Từ điển tiếng Việt, trang 250, định nghĩa Cơn dông : “Trận gió mạnh hay dữ
dội kèm theo có chớp và sấm, thổi lúc trời oi bức, thường trước khi có mưa rào”.
Nhưng không có định nghĩa Con dông. Ðể bạn dễ hiểu, tôi xin định nghĩa theo một
câu hát của trẻ em : “Kỳ dông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ
dông…”.
Bạn đã hình dung ra con dông chưa? Nếu chưa, tôi xin phép dài dòng giải thích
tiếp.
Mùa Hè năm 1974, tôi tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn, hạng nhất kể từ dưới
lên. Khi chọn nhiệm sở, trường lại ưu tiên gọi từ trên xuống. Vì vậy, các bạn
tôi đã chọn hết các trường ở Sài Gòn hay các tỉnh lớn. Ðến phiên tôi, chỉ còn
một trường trung học ở tận thị trấn Phan Rí. Tôi chẳng biết thị trấn đó nằm ở
đâu trên đất nước Việt Nam nhưng cũng vui vẻ nhận giấy bổ nhiệm.
Thú thật, tôi đã nhận vì đang lúc đói, chứ không phải vì lòng ham muốn truyền
bá quốc ngữ đến tận nơi chốn xa xăm. Chắc có bạn sẽ trách tôi chưa đi dạy mà đã
thiếu lương tâm. Nhưng bạn đã biết đói là gì chưa? Nếu chưa, bạn hãy làm một
cuộc thí nghiệm nho nhỏ tại nhà. Nhịn ăn ba ngày, chỉ uống nước lạnh. Sau đó bạn
sẽ thấy rõ chân lý… đói. Và bạn sẽ thấm thía câu nói của ông bà : Ðói, đầu gối
phải bò.
Cũng may, lần đó tôi không phải bò từ Sài Gòn ra Phan Rí. Nhờ vay được tiền,
tôi đã đi xe đò đàng hoàng. Xe chạy từ sáng đến chiều thì dừng lại ở một ngã ba
trên Quốc lộ 1. Trời nắng gắt. Tôi bước xuống xe, lấy khăn lau mồ hôi, phủi sạch
bụi đường bám ở quần áo, bôi chút biăngtin lên đầu, chải tóc rõ đường ngôi. Ðúng
lời ông bà dặn : Ðói cho sạch, rách cho thơm. Tôi quên nói với bạn, tôi tốt
nghiệp ban Việt văn, nên đầu óc lúc nào cũng chứa đầy “lời ông bà dặn”.
Một cơn dông từ đâu đột nhiên ào đến như đón chào tôi. Cát bụi, rác rưởi bay
mù trời thay confetti. Gió đã cuốn tôi về trời, nếu tôi không nhanh tay ôm chặt
một gốc cây bên đường. Hai phút sau cơn dông biến mất. Quần áo, đầu óc tôi dính
đầy cát bụi. Ngày đầu đặt chân đến nơi đây, tôi đã không giữ được mình sạch.
Trong nhưng ngày sắp tới, tôi biết sống sao đây? Lòng buồn rười rượi, tôi lấy
khăn dụi mắt.
- Ông khóc vì bị lạc đường à?
Cô bé mặc áo tím, có đôi mắt đen láy như hai hột nhãn. Nhìn lâu đôi mắt ấy dễ
trợt chân té ngã, tôi ngoảnh mặt đi và thở dài.
- Ừ…
- Ông định đi đâu?
- Ði tìm việc làm.
- Vậy ông đến đây không đúng lúc rồi. Ðang mùa Ðông ghe chài ít đi biển. Ðâu
có việc gì làm.
- Tôi đến đây dạy học.
- Tướng ông mà là thầy giáo.
Ðể cô bé khỏi nghi ngờ, tôi móc túi đưa cho em xem tờ giấy bổ nhiệm. Cô bé
lắc đầu.
- Chắc có sự lầm lẫn gì đây. Nhưng thôi, để em dắt ông đến trường cho người
ta quyết định.
Tôi cầm túi xách đựng quần áo và sách vở bước theo cô bé. Vừa đi, tôi vừa hỏi
em tên gì, ở đâu, làm gì? Cô bé mím môi cười.
- Nơi đây nhỏ bé. Trước sau gì ông cũng biết mọi chuyện. Ðến trường rồi. Em
chào ông.
Tôi chưa kịp nói cám ơn, cô bé đã bước đi thoăn thoắt. Sợ trễ giờ làm việc
trường đóng cửa, tôi không dám đuổi theo em. Khi tôi vào văn phòng, ông hiệu
trưởng đang chuẩn bị ra về. Coi giấy tờ của tôi xong, ông niềm nở dắt tôi đi một
vòng giới thiệu trường. Ðể chuẩn bị cho niên học mới, các lớp học đều được quét
vôi vàng sáng sủa. Ở góc sân trường, trên một cây phượng cổ thụ lá xanh um, có
treo một cái kẻng lớn bằng niềng xe hơi.
- Thầy về thật đúng lúc. Tôi đang chia giờ dạy. Tôi sẽ sắp thầy dạy lớp mười
một. Thứ hai tuần sau trường khai giảng, Thầy còn một tuần nghỉ ngơi. Ra đây
thầy trọ ở đâu?
Tôi nói:
- Tôi chẳng quen biết ai ở đây và nhờ ông hiệu trưởng giới thiệu một chỗ
trọ.
Ông nhíu mày suy nghĩ một lúc, rồi nói :
- Tôi giới thiệu thầy tới ở tạm chỗ này, rồi tính sau.
Ông hiệu trưởng lái xe honda chạy dọc theo con đường chính dẫn vào trung tâm
thị trấn. Hai bên đường là những ngôi nhà cũ kỹ, mái ngói thấp, tường vôi loang
lỗ. Trừ các cửa hàng tạp hóa, các ngôi nhà khác đều đóng kín cửa tránh những con
gió thường thổi bụi ở lòng đường bay mù. Trong không khí sực nức mùi nước mắm,
làm bụng tôi đói cồn cào.
Ðến một con đường đầy cát, tôi phải phụ ông hiệu trưởng đẩy xe vào một xóm
trồng đầy mận. Những trái mận chín đỏ, nhìn chỉ muốn hái trộm. Tôi hỏi :
- Xóm này tên xóm Mận, phải không ông hiệu?
- Không, tên nó là xóm Rùng, vì người ở đây sống bằng nghề lưới rùng.
Không rành nghề đi biển, nghe cái tên tự nhiên tôi rùng mình. Ông hiệu trưởng
dừng xe trước một ngôi nhà mới xây, mái lợp ngói đỏ tươi, phía trước có hàng rào
là những cây xương rồng cao ngang ngực. Ông gọi “Chú Bảy ơi, chú Bảy.” Một người
đàn ông tóc muối tiêu, ngực vạm vỡ, mặc quần cụt, bước ra mở cổng. Ông mời chúng
tôi vào nhà, uống nước trà.
Ông hiệu trưởng giới thiệu chú Bảy là bà con với ông. Rồi ông trình bày hoàn
cảnh của tôi và nhờ chú Bảy cho tôi ở trọ. Chú Bảy gãi râu.
- Ông giáo cứ ở tạm đây. Mai sau tìm được chỗ ưng ý thời đi. Sẵn tôi nhờ ông
giáo kèm hộ con nhỏ ở nhà. Tánh nó ngang quá. Con gái mà cứ đòi đi biển chứ
không chịu học chữ.
Tôi cám ơn lòng tốt của chú Bảy và hứa sẽ hết lòng dạy kèm cô nhỏ. Ông hiệu
trưởng đứng dậy chào ra về. Chú Bảy chỉ tấm phản nơi tôi ngủ và nói ra giếng ở
phía sau tắm rửa.
Bước ra cửa sau, tôi nghe rõ tiếng sóng biển ầm ì và trước mặt cả một vòm mận
đầy trái chín. Tôi không ngăn được, hái một trái bỏ vào miệng nhai. Chúa ơi! Từ
nhỏ đến bây giờ tôi mới được ăn một trái mận ngọt như vậy. Tôi hái trái thứ hai
bỏ vào miệng. Chúa ơi! Từ bây giờ cho đến lúc chết, chẳng nơi đâu tôi được ăn
trái mận ngon như ở đây.
- A… á…á…
Tôi hét lên kinh hoàng và nhảy thụt lui ba bước, khi thấy những con quái vật
từ trên trời rơi xuống bò lổn nhổn quanh chân mình. Cô bé tôi gặp hồi chiều đang
đứng ở ngưỡng cửa sau, ôm bụng cười.
- Em thử xem ông có can đảm không.
Tôi cố gắng trấn tĩnh, nói châm chọc lại.
- Tôi nhảy thụt lùi vì sợ đạp chết những con vật “thân yêu” của em.
- Ông biết chúng là con gì không?
Tôi nhìn kỹ những con vật đang bò trên cát. Chúng giống con tắc kè, nhưng to
hơn nhiều và có những đốm xanh đỏ trên lưng, trông phát ớn. Tôi đã thấy con kỳ
đà ở Sở thú Sài Gòn, nên mạnh dạn đáp.
- Chúng là bà con kỳ đà, tên chúng là con “kỳ quặc”.
Cô bé ôm bụng cười phát ho rồi lắc đầu.
- Thật may, ông không phải là thầy của em. Thôi ông giúp em bắt chúng, để em
làm thịt ăn cơm tối.
Tôi hơi hơi run, không biết cô bé nói thật hay đùa. Bắt chúng, lỡ chúng cắn
chết, tôi phải bỏ thây nơi đất khách quê người thì thiên hạ ai là người sẽ khóc
thương tôi? May thay, chú bảy đã ra đúng lúc. Ông nói :
- Ðể ba bắt dông làm thịt. Con lo nấu nướng. Tối rồi.
Bữa cơm dọn lên chiếc bàn tròn, dưới ánh sáng ngọn đèn bình ắc qui. Chỉ có
chú Bảy, tôi và cô bé. Sau này, tôi mới biết vợ chú Bảy chết đã lâu. Người con
trai lớn của chú đi lính “ông Ðịa” đóng ở quận, đã có gia đình riêng.
- Ðang mùa dông, – Chú Bảy nói – tôm cá không có. Ông giáo ăn đỡ mấy con
dông.
Nhìn mâm cơm thấy có ba dĩa : gỏi dông, dông xào lăn, dông nướng, mùi thơm
bốc lên làm tôi ứa nước miếng. Nhưng nhớ lại hình ảnh mấy con dông khi còn sống,
tôi đâm chột dạ, không dám gắp. Tôi sợ ăn chúng xong, đất sẽ “ăn tôi”.
Hình như hiểu được sự e dè của tôi, cô bé gắp một miếng dông nướng ăn trước.
Tôi run run gắp một miếng ăn theo. Ăn xong, tôi mới biết mình… đại ngu!
Nhớ hồi còn học tiểu học, cô giáo ra đề một bài tập làm văn : “Tả con vật mà
em yêu mến nhất”. Tôi đã tả con gà con. Thằng bạn thân của tôi tả con chó mực.
Tôi đã chê nó ngu. Con chó đen thùi lùi làm sao đẹp bằng chú gà con trắng như
cục bông gòn. Ðến năm hai mươi tuổi, biết nhậu chút chút, tôi mới biết mình ngu.
Gà mái dầu cũng không “đẹp” bằng chó mực, huống chi gà con. Bây giờ gần ba mươi
tuổi, gặp con dông, tôi mới biết cả hai đứa đều ngu như nhau. Thế mới biết ông
bà nói chí lý : “Ði một ngày đàng học một sàng khôn”.
Thấy tôi tấn công tới tấp ba dĩa thịt dông, cô bé cười nói :
- Ông làm dân ở đây được rồi.
Chú Bảy quay qua nạt cô bé :
- Con gọi ông giáo là thầy chứ.
- Ông ấy đã dạy con chữ nào đâu mà bắt con gọi là thầy.
Cô bé nói đúng. Năm học đó tôi dạy lớp 11, cô bé học lớp 10. Tôi chưa dạy em
được chữ nào, trái lại, em đã dạy tôi nhiều thứ. Cách bắt dông ở những đồi cát
trắng lóa. Cách làm thịt dông ăn khỏi ê mình. Cách nướng mực “một nắng” ăn ngọt
nhất. Cách cạy hàu ở ghềnh Son ăn với muối tiêu…
Chưa đầy một năm, ngày giải phóng đến. Tôi phải về với gia đình ở Sài Gòn.
Khi chia tay, cô bé nói mong ông sẽ không quên con dông ở xứ này. Tôi trả lời,
đến lúc hấp hối vẫn thèm những món dông em làm. Không lâu đâu, mùa Ðông tới tôi
sẽ trở lại.
Tôi đã không giữ được lời hứa. Những công việc mới đưa đẩy tôi đi nhiều nơi
trên đất nước. Mười hai năm sau, tôi mới có dịp trở về Phan Rí, đúng lúc mùa
dông.
Những con dông vẫn cực kỳ ngon như xưa. Nhưng xóm Rùng đã đổi khác. Những cây
mận ngọt lịm đã chết vì bị biển lấn sâu vào bờ. Và gia đình chú Bảy cũng đã dọn
đi đâu mất.
Buổi chiều đứng trước biển rầm rì tiếng sóng nhìn ra chân trời phủ kín mây
đen, tôi thầm mong ở một nơi chốn xa xôi, cô bé đã quên những con dông. Nếu
không, mỗi lần nhớ lại em sẽ đau lòng.
Từ điển tiếng Việt, trang 893, định nghĩa Yêu : “cảm thấy gắn bó, trìu mến,
hài lòng, thích thú, say mê… với người hay vật có sức mạnh thu hút”.
Chắc bạn đã sốt ruột gắt lên, thôi đừng kể lể dài dòng nữa. Ông đã yêu cô bé
ở Phan Rí phải không? Vâng, tôi đã yêu. Nhưng không phải yêu cô bé mà yêu con
dông, vì nó có sức mạnh thu hút kỳ lạ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT