Hình Vân Phi người phủ Thuận Thiên thích đá, thấy đá đẹp là mua ngay không tiếc tiền. Tình cờ đánh cá ở sông thấy có vật vướng vào lưới, lặn xuống gở thì được tảng đá bề ngang khoảng một thước, bốn mặt lóng lánh lởm chởm như núi non rất đẹp, mừng như được ngọc báu, lấy gỗ đàn hương tía chạm thành cái đế bày trên bàn. Mỗi khi trời sắp mưa thì các lỗ sinh mây, nhìn xa như bông bay phơ phất. 

Có nhà thế hào Mỗ tới xin xem, nhìn thấy cướp luôn, đưa cho tên đầy tớ khỏe mạnh vác rồi quất ngựa đi mất. Hình không làm gì được, chỉ biết giẫm chân căm tức mà thôi. Tên đầy tớ vác đá tới bờ sông nghỉ vai ở trên cầu, chợt tuột tay, đá rớt xuống sông. Nhà thế hào giận đánh đầy tớ rồi bỏ tiền thuê người giỏi lặn tìm đủ cách mò lên mà vẫn không thấy, bèn treo tiền thưởng cho ai mò được rồi đi. 

Từ đó người mò đá hàng ngày kéo tới đầy sông mà không ai lấy được. Sau Hình tới chỗ đá rơi, nhìn sông than thở thì thấy nước trong suốt, đá vẫn ở dưới đó. Hình cả mừng cởi áo lặn xuống ôm lên, cái đế gỗ đàn vẫn còn. Về nhà không bày ở phòng khách nữa, dọn sạch phòng ngủ đặt ở đó. 

Một hôm có ông già gõ cửa xin xem, Hình nói thác rằng mất đã lâu. Ông già cười nói "Không phải ở phòng khách sao?”. Hình bèn mời vào phòng khách để chứng tỏ là không có, vào tới thì thấy tảng đá bày trên ghế, kinh ngạc đớ lưỡi. Ông già xoa tảng đá nói "Đây là vật cũ của nhà ta bị mất đã lâu, vẫn còn ở đây à? Nay đã thấy xin cho lại". Hình cuống quá bèn cãi nói của mình, ông già cười hỏi "Đã là của nhà ông thì lấy gì làm bằng?” Hình không sao trả lời. Ông già nói “Ta thì biết rõ lắm, trước sau có tất cả chín mươi hai lỗ, trong lỗ lớn có năm chữ Thanh Hư thiên thạch cung (Đá trời cung Thanh Hư)”. Hình nhìn kỹ quả trong lỗ có hàng chữ nhỏ như hạt gạo, cố nhìn mới đọc được, lại đếm số lỗ thì đúng như ông già nói. Hình không đáp được, chỉ giữ không chịu đưa ông già cười nói "Vật của nhà ai mà ông đòi làm chủ?" rồi chào ra. 

Hình đưa ra tới cổng, quay vào thì đá đã đâu mất. Cả kinh nghi là ông già lấy, vội đuổi theo thì thấy ông thong thả đi cũng chưa xa, Hình chạy theo níu áo van xin. Ông già nói “Lạ chưa, tảng đá to cả thước, ai mà giấu được trong tay áo?". Hình biết là thần, cố kéo về nhà, quỳ xuống năn nỉ. Ông già bèn hỏi "Đá đó thật là của ông hay của ta?”. Hình đáp "Quả là của ông, chỉ xin ông dứt tình mà cho thôi”. Ông già nói "Nếu thế thì đá vẫn ở đấy", Hình vào phòng ngủ thì đá vẫn ở chỗ cũ. 

Ông già nói “Vật quý trên đời nên để cho người biết quý. Tảng đá này có thể tự chọn chủ, ta cũng mừng. Nhưng nó vội xuất hiện, ra đời sớm thì ma kiếp chưa trừ, ta thật muốn mang đi, ba năm nữa mới đem tặng ông. Nếu muốn giữ nó ngay thì phải giảm thọ ba năm nó mới làm bạn với ông mãi được, ông có chịu không?”. Hình đáp chịu, ông già bèn lấy hai ngón tay miết lên một cái lỗ, cái lỗ mềm như bùn, theo ngón tay vít kín lại, lần lượt vít ba lỗ. Ông già nói "Số lỗ trên đá là số tuổi thọ của ông", rồi chào đi. Hình cố giữ lại nhưng ông nhất định chối từ, Hình hỏi họ tên cũng không nói, ra đi ngay. 

Hơn năm sau, Hình có việc đi vắng, đêm có kẻ trộm vào phòng, không lấy vật gì mà chỉ trộm tảng đá mang đi. Hình về buồn bã tưởng chết, dò hỏi thuê tìm nhưng không thấy manh mối. Vài năm sau tình cờ vào chùa Báo Quốc, thấy có người bán đá, tới gần xem thì là vật cũ bèn nhận của mình. Người bán đá không chịu, nhân vác đá lên quan. Quan hỏi ”Lấy gì làm bằng?”, người bán đá nói đúng số lỗ. Hình hỏi còn gì khác không thì không nói được. Hình bèn nói năm chữ trong lỗ và ba vết ngón tay, việc liền rõ ràng. Quan định phạt đòn người bán đá, người ấy khai mua ở chợ mất hai mươi lượng vàng, quan bèn tha. Hình mang được đá về, lấy gấm bọc lại cất vào rương, thỉnh thoảng lấy ra ngắm thì đốt trầm trước rồi mới đem ra. 

Có quan Thượng thư nọ đem một trăm lượng vàng tới mua nhưng Hình thì vạn lượng vàng cũng không bán. Thượng thư tức giận ngầm lấy việc khác hãm hại, Hình bị bắt, vợ con cầm ruộng bán vườn chạy vạy, Thượng thư sai người bắn tin cho con Hình là muốn lấy đá. Con thưa lại, Hình nói thà chết chứ không chịu mất đá. Vợ bàn riêng với con đem đá dâng Thượng thư, Hình ra khỏi ngục mới biết, chửi vợ đánh con, nhiều lần thắt cổ tự tử nhưng người nhà đều biết cứu thoát. Một đêm mơ thấy một người đàn ông tới, tự xưng là Thạch Thanh Hư, nói với Hình rằng "Đừng buồn, chỉ tạm xa ông hơn một năm thôi. Mờ sáng ngày hai mươi tháng tám sang năm cứ đem hai quan tiền tới cửa Hải Đại chuộc về". 

Hình mừng rỡ ghi lại ngày tháng cẩn thận, mà tảng đá trong nhà Thượng thư cũng không sinh mây nữa, dần dần cũng không quý trọng lắm. Năm sau Thượng thư có tội bị cách chức, kế chết. Đúng ngày hẹn Hình tới cửa Hải Đại thì gia nhân Thượng thư ăn cắp đá ra đang tìm người để bán, Hình bèn bỏ ra hai quan mua về. 

Về sau Hình sống đến tám mươi chín tuổi, tự sắm sửa quan quách, dặn con hễ mình chết thì chôn đá theo. Kế chết, con theo lời chôn đá vào trong mộ. Khoảng nửa năm kẻ trộm đào mộ lấy đá đi, con Hình biết nhưng không có cách nào đòi được. Qua hai ba hôm dắt dầy tớ đi trên đường chợt thấy hai người mồ hôi nhễ nhại chạy theo, ngẩng lên không cầu khẩn "Hình tiên sinh tha cho bọn ta đi, hai đứa lấy đá chẳng qua bán được bốn lượng bạc thôi”, liền bắt trói đưa lên quan, quan hỏi liền nhận tội ngay. Hỏi đá thì họ khai là bán cho họ Cung, bèn lấy lên. Quan nhìn thấy rất thích, muốn chiếm lấy bèn sai cất vào kho. Viên lại vừa bưng đi thì đá chợt rơi xuống đất vỡ làm mấy mươi mảnh, ai cũng hoảng sợ. Quan cho cùm kẹp hai tên trộm thật đau rồi tha ra. Con Hình nhặt các mảnh đá đem chôn vào mộ cha như cũ. 

Dị Sử thị nói: Vật kỳ lạ chỉ mang họa tới, thế mà muốn đổi mạng sống lấy vật, cũng thật là si mê quá đáng. Nhưng rốt lại đá lại cùng người có thủy có chung, ai nói rằng đá vô tình? Người xưa nói "Kẻ sĩ chết cho người biết mình", thì không phải là sai. Đá còn như thế, huống chi là người sao!

_________________

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play