Từ sinh người huyện Hà Gian (tỉnh Hà Bắc), tới dạy học ở huyện Ân (tỉnh Sơn Đông), đầu tháng chạp về nhà. Trên đường gặp một ông già nhìn kỹ rồi hỏi "Từ tiên sinh nghỉ dạy rồi à, sang năm sẽ mở lớp ở đâu?". Sinh cười đáp "Vẫn chỗ cũ”. Ông già nói "Ta tên Kính Nghiệp họ Thi, có đứa cháu gọi bằng cậu đang tìm thầy giỏi, vừa nhờ người tới Đông Chàng mời ông Lữ Tử Liêm, nhưng ông ta đã nhận tiền dạy ở Tắc Môn (tỉnh Sơn Đông). Nếu tiên sinh nhận dạy cho, thì số lương xin trả gấp đôi ở huyện Ân". Từ lấy cớ đã hứa với chỗ cũ từ chối, ông già nói “Thủ tín như thế thật là quân tử, nhưng từ nay đến năm mới cũng còn khá lâu, xin dâng một lượng vàng bái kiến, mong tiên sinh tạm lưu lại dạy cho cháu, sang năm sẽ bàn lại, được không?” Từ bằng lòng. Ông già xuống ngựa dâng phong bao lễ vật rồi nói "Nhà ta không xa lắm, có điều hơi chật hẹp, khó chứa súc vật. Xin tiên sinh cho ngựa với đầy tớ về, đi bộ với ta cũng hay". Từ nghe theo, đem hành chất lên ngựa của ông già, đi ba bốn dặm, trời sập tối mới tới nhà, thấy cửa đóng đinh đồng nổi, tay nắm chạm thú, rõ ràng là nhà thế gia. Ông già gọi cháu ra vái chào, là một đồng tử khoảng mười ba mười bốn tuổi. Ông già nói "Em rể ta là Tưởng Nam Xuyên, lúc sống làm Chỉ huy sứ, chỉ để lại có đứa con này, cũng không phải ngu độn, chỉ là quen tật lười biếng thôi, nay được tiên sinh đạy đỗ cho một tháng thì hơn học mười năm”.
Không bao lâu dọn tiệc mời rất linh đình, nhưng lên xuống phục dịch toàn là tớ gái, có một tỳ nữ cầm hồ rượu đứng chầu chực, tuổi khoảng mười lăm mười sáu trở lại, rất mực phong vận, khiến Từ thấy xao xuyến. Tiệc tan, ông già sai thu xếp chỗ ngủ cho Từ xong mới cáo từ đi ra. Trời chưa sáng đứa nhỏ đã tới phòng học, Từ vừa dậy đã có tỳ nữ tới hầu khăn lược, chính là nàng cầm hồ rượu tối qua. Ngày ba bữa cơm đều do nàng mang lên, tối đến lại tới dọn giường. Từ hỏi sao không có tớ trai, chỉ cười không đáp, trải nệm xong là đi. Hôm sau lại tới, Từ theo vào trêu cợt, nàng cười không chống cự, rồi ôm ấp nhau, nhân nói "Nhà này không có đàn ông, những việc bên ngoài thì nhờ cậu Thi. Thiếp tên ái Nô, phu nhân kính mến tiên sinh, sợ đám tớ gái không được sạch sẽ nên cho thiếp lại hầu. Nay phải giữ kín việc này, nếu để lộ ra thì cả hai sẽ mất mặt đấy". Một đêm nằm chung rồi ngủ quên đến sáng, bị công tử bắt gặp.
Từ xấu hổ, trong dạ bất an, đến tối, Ái Nô tới nói "May là phu nhân trọng chàng, nếu không thì hỏng cả rồi. Công tử vào kể, phu nhân vội bịt miệng không cho nói, như là sợ chàng nghe được, mà cũng chỉ dặn thiếp đừng ở lâu trong phòng học thôi", nói xong đi ngay. Từ vô cùng biết ơn phu nhân. Nhưng công tử không chăm học, Từ quở trách thì phu nhân cứ tìm cách xin cho, lúc đầu còn sai tỳ nữ, dần dần đích thân ra đứng ngoài cửa nói với thầy, vừa nói vừa khóc, mà cứ tối đến lại hỏi con về bài vở ban ngày. Từ chịu không nổi, tức giận nói "Đã dung túng cho con lười biếng, lại hối thúc ép con siêng năng, làm thầy loại học trò ấy thì ta không quen, xin phép cáo từ". Phu nhân sai tỳ nữ tới tạ lỗi, Từ mới thôi. Từ ngày vào dạy, lần nào muốn ra ngoài ngắm cảnh cũng thấy cửa nẻo khóa chặt, một hôm uống rượu say thấy bực tức gọi tỳ nữ hỏi nguyên cớ, nàng đáp "Không có gì khác đâu, chỉ vì sợ công tử bỏ bê việc học thôi. Nếu tiên sinh nhất định muốn ra ngoài, xin chờ lúc ban đêm”. Từ nổi giận nói "Nhận vài đồng vàng rồi phải chịu cấm cố đến chết à? Bảo ta ban đêm trốn ra, là đi đâu? Lâu nay vẫn xấu hổ vì chỉ ăn không, tiền lương vẫn còn trong túi đây". Bèn lấy vàng ra đặt lên bàn, thu xếp hành trang định đi. Phu nhân bước ra, im lặng không nói câu nào, chỉ lấy tay áo che mặt nghẹn ngào, sai tỳ nữ đưa lại vàng, mở khóa tiễn ra. Từ thấy cửa nẻo chật chội, nghiêng mình lách ra đi vài bước chợt có ánh nắng soi tới, té ra mình vừa dưới mộ chui lên. Nhìn bốn phía thấy hoang vắng tiêu điều, thì là một ngôi mộ cũ, cả sợ nhưng lại cảm vì có nghĩa, bèn bán vàng đắp mộ cao lên, trồng cây chung quanh rồi đi.
Năm sau Từ lại qua ngang chỗ ấy, ghé vào lễ bái rồi lên đường, thấy ông Thi từ xa tới cười nói thăm hỏi rồi khẩn khoản mời mọc. Từ biết là ma nhưng muốn nhân dịp hỏi thăm phu nhân nên theo vào thôn, vào quán gọi rượu cùng uống, trời tối lúc nào không biết. Ông già đứng lên trả tiền rượu rồi nói "Nhà ta không xa mấy, em gái ta cũng vừa về thăm nhà, mong tiên sinh dời gót ngọc tới chơi, để quét sạch rủi ro giùm lão phu”. Ra khỏi làng vài chặng lại có một dãy nhà, ông già gõ cửa vào, cầm đèn dẫn khách vào. Một lát Tưởng phu nhân ra chào, lúc ấy Từ mới nhìn kỹ, thì là một người đẹp khoảng bốn mươi tuổi. Phu nhân lạy tạ nói "Dòng họ sa sút, nhà cửa tiêu điều, ơn đức của tiên sinh thấm tận xương khô, thật không biết lấy gì báo đáp”. Nói xong khóc ròng, kế gọi Ái Nô ra, nhìn Từ nói “Thiếp vốn yên mến đứa tỳ nữ này, nay xin đưa tặng để tiên sinh đỡ vắng vẻ nơi đất khách, mà có cần gì nó cũng hơi biết đón ý", Từ dạ dạ. Lát sau hai anh em đi ra, để Ái Nô ở lại hầu hạ. Gà vừa gáy ông già đã tới đưa tiễn, phu nhân cũng ra dặn tỳ nữ phụng sự tiên sinh cho chu đáo, lại nói với Từ "Từ nay trở đi càng nên kín đáo, chuyện hai người gặp gỡ nhau quá lạ lùng, e những kẻ hiếu sự lại đặt điều nọ kia". Từ dạ rồi cáo từ, cùng Ái Nô cưỡi chung ngựa. Tới nơi dạy chỉ ở một phòng, ăn ngủ với nhau, lúc có khách nàng không tránh đi mà người ta cũng không nhìn thấy. Từ vừa hơi muốn gì là nàng đã làm ngay, lại giỏi môn đồng cốt, bị bệnh gì chỉ xoa bóp một lần là khỏi.
Đến tiết Thanh minh hai người cùng về khu mộ, nàng chào bước xuống, Từ dặn cho gởi lời cám ơn phu nhân, nàng vâng dạ rồi biến mất. Mấy hôm sau Từ quay lại, đang định tìm quanh mộ thì đã thấy nàng ăn mặc lộng lẫy ngồi dưới gốc cây, bèn cùng lên đường, cả năm thường đi lại như thế. Từ muốn cùng nhau về quê, nàng nhất quyết không chịu. Cuối năm từ biệt nơi dạy về đó, hẹn ngày gặp lại, nàng đưa tới chỗ ngồi hôm trước, chỉ đống đá nói "Đây là mộ của thiếp. Lúc phu nhân chưa xuất giá, thiếp đã theo hầu hạ, chết yểu chôn ở đây. Nếu chàng qua ngang, cứ thắp cho một nén hương, sẽ gặp lại nhau”. Sau khi chia tay về quê, Từ vô cùng nhớ nhung, tới đó khấn khứa nhưng tuyệt không thấy tăm hơi, bèn mua hòm quật mộ định mang hài cốt nàng về quê để ghi nhớ một thời yêu dấu. Huyệt vừa mở ra, Từ tự bước xuống, thấy nàng nhan sắc vẫn như còn sống nhưng tuy thịt da chưa nát mà y phục đã mủn ra như tro, trâm ngọc xuyến vàng đều còn mới, lại nhìn tới thắt lưng thấy có cái gói bọc mấy nén vàng bèn cuốn lại giắt vào lưng. Rồi cởi áo ngoài đắp lên xác nàng, ôm đặt vào quan tài, thuê xe chở về mang vào một gian nhà riêng, mặc xiêm áo thêu cho, một mình ăn ngủ bên cạnh để chờ linh ứng.
Bỗng Ái Nô từ ngoài vào cười nói “Tên giặc cướp mộ ở đây à?", Từ ngạc nhiên mừng rỡ hỏi thăm, nàng nói “Hôm trước thiếp theo phu nhân qua phủ Đông Xương (tỉnh Sơn Đông) ba ngày, trở về thì nhà cửa đã trống không. Nhiều lần bảo cùng về vẫn không nghe là vì thiếp chịu ơn phu nhân từ nhỏ nên không nỡ xa lìa mà thôi. Nay đã cướp xác về đây xin chôn cất sớm cho thiếp được đội ơn sâu”. Từ hỏi "Xưa có người chết đã trăm năm vẫn sống lại được, nay xác nàng còn nguyên, sao không làm theo như thế?”. Nàng than rằng "Chuyện đó là có định số, chứ những sự linh dị mà thế gian đồn đại quá nửa là huyễn hoặc. Nếu thiếp muốn đứng lên đi lại cũng chẳng có gì khó, chỉ hiềm không thể giống như người sống nên không làm thôi”. Rồi mở quan tài bước vào, cái xác liền đứng dậy, rỡ ràng khả ái, nhưng sờ vào người thì thấy lạnh như băng.
Nàng toan nằm lại vào quan tài, Từ cố ngăn cản thì nói "Thiếp được phu nhân yêu mến rất mực, chủ nhân đi làm ăn xa về có mấy vạn lượng vàng, thiếp lấy trộm một ít cũng không tra hỏi ráo nết. Sau lúc ốm nặng sắp chết, lại không có ai là thân thích bèn giấu kỹ trong người để cùng chôn một chỗ. Phu nhân thương thiếp chết yểu, lại liệm thêm nhiều châu báu nên sở dĩ xác thân chưa nát chẳng qua là nhờ chút hơi thừa của vàng bạc châu báu thôi, nếu hiện thân sống ở đời thì làm sao lâu dài được? Như chàng nhất quyết muốn thế thì xin đừng ép thiếp ăn uống, nếu làm linh khí tan mất thì du hồn cũng phải tiêu tan", Từ bèn dựng một gian tịnh xá để ở với nhau. Nàng cười nói như người thường nhưng không ăn không ngủ, không gặp người lạ. Hơn năm sau Từ uống rượu hơi say, cầm chén ép đổ cho nàng, nàng lập tức ngã lăn xuống đất, máu trong miệng chảy ra đầm đìa, hết ngày thì thân xác tan rã. Từ hối hận thì việc đã rồi, bèn chôn cất thật hậu.
Di Sử thị nói: Phu nhân dạy con chẳng khác gì người trần, nhưng đối xử với thầy sao mà hậu như vậy? Há chẳng cũng hiền sao? Ta vẫn nói nhà giàu sang không bằng ma phong nhã, nhưng lại gởi gắm lầm cho gã tục tử thô mãng, để đến nỗi vật linh không sống được lâu dài, tiếc thay!
Chu sinh ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) vốn ngang tàng, dạy học ở nhà Cống sĩ Mỗ. Cứ mỗi lần trách phạt học trò thì người mẹ lại sai tớ gái tới xin tha, nhưng sinh không nghe. Một hôm tự tới ngoài cửa nói với thầy, Chu nổi giận vớ lấy thước mắng lớn xông ra, người đàn bà hoảng sợ bỏ chạy, Chu đuổi theo đánh với trúng vào mông nghe bồm bộp, nghĩ mà buồn cười.
Mỗ ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) mỗi năm rước thầy thì giao hẹn đến cuối năm mới tính toán công xá một lần, cả năm thì tính từng ngày, ngày nào thầy đi vắng đều ghi rõ để cuối năm trừ lại. Mã sinh dạy ở đó, lúc đầu thấy y mang bàn tính tới, biết nguyên do rất sợ, sau nghĩ ra một kế bèn đổi giận làm lành, cứ nghe y tính toán, không cãi vã thêm bớt gì cả. Y vì thế vui lắm, cứ nhất định mời sang năm lại tới dạy, Mã lấy cớ phải về quê để từ chối. Nhưng có Mỗ sinh hiệu là Quai Mậu, Mã giới thiệu dạy thay mình. Mỗ tới dạy thì động một tí lại chửi mắng, y không bỉết làm sao đành cố nhịn. Cuối năm mang bàn tính tới, sinh bừng bừng nổi gỉận nhưng cũng cố nhịn ngồi nghe tính toán. Y tính cả những ngày đi đường cho thầy, sinh không nghe, bắt nhà chủ phải chịu. Hai bên cãi nhau không ai chịu ai, vác gậy đánh nhau, cả hai đều sứt đầu mẻ trán, dắt nhau lên quan thưa kiện.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT