Vì phần này nhiều chương ngắn quá nên mình sẽ gộp lại thành một chương luôn nha!!

36. Phú Ông 

(Phú Ông) 

Phú ông Mỗ có nhiều thương nhân vay tiền, một hôm có thiếu niên tới, hỏi ra thì cũng muốn vay tiền làm vốn, phú ông ưng thuận. Gặp lúc trên bàn có vài mươi đồng tiền, thiếu niên cầm lấy xếp thành một chồng cao. Phú ông liền từ tạ mời về, không cho vay nữa. Người ta hỏi nguyên cớ, đáp “Đó ắt là kẻ giỏi đánh bạc, không phải người đứng đắn. Tài nghệ thành thục, bất giác hiện ra ở chân tay", hỏi ra quả đúng. Người xét việc sáng suốt như thế, lại có thể không giàu sao? 

37. Bà Già Làm Bánh Bột 

(Bác Thác ẩu) 

Hàn sinh ra ở nhà khác nửa năm, cuối tháng chạp mới về nhà. Một đêm vợ vừa ngủ, nghe có tiếng người đi, nhìn ra thì than trong lò sởi cháy sáng rực, có một bà già khoảng tám chín mươi tuổi, da nhăn lưng gù, tóc rụng gần hết hỏi "ăn bánh bột không?". Vợ sinh sợ không dám lên tiếng, bà già lấy cặp gắp than khều lửa, đặt nồi lên trên, lại đổ nước vào, giây lát nước sôi, bà già mò vào vạt áo, mở cái túi ở thắt lưng lấy ra mấy mươi cái bánh bột cho vào nồi, lõm bõm thành tiếng. Lại tự nói một mình “Chờ tìm đũa đã". Rồi ra cửa đi. Vợ sinh chờ lúc bà già đã ra, vội trở dậy bưng nồi giấu vào dưới chiếu, rồi trùm chăn nằm lại. Giây lát bà già vào, căn vạn hỏi nồi đâu. Vợ sinh cả sợ la lớn, gia nhân đổ tới, bà già mới bỏ đi, giở chiếu lên. xem thì là mấy mươi con bọ rùa xếp lớp ở trong. 

38. Con Rết Trong Đá 

(Thạch Trung Xà Yết) 

Toàn Duy Thúc kể trong niên hiệu Thái Hòa, Trưởng lão Chí Hiền ở Bá Sơn tới Đông đường Tây Kinh, thấy sư du học ở đó đã đủ, lập tức ra đi. Sửa sang đường núi ở cầu Lạc An Dương Nguyên, đập vỡ một tảng đá lớn to bằng con trâu, trong có con rết đang nuốt con bọ cạp. Mọi người không biết nó từ đâu mà vào. Hiền nói "Đây là pháp của ta, là oán độc hóa ra, theo oán mà vào, trải ngàn vạn kiếp không được giải thoát. Nếu không giải thoát cho nó thì ngày khác cũng sẽ gặp ta”. Rồi vung gậy lớn đập chết, cũng không có gì lạ. 

39. Mộ Kinh Nương 

(Kinh Nương Mộ) 

Cha Vương Nguyên Lão là Sở, giữ chức Huyện lệnh Bình Nguyên. Nguyên Lão khoảng hai mươi tuổi vừa đi thi cử nhân, học ở vườn sau hành lang huyện thự. Một hôm, chiều tối đi tản bộ trong vườn hoa, gặp một cô gái, hỏi tên họ, cô gái đáp “Ta là con gái Huyện lệnh họ Dương tiền nhiệm”. Nguyên Lão thích vì xinh đẹp, mở lời trêu ghẹo, cô gái không giận mà cười, nhân ngủ với nhau. Gặp ngày Hàn thực, Nguyên Lão mời bạn bè tới kích hoàn ở bãi đất trống phía tây vườn, đầy tớ có người chỉ ngôi mộ Kinh Nương ở bãi đất. Nguyên Lão nhân hỏi Kinh Nương là ai, bạn bè nói là con gái út của Huyện lệnh họ Dương tiền nhiệm, tự Kinh Nương, vừa đến tuổi cập kê thì chết, chôn ở chổ ấy. Nguyên Lão nghe là con gái Dương Huyện lệnh, trong bụng đã ngờ vực. Trở về ngồi trong thư phòng, giây lát cô gái tới, sụt sịt thướt tha, định tới lại lùi, nói với Nguyên Lão "Ông đã biết, ta còn nói gì nữa. Âm dương khác nẻo, cũng khó ở với nhau lâu dài. Nay sắp đến ngày thi, ông ắt thi đỗ. Ở giữa hơi có chuyện lôi thôi, còn như có bệnh, cũng nên cố gắng mà đi. Sẽ gặp lại ông trên đường Liêu Dương”. 

Nói xong ra đi. Kế Nguyên Lão bệnh, cha mẹ không muốn cho đi thi. Hơn tháng thì hơi đỡ, Nguyên Lão quyết ý xin đi. Cha mẹ cho đi bằng xe, tới hồ Liêu Dương mưa dầm đường lầy xe không đi được, những người cùng đi thay ngựa lên đường, xe đi được vài dặm thì gãy trục. Nguyên Lão lo buồn không biết làm sao, chợt có người nông phu giắt rìu bên hông vác trục xe trên lưng đi tới, hỏi ra thì là thợ mộc. Nguyên Lão than thở “Chỗ này trước sau hai trăm dặm không có người ở, nay lại gặp thợ mộc không phải là cõi âm phù trợ sao”. Sửa trục xe xong, bèn lên đường. Chợt thấy một chiếc xe tới, người trong xe là Kinh Nương. Nguyên Lão vừa mừng vừa sợ nói “Nàng cũng tới đây sao?”. Kinh Nương nói “Ông không nhớ câu nói sẽ gặp lại trên đường Liêu Dương à? Biết ông có nạn, nên tới an ủi thôi". Nguyên Lão hỏi "Tiền trình tốt xấu, có thể biết được không?”. Kinh Nương lập tức lên xe, chỉ nói Thượng thư bảo trọng mà thôi. Về sau, quả nhiên Nguyên Lão thi đỗ, quyền nhiếp chức Thượng thư bộ Lễ được vài hôm thì chết. 

40. Người Mọc Đuôi

(Nhân Sinh Vĩ) 

Hà đạo sĩ nói Vương Bác ở Thanh Hà làm nghề thợ may, đã ba mươi bảy tuổi. Một hôm tới Liêu Thành, gặp Hà đạo sĩ, nói mùa xuân năm Đinh dậu uống rượu say nằm trong vườn đào, chợt mơ thấy một vị thần khoác giáp cầm kích tới nhà đá bắt ngồi dậy. Vương hỏi làm gì thế, thần nói “Ta đem đuôi tới cho ngươi đây". Từ đó chỗ xương cùng đau ngứa, vài hôm thì mọc ra một cái đuôi, to hơn ngón tay, xồm xoàm đầy lông như đuôi dê, muốn chặt đi thì đau thấu tim gan, muốn đốt cũng thế. Vì vậy tự nói là bất hiếu với mẹ, để mẹ đói rét, nên bị quả báo. Cứ có ai nhìn thấy mới hơi bớt đau ngứa, không thì không sao chịu được. Nhân hỏi làm cách nào để chữa trị, Hà không biết làm sao, Vương bèn đi, hiện ngụ ở Tân Điếm. 

41. Ngọc Nhi 

(Ngọc Nhi) 

Văn miếu ở Thái Nguyên, trước kia có con ma đàn bà, tên Ngọc Nhi, là thiếp của Đề hình Tống Đán, bị vợ chính ghen tuông đánh đập mà chết, chôn ở cạnh Văn miếu, chỗ ấy có bụi dâu mọc lên. Con ma thường vào trai xá đùa giỡn người ta, nhưng không làm hại. Lúc ấy có bọn Triệu Văn Khanh, Đoàn Quốc Hoa, Quách Cập Chi đêm ngủ lại đó. Sau canh ba, chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng guốc, giây lát con ma bước vào, lấy tay chỉ những người ngủ nói "Người này thi đỗ, người này không thi đỗ”, kế nói "Đừng sợ đừng sợ, cứ theo mệnh trời” sau quả như lời. 

42. Bọ Ngựa

(Đường Lang) 

Trong huyện có họ Trương, đi trong hang núi, nghe trên đỉnh núi có tiếng động ầm ầm, tìm đường lên nhìn, thấy một con mãng xà to bằng cái bát lăn lộn trong đám cây rậm, đuôi quấn chặt gốc liễu, cành liễu rơi rụng, lại giãy giụa giống như bị vật gì đâm. Trương nhìn kỹ không thấy gì cả, rất ngờ vực, lần tới gần xem, thấy một con bọ ngựa đang ở trên đầu con mãng xà, lấy càng cặp vào đầu, chặt cứng không sao gỡ ra. Hồi lâu con mãng xà chết, nhìn tới da thịt trên đầu thì đã rách toạc ra. 

43. Ma Thắt Cỗ 

(Ải Quỷ) 

Phạm sinh ngụ ở quán trọ, ăn cơm xong, thắp đèn chuẩn bị đi ngủ. Chợt có một tỳ nữ tới đặt áo quan lên giường, lại lấy gương lược hộp giỏ đặt cả ra bàn, rồi đi. Giây lát một thiếu phụ trong phòng bước ra, mở hộp mở giỏ, soi gương trang điểm, kế chải tóc, kế cài trâm, soi gương ngần ngừ rất lâu. Đứa tỳ nữ lúc nãy lại vào, bưng nước cho tắm. Thiếu phụ tắm xong, tỳ nữ lau hầu, rồi bưng nước ra. Thiếu phụ mở mớ áo quần ra, rõ ràng đều mới may. Bèn mặc vào, săm soi nắn vuốt, thắt đai tề chỉnh. Phạm không nói gì, trong lòng ngờ là ma quái, cho rằng là đàn bà đi vụng trộm, trang điểm để gặp khách. Thiếu phụ trang điểm xong, cởi dây lưng ra, buộc lên xà nhà. Phạm rất kinh ngạc. Thiếu phụ ung dung nhấc hài lên, đưa cổ vào dây tự tử treo một lúc, mắt nhắm lại, mày xếch lên, lưỡi thè ra hơn hai tấc, mặt mũi co rúm méo mó như ma quỷ. Phạm cả kinh. chạy ra, gọi chủ nhân vào, nhìn tới thì không thấy gì nữa. Chủ nhân nói "Trước có người đàn bà thắt cổ ở đây, hay là người ấy chăng? Lạ thật, dáng vẻ lúc chết cũng còn không quên". 

Dị Sử thị nói: Chịu oan uổng hết mức, đến nỗi phải tự tử, mới khổ làm sao. Nhưng sống làm người không hay, chết làm ma không biết, chỉ khó sống thì trang điểm thắt dây tự tử mà thôi. Cho nên sau khi chết quên cả mọi chuyện, chỉ nhớ canh ấy lúc ấy, vẫn hiển hiện trước mắt mà làm theo, đó là điều không bao giờ quên được. 

44. Ma Chết Đuối 

(Nịch Tử Quỷ) 

Trạch Châu có người thợ may, một hôm ngủ dậy vừa giở kim chỉ ra may, nghe có người tới cạnh hào nước bên ngoài mừng rỡ nói “Ngày mai có người thay thế rồi". Người kia hỏi kẻ thay thế là ai, đáp "Một tên lính từ Chân Định tới mang túi đựng thư, tới tắm dưới hào, ta được thay thế rồi”. Người thợ may ra cửa nhìn thì không thấy gì, biết là ma. Hôm sau đứng chờ ở cửa. Sau giờ ăn sáng, thấy một người lính bị bệnh, cầm túi đựng thư tới gửi trong nhà người thợ may, nói muốn xuống hào tắm. Người thợ may hỏi, quả nhiên từ Chân Định tới, nhân nói "Trong thành có nhà tắm, xin giúp ít tiền vào đó tắm". Người lính hỏi duyên do, người thợ may kể chuyện nghe được đêm qua, người lính cảm tạ mấy lần rồi đi. Đêm ấy qua canh hai, có kẻ ném ngói liệng gạch vào cửa, lớn tiếng chửi mắng "Ta chịu bao nhiêu đau khổ mới có người thay thế, lại bị thằng giặc này làm hỏng chuyện. Ta thề kéo ngươi xuống nước”. Sáng ra thấy gạch ngói chất thành đống, mấy hôm sau cũng thế, người ấy bèn dời nhà qua chỗ khác để tránh. 

45. Con Ngựa Vàng Của Họ Vương (Vương Thị Kim Mã) 

Họ Vương ở Thái Nguyên, đời trước làm nghề thuốc, có âm đức, nổi tiếng trong làng. Anh em có ba người, trưởng là Quân Ngọc, kế là Khí Ngọc, út là Nhữ Ngọc, hiếu hữu trọng hậu, người làng đều khen là hiền. Cha mẹ Quân Ngọc đều kính thần Phật, trong tĩnh thất đặt kinh bày tượng, đóng cửa rất chặt, lúc quét dọn thì người mẹ đích thân làm lấy. Một hôm chiều tối vào thắp hương tụng kinh, chợt thấy trên bàn thờ có một vật nhỏ nhảy nhót hiện ra, ánh vàng sáng rực. Giây lát lại cất tiếng như ngựa hí, người mẹ đứng lên khấn “Các bậc phụ lão ngày xưa kể là có ngựa vàng, nay quả thật được nhìn thấy, nếu quả mang phúc tới, xin nhảy vào vạt áo của lão phụ”. Rồi đưa vạt áo ra đón, con vật nhảy một cái rơi vào, nhìn tới thì đúng là ngựa vàng. Sau đó, Quân Ngọc đỗ Cử nhân trước, ba năm sau, Khí Ngọc, Nhữ Ngọc cũng nối nhau thi đỗ, người làng lấy làm vinh dự, gọi là họ Vương ba cành quế. Phủ doãn bèn lấy tên Tam Quế đặt cho phường nơi họ ở. Cháu nội là Trọng Trạch về sau đỗ Tiến sĩ, văn chương chính sự, biện luận thư họa đều được người đương thời ca ngợi. Con ngựa vàng ngang dọc ba tấc, màu vàng ủng như quả táo, cổ vươn cao, trên đuôi gọn lên như bụi ngải, ức đùi tròn láng. Sau cơn binh lửa, ta từng nhìn thấy. 

46. Vương Vân Hạc 

(Vương Vân Hạc) 

Vương Trung Lập, tự Thang Thần, người Kha Lam. Học rộng nhớ dai, không gì không biết. Lúc trẻ chuyên Kinh Dịch, nổi tiếng chốn trường ốc. Trong nhà giàu có, hàng ngày khách tới chật cửa, tiếp đãi rất chu đáo, nhưng mình hưởng thụ thì hàng ngày chỉ một bát cơm suông canh miến mà thôi. Chưa được bốn mươi tuổi thì vợ chết, không lấy vợ kế, cũng không đi thi nữa. Ở riêng một phòng, giống hệt một nhà sư già. Như thế ba bốn năm mới ra ngoài, người ta cảm thấy trò chuyện lưu loát, thi họa hơn người, giống như có quỷ thần nhập vào, nhưng hỏi thì không nói. Từng ở trong quán trọ tại Bình Định, gặp Nhàn Nhàn công bảo làm thơ, liền viết "Ký dữ Nhàn Nhàn ngạo Lãng tiên, Ương tùy thi tửu trụy phàm duyên. Hoàng trần già đoạn lai thời lộ, Bất đáo Bồng Lai ngũ bách niên" (Gởi nhắn Nhàn Nhàn ngạo cuộc say, Uổng vì thơ rượu đọa trần ai. Bụi vàng che lấp đường lui tới, Xa cách Bồng Lai chục kiếp rồi). Nhân nói sĩ đại phu thời Đường có năm trăm người, đều là người tiên bị trích giáng, vì đời loạn mà trước tác, cũng có người mê muội không quay về, như ông và ta đều như thế. 

Một hôm tới kinh đô, ngụ trong nhà Nhàn Nhàn công. Có thơ Trung thu rằng “Ấn thấu sơn hà ảnh, Chiếu khai thiên địa tâm. Nhân thế hữu giai hiểu, Ngã hung vô cổ câm” (Núi sông in bóng ấy, Trời đất rọi gương này. Dưới đời có sớm tối, Trong dạ chẳng xưa nay), Nhàn Nhàn công lấy làm lạ. Nhân đòi một chậu mực, theo lời đưa cho. Sáng hôm sau không cáo từ mà bỏ đi, trên vách còn lưu lại hai chữ “Cổ hạc”, nét chữ rộng một thước, theo thể phi hạc, khí vận sinh động, không biết lấy vật gì viết ra. Giây lát từ ngoài bước vào, hỏi vì sao làm thế thì không đáp, lại đề thơ bên cạnh rằng "Thiên địa chi gian nhất cổ nho, Tỉnh lai bất ký túy trung thư, Bàng nhân thác thử thần tiên tự, Chỉ khủng thần tiên tự bất như” (Đất trời có một hủ nho ta, Lúc say viết chữ nhớ đâu mà, Người ngoài cứ nói thần tiên viết, E chữ thần tiên cũng kém xa). Thơ của tiên sinh nhiều câu mang kỳ khí phương ngoại. Như "Túy tụ vũ hiềm thiên địa trách, Thi tình cuồng yếm hải sơn bình. Hốt kinh phong lãng nhĩ biên quá, Bất giác thần hình lai thế trung. Nhân quân cảm kích tùng quân thuyết, Tạc phá thiên cơ ngã diệc kinh” (Say múa luống chê trời đất hẹp, Hứng thơ lại chán núi gò bằng. Chợt nghe sóng gió vang bên gối, Chẳng biết thân mình đã xuống trần. Vì ông cảm kích nên ta nói, Nói rõ thiên cơ lại rợn lòng), như thế rất nhiều. 

Có người hỏi chuyện ngoài đời cũng đáp một hai câu. Giỏi viết chữ lớn kiều phách khoa, thế rất mạnh mẽ, Nhàn Nhàn rất thích. Lý Chi Thuần ở Bình Sơn thường gặp tiên sinh, nói qua về nhân vật thời trước, dẫn lời tiên nho nghị luận mấy mươi điều, giống như từng người từng người tự bắt bí, kế theo ý mình mà đoán định, vì thế trở thành loại đứng đầu trong bọn biện giả. Lúc lên đường nói trước ngày chết, quả như lời ấy mà qua đời, được bốn mươi chín tuổi. Cuối đời đổi tên là Vân Hạc, hiệu là Nghĩ Hủ đạo nhân, nhân vật như Lữ Thế Họa cũng còn thua sút. 

47. Xương Trần Hy Di 

(Trần Hy Di Linh Cốt) 

Cốc Trương Siêu trong Hoa Sơn, linh cốt của Trần Hy Di ở đó. Đường núi cheo leo, bên dưới sâu không thấy đáy. Lý Khâm Thúc người Hà Trung từng tới đó. Xương của Trần to dài khác hẳn người đời nay, cứng nặng sáng loáng như ngọc xanh, việc thành đạo đều hiện rõ ở đó. Đệ tử Mỗ di hài cũng bên cạnh, nhưng so với Trần thì tiên phàm khác hẳn nhau. 

48. Hai Chuyện Về Hồ 

(Hồ Nhị Tắc) 

I. 

Thiết Lý ở thôn Bắc Trịnh Dương Khúc, làm nghề bắt hồ. Một hôm giăng lưới dưới khu mộ cổ ở ngòi phía bắc, buộc một con bồ câu làm mồi, trèo lên cây lớn chờ. Sau canh hai, quần hồ kéo tới, nói tiếng người "Thiết Lý Thiết Lý, ngươi lấy bồ câu để nhử bọn ta à? Cha con ngươi giống như lừa ngựa, không chịu làm ruộng, chỉ học sát sinh, nội ngoại lục thân của bọn ta đều bị thằng giặc này làm hại. Hôm nay đã tới số trời, mau leo xuống đi. Nếu không bọn ta cưa đổ cây thì đừng trách”. Kế đó lập tức nghe tiếng cưa kéo xoèn xoẹt, tiếng gọi lớn mang chảo dầu tới để luộc thằng giặc này, lửa cũng nổi lên. Thiết Lý sợ, không biết làm sao, nhìn lại trong lưng chỉ có lưỡi búa lớn, nghĩ nếu cây đổ xuống thì cứ chém bừa. Giây lát trời sáng, hồ cũng bỏ đi. Trèo xuống thấy trên thân cây không có vết cưa kéo gì, bên cạnh chỉ có vài cái xương sườn trâu mà thôỉ. Thiết Lý biết là hồ biến ra ảo ảnh chứ không có thật, đêm ấy lại tới. Chưa đến canh hai, hồ tới khóc lóc chửi bới rất có lớp lang. Lý giắt ống pháo trong lưng, lấy ra ngầm đốt rồi ném xuống gốc cây. Hỏa dược phát nổ vang rền, quần hồ chạy tán loạn, bị lưới chụp xuống, nhắm mắt chờ chết, không nói một câu. Thiết Ly vung búa chém chết hết. 

II. 

Hồ Ngạn Cao giữ ấn triện huyện Tức Mặc, huyện thự ở góc thành cổ bị yêu hồ chiếm cứ, ban ngày núp, ban đêm ra, biến hóa đủ lối, có khi biến ra ngục tốt cởi trói cho tù nhân, có khi biến thành quan kỹ trộm chăn trong dịch trạm, dụ dỗ đàn ông đàn bà, có người bị mê loạn đến nỗi chết, người trong huyện không biết làm sao đành phải phụng thờ hương hỏa, đã hơn năm mươi năm. Ngạn Cao tới đáo nhiệm, hỏi biết được chuyện, nói với đồng liêu “Quan xá là cho người hiền ở, nay Huyện lệnh không ở được, mà để quỷ quái chiếm cứ à?”. Lúc ấy nhà cửa bỏ trống đã lâu, suy sụp tiêu điều, lập tức sai dọn cỏ. 

Hôm sau Hồ ra sảnh xem việc, đến tối thắp đuốc bày ra ngồi chờ. Đến khuya hồ hú trong khu vườn phía sau, một con xướng hàng trăm con họa, giây lát chia ra vây quanh nội đình, trong bọn có một con hồ lớn lông trắng, ngồi xổm dưới đất rống lên như muốn cắn xé. Quân lính đều chạy tán loạn, không còn người nào. Ngạn Cao vẫn ngồi thẳng bất động, mà hồ cũng không dám xông tới, hồi lâu kéo cả bầy rút lui. Như thế liên tiếp ba ngày, rồi không tới nữa. Lại qua hơn mười ngày hồ ám một tỳ nữ, người ấy nhảy nhót cười rộ, điên cuồng như đang mộng mị. Ngạn Cao lấy son viết vào giữa chiếc thoa của tỳ nữ, bảo cút đi, tỳ nữ ấy lập tức tỉnh lại. 

Sáng hôm sau, Huyện úy từ Tuần La về, gặp quần hồ mấy trăm con từ phía đông huyện đi về phía nam. Hồ lại ám một người đàn bà trong nhà lại mục Đăng Châu Giang Sùng. Sùng ra hải đảo mời đạo sĩ tới làm phép, nhân lúc người đàn bà đang điên cuồng, trói vào bánh xe, chôn trục xuống đất, sai người quay tít. Hồi lâu người đàn bà nôn ra nước dãi tanh hôi, là bầy hồ ở Túc Mặc bị Hồ công đuổi tới đó phá phách. Phụ lão ở Tức Mặc lập bia về việc Ngạn Cao, gọi là bia Hồ công đuổi hồ. 

49. Khôi Tinh

(Khôi Tinh) 

Trương Tế Vũ ở Huy Thành, đi nằm mà chưa ngủ, chợt thấy ánh sáng soi sáng cả phòng, kinh ngạc nhìn ra, thấy một con quỷ cầm bút đứng, dáng như Khôi tinh, vội trở dậy vái lạy, ánh sáng cũng tắt dần. Từ đó tự phụ, cho rằng đó là điềm sẽ chiếm khôi nguyên. Về sau lại lạc phách không gì thành công, nhà cửa cũng suy sụp, người ruột thịt nối nhau chết, chỉ còn một mình Trương. Kẻ kia là Khôi tinh, sao không tạo phúc mà lại gây họa nhỉ! 

50. Nhốt Rận

(Tàng Sắt) 

Người trong hương là Mỗ, ngẫu nhiên ngồi dưới gốc cây, mò bắt được một con rận, lấy giấy gói lại nhét vào cái lổ trên thân cây rồi đi. Hai ba năm sau lại đi ngang chỗ ấy, chợt nhớ chuyện trước, nhìn vào thấy mảnh giấy vẫn còn. Cầm lấy mở ra xem, thấy con rận mỏng như vỏ trấu, bèn đặt lên lòng bàn tay nhìn kỹ. Giây lát thấy lòng bàn tay rất ngứa, mà con rận to dần. Liền vứt đó về nhà, chỗ ngứa sưng to, đau đớn vài hôm thì chết. 

51. Chuyện Lạ Về Rận 

(Sắt Dị) 

Sau khi thành Đức Thuận bị phá, nhà dân dinh quan đều bị hủy. Dưới thành có vài mươi khẩu pháo, dây treo còn trong doanh cũ. Có người định tháo dây ấy, thấy sợi nào từ trên tới dưới cũng lúc nhúc rận lớn, như sáp chảy trên cây nến. Lúc loạn lạc trong cõi trời đất chuyện gì cũng có. 

52. Kéo Ruột 

(Sưu Trường) 

Người dân huyện Lai Dương là Mỗ ngủ trưa, thấy một người đàn ông dắt tay một người đàn bà bước vào. Người đàn bà vàng vọt sưng phù, bũng tròn căng như quả trứng, có vẻ rất buồn khổ. Người đàn ông thúc giục “Lại đây mau”. Mỗ cho rằng họ làm bậy, nên giả như vẫn ngủ để xem ra sao. Hai người bước vào, như không thấy trên giường có người. Người đàn ông lại hối thúc "Mau lên”. Người đàn bà tự phanh áo ra, để lộ da bụng, thấy to như cái trống. Người đàn ông rút ra một con dao mổ heo đâm vào, rạch từ ngực xuống tới rốn, sột soạt thành tiếng. Mỗ cả sợ, không dám thở mạnh. Người đàn bà nhíu mày nhịn đau, không hề kêu rên. Người đàn ông ngậm dao vào miệng, thò tay vào mớ ruột, kéo ra vắt lên khuỷu tay, vừa vắt vừa kéo, giây lát đầy kín cánh tay, liền lấy dao cắt, đặt lên ghế rồi kéo tiếp, trên ghế đầy ruột lại đặt lên bàn, trên bàn lại đầy. Lại vắt lên khuỷu tay, như người đánh cá kéo lưới, ném lên đầu Mỗ. Mỗ không nhịn nổi nữa, la lớn bật dậy bỏ chạy, mớ ruột rơi xuống dưới giường, hai chân bị vướng, tối tăm mặt mũi ngã xuống. Người nhà đổ tới xem, chỉ thấy trên người Mỗ đầy ruột heo, vào phòng nhìn quanh thì không có gì. Mọi người cho là Mỗ hoa mắt, cũng không ngạc nhiên. Đến khi Mỗ kể lại chuyện mình nhìn thấy, ai cũng lấy làm lạ, nhưng trong phòng hoàn toàn không có dấu vết nào.

_________________

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play