Nhu Phong đang phơi quần áo ở phía sau hè thì nghe có người gọi cửa, vội bỏ dở công việc, cô đi lên nhà trên, trong đầu thầm nghĩ không biết ai đến tìm mình. "Nhóm Ngũ Long"? Bảo đảm không phải rồi. Nếu là mấy nhỏ thì đã ồn lên như cái chợ và tự nhiên ào vào nhà cô chứ không phải đứng trước nhà gọi lên như thế đâu.
Chùi đôi tay còn ướt vào cái khăn khô xong, Nhu Phong mới ra mở cửa. Chợt nhiên cô sựng người lại, không tin ở mắt mình.
- Cô chủ nhỏ của chị.
Nhu Phong cũng vội kêu lên:
- Chị Hương.
Cô gái chạy lại ôm chầm lấy Nhu Phong rồi oà lên khóc nức nở. Nhu Phong cũng rơm rớm nước mắt. Cô cứ ôm chặt cô gái tên Hương. Mãi một lúc sau cô mới nói được.
- Chị Hương, làm sao chị biết em ở đây mà đến tìm?
Chị Hương, chính là người con gái giúp việc cho gia đình Nhu Phong, từ bé Nhu Phong đã có chị quấn quít bên cạnh không rời nửa bước để chăm sóc lo toan thương yêu Nhu Phong như một người chị dịu hiền. Đáp lại, Nhu Phong cũng hết lòng thương yêu chị. Có miếng ngon vật lạ bao giờ cũng để dành cho chị, và hết mực nghe những lời khuyên bảo của chị. Có thể nói ngoài cha mẹ ra người Nhu Phong yêu thương nể vì đó chính là chị Hương.
Chị Hương nghẹn ngào:
- Chị đã tìm em ở khắp mọi nơi. Sao mà dại khờ thế hả Ti Ti? Chuyện chưa ngã ngũ mà em đã lén ông bà chủ bỏ nhà ra. Cũng may chị có quen bà Tư, người nấu cơm của công ty em nên mới lần ra được là em ở đây.
Nhu Phong kéo tay chị Hương ngồi xuống ghế.
- Ngồi xuống đi chị, để em đi rót nước cho chị nghe.
- Em nên về nhà đi, Ti Ti. Ông bà chủ đau buồn vì cứ nhớ em luôn. Nhà trở nên vắng vẻ từ khi thiếu tiếng cười giọng nói của Em. Bác Tâm chăm sóc cây kiểng cứ than thở với chị là không có em công việc của bác trở nên buồn tẻ vì không có người sẻ chia cùng bác. Còn dì của chị đi ra đi vào cũng đều chắt lưỡi gọi tên em luôn. Em biết cái tật dì của chị mà. Khi buồn hay nhớ một điều gì là dì của chị cũng đều chắt lưỡi cả.
Nhu Phong nghe nói thế, cô ứa nước mắt:
- Em cũng nhớ tất cả mọi người trong gia đình mình lắm. Nhưng ngại vì sống ở đó, em cảm thấy khó thở trong cái không khí của gia đình mình, chị Hương ạ. Ba em thì cố chấp, mẹ em thì hiền từ nếu không nói là nhu nhược, không có chút quyền hành gì trong trái tim của ba em. - Lúc này, ông chủ thay đổi nhiều rồi, Ti Ti. Lúc em bỏ đi, ông còn giận dữ lắm. Cứ đòi đăng báo từ em, nhưng rồi mẹ em năn nỉ riết rồi ba em cũng bỏ ý định đó. Có lần bà Chấn Nam qua thăm mẹ em, thấy bà chủ cứ khóc mãi nên bà Chấn Nam tức giận tìm ba em gây một trận. Không biết lúc đó bà ta nói điều gì mà kể từ đó ba em nguôi giận và tỏ ra chăm sóc quan tâm mẹ em nhiều hơn. Mỗi chiều bên bàn cơm ba em thường nói với bà chủ là bây giờ tuỳ con, nên thì nhờ, hư thì chịu. Ông sẽ không can thiệp vào chuyện riêng nữa.
Nhu Phong nhíu mày:
- Vậy thì ba em nói lẫy chứ đâu có thông cảm cho em đâu.
Chị Hương lắc đầu:
- Không phải đâu em. Ông chủ nói thiệt tình đó. Em đi rồi, ông buồn lắm nhưng không nói ra và thêm lần tác động của bà Chấn Nam, từ đó ông đã thay đổi suy nghĩ và cách nhìn của mình. Chị nhớ có một lần chị đang hái ổi xá lị cho bà chủ dùng thì bất ngờ chị nghe tiếng ông chủ hớn hở gọi chị là "Ti Ti, con đã về rồi ư?". Và khi nhìn ra chị không phải là em, ông chủ tỏ ra buồn thấy rõ. Em có biết không, lúc đó chị cảm thấy thương ông chủ ghê gớm và thông cảm với nỗi nhớ con của ông. Ti Ti, em trở về nhà đi nha. Bà chủ vì nhớ em nên thường lén ra "non bộ", chỗ mà em thường trốn ra đó ngồi mỗi khi buồn bực, và bà chủ thở dài liên tục, mắt đổ lệ mãi vì em.
Nghe nhắc tới mẹ, lòng Nhu Phong quặn đau. Trong trí cô hiện ra hình ảnh người mẹ hiền, suốt đời chỉ biết hy sinh cho chồng con. Bà đúng là mẫu người phụ nữ Việt Nam của thời phong kiến. Luôn luôn thực hiện đúng câu "phu xướng phụ tuỳ" nên nhiều lúc không đồng ý với chồng, mà bà vẫn không dám lên tiếng phản đối ông. Chỉ biết cúi đầu tâm phục để rồi sau đó lại âm thầm khóc một cách lặng lẽ ở một nơi kín đáo. Ngày Nhu Phong chống đối cuộc hôn nhân giữa cô với gã đàn ông đáng ghét đó, bao nhiêu nước mắt của mẹ cô đã chảy ra vì sự xung đột của hai cha con. Một người ương bướng, cứng đầu - một người độc quyền cố chấp, điều đó để lại hậu quả khổ đau chỉ mỗi mình mẹ cô chịu đựng. Ngày Nhu Phong rời bỏ ngôi nhà thân yêu không một người hay biết, ngoại trừ nhóm "Ngũ Long". Nhóm "Ngũ Long" biết thì sao chứ? Cô lo sợ gì khi năm người là một. Thế mà hôm nay, chị Hương đã tìm được nơi Nhu Phong đang ở.
Thấy Nhu phong cứ mãi tư lự, chị Hương chồm người đưa tay vuốt mái tóc dài của cô và nói với giọng trìu mến.
- Ti Ti, em về nhà nghe.
Nhu Phong ngồi im lặng. Trước mắt cô hình dáng cha mẹ hiện ra lung linh. Chắc giờ này, hai đấng sinh thành của cô già lắm, mái tóc của người đã bạc ra vì nhung nhớ con. Tiếng gọi yêu thương vang vọng trong lòng Nhu Phong. Ba ơi! Mẹ ơi! Con sẽ về! Con sẽ về ngay ngày mai. Đứa con bất hiếu sẽ về tạ tội với cha mẹ, cha mẹ ơi.
Nhu Phong nhìn chị Hương, mắt cô long lanh những giọt nước mắt, giọng cô nghẹn lại:
- Chị Hương! Ngày mai em sẽ về. Nhất định ngày mai em sẽ về.
Nhu Phong cũng vòng tay ôm chặt lấy chị và ngồi im lặng nghe tình thương réo gọi trong lòng. Thế là cô sắp trở về gia đình, trở về mái ấm mà từ lâu cô xa cách. Cô sẽ có lại được hạnh phúc êm đềm trong căn nhà cô đã được sinh ra và lớn lên. Bao kỷ niệm ngọt ngào hiện về trong tâm trí Nhu Phong đang réo gọi cô. Hồn Nhu Phong thổn thức: Vâng, ta sẽ trở về.
Chị Hương ra về rồi, Nhu Phong vào nhà sau phơi nốt những bộ quần áo. Xong cô vào phòng riêng thay đổi trang phục. Cô sẽ đi báo cho Trần tin này. Chắc anh vui mừng lắm?
***
Trần toét miệng cười khi đứng đối diện trước mặt cha, anh chịu đựng cái nhìn từ trên xuống dưới của người cha đáng kính. Trần như lột xác, biến đổi thành một chàng trai trẻ trung yêu đời, kể từ khi đi Nha Trang về. Với quần Jean bạc màu, áo ca rô, nịt quần to bản, ổ khoá sắt đầu sư tử, anh như hiện thân trọn vẹn của tuổi trẻ đầy sức sống. Khi thấy cái lắc đầu của cha, lại một lần nữa anh cười khì.
- Con đi chơi, không phải đi làm.
- Ôi, điều gì khiến con lột xác yêu đời. Đã lâu rồi cha chưa bắt gặp lại hình ảnh này nơi con. Hôm nay cha vui lắm.
- Về con sẽ kể cho cha nghe. Giờ con đi đây.
Trần đi ra nhà để xe, dẫn chiếc mô tô đã từ lâu anh bỏ quên, giờ lấy ra đạp máy. Trần như trở lại phong độ ngày xưa. Tuổi mười tám, tuổi háo thắng thích chạy rong trên phố phường với con sói bạc tưởng chừng như mình là vua một cõi.
Nhất định hôm nay anh sẽ khuyên Nhu Phong trở về nhà tạ tội cùng cha mẹ rồi còn lo chuẩn bị thời gian để lo hôn lễ sắp tới nữa chứ. Dù gì anh đã ba mươi tuổi. Từ khi yêu Nhu Phong, Trần mới thật sự cảm thấy mình thèm có một mái ấm như thế nào?
Chiếc mô tô chạy ngang qua công ty Phương Nam, Trần thầm nghĩ dù sao anh phải ghé vào thăm công ty. Không biết bác Thịnh có gặp rắc rối gì trong công việc không đây?
Trần cho xe chạy thẳng vào nhà để xe, rồi anh tắt máy bước xuống:
- Anh Trần.
Nghe tiếng gọi tên mình một cách thân mật nhưng không phải giọng của Nhu Phong. Trần thầm kinh ngạc nên anh ngước mặt lên nhìn. Và chợt nhiên anh như hoá đá, không tin ở mắt mình khi xuất hiện trước mắt anh là một cô gái với dáng dấp mảnh mai xinh đẹp.
Mẫn Nhi! Người tình Chocolat thuở xưa của anh. - Nghĩ đến đây Trần như chợt nhớ lại đêm nào, anh bắt gặp cô đang hôn một gã đàn ông. Lần đó anh kìm chế lắm mới không nổi nóng đấm vào mặt gã đàn ông đó mấy đấm cho hả giận. Mà anh chỉ quay bước bỏ đi sau tiếng hừ nhẹ. Nửa như anh thầm cảnh cáo họ, nửa như Trần muốn phát tiết ra âm thanh giải đi một phần nào giận dữ đang nung đốt như thiêu trong tim anh. Nếu không, có lẽ Trần điên lên mất. Mối tình đầu mà anh ôm ấp nâng niu, thế mà chỉ trong phút chốc lại tan biến nhanh như bong bóng xà phòng. Và cũng kể từu giây phút đó, người tình nhỏ nhắn đáng yêu như những thỏi chocolat mà cô vẫn thường hay ngậm trong miệng chết hẳn trong trái tim Trần. Chuyện xảy ra gần mười năm rồi mà Trần cứ tưởng mới đâu đây. Thế mà, cơn giận trong tim Trần không còn như ngày nào, nó nhường cho vẻ thản nhiên như một người quen xa cách lâu ngày giờ gặp lại chỉ một cái gật đầu chào là đủ. Trần không thể nào ngờ mình có thể dửng dưng trước Mẫn Nhi một cách dễ dàng như thế. Vậy mà có lúc anh cứ nghĩ là nó rất khó khăn. Trần mỉm cười khẽ gật đầu thay cho một lời chào.
Những diễn biến trong tâm trạng Trần đang diễn ra hình như Mẫn Nhi đọc được nên cô lắc đầu chua xót nói:
- Một lời chào em mà anh cũng tiết kiệm được sao, Trần? Em thật không ngờ anh có thể lãng quên em nhanh như thế?
Trần khẽ chau mày khi thấy tia mắt của đám nhân viên dưới quyền anh đang nhìn chăm chú vào anh và Mẫn Nhi. Không muốn mọi người chõ mũi vào chuyện mình để rồi bàn tán lung tung. Trần nói:
- Ta có thể qua quán cà phê bên kia đường trò chuyện. Đứng ở đây anh thấy bất tiện quá. Mẫn Nhi mừng rỡ vội gật đầu:
- Em cũng nghĩ thế đó, Trần.
Trần đưa tay ngoắc một cô gái làm trong phòng kế toán. Cô gái đó e ngại ngập ngừng bước lại gần Trần:
- Dạ, giám đốc cho gọi.
- Cô lên nhắn với bác Thịnh là tôi đã về. Nếu công ty có cần gặp tôi cứ điện thoại nhắn. Tôi sẽ đến - Rồi Trần khoát tay - Được rồi, cô cứ đi làm việc của cô đi.
Đẩy cửa kiếng, Trần cùng Mẫn Nhi bước vào trong, nơi đây như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài ồn ào, náo nhiệt. Sau khi chọn cho mình chỗ ngồi khuất sau chậu dừa kiểng xum xuê. Trần giúp Mẫn Nhi bằng cách kéo ghế cho cô ngồi yên vị, rồi anh đến chiếc ghế ngồi đối diện cô.
- Em dùng gì? Cam vắt hay bạc sĩu? Mẫn Nhi như có vẻ xúc động khi thấy Trần vẫn nhớ thức uống cô thường dùng.
- Anh gọi cho em ly cam vắt không đá là được. Còn anh, vẫn ly chanh rum đá như ngày xưa chứ?
Lạnh lùng Trần đáp:
- Anh không thích thứ nước uống đó nữa.
Trần đưa tay ngoắc bồi bàn đang đứng bàn đối diện. Anh ta bước lại gần.
- Thưa ông bà cần dùng chi ạ?
Trần không quan tâm cách gán ghép thân mật của anh bồi. Anh chỉ vắn tắt nói:
- Anh cho ly cam vắt không đá và ly cà phê đá kèm theo đĩa bánh ngọt.
- Xin ông bà vui lòng chờ chúng tôi ít phút.
- Tại sao em biết anh ở công ty Phương Nam mà đến tìm anh hay vậy?
Mẫn Nhi liếm môi đáp:
- Em năn nỉ Lữ Đông nên anh ta mới tiết lộ cho em biết.
Trần cười khô khốc:
- à, ra thế.
- Anh đừng trách Lữ Đông. Tại em cứ theo van xin, năn nỉ mãi nên ảnh mới xiêu lòng bảo là cho em cơ hội cuối để gặp anh. - Đang nói chợt Mẫn Nhi ngập ngừng - Bởi vì anh sắp cưới vợ rồi phải không, Trần?
Mặc dù không còn oán hận Mẫn Nhi như xưa, nhưng Trần vẫn cảm thấy có chút xem thường khi thấy cô không biết tự trọng mà vẫn còn tìm cách gặp anh để làm gì nhỉ? Chẳng lẽ cô muốn nối lại những tình cảm thuở xưa chắc. Không cho cô chút hy vọng nào, Trần buông gọn giọng: - Đúng vậy.
Mẫn Nhi thẫn thờ.
- Xin chúc mừng anh. Trần khách sáo:
- Cám ơn em.
Rồi Trần cúi xuống bật quẹt ga châm vào đầu điếu thuốc, đầu óc anh như đang suy nghĩ mông lung một điều gì mà Trần không rõ. Đến khi người bồi bàn bưng ra những thứ Trần gọi, anh mới giật mình trở lại hiện tại.
Đưa tay khuấy nhẹ ly nước cam, rồi Trần đẩy nhẹ nó tới trước mặt Mẫn Nhi.
- Uống nước đi Nhi.
- Cám ơn anh.
Nhìn thấy dáng điệu cô buồn ủ rũ, Trần hơi thương cảm nói:
- Em về nước tìm anh có việc gì quan trọng không Nhi? Tuy chúng ta không còn những tình cảm tốt đẹp như xưa, nhưng nếu em có gặp rắc rối khó khăn nào anh vẫn sẵn sàng giúp em, không chút câu nệ. Nói đi Nhi.
Mẫn Nhi nhắm mắt lại khi nghe giọng Trần ân cần như ngày nào. Anh thật đáng quý. Thế mà trong một phút bốc đồng cô đã để mất anh vĩnh viễn.
- Trần ơi. Anh có biết em vẫn còn yêu anh tha thiết hay không? Tại sao lúc đó cô thật điên cuồng khi cho Peter vào phòng và ôm hôn cô thế nhỉ? Để trả giá cho hành động nông nổi của mình, Mẫn Nhi đã mất Trần vĩnh viễn. Mỗi khi nghĩ đến điều đó, Mẫn Nhi lại xỉ vả mình không thương tiếc. Cô thật dại dột mà. Bao hy vọng về nước để gặp lại Trần với ước mong là cùng anh nối lại duyên xưa có lẽ không được rồi. Trần của cô bây giờ xa cách quá chứ không như trước kia. Trước kia tuy chia tay Trần, Mẫn Nhi còn chút hy vọng mong manh là có lẽ Trần nghĩ lại mà tha thứ cho cô. Nhưng nay thì hết rồi, hết thật rồi. Còn đâu những ngày hai đứa dìu nhau đi dạo dưới những con đường có những hàng thông dài thoai thoải. Còn đâu những lần cô làm mình làm mẩy, hờn dỗi để được anh lo lắng và tìm mọi cách chọc cô cười, để cô thôi giận hờn. Mẫn Nhi nhớ bao giờ trong túi anh cũng có những thỏi chocolat để cho cô ngậm mỗi khi cô gặp chuyện buồn phiền hay nổi hứng bất tử tìm cách giận dỗi để anh lấy ra dụ dỗ cô nguôi ngoai. Và kết cuộc sau cơn giận hờn anh thường trêu đùa gọi cô là "người tình chocolat" bé bỏng, xinh xinh như những thỏi chocolat màu nâu quyến rũ. Nghĩ đến đây, không kiềm chế được nữa Mẫn Nhi oà lên khóc nức nở.
Trần bối rối khi nghe giọng khóc đầy đau khổ của Mẫn Nhi. Bao giận hờn còn sót lại trong anh như bay biến hẳn đi khi chứng kiến cảnh cô đau khổ như thế này.
- Nín đi em! Chuyện qua rồi, hãy cho nó qua luôn đi. Em đừng cứ mãi sống trong quá khứ rồi từ đó dằn vặt lấy mình là không nên. Hãy nghe anh, quên hết đi rồi làm lại từ đầu. Em còn rất trẻ kia mà. Peter là một người đàn ông tốt, rất xứng đáng là nơi để em nương tựa suốt cả đời mình.
Mẫn Nhi đứng dậy bước lại gần Trần, cô ngã vào bờ vai rộng của một thời cô từng được chở che mỗi khi cô gặp chuyện buồn phiền. Bao giờ nơi đó cũng là nơi trú ẩn bình yên cho tâm hồn cô không dậy sóng nữa. Và giờ đây cũng vậy.
Không nín được nữa, Mẫn Nhi chủ động ngước mặt lên, môi cô đặt vào môi anh. Ôi, nụ hôn mười năm cô xa cách sao chẳng có vẻ ngọt ngào mà lại pha chút đắng cay như thế này nhỉ? Nhu Phong theo lời chỉ dẫn của bác Tư bảo vệ, cô đẩy cửa kính bước vào trong tìm Trần. Thấy dáng anh bên chậu dừa kiểng, Nhu Phong nhanh nhẹn đi lại gần. Cũng may hôm nay Trần mặc áo ca rô, chiếc áo chính tay Nhu Phong mua tặng anh. Nỗi mừng vui chưa được kéo dài thì Nhu Phong cảm thấy đất như sụp đổ dưới chân mình.
- Trần của cô...
Cố trấn tĩnh nhưng Nhu Phong vẫn cảm thấy đâu quay cuồng, cô quay người bật chạy nhưng chiếc áo lại vướng vào cạnh bàn đối diện. Nóng nảy Nhu Phong giật mạnh, bình hoa đặt trên bàn theo đà kéo mạnh tay của Nhu Phong ngã xuống đất.
Tiếng động phát ra khiến Mẫn Nhi giật mình lúng túng buông Trần ra, anh kịp thấy dáng người con gái lao nhanh ra cửa trong chiếc áo dài màu hồ thuỷ.
- Nhu Phong!
Trần vội đứng dậy chạy theo, chỉ để lại Mẫn Nhi ba tiếng:
- Anh xin lỗi!
Và anh vội móc bóc đặt lên bàn hai tờ năm chục ngàn rồi chạy ra cửa.
Nhưng ra đến nơi thì bóng dáng Nhu Phong đã không còn nữa. Trần dõi mắt tìm khắp xung quanh thì anh thấy chiếc taxi đó đang lao nhanh phía trước. Đấm mạnh tay lên trên thân cây, Trần nói như rên:
- Nhỏ hiểu lầm anh rồi, nhỏ ơi.
Ba tiếng "Anh xin lỗi!" của Trần thốt ra Mẫn Nhi hiểu từ đây về sau cô đã mất anh vĩnh viễn. Xách lấy chiếc bóp, Mẫn Nhi lưu luyến nhìn lại nơi Trần vừa ngồi.
- Vĩnh biệt mày, từ đây về sau ta kông còn dịp đặt chân lên mảnh đất này nữa. Trần đã không tha thứ cho ta thì ta trở lại nơi đây làm gì?
Mẫn Nhi đi ra, cô thấy dáng anh đau khổ, thẫn thờ đứng dựa thân cây, định bước lại an ủi anh, nhưng không biết nghĩ sao Mẫn Nhi quay bước sang hướng khác.
- Em đi đây anh Trần. Từ đây về sau em biết anh sẽ không còn hạn khi nghĩ tới em nữa. Điều đó cũng làm cho em hạnh phúc lắm rồi. Em không còn mong ước gì hơn, chúc anh hạnh phúc bên người con gái có dáng dễ thương mặc chiếc áo màu hồ thuỷ kia.
Tự dưng linh cảm như mách bảo cô rằng: "Anh sẽ hạnh phúc bên người con gái đó".
Chiếc taxi lao đi, Nhu Phong không còn kiềm được nữa, cô oà lên khóc nức nở.
Cô thật không ngờ Trần lại là kẻ lừa gạt tình yêu của cô.
Tiếng nhạc trong xe vang lên giọng hát nữ với cung điệu thật xót xa, cay đắng. Bài hát đó bây giờ như tâm trạng Nhu Phong.
...
"Tội nghiệp quá, xây những lâu đài trên cát mơ. Biển vắng như trời sắp mưa. Tình cũng như là đám mây mịt mù. Tình là nhớ, xin nhớ không lừa dối ai, đừng trách câu hẹn lứa đôi, tình cũng như là nước trôi...
...
Yêu nghĩa là phôi pha, nghĩa là mang hận hoài".
Trong lòng Nhu Phong chợt lên tiếng phản kháng, bênh vực Trần. Cô không tin Trần là gã đàn ông đểu giả như trong bài hát "Tình hờ" kia. Mà Trần của cô là người đàn ông cương nghị, thẳng thắn trong mọi vấn đề. Đã yêu cô bằng cả trái tim, sau một lần bị thương tích nặng nề. Anh còn hiểu ra tình yêu của anh dành cho cô là đích thật. Vắng đâu đây Nhu Phong nhớ lời Trần nói cùng cô ở đêm biển Nha Trang đêm cuối.
"Nhỏ Phong, trải qua bao thất bại đắng cay trong đường tình, anh mới tìm ra được em. Người đã cất giữ mẫu xương sườn của anh bao lâu nay, mà anh cất công tìm kiếm. Em là hạnh phúc, là bến đậu an toàn của cuộc đời anh. Anh yêu em, mãi mãi..."
Thế mà hôm nay cô lại chứng kiến tận mắt cảnh anh phản bội. Đi ôm hôn người con gái khác. Thế là hết. Hết thật rồi. Cô đúng là đứa con bất hiếu với cha mẹ nên nay mới gặp quả báo. Cha ơi, mẹ ơi. Xin tha thứ lỗi cho con. Con sẽ quay về cha mẹ ngay. Hứa suốt đời sẽ làm theo mọi lời dạy bảo của cha mẹ mà không dám chống đối một lời nào. Hãy tin con.
***
Giọng nói dịu dàng trong trẻo vang trong máy:
- Để bảo đảm an toàn cho quí khác, xin quý vị vui lòng thắt dây lưng an toàn vào người, nếu quý vị cần điều gì xin bấm chuông báo hiệu. Xin chân thành cảm ơn quý vị đã đi trên chuyến bay của chúng tôi. Một lần nữa, đội bay tuyến đường Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh xin chào mừng quý khách.
Mộng Trúc sau khi dịu dàng nói xong, cô bước đi nhẹ nhàng uyển chuyển trong tà áo dài màu hồng duyên dáng. Cô ân cần xem xét dây an toàn cho từng hành khách, còn bạn cô bưng khay kẹo các loại đi mời từng người. Chợt Mộng Trúc dừng lại trước một hành khách đang ngồi gục đầu vào nệm ghế. Lo lắng, cô hỏi:
- Xin lỗi. Tôi có thể giúp cho ông chuyện gì không ạ?
Mộng Trúc dịu dàng hỏi. Khoảng chút sau, người đàn ông đó mới ngước lên nhìn Mộng Trúc. Lọt vào mắt Trúc là một gương mặt đàn ông có nét đẹp hơi khắc khổ bởi đôi mắt sâu dưới đôi chân mày rậm đen tạo cho ta như có lớp sương mờ bao phủ, khuôn mặt hơi có ngạnh cho ông ta nét cứng rắn của người dàn ông. Tuy nhiên khoé miệng như cười đã giúp cho nét khắc khổ nơi ánh mắt đã mất đi. Công nhận ông ta là người đàn ông có gương mặt khá ấn tượng khó quên. Tuy nhiên ông là người không khoẻ mạnh thì phải, vì gương mặt có màu tai tái sao đấy.
- Ông không được khoẻ chăng? Có cần tôi gọi bác sĩ giúp ông không?
Người đàn ông đó khoát tay:
- Cám ơn cô, bệnh cũ của tôi tái phát thôi. Giờ thì ổn cả rồi.
- Nếu thế thì tôi xin phép. Có gì cần ông cứ bấm chuông gọi. Tôi sẽ đến ngay.
Người đàn ông đó khẽ gật đầu. Mộng Trúc tạm yên tâm bước đi về chỗ ngồi của mình. Chống tay đỡ cằm, Mộng Trúc thả tầm mắt qua khung cửa sổ, mây trắng bàng bạc bao quanh. Đối với Mộng Trúc sống trên cao, cưỡi mây lướt gió là một đam mê của những người đã bước chân vào ngành hàng không. Năm nay Mộng Trúc đã hai mươi ba tuổi rồi, mà cô không dám quen biết một người đàn ông nào... Quy định hàng không đối với tiếp viên nữ cô thuộc làu làu. Nhất là cái khoản phải cam kết không lập gia đình trong thời gian làm việc và cứ ba tháng một lần phải kiểm tra sức khoẻ định kỳ để kịp phát hiện những điều có thể xảy ra... Cô sợ mình bị ràng buộc mà cô thì quá yêu nghề lướt gió tung mây ngay từ thuở còn nhỏ. Vì thế đến tuổi này Mộng Trúc vẫn còn cô đơn là điều không có gì gọi là lạ cả. Nhưng thỉnh thoảng cô vẫn bị nhóm "Ngũ Long" lấy đó làm đề tài để trêu chọc cô.
Đang nghĩ đến đây, sực nhớ đến người đàn ông lúc nãy, không biết ông ta có bị sao không nhỉ? Không yên tâm, Mộng Trúc quyết định đến thăm ông ta một lần nữa cho chắc ăn. Biết ông ta sức khoẻ không tốt mà cô làm ngơ là điều không được.
Nhưng khi đối diện ông ta thì Mộng Trúc cũng thật không ngờ. Mới đây gương mặt ông ta tai tái như xác chết, giờ như có phép lạ xuất hiện trả lại gương mặt ông ta nét hồng hào như bình thường. Thấy Trúc, ông ta nheo mắt, tia mắt buồn chợt long lanh toả ra tia nhìn ấm áp. Mộng Trúc thầm reo:
à. Ông ta có đôi mắt biết cười. Trông nó thật tinh nghịch chứ không u buồn. Nếu thế, thì có lẽ ông ta đã từng trải qua một biến cố đau thương nên từ một đôi mắt lạc quan yêu đời trở thành đôi mắt trầm tư xa vắng đây.
Mộng Trúc nói như reo vui:
- Ông đã khoẻ rồi ư?
- Vâng, cám ơn cô đã quan tâm lo lắng.
- Đó chỉ là trách nhiệm thôi mà.
- Nếu thế cô là người con gái thật sự yêu nghề nên mới sống hết lòng vì công việc của mình. Mộng Trúc thầm phục óc nhận xét của ông ta, nên cô gật đầu cười:
- Ông thật thông minh. Mọi tiếp viên của hàng không ai cũng đều là người thật sự yêu nghề hết cả.
Người đàn ông đó chợt buông lời như tâm sự:
- Có đi xa rồi mới biết không đâu đẹp bằng quê hương mình. Nhất là những cô thiếu nữ dịu dàng thướt tha duyên dáng trong tà áo dài, tóc xoã buông lơi, đó chính là nét chân phương, đại diện cho cái hồn của dân tộc Việt Nam dịu dàng nhưng không khuất phục.
- Nếu thế ông là người sống ở nước ngoài.
- Không, nói đúng ra tôi là con chim xa xứ nay đã tìm được con đường trở về tổ ấm, trở về xứ sở của mình. Mặc dù, tổ ấm chỉ đơn lạnh có mình tôi.
- Ông nói thế có nghĩa là... - Mộng Trúc tế nhị không dám nói tiếp câu sau.
- Cha mẹ tôi đã qua đời trong tai nạn xe cộ tại New York. Đôi mắt người đàn ông đó chợt u uẩn. - Có lẽ nếu không phải vì tôi thì cha mẹ không mất nơi đất lạ quê người ấy.
Mộng Trúc buông lời an ủi.
- Ông đừng buồn thế. Mỗi người đều có một số phận, muốn tránh cũng không được đâu. Nếu ở Việt Nam luôn, có dịp ông hãy ghé lại nhà tôi chơi. Hãy xem tôi là một người bạn tốt của ông.
- Hãy gọi tôi là Lữ Đông. Tôi rất sợ mình già khi nghe cô gọi tôi bằng tiếng ông lạnh lùng, khô khan.
Mộng Trúc cười duyên dáng:
- Tôi thiết nghĩ chỉ có những phụ nữ như tụi tôi sợ già thôi. Nào ngờ cánh đàn ông các anh cũng vậy.
- Vì thế mới công bằng, phải không cô?
Nói xong Lữ Đông nhìn Mộng Trúc cười cười.
Hình như Mộng Trúc thầm hiểu nụ cười của Lữ Đông, nên cô vui vẻ nói:
- Mộng Trúc.
- Dễ thương quá! - Lữ Đông buột miệng.
Mộng Trúc ngơ ngác, không hiểu Lữ Đông muốn ám chỉ điều gì? Khen người, khen giọng nói, khen dáng dấp hay khen cái tên cô vừa thốt ra.
Giọng Lữ Đông hiền hoà:
- Tên cô dễ thương như người. Chữ "Trúc" tượng trưng cho những gì cao quý thanh thoát ở người phụ nữ. Còn ở phái nam thì chữ "Trúc" tượng trưng cho sự hiên ngang, bất khuất. Mộng Trúc có nghĩa là "giấc mộng cao quý thanh thoát" hay nói ngắn gọn là "cơn mộng đẹp".
Mộng Trúc cười:
- Anh nói chuyện y như là một nhà văn thực thụ ấy.
- Còn cô thì lại dịu dàng y như cô Tấm trong chuyện cổ tích ấy...
Cả hai nhìn nhau mỉm cười và đều cảm thấy gần gũi tuy chỉ mới có ít phút chuyện trò.
Rồi Mộng Trúc thong thả nói:
- Thôi, tôi phải tiếp tục làm phận sự của mình đây. Tạm biệt anh, hẹn gặp lại.
- Thế thì chúc Mộng Trúc làm việc tốt đẹp. Hẹn ngày gặp lại.
Mộng trúc xoay lưng bỏ đi để lại phía sau đôi mắt ấm áp trìu mến nhìn theo.
Lữ Đông ngồi đó miên man nghĩ về cô tiếp viên xinh xắn dễ thương. Xa Việt Nam có khoảng bảy năm, giờ trở lại mảnh đất từng cất giữ biết bao kỷ niệm thời trai trẻ, khiến Lữ Đông cảm thấy bồi hồi. Anh không biết hiện giờ "cô bé ngày xưa" của anh giờ ra sao nhỉ? Có còn hay hờn dỗi như ngày xưa không? Nếu anh nhớ không lầm thì cô tiếp viên hàng không tên Mộng Trúc này suýt soát tuổi với "cô bé ngày xưa" của anh. Chỉ mới nghĩ đến cô bé là Lữ Đông có thể hình dung ra khuôn mặt thanh mảnh có đôi mắt tròn xoe, nửa tinh nghịch nửa hiền thục thơ ngây. Một cái miệng xinh xắn gợi cảm luôn líu lo và vẳng đâu đây Lữ Dông còn nhớ giọng cười khanh khách hồn nhiên. Mặc dù xa cô bé với khoảng thời gian khá dài nhưng những ký ức về cô bé Lữ Đông vẫn còn nhớ như in. Có một chuyện mà Lữ Đông cứ thắc mắc mãi không sao giải đáp được đó là nguyên nhân không biết tại sao cô bé không còn liên lạc thư từ cùng anh. Bao lá thư gửi đi rồi trả lại vì không có người nhận khiến Lữ Đông lo âu, không biết cô bé đó có chuyện gì xảy ra không mà anh không tài nào đoán biết được nguyên nhân? Mong sao lần về nước này anh sẽ tìm được cô bé để nối lại tình bạn, tình anh em xa cách mấy năm trời.
- Nhỏ ơi, đừng chơi trò trốn tìm với anh. Anh thật sự mệt mỏi lắm rồi. Giờ chỉ khát khao một điều là được trông thấy nhỏ đùa nghịch, nghe nhỏ ríu rít chuyện trò và chia xẻ cùng nhỏ những ý thích ngông nghênh, lãng mạn.
Mải suy nghĩ mà Lữ Đông không hay chiếc máy bay đang đáp xuống phi đạo. Lữ Đông giật mình choàng tỉnh thoát khỏi những suy nghĩ đang diễn ra trong anh. Lữ Đông lững thững đứng dậy lo chuẩn bị hành lý. Anh không biết thằng bạn gàn của anh có nhận được điện tín để ra phi trường đón anh đây không? Hay bỏ anh cô đơn lủi thủi về nước một mình không có một người thân chào đón...
***
Trần đứng đó nhìn theo chiếc taxi đỏ một hồi anh mới sực nhớ là tại sao anh không lấy xe vọt theo cô để giải thích cho cô hiểu nhỉ. Nếu không, cô còn giận dữ anh ghê gớm hơn nữa. Cá tính của cô, Trần biết rõ như lòng bàn tay. Hay hờn hay giận lại giỏi tài suy nghĩ lung tung mà còn tài hơn nữa là chỉ nghĩ theo chiều hướng xấu. Điều đó càng khiến Trần chết sớm hơn khi cô đã chứng kiến tận mắt cảnh xảy ra giữa anh và Mẫn Nhi.
Sực nhớ đến Mẫn Nhi, Trần quay bước trở vào quán. Dù sao chào cô một câu tạm biệt hơn là anh bỏ đi một nước về công ty. Chuyện xảy ra giữa anh và Nhu Phong một phần nào lỗi cũng thuộc về Mẫn Nhi, nhưng anh cảm thấy không oán trách cô tí nào. Anh hiểu tất cả mọi chuyện không một ai mong muốn nó diễn ra. Chuyện xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, còn oán trách với nhau làm gì, chỉ tổ khiến con người mình thêm gánh nặng về tinh thần. Vì thế Trần hài hước thầm nghĩ. Cắc bàn tay định mệnh một lần nữa muốn trêu đùa anh đây.
Bước vào bàn anh ngồi lúc nãy, Trần không thấy Mẫn Nhi đâu, anh đoán là cô đã thấy chuyện hiểu lầm xảy ra giữa anh và Nhu Phong nên cô hối hận âm thầm bỏ đi. Thôi thì... Mẫn Nhi làm vậy cũng đúng. Gặp nhau làm gì khi giữa hai người chén nước đã đổ đi có hốt trở lại được bao giờ. Cũng như quá khứ đã trôi qua muốn nó trở lại có được đâu? Nhưng anh cũng thầm mong cô tìm được một bến đỗ an toàn, một hạnh phúc đích thật cho cuộc đời cô. Và Trần biết điều kỳ diệu đó sẽ xảy ra khi bên cạnh Mẫn Nhi là một Pete luôn yêu cô say đắm nồng nàn, sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình để chờ đợi cô. Trở lại công ty, Trần định dắt chiếc mô tô chạy lại nhà Nhu Phong thì chợt anh thấy anh chàng trợ lý đi về hướng anh đang đứng.
Trần đứng lặng chờ đợi anh ta đi về phía mình.
- Có chuyện gì xảy ra cho công ty sao anh Mạnh.
- Không phải đâu giám đốc. Bà mới gọi điện đến công ty bảo là có gặp giám đốc thì hãy nhắn giám đốc ra phi trường đón Lữ Đông. Lữ Đông đã đánh điện tín cả tuần lễ nhưng vì giám đốc bận việc ngoài Nha Trang nên bà quên. Giám đốc hãy mau đi đón bạn nếu không sẽ trễ đấy.
- Mẹ tôi có nói mấy giờ máy bay hạ cánh không?
- Đúng mười hai giờ.
Trần giơ đồng hồ tay lên xem, anh thấy còn đúng hai mươi phút nữa mười hai giờ. Anh vội vã leo lên chiếc mô tô đạp máy.
- Cám ơn anh đã nhắn lại cho tôi.
Cho xe vọt lẹ theo hướng phi trường Tần Sơn Nhất, Trần thầm mong máy bay đáp đúng mười hai giờ trưa. Nếu máy bay hạ cánh sớm hơn dự định thì anh sẽ khổ với thằng bạn. Nó sẽ nhằn anh thấu xương luôn. Ôi, đúng là sao quả tạ đang chiếu anh đây mà. Chuyện xảy ra giữa anh và Nhu Phong anh định sẽ đến giải thích cho cô hiểu nào ngờ thằng bạn ác ôn của anh lại chọn đúng thời điểm này về nước.
Mà chuyện giữa anh và Nhu Phong hoàn toàn do nó gây nên. Ai bảo tài khôn, tài khéo chỉ đường cho Mẫn Nhi đến tìm anh. Chỉ khiến cho cả ba đau khổ thêm có ích gì. Nhất định gặp thằng quỷ nhỏ đó anh sẽ hỏi tội nó cho biết tay.
Trần cho xe vào bãi đậu rồi nhanh nhẹn đi đến phòng kiếng đón Lữ Đông. Lúc này đồng hồ trên tay Trần chỉ đúng mười hai giờ. Còn đang đứng ngơ ngác giữa rừng người thì bất chợ có ai vỗ mạnh tay lên vai khiến Trần giật mình quay lại.
Lữ Đông đứng cười toe toét, bên cạnh là chiếc xe chất đầy hành lý.
- "Trần gàn", tao cứ tưởng mày bỏ tao ngơ ngác giữa phi trường rộng lớn này chứ. Nào ngờ mày vẫn còn lòng nhân...
Trần cười khì khi nghe Lữ Đông gọi lại biệt danh ngày nào. Và để chứng tỏ mình không chịu thua, Trần gọi tên "cúng cơm" chẳng hay ho gì đối với một gã đàn ông gần ba mươi tuổi đời này.
- "Thằng quỷ nhỏ", làm ơn mày dẹp bỏ giùm tao cái giọng vô ơn đó đi. Nghe thấy mà phát cáu. Nếu biết mày nói giọng này với tao thì... thì tao đã bỏ mày đi về nước lặng lẽ, chẳng thèm chạy bạt mạng đến rước mày làm gì.
Thấy thằng bạn thân phát cáu, Lữ Đông cười cầu tài:
- Không ngờ "Trần gàn" hôm nay cũng biết nổi nóng vì một câu nói không đâu. Ha, ha, chẳng lẽ mày vừa xảy ra chiến tranh lạnh với nàng nên buồn tình trút hết mọi phiền não lên đầu tao. Cho tao xin đi.
Thấy thằng bạn đoán đúng tâm trạng mình, Trần xìu xuống thấy rõ.
- Thì cũng tại mày hết cả.
Lữ Đông nhướng mày ngạc nhiên:
- Sao mày lại đổ thừa là tại tao. Mày nên nhớ "cô vợ nhí" tương lai gì đó của mày tao chẳng biết tên họ, mặt mũi dài ngắn thế nào, giờ lại đổ thừa là tại tao. Mày nói mà không sợ cắn lưỡi gì hết.
Trần khoát tay:
- Chuyện đó dẹp sang bên đi. Để có thời gian rảnh tao sẽ kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mày nghe, xem lỗi có thuộc về mày như lời tao phán xét không thì biết. Giờ thì theo tao ra đón xe về.
Lữ Đông nhướng mày.
- Mày ra đón tao bằng xe gì?
- Thì chiếc môtô của hai thằng đó.
Lữ Đông nhăn nhó:
- Mày ác thế là cùng. Ai đời thuở nay đi đón bạn thân từ nước ngoài về bằng chiếc môtô ngang tàng. Thế giờ hành lý của tao mày liệng đi đâu?
Trần vò đầu, anh cười như biết lỗi.
- Gấp quá, tao chẳng kịp chuẩn bị gì hết. Mày thông cảm ngồi trong xe taxi nghe. Tao sẽ cho xe chạy theo mày.
- Dẹp!
- Mày đừng làm khó tao mà. Thông cảm một lần này đi... Lần khác tao sẽ cho xe tăng đến đón mày.
Nhìn gương mặt nhăn nhó khổ sở của thằng bạn, Lữ Đông không nỡ cằn nhằn thêm:
- Thôi được. Để tao tính như vậy mày xem có chịu không nhé?
- Mày cứ nói, tao đang nghe đây.
- Gọi chiếc taxi để chở mớ hành lý. Còn tao thì mày có nhiệm vụ phải chở về nhà. Thú thật xa cách Sài Gòn năm sáu năm tao nhớ nó lắm. Giờ ngồi trong chiếc xe bít bùng nhìn ra cửa kính chẳng có chút gì hứng thú cả.
- Mày tính thế cũng được. Nào để tao xách hộ hai cái valy này ra xe cho. Còn mày xách mớ đồ lỉnh kỉnh này đi. Đàn ông con trai gì mà giống đàn bà con gái thế. Mua tỉ mỉ từng món quà cho từng người. Chả bù với tao lần trước về nước thật khoẻ re, trên vai chỉ có một chiếc balô là đủ.
Lữ Đông cười:
- Bởi thế bạn bè mới gọi mày là Trần Gàn.
Chiếc mô tô bon bon trên đường phố. Trần vừa nói chuyện vừa khéo léo điều khiển tay lái để bám theo chiếc taxi đang chạy phía trước. Lữ Đông chợt im lặng, anh đưa mắt chiêm ngưỡng lại thành phố sau bảy năm xa cách. Một khoảng thời gian có thể nói là khá dài mà cũng có thể là cái chớp mắt, thế nhưng thành phố ngày nay có nhiều thay đổi. Nhiều công trình to lớn mọc lên như nấm. Bởi vì điều đơn giản là Việt Nam đang từng bước khắc phục đi lên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tựa như cô nàng Lọ Lem được bà tiên vẫy chiếc đũa thần kỳ ban tặng chiếc áo nhiều màu sắc rực rỡ thay cho chiếc áo rách rưới nghèo nàn.
- Tao không ngờ, chỉ mới vắng Sài Gòn có bảy năm mà Việt Nam lại có nhiều biến đổi như vậy.
- Đây chỉ mới là bước khởi đầu, chứ năm hai ngàn Việt Nam mình sẽ không thua gì các nước khác trên thế giới.
- Điều đó làm tao rất sung sướng hạnh phúc khi thấy nước mình đang từng bước khắc phục đi lên. Xoá tan dấu vết của năm tháng chiến tranh và chế độ thực dân phong kiến để lại. Rồi đây Việt Nam sẽ là một quốc gia giàu mạnh không thua gì các nước tư bản. Tao tin Việt Nam rồi sẽ có một ngày đó không xa, khi Việt Nam còn có những con người như tụi mình, nguyện cả đời cống hiến cho đất nước thân yêu.
Trần nghe bạn nói thế, cười:
- Mày chẳng thay đổi tí nào. Vẫn là một chàng trai giàu nhiệt huyết niềm tin, cộng một chút lãng mạn trong tâm hồn đa cảm.
- Còn mày, tao suýt chút nữa thì nhận không ra. Mày trở thành ông cụ bao giờ thế?
Trần cười đùa:
- Cũng may mày còn nhận ra tao. Điều đó chứng tỏ tao chưa thay đổi gì mấy.
- Mày nói chuyện nghe chán phèo. Thôi cho xe chạy lẹ về nhà đi, bảo đảm bác gái đang mong tụi mình lắm đấy.
- Tao thấy miệng lưỡi mày càng ngày càng giống miệng đàn bà đấy.
Tức khí, Lữ Đông đưa tay nhéo mạnh lỗ tai Trần, anh hét lớn:
- Đồ thằng ôn dịch! Sao mày ví tao gì kỳ thế?
Trần cười suýt soa:
- Tới nhà rồi. Tao chẳng thèm tranh cãi với mày làm gì. Xuống bấm chuông gọi cổng đi "thằng quỷ nhỏ".
Lữ Đông bước xuống xe, anh cho tay vào lỗ rãnh nhỏ, bấm chuông một hồi dài.
Cánh cổng sắt được mở ra, bà Năm nấu bếp mỉm cười khi thấy Trần.
- Cậu chủ mới về. ở nhà ông bà chủ cứ trông cậu mãi đấy.
Lữ Đông bước tới trước mặt bà Năm:
- Bà Năm còn nhớ cháu không?
Bà Năm ngước đôi mắt già nua nhưng vẫn còn tinh anh nhìn thẳng vào mặt cậu con trai đối diện. Gương mặt tuy oai nghiêm cương nghị nhưng vẫn thấp thoáng nét tinh nghịch trẻ thơ còn sót lại của một thời vụng dại, hồn nhiên, nhất là một chấm ruồi khá to bên má phải khiến bà như gợi lại một cậu con trai có một thời cùng cậu chủ bà chạy rong trong khu vườn đùa giỡn.
- à. Cậu Đông! Trông cậu bây giờ thật cao lớn vững chãi. Xém chút nữa bà già này không còn nhận ra cậu rồi. May nhờ có nốt ruồi bên má phải cậu. Nếu không...
Lữ Đông cười:
- Bà Năm nhớ đặc điểm của cháu dai quá nhỉ? Cũng may cháu không nghe lời thằng Trần phá bỏ nốt ruồi này. Nếu mà cháu nghe lời nó thì bà đã không nhận ra cháu rồi còn gì.
- Thế mà thằng Trần bảo nốt ruồi cháu là nốt ruồi đào hoa. Sau phải cưới năm thê bảy thiếp, mặc sức cho nhà cửa nhộn nhịp với khung cảnh chén bay, đĩa bay.
Trần bước lại bóp cổ thằng bạn:
- "Thằng quỷ nhỏ" sao mày lại nói xấu tao. Mau đi xách hành lý vào nhà, bao tử tao đang biểu tình dữ dội đây. Nếu không có mày tao đã dùng cơm từ lâu rồi. Có đâu mà đến giờ này...
Bà Năm đỡ lời:
- Ông bà chủ cũng chưa dùng cơm, chờ hai cậu về dùng luôn một lượt.
Lữ Đông hết hồn hối Trần:
- Thế xách valy giùm tao vào lẹ lẹ đi Trần, vì tao mà hai bác phá bỏ lệ dùng cơm đúng giờ. Trần cười lớn:
- Nhìn mày sao giống "gà mắc đẻ" quá! Nói thế Trần cũng nhanh nhẹn xách mớ hành lý của Lữ Đông xuống xe và trả tiền taxi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT