Tối hôm ấy, trăng sáng vằng vặc. Tôi và Thạch Phong quấn quít bên nhau trên sân thượng. Chúng tôi tựa vào lan can dõi trong về phiá xa. cánh đồng trải dài mông lung dưới ánh trăng vàng. Những dãy núi ẩn hiện ở phiá chân trời, rồi rừng thông, rừng trúc, gần đó, khoe mầu xanh biếc như mặt nước đại dương. Chỉ có ở Vườn Thúy là có thể trong thấy rõ rệt, bao đóa hoa lung linh như được mạ một lớp bạch ngân.
- Anh có trông thấy gì không? Tôi hỏi.
- Không!
- Kia kìa! Từ cung trăng đang thòng xuống một chiếc thang, nàng tiên của chúng ta đang từ trên đó bước xuống.
Chàng cười đáp:
- Em đâu còn phải cần có nàng tiên nào nữa, vì chính em là nàng tiên đó.
Thạch Phong nói xong vòng tay qua lưng tôi, đầu tôi tự nhiên tựa lên vai chàng, chàng nghiêng đầu hôn nhẹ lên trán tôi:
- Em là cô gái lơ đãng đi trên đường bị xe anh đụng phải và kêu la như con mèo nhỏ sựng lông sừng sộ với anh.
Tôi cười nói:
- Còn anh, anh là gã đàn ông ngang tàng tự cao, tự đại nhưng lại giống như con ngựa hoang bị trói buộc bằng rất nhiều sợi dây và điên cuồng gào hí vang trời!
- Ê, em lại cố ý trêu chọc anh đó phải không?
- Thế còn anh, anh đừng quên là anh đã ngang nhiên trêu chọc em từ trước đến nay thì sao?
- Anh trêu chọc em?
- Chứ lại còn không ư? anh đã giao cho em một việc làm khá ngộ nghĩnh!
- Không phải vậy đâu Mỹ Hoành!
Nụ cười bỗng tan biến trên môi Thạch Phong, chàng nghiêm trang bảo tôi:
- Thoạt đầu tiên, anh cứ nghĩ rằng... có thể dùng một người con gái khác thay thế Tiểu-Phàm, để cứu vớt Tiểu Lỗi! Nhưng anh có ngờ đâu, em đã nhảy xổ vào trái tim anh. Quả tình từ trước đến nay, anh chưa từng gặp người con gái nào như em, lúc sắc bén, thì như một lưỡi dao, lúc nhu mì thì phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Anh phải dùng hết cách tự kiềm chế để che chở trái tim anh.
Thạch Phong áp má lên má tôi, tôi nhắm mắt dùng giọng mũi hừ lên một tiếng nói:
- Anh thật là một người anh vĩ đại, dám đem cả tình yêu nhường cho đứa em út của mình!
- Em lại hướng mũi dao về phiá anh rồi!
Tôi bật cười nép sát vào Thạch Phong. Lòng tôi rộn rã niềm vui, cho đến giờ phút này, tôi mới cảm thấy rõ rệt là tôi lưu lại Vườn Thúy không những do sức thu hút của Tiểu-Phàm, không những vì Tiểu Lỗi, cũng không những vì câu chuyện cảm động kia, mà chính là gã đàn ông bên cạnh tôi. Tôi ngẩng mặt nhìn lên trời, vầng trăng sáng đang ẩn mình trong một lớp mây mỏng. Có phải nàng tiên huyền ảo của tôi đã đưa tôi đến Vườn Thúy không? Tâm trí tôi bàng hoàng, tất cả tâm linh tôi đang đắm chìm trong lớp sóng say sưa dào dạt của tình yêu.
- Mỹ Hoành! Thạch Phong khẽ gọi.
- Dạ.
Thạch Phong có vẻ không yên tâm nói:
- Em không có hảo cảm đối với Tiểu Lỗi sao?
- Anh nói chi?
- Tiểu Lỗi nó còn trẻ, lại đẹp trai, lại tài ba hơn anh, em lại có thể không thương hắn được sao?
- Dĩ nhiên là em thương hắn vô cùng!
- À!
Thạch Phong như nghẹn ngào rồi vội nói:
- Nếu thế thì em còn đợi gì mà không chọn nó làm phối ngẫu?
- Không anh lầm rồi, em thương hắn như một người chị thương một đứa em...
Tôi ung dung giải thích thêm:
- Đó không phải là tình yêu, có phải không anh? vả lại em đâu có phải là Tiểu-Phàm!
- Thì đã hẳn thế. Thạch Phong nói nhanh để công nhận.
- Anh xem thường Tiểu Lỗi quá... riêng em, em đã hiểu rõ, mối tình của Tiểu Lỗi thiệt là thủy chung như nhất và rất cao cả, bởi vậy không ai thay thế được Tiểu-Phàm. Giả sử sau này, Tiểu Lỗi có một tình yêu khác đi nữa, thì trong tâm khảm của nó vẫn còn có một vị trí, mãi mãi dành cho Tiểu-Phàm.
Tôi thở dài nói tiếp:
- Mối tình này rất đỗi thê lương, nhưng cũng vô cùng mỹ lệ!
- Thật ra nó không đẹp như sự tưởng tượng của em đâu, Mỹ Hoành!
- Sao? Tôi ngạc nhiên nhìn Thạch Phong hỏi.
- Tất cả những gì có cái đẹp ở bên ngoài chưa hẳn là cũng có cái đẹp ở bên trong.
Tôi hơi chau mày nói:
- Anh nói thế là vì anh có cái tâm trạng của một con chim bị bắn, đâm sợ cả làn cây cong. Anh đã nếm trải một cuộc tình duyên bất mãn, nên anh nghi ngờ Tiểu-Phàm chứ gì?
Thạch Phong vội cãi:
- Tiểu-Phàm không thuần nhất như trong nhật ký của nàng đâu! Trước khi bị điên, có một đoạn thời gian nàng không viết nhật ký. Chính thời gian này mới là khúc quanh đáng tiếc của cuộc đời nàng.
- Em không hiểu anh muốn nói gì?
- Câu chuyện này chỉ có mình anh và Tiểu-Phàm biết mà thôi.
Anh dùng đủ mọi cách để giấu Tiểu Lỗi. Cảm ơn thượng đế, Tiểu Lỗi vẫn tin tưởng rằng trong tim của Tiểu-Phàm chỉ có mỗi một mình hắn. Anh chỉ mong cái sự bí ẩn này không bao giờ bị tiết lộ.
- Em hiểu ra rồi, vì sau này, Tiểu-Phàm lại yêu anh, phải không?
Thạch Phong trố mắt nhìn tôi và sau đó chau mày bật cười:
- Mỹ Hoành, em tưởng rằng ai cũng không có cặp mắt xanh như em để dám yêu một con ngựa hoang bị dây trói buộc như anh sao?
- Thế thì thế nào?
- Là thế này, nếu không xảy ra việc ấy, thì Tiểu-Phàm không đến nỗi bị điên cuồng, rồ dại.
Thạch Phong nghiêng nửa người vào lan can, ngửa mặt nhìn lên trời, mặt chàng bỗng sa sầm xuống và chàng khẽ nói:
- Kể ra, anh cũng phải gánh lấy trách nhiêm. trong việc này, cho đến bây giờ anh còn thấy ân hận.
Tôi không nói gì. Thạch Phong đốt một điếu thuốc rồi tiếp tục nói:
- Tiểu-Phàm theo học đến năm thứ hai ban trung học thì sau đó anh mới được biết nàng mang chứng bệnh đau tim thiên bẩm và chứng loạn óc, nàng rất yếu đuối và không thích để tâm vào việc học. Vì thế nên từ năm 14 tuổi nàng ở luôn nhà, không đi học nữa. Anh thì bận rộn luôn nên Tiểu-Phàm ngày ngày học chữ Trung- Hoa do Tiểu Lỗi dạy, ngoài ra nàng chỉ có một thứ tiêu khiển là đọc tiểu thuyết. Như vậy hoàn cảnh sinh hoạt của Tiểu-Phàm rất đổi nhỏ hẹp. Trừ anh và Tiểu Lỗi, nàng không còn có người thân hay bạn bè nào khác. Nếu không có Tiểu Lỗi, có lẽ nàng cũng không bao giờ được đi xem phong cảnh hay dạo phố gì cả. Tình yêu giữa nàng và Tiểu Lỗi thế tất đã do hoàn cảnh tạo nên. Đối với đời sống của Tiểu-Phàm... anh thật ân hận. Bây giờ mỗi lúc hồi tưởng lại anh vẫn cảm thấy mình có lỗi, vì đã để cho nàng chịu thiếu thốn rất nhiều, đối với sự giao du, sự vui tươi cần phải có ở cái tuổi thanh xuân của nàng, cũng vì thế mà trước lúc nàng điên loạn, một người con trai đã đi vào cuộc đời nàng.
Thạch Phong dừng lại rít một hơi thuốc dài nhìn tôi hỏi:
- Em thường hay lên ngôi miếu nhỏ ở trên núi phải không?
- Vâng!
- Lúc ấy Tiểu Lỗi đã tốt nghiệp đại học và đang phục vụ tại Đài Nam. Vì nó không có ở nhà, em có thể tưởng ra là Tiểu-Phàm cô độc biết bao nhiêu, ngày nào nàng cũng đi lên ngôi miếu ấy đàm đạo với các ni cô hay mang một quyển sách vào rừng thông ngồi đọc hoặc đi bách bộ. Cứ thế, có một lần, một bọn con trai sinh viên đại học tìm lên núi mở cuộc "picnic" họ bắt gặp Tiểu-Phàm và mời nàng gia nhập cuộc vui của họ. Cũng nhân đó mà nàng quen với một thanh niên. Họ thường hẹn hò để gặp nhau tại ngôi miếu nhỏ kia.
Bắt đầu từ lúc bấy giờ, thần trí của Tiểu-Phàm có vẻ thẫn thờ. Anh nghĩ, nhất định là giữa Tiểu Lỗi và anh con trai nọ đã phát sinh một sự xung đột trong tim nàng, mà bản tính hiền lành của nàng lại không cho phép nàng phản bội Tiểu Lỗi. Tóm lại đến lúc anh phát giác có người con trai này, thì nàng đà giao du với hắn rất mật thiết. Lúc ấy anh rất lo sợ, cũng không biết phải làm thế nào. Điều thứ nhất, anh sợ khổ cho Tiểu Lỗi vì hắn tha thiết yêu nàng, điều thứ hai, anh sợ khổ cho Tiểu-Phàm. Thực tình mà nói anh không tín nhiệm người con trai kia, hắn là một anh con trai nông cạn và xảo quyệt, anh không tin rằng hắn sẽ mang lại hạnh phúc cho Tiểu-Phàm. Tiểu-Phàm được anh nuôi dưỡng từ tấm bé đến lớn khôn, anh vẫn coi nàng như một đứa em ruột của mình, hơn nữa nàng lại mang bệnh, anh không thể để cho người nào khác lừa dối nàng, nên anh đã đi tìm gã con trai kia.
Thạch Phong ngừng lại với những nếp nhăn trên trán và một vẻ mặt vô cùng đau khổ, chàng nói tiếp:
- Anh kể hết cho hắn nghe, về gia đình của Tiểu-Phàm. Anh bảo với hắn là nếu hắn thực tâm yêu Tiểu-Phàm thì hắn phải chu toàn việc trăm năm với Tiểu-Phàm, bằng không thì phải cắt đứt việc dan diú này đi. Kết quả, người con trai nọ từ đấy không tìm đến nơi hẹn hò nữa. Còn Tiểu-Phàm những ngày đầu, thần trí chỉ mê man như người mất hồn. Anh mời bác sĩ, nhưng vẫn không thể chữa trị được cho nàng. Từ đó nàng bắt đầu điên loạn.
Thạch Phong chăm chú nhìn tôi với ánh mắt bi ai và chua xót:
- Đó là câu chuyện mà anh vẫn giấu kín. Mỹ Hoành em nghĩ xem có phải anh đã gây nên tội ác không?
Tôi nhìn Thạch Phong vẻ chân thành của chàng có chứa đựng đầy sự phân vân nghi hoặc Khuôn mặt chàng dưới ánh trăng, trở nên trang nghiêm. Tôi nắm lấy tay chàng, khẽ lắc đầu nói:
- Không, anh không có tội gì cả, nhưng giá anh đừng nói cho nghe câu chuyện này thì hay hơn, vì nó quá tàn nhẫn, nó phá hoại cả sự hoàn mỹ trong tim em, vì nó làm cho tình yêu của Tiểu-Phàm không còn cảm động nữa!
- Thì cũng vì thế, mà anh tìm đủ mọi cách để giữ kín, nếu Tiểu Lỗi biết. Tiểu-Phàm đã điên loạn thì chỉ làm cho nó càng thêm nát lòng vì tình yêu của nó đối với Tiểu-Phàm tha thiết quá.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ. Có một áng mây che phủ vầng trăng, bỗng nhiên tôi cảm thấy lành lạnh.
- Không, em tin rằng nàng vẫn còn chung thủy với Tiểu Lỗi. Nàng có thể viết lên những trang nhật ký như thế kia thì không đời nào nàng lại đổi dạ thay lòng được.
Thạch Phong nhìn tôi mỉa mai nói:
- Mỹ Hoành em quá tin vào sự hoàn mỹ!
- Vâng, quả như thế. Tôi tựa đầu vào vai Thạch Phong, không muốn nghĩ đến Tiểu-Phàm nữa. Chúng tôi đứng như thế một lúc rất lâu. Áng mây che phủ mặt trăng giây lát bay qua, gió lạnh đêm khuya phảng phất thổi. Sau đó, tôi khẽ ho lên một tiếng rồi nói:
- Anh à!
- Gì em?
- Cái điều nó làm cho em cảm động và khâm phục anh là lòng quảng đại và bao dung của anh! Tuy cái "viên ngọc" Tiểu-Phàm có mang đôi viết tỳ ố, nhưng anh đã rộng lượng tha thứ, xóa bỏ hết để cho vết thương lòng của Tiểu Lỗi khỏi rớm máu thêm. Không phải em có ý cung duy anh, nhưng quả tình anh là một người huynh trưởng có một không hai ở đời này.
- Đối với anh không có điều gì đẹp băng lời khen ngợi của em!
- Còn một điều nữa, anh!
- Điều gì hả em??
- Anh tin tưởng nơi em, em sẽ là người yêu thuần nhất của anh.
- Mỹ Hoành!!!
Thạch Phong kéo tôi vào lòng, nước mắt tôi giàn giụa đầy trên bờ mi... Tôi khóc là vì trước hạnh phúc của mình mà chạch lòng về nỗi bất hạnh của Tiểu-Phàm và Tiểu Lỗi.
Đêm hôm ấy, khi trở về phòng riêng tôi nhặt được một mảnh giấy cài trên kẹt cửa bên trong là nét chữ của Tiểu Lỗi, với những dòng:
"Tình yêu đôi khi cũng cần có sự giúp đỡ của kẻ khác. Ghen tức chính là một phương tiện của sự giúp đỡ, vì vậy tôi đã phải lợi dụng cái thủ đoạn ấy. Tôi tin rằng ai đó đã hiểu lòng tôi. Xin cầu chúc cho hai người trăm năm hạnh phúc."
Tôi cầm mảnh giấy áp lên ngực, lẩm bẩm một mình: " Cái cậu bé Tiểu Lỗi này thật là dễ thương!"
Sau khi biết rõ đầu đuôi về sự điên loạn của Tiểu-Phàm, tôi cảm thấy khó chịu mất mấy hôm. Tôi lật quyển nhật ký của Tiểu-Phàm, vào những trang cuối cùng, đọc đi, đọc lại, tìm mãi không thấy hình ảnh của một người con trai khác! Rõ ràng nàng đã chối bỏ hắn, thậm chí đến không thèm mang hắn viết vào nhật ký. Tiểu-Phàm cũng đã sùng kính sự hoàn mỹ ư? Nhưng tôi cũng đã tìm ra chứng tích vùng vẫy, chống đỡ của nàng. Chẳng hạn, có một đoạn nàng viết nguệch ngoạc như sau:
"Đông hãy trở về đây, em van anh trở về đây. Tại sao anh bỏ em đi xa đến thế? Không có anh ngày tháng tối tăm buồn thảm như bất tận, Đông! về, hãy về đây cứu em!"
"Đông! em vì anh mà sống, thì cũng vì anh mà chết, dầu anh có đi đến đâu, em cũng ở bên anh. Đông trái tim em chỉ có anh, chỉ có anh, chỉ có anh. Thượng đế biết rằng: trong tim em chỉ có anh thôi! Ác quỷ! Ngươi hãy buông tha ta ra! Đông ơi hãy về đây, hãy ôm lấy em, dù cho có một ngày nào đó em sẽ chết, em cũng cầu mong được chết trong lòng anh. Thật đấy! Đông ơi Đông"
Đọc lại những mảnh đoạn nhật ký này tôi càng thông cảm Tiểu-Phàm hơn, nguyên nhân sự điên loạn của nàng không những chỉ do di truyền mà thôi, nàng đã từng tranh đấu, đã từng đau khổ, và đã từng tự trách mình. Tôi mang quyển nhật ký đi tìm Thạch Phong, tôi nói:
- Thạch Phong anh đã lầm, Tiểu-Phàm thủy chung chỉ yêu có một mình Tiểu Lỗi. Gã con trai kia chưa hề bao giờ chiếm được con tim nàng. nàng chơi với hắn chỉ vì nàng cô đơn!
Thạch Phong nhìn tôi mỉm cười một nụ cười ôn hòa và nâng cằm tôi lên âu yếm đáp:
- Mỹ Hoành em quả là một cô gái hiền lương. Em chỉ biết dệt nên toàn những giấc mộng vàng. Anh không thể không tin rằng em đã nói đúng!
Ngày hôm ấy, tuy ánh dương vẫn rất đẹp song trời đã trở lạnh. Mùa thu đã qua đi mau chóng và thời tiết đã bắt đầu sang đông.
Từ lúc sáng sóm tôi đã lên đường trở về nhà chú thím. Tôi về với một nhiệm vụ thật quan trọng là báo cho chú thím biết chuyện của tôi và Thạch Phong. Thím nhiệt liệt mừng cho tôi, còn chú thì hỏi thăm về Thạch Phong rất nhiều. Sau đấy, ông cho các em đi mua rượu thịt về "ăn mừng" cho việc chung thân đại sự của tôi.
Tôi ở lại nhà chú thím cho đến lúc ăn cơm chiều mới ra về. Lúc ấy đã gần chín giờ.
Tôi đi một mình trên con đường nhựa dẫn lên núi. Gió đêm thổi lùa vang lên những tiếng xào xạc, trời thật lạnh tôi quấn chặt khăn choàng thong thả đi lên dốc núi. Đường không có điện, nhưng may là trăng sáng như gương chiếu xuống trông rất rõ rệt.
Gió đông càng lúc càng lạnh như cắt, những vách đá lớn trong rừng thông đứng sừng sững dưới ánh trăng nom có vẻ dữ tợn. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ, đột nhiên tôi nghe có tiếng sột soạt phát xuất từ cánh rừng thông. Một làn gió lạnh lùa qua, tôi rùng mình đánh thót một cái, tôi quay đầu nhìn về cánh rừng thông. Tôi không trông thấy gì hơn là đá núi, cây thông và ánh trăng, nhưng tôi vẫn cảm thấy bồn chồn, tim tôi đập mạnh, tôi hồi hộp và lo âu lạ thường.
Tôi rảo bước và đi tới chỗ cái gốc cây có đặt ghế đá. Tôi dừng lại định ngồi nghỉ một lát cho hơi thở bớt gấp rút vì đi quá nhanh. Cũng trong lúc ấy, cái cảm giác của lần đầu tiên ở nơi đây lại đến với tôi. Nơi đây không phải chỉ có một mình tôi, có người đang núp ở đâu đó để rình rập tôi. Tôi quay phắt đầu lại, ba hòn nham thạch đứng sừng sững ra đó như một tấm bình phong, hơi thở tôi ngưng lại dưới ánh trăng, tôi trông thấy rõ rệt một chiếc bóng nhẹ nhàng lướt qua. Sự sợ hãi làm tôi sững sờ ra đó. Ánh trăng, tiếng thông reo, tiếng trúc rì rào, đá núi, và một chiếc bóng... hòa hợp thành một thứ áp lực kinh người. Nó làm tôi cảm thấy máu trong người đông lại, tôi rùng mình và chạy nhanh về Vườn Thúy. Tôi có cảm giác như chiếc bóng ấy đang đuổi theo tôi, cảm giác này làm xương sống tôi ớn lạnh. Tôi không dám quay đầu lại. Tôi chạy mãi đến lúc trong thấy những dãy nhà quanh Vườn Thúy và ánh đèn ấm áp tỏa ra từ trong mỗi ngôi nhà tôi mới hoàn hồn thở một hơi dài nhẹ nhõm.
Tôi đi chậm lại vừa đi vừa lắng tai nghe ngóng, đợi đến khi xác định là đằng sau không có ai theo dõi, tôi mới dám len lén quay đầu nhìn lại. Có lẽ bóng người, tiếng động rõ ràng đã phát xuất từ ảo giác của tôi.
Tôi về đến cổng Vườn Thúy và cảm thấy ngay là có việc gì bất thường đã xảy ra. Cổng vườn mở rộng, tôi đi vào, xe hơi của Thạch Phong không có đó, Vườn Thúy im lìm không lấy một tiếng động. Việc gì thế này? Tôi cất tiếng gọi:
- Anh Thạch Phong!!!
Không có tiếng trả lời, tôi lại tiếp tục gọi:
- Tiểu Lỗi!
Cũng lại vắng lặng. Tôi ngơ ngác chạy đến đầu cầu thang định lên lầu, Thu Cúc đã từ nhà sau chạy vào phòng khách, chợt thấy tôi, chị ta đặt tay lên ngực nói:
- May quá, Dư Tiểu Thư, cô đã về. Một mình em ở nhà em sợ đến chết được!
- Ông và cậu hai đâu? còn chú Lưu nữa?
- Đi hết cả rồi, có người gọi điện thoại lại, ông Phong cuống quít cả lên, ông bảo cậu hai đi tìm, rồi lại gọi chú Lưu cùng đi.
Tôi chau mày khinh ngạc:
- Tìm ai?
- Em nào có biết! Đùng một cái cả nhà đều đi cả.
- Ít ra em cũng phải nghe được một tý gì chứ?
- Nào em có hiểu gì đâu, cậu hai vồ lấy chiếc xe là phóng đi ngay, em chỉ nghe mang máng hình nhưng điện thoại do bệnh viện hay điều dưỡng viện gì đó gọi đến.
Bệnh viện? Đúng rồi. Tiểu-Phàm, nhất định đã xảy ra việc gì cho Tiểu-Phàm. Tôi ngồi xuống ghế. Tiểu-Phàm đau nặng hơn hay đã chết rồi ư? Tôi đờ người hồi lâu mới bình tĩnh trở lại được.
- Việc xảy ra từ lúc mấy giờ? Tôi hỏi.
- Lúc cả nhà vừa dùng cơm chiều xong.
Nếu thế thì đã cách đây mấy tiếng đồng hồ. Tôi đến bên cửa sổ đăm chiêu nghĩ ngợi. Lòng tôi bứt rứt, tôi có linh cảm là một tai nạn to tát đang xảy ra vừa lúc ấy, có tiếng mô tô chạy vào dừng lại trước cửa phòng khách. Tôi chạy ra, chợt nhìn Thạch Phong tôi hỏi:
- Có việc gì xảy ra thế hả anh?
Thạch Phong nhảy xuống xe, mặt tái nhợt thần sắc ủ rũ, chàng buồn bã đáp:
- Tiểu-Phàm mất tích rồi!
- Anh nói sao? Tôi ngạc nhiên hỏi thêm.
- Vì bệnh viện bất cẩn nên Tiểu-Phàm đã trốn mất.
Rồi Thạch Phong quay sang hỏi Thu Cúc:
- Cậu hai và chú Lưu trở về chưa?
- Thưa chưa, thì phải. Tôi vội đáp.
- Nếu thế thì họ chưa tìm được Tiểu-Phàm!
Thạch Phong nói trong chàng vừa thiểu não vừa mệt mỏi.
- Có trời mới biết được nó đi đàng nào!
- Vừa rồi anh đã đi tìm nàng ở đâu? tôi hỏi.
- Trên miếu và những cánh rừng gần đây.
- Đều không tìm thấy chi cả sao?
- Đến cả chiếc bóng cũng không thấy!
Chiếc bóng? một tia sáng lóe lên trong trí não tôi, chiếc bóng! Tôi đã từng trong thấy một cái bóng ở đâu? đúng rồi ở dưới gốc cây cổ thụ ấy, nơi có ghế đá... Tất cả những gì tôi đã thoáng trong thấy, đều không phải là ảo giác, nhất định là Tiểu-Phàm nàng nấp ở đằng sau hòn nham thạch giống tấm bình phong nọ những tiếng sột soạt và linh cảm của tôi... Đúng rồi! Chính là nàng, tôi chụp lấy cánh tay Thạch Phong hối hả nói:
- Đi, chúng ta đi tìm, em đã biết nàng ở đâu rồi!
- Em biết? Thạch Phong nhiú mày hỏi.
- Vâng, ở bên cánh rừng thông kia, lúc về em trông thấy có bóng người ở đó. Lúc ấy em tưởng là mình hoa mắt, bây giờ mới hiểu ra. Đi chúng ta đi tìm nàng.
Thạch Phong hối hả ngồi lên xe, tôi ngồi ở yên sau vòng tay ôm lấy eo chàng. xe nổ máy ngay phóng nhanh ra khỏi cổng Vườn Thúy, chạy thẳng về phiá ngã ba đường. Chẳng bao lâu chúng tôi đã dừng lại dưới gốc cây cổ thụ sau thân cây, mấy hòn nham thạch cao lớn đứng sừng sững trang nghiêm.
- Chính ở đây, đằng sao những hòn đá đó!
Thạch Phong dựng xe rồi chạy vào rừng thông, một lát sau từ phiá bên kia trở ra giơ tay nói với tôi:
- Chẳng thấy gì cả!
- Em đoan chắc là đã trông thấy một bóng người! Tôi nói.
- Có thể Tiểu-Phàm nhưng cách đây nửa giờ. Nàng đã đi mất rồi.
- Nhưng em chắc nàng không đi xa đâu. Nửa giờ không đủ để nàng đi xa lắm, nhất định là nàng còn quanh quẩn gần đây!
- Thôi được chúng ta tiếp tục lục soát một hồi nữa xem sao?
Chúng tôi đi vào rừng thông bóng cây thông ngả dài ngổn ngang trên mặt đất, đằng sau mỗi một cây thông đều có thể có người ẩn trốn. Nhưng sau mỗi thân cây đều chẳng có một ai cả. Chúng tôi đi được một hồi lâu, bỗng Thạch Phong nhìn thấy được một vật ở trên mặt đất một chiếc khăn choàng mầu hồng nhạt.Thạch Phong nói:
- Đây là chiếc khăn choàng mà mấy hôm trước Tiểu Lỗi đã tặng nàng, quả thật nàng vừa đi qua đây!
Chúng tôi lục soát một hồi nữa nhưng cuối cùng đành thất vọng, trở lại Thạch Phong nói:
- Cứ tìm mãi thế này chả có ích gì chi bằng chúng ta trở về Vườn Thúy gọi điện thoại hỏi bệnh viện xem, biết đâu bệnh viện đã tìm thấy nàng chăng?
Chúng tôi về đến Vườn Thúy thì Tiểu Lỗi và Chú Lưu cũng vừa trở về. Họ cũng chẳng tìm thấy gì cả. Tiểu Lỗi ngồi gục đầu trên chiếc bàn dài gần tủ rượu hai tay ôm đầu vẻ tuyệt vọng, Thạch Phong bước sang đặt chiếc khăn choàng màu hồng lên bàn Tiểu Lỗi hốt hoảng hỏi:
- Anh tìm thấy nàng!
- Không anh chỉ lượm được chiếc khăn này thôi.
- Ở đâu thưa anh?
- Trong rừng thông.
Tiểu Lỗi xông ra phiá cửa vừa chạy vừa nói to:
- Em đi tìm nàng!
Thạch Phong đưa tay kéo hắn lại nói:
- Vô ích! Anh đã tìm qua cả rồi.
Tiểu Lỗi liền đứng dừng lại uể oải lại bàn rót đầy ly rượu ngửa cổ uống cạn rồi đấm mạnh tay xuống bàn kêu lên:
- Chẳng lẽ chúng ta không có cách nào nữa hay sao anh cả. Nàng bây giờ chẳng còn một tí năng lực nào cả nàng có thể bị ngã chết, bị lạnh chết, có thể bị rắn cắn chết, cái gì cũng có thể cả! Chúng ta đành chịu bó tay hay sao?
- Anh đi gọi điện thoại hỏi bệnh viện....
- Để em đi gọi cho và nhân tiện em cởi đôi giày kẻo chân đau quá...
Tôi ra đầu cầu thang cúi trên lan can nói vọng xuống:
- Họ vẫn chưa tìm được nàng!
Xong tôi đi về phòng riêng của tôi. Tôi bật đèn rồi ngồi bên thành giường cởi bỏ đôi giầy cao gót. Tôi đã đi bộ quá nhiều nên đôi chân đau buốt vô cùng. Tôi cúi xuống tìm đôi dép, nhưng có một vật gì thu hút lấy ánh mắt tôi, trên chiếc thảm trước giường đang lấp lánh sáng ngời. Tôi khom người nhặt lên thì ra đó là sợi giây chuyền có hình trái tim. Sợi dây chuyền này trước giờ vẫn được cất trong tủ, tôi không hề động đến nó, làm sao nó lại chạy ra nằm trên tấm thảm này được?
Tôi cầm sợi dây ngồi ngẩn người ra đó và bỗng tôi nghe thấy có tiếng động! Đột nhiên, tôi hiểu ra, Tiểu-Phàm! Chúng tôi tìm tất cả rừng thông nhưng lại quên cái điạ điểm cuối cùng là Vườn Thúy. Tôi chưa kịp quay người lại thì một bàn tay không biết từ đâu thò ra giật phăng sợi dây chuyền trên tay tôi. Tôi ngước nhìn lên, một chiếc áo trắng của bệnh viện che ngang trước mặt tôi. Tôi há hốc mồm định la lên, nhưng nàng đã lao người vào tôi, những ngón tay gầy đét, chịt lấy cổ tôi, đôi mắt to cuồng loạn nhìn chòng chọc vào tôi, miệng lảm nhảm nói:
- Chàng là của tao! Chàng là của tao!
Móng tay của nàng bấm sâu vào thịt tôi. Tôi vùng vẫy kêu la, nhưng sức nàng mạnh vô cùng. Chúng tôi ôm nhau vật lộn ở trên giường. Nàng lại hét to:
- Cái phòng này là chỗ ở của tao, mày không thể cướp giựt được. Chàng là của tao!
Mấy lời la hét đó rõ rệt biết bao! Tiếng kêu la của tôi làm cho những người dưới lầu chú ý. Một loạt tiếng chân chạy lên lầu, những ngón tay nàng bóp lên cổ tôi làm tôi vô cùng đau buốt, vào rồi có người xông vào gỡ Tiểu-Phàm ra. Tôi từ trên giường nhảy xuống thì chợt thấy Tiểu Lỗi đứng sau lưng Tiểu-Phàm và nắm chặt lấy nàng. Tiểu-Phàm kêu hét, vùng vẫy loạn lên. Tôi được Thạch Phong ôm vào lòng, sắc mặt chàng trắng bệch như tờ giấy.
- Em có sao không, Mỹ Hoành?
Thạch Phong dùng khăn tay đặt lên cổ tôi hốt hoảng nói:
- Cổ em có rướm máu!
Tôi không còn thấy đau đớn gì cả, Tiểu-Phàm vẫn gào thét:
- Hãy để cho tôi đi, đừng nhốt tôi, đừng nhốt tôi!
Hai tay Tiểu Lỗi vẫn nắm chặt lấy nàng, nàng lồng lên như một con thú dữ. Vì vùng vẫy không ra thoát được nàng cúi đầu xuống cắn vào cánh tay Tiểu Lỗi, Tiểu Lỗi vẫn không buông tay chỉ luôn mồm gọi lớn:
- Tiểu-Phàm, Tiểu-Phàm, anh là Đông đây mà! Tiểu-Phàm em biết không? Tiểu-Phàm! Tiểu-Phàm!
Tiếng gọi này là tiếng gọi của sự yêu thương nó có cái hiệu lực làm cho tâm thần của người mê sảng tỉnh lại chăng? Bỗng nhiên Tiểu-Phàm ngừng kêu la, nàng chậm rãi ngẩng đầu lên, lắng tai nghe ngóng như đang trong giấc mộng. Sau đó ánh mắt nàng sáng hẳn lên, chậm chạp quay người lại đối diện với Tiểu Lỗi, trong đáy mắt nàng như có linh tính, sắc mặt nàng như có tình cảm và sức sống. Đó là một kỳ tích trong chớp mắt, nàng đưa tay lên ngờ nghệch sờ soạng trên mặt Tiểu Lỗi. Một nét vui mừng bao trùm lấy khuôn mặt nàng. Trong nàng đẹp rực rỡ hẳn lên, nàng khẽ mấp máy đôi môi lẩm bẩm nói:
- Đông! Anh đấy ư? Em tìm anh khắp nơi...
Một nụ cười hiện trên khuôn mặt nàng, một nụ cười đầy vẻ hân hoan và thê thảm! Người nàng tựa vào cánh tay Tiểu Lỗi, nàng ngửa mặt đăm đăm nhìn người yêu nức nở nói:
- Đông! Em muốn... nói với anh, em chưa... chưa hề yêu ai cả, ngoài anh. Em là của anh... Đông ơi, Đông!
Nàng cười đẹp như trong mơ, sau đó thân nàng mềm nhũn và lả người đi trong lòng Tiểu Lỗi.
- Tiểu Phàm!
Tiểu Lỗi thét lên một tiếng và bế xốc nàng lên, nhưng nàng không còn tỉnh lại được nữa. Thượng đế đã ban cho nàng một thoáng thời gian kỳ diệu này, bây giờ nàng đã êm đềm ra đi, với một nụ cười tươi thắm trên môi. Đôi mi của nàng im lìm khép chặt như đang trong giấc ngủ. Tiểu Lỗi đứng yên không cử động và chỉ lẽ nhìn Tiểu-Phàm.
Tôi úp mặt vào ngực Thạch Phong thổn thức. Tiếng Thạch Phong bình tĩnh nghiêm nghị nói:
- Mỹ Hoành! Em chớ nên quá thương cảm... Nàng đã nói được những gì nàng muốn nói, và đã hả lòng, hả dạ mà từ giã cõi đời, trong vòng tay người yêu.
Chúng tôi mai táng Tiểu-Phàm vào một buổi chiều đầu đông, trên mảnh đất gần ngôi chùa nhỏ ở trên núi. Nơi mà nàng đã từng cùng Tiểu Lỗi dắt tay nhau đi dạo. Người ta đang vun đất lên, vùi nông một nấm, để mặc dầu gió sương. Chúng tôi đứng im lìm trong làn gió lạnh vi vu. Tôi tựa đầu vào Thạch Phong, nghe lòng mình gợn lên bao nỗi tiếc thương sầu muộn! Tiểu-Phàm, người con gái mà tôi chỉ gặp có hai lần, song lại có liên hệ rất mật thiết đến cuộc đời tôi. Cũng vì nàng mà tôi quen biết Thạch Phong. Tôi không thể nào nói ra hết cảm tình của tôi đối với nàng nhất là bây giờ, minh dương cách biệt, kẻ còn người mất.
Tiểu Lỗi lặng lẽ đứng yên, không hiểu gã đang suy nghĩ gì? Sau khi nấm mộ đã đắp xong, Thạch Phong nói:
- Chúng ta về thôi!
Chúng tôi cùng nhau đi trên con đường trở về nhà, gió đông giá buốt ào ạt lôi cuốn bao cọng lá vàng trải đầy trên mặt đất. Tôi đi đến bên Tiểu Lỗi gọi:
- Thạch Lỗi!
Gã ngẩng đầu nhìn tôi một thoáng, tôi nói một cách ngớ ngẩn:
- Đối với nàng, như thế này là an hảo lắm rồi...
Tiểu Lỗi khẽ ngắt lời tôi nói:
- Quả thiệt tình tôi đâu có nỡ hỏi gì hơn đối với cuộc tình duyên của chúng tôi. Nàng đã yêu tôi, thủy chung đến thế, thắm thiết đến thế.
Tôi cảm động và tự nhủ rằng tôi không cần phải nói gì thêm nữa. Chúng tôi cũng không cần lo lắng cho Tiểu Lỗi. Thời gian đau khổ đã qua, gã đã phấn khởi trở lại gã không còn sa ngã nữa. Dù sao thì gỡ chuông phải do nơi người treo chuông, Tiểu-Phàm khiến gã chìm đắm thì phải do Tiểu-Phàm giải cứu gã. Chúng tôi đi về Vườn Thúy, bóng chiều đã ngả, màn đêm đã bắt đầu buông xuống các đỉnh núi, lùm cây. Bỗng Tiểu Lỗi khẽ cất giọng ngâm:
"Hoa xuân chưa nở đã tàn,"
"Gió chiều, mưa sớm, muôn vàn nhớ thương,"
"Cùng nhau giọt lệ vương vương,"
"Hẹn nhau, em hỡi, ở phương trời nào?"
Tôi nối lời gã đọc tiếp:
"Đông, Đông! Sống, em là của anh, chết em vẫn là của anh. Bất cứ anh ở đâu, lúc nào chúng ta cũng ở bên nhau!"
Tiểu Lỗi hốt hoảng hỏi tôi:
- Ô kìa, chị ngâm cái gì thế?
Tôi mỉm cười đáp:
- Tôi ngâm một câu của Tiểu-Phàm viết trong tập nhật ký đó mà.
Gã nhìn tôi cúi đầu đi. Mãi một lúc sau, gã mới ngước cặp mắt đầy lệ tha thiết nói: "Phải, Tiểu-Phàm ạ, lúc nào chúng ta cũng ở bên nhau!"
Về tới Vườn Thúy, trăng đã lên cao trên nền trời xanh thẳm. Thạch Phong khoác vai tôi, đưa tôi ra ngoài hàng hiên, chàng âu yếm nói:
- Em xem, đêm thanh, trăng sáng như nước, nước như trời. Trăng của đôi ta!
Chúng tôi đắm đuối nhìn nhau. Cho dẫu lúc ấy có thiên ngôn, vạn ngữ, chúng tôi cũng không cùng nhau thố lộ hết tấm chân tình.
HẾT
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT