Cuối thời Minh, từ Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) trở lên mấy châu huyện phía bắc có dịch lớn, nhà nào cũng có người mắc bệnh. Huyện Tế Đông có người nông dân tên Hàn Phương tính rất hiếu thảo, cha mẹ đều mắc bệnh, bèn sắm sửa lễ vật ra miếu thờ Cô Thạch đại phu khóc lóc cầu khẩn. Trên đường về nhà vừa đi vừa khóc, gặp một người áo mũ sạch sẽ hỏi vì sao mà đau thương như thế? Hàn kể lại mọi chuyện, người ấy nói "Thần Cô Thạch không có ở đó, cầu khẩn có ích gì? Ta có một thuật mọn, có thể chỉ cho ông làm thử”. Hàn mừng rỡ hỏi tên họ, người ấy nói "Ta không mong được báo đáp, cần gì phải nói tên họ quê quán". Hàn ân cần mời mọc về nhà, người ấy đáp không cần, chỉ dặn cứ về nhà lấy một tờ giấy vàng đặt lên giường người bệnh rồi lớn tiếng nói "Ngày mai ta sẽ tới kinh bẩm cho Nhạc đế biết” thì cha mẹ sẽ hết bệnh.
Hàn sợ không hiệu nghiệm, cứ năn nỉ mời ghé nhà chơi, người ấy nói "Thôi nói thật với ông, ta không phải là người đâu. Tuần hoàn sứ giả dưới âm phủ thấy ta ngay thẳng cẩn thận cho nên giữ chức Thổ địa Nam Hương, thấy ông có hiếu nên chỉ cho cách ấy. Hiện nay Nhạc đế đang lựa chọn trong các hồn ma chết bất đắc kỳ tử, ai là dân có công đức hoặc ngay thẳng không quấy nhiễu người thì được cử làm các thần Thành hoàng Thổ địa. Nay có bệnh dịch là vì những hồn ma bị quân Bắc giết trong quận thành đều muốn tới kinh đô nhanh để nộp đơn nên quấy nhiễu trên đường kiếm tiền lộ phí đấy thôi. Cứ nói là tới kinh bẩm cho Nhạc đế biết ắt chúng sợ hãi, sẽ hết bệnh mà”. Hàn rùng mình quỳ xuống ven đường dập đầu lạy tạ, lúc ngẩng lên thì người ấy đã biến mất, ngạc nhiên than thở trở về. Tới nhà làm theo lời thần dạy, quả nhiên cha mẹ đều khỏi bệnh, chỉ cho hàng xóm láng giềng cùng làm, thảy đều hiệu nghiệm.
Dị Sử thị nói: Quấy nhiễu người dọc đường để xin làm thần giúp đỡ người, có khác gì kẻ ruổi ngựa đi mau để dự thi mà không cần thi đỗ đâu! Việc trong thiên hạ phần lớn cũng như thế đấy! Còn nhớ trong khoảng năm Giáp tuất ất hợi, quan lại ra lệnh cho dân lạc quyên thóc lúa, viết sớ dâng lên vua tâu rằng dân đều vui vẻ quyên góp, từ đó các châu huyện cứ chiếu theo số đinh số ruộng mà thu, thôi thúc bắt bớ rất gấp. Lúc ấy bảy huyện phía bắc đều bị lụt mất mùa lớn, quyên góp càng khó khăn. Quan Thái sử họ Đường ở quê ta tình cờ tới huyện Lợi Tân, thấy mười mấy người bị trói giải đi trên đường, hỏi mắc tội gì thì họ đáp “Quan bắt bọn ta lên huyện để truy thu thuế lạc quyên". Dân quê có hiểu hai chữ "lạc quyên" là gì đâu, chỉ cho rằng đó là tên một loại thuế má gì đó mà thôi, thật đáng cười ra nước mắt vậy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT