Điền Tử Thành ở huyện Giang Ninh (tỉnh Giang Tô) qua hồ Động Đình, bị đắm thuyền chết. Con là Tiến sĩ Lương Tự cuối thời Minh, lúc ấy còn ẳm ngữa, vợ là Đỗ thị nghe tin uống thuốc độc tự tử. Lương Tự được bà nội thứ nuôi nấng nên người. Sau đi làm quan ở Hồ Bắc, hơn một năm vâng lệnh quan trên đi công vụ tới Hồ Nam. Lương Tự tới hồ Động Đình thì khóc lớn quay về, tự trình là không đủ tài năng, bị giáng làm Huyện thừa huyện Hán Dương, rất không vui bèn chối từ không nhận chức. Các quan trên bắt ép thôi thúc mãi mới chịu đi, nhưng cứ rong chơi trong chốn sông hồ, không vì đang làm quan mà giữ gìn câu nệ. Một đêm ghé thuyền bên bờ sông, nghe thấy tiếng tiêu dìu dặt rất hay, bèn nhân có trăng lên bộ đi khoảng nửa dặm thì thấy giữa bãi đất trống có vài gian nhà tranh lập lòe ánh đèn. 

Tới gần nhìn vào cửa sổ thấy ba người đang uống rượu bên trong, ghế trên là một người Tú tài tuổi khoảng ba mươi, ghế dưới là một ông già, ghế bên cạnh chính là người thổi tiêu, trẻ tuổi nhất. Dứt khúc tiêu, ông già vỗ tay khen hay, người Tú tài thì nhìn vào vách trầm tư tựa hồ không hề nghe thấy. Ông già nói "Lô Thập huynh ắt đã có thơ hay, xin ngâm lớn lên cho ta được nghe với", người Tú tài bèn ngâm: 

Mãn giang phong nguyệt lãnh thê thê, 

Sấu thảo linh hoa hóa tác nê. 

Thiên lý vân sơn phi bất đáo, 

Mông hồn dạ dạ Trúc Kiều tê (tây) 

(Trăng gió đầy sông lạnh tịch liêu 

Hoa rơi cỏ úa cảnh tiêu điều 

Quê nhà ngàn dặm bay không tới 

Hồn mộng đêm đêm cạnh Trúc Kiều) 

Tiếng ngâm rất ai oán, ông già cười nói "Lô Thập huynh cứ làm ra vẻ buồn rầu” rồi lấy chén lớn rót rượu, nói "Lão phu không thể họa thơ, xin hát để đưa cay vậy”. Liền hát bài “Rượu ngon Lan Đình..."*, hát xong mọi người đều vui vẻ. Thiếu niên đứng lên nói "Ta ra xem trăng lặn tới đâu rồi”, rồi sấn sổ bước ra, nhìn thấy khách vỗ tay nói "Ngoài này có người, bọn ta ngông cuồng bị bắt gặp rồi”. Liền kéo khách vào, Lương Tự chào hỏi mọi người xong, ông già bảo ngồi đối diện với thiếu niên. Lương Tự nâng ly rượu nhắp thử thấy lạnh ngắt, từ chối không uống. Thiếu niên biết ý lập tức đứng dậy, vơ cỏ rơm hâm nóng bưng lên, Lương Tự cũng sai người hầu lấy tiền đi mua rượu nhưng họ cố ngăn lại. 

*Rượu ngon Lan Đình..": nguyên văn là "Lan Đình mỹ tửu” tức "Lan Đình mỹ tửu uất kim hương", câu trong bài Khách trung hành của Lý Bạch thời Đường. 

Nhân hỏi tên họ quê quán, Lương Tự nói hết về mình, ông già kính cẩn nói “Đó là quê cha mẹ ta, ta họ Giang tên Thiếu Quân, sinh trưởng ở đây", kế chỉ thiếu niên nói “Đây là Đỗ Dã Hầu ở Giang Tây". Lại chỉ người Tú tài nói "Lô Thập huynh đây là đồng hương với ông”. Lô nhìn Lương Tự có vẻ ngạo nghễ vô lễ, Lương Tự nhân hỏi "Nhà ông ở làng nào, thi tài như thế mà sao ta không được nghe ai nói?”. Tú tài đáp "Xa nhà đã lâu, họ hàng cũng không ai biết, nghĩ thật đáng buồn, không muốn nói ra”. Ông già xua tay rối lên nói "Gặp được khách quý, không có tửu lệnh thì cứ ăn nói lằng nhằng như thế, nghe chán lắm". Rồi nâng chén uống một mình, kế nói "Ta có một cái lệnh xin mọi người cùng làm theo, ai không làm được sẽ bị phạt. Cứ gieo ba hột xúc xắc, lấy chữ "Tương phùng" làm lệnh, lại phải có một khúc hát cổ phù hợp". 

Rồi gieo được ba mặt nhất nhị tam, bèn đọc "Tam thêm nhị nhất cũng tương đồng. Xôi nếp ba năm hẹn Phạm công* mừng bè bạn tương phùng". Kế tới thiếu niên gieo được hai mặt nhị một mặt tứ, nói "Người không đọc sách thì chỉ hát khúc dân dã, xin chớ cười. Tứ thêm hai nhị cũng tương đồng, Bốn người gặp gỡ ở thành đông**, mừng huynh đệ tương phùng”. Lô gieo được hai mặt nhất một mặt nhị, đọc "Nhị thêm hai nhất cũng tương đồng, Lữ Hướng hai tay ôm lão ông***, mừng phụ tử tương phùng". Lương Tự gieo cũng được như Lô, đọc "Nhị thêm hai nhất cũng tương đồng, Mao Dung hai chén đãi Lâm Tông (4*) mừng chủ khách tương phùng”. 

*Xôi nếp ba năm hẹn Phạm công: lấy tích Trương Thiệu thời Hán vào nhà Thái học, chơi thân với Phạm Thúc. Khi về, Thúc hẹn ba năm sẽ tới làm lễ ra mắt mẹ Thiệu. Gần đến ngày hẹn, Thiệu thưa với mẹ xin giết gà đồ xôi để đợi, mẹ nói “Xa cách ba năm, hẹn nhau ngàn dặm, sao con tin quá thế!”. Đến ngày hẹn quả nhiên Thúc tới. Đây ông già có ý nói Lương Tự là bạn quý của mình. 

** Bốn người gặp gỡ ở thành đông: lấy tích ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi thời Hán thua trận lạc nhau mỗi người một nơi, sau Quan Vũ biết anh còn sống bèn từ giã Tào Tháo di tìm anh, cuối cùng ba người gặp nhau ở Cổ Thành, lại được thêm Triệu Vân. Đây thiếu niên có ý nói Lương Tự là anh em với mình. 

*** Lữ Hướng hai tay ôm lão ông: lấy tích Lữ Hướng thời Tấn có cha đi xa mấy năm không về, sau nghe đồn cha còn sống nhưng Hướng đi tìm kiếm khắp nơi suốt mấy năm không gặp. Sau Hướng thi đỗ làm quan, một hôm từ triều ra gặp một ông già, nhìn kỹ thì đúng là cha mình, vội xuống ngựu ôm chân cha khóc ròng rồi đón về nhà. Đây Lô có ý nói Lương Tự là con mình. 

4* Mao Dung hai chén đãi Lâm Tông: lấy tích Mao Dung thời Hán chơi với Quách Thái tự Lâm Tông, Thái tới nhà Dung chơi ngủ lại, sáng ra thấy Tông giết gà làm cơm, nghĩ rằng là để đãi mình, kế Dung bưng thịt gà lên mời mẹ, còn mình dọn rau ăn chung với Thái, Thái phục là hiền. Đây Lương Tự có ý nói tuy mình với ba người kia là bạn, nhưng còn có phận sự của kẻ làm con nên phải ra về. 

Xong lệnh Lương Tự cáo từ ra về, Lô mới đứng lên nói "Là người quê cũ, chưa kịp trò chuyện gì nhiều, sao từ biệt sớm thế. Ta còn có chuyện muốn hỏi, xin nán lại thêm một lúc". Lương Tự bèn ngồi xuống, hỏi chuyện gì, Lô đáp "Ta có người bạn già chết đuối ở hồ Động Đình, có họ hàng gì với ông không?", Lương Tự đáp “Đó là cha ta, sao ông biết được?". Lô đáp “Lúc trẻ chơi thân với nhau, lúc ông ấy chết chỉ có ta nhìn thấy nên đã thu hài cốt chôn ở bờ sông". Lương Tự rơi lệ quỳ lạy xin chỉ mộ ở đâu, Lô nói “Sáng mai tới đây ta sẽ chỉ cho, cũng dễ nhận thôi, cứ ra cách đây mấy quãng, cứ thấy trên mộ có khóm lau rậm gồm mười cây là đúng". Lươug Tự khóc ròng cáo từ mọi người, về tới thuyền cả đêm không ngủ được. Lại sực nhớ tới lời lẽ thái độ của Lô như đều có duyên do, sốt ruột không chờ được, mờ sáng trở lại chỗ đó thì không thấy nhà cửa gì cả, vô cùng khiếp sợ. 

Kế ra chỗ Lô nói tìm quả nhiên thấy một ngôi mộ trên có khóm lau rậm, đếm thì đúng có mười cây, sực hiểu rằng cái tên Lô Thập huynh là có ngụ ý, người mình gặp chính là hồn cha. Hỏi kỹ dân ở đó thì hai mươi năm trước vùng này có ông họ Cao giàu có hay làm điều lành, ai chết đuối đều tìm vớt thây chôn cất cho, nên có mấy ngôi mộ ở đây. Bèn quật mộ thu lượm hài cốt trở lại thuyền, về nói với bà nội, hỏi lại nét mặt tướng mạo thì đều đúng. Đỗ Dã Hầu ở Giang Tây chính là anh con cô con cậu với Lương Tự, năm mười chín tuổi chết đuối trên sông, sau đó người cha tới lưu ngụ ở Giang Tây. Lại chợt nghĩ ra rằng sau khi Đỗ phu nhân chết thì chôn ở phía tây Trúc Kiều, nên trong bài thơ của cha mới có câu cuối như vậy, chỉ không rõ ông già kia là ai mà thôi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play