Giống như vết sẹo, mỗi khi trái gió trở trời lại ngứa ngáy khó chịu.
……***
Giờ thì Hương đã hiểu vì sao ban thiết kế của cô lại ít người như vậy.
Lý do không chỉ đơn giản vì năng khiếu, điểm quan trọng nhất chính là
kiên nhẫn và chịu đựng.
Công việc đầu tiên của cô là vẽ bố cục cho biểu ngữ.
Mất cả tối vẽ đi vẽ lại, ngắm nghía, tẩy xóa, đầu ngón tay đen xì vì ngòi chì.
Vậy mà hôm sau nhận được tin nhắn từ chị Mai, nội dung khiến cô tức nghẹn cổ:
“Nhóm trưởng nói bài vẽ của em chưa được, còn cứng và rối mắt... Ừm… Em có thể vẽ lại không? Ngày kia gửi lại cho chị”. Nghĩ rằng người kia chuyên môn cao hơn mình nên cô vâng vâng dạ dạ, lao
đầu vào làm lại từ đầu. Kết quả vẫn là cái câu chê bai kia, kèm theo nụ
cười áy náy của chị Mai.
Nhìn bộ dạng tiu nghỉu của cô, chị ấy mỉm cười, vỗ vỗ lên vai cô:
- Đừng nản. Chị không ít lần bị như vậy rồi. Cậu ta là người cầu toàn
nên rất khó tính. Tuy có chút bực bội nhưng hãy cố gắng nhé.
- Dạ, em biết rồi.
- Tươi tỉnh lên. Ngày kia có buổi họp của ban mình, nếu không phục thì hôm đó hãy nói với cậu ta.
- Anh ấy… Hôm đó có đến ạ?
- Tất nhiên! Cậu ta là người chịu trách nhiệm về phần này, vắng cậu ta thì còn làm ăn gì được nữa?
- Em hiểu rồi ạ. Em sẽ về vẽ lại.
- Ừ. Cố gắng nhé….Thực ra chị thấy bài vẽ của em không tồi….Sao lần này cậu ta lại khó tính thế nhỉ?
- Chị bảo gì ạ? Em nghe không rõ?
- À, không có gì. Hôm đấy nhớ đến nhé. Chị sẽ thông báo cụ thể thời gian và địa điểm.
- Vâng ạ.
Tất nhiên là cô sẽ đến rồi. Cô muốn nhìn tận mắt xem cái con người ngạo
mạn cầu toàn kia mặt mũi ra sao. Dù anh ta có giỏi đến đâu thì ít ra
cũng phải trực tiếp gọi cho cô để phàn nàn chứ đừng thông qua người khác như vậy. Một nhóm có 6 người chứ có phải 60 đâu, chẳng lẽ gọi một cuộc
điện thoại cho cô tốn của anh ta nhiều tiền, nhiều thời gian lắm sao?
Anh ta bận còn cô thì không bận chắc?
Tâm trạng vì bản vẽ phác thảo ấy mà u ám đến hết tuần, Hương càng thêm
bực bội, càng muốn được gặp cái người gây ra đống rắc rối ấy.
Nhưng…
- Chị bảo sao ạ? Lịch thay đổi ư? Chiều mai họp ạ? Nhưng mai em có tiết rồi.
- Không nghỉ được ư?
- Bọn em thuyết trình nên không thể nghỉ được.
- Khó nhỉ….
- Nhưng tại sao lại thay đổi thời gian họp vậy ạ?
- À, có chút việc cần giải quyết ngay nên phải đẩy nhanh tiến độ. Hay là thế này, chiều mai em đưa cho chị bản vẽ rồi chị sẽ nộp cho nhóm
trưởng. Có vấn đề gì thì chị sẽ phổ biến lại cho em, được chứ?
- Đành vậy ạ…
- Ừ. Thế nhé!
- Dạ. Em chào chị.
Miệng méo xệch, bàn tay cầm bản vẽ gần hoàn thành bất giác hơi nắm lại.
Ông trời đúng là hay trêu đùa con người mà.
- Ôi trời ơi! Nhìn cái bản mặt kia kìa… Em muốn giết người à?
Giọng Thu Hà vang lên khiến Hương giật mình. Cô đảo mắt nhìn chị mình.
Thu Hà vừa từ bên ngoài về, mặt hơi tái vì gió lạnh, đang lúi húi cởi giầy.
- Chị đóng cửa nhanh đi. Lạnh quá. Sao cái phòng mình nó lại hút gió nhiều thế cơ biết.
- Lại ai rảnh rỗi chọc tức em à? Đức hay Minh Châu?
- Tụi nó dám?
- Vậy còn ai gan to thế?
- Hắn ta…
- À, hắn ta…Con trai ư?
Hương lườm Thu Hà. Chị ấy biết cô đang tức điên mà vẫn còn thêm dầu vào lửa.
- Rồi… rồi… Nói tiếp nào… Cái tên… À, tên hắn là gì ấy nhỉ?
- Em không biết!
- Hả?
Mắt Thu Hà mở lớn, miệng há ra, rõ ràng không tin điều cô vừa nói.
- Thế mặt mũi thế nào?
- Em cũng không biết?
- Đã từng gặp lần nào chưa? Chẳng lẽ tại vì cái tật không nhớ mặt mũi người khác của em à?
- Không phải. Em đã gặp lần nào đâu. Đến giọng nói thế nào, số điện thoại là bao nhiêu em cũng đâu có biết.
Miệng Thu Hà lúc này đã há to hết cỡ có thể, biểu cảm như vừa được nhìn thấy UFO.
Mất một lúc chị cô mới bình tĩnh ngậm miệng lại, hít một hơi thật sâu sau đó mới nói.
- Vậy, em vì sao lại ghét cái người mà một chút thông tin cũng không có, mối quan hệ của hai người thế nào mà em làm như muốn bóp cổ người ta
đến nơi vậy?
- Vì hắn ta chê bài vẽ của em.
- HẢ???
- Không, phải là hắn chê những 3 lần. Người ta nói quá tam ba bận, đến
lần thứ ba em tưởng có thể gặp mặt trực tiếp để hỏi thì hắn lại biến đi
đâu mất. Nếu đã có gan phê bình hành hạ người ta thì sao không có gan
gọi điện trực tiếp để chê mà lại phải qua người khác? Như thế có phải là con trai không?
- Cũng có thể là cậu ta bận….
- Bận thì cũng không được!
- Em… có cần câu nệ lễ nghi đến không?
- Đây không phải là chuyện lễ nghi… Mà chị đứng về phía ai vậy?
- Tất nhiên là em chị rồi. Nhưng theo chị hãy gặp mặt rồi hãy tính
chuyện xử tử hắn thế nào. Đừng mang bực dọc vào người vì kẻ đâu đâu.
- Nhưng em vẫn tức lắm.
- Bao giờ thì gặp lại?
- Thứ 4 tuần sau.
- Còn gần 1 tuần nữa. Đá hắn ra khỏi đầu đi. Chị có chuyện quan trọng hơn cần bàn với em.
- Chuyện gì vậy ạ?
- Mẹ vừa gọi cho chị, hỏi em có định về nhà nữa hay không? Mẹ nói em lần trước nghỉ những 1 tuần mà không thèm về, có phải không coi mẹ là mẹ
của em nữa không?
- Trời ơi! Có cần phóng đại như thế không? Em mới chỉ ba tháng chưa về thôi mà.
- Ba tháng 17 ngày.
- Vâng, thì hơn hai tháng. Chị về thì em ở lại, cần thiết phải về ư?
- Con bé này, chị là chị, em là em. Chả lẽ chị về thì em không cần về? Lý lẽ ở đâu ra vậy?
- Chị lại bắt đầu giống mẹ rồi…
- Đừng có đánh trống lảng. Đây không phải là lời nhắc nhở, mà là mệnh lệnh. Cuối tuần này em khá rảnh, về nhà đi.
- Chị!
- Em muốn chị lôi em về hay em tự về? Chị không muốn nổi cáu. Hãy gọi cho mẹ đi, nói cuối tuần này em sẽ về.
Không cho Hương cơ hội mở miệng Thu Hà đã đeo tai nghe và chú tâm vào một trang word nào đó.
Mím môi nhìn chị mình, rồi lại nhìn chiếc điện thoại vứt chỏng chơ trên mặt bàn, cô cụp mắt, thở hắt ra.
Với lấy điện thoại, nhấn phím 2.
- Alo, mẹ ạ? Là con…
***
Giống như vết sẹo, mỗi khi trái gió trở trời lại ngứa ngáy khó chịu.
Căn nhà màu xanh với cây phượng già trước cổng hiện lên trước mắt. Quen thuộc đến đau buốt.
- Mẹ? Con về rồi!
Hương đẩy cửa bước vào, một bóng người bước ra từ bếp.
Chiếc áo cổ lọ màu nâu làm nổi bật nước da trắng xanh, mái tóc được cuốn gọn khiến cho khuôn mặt càng thêm gầy guộc. Ánh mắt có thoáng qua chút
ngạc nhiên.
- Cái con bé này…
Giọng nói nghẹn lại, mẹ cô bước nhanh tới ôm chầm lấy cô. Cái ôm chặt và ấm áp quá đỗi.
Hai tay giữ lấy bả vai cô, lùi lại một bước chân, mẹ cô đưa mắt nhìn từ trên xuống dưới một lượt, rồi thở phào.
- May là con không quá gầy.
Cô trợn tròn mắt, la lên.
- Mẹ! Con thế này mà mẹ bảo là không quá gầy? Con sắp thành người tuyết tròn vo rồi.
- Béo một chút mới tốt. Mẹ nấu mấy món con thích đấy, rửa tay rồi ra ăn.
- Dạ.
Cảm giác tội lỗi dâng lên trong lòng Hương khi trong bữa ăn mẹ cô cứ
liên tục gắp thức ăn vào bát và nói lâu rồi không được làm việc này.
Miếng thịt trong miệng vốn ngon lành bỗng chốc đắng ngắt. Cô khó nhọc nhai qua quýt rồi nuốt xuống.
Có phải cô quá vô tâm không?
Bàn ăn có hai người mà vẫn trống trải thế này, vậy thì nó sẽ lạnh lẽo thế nào khi chỉ có mình mẹ?
Có những hôm Thu Hà vì bận rộn mà không về ăn cơm, cô cũng chẳng còn
hứng thú với việc ăn uống, vơ đại cái gì đó trong bếp ăn tạm, khi là mì
gói, lúc là bim bim. Căn bản là để cho cái bụng đỡ réo ùng ục chứ miệng
thì nhạt thếch. Mẹ cô chắc chắn còn cảm thấy cô đơn hơn cô.
Lúc dọn cơm, cô nhận ra rằng trên chạn bát vẫn có đủ bốn bát ăn cơm. Mặt bàn vẫn là bốn chiếc cốc uống nước. Chiếc gạt tàn bằng thủy tinh vẫn
nằm ngay ngắn cạnh bình trà.
Những phát hiện hiện này làm cô thấy khó thở. Như là bị một áp lực vô hình đè nén lại, không tài nào thoát nổi.
Ăn uống và rửa bát xong, mẹ cô có việc phải ra ngoài, chỉ còn mình cô.
Bước lên lầu hai, chân dừng lại trước thư phòng.
Bàn tay lưỡng lự đặt trên nắm đấm cửa, rồi khẽ xoay nhẹ.
Cạch.
Cửa mở.
Cô bước vào trong, thoáng chốc ngỡ ngàng.
Sống mũi cay cay, khóe mắt hơi ươn ướt.
Rồi, cô lao vội ra khỏi căn phòng đó.
Cánh cửa đóng sập lại sau lưng.
Cả người cô run rẩy phải tựa vào tường mới có thể đứng vững.
Nhắm mắt lại, tim đau buốt, cô há miệng ra, cố hít lấy không khí.
- Con làm gì thế?
- Mẹ…
- Mẹ hỏi con đang làm gì thế? Sao …
- Con đã nói là mẹ hãy dọn hết tất cả đi cơ mà? Tại sao mẹ còn giữ lại làm gì?
- …
- Con xin mẹ đấy. Hãy nghe lời con được không?
- …
Cô lao vào phòng, lôi ra một chiếc ghế, đứng lên, hai tay vừa đưa lên không trung…
- Đừng!
Mẹ cô lao đến, dùng sức ôm chặt lấy ngang lưng cô, giọng hoảng sợ.
Hai mẹ con người cố giằng ra người thì giữ chặt, kéo qua kéo lại. Hương bất lực gào lên:
- Mẹ buông con ra!
- Đừng mà… Hương… Đừng làm vậy…
- Con phải tháo nó ra! Mẹ buông con ra đi.
- Không được!!! Ông ấy… ghét nhất ai động vào bức tranh ấy…
- Bố chẳng thể lên tiếng được nữa đâu!!!
Cô hét lên, rồi thấy ánh mắt sững sờ của mẹ mình, cũng thấy má mình âm ấm. Đưa tay lên mặt, hóa ra là nước mắt.
- Con… Con…. Con xin lỗi…
- …
- Mẹ có biết vì sao con lại rất ít khi về nhà sớm không? Khi tan học,
con lang thang hết con phố này đến con phố khác, chỉ khi đèn đường sáng
và đường phố đã thưa thớt người, con mới về…Vì căn nhà này… đâu đâu cũng thấp thoáng bóng dáng của bố. Nhất là – giọng cô nghẹn lại, tay run rẩy chỉ vào thư phòng – nơi này… chỉ cần nhìn thấy nó… là con sẽ tưởng như
bố… Bức tranh con vẽ cả gia đình mình lại đặt chính giữa căn phòng… Như
là… nhắc nhở con… rằng … ông ấy… sẽ chỉ còn tồn tại trong những vật vô
tri vô giác như thế mà thôi…
- Không phải… Hoàn toàn không phải…
- Con biết mẹ đau lòng, nhưng con cũng đau. Có thể con chỉ đau trong
chốc lát, khi con đi, cuộc sống ồn ào sẽ giúp con xoa dịu… Nhưng mẹ thì
sao? Mẹ thức dậy, đi ngủ, làm việc nhà… Mọi sinh hoạt trong ngôi nhà
này… Mẹ định cứ hành hạ bản thân mãi sao?
- Con nói vậy là sao? Chẳng lẽ nhớ đến bố con là sai sao? Sao con có thể đối xử với người bố thương yêu con hết mực như vậy? Con sao mãi mãi
lạnh lùng như thế?
- …
- Mẹ cứ nghĩ con mới là người muốn như vậy… giữ lại mọi thứ thuộc về bố
con trong căn nhà này… để nhớ đến ông ấy… mẹ đã cố gắng hết sức để mọi
đồ dùng được nguyên vẹn, giúp con có chút an ủi… Nhưng con, chính con,
lại muốn xếp hết tất cả vào nhà kho rồi quên chúng đi… Con tưởng mẹ muốn ngày ngày bước vào căn phòng này rồi lại thấy bức tranh này sao? Nhìn
thấy nó rồi như tự nói với chính mình là hiện thực phũ phàng ra sao,
rằng bốn người nay chỉ còn ba?
- Ý của con không phải như thế…
- Nếu được… nếu được… mẹ muốn người ra đi là mẹ…
- Mẹ!!!
- Thật đấy, mẹ thực sự đã từng muốn như thế… để không phải khổ đau,
không phải quyến luyến… Là người ở lại đau đớn chừng nào… Sao ông ấy có
thể nhẫn tâm đến thế?
- Đó hoàn toàn không phải là điều bố muốn… Cuộc sống đâu có báo trước cho ta điều gì?
- Đúng. Nó không báo trước… nên mẹ mới như thế này…
Bao nhiêu dồn nén vỡ tung, người mẹ yếu đuối của cô ngồi bệt xuống nền
nhà, bật khóc nức nở, tiếng khóc như lưỡi dao sắc nhọn cứa vào lòng cô.
Cô ngồi xuống, ôm lấy mẹ mình, càng đau khi thấy vòng tay của mình có thể ôm trọn mẹ trong lòng.
- Con xin lỗi… Con xin lỗi… Mẹ… Con xin lỗi….
Nước mắt mặn đắng lăn dài trên má, chảy vào khóe miệng.
Nước mắt?
Đã bao lâu rồi, cô không còn khóc trong căn nhà này?
Từng ấy thời gian…
Chỉ để cho nỗi đau thêm nhiều, như quả bóng được bơm căng phồng…
Rồi mũi kim của hiện thực đâm vào…
Vỡ òa…
Gạt nước mắt, Hương xoay người, mở cửa, một lần nữa bước vào thư phòng.
Đối diện với cánh cửa ra vào, phía bên kia, trên tường, bức tranh gia đình bốn người im lặng nhìn cô.
Cộp…Cộp…Cộp…
Tiếng giày trên mặt sàn vang lên trong căn phòng vắng lặng.
Cô ngước lên nhìn.
- Vậy… Mẹ vẫn giữ bố ở lại?
Giọng khàn đặc, cô nuốt khan rồi lại hỏi.
- Đã hơn ba tháng con mới về…Con xin lỗi… Bố không trách con chứ? À, dù
con làm sai điều gì bố cũng chưa từng mắng con, chỉ im lặng nhìn con, để con tự kiểm điểm… Lần này con đã sai… rất sai… Bố… có thể… một lần…
mắng con được không? Con sẽ không cãi lại, sẽ rất ngoan mà nghe bố mắng… Có thể… được không… bố? Hu hu… Bố…
Chân khuỵu xuống, tay tì trên mặt bàn, cô gục mặt xuống, nước mắt lã chã rơi….
Thành phố này vẫn luôn vậy, mùa đông nhiệt độ luôn thấp hơn những nơi khác.
Cuối đông, trời bớt ảm đạm, nắng cũng len lỏi vào từng ngóc ngách. Trên
cành cây khẳng khiu, nâu sần những mầm xanh đã bắt đầu nhú lên.
Thiên nhiên đã cựa mình thức dậy sau giấc ngủ dài.
Kim đồng hồ trên xe nhích dần lên con số 60.
Gió thổi ù ù bên tai. Bàn tay đã hơi buốt.
Sau một tiếng, chiếc xe dừng lại trước cổng một ngôi nhà.
Thấy tiếng bước chân, người phụ nữ đang lúi húi quét sân ngẩng đầu lên, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên.
- Về rồi đấy à?
- Con chào cô.
- Cô tưởng cháu không thèm về nữa chứ?
- Cô Hoài, cô đang nói là cô nhớ con đấy à?
- Nhóc con. Chỉ có cái luống hoa là nó nhớ cháu thôi.
- Còn con thì nhớ cô chết đi được.
- Vậy ư? Thôi đi đi. Nhìn cái dáng vẻ bồn chồn kia cô không dám giữ cháu lại đâu.
- Con đi được ạ? Cô chắc chứ?
- Nếu muốn ở lại nhặt rau cô cũng không ép.
- Hì hì… Con đi một chút thôi…
- Ừ. Cẩn thận đấy, bờ ruộng mới được đắp cao, đi đứng chậm thôi không ngã.
- Vâng ạ.
Ruộng hoa rực rỡ trong ánh nắng chiều.
Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là tết Nguyên đán nên ruộng hoa càng được chăm chút hơn.
Dang hai tay, Hương ngẩng mặt, hít một hơi thật sâu.
- Chào các em, nhớ chị không?
Luống hoa cúc đang bắt đầu có nụ, lá xanh mướt, ngọn vươn cao kiêu hãnh.
Những bông hồng vừa trổ đã được bọc báo tránh cho nở quá sớm và bị sâu ăn.
Ly, lay – ơn, violet…
Tất cả giống như nàng công chúa trước đại tiệc, chăm chút tỉ mỉ sẵn sàng tỏa sáng bất cứ lúc nào.
Thiên nhiên thay đổi không ồn ào, mà lặng thầm, chậm rãi. Đến khi ta
nhận ra thì quá trình ấy đã gần hoàn tất, nó đã phô bày ra hết.
- Ây da, thế này thì lần sau chị về các em sẽ đẹp lắm đây.
Cô chạm nhẹ lên thân cây mảnh khảnh, như vuốt ve, cưng nựng.
Đây chính là “thú cưng” của cô, một loài “thú cưng” đặc biệt. Chúng ở
bên cô những lúc cô cần nhất, dùng vẻ đẹp và mùi hương tinh tế để an ủi, xoa dịu đi mọi cảm xúc ồn ào trong lòng cô.
Chọn một bờ đất cao, cô ngồi xuống.
Đưa mắt quét hết một lượt ruộng hoa. Chắc chắn sau này cô sẽ có một vườn hoa nhỏ trong nhà, trồng tất cả những loài hoa có ở đây.
Trời chiều quang đãng và hơi nắng nhẹ. Bầu trời màu hồng nhạt, có những
vệt đen nhỏ của cánh chim từ phương nam bay về. Xa xa thấp thoáng những
ngọn đồi cao thấp lô nhô.
- Mình muốn lên đó quá… Nhưng có nên không nhỉ? Dù gì mình cũng là người chẳng liên quan… Ai da… Làm thế nào đây…
Hai ngôi mộ yên lặng nằm cạnh nhau.
Hương đặt trước một ngôi mộ bó cúc trắng, bên kia một chai rượu đã mở nắp.
Xong xuôi, cô cúi người một góc 60 độ.
- Cháu chào ông bà ạ. Cháu ngồi được chứ ạ?
Tựa lưng vào gốc cây thông, cô lẳng lặng nhìn ngôi mộ cỏ úa vàng.
- Anh ấy… Có đến thăm ông bà không ạ?
Hỏi xong rồi cô bật cười, tự giễu cợt bản thân.
- Cháu hỏi thừa rồi. Sao anh ấy có thể không đến được cơ chứ? Ông bà là
ông bà của anh ấy. Đến một kẻ xa lạ như cháu còn thường xuyên lui tới…
Ông bà có cho rẳng cháu mặt dày không ạ? Cháu biết mình không có tư cách gì để chào hỏi hai người, nhưng, thứ lỗi cho sự ích kỉ của cháu… Cháu
chỉ mong một lần… Dù chỉ một lần thôi, được gặp lại anh ấy…
Giọng cứ nhỏ dần, như tự nói với chính bản thân, Hương nhắm mắt lại, tựa đầu về phía sau, cây thông từ lúc nào đã lớn nhanh đến vậy, có thể đỡ
thân thể run rẩy của cô bằng sự cứng cáp của mình.
- Nhóc con! Cháu không ở lại ăn cơm với cô ư?
- Con xin lỗi. Nhưng mai con phải đi rồi, lâu lắm không về con muốn nấu một bữa cơm cho mẹ con.
- Ừ, đành vậy. Mẹ cháu vẫn khỏe chứ?
- Dạ vâng, bà vẫn bình thường ạ.
- Khi nào rảnh thì nhớ đến chơi với cô, đưa cả mẹ cháu đến nữa.
- Con biết rồi. Cô cũng phải giữ gìn sức khỏe.
- Cô biết rồi. Mấy đứa sao giống nhau thế?
Mặt Hương lập tức biến sắc.
Cô Hoài dường như cũng thấy được nét mặt của cô, cũng nhận ra mình đã nói gì, lúng túng cười xòa nhìn cô.
Hương mím chặt môi.
Và rồi mỉm cười, vòng tay ôm lấy cô ấy.
- Con về đây.
- Ừ. Đi đường cẩn thận.
Qua gương chiếu hậu, hình bóng của người phụ nữ cao gầy dần nhỏ lại,
khuôn mặt cũng chỉ là những nét mờ nhạt. Đến khúc cua thì bóng dáng ấy
biến mất hoàn toàn.
Cô biết chắc chắn cô Hoài vẫn còn đứng nguyên trước cổng cho đến khi
mình đi thật xa rồi mới quay vào nhà. Nhưng không tài nào giảm tốc độ,
cũng không thể đưa mắt liếc nhìn chiếc gương ấy thêm.
Chiếc xe lao nhanh trên đường, lúc này không chỉ tay mà lòng cũng buốt tê tái.
***
Hương dành phần thời gian còn lại của buổi chiều để dọn dẹp nhà cửa và đi chợ.
Khi mẹ cô đi làm về cũng là lúc nồi canh cá đang sôi sùng sục trên bếp có thể ăn được.
- Nhìn ngon đấy!
Mẹ cô ngó vào nồi canh, mỉm cười.
- Không biết thế nào ạ… Dạo này con không nấu.
- Hà có nói là con mà vào bếp thì hôm đó nó sẽ vỡ bụng vì no. Ha ha…
- Chị ấy nói thế thật ạ? Vậy thì từ nay con sẽ năng vào bếp hơn. Chứ chị ấy gầy lắm, không được mập mạp như con đâu.
- Ừ. Mẹ thấy gầy thật. À, cái cậu Bình… Thanh Bình nhỉ? Các con có hay gặp nhau không?
- Con mới gặp lại anh ấy thôi. Anh ấy cùng trường với con mà.
- Ừ. Lần trước nó cũng qua nhà mình chơi.
Bàn tay đang cầm muỗng canh của cô hơi khựng lại.
- Mẹ nói… anh Bình qua đây chơi?
- Nó với cái Hà thế nào vậy? Mấy lần đến thăm mẹ nhưng lúc về lại dặn là không được cho cái Hà biết. Hai đứa nó cãi nhau à?
- Ừm… Cũng gần như vậy ạ.
Mẹ cô không nói gì nữa, chỉ chú tâm gắp thức ăn vào bát cô.
Hương nhìn mẹ mình.
- Mẹ?
- Mẹ về ở với bọn con nhé?
- Sao tự dưng lại nói thế? Hai chị em ở với nhau là được rồi, sao còn bắt bà già này đến chăm nom nữa?
- Ý con không phải như thế … Một mình mẹ ở đây… Con thấy không ổn.
- Con muốn mẹ dọn đến căn nhà kia?
- Vâng.
- Đừng nói là con thích nhé. Bảo con đến đó ở khác nào… Mà thôi… Mẹ ở đây được rồi.
- Con có thể làm được. Cũng chỉ là một ngôi nhà, không có gì to tát.
- Con định không về đây nữa ư?
Mẹ cô dừng đũa, nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt cô.
Cô gật đầu.
- Có cần thiết phải như vậy không? Con biết không? Từ lúc bố con mất con thay đổi nhiều lắm.
- Con vẫn vậy mà mẹ.
- Nếu là con của ba năm trước, con sẽ sống chết không chịu bước tới cửa của ngôi nhà đó chứ đừng nói là dọn đến ở!
Cuối cùng thì Hương cũng không thể giả ngơ được nữa.
Ngôi nhà đó là của ông nội.
Ngày mở di chúc của ông, cả họ đằng nội ngỡ ngàng vì tên cô chễm chệ
trong phần chia di sản, thừa hưởng ngôi nhà ở thành phố cô đang học hiện giờ.
“Tôi để lại cho cháu tôi, Nguyễn Thu Hương, ngôi nhà số…”
Giấy trắng mực đen, có người làm chứng rõ ràng, có công chứng.
Di chúc được công nhận là hợp pháp, và cô, một đứa trẻ 13 tuổi, trở
thành người thừa kế của ông. Tất nhiên vì chưa đủ tuổi luật định nên bố cô là người đại diện toàn quyền cho cô đến khi cô đủ 18 tuổi.
Hương chưa từng đến ngôi nhà đó, chỉ nhìn qua những bức ảnh bố chụp lại.
Ngôi nhà ba tầng thiết kế theo kiến trúc Châu Âu. Nhẹ nhàng, thanh thoát và cổ điển. Hàng năm bố cô vẫn thuê người dọn dẹp và giữ gìn đồ đạc cẩn thận. Sau khi bố mất thì mẹ là người làm những việc này.
Đối với cô, ngôi nhà ấy là nơi cất giữ nỗi đau, nhắc nhở cô vì sao lại trở thành chủ nhân của nó.
Cô không muốn ở đó.
Đúng! Cô của 6 năm trước đã gào lên với bố như thế.
Cô của 6 năm sau, trong lòng không đổi, nhưng miệng lại thốt ra những lời ngược lại.
6 năm trước, cô là chỉ nghĩ cho bản thân, chỉ đơn giản là một đứa trẻ con.
6 năm sau, cô biết nghĩ cho người khác, được coi là người lớn hơn.
Nhưng,
Nỗi đau của cô,
6 năm trước, một đứa trẻ thì biết kiểm soát.
6 năm sau, một người lớn lại để cho nó lấn át, kìm giữ tâm hồn.
Cô cười, đáy mắt đã không còn tia sáng.
- Cứ như vậy đi ạ.