Vương Miễn tự Mẫn Trai người đất Linh Sơn (thuộc tỉnh Quảng Đông) có văn tài, nhiều lần đỗ đầu văn trường nên tính khí kiêu ngạo, hay chửi mắng làm nhục nhiều người. Tình cờ gặp một đạo sĩ, ông nhìn Vương nói “Tướng ông rất sang, nhưng vì khinh bạc bị chiết trừ gần hết rồi. Trí tuệ như ông, nếu sửa mình tu đạo thì còn có thể được ghi tên vào sổ tiên". Vương cười khẩy nói "Phúc trạch thế nào thật không biết được, mà chẳng lẽ trên đời lại có tiên sao?". Đạo sĩ nói "Kiến thức của ông sao lại kém thế? Chẳng cần tìm đâu xa, như ta chính là tiên đây". Vương càng cười là khoác lác, đạo sĩ nói “Ta thì có gì đáng lạ, nếu chịu đi theo ta thì có thể gặp ngay vài mươi vị chân tiên”. Vương hỏi ở đâu, đạo sĩ đáp "Chỉ trong gang tấc”, rồi kẹp gậy vào giữa hai đùi, đưa một đầu cho Vương bảo cưỡi như mình, dặn Vương nhắm mắt rồi quát lớn một tiếng "Bay". Vương thấy gậy to ra hơn chiếc túi đựng năm đấu gạo bay lên không, lén sờ vào thấy vẩy cứng xếp lớp, sợ quá không dám động đậy. Giây lát đạo sĩ quát “Dừng lại!", gậy liền thu lại hạ xuống một phủ đệ lớn lầu gác nối nhau liên tiếp như nơi ở của bậc đế vương.
Có ngôi đài cao hơn trượng, trên đài có mười một tòa điện tráng lệ đẹp đẽ không đâu sánh được. Đạo sĩ dẫn Vương lên, sai tiểu đồng bày tiệc mời khách. Trên điện đặt mấy mươi bàn tiệc, bàn ghế màn trướng nhìn hoa cả mắt, đạo sĩ thay quần áo đẹp đẽ để chờ. Giây lát khách khứa từ trên không đáp xuống, người cưỡi rồng cọp, kẻ cưỡi loan phượng không như nhau, ai cũng mang theo nhạc khí, lại có người là đàn bà, có người là đàn ông, đều để chân trần. Trong đám duy có một người đẹp cưỡi chim phượng sặc sỡ, ăn mặc kiểu trong cung, có đứa thị nhi ôm một nhạc khí dài khoảng năm thước trở lại, không phải đàn cầm không phải đàn sắt, chẳng biết là đàn gì. Tiệc rượu bắt đầu, món ngon vật lạ đầy bàn, ăn vào thấy thơm ngon khác hẳn thức ăn dưới trần.
Vương ngồi im lặng, chỉ chăm chú nhìn người đẹp, trong lòng ưa người lại muốn nghe nhạc, chỉ sợ rốt lại nàng không đàn bản nào. Rượu tàn, một ông già nói lớn "Được Thôi chân nhân có nhã ý gọi tới, hôm nay có thể nói là hội lớn, nên thả sức vui vẻ. Xin những ai mang nhạc khí cùng loại thì họp thành đội để tấu nhạc". Thế là ai vào đội ấy, tiếng tơ trúc dìu dặt vang tới trời cao, duy nàng cưỡi chim phượng thì tài đàn không ai sánh kịp. Khi đàn sáo đều đã im tiếng, đứa thị nhi mới mở túi gấm lấy đàn ra đặt ngang trên ghế, cô gái rung cổ tay ngọc như gảy đàn tranh, tiếng lớn gấp bội đàn cầm, mãnh liệt đủ có thể hởi dạ, êm đềm thì có thể tiêu hồn. Đàn khoảng nửa thời gian nấu chín nồi cơm, cả điện im phăng phắc không có một tiếng ho, hết khúc thì một tiếng ngân lớn vang rền như gõ vào khánh đá. Mọi người cùng khen ngợi, nói "Bản đàn của Vân Hòa phu nhân tuyệt diệu thật", kế đều đứng lên cáo biệt, hạc kêu rồng ngâm cùng lúc tan đi cả.
Đạo sĩ bèn đặt giường ngà nệm gấm cho Vương ngủ. Vương vừa gặp người đẹp lòng đã rung động, sau khi nghe nhạc càng thêm tơ tưởng, nghĩ mình có tài năng, muốn hiển đạt công danh dễ như nhổ cỏ, khi đã được phú quý rồi muốn gì chẳng được, khoảnh khắc trong lòng ngổn ngang trăm mối. Đạo sĩ như đã biết, nói với Vương "Ông kiếp trước là bạn học với ta, sau vì không bền chí nên sa vào lưới tục. Ta vẫn không coi ông là người lạ, thật tình muốn đưa ông ra khỏi vũng nước đục. Không ngờ ông mê muội đã sâu, mờ mịt không gọi tỉnh được. Nay sẽ đưa ông về, chưa hẳn không có ngày gặp lại, nhưng muốn làm tiên trên trời thì phải đến kiếp sau”. Rồi chỉ phiến đá dài dưới thềm bảo Vương nhắm mắt ngồi lên, dặn kỹ không được nhìn. Kế lấy roi quất đá bay lên, Vương nghe tiếng gió rít ù ù bên tai, không biết đã đi được bao xa, chợt nghĩ chưa nhìn rõ cảnh vật phía dưới xem ra sao bèn lén hé mắt thì thấy biển lớn mênh mông không có bờ bến, cả sợ lập tức nhẳm mắt lại nhưng người đã theo đá cùng rơi xuống bùm một tiếng mất tăm như chim âu lặn. May là vốn ở gần biển nên hơi biết bơi, nghe có người vỗ tay reo “Hụt chân đẹp lắm!". Đang lúc nguy cấp thì có một cô gái kéo lên thuyền, nói “May mắn may mắn, Tú tài trúng nước rồi!", Vương nhìn thì thấy nàng khoảng mười sáu mười bảy tuổi, dung mạo xinh đẹp.
Vương ra khỏi nước rét run xin đốt lửa hơ áo, cô gái nói "Theo ta về nhà sẽ có cách, nếu được vừa ý xin đừng quên nhau”. Vương nói “Sao lại nói thế? Ta là tài tử ở Trung nguyên, ngẫu nhiên gặp chuyện không may, nếu qua được con quẫn bách này xin lấy thân đền đáp, đâu chỉ không quên mà thôi". Cô gái chống sào đẩy thuyền đi nhanh như bay, chốc lát đã tới bờ, lấy bó hoa sen mới hái trong thuyền lên rồi dẫn Vương cùng đi. Đi được nửa dặm thì vào thôn, tới một ngôi nhà cánh cổng sơn son quay về hướng Nam, qua mấy lần cổng, cô gái vào trước. Lát sau một người đàn ông bước ra, khoảng hơn bốn mươi tuổi, vái chào mời lên thềm, sai người hầu lấy mũ áo giày tất cho Vương thay, kế hỏi nhà cửa quê quán. Vương đáp “Không dám dối nhau, chắc ông có nghe qua tài danh của ta. Thôi chân nhân rất yêu mến gọi lên trời, nhưng ta tự nghĩ công danh dễ như trở bàn tay nên không muốn ẩn dật”. Người đàn ông đứng lên kính cẩn nói “Nơi đây gọi là Đảo tiên, xa hẳn cõi người. Ta tên Văn Nhược họ Hoàn, mấy đời sống nơi hẻo lánh, may sao lại được gặp bậc tài danh” rồi đặt tiệc ân cần mời mọc.
Kế thong thả nói "Ta có hai con gái, đứa lớn là Phương Vân được mười sáu tuổi, đến nay chưa gặp người xứng đôi, muốn cho hầu hạ bậc cao nhân, ông thấy sao?”, Vương nghĩ là cô gái hái sen bèn đứng dậy cảm tạ. Hoàn mời vài người tuổi cao đức cả trong làng đến, nhìn quanh một lượt rồi lập tức sai gọi con gái. Không bao lâu nghe có mùi hương lạ sực núc, hơn mười tỳ nữ xinh đẹp đỡ Phương Vân ra, xinh xắn lộng lẫy như hoa sen chiếu nắng sớm. Nàng vái chào rồi ngồi xuống, các tỳ nữ đứug hầu, cô gái hái sen cũng trong số đó. Rượu được vài tuần thì một cô gái để tóc bím từ trong ra, mới hơn mười tuổi mà dáng vẻ đã xinh đẹp, tươi cười dựa vào khuỷu tay Phương Vân, ánh mắt long lanh. Hoàn nói "Con gái không ở trong phòng, ra đây làm gì?”, rồi quay ra nói “Đây là Lục Vân, con gái nhỏ của ta, cũng khá thông minh, nhớ được nhiều sách vở". Nhân bảo ngâm thơ cho khách nghe, cô gái bèn đọc ba bài Trúc chi từ, giọng ngâm êm ái dễ nghe. Hoàn cho nàng ngồi cạnh chị rồi nói “Vương lang là bậc thiên tài, văn thơ ắt nhiều lắm, có thể cho ta được nghe chỉ dạy không?". Vương hiên ngang đọc một bài thơ cận thể rồi tự đắc nhìn quanh, trong có hai câu "Một thân thừa chút râu mày đó, Nửa hớp cho tan uất hận này", ông già láng giềng đọc đi đọc lại, Phương Vân cúi đầu nói "Câu trên là Tôn Hành Giả rời động Hỏa Vân, câu dưới là Trư Bát Giới qua sông Tử Mẫu”* cả tiệc vỗ tay cười ầm.
*Câu trên... Tử Mẫu: Tây du ký thuật việc Tôn Ngộ Không tới động Hỏa Vân bị yêu ma là Hồng Hài nhi phóng lửa tam muội đốt suýt chết và việc Trư Bát Giới tới nước Tây Lương uống nước sông Tử Mẫu nên có thai, phải uống nước suối Giải thai mới khỏi, đây Phương Vân dẫn ra để xuyên tạc hai câu thơ đầy "khẩu khí anh hùng" của Vương Miễn.
Hoàn xin đọc bài khác, Vương bèn đọc bài thơ Chim nước "Đầu đầm kêu kíu kít...", chợt quên mất câu kế, còn đang nhớ lại thì Phương Vân ghé tai em thầm thì rồi che miệng cười. Lục Vân thưa với cha “Chị ấy nối câu tiếp theo cho anh rể, là Mông chó vãi bì bùm", cả tiệc lại cười ồ, Vương có vẻ thẹn. Hoàn trừng mắt nhìn Phương Vân, khi Vương đã có vẻ bình tĩnh rồi lại xin Vương đọc văn. Vương cho rằng người ngoài cõi trần không biết văn bát cổ bèn khoe bài làm được chấm hạng nhất ở trường, đầu đề là hai câu "Hiếu thay, Mẫn Tử Khiên...”, câu phá đề là "Thánh nhân khen lòng hiếu của bậc đại hiền...” Lục Vân nhìn cha nói “Thánh nhân không gọi học trò bằng tên tự, câu "Hiếu thay...” ắt là lời của kẻ khác", Vương nghe thấy cụt hứng. Hoàn cười nói "Trẻ con biết gì! Không cốt chuyện ấy, chỉ cần bàn văn thôi".
Vương bèn đọc tiếp, cứ được vài câu hai chị em lại nói khẽ vào tai nhau như bình luận nhưng thì thào nên không nghe rõ. Vương đọc đến đoạn hay, thuật lại cả lời bình của học quan rằng "Chữ chữ đều thống thiết”, Lục Vân nói với cha “Chị nói nên bỏ chữ "thiết” đi”. Mọi người đều không hiểu, Hoàn sợ con ăn nói khó nghe nên không dám gạn hỏi. Vương đọc xong lại thuật lời tổng bình, trong có câu "Trống yết đánh một tiếng thì muôn hoa đều rụng”. Phương Vân lại che miệng nói vào tai em, hai người cùng cười không ngẩng lên được. Lục Vân lại nói với cha "Chị nói trống yết phải đánh bốn tiếng", mọi người vẫn không hiểu. Lục Vân máy miệng định nói, Phương Vân nín cười quát "Con nhãi mà nói thì ta đánh chết!". Mọi người ngờ vực cứ đoán mò này nọ, Lục Vân không nhịn được bèn nói “Bỏ chữ "thiết” đi, nói “thống” tức là “bất thông”*. Đánh bốn tiếng trống là “bất thông lại bất thông" vậy”. Mọi người cười ầm, Hoàn nổi giận quát con rồi đứng lên rót rượu xin lỗi mãi.
* "Thống tức là "bất thông”: theo Đông y, nếu trên người có chỗ nào đau thì đó là vì huyết mạch không lưu thông, Phương Vân nhân đó để chê văn của Vương Miễn là bất thông.
Vương lúc đầu thị tài kiêu căng, trong mắt không coi ai ra gì, đến lúc ấy hùng khí tiêu tan, mồ hôi đầm đìa. Hoàn xin lỗi an ủi, nói "Vừa nghĩ được một câu xin mọi người cùng đối: Vương tử thân biên, vô hữu nhất điểm bất tự ngọc” (Bên cạnh chàng Vương, chẳng có điểm nào không tựa ngọc). Mọi người chưa kịp đối thì Lục Vân đọc ngay "Mẫn ông đầu thượng, tái trước bán tịch tức thành quy" (Trên đầu ông Mẫn, thêm vào tịch nữa sẽ thành rùa)”* Phương Vân cười sặc sụa véo sườn em liền mấy cái. Lục Vân giằng ra bỏ chạy, quay lại nói "Việc gì đến chị? Chỉ mắng anh ấy bao nhiêu thì không thấy là sai, người ta nói một câu lại không cho à?”. Hoàn quát nạt mới cười rồi đi. Các ông già láng giềng cáo từ xong, các tỳ nữ dẫn vợ chồng vào phòng, đèn nến giường màn đã sắp đặt tươm tất. Vương thấy trong phòng tân hôn sách vở đầy giá không thiếu loại nào, hỏi qua những chỗ khó vợ đều trả lời trôi chảy, lúc ấy mới thấy xấu hổ vì hiểu biết của mình còn nông cạn.
*Vương tử... thành rùa: đôi vế đối này là chơi chữ. Trong Hán tự chữ vương thêm một chấm bên cạnh thì thành chữ ngọc, đây ông Hoàn có ý tán tụng Vương Miễn cái gì cũng hay, còn chữ Mẫn thêm chữ tịch (đêm) thì thành chữ quy (con rùa), đây Lục Vân có ý chế nhạo Vương Miễn là đến đêm tân hôn sẽ trở thành đần độn luôn như con rùa, vì Vương Miễn tên tự là Mẫn Trai.
Phương Vân gọi Minh Đang thì cô gái hái sen chạy tới vâng dạ, nhờ vậy Vương mới biết tên nàng. Vương mấy lần bị châm chọc, e rằng trong chốn khuê phòng không được coi trọng, may là Phương Vân tuy ác khẩu nhưng trong chốn phòng the lại rất đằm thắm. Vương ở yên rảnh rỗi lại ngâm nga, vợ nói "Thiếp có lời hay, không biết chàng có chịu nghe theo không?”. Hỏi lời gì thì nàng đáp “Từ nay chàng đừng làm thơ nữa, cũng là một cách che giấu cái dở của mình đấy", Vương xấu hổ quá bèn gác bút luôn. Lâu ngày dần thân mật với Minh Đang, bèn nói với Vân rằng "Minh Đang có cái ơn cứu mạng cho tiểu sinh, xin ít nặng lời cau mặt với nàng". Phương Vân ưng thuận, cứ những lúc vợ chồng vui chơi trong phòng cũng gọi nàng, đôi bên càng ưa nhau, thường ngầm tỏ tình ý.
Phương Vân hơi biết, nhiều lần trách móc nhưng Vương cứ mồm năm miệng mười ra sức thanh minh. Một đêm cùng uống rượu, Vương cho là vắng vẻ, bảo vợ gọi Minh Đang. Phương Vân không chịu, Vương nói “Sách gì nàng cũng đọc, sao chẳng nhớ mấy chữ Độc lạc nhạc*?”. phương Vân nói "Thiếp nói chàng bất thông, nay càng nghiệm. Cách chấm câu còn chưa biết à? Mình cần thì thích người khác cũng cần, nhưng nói tới chuyện vui mà hỏi có cần không thì đáp không**", Vương phì cười bèn thôi. Gặp buổi chị em Phương Vân có hẹn với cô gái láng giềng, Vương được dịp liền dẫn Minh Đang vào, ân ái hết mực. Đến tối thấy bụng dưới hơi đau mà dương vật rụt hết vào, cả sợ nói với Phương Vân. Vân cười nói "Chắc vì báo ơn Minh Đang rồi”. Vương không dám giấu bèn khai thật, Phương Vân nói "Chàng tự chuốc họa, thật thiếp không còn cách nào. Nếu không đau ngứa thì để mặc thế cũng được”.
*Độc lạc nhạc: lấy từ câu trong Mạnh tử “Độc lạc nhạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc?" (Một mình vui nhạc và cùng mọi người vui nhạc, cái nào vui hơn?).
**Mình cần... đáp không: nguyên văn là "Độc yếu nãi lạc ư nhân yếu, vấn lạc thục yếu hồ, viết bất"
Mấy ngày sau không khỏi, Vương lo lắng kém vui, Phương Vân biết ý nhưng không hỏi gì, chỉ chăm chú nhìn chồng, ánh mắt như nước thu trong vắt, sáng như sao buổi sớm. Vương nói "Nàng có thể nói trong lòng ngay thẳng nên mắt sáng”, Phương Vân cười nói "Còn chàng thì có thể nói trong lòng không ngay thẳng nên mất sáng". Bởi người ta thường nói chữ mất gần như chữ mắt nên nàng lấy đó để đùa. Vương cười ngất năn nỉ xin chữa cho, nàng nói "Chàng không chịu nghe lời nói phải, trước đây chưa chắc đã không nghi là thiếp ghen chứ biết đâu là đứa tỳ nữ ấy vốn không thể gần gũi. Lúc trước thật vì yêu thương mà nói, nhưng chàng cứ như đàn khảy tai trâu nên phát ghét bỏ mặc không hỏi tới, nếu không đã chữa cho rồi. Nhưng thầy thuốc phải thăm chỗ đau trước". Rồi sờ vào dưới áo Vương niệm chú rằng "Chim vàng, chim vàng, chớ đậu cành gai", vương bất giác cười lớn, cười xong thì khỏi bệnh. Mấy tháng sau Vương vì còn cha già con nhỏ thường nhớ nhung, tỏ ý với vợ. Nàng nói "Về thì không khó, nhưng không có ngày sum họp nữa mà thôi". Vương sa nước mắt xin cùng về, nàng nghĩ đi nghĩ lại mới ưng thuận.
Ông Hoàn bày tiệc tiễn, Lục Vân cầm giỏ vào nói "Chị sắp đi xa mà không có gì tặng, chỉ sợ khi tới Hải Nam không có nhà mà ở nên đêm qua đã làm giúp chị lầu gác, xin đừng chê là sơ sài". Phương Vân cảm ơn nhận lấy, Vương tới gần xem thì là cỏ nhỏ tết làm lầu gác, ngôi lớn thì bằng quả cam, ngôi nhỏ thì bằng quả quít, khoảng hơn hai mươi gian, kèo cột rui mè đều rõ ràng, bên trong đủ cả giường nằm rèm trướng to bằng hạt vừng. Vương coi như đồ chơi của trẻ con nhưng thầm khen cô nhỏ khéo tay. Phương Vân nói “Nói thật với chàng bọn thiếp đều là địa tiên, vì có túc duyên nên được theo nhau, vốn không có ý bước tới cõi trần nhưng vì chàng còn có cha già nên không nỡ trái lời. Khi nào cha đủ tuổi trời thì phải trở lại đây" Vương kính cẩn xin vâng. Hoàn hỏi muốn đi thuyền hay đi xe, Vương sợ sóng gió nguy hiểm nên xin đi đường bộ. Ra thì thấy ngựa xe đã chờ ngoài cổng bèn từ biệt lên đường. Xe ngựa đi nhanh như bay, chốc lát tới bờ biển, Vương lo không có đường đi. Phương Vân rút ra một tấm lụa trắng ném về phía nam, tấm lụa biến thành con đê dài bề rộng vài trượng, chớp mắt xe ngựa phóng qua, đê cũng rút lại dần. Tới một chỗ nước triều tràn lên, bốn phía mênh mông, Phương Vân bảo dừng lại rồi xuống xe lấy những lầu gác bằng cỏ ra, cùng mấy người bọn Minh Đang bày biện theo thứ lớp, chớp mắt đã hóa thành một phủ đệ lớn. Mọi người cùng vào cởi bỏ hành lý ra, thấy không khác gì lúc còn trên đảo, những bàn ghế giường tủ trong phòng ngủ cũng giống hệt. Lúc ấy trời đã tối bèn ngủ đêm ở đó.
Sáng hôm sau Phương Vân bảo Vương về đón cha mẹ. Vương sai thắng ngựa phóng về làng cũ, tới nơi thì nhà cửa đã thuộc về người khác. Hỏi người làng mới biết mẹ và vợ đều đã chết, chỉ còn cha già. Con trai Vương mê cờ bạc bán sạch nhà cửa ruộng vườn, ông cháu không có chỗ ở phải thuê nhà tại thôn tây trú ngụ. Vương lúc mới trở về vẫn còn ý niệm công danh chưa dứt, khi nghe chuyện nhà như thế trong lòng đau xót, thầm nghĩ nếu được giàu sang cũng chỉ như ảo ảnh. Bèn phóng ngựa qua thôn tây thấy cha ăn mặc rách rưới, mặt mày già sọm rất thương xót, cha con gặp nhau khóc lạc cả tiếng. Hỏi tới thằng con hư đốn thì đi đánh bạc chưa về, Vương bèn chở cha đi. Phương Vân lạy chào xong, nấu nước mời cha chồng tắm rồi đưa áo gấm cho ông mặc, dọn phòng sạch cho ông nghỉ, kế lại mời các bạn già cũ tới chơi với cha, phụng dưỡng còn hơn các nhà thế tộc.
Một hôm đứa con tìm tới, Vương cấm cửa không cho vào, chỉ cho hai mươi lượng vàng, sai người nhắn rằng "Cầm về cưới vợ rồi lo làm ăn, nếu còn tới nữa thì sẽ đánh cho chết tươi”, đứa con khóc lóc mà đi. Vương từ khi trở về rất ít giao du, nhưng nếu bạn cũ tình cờ tới thăm thì tiếp dãi ân cần, khiêm nhường khác xa ngày trước. Riêng có Hoàng Tử Giới vốn là bạn học thuở trước cũng là bậc danh sĩ mà lận đận thì Vương giữ lại chơi rất lâu, thường kể chuyện kín cho nghe, biếu tặng rất hậu. Được ba bốn năm thì Vương ông mất, Vương bỏ hàng vạn quan tiền chôn cất, tống táng đủ lễ. Bấy giờ con trai Vương đã lấy vợ, vợ kiềm thúc rất chặt chẽ nên cũng bớt cờ bạc. Ngày chôn cất Vương ông nàng mới được ra mắt cha mẹ chồng, Phương Vân vừa gặp đã biết là người giỏi việc nhà bèn cho vợ chồng ba trăm lượng vàng để mua ruộng đất nhà cửa. Hôm sau Hoàng và con Vương tới thăm hỏi thì lầu gác đều biến mất không biết là ở đâu.
Dị Sử thị nói: Có người đẹp bên cạnh là điều mà người ta mong cầu cả khi ở giữa nơi địa ngục, huống chi là ở cõi hưởng thọ vô cùng sao? Địa tiên gả con gái đẹp xuống trần, chỉ sợ nơi cửa khuyết của Thượng đế sẽ vắng vẻ không còn ai nữa. Nhưng kẻ khinh bạc thì bị tước giảm lộc số, lý vốn là thế, sao người tiên lại không e ngại nhỉ? Song lời lẽ của người vợ đè nén y sao mà tai ác thế?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT