Chinh di tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ có tiếng là cọp. Nhưng con cọp đó đã một lần thấy thịt mà không dám ăn. Chuyện xẩy ra năm Quí Tị, khi vận nhà Trần mạt đến độ chẳng ai còn muốn cứu vãn gì. Tháng sáu, Vua Trùng Quang sai Nguyễn Biểu vào Nghệ An mang sắc cầu phong đệ lên Minh Vĩnh Lạc. Ðặng Dung can ngăn, nhưng Vua rớm nước mắt không đáp. Nhìn Biểu, Vua bảo, nếu khanh được việc thì phong cho làm Tướng Quốc. Biểu cười, tay sờ lên cổ, đáp hạ thần chỉ xin làm con ma giữ được cái đầu là đủ.

Lính đi kèm Biểu đưa vào tướng phủ rồi vái chào lui ra. Không thèm mời ngồi, Phụ nhìn sứ giả, hất hàm :- Cứ nói !Vái Phụ, Biểu chậm rãi, râu tóc dựng đứng :- Vua chúng tôi thể theo chiếu chỉ Hoàng Ðế xướng lệnh lập lại hậu duệ nhà Trần, sai đến trình ngài tờ sắc cầu phong, xin chuyển giúp về Yên Kinh dâng lên Thiên Triều xét chuẩn.Phụ hừ một tiếng, tay quơ ống nhổ, miệng phì phì, mắt ngó lơ. Biểu bậm môi, tay dâng tờ sắc mắt chòng chọc nhìn thẳng vào hai con mắt Phụ.Hai con mắt đó xếch ngược, lồi ra, lừ lừ vô cảm. Gân máu chằng chịt kéo che gần hết lòng trắng, mỗi khi nó giựt ngược lên như động kinh, chắc chắn Phúc sẽ ra lệnh chém ít nhất là một cái đầu. Ðám quan võ nhà Minh từ đời Vua trước gọi Phụ là con cọp điên hóa tinh, nổi tiếng tàn bạo, đã xuất quân mà không thắng thì không trở về. Và thắng đối với Phụ là tiêu diệt toàn bộ đối phương, quân cũng như dân, người cũng như gà bò chó lợn. Ðưa tay ra giật rồi quẳng tờ sắc xuống thư án, Phụ nhổ nước bọt, ồm ồm :- Thua thì xin thua, có ai thua mà đòi làm Vua bao giờ ! Dối gạt lọc lừa làm sao được à...Biểu cắn răng nhẫn nhục :- Còn trời còn đất, chuyện thua được muốn bàn thì bàn đến bao lâu cho hết.Phụ cười nhạt ngắt :- Gớm thay, gan thế cơ à ? Ðến giờ này mà còn dám bàn được thua ư ?Ðến bữa ăn, trên khay của Biểu chỉ có một đôi đũa và một cái đầu người ninh qua, mắt vẫn trừng trừng mở. Phụ bảo :- ... Thiên Triều đến đây khai hóa để con dân Giao Chỉ thôi ăn sống nuốt tươi, thôi trò dối gạt. Trùng Quang bây giờ thua nên mới xin cầu phong. Dạ thế, gan thế mà cũng Vương mới Ðế !Biểu không đáp, đẩy chiếc khay đầu người trước mặt Phụ, mời :-... Ăn uống thế này là theo phong tục Thiên Triều, tôi có phúc phận nay mới được thử. Tiền chủ hậu khách. Nay xin mời Tướng quân nhúng đũa, tôi xin ăn sau cho đúng lễ...Phụ tái mặt, râu tóc dựng lên, mắt giựt ngược. Biểu lại mỉa mai :- ... Gan thế đấy, thì dạ thế nào ?Thản nhiên lấy đũa khều con mắt, Biểu gắp chấm rồi bỏ vào miệng nhai rau ráu. Phụ quát mang chém Biểu. Biểu quát lại :- Bên trong thì mưu kế đánh chiếm, bề ngoài thì rêu rao nhân nghĩa. Miệng hứa lập con cháu họ Trần nhưng nước người ta thì băm vằm chia cắt đặt thành quận huyện, rồi cướp bóc của cải, tàn hại sinh dân. Thực bay là lang sói !Phụ sai mang đầu Biểu trả lại Trùng Quang, thây mang chôn ở Nghệ An, khiến Biểu quả là con ma không đầu. Nhưng tiếng con cọp không dám ăn thịt với Biểu không biết làm sao lan đến tận Yên Kinh khiến Sử quan nhà Minh sau này cũng mang ra chép lại.Móng vuốt con cọp Trương Phụ thật ra không ghê gớm so với thủ đoạn thâm hiểm của bọn Hoàng Phúc, Mã Kỳ. Dùng bọn thổ quan bản địa, Phúc thăng Nguyễn Huân làm Tham Nghị, Lương Nhữ Hốt và Ðỗ Huy Trung làm Tham Chính. Giả cách chiêu dụ quan lại của triều trước để bổ đi các nha môn, Hoàng Phúc lừa bắt họ đưa về Trung Quốc khiến đất Giao Châu như rắn không đầu, bọn nho gia, học sĩ muốn tránh cảnh đầy ải phải ẩn vào rừng sâu núi cao. Học hiệu Ðông Quan dùng người Minh giảng sách Ðại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử mang từ Yên Kinh qua. Sách vở của ta, từ Tứ thư thuyết ước của Chu An đến Minh đạo lục của Hồ Quí Ly, cũng như những trước tác bằng chữ Nôm như Quốc Ngữ thi tập của Chu An, Phi sử tập của Hàn Thuyên... đều bị cướp sạch và đốt cho hết dấu vết.Năm Ðinh Dậu, Trương Phụ chọn lấy một đạo vệ sĩ làm Vi tử thủ, lắm việc cai trị không hỏi ý đến Mã Kỳ, Hoàng Phúc. Phúc xui Kỳ tâu trình khiến vua nhà Minh ngờ Phụ định cát cứ một phương, xuống chiếu gọi về và sai Phong thành hầu Lý Bân sang thay. Những mâu thuẫn nội bộ khiến guồng máy cai trị bị nới lỏng. Ðám quan quân ai nấy lo phòng thân mình, không khí kình chống lẫn nhau trong phủ đường ở Ðông Quan thành câu chuyện đầu môi ở chợ. Nhân vật nắm quyền bính nay thành cọp, thành chồn, thành cáo trong những mẩu chuyện thời sự.Con cọp liệu có vồ rồi tát cho chết con cáo không ?Không ? Cáo khôn lắm, nó mượn cớ đi Tây đô nương vào Phương Chính. Ngày nào họ Lý chưa qua, nó đào đất rúc trong hang, vồ thế nào được !Thế còn con chồn ?Chồn thì không ưa cọp nhưng sợ. Thà là ở với cáo còn hơn !Dân ta thì sao ?Là giun, là dế. Cọp, chồn hay cáo thì cũng thế. Nhưng nghe đâu người Trại có rục rịch ở Mường Nanh, Mường Thôi. Kẻ cầm đầu là Nguyễn Chích, miệt Thanh Hóa...Chích là ai ? Người thế nào ?Là một người như mọi người, nộp sưu thuế cao, đi cày nhưng không có cái để ăn. Ðói, nên con giun cắt tóc đuôi sam mà thành rắn thành rết.Rắn rết thì làm sao chống hổ beo ?Rắn có nọc !.Nọc có thật độc không ?Dân hàng chợ hỏi nhau, rồi mỗi người trả lời một cách. Ðám làm ăn có đồng ra đồng vào lắc đầu. Bọn cùng khổ gật. Những người cẩn thận thường mũ ni che tai, lảng bằng cách không gật nhưng cũng chẳng lắc, chỉ cười.*Từ ngày có Học hiệu Ðông Quan dăm ba năm trở lại đây, học trò chẳng còn bao nhiêu nên Trãi phải bốc thuốc Nam độ nhật. Thường khi có kẻ ốm người đau là Trãi đến tận nhà con bệnh. Nghề thuốc, Trãi học với Nguyễn-lão ngụ ở miệt Tây hồ. Người này tóc bạc trắng từ thuở đôi mươi, thi cùng khoa với Trãi nhưng không đỗ, nay sinh nhai bằng nghề trồng hoa và bốc thuốc. Thuốc thường là rễ cây, cỏ, lá và rong rêu. Bị quản thúc trong thành, Trãi không thể tự mình đi tìm, thuốc men tùy vào cung ứng của Nguyễn-lão. Chuyện độ nhật của Trãi ngày một khó khăn, phải nhờ tay Xuyến thu vén cho một phần. Cứ dăm bữa nửa tháng, Xuyến từ Bát Tràng vào. Biết chuyện Trãi từ chối chức Tham Nghị do Hoàng Phúc o ép, nàng cười tủm, nói đùa ‘‘cho ngọt cho bùi không ưng thì cho roi cho vọt nhé ! ’’. Trãi ngậm ngùi ‘‘ Roi vọt chẳng sao ! Nhưng hãm cho đóùi để rồi sẽ mất nhân phẩm thì nhục lắm…’’. Xuyến ôm chầm lấy Trãi tức tưởi. Gục mặt vào mái tóc nàng, Trãi găm tiếng thở dài vào bụng, khẽ cười gượng gạo. Không có Xuyếán, chàng biết là mình không có điểm tựa dựa vào đó chàng giữ được thăng bằng. Nhưng thăng bằng đó chông chênh theo thế cuộc cứ chao nghiêng theo cái đà tuột vào hố sâu vực thẳm. Chẳng những vây hãm sinh nhai, Phúc còn ra lệnh cho bọn quan binh đến tra hỏi nộ nạt những người có chút liên hệ với Trãi. Họ sợ, lảng xa. Góc thành Nam, căn lều một gian trở nên ngày một trơ trọi. Ngoài Xuyến, chỉ còn có gió. Những đêm Xuyến ngủ lại, Trãi dập dờ bám được vào một cái neo. Cố định. Thủy chung. Nghe Trãi bảo thế, Xuyến chỉ lên trời. Trời sao trên cao cũng vậy. Xuyến lại chỉ ra xa. Dưới kia, dòng sông Nhị óng ánh còn đó, cũng thủy chung như sao trời.Tháng tám năm nay, lê dân xì xào bàn tán, thấp thỏm đợi một sự đổi thay quyền bính. Trưa hôm rằm, Trãi về đến nhà thì đã thấy Viễn ngồi đợi. Viễn đứng dậy, miệng nói :- Có tin Trần Nguyên Hãn nhắn, bảo bây giờ bác đi là đúng lúc. Hẹn ở Trường Yên, Hãn sẽ đón...Trãi cũng biết thời điểm này là lúc phải xổ lồng. Chỉ độ nhật hai ba tuần trăng tới là Lý Bân qua nhậm chức. Hiện Trương Phụ không lo toan gì ngoài chuyện chở tài sản về nước. Còn Hoàng Phúc, hắn đã cao bay xa chạy vào Tây đô, sợ Phụ ra tay trả hận trước khi về Yên Kinh. Trầm ngâm, Trãi nhìn Viễn, mắt dọ hỏi. Viễn tiếp :- Chuyến này, em cũng đi. Gia đình em đã tản hết vào Mường Thôi... Còn mồ mả các cụ, em nhờ người coi sóc, cũng sắp đặt xong xuôi. Hoàng Phúc kỳ trước về cho bứng gốc hết rặng đề trồng thành hàng mặt sau mộ cụ tổ. Mấy ngày nay, nó lại lân la, đêm đêm đến xõa tóc cầu đảo, miệng cứ rú lên kêu ma gọi quỉ...Trãi chạnh lòng, cười gượng. Từ thuở xa xưa chàng về với cha ở Nhị Khê những tàn lá đề là bóng mát che nắng cho Trãi. Những ngày hè oi ả, Trãi hay lên mộ tổ một mình, lẳng lặng từ lưng đồi nhìn về phía núi Tản tít tắp thấp thoáng trùng trùng mây xa. Mây bắt nắng chói, ánh bạc loé sáng trong trời xanh ngắt. Thỉnh thoảng ruộng lúa vàng non điểm trắng cánh cò thong thả bay ngang. Gió động khua lá xào xạc. Con châu chấu tí tách nhảy, chú bọ ngựa ngo nguẩy ngửng đầu dương cựa, đám chích chòe loạch xoạch đuổi nhau chí chóe. Bây giờ cây đã trốc gốc. Mà nào phải chỉ có cây, Trãi chua xót nghĩ ngợi. Ðến người cũng trốc gốc, thì xá chi một rặng đề.Hiểu cái nôn nóng của tuổi thanh niên bị thế cuộc câu thúc, Trãi quay nhìn Viễn, nhỏ nhẹ :- Bao giờ ? Bao giờ chú đi ?- Em định chỉ nay mai. Lên báo để bác đi trước. Khi Hoàng Phúc về Ðông Quan thì không dễ như thế được nữa. Viễn đặt vào tay Trãi một cái ruột tượng, ngập ngừng - Bác cầm theo...Mở ra, Trãi thấy một ít bạc vụn và khoảng chục đồng tiền. Ngạc nhiên, Trãi hỏi :- Chú lấy đâu ra ?- Em chẳng ăn cướp của ai cả, bác đừng ngại...- ...Viễn bạnh hàm, mắt như đổ lửa, giọng nghiêm trọng:- Hẹn bác hai ngày nữa lên đường. Bác đừng ghé Nhị Khê, cứ đi thẳng vào Hoa Lư trong Trường Yên. Khi đi, bác đừng cho ai biết. Hai ngày nữa, bác nhớ nhé !Chuyện trò sắp đặt với Trãi xong, Viễn lại hấp tấp xuống dốc. Nhìn cho đến khi Viễn khuất bóng, Trãi lẳng lặng vào nhà ngồi trước thư án. Trãi bâng khuâng đếm quãng thời gian làm tù giam lỏng nơi này. Ðông Quan, căn nhà tù khổng lồ của chàng, là nơi tương đối yên bình cho dẫu rằng tạm bợ. Sắp xổ lồng, chàng bỗng cảm thấy một niềm bất an. Tự do, có cái giá của nó. Con đường trước mặt do chàng chọn lựa là con đường của bất trắc. Vạch cánh liếp chặn cửa, Trãi bước ra, vươn vai hít một hơi dài vào đầy lồng ngực. Hai con chó ùa lại sủa, quấn quít vẫy đuôi, rồi gục đầu kêu hinh hích. Hình như chúng tiên cảm thấy phút chia tay. Trãi thò tay vuốt ve chúng, lòng bỗng buồn buồn như thuở tấm bé phải rời Côn Sơn khi ông ngoại qua đời.Nhưng việc trước mắt là phải đi báo ngay cho Xuyến. Tất tả đến cửa Ðại Hưng, Trãi bị đám lính gác thành chặn lại. Trãi tiếc không mang theo ít bạc vụn làm của lót đường. Nhìn giải nước sông Nhị óng ánh cách ngăn, Trãi thở nhẹ rồi quay bước. Hai ngày, chỉ đúng hai ngày nữa. Trãi nôn nao tính, khi xổ lồng thì bỏ thêm nửa buổi đến với Xuyến, rồi ngược theo sông dọc vào Trường Yên. Nhìn cánh chim bằng liệng ngang đầu, Trãi thành bầu trời lồng lộng trên cao. Không còn gì có thể vướng víu kéo chàng ngược chốn lao tù. Chàng thầm nhủ, giữa bất trắc và an bình, phải chăng tự do là cái gạch nối tương lai vào hiện tại. Lạy trời, chính thế mà nó mang cái hấp tính của một thứ mê lực không cưỡng lại được.*Cộng vào bản chất ác bạo và tham tàn của Trương Phụ, sự mềm mỏng nhưng quyết liệt của Hoàng Phúc khiến chính sách bình định của nhà Minh vừa có roi vọt vừa có ngọt bùi. Phúc tự phụ, trong lòng không coi bọn võ biền ra gì. Một lần lỡ miệng, Phúc ví mình với Sĩ Nhiếp trước mặt Phụ. Lớn tiếng huyênh hoang khai hóa đám man di Giao Chỉ, hắn hể hả ‘‘…lần này là lần cuối, đất nhà Minh chạy cho tới châu Ái. Cứ ra đường thì biết. Ðàn ông tết bím. Ðàn bà răng trắng, mặc quần. Trẻ con đi học thì dồn cả vào Học hiệu Ðông Quan…’’. Thời gian đó, đám tôn thất nhà Trần đã yên phận với những mảnh điền trang xót lại và một bọn gia nhân có đông cũng chẳng quá được trăm mạng. Bọn nhà nho, cả khoa bảng lẫn không đỗ đạt, phần đông đã chạy theo quyền lực làm sai nha. Nghĩa quân vùng Thanh-Nghệ có, nhưng ít và rặt tinh thần địa phương, hoạt động khoanh vùng, chủ yếu chỉ chống thuế và lao dịch nên chẳng có gì đáng lo ngại. Bảo với mọi người nay là thời bình, Phúc mang Lễ – Nhạc từ Yên Kinh sang giáo hóa. Sau đó, phủ Giao Châu quen dần với tiếng đàn lục thập huyền Ðại Cấu, tiếng chập chỏa Tiểu Bạt, tiếng trống Phạn Cổ và tiếng kèn Tất Lật. Lương Nhữ Hốt tiến cử cháu ruột mình là Lương Ðăng, một kẻ mê đàn hát và có chút năng khiếu âm nhạc. Phúc tin dùng, sai lập một đoàn ca múa. Ðăng về Ðào xá, huyện Tiên Lữ tuyển dụng.Từ đời Lý, làng Ðào xá nổi tiếng, có người con gái tên gọi Ðào thị hát hay đã được Lý Thái Tổ ban thưởng. Lúc nàng mất, dân làng lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả Ðào. Sau, con gái trong thôn đều đổi ra họ Ðào, tạo nên một truyền thống với lối hát gọi là hát ả đào, kết hợp nhạc dân gian với kiểu hát nói rất đặc thù. Khi Ðăng đến, đám ca nhi bỏ chạy, chỉ bắt đâu được gần hai chục cô. Một cô chạc mười bốn, tên là Ðào Nhi, về đến Ðông Quan sợ quá hóa câm. Ðăng dùng Nhi vào việc giữ phách và đôi khi cho làm con múa. Ðào Nhi suốt ngày lẳng lặng một mình, mài rồi vuốt ve cây trâm gài tóc dài một gang tay, ai cũng bảo là hóa dại. Sau vài tháng tập tành, những ả họ Ðào trình diễn cho bọn quan nha. Hoàng Phúc tươi cười dắt tay Trương Phụ vào ngồi chính điện, phất tay cho bọn ca nhi bắt đầu. Khi hát bài Cảm Hoài của Lý Bạch theo điệu Ức Tần Nga, Ðào Nhi giữ sai một nhịp phách. Phúc nhăn mặt, bắt đánh lại. Ðào Nhi lại sai, mặt ngẩn ra, dáng sợ hãi. Phúc cau có, đứng dậy bước lại gần. Bất chợt, Ðào Nhi vùng người, rút cây trâm cài tóc lao lại nhằm cổ Phúc đâm thẳng vào. Phúc hoảng hốt té nhoài ra sau. Cây trâm xướt qua da cổ, máu ứa, nhưng Phúc không mệnh hệ gì. Một tên vệ sĩ nhảy lại đấm vào mặt Ðào Nhi. Nó ngã văng xuống đất, mũi dập nát, mặt bê bết máu, nhưng chồm dậy hét ‘‘…kéo cổ cha tao ra chặt, rồi xoạc cẳng mẹ tao để cưỡng dâm, bay thế mà bây giờ còn định giáo hóa làm thày tao à ! ’’. Phụ phá lên cười. Phúc hoàn hồn, nhìn Lương Ðăng chăm chăm, bắt Ðào Nhi bỏ ngục để tra xét. Ðêm hôm đó, Ðào Nhi cắn lưỡi chết. Chuyện Nhi giả câm đồn đãi ầm lên trong nội phủ. Ðăng sợ, sáng sau bỏ trốn. Lương Nhữ Hốt đập đầu xuống đất kêu oan, lạy Phúc rồi đem cha đem mẹ ra thề bồi nên Phúc chỉ giáng Hốt xuống một cấp quan. Gọi Hốt đến, Phúc bảo ‘‘ Mộ tổ nhà ta có xá tinh, chẳng chết thế được ! Nguy nan gì thì cũng qua, chuyện bất đắc kỳ tử ta không sợ ! ’’. Ngay đêm sau, Phúc làm lễ tạ sao, bắt Hốt làm con bù nhìn để quật roi, tiếng nghe chan chát.Mấy hôm vừa qua, Phúc với bọn sai dịch mang đèn hương để cúng kiếng. Lần đến Nhị Khê này, Hoàng Phúc chọn ngày rồi cho đốn nốt rặng đề nằm phía trái ngôi mộ hướng về Chí Linh. Rìu búa đốn cây đều bôi máu gà, và trước đó bọn vệ sĩ đã yểm những lá bùa dài lòng ngòng trấn bốn phương tám hướng. Bày ra trận hình bát quái, tay giữ quyết, tóc xõa, miệng ngậm bùa, Phúc trấn trung ương trận pháp đã hai đêm liền. Ðêm nay là đêm tế sao lần cuối. Trong số đám phục dịch, tự nhiên có người lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Hoàng Phúc có vẻ lo ngại, đi ra đi vào, miệng lẩm bẩm một mình. Phục dịch cho hai đêm tế sao của Thượng thư Hoàng Phúc gồm mười sáu tên vệ sĩ, thêm đám con hầu và cả Hà Trí Viễn, người quản gia của từ đường họ Nguyễn. Dẫu gặp nhiều lần và có thử thách Viễn, Phúc vẫn đề phòng. Lần thử thách cuối, Phúc bảo Viễn vào thư án lấy cho mình tập sách tựa đề Giao Chỉ phong thủy chí. Viễn khệ nệ ôm cả chồng sách ra. Phúc hỏi ‘‘... không biết chữ à ? ’’. Viễn lại rối rít lắc đầu như tạ lỗi, tay đưa ra một quyển khác. ‘‘ Cũng không phải ! ’’, Phúc tai quái nhìn. Viễn lôi một quyển nữa, nói ‘‘ Dạ, nó đây !’’. Ðó lại là tập Liễu Tông Nguyên thi. Chắc mẩm là Viễn thực sự mù chữ như phần đông đám tráng niên nhà quê, Phúc tự tay lục đống sách. Ðằng sau, Viễn nhìn chằm chằm. Ðó là một quyển gáy xanh, chữ viết nhỏ, giấy mỏng nhưng dai. Liếc nhìn Hoàng Phúc ghi chép, Viễn giả tảng như không quan tâm. Ðến đêm Viễn rình biết là khi đi ngủ Phúc giấu nó dưới nệm giường.Sẩm tối, Viễn lên chùa Thiên Pháp tìm đám bạn tập võ với sư bác. Họ chụm đầu to nhỏ, mặt mũi khẩn trương. Thì thào hai tiếng thoát ly với giọng thành khẩn, Viễn mưu tính việc Viễn gọi là đại sự, không thành công ắt cũng thành nhân. Sư bác không nói gì, chỉ niệm a di đà Phập rồi vào tụng kinh sám hối.Viễn quay về nhà khi đêm buông nhanh như chùm chăn. Trời cao lồng lộng gió, sao chi chít nhấp nháy nhìn xuống mỏm đồi Nhị Khê mang hình thể một con rùa ngửng đầu hướng về núi Tản. Chặt đi rặng đề, con rùa cụt đuôi, ì ạch trên lưng đèo bọn vệ sĩ cầm cờ ngũ sắc đứng theo bộ vị ngũ hành bao quanh Hoàng Phúc. Choàng một tấm áo trắng, tóc xõa bay ngược chiều gió thổi, Phúc cầm kiếm chỉ trỏ rồi hô hoán điều động đám vệ sĩ khi bước sang trái, khi tiến, khi lui, có lúc lại đứng tại chỗ dẫm chân thình thịch. Ði vòng đám hình nhân làm bằng nan có bồi giấy vẽ đủ mặt mũi râu ria, cân đai mũ mãng, Phúc hả miệng quát tháo hàng tràng dài. Ngọn lửa đốt ở giữa đàn tế bốc cao rồi chao đảo theo chiều gió tạt. Tiếng củi nổ tí tách. Tiếng Phúc phì phì thở. Rồi lại tiếng hô, lại tiếng quát. Ðám vệ sĩ xoay vòng quanh, chốc chốc lại đứng ngây ra như tượng rồi rống lên một thứ thanh âm nhọn sắc chọc vào tai như kiếm đâm dao khoét. Mỗi lần như vậy, một chùm sao phương bắc lả tả rụng từng cái một, kéo những vệt sáng lờ mờ lịm dần đi trong màn đen thăm thẳm.Viễn không chờ được nữa. Ðâu đây, tiếng chó sủa lên gióng một. Lẩn vào hàng hiên, Viễn đưa tay nắm con dao buộc lưng. Lại tiếng chó sủa. Rồi tiếng cú rúc. Tên vệ sĩ ngồi canh cửa phòng Hoàng Phúc nhận ra Viễn, nhe răng cười, miệng kêu ‘‘ nỉ hảo ’’. Viễn cũng cười đáp. Bất thình lình, Viễn rút dao, lia một nhát vào cổ tên vệ sĩ. Nó ngạc nhiên, tay ôm cổ, mắt trợn trừng, máu vọt ra thành vòi bắn tung tóe. Há miệng, nó định kêu nhưng khí quản đứt chỉ phát ra tiếng ò ò. Viễn nắm lấy tóc nó, tay đâm vào ngực rồi lách sang trái. Tên vệ sĩ nhũn người quị xuống. Ðúng lúc đó, có tiếng hò hét, tiếng đao kiếm, tiếng gậy gộc ngoài sân. Ðồ chừng đồng bọn đã ra tay tấn công bọn vệ sĩ, Viễn đạp cửa vào. Hai đứa con gái theo hầu Hoàng Phúc ngơ ngác, kéo nhau ngồi dúm vào một góc, miệng kêu be be. Viễn tiến lại, kéo tấm nệm trải giường tốc lên. Quyển sách gáy xanh nằm đó. Viễn cầm, máu giây lên trang bìa. Ðúng là nó. Viễn giắt vào lưng, quay lại nhìn. Có tiếng chân chạy rầm rập. Viễn nắm cây đèn dầu ném thẳng vào đống chăn màn. Lửa bốc lên. Hai đứa gái hầu lại ré lên, luýnh quýnh chạy ra cửa. Viễn thẳng tay rút cây côn giắt bên người quật xuống. Những mảng óc vỡ óng ánh sắc lân tinh văng dính trên vách rồi nhão nhoẹt chảy nhễu xuống.

Ðám bạn võ của Viễn chống không lại bọn vệ sĩ vốn đã quen chiến trận. Họ lăn xả vào tìm cách giết Hoàng Phúc, và cũng chính vì nóng lòng liều mạng, có dăm ba người chết uổng. Một thiếu niên mới mười sáu bị chém đứt bả vai, quị xuống nhưng còn cố ném thanh mã tấu vào người Phúc, miệng thét ‘‘ Thằng giặc Ngô, tao sẽ làm quỉ bắt mày ! ’’. Thanh mã tấu chém xoẹt đi cánh tay tên thủ hạ đứng chắn.

Phúc bị một phen kinh sợ, mửa ra mật xanh mật vàng, mặt cắt không còn hạt máu. Sau lần chết hụt đó, hắn bớt khinh mạn đám man dân Giao Chỉ. Bớt khinh, nhưng Phúc căm thù khi vào thấy mất quyển sách Giao Chỉ phong thủy chí Phúc đã bỏ ra bảy năm ghi chép tỉ mỉ. Về phần Viễn, chàng bỏ đi ngay đêm hôm đó. Không đến Trường Yên như hẹn với Trãi, Viễn tính tìm đường về thẳng Kỳ Anh. Ở đó, Viễn sẽ chôn cuốn sách cướp được của Phúc. Chắc chắn đó là một quyển sách quí. Rạng sáng, Viễn đến ven sông Lô, rửa cho sạch máu dính trên tay trên mặt. Ngạc nhiên thấy có thể một đêm giết một lúc ba mạng người, Viễn soi mình trong bóng nước, nhìn chăm chăm như nhìn một kẻ lạ.*Khoảng cuối năm Dậu, tức là ba tháng trước khi Trãi bỏ Ðông Quan ra đi , Nguyễn Phi Khanh qua đời. Chôn cất cho cha xong, Phi Bảo mang vợ và hai đứa con từ Yên Kinh về đến Nhị Khê, nhưng khi đó Trãi đã vào Thanh Hóa với Trần Nguyên Hãn. Cùng Nguyễn Chích, Hãn dấy quân tại Mường Nanh, Mường Một và Mường Thôi. Ở vùng Lam Sơn, một đại đầu mục họ Lê cũng phất cờ khởi nghĩa. Trên mạn Mường Mộc trấn Gia Hưng ở phía bắc Ðông Quan, dân ba xứ Sơn Tây, Tuyên Quang và Sơn La cũng theo Xa Khả Tham và Phạm Văn Xảo, binh tuy ít nhưng tinh, và có cái thế hiểm hóc núi rừng nên đám quân Minh không làm gì được.Khi Phi Bảo về đến làng thì Nhị Khê gần như vườn không nhà trống.Hỏi ra, Bảo mới biết việc Hoàng Phúc mới bị hãm hại suýt chết. Phúc quây dân lại tra hỏi, và lúc đó mới hiểu rằng kẻ chủ mưu là Hà Trí Viễn. Viễn đã cao bay xa chạy. Phúc liền tìm bắt Trãi, nhưng Trãi cũng đã biệt tăm. Tiếc cuốn sách ghi chép tỉ mỉ về phong thủy Giao Chỉ, Phúc uất hận nằm bệnh đâu cả tháng. Khi khỏi, Phúc ra lệnh bắt đốt sạch ngôi nhà từ đường họ Nguyễn và đào đất lấp con lạch ngay dưới chân đồi có mồ mả tổ tiên. Bảo biết không ở lâu được, lại dẫn vợ con vào châu Ái tìm mẹ và đàn em nhỏ. Gửi vợ và hai đứa con lại, Bảo ra Mường Một tìm anh.Gặp mặt, hai anh em ôm nhau khóc. Chập chờn, hình ảnh Phi Khanh lại hiện ra. Tai Trãi văng vẳng lời cha ‘‘ Làm trai thì về mà trả ơn nước, thế mới là báo hiếu. Nợ nước trước, thù nhà sau. Nhớ lấy...’’. Rồi tiếng hát quan họ đám chị em ca kỹ trên bước đi đầy chênh vênh đầu ải. Tiếng quát của Liễu Thăng. Tiếng dao kéo lách cách của tay hoạn lợn họ Ðỗ. Tiếng gió dập qua vách núi. Tiếng mưa rào rào trên những tàn cây rừng. Tiếng chim quang quác hoảng loạn một đêm vang vọng mười ba tiếng hú của Hồ Quí Ly khi đám mười ba đứa cháu bị thiến. Trãi nhắm mắt. Hình ảnh họ Hồ cắn lưỡi bằng hai hàm chỉ còn lợi ập về, máu ứa ra đỏ loẹt râu hàm trắng phếch. Râu tóc đó bồng bềnh trôi, như đám mây trắng nhuộm ánh dương buổi sớm.Nắm tay Bảo, Trãi lắc đầu xua đi những ám ảnh quá khứ. Lát sau, nghẹn ngào Trãi hỏi :- Trước khi chết, cha có nói gì không ?Giọng bùi ngùi, Bảo đáp :- Cha nhắn anh rằng đừng câu nệ, kẻ nào đuổi được giặc Ngô thì đáng làm vua, không cứ là phải họ Trần hay họ Hồ...Trãi gật đầu, nhìn Bảo, chờ đợi. Chép miệng, Bảo thì thào:- Cha bảo, cái kế xưa đã bàn vẫn thế. Lui về Thanh Nghệ chiếm lấy Tân Bình, Thuận Hóa làm thế lui. Lấy hiền hòa để dựa vào Chiêm quốc và Lão Qua tìm sinh lộ lúc đường cùng. Nay Lý Bân đã qua thay Trương Phụ. Bân tính không quả quyết, ngại chuyện binh đao, dã man tàn bạo so với Trương Phụ thì một năm, một mười. Cờ như vậy là đã đến tay rồi !Trãi thở dài, hỏi Bảo :- Bên Yên Kinh, còn mất những ai ?- Sau khi cha mất, Phi Hùng buồn, bỏ đi lang bạt từ bốn năm nay chẳng tin tức gì. Quí Ly chết năm Thân. Các quan nay tết bím, cạo răng. Kẻ thì đi buôn thuốc Bắc, người thì đi làm thư lại cho bọn nhà giàu. Hồ Nguyên Trừng hiến cách đúc súng của ta, được Minh Thái Tổ phong làm Thị Lang...Một cơn giận bùng lên tựa lửa bắt vào củi khô. Nhăn mặt, Trãi đập tay buột miệng:- Khốn nạn thật ! Hiến cho giặc cách đúc súng là cướp đi một khả năng tự vệ của dân Ðại Việt bao lâu nay đã phải đương đầu với xâm lăng phương Bắc.Bảo nhìn anh, buồn bã :- Còn lắm chuyện khốn nạn không kém. Bọn có ăn học mang liệt kê mỏ vàng, mỏ sắt, gỗ quí,thổ sản từng vùng cho quan quân nhà Minh biết mà lùng…Thở dài, Trãi bần thần nhìn em. Phi Bảo nay cao hơn Trãi dễ đến nửa cái đầu, hai bàn tay to gấp hai bàn tay người thường. Khi nói, miệng Bảo nhếch lên cười, nửa như để làm thân, nửa như định trêu chọc. Bảo kể, em lại sắp có thêm cháu nữa, mong sao lần này là con trai cho có kẻ nối giõi. Hiện nay, Bảo đã mang cả đại gia đình về làm rẫy ở cuối ngạn sông Lam. Khoe là tìm được một vùng đất núi có thể trồng trà, Bảo định khi về sẽ bắt tay vào việc gieo cây đã có ngọn, cách thức Bảo học được khi còn lưu lạc ở Giang Châu bên Trung Quốc. Bảo lạc quan :- …chỉ cuối năm nay là thu được mẻ đầu, sinh nhai đủthì khỏi lo. Anh nghĩ thế nào ?Còn nghĩ thế nào nữa, Trãi thầm nhủ. Thân mình lo còn không nổi thì lo gì được cho ai ! Tủi giọng, Trãi nắm tay Bảo, gượng nói :- Chú lo cho cả nhà như thế là chú lo hộ cho anh. Còn anh, thời thế này anh chẳng tích sự gì, có dăm mớ chữ bây giờ nào có dùng được vào việc gì cho đáng đâu !Bảo lắc đầu, nhìn xa xăm, môi mím lại. Thình lình, Bảo xiết chặt tay Trãi :- Chuyện sinh nhai cứ để em lo, anh đừng bận lòng. Còn chữ hiếu anh báo cho cha như cha dặn dò là anh báo được cho em, cho cả nhà !Lời Phi Khanh dặn dò trên ải Phá Lũy lại đâu đó văng vẳng. Chàng nhớ lại, Hồ Quí Ly ở Phá Lũy thổ máu ra mà vẫn hỏi, tại sao sửa soạn sáu năm, quân đông tướng giỏi nhưng chưa đầy sáu tháng đã tan tành trước một đội quân viễn chinh đến từ xa, lạ nước lạ cái, lại phần nào ô hợp, gồm đủ loại tân binh bắt từ các châu quận biên giới. Tại sao ư ? Hồ Quí Ly là một kẻ thượng thế anh hùng, nhưng vừa tham vừa vội, lại trọng pháp khinh luân. Biết là phải có một bộ máy chính quyền tập trung để đối phó với nhà Minh, Quí Ly chỉ dùng uy để áp chế, dùng mưu để khuất phục. Hơn ba mươi năm nắm quyền bính, họ Hồ trước đây nào có làm gì. Ðến khi cướp ngôi nhà Trần xong, sợ loạn nên mới hô hào cải cách. Thu kim khí thì bắt chước đời Tống in tiền giấy rồi dùng pháp lệnh ức thương. Thất nhân tâm, Quí Ly sai hạ cả chuông nhà chùa xuống nấu chảy ra để rèn gươm giáo. Lại e đám hậu duệ tôn thất nhà Trần gia nô có hàng nghìn trong những điền trang cỡ lớn, Quí Ly ra chính sách hạn điền hạn nô, sau đó nâng thuế điền, thuế thổ lên thật cao nhằm để bức bách trưng thu đất đai làm ruộng công. Thế là tài tụ, nhưng nhân tán. Sưu cao thuế nặng, lòng dạ hàng dân hoang tán. Như vậy, lúc biến thì dựa vào ai ? Quân chưa đánh đã chạy. Nhưng vì sao lại chạy ?Nhắc lại chuyến đi tiễn cha với Bảo, Trãi hồi tưởng đám dân đi sang Yên Kinh. Gọi là đi đầy nhưng Trãi ngạc nhiên thấy sao họ lại có vẻ phấn chấn, rủ nhau buôn hàng chuyến, nào tơ lụa, nào sừng tê, lộc nai, vảy kỳ đà... Họ tỉnh khô kháo với nhau về giá cả, lời lỗ, chẳng thấy có gì là nhục mất nước, hận lưu vong. Lạ chưa! Thế mà mới ngót ngét trăm năm trước, chính ông bà họ đã trấn áp được giặc Nguyên quân hùng tướng mạnh! Trãi chợt hiểu. Người dân mang đổi mạng sống đâu phải là chỉ bảo vệ mấy chữ non sông gấm vóc. Họ đổi mạng là để bảo vệ những gì họ sẵn có trong tay, hoăëc những gì họ tin sẽ có được trong tương lai.Trãi nhìn về phía bản Tà Khương nơi Hãn đóng quân. Hai năm ròng, tụ chưa được một nghìn nghĩa sĩ. Có đánh,cũng chỉ mới đánh đám thổ binh và bọn Phiên quan đi thu thuế. Nợ nước chưa trả được một phân lời, nói chi đến vốn. Còn thù nhà vẫn đấy. Theo năm tháng chồng chất thêm lãi, mối thù ngày một nặng trên vai. Cúi đầu, Trãi nghiến răng, nói mạnh :- Cứ tin anh, rồi thù nhà sẽ trả !Khi chia tay, Bảo nhìn thật lâu vào mắt anh, dặn dò :- Anh cẩn trọng giữ mình…Một khi chuyện sinh nhai yên ổn, em sẽ đến xung quân.

Ngồi cạnh, Hãn nhìn phản ứng chung quanh, lẳng lặng bấm tay Trãi. Trừ Lợi và Linh nghe chăm chú, đám võ biền ngơ ngác rồi tiếp tục ngồm ngoàm đánh chén. Ðợi cho Trãi dứt lời, Ðinh Lễ là em cô cậu của Lợi, tợp một ngụm rượu rồi ồm ồm hỏi :

- Ừ thì Tâm công, nhưng cũng cần đại đao mã tấu để mà chém giặc chứ. Ông chỉ rao nhân nghĩa có đuổi được chúng đi không ?Bọn Lê Vấn, Lê Ngân, Lê Sát... được thể cũng nhao nhao lên mỗi người một tiếng. Sát cùng tuổi nhưng thuộc hàng cháu Lợi, cao giọng :- Ông người Kinh lộ có học, nhưng hiểu thì ông chỉ hiểu chút ít về đám lê dân chúng tôi xưa nay có chữ nghĩa gì đâu. Bảo với hàng dân là tâm công, không đánh cũng thắng, thì người ta gọi thế là đánh giặc bằng nước bọt nước giãi, chẳng có ai tin theo đâu...Trãi giật mình thót bụng. Những điều chàng tin không hiển nhiên như chàng nghĩ. Hồi tưởng buổi gặp Hãn và Xảo ở phường Yên Hoa, Trãi nhớ lại thái độ có chút ngờ vực của cả hai người vốn chẳng phải là hạng tầm thường. Nhìn cách hành xử của đám võ tướng Lam Sơn, Trãi thấy thật rõ cái khoảng cách giữa mình và họ. Lợi có vẻ ngượng ngùng, khoác vai Trãi đứng dậy rồi kéo ra. Khinh khỉnh, Sát nâng chén quay về phía Ngân và Lễ, hô to ‘‘Cạn chén nào, bất chiến tắc thắng cũng như không uống mà say. Nước lã là rượu, anh em ơi ! ’’. Cả bọn lăn ra cười ngả cười nghiêng. Nhìn Lễ khạc nhổ phì phì, Hãn phá lên cười, lôi Viễn đứng dậy. Khi ra đến cửa, Hãn quay đầu nói với lại :- Kính chào chư vị ! Chư vị cứ uống, hễ say là thế nào giặc cũng sợ. Say rồi nói tục, thế nào giặc cũng hãi. Nói ngông, nói cuồng không còn phép tắc, thế nào giặc cũng chạy. Sách ấy gọi là tửu công, uống đến nôn mửa ra là bách chiến bách thắng, ha ha ha...Ngoài hàng hiên, Trãi mặt trắng bệch nghếch mắt ngó lũ võ biền bò lăn bò càng trên chiếu rượu. Hãn ghé vào tai Trãi thì thào ‘‘... Dám là bà Chúa lỡm anh em mình thật ! ’’ rồi bước xuống chân nhà sàn. Viễn đã đứng chờ, nét bực bội hiện trên mặt. Lợi bước theo, nắm tay Trãi, ngập ngừng :- Ông bỏ qua cho họ. Họ là những người chất phác, nghĩ gì nói nấy. Cứ gặp người Kinh là họ sợ bị phỉnh bị gạt, nên họ nghĩ ông lỡm họ không chừng !*Không về ngay Mường Một với Hãn, Trãi ngược ra Hoa Lư đi tìm Ðạo Khiêm đã bặt mất tin từ lâu. Ngồi chống con đò lắc lư cạnh bờ, Trãi ngửng lên. Vòm lá trên đầu xanh mởn buổi đầu xuân đu đưa trì kéo bóng cây trong dòng nước lơ lửng khoan thai trôi về cuối ngạn. Vút cao trước mắt, triền núi chót vót không thấy ngọn ưỡn lên với lấy khoảnh trời trong vắt.Nhà đò vạch bụi ló ra tươi cười :- Nhà cháu hỏi được rồi, ông ạ. Chùa Thiện Chính còn ở tít trong, chống thêm nửa ngày mới đến. Nhìn trời, nhà đò lẩm bẩm - Xuôi gió, chắc vào giờ Mùi thì là tới thôi...Trãi giúp đẩy con đò tròng trành ra giữa dòng. Ðứng đầu mũi, nhà đò chống rồi đẩy, mắt hấp háy nắng chói.- Nhà đò có mấy cháu ?- Dạ, sáu. Hai trai, bốn gái.- Các cháu lớn chưa ?- Con gái đầu năm nay mười lăm. Ðứa út thì lên năm, thưa ông.- Ðông con, chắc vất vả nhỉ ?- Nhà cháu làm đồng, xong lại đánh cá. Nhờ trời, cái ăn không đủ nhưng chưa đến nỗi đói mà chết. Năm nay con bé lớn đi lấy chồng, đỡ một miệng nhưng lại thêm việc...Ðổi câu chuyện, Trãi dè dặt :- Ở vùng này có yên không bác ?- Trừ cuối vụ khi quan quân từ đồn Ninh Hạ đến thu thuế, còn lại thì cũng yên...- Khi thu thuế thì sao ?- Hàng dân giấu thóc, giấu tơ. Quan quân thì khám, rồi thu. Không thóc, không tơ phải nộp tiền. Không tiền thì tra khảo đánh đập đốt nhà phá cửa... Hoặc bắt phu dịch, đi mò châu, săn voi, bắt gấu. Cứ đến cuối vụ là hàng dân ẩn vào rừng sâu, núi cao... Trong rừng có giấu cung nỏ dao kiếm. Vào lùng bắt thì phải chống lại, năm nào cũng có người tử thương.Chép miệng, Trãi hỏi :- Giờ thì thế, nhưng trước thì sao ?- Thời tiền triều nhà Hồ có đỡ hơn một chút, nhưng lại bị nạn bắt lính ! Nhà cháu cũng xung quân đấy chứ. Bị vây ở Lỗi Giang, lính chúng cháu hỏi nhau liều chết mà đánh giặc Ngô để làm gì ?- ...- Có đứa bảo, non sông mình thì mình phải giữ. Ðứa khác chửi rồi hỏi mày có giữ thì giữ cho ai, chứ chẳng phải mày giữ cho mày. Giữ thì mày được gì ? Còn non sông thì vẫn đó, giặc nó có lấp sông dời núi đâu... Thế là mười phần bỏ chạy đến chín !Trãi chợt nhớ một câu chuyện trên đường ra Phá Lũy năm xưa. Trước sự thất bại quá nhanh của nhà Hồ, Trãi lân la hỏi gần hỏi xa, chuyện trò với một anh thợ rèn. Anh ta bảo từ khi Quí Ly lên ngôi vua thì anh ta phải nung chuông đổ sắt, rèn gấp đôi, toàn là đao kiếm cho triều đình. Trước, anh nuôi được vợ con. Sau, anh chỉ nuôi được con, vợ phải đi ở đợ. Ðến khi quân Minh qua, anh ta bị bắt lính. Anh nghĩ, đánh nhau mà thắng thì lại tiếp tục rèn gấp đôi, chỉ nuôi được con, vợ vẫn đi ở đợ. Thôi thì vua quan nào cũng được, miễn là cho sống thì vua quan người Ngô hay người Việt cũng thế. Vậy thì thua, thua cho nhanh là thượng sách. Bạc là dân, bất nhân là lính ? Trãi thầm hỏi. Không. Không phải là dân bạc. Bắt họ sống chết bảo vệ cho vua quan là những kẻ đẩy họ vào cảnh khốn khổ ư ? Dùng lời lẽ hão huyền những là tự do với độc lập, rồi sau đó lại sưu cao thuế nặng, lại nô lại dịch thì thử hỏi ai bạc hơn ai ?Nhìn nhà đò, Trãi chậm rãi :- Không lấp sông dời núi, nhưng nay giặc bắt mình làm tôi mọi, cấm búi tóc, vấn khăn, nhuộm răng, mặc váy...Nhà đò nhìn Trãi, vẻ ngạc nhiên nhưng chỉ hềnh hệch cười :- Úi dào, thì có thế thật. Nhưng thưa ông, chỉ vậy thì không sợ.Trãi gặng :- Thế thì sợ gì ?- Sợ nhất vẫn là sợ đói, mà đói thì vì sưu cao thuế nặng. Năm đầu giặc chiếm đóng, hàng dân nói với thổ quan xin giảm thuế là theo, còn chống là chuyện của mấy ông đồ nho lắm chữ lắm nghĩa. Nhưng sau, sưu thuế cứ tăng dần, bọn thổ quan thổ binh đè đầu bóp cổ, nhũng nhiễu đến không sống được. Ở Mường Thôi, người ‘‘ trại ’’ chống thuế đào hào đắp lũy. Rồi Mường Nanh cũng bắt chước nổi dậy... Sắp loạn, mà loạn to đấy. Nhà cháu nghe nói ở châu Ngọc Ma, quan quân nhà Minh bị đánh tan tác, không biết có phải không ?Trãi giả tảng không nghe, quay đầu nhìn lên triền núi. Từ vách đá, dẫu chỉ có chút đất cằn, những nhánh cây khẳng khiu vẫn đâm ra ngạo nghễ chọc ngang trời. Sự sống, điều huyền diệu tự biện minh cho tất cả. Chết vì non sông gấm vóc, vì trung quân ái quốc chỉ thuần từ miệng lưỡi thêu vẽ huyễn hoặc. Ðó là bài học Trãi thấm thía nhờ bác nhà đò và anh thợ rèn. Và nghĩ lại, cái sách Tâm công như Trãi trình bầy với đám võ biền Lam Sơn không một mảy may thuyết phục vì đúng nó cũng chỉ là ngôn từ. Nhưng Trãi vẫn băn khoăn. Thế thì những con người bình thường kia có thể chết cho cái gì ? Ðộng lực nào khiến họ dấn thân chấp nhận mang đời mình ra đánh đổi ?Ðể sốâng !Liều chết để tìm ra đường sống ? Có thể lắm. Nhưng nếu không chỉ phát xuất từ bản năng mà là một chọn lựa bó buộc thì liều chết để tìm ra đường sống lại là nghịch biện oái oăm và thê thảm nhất của loài người. Từ khi nghĩ ra điều đó, mọi chủ đề trong Bình Ngô sách sau viết lại đều dựa trên nền tảng sự sống. Cho một tập thể của những con người có thật. Tức là những con người biết sợ đói và tìm cách tồn tại sống còn với mọi quyền lực.*Chùa Thiện Chính, lửng lơ giữa trời và đất, mang dáng dấp nửa thiên tiên nửa phàm tục. Từ bờ sông, lên một dốc núi vây quanh chỉ có vách và vực. Cây cao nhìn xuống thấy thân mà không thấy gốc, um tùm lấn mọc đến tận rìa núi chênh vênh. Chùa gồm năm gian, chĩa xòe ra như trạm trổ vào lòng đất một mỏm núi chót vót, ngạo nghễ nhìn ra dòng sông Mã quanh co tít tắp chân mây. Sân chùa vắt vẻo giữa hai hàng bạch đàn, phía trước là một phiến đá bằng phẳng óng ánh nhô ra vực núi sâu hoắm nhìn xuống mà chột dạ.Vạch cây leo lên đến cổng chùa, Trãi nhờ một chú tiểu vào thông báo. Lát sau, Ðạo Khiêm thủng thẳng bước ra, miệng reo :- Thí chủ ! Cái hẹn trên đường về xuôi từ ải Phá Lũy thế mà đã quá mười năm rồi. Thảo nào bần tăng máy mắt cả tuần trăng, không đoán được là gặp cố nhân.Trãi vái Ðạo Khiêm, tươi cười :- Ðến ăn của bố thí nhà chùa dăm bữa, kẻ ăn mày này không có gì dâng lên lễ Phật, xin thày mở lòng từ bi đánh cho hai chữ đại xá.Nắm tay Trãi, Ðạo Khiêm nhìn tròng trọc :- Hề gì, rau cỏ là của cả nhân gian. Này, thí chủ tóc có bạc đi nhưng vẫn thần thái lắm. Bần tăng xin mừng. Nào, vào đây, vào đây...Vừa nói, Ðạo Khiêm vừa kéo Trãi đi, miệng gọi chú tiểu ra xách cái bị Trãi mang theo bên mình. Trong chiếc áo nâu sồng phủ đến gót chân, Ðạo Khiêm gày gò nhưng rắn chắc, nhẹ lướt đi trên nền sân đất nện. Dưới hàng lông mày rậm rì nay đã bạc thếch, mắt sư lung linh sáng quắc lên dưới ánh nắng đầu trưa. Ðến thềm, Sư đẩy Trãi vào trước, rồi bắt ngồi, miệng vui vẻ :- Uống với nhau ấm trà đã nhé...Sau tuần trà, Trãi quá mệt xin phép đi nằm. Khi tỉnh giấc sau một cơn ngủ vùi, mặt trời chỉ còn là một vệt lay lắt sáng cuối chân mây. Cơm chiều nhà chùa có cà dầm tương và rau rừng luộc với gừng non. Ăn xong trời đã xẩm tối. Ðạo Khiêm thắp đèn, nhẩn nha :- Bần tăng ở cửa Phật thì yên ổn đã đành, chứ thí chủ chắc là chẳng sóng cũng gió.Chép miệng, Trãi kể lại mười năm sống trong sự quản thúc của Hoàng Phúc ở Ðông Quan để bảo toàn mạng cho cha đi đầy. Khi nghe cha mất, Trãi định bụng thoát ly, nhờ Hà Trí Viễn liên lạc với Hãn. Hãn hẹn chàng vào Trường Yên. Chưa kịp sửa soạn, Phạm Văn Xảo biết giặc rục rịch, cho người đến đưa đi ngay. Quả nhiên, tối hôm đó quân Minh đến xục xạo góc thành Nam để bắt chàng. Nhưng lúc ấy, Trãi đã theo cửa Tây đến ven sông, xuống ẩn trong một chiếc thuyền buôn. Hai ngày sau, thuyền nhổ neo rồi dọc sông Nhị, ra tới biển men bờ chạy vào cửa Thần Phù. Thuyền đi được một ngày thì gập bão. Thật một sống hai chết, đúng làthuyền ai đội sóng Thần Phù, khéo tu thời nổi vụng tu thời chìm. Lên được bờ, Trãi theo đường bộ vào Trường Yên như đã hẹn, nhưng đợi mà không thấy Viễn. Mãi khi vào đến Thanh Hóa, Trãi mới biết là Viễn đã rời Nhị Khê sau lần ám toán hụt Hoàng Phúc. Kể đến đấy, Trãi quặn lòng nhớ đến Xuyến. Chàng ra đi mà không thể ghé đến giã từ Xuyến như dự tính. Và rồi từ đấy là bặt vô âm tín mặc dầu chàng đã nhiều lần nhờ người đi dò hỏi kiếm tìm. Cúi đầu, chàng bần thần im lặng. Nghe Ðạo Khiêm hỏi, Trãi như sực tỉnh, trầm ngâm :- ...Thế là tại hạ ở Mường Một với Hãn và Nguyễn Chích từ hai năm nay. Nghĩa quân ở cái thế rút thì phải đến cửa Thần Phù ra biển, vừa khó khăn, lại bất trắc. Vả lại, phất cờ được là chỉ vì chống thuế má và phu dịch. Chích là một tay hảo hán nhưng tầm nhìn chỉ có đến Trường Yên. Quá núi Tam Ðiệp, Chích coi như là việc người khác, không dính dấp đến dân Mường...Thở dài, Trãi lẩm nhẩm :- Cái bản sắc dân tộc chưa đủ mạnh, dẫu rằng trên ba trăm năm trước đã có người ngâm nga ‘‘ Nam quốâc sơn hà nam đế cư...’’. Rồi bà Chúa lại lỡm - Trãi cười nhạt - Thế là đi không rồi về cũng không...- A di dà Phật, bà Chúa nào lỡm ? Bần tăng không hiểu...Nhìn nét mặt Ðạo Khiêm ngơ ngẩn dưới ánh đèn, Trãi bật cười :- Thầy thứ lỗi, tại hạ lắm khi nói như mê như lẫn. Ở cửa Phật, ai lại dám nói đến ông Hoàng bà Chúa, thật là phạm thượng...- Không đâu ! Cửa Phật chẳng hẹp hòi đến thế. Thí chủ cứ kể.Ðạo Khiêm cười mỉm khi nghe xong chuyện bà Chúa Tiên Dung lỡm Trãi, cái sách lược Tâm công bị đám nghĩa sĩ Lam Sơn bỏ cho bay theo hơi rượu, và cuộc tái ngộ bất ngờ với Viễn. Lim dim nhìn Trãi, sư rót trà. Nhấp một ngụm, sư thủng thẳng :- Năm kia Viễn có ghé chùa thăm bần tăng. Ðược dăm ngày, Viễn nóng ruột đòi đi...Nhắm mắt, Ðạo Khiêm hồi tưởng lại cánh rừng nằm dưới chân Phá Lũy. Buổi trưa hôm đó, Trãi ngủ mê mệt. Dựa lưng vào thân cây, Ðạo Khiêm tập trung thiền tịnh trong khi Viễn bỏ ra bờ con suối nhỏ róc rách đổ về xuôi. Khi hé mắt nhìn, Khiêm thấy Viễn tay xách xác một con rắn ra bỏ cạnh Trãi. Ngạc nhiên, Khiêm đứng dậy lẻn người sau một rặng cây. Không để ý, Viễn ngồi, mắt ngó trừng trừng vào xác rắn. Ngửng lên nhìn mặt trời đổ lửa, Viễn giơ cao cây gậy, mất kiên nhẫn há miệng thét cho Trãi choàng dậy. Lúc đó, Viễn thẳng cánh quật vào đầu rắn. Cái ơn cứu mạng Trãi thật ra là ngụy tạo bởi một thằng bé con. Khiêm rùng mình sởn gai ốc trong cái nóng hừng hực. Không biết động cơ nào thúc đẩy Viễn, Ðạo Khiêm niệm kinh Giải Oan rồi lẳng lặng lẩn đi để cho Trãi và Viễn lên đường.Về chùa, câu chuyện xưa chìm vào quên lãng cho đến khi, mười năm sau, người gõ cổng chùa hỏi Ðạo Khiêm lại là Viễn. Nay Viễn đã trưởng thành chứ không phải cậu bé năm xưa dưới chân ải Phá Lũy. Chân tay kềnh càng, mắt ốc nhồi, da bắt nắng cháy đen màu đồng mun, râu ria Viễn lởm chởm nhìn bợm trợn như tướng cướp. Kể lể cảnh sống của mình ở Nhị Khê những năm qua, Viễn nói về Trãi bị giam lỏng ở Ðông Quan, và rồi khẩn khoản xin Khiêm giảng cho nghe. Khiêm hỏi ‘‘ Giảng gì ? ’’. Viễn chìa ra một cuốn sách đã mất bìa, lật đến đoạn ‘‘…Huyệt mộ có ‘‘con long ’’ từ xa chạy đến kết cục, chuyển vần lên xuống, gặp dòng nước sinh ra ‘‘con xà ’’ nhỏ như sợi khói, bỗng nổi lên ‘‘mộc tinh ’’ góc cạnh đầy đủ giữ gìn chân khí, bên tả lại có ngôi ‘‘ thể tinh ’’, trước có án, dưới án là một giải ‘‘sà chim ’’, chạy đến nơi ‘‘long hổ ’’ bày ra, khe nhỏ bọc lại, tả che hữu đỡ nhìn thì là quả ấn, cây gươm, cái mũ, quản bút đúng là ‘‘quý cách ’’, không thể sai được... ’’. Ðợi cho Khiêm đọc xong, Viễn thưa ‘‘ Bạch thầy, đằng sau huyệt mộ là một rặng đề. Rặng đề này bị trốc gốc. Nước khe dưới chân cũng bị lấp. Thế nghĩa là thế nào ? ’’. Lắc đầu, Ðạo Khiêm chậm rãi ‘‘ Bần tăng đi tu, không để tâm đến những chuyện này. Thí chủ nhầm người hỏi rồi ! ’’. Năn nỉ mãi, cuối cùng Khiêm mách ‘‘ Chuyện phong thủy thì phải tìm Vũ Lại. Nhưng ông ta là phương sĩ, rày đây mai đó. Bần tăng nghe ông ta thỉnh thoảng lại về núi La ở vùng Nghệ... ’’.Kể cho Trãi nghe đến đó, Ðạo Khiêm ề à :- Thế là hôm sau Viễn lên đường đi ngay. Bần tăng đoán là Viễn ra La Sơn, rồi bặt tin cho đến nay mới biết Viễn đã vào Lam Sơn tụ nghĩa ...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play