Chư sinh Bành Hiếu Cổ ở phủ Lai Châu (tỉnh Sơn Đông) ra học ở nhà khác cách nhà khá xa, tiết Trung thu không về, vắng vẻ không có bạn. Nghĩ trong thôn không có ai chuyện trò được chỉ có Khâu sinh là danh sĩ trong huyện, nhưng vốn có tiếng xấu, Bành thường khinh bỉ. Trăng lên càng thấy buồn, bất đắc dĩ đành viết thiếp mời Khâu. Đang uống rượu thì có người gõ cửa, tiểu đồng ra xem thì là một thư sinh muốn yết kiến chủ nhân. Bành ra mời khách vào, vái chào xong cùng ngồi xuống quanh bàn rượu. Hỏi họ tên quê quán, khách đáp “Tiểu sinh là người Quảng Lăng (huyện Giang Đô tỉnh Giang Tô), cùng họ với ông, tự là Hải Thu. Gặp đêm trăng đẹp thế này, ở nhà trọ càng thấy buồn, nghe tiếng ông cao nhã nên tự tới ra mắt". Bành nhìn thấy người ấy áo vải sạch sẽ chỉnh tề, trò chuyện phong nhã, cả mừng nói "Té ra là người đồng tông, đêm nay là đêm gì mà gặp được khách quý thế này!", liền sai rót rượu, mời mọc như bạn thân từ lâu.
Xem ý tứ thì khách có vẻ rất khinh Khâu, Khâu ngẩng lên bắt chuyện thì ngạo mạn không đáp lễ. Bành thẹn thay cho Khâu bèn nói lảng sang chuyện khác, trước tiên xin hát một khúc dân ca giúp vui, kế ngửa mặt ho hắng rồi hát khúc Hào sĩ Phù Phong* sĩ Phù Phong: bài thơ của Lý Bạch thời Đường, cùng nhau vui cười. Khách nói "Ta không biết hát, không lấy gì đáp lại khúc Dương xuân, vậy xin nhờ người khác hát thay được không?” Bành xin vâng lời. Khách hỏi ở phủ thành Lai Châu có danh kỹ nào không, Bành đáp không. Khách im lặng hồi lâu rồi nói với tiểu đồng của Bành "Ta vừa gọi một người tới ngoài cổng, cứ ra dẫn vào đây!”. Tiểu đồng ra quả thấy một cô gái đang ngập ngùng ngoài cửa bèn dẫn vào, thấy tuổi khoảng đôi tám trở lại, xinh đẹp như tiên. Bành ngạc nhiên hết sức, kéo nàng cùng ngồi.
*Hào sĩ Phù Phong: tên bài thơ của Lý Bạch thời Đường.
Cô gái mặc áo màu lá liễu, quàng khăn màu vàng, hương thơm sực nức bốn phía. Khách an ủi nói làm phiền lặn lội ngàn dặm, cô gái mỉm cười dạ dạ. Bành lấy làm lạ gạn hỏi, khách đáp "Quý địa khổ cái không có giai nhân, ta vừa phải gọi nàng đây trên thuyền ở Tây Hồ tới đấy". Rồi nói với cô gái "Khúc Chàng bạc tình nàng vừa hát trên thuyền hay lắm, xin hát lại lần nữa". Cô gái bèn ca rằng:
Giọng người xa, tiếng ngựa khuất, trời sông cao, trăng núi nhỏ
Quay đầu đi không về, trong sân ngày rạng tỏ
Ly biệt quen không hờn, Sum vầy buồn ít có
Ngủ nơi đâu? Đừng như tơ theo gió
Cho dù chẳng phong hầu, Chớ tới Lâm Cùng đó*.
* Chớ tới Lâm Cùng đó: nguyên văn là "Mạc hướng Lâm Cùng khứ", câu trong bài Cổ biệt ly của Mạnh Giao "Dục biệt khiên lang y, Lang kim đáo hà xứ? Bất hận quy lai trì, Mạc hướng Lâm Cùng khứ" (Chia tay níu áo chàng, Đi đâu vào sương gió? Chẳng hận người lâu về, Chớ tới Lâm Cùng đó). Sử ký, Tư Mã Tương Như truyện chép Tương Như người Thành Đô nhà nghèo tới nương tựa Huyện lệnh Lâm Cùng, nhân gặp con gái Trác Vương Tôn là Văn Quân mới góa chồng bèn gãy khúc phượng cầu hoàng khêu gợi, Văn Quân bèn đang đêm trốn theo Tương Như về quê nhưng nghèo khổ quá bèn cùng trở lại Lâm Cùng mở quán bán rượu. Đây ý nói đừng bỏ mất chí khí.
Khách rút chiếc sáo ngọc trong ống giày theo khúc hát mà thổi, khúc dứt thì tiếng sáo cũng ngừng. Bành kinh ngạc khen ngợi không thôi, nói "Từ Tây Hồ tới đây đâu phải chỉ ngàn dặm, thế mà trong khoảnh khắc gọi người tới được, chẳng phải là tiên sao?". Khách đáp “Đâu dám nói là tiên, nhưng coi muôn dặm chỉ như trong sân ngoài cổng. Đêm nay gió trăng trên Tây Hồ còn đẹp hơn hôm trước, không thể không tới chơi một chuyến, ông có thể đi chơi với ta không?". Bành đang muốn xem xét việc lạ liền nhận lời nói rất may mắn. Khách hỏi đi thuyền hay ngựa, Bành nghĩ ngồi thuyền đỡ mệt hơn bèn đáp xin cho đi thuyền. Khách nói "Chỗ này gọi thuyền hơi xa, trên Thiên Hà chắc có người chở đò". Bèn giơ tay lên không vẫy gọi "Thuyền ơi xuống đây! Bọn ta muốn tới Tây Hồ, không tiếc tiền thưởng đâu”. Giây lát một chiếc thuyền kết hoa từ trên không lướt xuống, mây khói vướng vít chung quanh, mọi người cùng bước lên.
Thấy một người cầm mái chèo ngắn, đoạn cuối giắt đầy lông chim dài trông như cái quạt vừa phe phẩy thì gió mát ào ào nổi lên, thuyền dần bay vào mây xanh lướt về phía nam, đi nhanh như tên bắn. Trong khoảnh khắc thuyền đáp xuống nước, chỉ nghe đàn sáo rộn ràng, chiêng trống ầm ĩ. Bước ra mũi thuyền nhìn quanh thấy trăng in khói sóng, thuyền dạo choi đông như họp chợ, những người chân sào đều gác mái chèo để mặc thuyền tự trôi, nhìn kỹ thì đúng là Tây Hồ. Khách lấy các món ăn lạ và rượu ngon sau khoang ra vui vẻ đối ẩm. Lát sau một chiếc lâu thuyền tới gần rồi đi sát bên cạnh, nhìn qua song cửa thấy trong khoang có hai ba người đang ngồi quanh bàn cờ cười nói. Khách rót một ly rượu đưa cô gái, nói "Xin cạn chén này rồi sẽ đưa nàng về". Lúc cô gái đang nâng chén, Bành lưu luyến bồi hồi, chỉ sợ nàng đi mất, bèn khẽ đạp vào chân nàng. Cô gái đưa mắt liếc ngang, Bành càng xao xuyến, xin hẹn ngày gặp lại.
Cô gái nói “Nếu thương yêu nhau, cứ hỏi tên Quyên Nương thì ai cũng biết". Khách lập tức lấy chiếc khăn lụa của Bành trao cho nàng, nói “Ta thay ông ấy ước hẹn ba năm sau”, kế đứng lên đặt cô gái vào lòng bàn tay, nói “Tiên ư! Tiên ư!" rồi kéo cửa sổ thuyền bên cạnh đưa nàng qua, song cửa sổ chỉ rộng vài tấc mà cô gái trườn qua không có gì vướng víu. Giây lát nghe thuyền bên nói "Quyên Nương tỉnh rồi", rồi lập tức lướt đi, nhìn xa xa thấy đã ghé vào bờ, người trong thuyền nhốn nháo bước lên. Bành chợt thấy mất hứng, bèn nói với khách muốn lên bờ một lúc cùng xem qua phong cảnh. Còn đang bàn bạc thì thuyền đã tự ghé vào bờ. Bành rời thuyền lên bộ dạo quanh, đi khoảng hơn một dặm thì khách phía sau đi tới, dắt một con ngựa bảo Bành giữ rồi lập tức quay đi, dặn "Đợi ta mượn thêm hai con ngựa nữa", nhưng hồi lâu không tới. Trên đường đã vắng người, ngẩng nhìn thấy trăng xế về tây, trời đã sắp rạng mà không rõ Khâu đi đâu. Bành dắt ngựa loanh quanh không biết nên đi hay ở, bèn giong cương tới nơi thuyền đậu thì cả người lẫn thuyền đều biến mất, nghĩ tới trong túi rỗng không, càng thêm lo sợ.
Trời sáng rõ, thấy trên mình ngựa có một cái túi nhỏ, lục xem thấy có ba bốn lượng bạc, bèn mua thức ăn rồi ngẩn ngơ chờ, bất giác đã đến trưa. Nghĩ bụng cứ hỏi thăm Quyên Nương sẽ dần dần hỏi được tin Khâu, nhưng nói tới tên Quyên Nương thì không người nào biết. Bành thất vọng buồn bã, hôm sau lên đường. Con ngựa rất hay, may mà không gặp chuyện gì, nửa tháng mới về tới nhà. Lúc ba người cưỡi thuyền bay lên, đứa tiểu đồng về báo chủ nhân đã lên tiên, cả nhà đau buồn khóc lóc, nghĩ rằng sẽ không về nữa. Bành buộc ngựa vào, người nhà ngạc nhiên mừng rỡ xúm lại hỏi han, Bành mới kể hết những việc kỳ lạ, lại nghĩ chỉ có mình trở về, sợ nhà Khâu biết tin sẽ qua gạn hỏi bèn dặn người nhà giữ kín. Kế lại nói tới con ngựa ở đâu mà ra, mọi người thấy là của tiên cho bèn rủ nhau ra chuồng xem, tới nơi chẳng thấy ngựa đâu, chỉ thấy Khâu sinh bị buộc cạnh chuồng bằng dây cương cỏ, phát hoảng gọi Bành ra xem.
Thấy Khâu gục đầu dưới máng cỏ, mặt xám như tro, hỏi gì cũng không đáp, chỉ chớp chớp hai mắt mà thôi. Bành bất nhẫn sai cởi dây cương vực lên giường, thấy Khâu như người mất hồn, đổ cháo cho cũng nuốt được chút ít. Đến nửa đêm hơi tỉnh muốn ra nhà xí xốc nách đưa đi thì són ra mấy cục phân ngựa. Lại cho ăn uống qua loa mới bắt đầu nói được. Bành tới cạnh giường hỏi han, Khâu kể "Sau khi rời thuyền, y dẫn ta dạo chơi trò chuyện, tới chỗ vắng vỗ đùa vào gáy, ta liền ngã ra mê man, nằm giây lát định thần nhìn lại thấy mình đã hóa ra thân ngựa, tâm trí vẫn tỉnh táo, chỉ có không nói năng được mà thôi. Chuyện này thật vô cùng nhục nhã, không thể kể cho vợ con được, xin ông đừng nói lộ ra". Bành nhận lời, sai đầy tớ dắt ngựa đưa Khâu về.
Bành từ đó không sao quên được Quyên Nương. Ba năm sau vì người anh rể làm Phán quan ở Dương Châu, Bành nhân tới thăm. Ở đó có Lương công tử là nhà thế giao mở tiệc mời Bành tới uống rượu, trong tiệc có mấy người ca kỹ đều tới yết kiến. Công tử hỏi Quyên Nương, người nhà thưa là bị ốm. Công tử túc giận nói "Con tiện tỳ lên mặt làm cao, đem dây đi trói mang lại đây cho ta". Bành nghe tên Quyên Nương, giật mình hỏi là ai, công tử đáp "Thị là con hát số một ở Quảng Lăng, có chút danh tiếng nên đâm ra vô lễ". Bành ngờ chỉ là ngẫu nhiên trùng tên nhưng vẫn hồi hộp, chỉ mong được thấy mặt ngay. Không bao lâu Quyên Nương tới, công tử giận dữ kể tội. Bành nhìn kỹ thì đúng là người đã gặp hôm Trung thu, bèn thưa với công tử "Nàng này với ta là chỗ quen biết cũ, mong ông tha cho". Quyên Nương nhìn kỹ Bành, dường như có vẻ ngạc nhiên. Công tử chưa hỏi kỹ lại, cứ sai mời rượu. Bành hỏi còn nhớ khúc Chàng bạc tình không, Quyên Nương càng kinh hãi, nhìn Bành chằm chằm rồi mới cất tiếng hát, nghe giọng hát vẫn giống như đêm Trung thu năm trước.
Rượu tàn, công tử sai nàng hầu hạ chăn gối cho khách. Bành nắm tay nàng hỏi “Lời hẹn ba năm hôm nay mới làm được chăng?” Quyên Nương đáp “Năm trước theo người ta chơi thuyền ở Tây Hồ, thiếp uống chưa được mấy chén chợt như say, lúc mơ mơ hồ hồ bị một người nhấc lên đặt xuống một thôn, có một tiểu đồng dẫn thiếp vào nhà, thấy trên chiếu rượu có ba người mà chàng là một. Sau đó đi thuyền tới Tây Hồ, người ta đưa thiếp về thuyền cũ qua song cửa sổ, nắm tay ân cần từ biệt. Mỗi khi nhớ lại vẫn nghĩ là mộng ảo, nhưng chiếc khăn lụa sờ sờ ra đó, thiếp vẫn trân trọng cất giữ". Bành kể lại mọi việc rồi cùng nhau than thở, Quyên Nương co người rúc vào lòng Bành, nức nở nói "Người tiên đã làm mối cho nhau, xin chàng đừng cho thiếp là kẻ phong trần vứt đi mà quên người trong bể khổ". Bành đáp "Lời hẹn trên thuyền chưa từng ngày nào lãng quên, nếu nàng có lòng thì ta có phải dốc túi bán ngựa cũng không tiếc". Sáng hôm sau Bành kể với công tử, lại mượn anh rể ngàn vàng xóa sổ cho nàng rồi đưa nhau về quê. Tình cờ tới gian nhà riêng của Bành, nàng vẫn nhận ra được nơi uống rượu năm xưa.
Dị Sử thị nói: Ngựa mà là người, ắt kẻ ấy làm người cũng như là ngựa, bảo làm ngựa thì hận là không được làm người đó thôi. Voi cọp loan hạc cũng đều phải chịu thắng yên buộc cương, sao có thể nói đó không phải là lòng nhân ái của thần tiên? Nếu có ước hẹn ba năm thì cũng phải vượt qua bể khổ vậy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT