Buổi tối thứ Bảy, tôi cùng người bạn ngồi uống nước dừa bên bờ sông Tiền.
Trời đứng gió nhưng dòng sông vẫn trôi miên man và phả hơi nước lên mát rượi.
Bạn tôi dân Mỹ Tho nên anh rành phong cảnh nơi đây. Anh đang thao thao giảng cho
tôi hiểu lai lịch con sông Tiền. Còn tôi nhìn dòng sông và cố hiểu nó trong im
lặng.
- Mời chú mua vé số.
Người bạn tôi lắc đầu, xua tay với một cô bé bán vé số mặc áo sơ mi trắng
quần xanh và anh tiếp tục nói về dòng sông. Cô bé đưa xấp vé số qua tôi.
Tôi nhíu mày nhìn cô bé đứng trước mặt. Ðôi mắt em đen và ướt như dòng sông
đêm. Tôi hỏi :
- Tại sao em gọi tôi là “thầy”?
- Dạ tại thầy có dạy em năm lớp mười.
- Em nhận lầm rồi, tôi đâu có dạy em. Tôi mới ở Sài Gòn xuống đây chiều
nay.
- Dạ năm lớp mười em còn học ở Sài Gòn. Sau đó ba em chuyển công tác xuống
đây, cả gia đình phải đi theo.
- Em xuống đây bao lâu rồi?
- Dạ mới hơn một năm.
Tôi nhìn chăm khuôn mặt cô bé một lần nữa. Em e thẹn cúi gằm đầu, mái tóc
ngắn che khuất hai má. Tôi cố nhớ xem em đã học lớp nào nhưng không nhớ nổi, nên
hỏi :
- Em tên gì?
- Dạ… tên em… Mà thôi, thầy nhìn em còn không nhận ra, có nói tên thầy cũng
không nhớ đâu.
Tôi gõ gõ ngón tay lên đầu mình, cười nói :
- Tôi xin lỗi. Các em quá đông tôi không nhớ hết. Ðể tôi mua giúp em hai tấm
vé số.
Tôi rút hai tấm vé số và đưa tiền cho em. Cô bé vẫn cúi đầu nói lí nhí “Cám
ơn thầy” rồi em bước vội đi. Người bạn tôi lại tiếp tục nói về những trận thủy
chiến của Nguyễn Huệ với quân Xiêm trên dòng sông này. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay
: 10 giờ 35. Những cục đá trong hai ly nước dừa đều đã tan. Tôi nói người bạn đi
về vì đã cảm thấy buồn ngủ.
Ði ngang qua một nhà hàng ăn uống xây sát bờ sông, đèn điện thắp sáng choang
và nhạc disco vang ra dồn dập, tôi thấy cô bé đứng trước cửa nhà hàng với hai
người bạn. Em đang đưa tay lên chùi nước mắt, tôi vội bước đến hỏi :
- Có chuyện gì vậy em?
Cô bé ngước nhìn tôi, đôi mắt em đỏ hoe. Em lắc đầu, quay mắt đi và một người
bạn của em nói :
- Có một ông quá say rượu mua mười tấm vé số của nó rồi lên xe hơi đi luôn.
Nó không dám về nhà sợ má đánh.
Tôi móc túi lấy mười ngàn, nhét vào tay cô bé. Tôi vỗ vỗ vào vai em đang run
lên.
- Thôi đừng khóc nữa. Em về đi, khuya rồi.
Tôi bước đi, người bạn bước theo nhăn nhó nói :
- Ông chỉ lo chuyện bao đồng.
Ðể quên chuyện đó đi, tôi cười hỏi :
- Ông có biết sông Tiền dài bao nhiêu kilomét không?
Người bạn tôi nhíu mày suy nghĩ.
- À… à… để tôi nhớ lại coi…
Buổi sáng chủ nhật, người bạn tôi bận việc nhà, tôi một mình đi dạo chơi
trong thành phố. Tôi muốn vào thăm trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu nổi tiếng,
nhưng vào ngày nghỉ cổng trường đóng kín, tôi nhìn qua hàng rào chỉ thấy khoảng
sân rộng, những dãy nhà lầu và những tàn cây phượng lá xanh non.
Ở đây mọi con đường hình như đều dẫn ra bờ sông nên đi loanh quanh một hồi,
tôi đã đi đến chân cầu Bảo Ðịnh. Tôi vào ăn sáng ở một quán xây trườn ra mặt
sông Tiền. Tôi ngồi gần cửa sổ mở ra mặt sông nước đục ngầu phù sa. Bờ bên kia
gần chợ, các ghe chở trái cây đậu san sát để lên hàng.
Người miền Nam vốn hào phóng và tô hủ tíu Mỹ Tho cũng vậy. Ðầy thịt, tôm và
cá mực khiến tôi ăn không hết một tô. Tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê đen và nhìn
dòng sông lấp lánh ánh nắng ban mai.
- Mời chú hai, dì hai mua giúp con tấm vé số.
Nghe tiếng quen quen, tôi quay đầu lại. Cô bán vé số tối hôm qua đang mời hai
vợ chồng lớn tuổi ăn hủ tíu ở bàn bên. Ðợi người đàn bà mua vé số xong. Tôi gọi
:
- Này em.
Cô bé nhìn tôi, cười e thẹn rồi em bước tới, đưa xấp vé số.
- Mời thầy.
Tôi lắc đầu, kéo chiếc ghế bên cạnh.
- Em ngồi xuống đây. Tôi mời em ăn sáng.
Cô bé ngần ngại ngồi xuống chiếc ghế nệm. Tôi gọi cho em một tô hủ tíu và một
ly đá chanh. Trong khi chờ đợi, tôi hỏi :
- Em tên gì?
Cô bé lấy ngón tay gạch gạch lên mặt bàn rồi ngẩng đầu lên nói:
- Em nói thầy đừng cười nghe. Em tên là Thanh Giang.
- Tên em hay vậy mà em nói buồn cười.
- Không phải vậy. Em có hỏi ba em tên đó nghĩa là gì. Ba em nói đó là tên một
dòng sông nhỏ ở miền Trung, quê hương của ba em. Em sợ thầy cười vì trên đời này
làm gì có “dòng sông xanh”. Như sông Tiền đây nè, hôm thì nước đục ngầu hôm thì
nước đen thui, có hôm nào nước trong xanh đâu.
- Có chứ. Hôm nào trời đẹp, em thức dậy thật sớm sẽ thấy dòng sông nước trong
xanh.
- Ðâu có ai mua vé số lúc thật sớm mà thầy biểu em thức dậy.
Người chủ quán bưng tô hủ tíu và ly đá chanh đặt trên bàn. Trong khi cô bé ăn
hủ tíu, tôi khuấy đường trong ly đá chanh của em. Sức em thật khỏe, chỉ một
loáng em đã ăn hết tô hủ tíu to đầy. Em cầm ly đá chanh và uống một hơi hết nửa
ly. Tôi đốt một điếu thuốc hỏi :
- Em đi bán vé số buổi sáng, buổi tối, vậy hàng ngày em đi học buổi chiều
à?
Cô bé lắc đầu.
- Em nghỉ học rồi.
- Ồ! Sao vậy?
- Em phải phụ giúp ba má nuôi ba em nhỏ.
- Em hãy cố gắng đi học thêm lớp đêm.
- Em bán vé số kiếm chưa đủ tiền chợ cho gia đình, tiền đâu mà đi học lớp
đêm.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :
- Em hãy đi học tiếp đi. Hàng tháng tôi sẽ gửi cho em một số tiền đủ để trả
học phí.
- Nhưng… lương thầy chưa đủ sống mà.
- Tôi có đi dạy kèm Anh văn nên cũng đủ sống. Vậy em đừng ngại.
- Cám ơn thầy. Nhưng học xong lớp 12 em cũng phải nghỉ học phụ giúp gia đình.
Vậy em có học thêm một năm cũng chẳng được gì.
- Hay em học thêm một nghề gì đó như cắt may chẳng hạn. Không lẽ em đi bán vé
số hoài.
Cô bé thở dài :
- Em như dòng sông chết. Nó đâu có còn trôi tới biển được mà lo.
Tôi nhăn mặt nói :
- Sao lại dòng sông chết. Em là dòng sông xanh.
Cô bé lắc đầu :
- Ba em mới về thăm quê và cho biết dòng sông nhỏ ở làng em đã khô cạn vì qui
hoạch làm thủy lợi đã rút hết nước của dòng sông. Dòng sông đó không còn trôi di
nữa. Nó đã chết. Như em vậy.
- Em đừng nghĩ ba láp. Em vẫn sống như răng đây nè.
- Không phải vậy đâu. Nhiều khi cầm xấp vé số trong tay nhìn bạn bè đến
trường, em có cảm tưởng mình như dòng sông chết.
Cô bé cúi đầu xuống rồi ngước lên hỏi :
- Bao giờ thầy về lại Sài Gòn?
- Hai giờ chiều nay. Sáng mai tôi phải đi dạy sớm.
Cô bé xòe xấp vé số ra nhìn rồi em rút một tờ đưa cho tôi.
- Em xin tặng thầy.
Tôi xua tay.
- Thôi, em hãy giữ lấy mà bán. Tướng tôi dễ “trúng gió” chứ không dễ trúng
số.
- Thầy chê quà em tặng của em tầm thường? Thầy hãy đọc hai số cuối.
Tôi cầm tấm vé số, đọc hai số cuối rồi cười nói :
- Em muốn tôi đánh đề hai số này dễ trúng hơn.
- Không phải vậy. Ðấy là tuổi của em.
Tôi chẳng hiểu em muốn nói gì nhưng tôi cũng gấp tấm vé số lại bỏ vào túi và
nói :
- Cám ơn em. Trước khi về Sài Gòn, trưa nay tôi muốn mời em ăn cơm canh chua
cá lóc ở quán cây me. Chắc em biết quán đó.
Cô bé gật đầu.
- Thầy đợi em được không?
- Tôi chỉ có thể đợi em đến 1 giờ trưa. Sau đó tôi phải ra bến xe đò về Sài
Gòn.
- Thầy đợi em lâu hơn được không?
Tôi cười.
- Ðợi em bán hết xấp vé số à? Như thế chắc tôi phải nhịn đói về Sài Gòn.
Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi, nói :
- Không phải vậy. Hãy đợi em đủ sức trôi đi.
Nói xong, cô bé cầm xấp vé số bước ra khỏi quán. Em chạy băng qua đường, vào
một quán cà phê đang đông người ngồi. Tôi nhìn theo em và thầm nói : Hãy trôi
đi, dòng sông xanh nhỏ bé. Hãy trôi đi.
Nhưng còn tôi? Tôi có giúp được gì cho dòng sông ấy trôi đi hay chỉ đứng yên
trên bờ hò hét, thúc giục!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT