi đã tắt. Dưới chân đồi còn viền một màu vàng nhạt. Tôi châm một điếu thuốc bằng hộp quẹt gaz tôi đã tặng cho cô bé. Hút một hơi thuốc dài, tôi thở khói bay um giữa trời chạng vạng. Gió thổi khói thuốc bay ngược vào mắt tôi cay xè. Tô quì xuống bới một lỗ nhỏ trên mộ cô bé, bỏ hộp quẹt gaz màu xanh lá cây xuống đó rồi lấp đất lại.

Tôi đứng dậy, phủi sạch bụi đất dính trên tay rồi thì thầm với em:

- Tôi tặng em hộp quẹt này, ở dưới đó lạnh lẽo em có thể dùng nó để sưởi ấm. Thật đáng tiếc khi tôi hiểu em đã đánh mất cái gì thì đã quá muộn. Tôi chẳng còn có thể giúp em. Người ta khó mà giúp được nhau đúng lúc. Luôn luôn quá sớm hoặc quá muộn và như thế sự việc đã đổ vỡ. Thôi ngủ ngon nghe nhỏ. Chúc em sẽ đến được nơi toàn màu xanh lá cây.

Ðể ngăn mình khỏi khóc, tôi bước nhanh xuống đồi. Hộp đồ chơi viên bi lăn trong túi áo cồm cộm. Tôi lấy nó ra và ném xuống nghĩa trang. Tôi không cần hộp đồ chơi "giết thì giờ" đó nữa. Thì giờ đối với tôi lúc này rất quí vì còn quá ít.

HẾT

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play