Quan Tể tướng nọ vốn làm quan triều Minh, từng hàng giặc, sĩ phu đều chê cười. Lúc già về nhà, dựng miếu thờ tổ tiên, có mấy người ghé vào ngủ đêm ở đó. Sáng ra, thấy trong miếu có một tấm biển đề “Nguyên lão ba triều” và một đôi câu đối viết "Một hai ba bốn năm sáu bảy, Hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm", không biết treo lúc nào, lấy làm lạ nhưng không hiểu ý nghĩa. Có người đoán rằng "Vế đầu ngầm ý là Vương Bát. vế sau ngầm nói là vô sỉ"*, có lẽ đúng thế.
* Vế đầu vô sĩ: Ở đây có chỗ chơi chữ, vì vế đầu chỉ đếm tới số bảy, vế sau còn thiếu chữ "sỉ" (Hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sỉ). Vương Bát nguyên văn là “vong bát", nhưng trong Hán ngữ chữ "vong" (quên) được coi là đồng âm với chữ "vương" (họ Vương). Người Trung Quốc xưa hay dùng từ Vương Bát với ý nghĩa như quân khốn khiếp.
II.
Quan Kinh lược họ Hồng đánh phương nam khải hoàn, về ngang Kim Lăng, lập đàn tế tướng sĩ chết trận. Có người môn nhân cũ tới yết kiến, lạy xong xin trình bài văn tế. Hồng vốn ghét văn chương, lấy cớ mắt kém từ chối. Người ấy nói vậy xin cảm phiền cố nghe cho ta được đọc qua một lượt. Rồi rút bài văn tế trong tay áo ra cất giọng sang sảng đọc lớn, thì ra là bài văn của vua Sùng Trinh triều Minh cũ ngự chế tế Kinh lược họ Hồng*. Đọc xong khóc lớn bỏ đi.
*Kinh lược họ Hồng: tức Hồng Thừa Trù, cuối đời vua Sùng Trinh nhà Minh làm Tổng đốc Hà Bắc Liêu Dưong, đánh nhau với quân Thanh ở Tùng Sơn thua trận đầu hàng, sau giúp nhà Thanh đàn áp phong trào phản Thanh phục Minh, làm tới chức Vũ Anh điện Đại học sĩ của triểu Thanh. Sau trận Tùng Sơn có lời ngoa truyền Hồng đã tử trận nên vua Sùng Trinh đích thân làm bài văn tế Hồng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT