Cái án Vu Thất* phát ra, những kẻ liên lụy bị giết nhiều nhất là người hai huyện Thê Hà, Lai Dương (tỉnh Sơn Đông), mỗi ngày có tới mấy trăm người bị giải ra pháp trường xử chém, máu đen ngập đất, xương trắng ngút trời. Quan trên nhân từ cấp cho quan tài, các hiệu bán quan tài trong thành Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) hết sạch cả hàng, vì vậy những người bị xử tử phần lớn được chôn ở cánh đồng phía nam thành. 

*Cái án Vu Thất: tức vụ khởi binh chống triều đình của Vu Thất ở huyện Thê Hà tỉnh Sơn Đông năm Thuận Trị thứ 18 (1661), bị nhà Thanh đàn áp rất thảm khốc. 

Năm Giáp dần có thư sinh người huyện Lai Dương tới chơi Tắc Hạ (cửa nam thành Tế Nam), vì có hai ba người bạn bị xử tử nên nhân đó mua giấy tiền vàng bạc ra cúng ở đám mả hoang, rồi tới thuê một gian phòng trong chùa ở trọ. Hôm sau vào thành lo công việc, xế chiều vẫn chưa về. Chợt có một thiếu niên tới phòng trọ thăm, thấy sinh đi vắng liền bỏ mũ leo lên giường, để nguyên giày nằm ngửa, đầy tớ sinh hỏi chỉ nhắm mắt không trả lời. Lúc sinh về trời đã nhá nhem, không nhìn rõ mặt bèn tới cạnh giường hỏi, khách trợn mắt nói “Ta đang chờ chủ ngươi, sao cứ hạch hỏi lôi thôi, chẳng lẽ ta là trộm cướp à?” Sinh cười nói “Chủ nhân đây". Thiếu niên vội vùng dậy, đội mũ sửa áo ngồi xuống, vồn vã hỏi thăm. 

Sinh nghe tiếng như người quen, vội gọi lấy đèn, thì ra là Chu sinh người cùng huyện, cũng chết trong nạn Vu Thất, cả sợ bỏ chạy. Chu kéo lại nói "Ta với ông là bạn văn chương, sao vô tình với nhau như thế? Ta tuy là ma nhưng vẫn canh cánh nhớ cố nhân, nay có chuyện muốn làm phiền, xin đừng coi là khác loài mà xử tệ". Sinh bèn ngồi xuống xin nghe sai bảo, Chu nói "Cháu gái ông hiện ở một mình không có chồng, ta muốn cưới nàng về lo việc trong nhà, đã mấy lần nhờ mai mối dạm hỏi nhưng nàng cứ lấy cớ là không có lệnh của bậc tôn trưởng để từ chối, xin ông nói giúp cho một câu”. 

Trước sinh có đứa cháu gái gọi bằng cậu, mồ côi mẹ từ nhỏ nên sinh đem về nuôi, đến năm mười lăm tuổi mới về sống với cha. Nàng bị bắt giải tới Tế Nam, nghe tin cha bị hành hình, gào khóc tắt hơi mà chết. Sinh nói "Có cha nó đó, sao lại cầu ta?”. Chu đáp “Cha nàng đã được người cháu bốc mộ mang đi, hiện không có ở đây". Sinh hỏi cháu gái mình đang ở với ai, Chu đáp nàng ở chung với bà láng giềng. Sinh ngại người sống không thể làm mai mối cho ma, Chu nói "Nếu ông chịu giúp thì xin phiền dời gót ngọc", rồi đứng dậy nắm tay sinh kéo đi. Sinh từ chối, hỏi đi tới đâu, Chu nói "Cứ đi sẽ biết", sinh bèn miễn cưỡng đi theo. Đi về phía bắc khoảng một dặm thấy có thôn xóm đông đúc, ước chừng mấy trăm nóc nhà. 

Tới một gian nhà, Chu gõ cửa, lập tức có bà già ra mở cả hai cánh cửa, hỏi Chu tới có việc gì. Chu nói "Làm phiền bà nói với nương tử rằng có ông cậu tới," Bà già quay vào, giây lát trở ra mời sinh vào, nhìn Chu nói "Có hai gian nhà tranh chật chội, phiền công tử ngồi đợi ngoài cổng một lúc", sinh theo bà ta vào, thấy bên trong là nửa mẫu vườn hoang, có hai gian phòng nhỏ, đứa cháu gái khóc lóc đứng đón ở cửa, trong phòng đèn lửa lờ mờ. Cô gái dung mạo vẫn xinh xắn như lúc còn sống, gạt lệ hỏi thăm tất cả các dì các mợ. Sinh đáp "Mọi người khỏe cả, duy có vợ ta đã qua đời rồi". Cô gái lại sụt sùi khóc, nói "Cháu lúc nhỏ được cậu mợ nuôi nấng, chưa có chút gì báo đáp mà không ngờ đã vùi xác nơi ngòi rãnh trước, rất đỗi ân hận. Năm trước ông anh lớn con nhà bác tới mang hài cốt cha cháu về nhưng không nghĩ gì tới cháu, bơ vơ ngoài mấy trăm dặm như én thu lạc đàn, cậu lại không bỏ qua hồn ma vất vưởng, lại đốt cho vàng bạc, cháu đã nhận được rồi". Sinh bèn kể lại lời Chu, cô gái cúi mặt im lặng. 

Bà già nói "Chu công tử nhờ bà Dương tới dạm hỏi năm ba bận, già nói việc này rất đáng mừng nhưng nương tử không chịu tự lấy chồng kiểu qua quít, nay được ông cậu làm chủ hôn, mới ưng ý như thế đấy". Bà ta vừa dứt lời thì một nữ lang khoảng mười bảy mười tám tuổi, có đứa hầu gái theo sau xăm xăm bước vào, vừa thấy sinh liền quay người toan chạy. Cháu gái sinh nắm vạt áo kéo lại nói "Không cần phải làm thế, đây là cậu ruột ta, không phải người ngoài". Sinh vái chào, nữ lang cũng khép nép đáp lễ. Cháu sinh nói "Đây là Cửu Nương, họ Công Tôn ở huyện Thê Hà. Ông thân sinh là con nhà thế gia cũ nhưng nay cũng sa sút, không thích chơi với ai, sớm tối chỉ qua lại bạn với cháu”. 

Sinh liếc thấy nàng mỉm cười miệng sáng tựa trăng thu, bẽn lẽn má hồng như ráng sớm, xinh đẹp như tiên bèn nói "Nhìn thì biết ngay là con nhà đại gia, chứ lều tranh vách đất làm sao có người đẹp như vậy được”. Cháu sinh nói "Đã thế còn là nữ học sĩ, thơ phú đều hay, trước nay cháu vẫn được nàng chỉ dạy”. Cửu Nương cười khẽ nói “Con nhãi bỗng dưng lại bêu xấu người, ông cậu cười cho kìa!”. Cháu sinh lại cười nói “Cậu góa vợ chưa tục huyền, thế người như nương tử đây cậu có vừa ý không?”. Cửu Nương cười chạy ra, nói "Con nhãi điên rồi", rồi bỏ đi. Câu nói tuy giống như đùa giỡn nhưng sinh rất thích, cháu sinh biết ý bèn nói "Tài mạo Cửu Nương thiên hạ không ai sánh kịp, nếu cậu không chê là ma thì cháu sẽ nói giùm với mẹ nàng". Sinh cả mừng nhưng ngại người với ma khó kết vợ chồng với nhau, cháu sinh nói “Không sao đâu, nàng với cậu vốn có túc duyên với nhau”. Sinh ra về, cháu gái tiễn ra, nói "Năm hôm nữa, lúc trăng thanh người vắng, sẽ sai người tới đón cậu”. 

Sinh ra ngoài cổng không thấy Chu đâu, nhìn về phía tây thấy nửa vành trăng trong ánh sáng mờ mờ còn nhận ra đường cũ. Đi một quãng thấy phía nam có một ngôi nhà, Chu đang ngồi chờ trên bậc thềm ngoài cổng, đứng lên đón, nói “Ta chờ ông lâu rồi, mời ông quá bộ vào tệ xá”, rồi cầm tay sinh đưa vào, ân cần cảm tạ. Kế đưa ra một cái chén vàng, trăm hạt ngọc châu nói “Chẳng có gì đáng giá, xin nhận mấy thứ này thay sính lễ”. Kế nói “Trong nhà cũng có ít rượu dở, nhưng vật dưới âm ty sợ không mời khách quý được, làm thế nào?". Sinh khiêm tốn từ tạ, Chu tiễn tới nửa đường mới quay về. 

Sinh về tới nơi trọ, các sư và đầy tớ xúm lại hỏi han, sinh giấu kín chuyện? nói “Ai nói ta gặp ma là nói bậy, mới rồi ta tới nhà người bạn uống rượu thôi". Sau năm hôm quả thấy Chu tới, sửa giày phẩy quạt có vẻ đắc ý vui mừng lắm, vừa vào tới sân đã vái lạy. Giây lát cười nói "Việc vui mừng của ông đã thu xếp xong, đêm nay làm lễ cưới rồi, xin mời lên đường". Sinh nói "Ta vì không thấy có tin tức gì nên còn chưa nộp sính lễ, làm sao đã thu xếp xong?” Chu nói "Ta đã nộp thay cả rồi”. Sinh hết lời cảm tạ rồi cùng đi tới nơi vào thẳng nhà trong, thấy cháu gái ăn mặc đẹp đẽ tươi cười ra đón. Sinh hỏi làm đám cưới lúc nào, Chu đáp đã ba hôm. Sinh bèn đưa số vàng ngọc Chu tặng hôm trước để thêm vào của hồi môn cho cháu gái, cô gái từ chối hai ba lần mới nhận, rồi nói với sinh "Cháu tỏ ý cậu với Công Tôn phu nhân, phu nhân rất vui mừng, chỉ nói rằng đã già cả không có con cháu nào khác nên không muốn Cửu Nương lấy chồng xa, hẹn đêm nay cậu tới gởi rể tại nhà. Nhà ấy không có đàn ông, để chồng cháu qua làm lễ với cậu cũng được". 

Chu liền dẫn sinh đi tới cuối thôn thấy một ngôi nhà mở cổng sẵn, hai người lên thẳng sảnh đường. Giây lát gia nhân báo phu nhân tới, có hai người hầu gái đỡ bà già lên thềm. Sinh định lạy chào, phu nhân nói "Ta già yếu lọm khọm, không thể đáp lễ, xin bớt bớt nghi thức thôi", rồi sai đám hầu gái bày tiệc mừng. Chu cũng gọi gia nhân đem ra một mâm riêng đặt trước mặt sinh, lại lấy ra một bầu rượu riêng để sinh uống. Các món ăn trong tiệc không khác gì với trần gian, chỉ có chủ nhân tự rót uống chứ không mời mọc khách. Kế tan tiệc, Chu ra về, hầu gái đưa sinh vào. Tới phòng trong thấy Cửu Nương ngồi bên đuốc hoa đợi sẵn, duyên may giải cấu, người ngọc đa tình, gặp gỡ nhau vô cùng vui sướng. 

Nguyên là trước kia mẹ con Cửu Nương bị giải lên kinh, nhưng tới Tế Nam thì mẹ nàng chết vì không chịu nổi khổ cực, Cửu Nương cũng tự vẫn chết theo. Nay trên gối kể lại chuyện đã qua, nàng thổn thức không sao ngủ được, bèn khẩu chiếm hai bài thơ tứ tuyệt: 

I. Tích nhật la thường hóa tác trần, 

Không tương nghiêp quả hận tiền thân.. 

Thập niên lô lãnh phong lâm nguyệt, 

Thủ dạ sơ phùng họa các xuân. 

II. Bạch dương phong vũ nhiễu cô phần, 

Thùy tưởng Dương đài cánh tác vân. 

Hốt khải lũ kim sương lý khán, 

Huyết tinh do nhiễm cựu la quần. 

(I. Xiêm áo ngày xưa hóa bụi trần 

Luống đem nghiệp chướng hận tiền thân 

Rừng bàng sương lạnh mười năm nguyệt 

Lầu gác đêm nay mới sáng xuân 

II. Mưa gió mồ hoang quạnh bạch dương 

Đâu ngờ mây lại phủ đài Dương 

Chợt mở rương xưa nhìn vật cũ 

Máu vấy xiêm y nghĩ đoạn trường) 

Trời gần sáng, nàng giục sinh "Chàng nên về sớm, đừng để bọn tôi tớ sợ hãi”. Từ đó ngày đi đêm tới hết sức gắn bó. Một đêm sinh hỏi Cửu Nương làng này tên là gì, nàng đáp “Là làng Lai Hà, trong làng phần nhiều là ma mới, vốn là người hai huyện Lai Dương và Thê Hà, nhân đặt tên như thế". Sinh nghe thế bùi ngùi than thở, nàng buồn rầu nói "Cô hồn ngàn dặm trôi nổi không nhà, tình cảnh mẹ con thiếp nói tới thật đau xót. Nếu chàng nghĩ tới ơn nghĩa một đêm, xin thu nhặt giùm hài cốt mẹ con thiếp đem về chôn cất cạnh mồ mả ông bà cho được trăm đời có chỗ nương dựa thì chết cũng còn có tiếng thơm". 

Sinh nhận lời, nàng lại nói “Người và ma khác loài, chàng cũng không nên ở lại chốn này lâu”, rồi đưa tặng sinh cái khăn lụa, gạt lệ giục lên đường. Sinh buồn rầu đi ra, trong lòng đau đớn, bồi hồi không nỡ ra về, nhân qua gõ cửa nhà Chu. Chu chạy chân không ra đón, cháu sinh cũng trỗi dậy, tóc còn chưa chải, hoảng sợ ra hỏi han cậu. Sinh ngậm ngùi hồi lâu mới thuật lại lời Cửu Nương. Cháu gái sinh nói "Mợ mà không nói thì cháu cũng đã tính toán lâu nay, nơi đây không phải là trần gian, quả thật cậu không nên ở lâu”. Rồi đó nhìn sinh rơi lệ, sinh cũng ứa nước mắt từ biệt. Trở về gõ cửa nhà trọ, nằm thao thức đến sáng, trở dậy muốn tìm mộ Cửu Nương thì nhớ ra là quên hỏi dấu tích. Đến tối trở lại nơi đó thì thấy mồ mả ngổn ngang, không tìm ra được đường đi làng xóm đành than thở quay về. 

Giơ chiếc khăn nàng tặng ra xem, gặp cơn gió thổi qua lập tức mủn ra, nát vụn như tro, bèn thu xếp hành trang về quê. Liền nửa năm không thể yên lòng, lại tới Tế Nam mong có dịp gặp lại nàng. Tới cánh đồng phía nam thành thì trời đã xế chiều, liền buộc ngựa vào gốc cây trước sân đình rồi đi mau vào bãi tha ma. Chỉ thấy mồ mả trùng trùng, cỏ gai mút mắt, ma trơi lập lòe, chồn kêu ảo não, ghê lòng sởn gáy, sợ hãi đau xót trở về chỗ trọ, chán nản không muốn đi chơi đâu cả, dong ngựa về quê. Đi được khoảng một dặm, nhìn thấy xa xa có một nữ lang thơ thẩn giữa đám mồ mả, lấy làm lạ vì dáng vẻ phong thái rất giống Cửu Nương, liền ra roi thúc ngựa tới gần nhìn thì đúng là nàng. Sinh xuống ngựa định hỏi han, nhưng nàng bỏ chạy như không quen biết. Sinh lại lên ngựa đuổi tới gần, nàng tỏ vẻ giận dữ lấy tay áo che mặt, sinh vội gọi tên Cửu Nương thì nàng biến mất. 

Dị Sử thị nói: Khuất Nguyên gieo mình xuống sông, máu đầy gan ruột, Thân Sinh đeo quyết ra trận, lệ đẫm cỏ cây* các bậc tôi trung con hiếu ngàn xưa có kẻ đến lúc chết vẫn không xét lại vua cha của mình. Có lẽ Công Tôn Cửu Nương tuy đem hài cốt chết theo cha mẹ nhưng vẫn không cởi bỏ được mối oán hờn trong lòng chăng? Ý niệm trong lòng không thể vốc ra cho người khác nhìn rõ, mới oan uổng làm sao! 

*Khuất Nguyên... cỏ cây: Sử ký chép Khuất Nguyên là trung thần nước Sở thời Chiến quốc, bị các nịnh thần ghen ghét gièm pha khiến Sở Hoài vương không dùng, Nguyên xỏa tóc đi lang thang bên đầm, ngâm thơ để tỏ chí rồi gieo mình xuống sông Mịch La tự tử. Tả truyện chép Thân Sinh là Thái tử của Tấn Hiến công thời Xuân thu, Hiến công yêu vợ lẽ là Ly Cơ, muốn lập con Ly Cơ là Hề Tề nối ngôi nên muốn giết Thân Sinh, sai Thân Sinh đi đánh Cao Lạc thị ở Đông Sơn, đeo cho Thân Sinh cái kim quyết. Đại phu nước Tấn là Hồ Đột than "Đeo cho cái kim quyết thì chúa công có ý muốn phế Thái tử rồi", vì Kim quyết (cái quyết bằng vàng) đồng âm với kim quyết (từ nay vĩnh biệt). Câu này ý nói những kẻ tôi trung con hiếu nhiều khi vẫn bị oan uổng, đây chỉ nhân vật Công Tôn Cửu Nương.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play