Ngày lệnh tử hình được thực thi, bầu trời buổi sáng thật trong xanh và cao
vời vợi, không một gợn mây. Màu nắng nhạt trải lên mọi vật, như gợi cho
người khác nhớ về những ký ức xa xăm. Nhờ nghe âm thanh xào xạc của mấy
cành cây mà dễ dàng đoán ra, gió đang thổi. Mọi vật đều sống, bắt đầu
cho ngày mới.
Rời khỏi
phòng giam, Vũ Thanh ngạc nhiên thấy Lưu Quang đứng cách đó không xa hệt như chờ mình từ rất lâu. Vừa thấy người tử tù trẻ là chàng trai họ Lưu
nhanh chóng tiến lại gần đồng thời nở nụ cười thật thân thiện.
“Tôi muốn tiễn cậu một đoạn, được không?”
“Tuỳ anh.” – Vũ Thanh đáp khẽ, nghe nhẹ hẫng.
Không nói gì thêm, Lưu Quang chậm rãi bước đi bên cạnh Vũ Thanh. Giữa
họ chẳng còn phát ra bất kỳ âm thanh nào ngoài sự im lặng đến buồn tẻ.
“Tôi...” – Sau cùng, Lưu Quang cũng lên tiếng trước – “Dù biết giờ đây
có nói gì cũng đều trở nên vô nghĩa nhưng tôi vẫn muốn xin lỗi cậu, bằng tất cả lòng thành.”
Khẽ thở ra, Vũ Thanh hướng ánh mắt vô định về phía trước với cái nhìn xa xăm mơ hồ:
“Anh vốn biết rõ, tôi sẽ không bao giờ thứ tha cho Lưu Vinh.”
Nghe câu nói khẽ khàng của Vũ Thanh, Lưu Quang thấy lòng càng thêm nặng trĩu. Đúng!... Anh rất hiểu, tội lỗi em trai gây ra là vô cùng lớn,
đáng bị trừng phạt. Dẫu vậy, anh vẫn ích kỷ, mong nhận được một lời tha
thứ từ Vũ Thanh như thể muốn xem điều ấy trở thành thứ cứu rỗi linh hồn
đang mang nặng tội lỗi của mình.
“Cậu từng kể: cô giáo
Dương Đan đã nói rằng dù thế nào đi nữa cô ấy cũng sẽ dõi theo cậu đến
suốt đời vì vậy mong cậu hãy sống tốt. Thế, cậu có hối hận khi lát nữa
đây bị tử hình?” – Lưu Quang nhẹ nhàng nhìn qua chàng sinh viên mười
chín tuổi, hỏi.
Lần này đến lượt Vũ Thanh lặng thinh. Đôi mắt đó đã lâu lắm rồi mới trở nên sâu thẳm như vậy. Vẫn là ánh nhìn mơ
màng lãng đãng và chất chứa đầy suy tư buồn bã... Từ từ ngước mặt lên
trời, hắn mỉm cười rồi trả lời với chất giọng đều đều:
“Có người từng nói: Niềm an ủi duy nhất dành cho những người thân của
nạn nhân chính là sự ăn năn từ hung thủ! Nếu như, ba đứa trẻ đó thật sự
hối hận, khóc lóc hay thậm chí chỉ tỏ ra chút ăn năn thôi thì có lẽ tôi
đã không kiên quyết xuống tay. Thế nhưng, khi gặp mặt tôi thấy chúng vẫn cười giống như cái chết của cô Dương Đan không là gì cả.”
Ngừng lại chốc lát, Vũ Thanh chuyển dời ánh nhìn đau buồn sang Lưu Quang:
“Nếu ba đứa trẻ ấy không ăn năn thì tôi chẳng thể sống! Và bởi thế, tôi đã giết chúng!”
Đôi mắt Lưu Quang mở to bất động nhưng tiếp theo đã dịu lại, buồn thêm buồn:
“Tôi hiểu. Rốt cuộc, lỗi là ở người lớn chúng tôi.”
Khi ấy, người tử tù đó đã nói một câu khiến tôi mãi mãi không quên.
Lại ngắm nhìn bầu trời cao vời vợi lần nữa, Vũ Thanh khẽ mỉm cười và
nói thật nhẹ nhàng, tưởng chừng như đấy là những thanh âm kỳ diệu vang
lên từ chiếc chuông gió:
“Đối với trẻ em, người lớn rất quan trọng! Vì họ gần như là cả thế giới của chúng!”
Hẳn, Vũ Thanh đang nhớ về tuổi thơ chẳng mấy tươi đẹp của bản thân.
Việc hắn bị bố mẹ từ bỏ, việc không được dạy thế nào là đúng là sai...
Nhưng bên cạnh đó, biết đâu có cả việc được cô giáo Dương Đan dạy dỗ nên người.
Còn đang chìm trong dòng suy nghĩ ngổn ngang vô định thì Lưu Quang bỗng nghe giọng Vũ Thanh cất lên khá nhỏ và trầm:
“Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa hiểu một điều. Liệu, luật pháp có thật sự công bằng?”
Tất nhiên, Lưu Quang đã kinh ngạc đến mức nào khi nghe xong câu hỏi kỳ
lạ đó từ chàng thanh niên từng mơ ước trở thành luật sư bảo vệ quyền lợi trẻ em.
“Chắc rằng, đến hết cuộc đời tôi vẫn không tìm
ra đáp án cho điều ấy. Chẳng phải vì cô giáo Dương Đan đã chết mà bởi... sẽ không ai tìm ra câu trả lời đúng!”
Lần cuối cùng Lưu
Quang nhìn thấy Vũ Thanh là lúc đó hắn đã mỉm cười thật tươi đồng thời
chậm rãi đi theo những viên cảnh sát đến bãi xử bắn. Để rồi rất nhanh,
anh nghe hoà lẫn trong tiếng gió là âm thanh súng nổ...
Đó là câu chuyện của mười lăm năm trước, khi tôi còn làm trong ngành cảnh
sát. Cuộc gặp gỡ với người tử tù Vũ Thanh đã để lại trong tôi rất nhiều
suy nghĩ cũng như nhận ra vài điều thú vị mới mẻ về cuộc sống.
Sau buổi sáng tử hình Vũ Thanh, tôi xin rút ra khỏi ngành cảnh sát.
Không vì cái gì cả chỉ đơn giản tôi muốn mình có một hướng đi mới. Có
thể bạn nghĩ tôi nặng lòng về việc làm sai trái của Lưu Vinh, hoặc cũng
là do câu hỏi sau cùng từ chàng thanh niên trẻ năm ấy:
Liệu, luật pháp có thật sự công bằng?
Dù là vì lý do gì đi chăng nữa thì tôi vẫn rời ngành. Bạn hỏi tôi
chuyển qua làm gì ư? Ừm... tôi xin làm tài xế taxi cho hãng Vinasun.
Không ngờ nhỉ? Đôi khi một công việc đơn giản bình thường lại giúp tôi
tìm thấy niềm vui sống. Chí ít, lòng được nhẹ nhõm hơn khi không phải
ngày nào cũng đối mặt với hàng tá vụ án lắm “bi ai”.
Một
năm sau cái chết của Lưu Vinh, bố mẹ tôi bất ngờ gặp tai nạn giao thông
và qua đời. Mãi mãi, họ vẫn không biết sự thật cay đắng về em trai tôi.
Tôi đã trải qua thời kỳ khá tồi tệ khi người thân lần lượt rời xa...
Nhưng, chỉ sau đó một năm tôi tình cờ gặp điều tuyệt diệu nhất đời mình. Cô gái của đời tôi! Cô ấy xinh đẹp, dịu dàng và luôn quan tâm lo lắng
cho người khác. Tính cách đó phù hợp với nghề mà cô ấy đang làm – giáo
viên cấp I.
Định mệnh sắp đặt cho chúng tôi gặp, yêu rồi
kết hôn với nhau. Tôi yêu cô ấy và tôi biết, cô ấy cũng thế. Hai năm
sau, món quà kỳ diệu khác Thượng Đế ban tặng cho tôi xuất hiện – đứa con trai đáng yêu như thiên thần. Tôi đã vô cùng hạnh phúc khi lần đầu tiên ôm con vào lòng rồi đặt cái tên Lưu Thiện. Tôi mong nó sẽ là một con
người hoàn thiện.
Lưu Thiện rất hiểu chuyện dù còn nhỏ
tuổi. Thằng bé thích đọc sách và nghe những câu chuyện tôi kể hệt như
người lớn quan tâm đến những thứ họ say mê. Tôi và vợ cố gắng dành nhiều thời gian để bên cạnh chăm sóc nó. Tôi muốn mình trở thành người bố tốt để có thể dạy con vô số điều mới mẻ thú vị lẫn tốt đẹp trong cuộc sống. Và vì câu nói năm nào từ Vũ Thanh vẫn mãi tồn tại trong ký ức tôi.
Đối với trẻ em, người lớn rất quan trọng!
Tôi hiểu điều quan trọng nhất đối với Lưu Thiện bây giờ chính là bố – mẹ của nó.
Mỗi buổi chiều chủ nhật, tôi thường đưa vợ cùng con trai đi dạo chơi
dọc bờ hồ. Khoảng thời gian yên ả thanh bình mà cả gia đình có được khi
bên nhau là điều không gì thay thế được. Tôi tin rằng đấy sẽ là những
khoảnh khắc nhiệm màu nhất khi tôi hồi tưởng lại lúc bản thân đã về già. Tôi mong mình sống không nuối tiếc...
Thỉnh thoảng tôi
vẫn thường kể chuyện về Vũ Thanh cho Lưu Thiện nghe. Hiển nhiên, tôi đã
đổi tên của một vài người, trong đó có Lưu Vinh... Đơn giản, tôi chỉ
muốn thằng bé nghĩ rằng đấy chỉ là “câu chuyện”. Và nhớ nhất lần nọ, khi kết thúc xong lời kể tôi liền nhẹ nhàng hỏi con trai:
“Con nghĩ gì về câu nói của chàng trai họ Vũ: Liệu, luật pháp có công bằng không?”
Đối diện Lưu Thiện vừa tròn mười hai tuổi, chống cằm bằng hai tay, đôi
mắt to tròn đảo qua đảo lại liên tục hệt như suy nghĩ điều gì rất sâu
xa. Thằng bé luôn có dáng vẻ đáng yêu ấy mỗi lần nghĩ ngợi về một câu
hỏi khó khăn... Hít sâu một hơi dài, Lưu Thiện nhìn tôi rồi đáp lời bằng nụ cười tươi đầy nghịch ngợm:
“Trong sách có câu: Công
bằng ở tại lòng người! Bố ạ, không có gì là công bằng tuyệt đối và có
những thứ con người không thể dễ dàng quyết định. Thế nhưng quan trọng
hơn hết – theo con – chúng ta phải sống như thế nào để về sau không hối
hận!”
Thoáng bất động trong vài giây, tôi chợt nhận ra
mình muốn khóc. Gật đầu, tôi khẽ khàng ôm con trai vào lòng với nỗi xúc
động dâng trào...
Cuộc sống là một quá trình học hỏi không ngừng nghỉ.
Và nó còn là quá trình rèn luyện – trưởng thành – lựa chọn – đối mặt.
Mỗi ngày qua đi, bạn vẫn khoẻ mạnh, vẫn hạnh phúc và không nuối tiếc thì đó đã là điều tuyệt vời nhất.
Nếu bạn sống tốt – nghĩa là bạn thật sự dũng cảm.
Hãy sống can đảm.
Đừng trốn chạy.
Đừng làm tổn thương người khác.
Bởi, họ cũng yếu đuối như bạn.
.H.Ế.T.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT