ức con cừu và thịt đùi dê núi, 1 nửa kia dành cho con Na-rư. Trong ánh mắt con Ngao đen vẫn đầy nghi hoặc: “Rốt cuộc ngươi muốn gì ở ta? Ta đã cắn ngươi, sao ngươi con cho ta thịt ăn? Ngươi không phải người của thảo nguyên Chia-cu Tây, sao ngươi lại tốt với ta như vậy?” Nó biết đây là thức ăn giành cho người do vị lạt ma đen đến cho cha tôi, nhưng cha tôi đã để một nửa cho nó. Trong lòng nó trỗi dậy 1 cảm giác vinh dự được con người tôn trọng và trọng thị, một niềm tự hào dâng lên vì nó cũng được hưởng thụ như con người. Nó chầm chậm nhấp nháp thức ăn chín mà nó rất hiếm khi được ăn. Nó thấy vị mằn mặn, mềm mềm, bùi bùi, cảm giác rất thích thú dễ chịu, hệt như cảm giác khi cha tôi gãi cổ nó. Nó nhớ đến cái đuôi của mình. Nó vận khí đến gốc đuôi, nhưng vẫn chưa vẫy lên được. Cái đuôi không vẫy cho cha tôi một tín hiệu là nó vẫn còn nghi ngại rất nhiều: Ngươi là ai? Ngươi đem 1 con Ngao đực đến thảo nguyên Chia-cu Tây chúng ta làm gì?
Suốt 5 ngày, ngày nào cha tôi và con Ngao đen Na-rư cũng chia nhau ăn bột Thanh Khoa đã được phật sống Tan-Trân đọc kinh và thịt do Tạng Cha-xi khất thực đem về, vẫn là thịt vai bò lông dài, thịt ức con cừu và thịt đùi dê núi. Có lần cha tôi và Na-rư còn được ăn thịt nhà chùa đặc biệt “thừng giết mổ” (dùng dây thừng cuốn vào mũi con vật khiến nó ngạt thở chết). Cha tôi được ăn thịt vai, thịt ức và thịt đùi tươi, mùi vị thơm ngon suốt đời không quên. Ăn uống tẩm bổ và mỗi ngày thay thuốc 1 lần khiến cha tôi và con Na-rư nhanh chóng bình phục. Ông có thể đi lại khắp nơi trong chùa. Con Ngao đen Na-rư cũng đứng lên lê được mấy bước.
Sau khi đã đi lại được, cha tôi thường ra khỏi tệ xá của nhà chùa, vòng qua bên phải bức tường đá khắc kinh Ma-ni, đến chiêm ngưỡng đại kinh đường, điện Mật Tông, điện thần hộ pháp, điện phật Song thân Ya-pu-you-mu và các điện, đường khác trong tăng viện 1 cách hiếu kỳ. Các vị lạt ma gặp cha tôi đều nở nụ cười thân thiện. Cha tôi cũng chắp tay cúi gập người đáp lại. Nếu gặp nhau trên lối hẹp, các vị lạt ma đều né sang bên nhường cha tôi đi trước. Cha tôi là người khôn ngoan, càng nhường cha tôi đi trước ông càng nhường lại, không ai trách được người biết lễ phép. Các vị lạt ma đều thấy cha tôi là người tốt. Quan trọng hơn, cha tôi hễ thấy tượng phật là lạy. Ông lạy đại phật Như Lai, Liên hoa sinh và đại hoang thần Ne-yê-chia của phái Mật Tông. Ông lạy tam thế phật và bát đại bồ tát của phái hiển giáo. Ông lạy tổ sư Xing-rao-mi-ô-chi, thần chiến Uây-ơ-ma và nữ thần thập nhị Tan-ma của giáo phái Bản. Những người Hán thường không thấy họ lễ bái. Nhân viên uỷ ban công tác Chia-cu Tây cũng không bao giờ lễ phật. Các vị lạt ma cảm thấy cha tôi không giống những người Hán khác. Cha tôi rất thân thiện và dễ gần. Phàm những người có thái độ thành kính trước chư phật đều thân thiện và dễ gần.
Một hôm, vào buổi sáng, cha tôi đang ngồi trên bậc trước thần điện hộ pháp học 6 chữ châm ngôn với lạt ma gậy sắt Tạng Cha-xi. Vừa đọc đúng âm “hông” trong 6 chữ An-ma-ni-pát-mi-hông thì bỗng nghe tiếng chó sủa trầm trầm. Tuy trong chùa cũng nuôi rất nhiều chó, nhưng cha tôi vẫn nhận ra ngay tiếng của con Ngao đen Na-rư. Ông giật thót mình quay người chạy. Nói là chạy, thực ra là đi tập tễnh. Trong lòng cha tôi muốn chạy thật nhanh. Ông tập tễnh vòng qua tường đá khắc kinh Ma-ni, chạy thẳng vào tệ xá. Những gì diễn ra trước mắt đã chứng minh tiên đoán của cha tôi quả không sai: con Cang-rư-sân-cơ đã tỉnh lại. Nó mê man bất tỉnh 5 ngày bỗng nhiên hôm nay tỉnh lại.
Tiếng sủa của con Na-rư là nhằm vào con Cang-rư-sân-cơ vừa tỉnh: “Chẳng phải mày đã chết rồi sao? Sao lại sống lại?” Nó đứng cạnh con Cang-rư-sân-cơ vừa mở mắt sủa 1 cách đầy phẫn nộ. Nhưng cũng chỉ sủa chứ không dùng những chiếc răng sắc như dao đối phó với Cang-rư-sân-cơ không còn chút sức lực chống cự. Chẳng gì thì chúng đều là Ngao Tạng cùng chung 1 tổ tiên, lại cùng nằm bên nhau từng ấy ngày. Điều quan trọng hơn nữa là: con Na-rư ý thức được rằng con Ngao Tạng không biết đầu óc mụ mẫm thế nào dám đến xâm phạm lãnh địa của mình, đã bị mình căm thù cắn xé kia là 1 con Ngao đực trẻ đẹp, còn nó, Ngao đen Na-rư, lại là 1 con Ngao cái, 1 con Ngao cái sư đầu đang tuổi dậy thì tràn sức trẻ.
Lúc này Tạng Cha-xi cũng theo vào, thấy Cang-rư-sân-cơ mắt chớp chớp thì kêu lên 1 tiếng đầy kinh ngạc, quay người đi ra ngay. Tạng Cha-xi mời phật sống Tan-Trân trụ trì chùa Chia-cu Tây, gọi Tạng y Tô-y-thê và vị lạt ma già Tuân-ca đến. Tạng y Tô-y-thê cúi gập người thưa với phật sống Tan-Trân: “Ngài phật gia thần thánh, ngài nói đúng rồi. Nó là sư tử núi tuyết A-ni-ma-chinh đầu thai. Thần núi vĩ đại phù hộ nó. Nó không chết nổi đâu.” Phật sống Tan-trân nói: “Người đã cứu chữa cho hoá thân của sư tử núi tuyết, công đức 39 bậc của người đã in trên dấu tay của phật bồ tát. Ta chúc phúc cho người, Tô-y-thê.” Tô-y-thê nói: “Không, không phải công đức của tôi mà là công đức của chùa Chia-cu Tây. Chùa Chia-cu Tây tràn đầy ánh sáng của chúng ta mới cần chúc phúc.”
Tạng y Tô-y-thê cúi xuống, cẩn thận xem xét vết thương và mắt của Cang-rư-sân-cơ rồi bỗng đứng dậy: “Máu của nó đã chảy hết rồi, bây giờ nó cần bổ sung máu tốt nhất, nếu không nó sẽ lại ngất đi.” Tạng Cha-xi hỏi: “Thế nào là máu tốt nhất? Tôi sẽ đi tìm ngay.” Tô-y-thê nói: “Máu tốt nhất không phải là máu bò, cũng không phải máu dê, mà là máu Ngao Tạng hoặc máu người. Thôi, không phải đi đâu tìm nữa, thầy hãy mang cái chậu gỗ sạch ra đây.”
Cha tôi không ngờ Tạng y Tô-y-thê lại lấy máu của mình để cứu mạng một con chó. Ông lấy từ trong túi thuốc bằng da báo ra 1 cái lọ quý màu vàng to bằng ngón tay cái, nhỏ 1 giọt vào cổ tay mình. Sau khi sát trùng, ông lấy 1 con dao mổ hình dáng như con chim sẻ cắt tĩnh mạch trên cổ tay. Máu chảy ào ào vào cái chậu gỗ.
Máu chảy được khoảng nửa bát, phật sống Tan-trân ấn chặt cổ tay Tô-y-thê ngăn lại rồi chìa cánh tay mình ra. Tạng y Tô-y-thê nói: “Thưa phật gia, máu của ngài là máu thánh, máu của ngài dù chỉ 1 giọt đối với sư tử núi tuyết cũng có tác dụng cải tử hoàn sinh.” Nói xong lấy thuốc nước trong lọ vàng sát trùng cho phật sống Tan-trân rồi dùng dao khẽ cắt 1 nhát. Máu chảy ào ra, tươi đến nỗi chiếu đỏ cả tệ xá.
Tiếp đó là máu của Tạng Cha-xi, rồi máu của vị lạt gia già Tuân-ca.
Cuối cùng cha tôi cũng xắn tay áo lên, giơ ra trước mặt Tạng y Tô-y-thê. Tô-y-thê lắc đầu nguầy nguậy: “Không được, không được, anh cũng bị thương và chảy máu. Anh cũng cần đến máu.” Tạng Cha-xi phiên dịch lại cho cha tôi nghe: “Vị lạt ma vua thuốc nói rằng Hán Chi-xi thì thôi. Sư tử núi tuyết dùng con mắt sáng như sao bảo chúng ta rằng nó không cần máu của Hán Cha-xi.” Cha tôi hỏi: “Tại sao? Chẳng lẽ máu của người Hán lại khác máu của người Tạng ư?” Tạng Cha-xi dịch lại lời nói của cha tôi cho mọi người nghe. Phật sống Tan-trân nói: “Người và người chỉ cần trái tim như nhau thì máu cũng như nhau. Khác nhau chỉ có máu của người tà ác và máu của người lương thiện thôi.” Rồi ông nói với Tô-y-thê: “Người cứ cho lòng tốt của Hán Cha-xi được toại nguyện đi. Lấy ít máu thôi. Ân nghĩa của 1 giọt máu cũng như ân nghĩa của 1 bát máu.”
Máu của cha tôi chảy vào chậu gỗ. Máu của 4 vị sư dân tộc Tạng và máu của 1 người Hán trần tục hoà vào nhau trong 1 chậu gỗ sắp chảy vào họng đang đói khát của Cang-rư-sân-cơ. Con Ngao Tạng sư đầu Cang-rư-sân-cơ hiểu rõ tại sao phải cho nó uống máu, cũng biết sự quan trọng của máu và biết máu đó đó từ đâu ra. Nó muốn vẫy đuôi tỏ lòng cảm kích nhưng không đủ sức. Nó chỉ biết mở to mắt với tình cảm sâu đậm nhìn mọi người. Nó khóc, nước mắt của nó chảy ra. Con Cang-rư-sân-cơ đã chắt hết chất lỏng còn lại trong cơ thể thành những giọt nước mắt ròng ròng. Nước mắt của nó khiến những người có mặt đều cảm động không cầm lòng nổi. Mắt cha tôi cũng đỏ hoe ươn ướt.
Con Ngao đen Na-rư đứng bên cạnh nhìn từ đầu đến cuối. Nó thấy nước mắt của Cang-rư-sân-cơ, lại thấy nước mắt của cha tôi. Nó không sủa, yên lặng nằm xuống. Có một sức mạnh nào đó đang khiến nó cảm động vô cùng, khiến cái đuôi của nó bỗng có 1 cử chỉ bồng bột trái với ý muốn của nó: cái đuôi vểnh lên chầm chậm vẫy, vẫy đi vẫy lại. Dường như cái đuôi muốn thay nó tỏ lòng cảm kích của cả thế giới Ngao Tạng. Nó quay đầu lại nhìn cái đuôi. Ngay nó cũng thấy lạ: “Đuôi của mình sao lại thế nhỉ? Những nguyên tắc của chó lãnh địa đâu rồi? Những tiếng gào thét uy hiếp thiên liêng đối với kẻ xâm phạm đâu rồi? Sao chỉ chớp mắt đã bị chính cái đuôi của mình quét sạch như thế?” Con Ngao đen Na-rư bỗng tiu ngỉu, vì nó hiểu rõ hơn hết cái đuôi chính là công cụ biểu đạt tình cảm. Đuôi của Ngao Tạng chính là thể hiện nội tâm của Ngao Tạng. Nó đã thay lòng đổi dạ rồi. Trái tim nó không còn là trái tim của kẻ sát thủ cứng như sắt, trái tim hận thù sắt nhọn như dùi nữa.
Đổ hết chỗ máu vào mồm con Cang-rư-sân-cơ xong, Tạng y thay băng bôi thuốc cho nó. Cang-rư-sân-cơ cắn răng chịu đau đớn để Tạng y rắc những thuốc bột khác nhau vào vết thương. Sau 2 giờ đồng hồ được cha tôi trợ giúp, nó đã uống hết 1 chậu thuốc thang Tạng Bảo. Đó là thứ thuốc thang lấy từ nước thánh núi tuyết, thêm vào suối nước nóng và thảo dược Tạng hồng hoa mọc trên núi sâu, đem những thứ đó hầm cùng với xương bò. Con Na-rư được ăn canh hầm xương bò, còn được ăn thêm mắt bò và lườn bò do Tạng Cha-xi khất thực về.
Mây-tô-la-mu và Mắt Kính đến thăm cha tôi. Mấy ngày nay 2 người thay mặt Bạch chủ nhiệm ngày nào cũng đến. Cha tôi đã biết Mây-tô-la-mu tên Hán là Trương Đông Mai. Tiếng Tạng Mây-tô nghĩa là hoa tươi. Chủ nhà cô ở, già Ni-ma tự đổi tên cô thanh Mây-tô-la-mu, nghĩa là nàng tiên đẹp như bông hoa. Mắt Kinh biết được nói: “Mây-tô-la-mu là cái tên có ý nghĩ thật hay, so với Trương đông Mai hay hơn nhiều. Hoa mai mùa đông vừa cô đơn, vừa lạnh lẽo, đáng thương làm sao.” Mây-tô-la-mu cãi lại: “Đông Mai là hoa mai không sợ giá lạnh mùa đông, ngạo sương đấu tuyết. Tôi rất thích cái tên đó. Nhưng người thảo nguyên muốn gọi tôi là Mây-tô-la-mu cũng không thể không cho họ gọi. Có 2 tên cũng hay chứ sao?” Mắt Kinh nói: “Đây cũng là chan hoà với dân Tạng địa phương mà. Tôi cũng tự đặt cho mình 1 cái tên mới, Tạng – Hán kết hợp, là Lý Ni-ma.” Mây-tô-la-mu nói: “Tôi biết, Ni-ma nghĩa là mặt trời. Chủ nhà tôi ở cũng tên Ni-ma.” Lý Ni-ma nói: “Chính xác, cái tên Ni-ma rất hay. Ni-ma là mặt trời mãi mãi không bao giờ lặn.” Cha tôi còn biết Lý Ni-ma và Mây-tô-la-mu có tình cảm với nhau, tình cảm nam nữ, như 2 miếng nam châm hút lấy nhau. Trong uỷ ban công tác Chia-cu Tây, trong số con gái Mây-tô-la-mu xinh đẹp nhất. Trong số con trai Lý Ni-ma vừa đẹp trai vừa có văn hoá. Đúng là trai tài gái sắc, 1 đôi uyên ương trời đất tác thành.
Vừa bước vào nơi cha tôi đang nằm chưa trị vết thương, Mây-tô-la-mu kinh ngạc kêu lên: “Ôi, nó sống rồi! Sống thật rồi! Tôi còn tưởng chẳng hôm nay thì ngày mai anh phải cõng nó lên núi cho chim ưng rỉa rồi.” Lý Ni-ma nói: “Xem chừng cô phải học một ít Tạng y đi. Y thuật của Tạng y thật là thần kỳ.” Cha tôi ngồi dưới đất, 1 tay vuốt ve con Ngao đen Na-rư, 1 tay vuốt con Cang-rư-sân-cơ và nói: “Tôi nghe các vị lạt ma nói kiếp trước nó là con thần sư núi tuyết A-ni-ma-chinh, từng bảo vệ rất nhiều vị sư tu trên núi. Nó không chết, vĩnh viễn không chết, chư Phật phù hộ cho nó.” Khi cha tôi nói, trông ông thật ngây thơ như 1 đứa trẻ. Mây-tô-la-mu càng ngây thơ hơn, nói: “Hoá ra là thế!” Lý Ni-ma nói: “Tôi thấy đấy là mê tín.” 2 người ngồi xổm cạnh cha tôi nói chuyện, lúc thì vuốt ve Na-rư, lúc thì xoa xoa Cang-rư-sân-cơ. 2 con Ngao Tạng to tướng nằm yên. Chúng biết cô gái xinh đẹp và người đàn ông trẻ 4 mắt này là bạn tốt của cha tôi. Còn cha tôi trong mắt chúng đã là người thân, thân lắm rồi.
Nói chuyện được một lúc, Lý Ni-ma và Mây-tô-la-mu đưa mắt cho nhau rồi đứng lên. Cha tôi tiễn họ ra cửa và nói: “Mau về đi. 2 người còn có việc của mình. Tôi khoẻ rồi, không cần ngày nào cũng đến đâu.”
Kỳ thực Lý Ni-ma và Mây-tô-la-mu chưa muốn về ngay mà còn muốn đến đồng cỏ. Mỗi lần đến chùa Chia-cu Tây thăm cha tôi, lúc về họ đều vòng ra phía bên kia nhà vọng gác đến bãi cỏ. Xa xa là núi tuyết cao chót vót, thảo nguyên bao la, những dòng sông trong vắt, xung quanh thật tĩnh lặng im ắng. Trên thảo nguyên xanh biếc mênh mông kia chỉ có 2 người. Lúc đầu 2 người còn nói chuyện với nhau, rồi chẳng ai nói gì. Chàng kéo nàng lại gần, nắm lấy tay nàng, hôn lên mặt nàng. Rồi chàng ôm ghì nàng, muốn cùng nằm xuống bãi cỏ. Nàng bỗng run rẩy đấy mạnh chàng ra. Mặt nàng đỏ như gấc: “Đừng làm thế. Chúng ta còn sớm…” Lý Ni-ma nuối tiếc nói: “Đây thật là yên tĩnh, chẳng ai thấy chúng mình…”
Dù Mây-tô-la-mu theo bản năng đẩy Mắt Kính ra nhưng 2 người đều không thể phủ nhận, hằng ngày cùng đi chùa Chia-cu tây thăm cha tôi, quan hệ giữa 2 người nhanh chóng trở nên mật thiết và ấm áp. Phải chăng đây là mối tình đầu? Những con chim ưng, nhưng con linh dương và la rừng Tây Tạng, con xạ ngựa và hươu môi trắng đã chứng kiến mối tình đầu của 2 người. Những con thú dễ thương kia không sợ hãi đứng nhìn. Chúng không những không chạy trốn mà còn đến gần 1 cách hiếu kỳ, hệt như những đứa trẻ ngây thơ nhìn người lớn vậy. Lý Ni-ma thốt lên: “Ôi thật đẹp diệu kỳ làm sao. Y như trong truyện cổ tích.”
Thêu dệt nên bức trach truyện cổ tích này còn có sự góp mặt của 7-8 con chó lãnh địa, trong đó có cả những con Ngao Tạng, nói chính xác hơn có Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao và Ngao đen Cô-rư. Vốn có quan hệ đặc biệt thân thiết với Ngao Vương, Ngao đực xám già và mấy con Ngao Tạng khác cũng theo chân 2 người với khoảng cách không xa không gần. Lý Ni-ma nói: “Đáng ghét, chúng theo ta làm gì?” Mây-tô-la-mu nói: “Chúng lấy mũi ngửi là biết ngay anh không phải người tốt. Chúng đi theo đề phòng anh ức hiếp em.” Lý Ni-ma nói: “Anh cứ ức hiếp đấy, làm gì được nào? Làm gì nào?” Vừa nói vừa ôm siết lấy Mây-tô-la-mu. Bầy Ngao Tạng quay về phía khác. Hình như chúng cũng thấy ngượng khi nhìn thấy cái kiểu “ức hiếp” của con người. Mây-tô-la-mu nói: “Bỏ em ra, bỏ em ra! Anh đừng làm vậy. Ngay những con chó còn biết xấu hổ kìa.”
Sự suy đoán của người đối với động vật không bằng của động vật suy đoán về con người. Đặc biệt những người không trưởng thành tại mảnh đất thảo nguyên khi gặp Ngao Tạng đều không hiểu được ý chúng. Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao dẫn theo những người bạn thân của nó theo dõi 2 người vì dự cảm của chúng về một mối hiểm nguy sắp ập đến còn nhạy hơn cả ra-đa. Ra-đa chỉ có thể cảm ứng vào lúc đó, nhưng dự cảm của chúng còn vượt cả thời gian và không gian, dự đoán trước được những gì sắp xảy ra. Khi đôi nam nữ lần đầu xuất hiện ở đồng cỏ trống vắng này, bầy Ngao Tạng, đặc biệt là Ngao Vương lần đầu trông thấy họ tay trong tay, môi kề môi, chúng đã biết chính xác mối hiểm nguy lúc nào cũng có thể chụp xuống đầu họ. Tuy nhiên chúng không nói rõ được bao giờ nó chụp xuống. Vì vậy chúng cứ phải đứng xa theo dõi giám sát cái thứ mà chúng sắp nhìn thấy đây. Cái mùi chúng đánh hơi được thì loài người vĩnh viễn không nhìn thấy và cũng không sờ thấy được.
Đúng vậy, chúng theo dõi mối nguy hiểm chứ không phải theo dõi 2 người, vì chúng là Ngao Tạng. Chó lãnh địa không cần thiết phải nịnh bợ bất kỳ ai, nhưng nhất thiết chúng phải thực thi chức trách giải nguy cho bất kỳ ai, chỉ cần họ đang sinh sống trên thảo nguyên Chia-cu Tây này, không kể giàu nghèo, người Tạng hay người Hán. Thấy họ lâm nguy mà không giải nguy cho họ được là sự sỉ nhục với Ngao Tạng, mà Ngao Tạng thì không thể sống trong sự sỉ nhục. Cái mà chúng nhạy cảm và cần nhất là sự trung thành và hi sinh, là danh dự để đảm bảo chúng ở vị trí cao hơn hết trong tất cả các loài động vật, là sự dũng cảm bảo vệ tính mạng và tài sản cho con người.
Chúng đã theo dõi 2 người mấy ngày nay rồi. Bỗng Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao dẫn lũ bạn đến gần Lý Ni-ma và Mây-tô-la-mu vì linh cảm thấy mối hiểm nguy đang đến gần. Còn 2 người đang bị hiểm nguy rinh rập kia lại muốn cố rời khỏi sự theo dõi của chúng. Lý Ni-ma càu nhàu: “Thật đáng ghét. Bọn chúng rất khác những loài động vật hoang dã khác. Thấy chúng anh cảm thấy như thấy người quen.” Mây-tô-la-mu nói: “Thế thì có gì không tốt? Để anh thật thà một chút.” Lý Ni-ma nói: “Đi, ta rời khỏi đây, để chúng không tìm thấy.” Rồi kéo tay Mây-tô-la-mu chạy thục mạng, chạy đến nơi không còn bóng bầy Ngao Tạng. Nhưng Lý Ni-ma không ngờ tình yêu của mình lại có sự chứng kiến của người quen thật sự. Một đứa trẻ ở trần lúc này còn đáng ghét hơn bầy Ngao Tạng mà cả 2 đều quen biết bỗng nhiên lại xuất hiện.
Lý Ni-ma nắm lấy tay Mây-tô-la-mu rồi ôm hôn nàng. Đúng lúc đang định thử vật nàng xuống thảm cỏ thì nghe thấy tiếng rú của 1 đứa nhảy ra từ bụi rậm. 2 người giật mình vội tách nhau ra. Mây-tô-la-mu ngạc nhiên hỏi: “Sao cháu lại ở đây?” Đứa trẻ ở trần trên trán sưng tướng 1 cục to, nhìn 2 người với ánh mắt là lạ, chân đi đất đá một đống cỏ trước mặt. Mây-tô-la-mu đến gần thằng bé theo bản năng người thầy thuốc quan tâm: “Cháu sao thế? Đau không? Mau theo cô về băng bó lại cho.” Mỗi lần đi thăm cha tôi, Mây-tô-la-mu không đem theo hòm thuốc. Cô là 1 bác sĩ, nhưng chứng kiến y thuật thần kỳ của Tạng y lạt ma, cô cảm thấy mình thực sự kém cỏi, nên cũng không muốn khoác cái túi thuốc đi qua đi lại làm gì.
Thằng bé ở trần đứng yên không nhúc nhích. Mây-tô-la-mu kéo tay nó hỏi: “Thế này là thế nào? Ai đánh cháu? Hay cháu vấp ngã?” Thằng bé đoán ra cô đang hỏi gì, nó nói bằng tiếng Tạng: “Kẻ thù Ama Thượng, kẻ thù Ama Thượng.” Mây-tô-la-mu không hiểu gì. Lý Ni-ma đến gần nói: “Nó nói cục u ở trên trán là do kẻ thù Ama Thượng để lại đấy.” Mây-tô-la-mu hỏi lại: “Kẻ thù Ama thượng? Chẳng phải là 7 đứa trẻ Hán Cha-xi đưa đến sao? Chúng đánh cháu thế nào?” Thằng bé ở trần chớp mắt to nhìn vào đôi mắt đẹp của Mây-tô-la-mu. Nó lấy từ trong lưng ra 1 cái U-tô kết bằng lông bò dài 2m, rồi nhặt 1 hòn đá cuội, bọc vào trong U-tô, dùng ngón tay cái giữ 1 đầu sợi dây, những ngón kia giữ đầu dây nhọn, sau đó vung cánh tay quay tít, đột nhiên thả lỏng đầu dây nhọn. Chỉ nghe uỳnh 1 cái, hòn đá cuội đã bay xa chừng 100m rồi rơi phịch xuống đất. Mây-tô-la-mu ngạc nhiên hỏi: “Chúng dùng cái này đánh cháu à? Cháu phải cẩn thận. Đá bay ra có thể rơi trúng làm chết người đấy. Sau này cháu đừng chơi 1 mình trên thảo nguyên, gọi thêm mấy người bạn cùng đi.” Đứa trẻ ở trần hình như có 1 khả năng phi thường để hiểu những lời của Mây-tô-la-mu. Nó chớp chớp đôi mắt to, gật đầu quay lưng chạy đi, đến nơi thảo nguyên cách xa 2 người hơn.
Con Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao cũng ý thức được đôi nam nữ này không thích bọn chúng lởn vởn xung quanh nên biết điều dẫn bầy đàn của mình nghỉ tại 1 nơi chỉ cách họ 50 bước. Ẩn mình không có nghĩa là từ bỏ sự theo dõi. Có thể gọi đây là mai phục, mai phục trên đường nguy hiểm ập đến. Và lúc này, mối hiểm nguy đeo đẳng đôi nam nữ này đã đến rất gần, rất gần rồi, chỉ còn mấy tích tắc nữa thôi.
Mối hiểm nguy đó đến từ báo kim tiền, 2 cái 1 đực. Kiểu ghép bầy như vậy chứng tỏ chúng tuyệt đối không phải vì kiếm mồi mà chủ ý tấn công con người. Rất có thể báo con của 2 con báo cái bị thợ săn bắt hoặc giết chết. Chúng cho rằng hễ những con vật đi bằng 2 chân đều là những kẻ giết hại báo con. Chúng là báo kim tiền, bản chất hung ác, không bao giờ ngừng phục thù, những cuộc phục thù hung tàn. Đó là sự lựa chọn duy nhất của chúng. Để phục thù, chúng có thể nhịn ăn mấy ngày đêm, kiên nhẫn giám sát mục tiêu. Chúng chịu đói vì chỉ có khi đói cồn cào mới làm chúng trở nên điên cuồng hơn, hung tàn hơn gấp trăm lần. Nếu không có sự điên cuồng, không có sự hung tàn gấp trăm lần đó thì khi đối phó với con người chúng sẽ do dự, vì tổ tiên chúng không để lại cho con cháu lòng căm thù với con người.
3 con báo kim tiền 1 đực 2 cái nhanh như chớp, gần như cùng 1 lúc nhảy lên vồ 2 người mà không hề gây ra tiếng động. Nếu kế hoạch của chúng được thực hiện đúng với tốc độ và sức mạnh đã tính toán trước thì cổ của Lý Ni-ma và Mây-tô-la-mu sẽ bị cắn đứt mà không biết ai là thủ phạm. 2 người chỉ cảm thấy đằng sau có 1 luồng gió thổi tới. Trên thảo nguyên luôn lộng gió này, 1 luồng gió từ sau lưng chẳng có gì lạ, chỉ có điều luồng gió này hơi mạnh hơn 1 chút mà thôi. Gió dù thổi mạnh chăng nữa cũng không thể cắn người, có gì mà phải sợ. Họ nhận thấy thứ đáng sợ lại đang đến từ trước mặt kia. Trong bụi cỏ lúp xúp phía trước nhảy ra mấy con Ngao Tạng. chính là mấy con Ngao Tạng cứ theo chân 2 người mấy ngày nay. Dưới sự dẫn đầu của Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao, bầy Ngao Tạng nhằm vào 2 người xông tới. Cả 2 sợ chết đứng. Bỗng họ ý thức được rằng sau khi theo dõi họ mấy ngày, giờ đây chúng mới ra tay. Thân hình chúng là thân hình mãnh thú, bản tính chúng là bản tính mãnh thú, răng chúng sắc nhọn thật dễ sợ, mồm há to, chúng ăn thịt người dễ như làn gió thổi rụng lá cây. 2 người bủn rủn chân tay, Lý Ni-ma “ối” 1 tiếng, phồi phệt xuống đất. Mây-tô-la-mu 2 tay úp vào ngực, trống ngực đập thình thình, sợ đến nước mắt giàn giụa, trong lòng nghĩ thế là hết, hôm nay chắc chết ở đây.
Bảy tám con Ngao Tạng nhảy chồm lên, nhưng không vồ 2 người mà vồ phía sau. Chỉ nghe thấy những tiếng gầm thét. Có tiếng gầm của Ngao Tạng, cũng có tiếng gầm của loài thú khác. Mây-tô-la-mu quay đầu lại bỗng hét lên 1 tiếng. Cô thấy 3 con báo kim tiền to cao sung sức định vồ 2 người bị đàn Ngao Tạng chặn lại cách 2 người có 5 bước. Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao đang cắn xé vật lộn con báo đầu đàn. Mấy con Ngao Tạng khác điên cuồng giận dữ vồ vào 2 con báo còn lại. Chúng vật lộn, đầu húc đầu, răng cắn vào răng. Nhoáng 1 cái đã thấy máu tươi tuôn trào vào bộ lông trắng muốt của con Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao và làm ướt cả bộ lông đẹp của con báo kim tiền. Không biết máu của con nào, cũng không phân biệt được thắng bại, hệt như 1 trận đấm bốc nảy lửa ngang tài ngang sức, người không rành sẽ không biết ai dính đòn nhiều, ai dính đòn ít, chỉ đến khi trọng tài giơ tay người thắng cuộc lên, khán giả mới biết người cứ ôm đối thủ không ra tay lại là người thắng vì ra được cú nốc ao trời giáng. Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao chính là kẻ thắng như vậy. Nó không cắn lung tung nhưng chỉ há miệng 1 cái đã cắm phập răng sắc nhọn vào cổ đối phương. Sau đó nó rút răng ra, để máu đối phương chảy ròng ròng. Sau cú cắn đó, nó rất ít tấn công. Cuộc chiến không ác liệt lắm. Tinh lực của nó chủ yếu tập trung vào phòng ngự, kiên trì dùng sức đè đối phương xuống không để mình bị cắn vào chỗ hiểm. Đợi khi con báo kim tiền lồng lộn nóng nảy cắn càn để lộ sơ hở, lần thứ 2 nó lại cắm chiếc răng nhọn sắc vào cổ đối thủ, lần này không chỉ cắm vào mà còn cắn đứt động mạch cổ của đối thủ. Khi máu phụt ra bắn đầy vào mặt nó thì nó khuỵ xuống nhảy phốc sang 1 bên. Con báo kim tiền vồ lại. Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao lấy tư thế 1 chọi 1 đón cú vồ của đối thủ, nhưng đột nhiên nó nghiêng mình nằm xuống, nhe răng nanh ra, lợi dụng quán tính của con báo vồ lại, đâm rách cái bụng mềm mại của nó. Sau đó nó nhảy lên ngay, đứng thẳng nhìn. Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao biết mình đã thắng. Nó có thể tiếp tục cắn để đối thủ mau chết, cũng có thể không cắn nữa để đối thủ chết từ từ. Ngao Vương chọn cách thứ 2 vì nó nuốt tiếc cái vẻ hùng tráng đẹp mê hồn của đối thủ nên muốn để con báo sống thêm 1 lúc nữa. Trong mắt Ngao Vương, địa vị của báo kim tiền trên thảo nguyên vượt xa những con thú hoang khác. Loài dã thú có bộ lông đẹp mê ly kia tuy là địch thủ, nhưng là 1 địch thủ cao quý và đáng được tôn trọng. Điều quan trọng hơn nữa là Ngao Vương hổ đầu Tuyết Ngao lúc nào cũng cho rằng rất nhiều kỹ xảo đánh nhau của Ngao Tạng, đặc biệt là của mình, ví dụ chiến thuật chạy thật nhanh theo đường uốn lượn, cách ra đòn trước để linh hoạt nhảy vồ, giả bộ cắn mông đối thủ nhưng đợi khi đối phương quay đầu thì đối hướng cắn vào cổ… Những chiêu thức đó nó đều học được từ báo kim tiền và báo tuyết. Con báo kim tiền vồ 1 lần, lại vồ tiếp lần nữa. Ngao Vương không mảy may bận tâm, cứ tránh cái vồ của đối phương, nhìn đối thủ kiệt sức lòi ruột ra, nằm bẹp trên thảm cỏ 1 cách bi ai, không bao giờ còn đứng dậy được nữa.
Ngao Vương đứng yên như đang viếng con báo kim tiền đã chết. Nó ngẩng nhìn sang bên kia. Cuộc chiến cũng đã sớm kết thúc. 2 con báo cái cũng đã chết. Ngao Vương hài lòng hú mấy tiếng. Ngao đen Cô-rư, Ngao đực xám già và mấy con Ngao Tạng khác đi đến vây quanh nó. Chúng xem lại vết thương cho nhau, liếm máu dính trên lông nhau, chẳng thèm nhìn đôi nam nữ mà chúng đã dùng mạnh sống cứu từ miệng những con báo kim tiền. Chúng rời đi nhanh chóng. Mối hiểm nguy đã được giải trừ, đôi nam nữ này chẳng còn dính dáng gì đến chúng nữa. Chúng chưa bao giờ nghĩ rằng con người phải biết ơn chúng. Trái lại về phía mình, chúng lại luôn ghi lòng tạc dạ, báo đáp ân đức của con người. Đó chính là Ngao Tạng. Có thể nói ai làm ơn cho mình mà không báo đáp thì không phải Ngao Tạng, làm ơn cho ai mà cứ mong người ta báo đáp cũng không phải là đặc điểm của Ngao Tạng. Ngao Tạng là 1 loại mãnh thú như vậy đó. Chúng coi sứ mệnh của mình cao hơn tính mạng, mãi mãi không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến sứ mạng; không nghĩ mình sẽ được cái gì, chỉ nghĩ đến mình phải cống hiến cái gì; không nghĩ đến chịu ơn, chĩ nghĩ đến sự trung thành. Chúng là loài vật có phẩm chất đạo đức cao thượng, là tấm gương không thể chê trách được đối với con người và tất cả những con vật. Những người chăn cừu Tây Tạng muốn hình dung 1 người xấu thì nói người đó xấu như con sói, nếu muốn hình dung 1 người tốt thì nói người đó tốt như Ngao Tạng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT