Long ngập ngừng nhìn tôi, vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của anh ấy,
nhưng tôi vẫn đánh mắt tỏ ý khuyên anh đừng chống đối mẹ, sau đó, Long
đành lặng lẽ khép cánh cửa gỗ sơn màu trắng sứ, chầm chậm bước ra ngoài. Khi cánh cửa ấy từ từ khép lại, tiếng “cạch” vang lên như báo hiệu giờ
tử hình sắp tới, tôi bỗng cảm thấy lòng mình rối bời vô cùng, chỉ ước gì giả như miệng mình là một cái khóa phéc-măng-tuya thì tôi sẽ kéo chặt
nó lại, mãi mãi không bao giờ mở ra.
Sau khi Long đi khỏi, tôi
từ từ quay lại nhìn mẹ Long, lúc ấy bác đã ngồi xuống ghế sa-lông, còn
vỗ nhẹ tay ra hiệu gọi tôi ngồi xuống cùng. Cuối cùng thì đôi chân như
đang hóa đá cũng phải chuyển bước, tôi ngồi xuống bên cạnh bà mà lòng lo nơm nớp, không biết bà lại chuẩn bị dành tặng cho tôi “Bài ca không bao giờ quên” nào tiếp theo đây.
- Bác uống trà chứ ạ?
Bỗng để ý thấy cổ họng bác ấy khẽ nuốt khan, tôi liền luống cuống đứng
dậy, hỏi han như chủ nhà, bác hơi ngước ánh mắt ngạc nhiên lên nhìn tôi, rồi mỉm cười bình thản nói:
- Cho bác một tách trà không đường.
Nghe xong, tôi liền vội vã chạy vào trong phòng bếp, cố gắng tìm cách
trốn tránh sự căng thẳng đang hiện hữu, vừa lần tay tìm trà, vừa thở
phào nhẹ nhõm. Tôi đã làm quen với gian bếp của Long được ba tháng trời
nên việc tìm tòi một thứ gì đó không phải là khó, không lâu sau, tôi đã
pha xong cho bác một tách trà không đường và một ly café nâu sữa dành
cho mình. Lúc bê khay bước ra, cảm nhận được sự run rẩy lẩy bẩy rung
động trên mặt cốc, tôi chỉ mong mình đừng vấp ngã kẻo đổ ập hết tất cả
ra sàn nhà. Cuối cùng thì cũng “hạ cánh” thành công, lúc hai bác cháu
ngồi xuống và bình tĩnh uống nước, mọi thứ vẫn còn rất ổn, không khí vẫn còn chưa quá căng thẳng, cho đến khi, bác ấy bỗng mở miệng nói.
- Hai đứa cứ như vợ chồng mới cưới ấy nhỉ! Cái gì cũng biết thế này…
Bác ấy vừa nói, vừa khẽ mỉm cười khiến tôi lạnh cả người, suýt thì phụt
hết chỗ café vừa lắng trong họng, nhìn thấy tôi có vẻ lúng túng, người
phụ nữ ấy lại càng cười lớn, còn xua tay vẻ nửa đùa.
- Ha ha! Bác đùa ấy mà! Hai đứa là “anh em” thân thiết, sao có thể không rõ về nhau.
Hai chữ “anh em” thốt ra nghe có vẻ khá mỉa mai, tôi lén nuốt khan một
cái, rồi gượng gạo cười theo, lòng thầm kêu khổ, không biết bao giờ mới
thoát khỏi cái nạn này. Thế nhưng, khi nụ cười gượng gạo trên môi tôi
còn chưa kịp tắt, bác ấy đã lập tức đổi giọng, lạnh ngắt như nước mùa
đông.
- Thế hai đứa cứ định thế này mãi à? Ba tháng nữa thằng Long nó lấy vợ rồi đấy!
- Dạ…
Chữ “dạ” cất lên từ cổ họng tôi nghe sao khó khăn, nặng nề khủng khiếp, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình khó xử đến mức này, không trả lời thì
lại mang tiếng là thất lễ, dám bật lại thế nào cũng bị bảo là láo, thôi
thì đành ngoan ngoãn im lặng nghe lời. Thấy tôi im im một lúc, bác ấy
lại tiếp tục.
- Mai này, đã đến nước này thì bác cũng phải nói thẳng. Cháu tránh xa thằng Long nhà bác ra đi.
Tôi điếng người, lời nói ấy sao có thể nói ra lạnh lùng, thẳng đuột như vậy chứ? Thì ra cảm giác của các cô gái trong phim Hàn Quốc mà tôi
thường xem chính là như thế này à? Chẳng khác gì bị dội cả một xô nước
lạnh vào mặt, toàn thân ướt nhẹp, vừa lạnh vừa dính, không biết phải
quẫy cựa ra sao. Cảm giác như lòng tự trọng của mình đã bị giày vò đến
đỉnh điểm, cuối cùng, không thể nhịn nổi nữa, tôi đành phải buột miệng
nói.
- Sao lại cứ phải như thế ạ?
- …?
Bác ấy không trả lời, chỉ khẽ quay sang nhìn tôi, nheo mắt như một dấu hỏi khó hiểu. Sợ bác ấy không hiểu hết ý, tôi đành cắn răng mặt dày trình bày
cho rõ.
- Tại sao bác cứ phải ép anh ấy lấy vợ sớm như thế ạ?
Đàn ông ba mươi tuổi lấy vợ còn chưa phải là muộn, huống hồ hai người
này hoàn toàn không có tình cảm với nhau, cháu nghĩ điều này bác hiểu
rõ.
Tôi nói xong mà chỉ muốn cắn đứt lưỡi mình luôn, tự cảm
thấy bao nhiêu gan to mật lớn trước nay tích lũy được chính là để dùng
cho lúc này hết, mẹ của người tôi yêu ngồi ngay trước mặt đây mà tôi
cũng dám vặn lại như thẩm phán, thật không thể tin được. Thấy tôi cũng
có vẻ lì lợm, bác ấy liền khẽ lừ mắt một cái, sống lưng tôi bỗng dưng
lạnh toát, rồi mới đằng hắng nói.
- Nếu bác nói, bác chỉ còn sống được hơn một năm nữa thôi thì sao?
- Dạ?
Tôi sửng sốt, lời bác ấy nói ra như sét đánh ngang tai, khiến tôi
choáng váng vô cùng, chữ “dạ” đáp ra trước khi tôi kịp nghĩ mình định
hỏi cái gì. Nhìn bác ấy có vẻ ngoài đạo mạo, thanh tao như thế, không có lý nào lại là người sắp chết, tôi trợn tròn mắt, tách café trong tay tí thì trượt ra khỏi mặt bàn, may mà vẫn còn bình tĩnh để giữ lại. Tôi run rẩy đặt lại tách café đã dần nguội vào khay, rồi lại cố kìm mình bình
tĩnh nghe cho rõ đầu đuôi câu chuyện.
- Bác bị tiểu đường, giai đoạn cuối rồi.
Bác ấy nói ra những
lời này, cảm giác như rất khó khăn, nhưng lại vô cùng bình thản, có lẽ
bản thân bác ấy đã chấp nhận sự thật từ lâu rồi. Tôi mơ hồ tưởng như đây là một lời đe dọa không có thật, nhưng chắp nối tất cả các sự kiện từ
khi quen bác ấy cho tới hiện tại, tôi bỗng nhận ra đây không phải lời
nói đùa. Căn bệnh này bố tôi cũng từng mắc phải khi một thân một mình
sống ở nơi xa xứ, suy nghĩ xác định bỏ mạng tại nơi đất khách quê người
đã khiến ông biệt tăm biệt tích, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình nhằm
tránh ảnh hưởng tới người khác. Bệnh này nguy hiểm đến thế nào, không
phải tôi không biết. Thì ra ở bên cạnh, Long luôn mang trong mình gánh
nặng gia đình như thế, bảo sao anh ấy không bao giờ dám làm trái lời mẹ, bởi vì anh ấy sợ một ngày mẹ sẽ bất ngờ ra đi. Cảm giác này tôi cũng
hoàn toàn thấu hiểu.
Sau đó, bác ấy còn kể cho tôi một câu
chuyện riêng tư khác nữa, chuyện về năm năm về trước, khi bên Long vẫn
còn có bố và bác ấy cũng vẫn còn có chồng…
“Năm năm về trước,
nhà bác từng rất khá giả, trong một lần cả nhà đi nghỉ mát lên tận Mai
Châu, khi đi đến nơi rồi thì chồng bác lại có công chuyện đột xuất, buộc phải để bác và thằng Long ở lại còn một mình mình đánh xe đi về. Hôm ấy trời mưa rất to, con đèo đi từ trên núi xuống dưới xuôi vô cùng ngoằn
nghèo và hiểm trở, mặc dù bác và Long liên tục can ngăn, nhưng ông ấy
vẫn cố sống cố chết trách nhiệm quay trở về, để cho bác và Long phải chờ mãi… chờ mãi… Cho đến khi người ta bất ngờ báo tin… ông ấy không bao
giờ quay trở về được nữa. Chặng đường trên con đèo ngày hôm ấy có một
khúc cua người ta vẫn còn đang thi công dở, trong lúc đường trơn, sương
khói mờ mịt, chiếc xe của ông ấy đã lao như tên bắn xuống vực núi…”
Bác ấy vừa nói, vừa ngước mắt lên trần nhà, dường như đang cố gắng ngăn cho hai dòng lệ không trào khỏi bờ mi, rồi khẽ hít một hơi dài, sau đó
bác ấy bình tĩnh nói tiếp.
“Kể từ đó, thằng Long không còn bố,
gia đình nhà chồng cũng không nhận bác nữa, họ nói tại bác và thằng Long đòi đi chơi nên ông ấy mới gặp tai nạn như thế, tất cả là lỗi tại bác,
thế nên họ từ luôn đứa con dâu sát phu này đi. Thằng Long hồi đó mới vào đại học, chắc cũng xấp xỉ cháu bây giờ thôi, nhưng nó vẫn còn ngây ngô
lắm, chuyện đó đã khiến nó trầm cảm trong suốt một thời gian rất dài,
bác còn lo là nó sẽ trở thành tự kỉ nữa. Sau đó hai năm, bác phát hiện
ra mình bị bệnh tiểu đường, lúc đó nhà đã chẳng còn gì nữa rồi, lại phải bán hết đi để chữa trị, bác chỉ hận không thể một dao chấm dứt đời
mình, nhưng còn thằng Long, bác vẫn phải gắng làm cái nợ đèo bòng đời
nó. Cuộc sống sau đó dần dần trở nên rất khó khăn, tinh thần của bác
không tốt, căn bệnh cũng càng lúc càng biến chứng nặng hơn, tưởng chừng
như không cầm cự nổi nữa, may mà nhờ thằng Long có ý chí, thương bác, nó bắt đầu lao vào kiếm tiền, lúc đầu vốn khởi điểm chỉ có vài trăm nghìn
thôi, nó buôn bán xoay vòng vốn trên mạng đấy! Sau đó dần dà bắt đầu mở
được cửa hàng đầu tiên tại nhà, phải vất vả lắm mới có được cơ ngơi như
ngày hôm nay. Long rất thương bác, thời gian của nó gần như chỉ tập
trung vào sự nghiệp để kiếm tiền chữa trị cho bác, đến nỗi cô người yêu
cũ của nó vì tủi thân quá mà bỏ đi theo người khác. Bác cứ nghĩ, vì bác, nói gì nó cũng nghe, bảo gì nó cũng làm, vậy mà bây giờ nó lại kiên
quyết chống đối bác như vậy…
Có lẽ cháu nghĩ bác là người ích
kỉ, nhưng nếu cháu đứng vào vị trí của bác, chắc chắn cháu sẽ thấy khác. Bác chỉ đơn giản là một người mẹ sắp không còn sống được bao lâu nữa,
quãng thời gian ngắn ngủi cuối đời rất mong được thấy con trai mình có
thể yên bề gia thất, cưới một cô vợ ngoan, sinh cho bác một đứa cháu
trước khi bác rời khỏi cõi đời này mà thôi. Mai… Cháu có hiểu không?”
……
Câu chuyện vừa kết thúc cũng là lúc Long nóng lòng quá mà vội trở về,
nhìn Long lo lắng bao nhiêu thì vẻ mặt của tôi lúc này lại bình thản bấy nhiêu. Nhưng anh tuyệt đối không bao giờ biết được rằng, trước khi anh
về, mọi chuyện giữa tôi và bác ấy đã được “dàn xếp” xong xuôi, tôi chỉ
xin bác thêm một thời gian nữa, để tôi có thể ở cạnh Long chăm sóc anh
ấy trong thời gian thi cử, sau khi Long khi xong, tôi rất định sẽ ra đi, tuyệt đối không làm bác ấy phải bận tâm nữa.
Người phụ nữ ấy
đã nói đến vậy, đã dốc lòng ra kể cho tôi câu chuyện thương tâm mà trước nay bác ấy đều cố né tránh gợi nhắc đến vậy, liệu tôi có thể nhẫn tâm
tiếp tục phá hoại hy vọng cuối cùng của bác ấy được không? Tôi còn trẻ,
đường đời còn rất dài phía trước, không thể gan lì quyết đấu đến cùng
với một người chẳng còn sống được bao lâu nữa như vậy được. Trơ tráo như thế thì còn ra cái thể thống gì?
Dù sao thì bác ấy nói cũng không sai, chuyện của tôi và Long hoàn toàn
không có tương lai, kết thúc càng sớm, càng đỡ khổ đau lâu dài. Nếu tôi
đã xác định không thể lấy anh ấy trong năm nay, vậy chi bằng kết thúc
ngay bây giờ. Tôi không muốn mình trở thành kẻ nhẫn tâm chia cắt tình mẹ con, bài xích tình cảm gia đình anh ấy dựa trên sự ích kỉ, tham lam của mình. Nếu có được thành công mỹ mãn như vậy, chắc chắn bản thân tôi
cũng không thể thấy vui. Có lẽ rồi sau này nhìn lại, tôi cũng chỉ như
một người bước qua cuộc đời của anh ấy mà thôi. Chỉ mong rằng sau lần
lướt qua nhau này… sẽ để lại dấu ấn đậm sâu, đừng mau chóng phai nhòa.
………………..
Tháng năm, năm 2013.
Cuối cùng thì ngày thi của anh ấy cũng đến, một tuần trước khi thi,
chúng tôi vẫn phải cùng nhau vùi đầu “mài kinh sử”, rút cục thì bao
nhiêu vốn liếng cũng chỉ là để mang ra sử dụng hết trong ngày hôm nay.
Hôm nay tôi cùng Long đến trường thi, trước khi đi tôi đã không dưới năm lần hỏi Long: “Đệ chuẩn bị đầy đủ hết chưa?” còn Long thì cứ quýnh
quáng trả lời: “Rồi rồi! Huynh nghĩ đệ là ai cơ chứ!” Vậy mà cuối cùng
thì kiến thức để trong đầu, còn bao nhiêu thứ quan trọng còn lại, anh ấy quên hết sạch. Nào là ví tiền, nào là chứng minh thư, nào là bút bi,
giấy dự thi, tất cả anh ấy đều nhét hết vào trong chiếc quần bò nào đó
đang được vứt lăn lóc trong nhà vệ sinh mà hôm nay lại “quên” không mặc. Tôi nghe xong, chỉ biết sững người, hận không thể đạp cho Long một phát chui tuột xuống hố xí. Sau đó, anh ấy lại cuống cuồng đòi chạy về lấy
mọi thứ, nhưng giờ thi đã đến nơi rồi, tôi liền bình tĩnh khuyên Long cứ vào phòng thi, mọi chuyện còn lại để tôi lo.
Lúc này tự dưng
cảm thấy mình chẳng khác gì bà bảo mẫu, đến cái chuyện quan trọng như
thế này mà cũng quên được, không biết đầu óc để đi đâu. Cầm đống chìa
khóa mà Long đưa cho trong tay, tôi cắm như điên vào ổ khóa, đây cũng là lần đầu tiên tôi vào nhà anh ấy khi anh ấy không có nhà. Cuối cùng thì
cũng mở khóa thành công, sau đó, tôi lại phi như bay vào phòng tắm,
cuống cuồng lật tung cả đống quần áo hỗn độn được vứt hổ lốn trong máy
giặt, giũ nó ra mạnh hết sức có thể. Sau hai phút, chiếc ví da màu nâu
bò cuối cùng cũng bất ngờ văng ra dưới mặt đất, tôi hớn hở nhặt lên,
lòng thầm cảm ơn trời đất. Đương định gập ví lại thì đột nhiên một tấm
ảnh chụp ba người được kẹp ngay ngắn ở ngay ngăn ngoài cùng của chiếc ví bất ngờ đập vào mắt tôi khiến tôi không khỏi tò mò, đành phải khựng lại ngắm nghía… Cậu bé đang cười nửa miệng ở giữa, rõ ràng là Long rồi, hóa ra cái kiểu cười nhếch môi này là thói quen từ bé, người đứng bên tay
trái, không ai khác chính là mẹ của Long, không biết ảnh chụp từ bao
giờ… nhưng trong ảnh trông bác ấy rất trẻ và xinh đẹp, dù các nét thì
vẫn không khác bây giờ là mấy, cuối cùng, người đàn ông trung niên đứng
phía bên phải, dáng vẻ to cao, khuôn mặt góc cạnh điển trai đang quàng
tay lên vai cậu con trai, nở nụ cười vô cùng phúc hậu…
Tôi bỗng sững người… Phải chăng là bố anh ấy?
Trong khoảnh khắc ấy, một suy nghĩ bỗng lóe lên trong đầu tôi… với
quyết tâm vô cùng mạnh mẽ. Ngay lập tức, tôi gập chiếc ví lại và phi như bay đến trường thi, còn lề mề nữa là sẽ không kịp mất!
…….
Long đã thi xong, nhờ quá trình ôn luyện kĩ càng và vất vả, có vẻ như
bài thi hoàn thành khá tốt, lúc bước ra khỏi phòng thi, ngoài kêu đau
lưng ra thì anh không còn phàn nàn gì thêm về chất lượng bài của mình
cả, anh ấy cũng không ngừng rối rít cám ơn tôi về màn cứu giá ngoạn mục
sáng hôm nay, chắc chỉ chậm vài giây thôi thì tôi cũng trở thành kẻ thù
trong mắt Long mất!
Buổi tối hôm đó, tôi lại được voi đòi tiên, có công ắt phải có thưởng, thế nên, tôi bắt Long tự tay nấu cho mình
một bữa ăn tối, thật ra thì yêu cầu này cũng không phải quá khó khăn gì
đối với một người “đảm đang tôm rang hành mỡ” như anh ấy, phải không
nào? Lần này Long lại không kêu ca, thậm chí còn vô cùng phục tùng cũng
như tuân lệnh, anh ấy vừa nấu nướng, vừa suýt sáo rất chi là yêu đời,
tôi ngồi đợi mà cũng không khỏi vui lây. Đôi lúc trong mắt tôi Long vẫn
rất giống như một câu thanh niên chỉ mười bảy, mười tám, nhắng nhít,
bướng bỉnh, cứng đầu và hơi trẻ con so với cái tuổi hai mươi lăm của anh ấy, điển hình là như lúc này, vừa bê thức ăn vừa uốn lượn xung quanh
bàn, giả vờ làm tay bồi bàn chuyên nghiệp. Long vốn sống tự lập từ sớm,
anh ấy cũng chuyển ra ở riêng được mấy năm nay rồi, từ khi quá bận bịu
với chuyện kinh doanh, có lẽ cũng vì thế mà Long rất biết chăm lo cho
cuộc sống tinh thần của mình, đặc biệt là chuyện ăn uống. Tôi phải thừa
nhận là tôi nấu ăn không thể nào ngon bằng anh ấy, mặc dù trình độ của
mình cũng chẳng đến nỗi nào. Những món ăn hôm nay đều rất ngon, hương vị đậm đà, đều là những món tôi thích. Nhưng nếu như mọi ngày, dù món ngon đến đâu tôi cũng phải bắt lỗi bằng được để chê bai cho Long biết mặt,
nhưng hôm nay tôi lại chỉ hạnh phúc thưởng thức, không chê bai bất kì
một câu nào hết, cho Long muốn tự mãn đến đâu cũng được, vì hôm nay… có
lẽ cũng là bữa ăn cuối cùng rồi.
Sau khi kết thúc bữa ăn, chúng tôi lại cùng nhau rửa bát, Long hứa hẹn
rất nhiều thứ, nói rằng sau khi tôi nghỉ hè thì hai đứa sẽ đi du lịch,
anh ấy tuyệt đối chẳng bao giờ nhắc đến chuyện tháng chín sẽ lấy vợ, tôi cũng chỉ cố cười hùa theo lấy lệ. Đến lúc ra về, phải chần chừ một hồi
rất lâu, đấu tranh tâm lý vô cùng khắc nghiệt, cuối cùng, tôi mới đành
cắn môi nói.
- Long này…
- Hả?
Tự dưng nghe tôi nhẹ giọng gọi tên anh ấy, Long bỗng giật mình, cảm giác như có chút lúng túng.
- Từ này chúng ta không gọi nhau là huynh đệ nữa nhé! Anh là anh, em là em.
Tôi vừa dứt lời, má Long liền đỏ ửng, đúng kiểu cậu thanh niên mười tám lần đầu được tỏ tình, chắc chỉ hận nỗi không thể nhảy tưng tưng lên
ngay được. Sau đó, anh ấy khẽ mím môi, thậm chí còn cố nín cười mặc dù
mặt đã đỏ như trái cà chua, rồi lại khúc khích nói.
- Thật á? Anh không phải gọi em là huynh nữa á? Ôi mẹ ơi! Thời của ta đến rồi!
Vừa nói, anh ấy vừa nắm hai bàn tay lại, giơ lên cao làm hành động ăn
mừng chiến thắng, mặt thì ngửa lên sàn nhà, cười suýt thì ra cả nước
mắt. Thấy Long cứ nhắng nhít như ông cụ non, tôi lại buộc phải bật cười
dù lòng thì đang nặng trĩu tựa tạ ngàn cân. Trước lúc ra về, tôi cũng
không quên nhắc Long sau khi tôi đi hãy lật chiếc ga giường lên, ở ngay
vị trí dưới gối, tôi có một món quà bí mật muốn dành tặng cho anh ấy.
Cánh cửa gỗ vừa khép lại, tiếng bước chân của người con trai bên trong
cũng như đang chạy xồng xộc vào phòng ngủ, tôi đau đớn đến nỗi không rơi nổi nước mắt. Người ta thường nói: “Đau đớn đến nỗi không thể rơi nổi
nước mắt là nỗi đau phải nuốt ngược vào tim.”
Tôi đi lang thang một mình trên con đường vắng, cảm tưởng như tim sắp vỡ vụn vì chứa đầy
nước mắt đóng băng, từng nhịp rung lên, thắt nghẹn cả khí quản…
…………
Tối hôm ấy trời mưa rất to, mưa rào xối xả, nếu nói một cách sến súa
thì chắc là ông trời đang khóc, tôi ngồi im trong nhà, chỉ muốn khóa tay chân mình lại khi nghe tiếng Long đang gào lên bên dưới, cứ chốc chốc
tôi lại bảo thằng Quân thử ngó ra xem thì thấy anh vẫn đứng trơ trơ ra
trước cửa nhà, mắt nhìn lên cửa sổ phòng tôi, không chớp. Long hay ốm
như thế, mấy lần trước đã sốt sắng gần chết chỉ vì dính chút nước mưa
rồi, lần này lại muốn liều mạng hay sao đây?
Xuống?
Hay không xuống?
Câu hỏi ngắn ngủn ấy cứ vang lên trong đầu tôi, thôi thúc tay chân tôi
khiến chúng không ngừng bủn rủn. Nép mình vào một góc để lưng áp sát vào bờ tường, chúng tôi chỉ cách nhau có một bức tường này thôi… mà sao
tưởng chừng như đang đứng ở hai thế giới hoàn toàn cách biệt. Tôi khẽ
nín hơi, hai tay đưa lên ôm chặt miệng, cố gắng không nấc lên thành từng tiếng giật cục. Những lúc như thế này, tôi chỉ hận mình sao lại quá yếu đuối, chút cảm giác lãnh đạm cũng không có, tưởng như nỗi đau đã trải
qua quá nhiều thì không thể khóc lóc được nữa… nhưng những cảm xúc thông thường nhất của một con người… sao tôi có thể dễ dàng chống lại.
Cứ nấc lên thành từng cục giật ầng ậc như thế, đến nỗi hai bàn tay đã
ướt nhòa nước mắt tự khi nào, cho đến khi cơn mưa dần nhẹ hạt, tôi mới
khe khẽ nhổm người dậy, ti hí mắt nhìn xuyên qua lớp cửa kính phủ đầy
bụi bẩn nay lại thêm vẩn đục bởi những hạt mưa nặng trĩu bám đầy mặt
kính… Từng hạt mưa trong suốt nặng nề rơi xuống, như cuốn trôi đi những
vương vấn lụi tàn của trái tim, khi một trái tim đã chịu quá nhiều tổn
thương, nó cũng giống như lớp vẩn đục kia vậy, nếu không có một cơn mưa
thật mạnh tạt vào, chắc chắn sẽ khó có thể trôi đi.
Gần mười hai giờ đêm, tiếng mưa bắt đầu thưa dần, có lẽ ngoài trời đã
sắp tạnh, ánh đèn đường mờ nhạt cũng không còn lẫn trong màn mưa trắng
xóa nữa, bỗng, màn hình điện thoại hiện lên một tin nhắn thoại, tôi giật nảy mình, nhưng lại không dám mở ra xem, chỉ sợ nghe xong rồi tim sẽ
lại bị lay động. Một lát sau, những tin nhắn thoại bắt đầu đến dồn dập
hơn, chúng tôi có thói quen gửi tin nhắn thoại cho nhau thay vì gọi trực tiếp, vì làm thế vừa có thể nghe được giọng nói của nhau, lại vừa có
thể để cho đối phương kịp thời chuẩn bị tâm lý. Cảm giác chờ đợi… rất là tuyệt.
Nhưng ngày hôm nay, rõ ràng là chỉ có một người nhắn-
một người đợi những tin nhắn thôi đừng đến nữa, một người đứng như bất
động dưới trời mưa- một người nôn nóng chờ bao giờ anh ta sẽ đi khuất.
Vẻ mặt tuyệt vọng của Long dần hiện lên khi mười lăm tin nhắn thoại hoàn toàn không được trả lời, đêm đã về khuya, anh ấy không dám thét lên làm loạn nữa, xung quanh đều là hàng xóm của tôi, ít nhiều Long cũng nghĩ
cho thể diện của đứa con gái chưa chồng này.
Cuối cùng, gần một giờ sáng, những tiếng bước chân lép nhép vang lên trên nền đất ướt nhẹp cuối cùng cũng đã dần biến mất… hai hàng mi trĩu nặng khẽ khép lại…
mong rằng cơn mưa này sẽ cuốn trôi đi tất cả… gột sạch ký ức… để ta sớm
quên nhau!
……..
Những ngày sau đó, anh ấy vẫn tiếp tục nhắn tin và gọi điện, cảm giác nhìn chiếc điện thoại rung lên liên tục
mà không thể bắt máy… vô cùng bất lực. Những tưởng cứ bơ đi như vậy rồi
thì mọi chuyện cũng sẽ dần rơi vào dĩ vãng, nhưng không, mỗi tối, vẫn
đều đặn một tin nhắn chúc ngủ ngon, ít nhất là vậy. Điều đó không làm
tôi vui hơn, chỉ khiến nước mắt của tôi dần khô cạn, cuối cùng ta cũng
có thể làm quen với nỗi đau, đau đớn nhiều rồi thì cũng trở thành thói
quen thôi.
Một tháng sau đó, tôi chính thức xóa toàn bộ tin
nhắn, mặc dù ngày cuối cùng đọc lại, vẫn không thể ngăn nổi mình vừa
khóc vừa cười, lúc đó tôi đã có cảm giác như là: “Nếu biết trước sẽ như
thế này thì chi bằng lúc ấy đừng nói những lời như vậy!” Mỗi lần dằn
lòng mình xóa đi một tin nhắn, tim lại nhói lên như một mũi dao vừa đâm
xuyên qua ngực. Vậy là cuối cùng sau bao ngày dằn vặt, tôi cũng có đủ
dũng khí để xóa đi dãy số điện thoại mang ký hiệu “một dấu chấm” vô cùng đặc biệt ấy.
Mặc dù, từng con số trong dãy số ấy, như đã khắc in vào trong tâm trí tôi tự rất lâu rồi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT