Suốt đêm, Tạ Thắng không ngủ được. Ngồi trong thư phòng, ông như đắm mình trong suy nghĩ. Đối diện với hai chậu hoa, lần đầu tiên sau ngày vợ mất, Thắng mới có dịp nhìn lại, phân tích tình cảm bản thân mình. Mấy năm rồi, Thắng nghĩ lòng mình đã chết, nhưng trên đời làm gì có người đàn ông lại "tắt lửa lòng" ở vào cái tuổi này. Mười mấy năm lăn lộn trên trường đời, bao nhiêu người đàn bà ở khắp mọi lứa tuổi đã qua tay, đúng hơn phải nói là từ hai mươi đến bốn mươi. Luật sư Thắng có mọi điều kiện để thuyết phục, hấp dẫn người khác, và ít có người đàn bà nào thoát khỏi sự lôi cuốn của luật sư Thắng. Tự ông, ông cũng biết cái sở trường đó của mình. Phóng khoáng, khẳng khái, hoạt bát, giàu có, những yếu tố hấp dẫn của đàn ông, ông đều có đủ, làm sao các cô lại không chết mê, chết mệt được. Nhưng những người đàn bà đã bước qua đời ông, họ thuộc thành phần nào? Luật sư Thắng chợt nghĩ đến Lynh, đến La La, đến cả cô gái chỉ hơn tuổi con gái ông một ít, Vân Nga, rồi đột nhiên ông lại nghĩ đến Bảo Lâm. Đóa hoa vàng ánh, một cảm giác ngẩn ngơ kỳ lạ. Phải chăng vì mấy năm qua, ta chỉ sống hưởng thụ vật chất, thiếu đi tình cảm, thiếu đi những nét rung động thật sự? Phải chăng vì chưa tìm được đối tượng để yêu? Ông chợt nhớ đến lời nói của Bảo Lâm khi chạy ra cửa:

- Mặc dù tôi thấp hèn, nghèo khổ, nhưng tôi không muốn trở thành một thứ đồ chơi của ông!

Một Bảo Lâm cao ngạo, tự trọng, thông minh. Nàng như một cánh hạc bay trên trời xanh, không nhuốm bụi trần. Thắng lại nhớ đến lần gặp Bảo Lâm ngày đầu tiên. Những lời đối thoại sắc bén là những ấn tượng đầu tiên mà ông có được khi tiếp xúc với Bảo Lâm. Một con người đặc biệt.

Tạ Thắng ngồi đấy suy nghĩ. Khuôn mặt của Bảo Lâm như hiện dần ra trước mắt, thái độ, phong cách, dáng đi, lời nóị Ta bị chinh phục vì thái độ phản kháng chống đối của Bảo Lâm chăng? Tạ Thắng thở dài. Chỉ có một nụ hôn mà đã bị Bảo Lâm phản kháng như vậy, nhưng không có gì đáng trách. Bảo Lâm không phải là Lynh, không phải La La, cũng không phải là những con người sống buông thả, bất cần.

Ông đốt thêm một điếu thuốc, nhả khói, rồi nhìn màn khói tỏa rộng. Lâu lắm rồi ta không có cơ hội nhìn lại mình, càng nghĩ Thắng càng thấy hổ thẹn. Thắng tự nhủ, trừ khi ta thật sự bằng lòng, không thì đừng bao giờ đụng đến cô ấy.

Cảm giác bức rứt pha lẫn một chút hối hận lúc này đang ngự chiếm trong lòng ông. Hành động không suy nghĩ tối qua đã khiến Bảo Lâm hoảng sợ. Từ đây, Bảo Lâm sẽ không còn đến nữa vì tự ái, tự trọng của nàng đã bị tổn thương. Trừ phi Thắng chấp nhận một điều, đấy là đích thân đến mời Bảo Lâm trở lại, không phải để tiếp tục vai trò một cô giáo dạy kèm mà là một vai trò khác, vai trò một kế mẫu của Trúc Vỹ.

Cái ý nghĩ đó vừa lóe trong đầu và tim ông Thắng giật thót. Bao nhieu năm sống quen cảnh độc thân không bị sự ràng buộc của gia đình, lẽ nào ta lại thay đổi? Còn bổn phận với con và mẹ già? Con cái đã lớn nên giờ giấc đối với ông không có gì là phải gò bó. Ông tha hồ đi lại với bao nhiêu cô gái mà không phải ngại ngùng. Bây giờ? Cuộc sống buông thả mà ông đã ngán đến tận cổ kia đã sắp phải kết thúc rồi ư?

Bảo Lâm! Một cô gái trẻ, một giáo viên trung học rất đỗi bình thường. Nếp sống của cả hai khác hẳn, thời gian quen cũng chưa lâu. Vậy thì quyết định như vậy có quá vội vã không?

Ông Tạ Thắng lại đốt một điếu thuốc khác. Chiếc gạt tàn trên bàn đã vun đầy những đầu thuốc lá. Ông đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, lòng vẫn không dứt khoát nên phải thế nào.

Sau đấy ông nghe có tiếng động bên ngoài. Vú Ngô đã thức dậy và đang quét dọn. Kế đến ông nghe có tiếng xì xào, tiếng nói chuyện của mẹ ông và Vú Ngô, rồi tiếng chân của Trúc Vỹ xuống cầu thang.

- Nội ơi, hôm qua nội có thấy cô giáo đâu không?

- Không, bác tài không hiểu có mang xe tới rước cô ấy không?

- Có, cô ấy đã đến đây, bảo con lên lầu chờ trước nhưng rồi sau đấy con không thấy cô lên. Con không biết là...

Giọng của Trúc Vỹ có vẻ lo lắng:

- Con có làm điều gì khiến cô ấy buồn lòng không mà cô ấy bỏ về không nói với con một tiếng.

Tiếng bà cụ:

- Nhưng con thuộc bài chưa? Có lẽ tại con chưa làm bài, lại không chú tâm đến bài vở, nên cô ấy giận chứ gì?

Trúc Vỹ thở dài:

- À! Nội biết không, bài học khó ghê lắm, mấy người thời xưa họ nói chuyện không giống chúng ta. Họ nói mà lưỡi như uốn cong lại, chữ nghĩa thì rắc rối đầy những điển tích, điển cố.

- Uốn cong làm sao?

- Nội nghĩ xem chúng ta bây giờ nghĩ gì là nói nấy, còn đọc sách xưa nội thấy đó, đụng tí là họ viết là: Ai ai! hoạc hề... hỡi ơi!... Tử viết, Tôn viết...

- Ồ, kỳ thật!

Ông Tạ Thắng ngồi trong phòng nghe Trúc Vỹ nói chuyện mà buồn cười. Ông đi ra cửa còn nghe bà cụ nói:

- Trúc Vỹ, vậy cha con muốn con thi vào đại học là để học cách nói chuyện của người xưa đấy ư?

Trúc Vỹ nói:

- Vâng! Theo lời cô giáo thì vào học ở Văn khoa, môn cổ văn học toàn những thứ như vậy. Chắc con mà đậu vào đó được thì con cũng phải... Hỡi ơi thôi!

- Nếu vậy tốt hơn con ở nhà đi, thi vào đại học mà làm gì? Ở nhà trồng hoa, nuôi chim thú còn hay hơn. Chờ một thời gian nữa là lấy chồng, đẻ con rồi, cần gì phải học chứ?

Trúc Vỹ có vẻ thẹn thùng, bẽn lẽn:

- Sao nội lại nói như vậy? Con không lấy chồng đâu! Ai lại lấy chồng...

Bà cụ cười nói:

- Nói chuyện lạ không! Con gái lớn lên phải lấy chồng, đó là chuyện tự nhiên mà. Cha con đúng là điên rồi, tại nó không có con trai nên muốn con đóng thế vai đấy. Nếu nó chịu khó suy nghĩ một chút, chắc không bắt con học đâu, mà là lo kiếm cho con một tấm chồng xứng đáng. Ngay cả nó nữa, nó cũng còn trẻ cơ mà. Sao không cưới vợ để kiếm chút con trai nối dõi tông đường chứ?

Trúc Vỹ cười, nói nho nhỏ:

- Nội biết không, con nghe anh Mẫn nói cha có bồ rồi đó!

Bà cụ có vẻ vui:

- Thật không? Đâu con gọi thằng Mẫn đến đây để nội hỏi nó coi.

Bậy quá! Một chút mềm yếu mà hư hết bột đường. Càng lúc càng rắc rối! Ông Tạ Thắng lập tức mở cửa bước ra. Sự xuất hiện của ông làm mọi người giật mình.

Bà cụ giả lả:

- Ủa, sao con dậy sớm thế? Con ở trong đó từ lúc nào mà chẳng ai hay vậy?

Ông Tạ Thắng cười nhẹ:

- Mẹ! Mẹ đừng nghe người ta đồn bậy nhé. Con chưa có gì đâu.

Quay sang Trúc Vỹ, ông nói như ra lệnh:

- Trúc Vỹ, con vào thư phòng ngay, cha có việc cần nói với con đây.

Trúc Vỹ sợ hãi nhìn cha. Ban nãy lỡ nói lén, thế này có lẽ cha đã nghe hết rồi, chắc là sẽ bị luộc thôi. Cô bé vội quay sang nội cầu cứu.

Bà cụ vội can thiệp:

- Tạ Thắng, nãy giờ mẹ với Trúc Vỹ nói đùa nhé, con đừng nghĩ là nó hỗn. Nó không có lỗi gì đâu!

Tạ Thắng tức cười nói:

- Mẹ yên tâm! Có mẹ đỡ đầu, con làm sao dạy nó được?

Rồi quay sang Trúc Vỹ, ông nói:

- Nào vô đây!

Trúc Vỹ cúi đầu, cắn nhẹ môi, lầm lũi bước vào cửa như một kẻ phạm tội chuẩn bị ra đứng trước vành móng ngựa. Mùi thuốc lá còn lẩn khuất trong phòng xông lên mũi nồng nặc khiến Trúc Vỹ ho sặc sụa. Trúc Vỹ nhìn lên bàn, chiếc gạt tàn đầy ắp tàn thuốc. Trên bàn còn hai chậu hoa: Kim trản hoa và Nhạn lai hồng. Chúng đều có vẻ kém tươi.

Trúc Vỹ giật mình hỏi:

- Ồ cha, cha mang chúng vào đây làm gì? Hoa nó cần sương, cần nắng mới tươi, chứ cha ủ bằng thuốc lá thế này nó sẽ héo cả, không khéo nay mai nó chết mất.

Ông Tạ Thắng khép cửa, rồi bước tới ghế ngồi xuống, nhìn Trúc Vỹ với hai chậu hoa:

- Cái này là do cô giáo của con mang vào đấy.

- Vậy ư?

Trúc Vỹ mở mắt to nhìn cha. Ông Tạ Thắng đánh tiếng thăm dò:

- Không phải tối qua con đứng ngoài cửa sổ nhìn vào thấy cả rồi ư?

- Dạ không có, con ở trên lầu cơ mà. Con ngồi đợi cô, đợi hoài không thấy cô vào.

Trúc Vỹ nói với thái độ lo lắng:

- Hay là cha đã đuổi cô giáo? Cô Lâm dạy rất hay, con không biết bài, cô ấy vẫn kiên nhẫn giảng, không mắng chửi con là ngu như cô Nga. Cô Lâm còn khuyến khích, an ủi, vỗ về con, bảo con đừng lo lắng, từ từ rồi sẽ hiểu. Cô ấy đúng là một người thầy, một người bạn rất cảm thông, chia sẻ với con từng niềm vui, nỗi buồn. Trước giờ con chưa gặp ai dễ mến như vậy.

Rồi Trúc Vỹ ngẩng lên nhìn cha:

- Tất cả lỗi tại con cả, con cố học mà học hoài không nhớ. Nhưng mà... cha đã nói gì mà cô Lâm không dạy con nữa vậy?

- À!

Ông Tạ Thắng thấy lúng túng, đôi mắt ngây thơ của con gái làm ông thấy hổ thẹn. Phải đốt thêm điếu thuốc, ông mới đủ can đảm nói tiếp:

- Không có gì cả, con ạ. Cha không hề nói gì cô giáo con cả.

Trúc Vỹ thấy cha đốt thuốc, vội chạy ngay đến mở rộng cửa sổ ra.

Cô cười với cha:

- Cây cỏ không những sợ khói thuốc mà nó còn sợ cả máy điều hòa nhiệt độ. Con đặt hai chậu hoa này lên bệ cửa. Trông vẫn đẹp, được không cha?

Ông Tạ Thắng gật đầu, yên lặng nhìn con gái, rồi nghĩ đến lời của Bảo Lâm, ông chợt thấy thẹn. Rõ ràng là ông không hiểu rõ con gái ông bằng Bảo Lâm.

Ông hỏi:

- Trúc Vỹ, ba hỏi thật lòng con, con có thích cô giáo con không?

Trúc Vỹ thành thật nói:

- Thích chứ! Ngay từ nhỏ, con đã được cha mướn cô giáo đến dạy, nhưng chưa có cô nào dễ gần như cô Lâm. Cô ấy không những chỉ dạy chữ cho con mà còn hiểu con, thương con. Ngay trong những lúc con không thuộc bài, cô ấy cũng chỉ nói: "Không trách em được vì những thứ ấy quá khó đối với em".

Rồi Trúc Vỹ chau mày, giọng ấp úng như cố tìm kiếm cách diễn tả cho thích hợp. Nàng nói tiếp:

- Có thể nói thế này, các cô giáo khác dùng "trí thức" để dạy con, còn cô Lâm? Cô ấy dạy con bằng tấm lòng. Thật đấy, cha ạ, vì vậy như con nói lúc nãy, con rất yêu quý cô Lâm.

Tạ Thắng yên lặng nhìn Trúc Vỹ. Ông hiểu điều Trúc Vỹ muốn nói:

- Con có biết là tối qua, cô giáo Lâm đã đến đây xin giùm con.

- Xin cái gì thế cha?

- Cô ấy nói, đại học chưa hẳn có điều con muốn học, và cô ta nghĩ là con không cần phải thi vào đại học làm gì.

- À!

Trúc Vỹ nhìn cha với đôi mắt sáng:

- Rồi sao nữa cha? Rồi cha nói sao?

Ông Tạ Thắng lớn tiếng:

- Vì vậy, từ đây về sau, cô Lâm và cả cô Nga đều không cần phải đến đây để dạy con nữa. Con cũng được miễn thi vào đại học. Nhưng mà, hãy nghe này. Mảnh đất ở sau vườn trúc, cỏ dại nhiều quá. Cha giao mảnh đất đó cho con đấy. Nếu con không muốn học nữa thì cũng không có quyền ngồi không, con phải lao động.

Ông Tạ Thắng quắc mắt về phía khung cửa sổ rồi nói tiếp:

- Con phải biến mảnh đất đó thành một vườn hoa, một vườn hoa thật đẹp, nghe không?

Trúc Vỹ như nín thở, mắt mở to mà không dám tin những gì vừa nghe. Có thật như vậy không? Tuyệt quá.

Ông Tạ Thắng nói:

- Con có nghe rõ không chứ? Cha tha chuyện thi đại học cho con, nhưng cái vườn hoa thì con phải chăm sóc cho thật tốt.

Trúc Vỹ bây giờ xác định đúng lời cha nói là sự thật. Nàng chạy như bay đến bá lấy cổ cha, cảm động với những giọt nước mắt sung sướng:

- Cha ơi, cha! Cha dễ thương quá! Con yêu cha vô cùng!

Ông Tạ Thắng cũng thật sự xúc động. Lâu lắm rồi, hai cha con không có được phút giây thân mật thế này. Ông yên lặng tận hưởng những gì đang có. Trúc Vỹ giống như cánh bướm, hôn lên trán cha xong, nó bay ra khỏi phòng.

- Nội ơi, nội! Cha bảo là con không cần thi đại học nữa, con khỏi phải sợ chuyện thi rớt nữa rồi.

Ông Tạ Thắng tựa người vào ghế. Thật không ngờ con gái ông lại sợ thi rớt như vậy. Bất giác, ông nhớ tới lời nói của Bảo Lâm mấy tháng trước đã nói với ông:

-... Mặc dù cô ấy không thích học nhưng vẫn phải học vì ông, không muốn thi vẫn phải thi vì ông. Cô ấy có đủ cá tính riêng nhưng vì ông mà không dám nghĩ đến, không phát huy được tính độc lập của mình.

Bảo Lâm! Bảo Lâm! Người con gái yếu đuối kia lại có một nhận xét nhạy bén. Còn ông? Một luật sư tiếng tăm lừng lẫy lại quá vô tình.

Bảo Lâm! Bảo Lâm! Ông Tạ Thắng vội lật quyển sổ tay ra tìm chỗ ghi gia cảnh Bảo Lâm. May quá, nhà cô ấy có điện thoại. Lúc đầu, Tạ Thắng nghĩ là nhà Bảo Lâm nghèo đến độ không gắn được máy điện thoại. Ông quay số... Vừa được hai số là chựng lại. Ta sẽ nói gì đây? Sau chuyện hôm qua xảy ra, nói gì cho Bảo Lâm hiểu? Không khéo lại thêm rắc rối nữa! Lạ thật, ta chưa bao giờ lúng túng trước một cô gái như đối với Bảo Lâm. Ông Tạ Thắng đặt ống nói xuống, đứng dậy đi thay áo rồi tìm bác tài xế.

Tú Mẫn vội bước vào. Bình thường đến văn phòng, Mẫn vẫn cùng đi với ông Thắng. Mặc dù chàng có xe riêng, nhưng đi chung như vậy để ông Thắng dễ dặn dò công việc. Hôm nay, không hiểu sao ông Thắng lại bảo:

- Cậu một mình lái xe đến văn phòng trước nhé, đừng đợi tôi. Lấy hồ sơ vụ án ở Công Ty Bảo hiểm nghiên cứu trước, tôi có lẽ đến hơi muộn. Nếu có ai cần gặp tôi, cậu cứ ghi âm lại, tôi về đến sẽ giải quyết sau.

Tú Mẫn gật đầu, không nói nhưng chàng cũng thấy có chuyện lạ. Một luật sư Thắng mọi khi bước ra khỏi nhà ăn mặc chải chuốt, lịch sự hàng ngày, không hiểu sao hôm nay lại quên cả cạo râu!

Hai mươi phút sau, chiếc xe du lịch của luật sư Thắng đã ngừng trước cổng nhà Bảo Lâm.

Ông Thắng xuống xe, đứng ngắm ngôi nhà nhỏ của cô giáo. Trong những năm gần đây, loại nhà này hầu như biến mất gần hết, thay vào đó là những chung cư cao tầng, chỉ còn một ít căn hộ, trong đó có nhà của Bảo Lâm. Ông bước tới bấm chuông với một chút căng thẳng hiện lên trên nét mặt. Mới bảy giờ hai mươi, còn quá sớm. Gọi cửa lúc này là không tiện.

Có tiếng bước chân đi ra, rồi cổng mở. Bảo Lâm trong chiếc áo sơ mi ca rô đơn giản, chiếc quần jean đã bạc xuất hiện. Nàng có vẻ hơi ngạc nhiên. Cánh tay bị thương vẫn còn băng.

- Chào ông, ông đến đây có chuyện chi?

Ông Tạ Thắng không để ý đến câu hỏi.

- Hôm nay cô có giờ dạy chứ?

- Vâng.

- Mấy tiết?

- Bốn tiết.

- Thế còn buổi chiều?

- Không có tiết nào.

Tạ Thắng nói nhanh:

- Vậy để tôi đưa cô đến trường nhé?

Bảo Lâm do dự. Tạ Thắng nói ngay như sợ nàng chối từ:

- Vì tôi có chuyện muốn nói với cô. Tôi đã suy nghĩ kỹ, cô nói đúng. Sáng nay tôi đã cho Trúc Vỹ biết nó không cần phải thi đại học nữa.

- À!

Bảo Lâm chớp chớp mắt:

- Có phải ông đến đây để thông báo cho tôi biết là tôi không cần phải đến đấy dạy kèm cho Trúc Vỹ nữa, phải không?

Ông Tạ Thắng ngẩn ra. Thực tình thì ông chưa hề nghĩ đến điều đó. Ngay lúc đó, trong nhà có tiếng hỏi vọng ra của ông Vĩnh Tú:

- Bảo Lâm! Có phải chị phụ việc đến phải không?

Bảo Lâm giật mình, nói lớn vào trong:

- Dạ, không phải.

Bảo Lâm nhìn Thắng. Nàng không biết có nên mời Thắng vào nhà không? Nhưng rồi nghĩ đến cảnh bề bộn trong nhà, có thể mẹ sẽ chạy ra, áo quần xốc xếch, bây giờ cũng sắp đến giờ dạy học rồi, Bảo Lâm hất nhanh tóc ra sau, nói:

- Được rồi, ông đợi một tí nhé, tôi vào trong lấy mấy quyển sách. Hôm nay đi nhờ xe ông tới trường vậy.

Bảo Lâm chạy vội vào nhà lấy mấy quyển sách rồi bước ra ngồi phía sau xe với ông Tạ Thắng. Đây là lần đầu tiên nàng ngồi phía sau. Mấy lần trước, lúc còn dạy kèm cho Trúc Vỹ, mỗi lần bác tài xế đến rước, Bảo Lâm đều ngồi phía trước, vừa chuyện vãn và vừa ngắm cảnh.

Bữa nay ngồi một mình phía sau với ông Tạ Thắng, tự nhiên Bảo Lâm bối rối. Nàng bỗng nhớ tới nụ hôn đêm qua. Bất giác, Bảo Lâm xích ra xa một chút.

Ông Tạ Thắng lên tiếng, có vẻ săn sóc, tất nhiên không hề đề cập gì đến chuyện tối qua:

- Tay cô làm sao bị thương vậy?

Bảo Lâm nói nhanh:

- Tôi trượt ngã trên mảnh vỡ của ly nước.

- À, thế có nặng lắm không?

- Phải may tất cả mười một mũi. Bác sĩ nói sau này mà lành rồi vẫn phải mang sẹo.

Ông Tạ Thắng cúi xuống nhìn cánh tay băng của Bảo Lâm rồi nói:

- Chiều nay tôi sẽ đưa cô đến bệnh viện xem lại vết thương nhé!

Bảo Lâm nhìn Tạ Thắng, chợt nghĩ:

- Sao ông ta lại tự tin như vậy? Ta sẽ đồng ý, không phản kháng? Có lẽ ông nghĩ là với những người đầy quyền uy như ông ta, con gái, đàn bà nào được lọt vào mắt xanh ông ta coi như một sự hãnh diện, một diễm phúc lớn.

Bảo Lâm cắn nhẹ môi. Nàng chợt thấy tức giận, giận cả chính mình. Tại sao ta lại dễ dãi như vậy? Tại sao cho ông ta biết sự thật về vết thương để ông ta thương hại? Bảo Lâm ơi, sao mi dại dột quá?

Ông Tạ Thắng nói:

- Vậy nhé, mấy giờ Lâm hết giờ dạy?

- Mười hai giờ.

Bảo Lâm trả lời một cách yếu ớt như không cưỡng được lòng mình.

- Vậy thì mười hai giờ, xe sẽ đậu ở đây chờ Lâm nhé?

- Ồ! Không được!

Bảo Lâm đột ngột nhớ lại Từ Sâm. Chàng đã nói là trưa nay sẽ đến đưa Bảo Lâm đi thay thuốc. Vả lại, ta không thể dễ dãi thế. Tại sao ta không muốn mà chẳng dám phản kháng? Dẫu sao ta cũng có giá trị của ta chứ.

Bảo Lâm lắc đầu nói nhanh:

- Không! Trưa nay tôi có hẹn.

Ông Tạ Thắng có vẻ không tin, hỏi lại:

- Có hẹn à? Hẹn gì thế?

Bảo Lâm nghĩ:

- À! Ông ta nghĩ là mình bịa. Ông ta tưởng mình chẳng hề được ai đoái hoài. Một người đã bị bỏ rơi là coi như mất giá. Chỉ có ông ta, một người thừa tiền, hấp dẫn mới có quyền hẹn với ta thôi.

Bảo Lâm nói nhanh:

- Anh ấy tên là Từ Sâm, một kỹ sư ở Công Ty Xây dựng, con trai của Ngô Trọng Nhàn. Anh ấy sẽ đến đây rủ tôi dùng cơm và đi thay băng.

Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm với ánh mắt khó hiểu:

- Thế ư? Ngô Trọng Nhàn? À! Tôi biết ông này, nhưng con trai của ông ấy hình như còn trẻ con mà.

Bảo Lâm ngồi thẳng lưng nói:

- Đối với ông thì thế, nhưng với tôi thì không phải. Anh ấy đã tốt nghiệp đại học, đã thi hành nghĩa vụ quân sự, đã hai mươi bốn tuổi chứ đâu nhỏ nhoi gì.

Tạ Thắng bậm môi. Thì ra là như vậy. Đó là lý do tại sao Bảo Lâm xa lánh, cự tuyệt. Hai mươi bốn tuổi! Cái tuổi đó là một khoảng cách khá lớn. Ta thì bốn mươi hai. Ta có thể đương đầu với một cậu bé hai mươi bốn? Tạ Thắng yên lặng, đẩy cửa xe ra. Ông nói và tỏ ra lạnh lùng, bất cần:

- Vậy thì tạm biệt.

Bảo Lâm bước xuống xe, quay lại nhìn Tạ Thắng như định nói gì, nhưng đã thấy Tạ Thắng đóng sầm cửa lại, và ra lịnh cho bác tài:

- Đưa về văn phòng.

Chiếc xe rồ máy chạy thẳng. Tạ Thắng liếc nhanh ra cửa xe. Bảo Lâm chưa vào lớp, đứng ngẩn ra ở cổng trường như đang suy nghĩ. Dáng gầy của nàng và mái tóc dài lộng trong gió. Trông Bảo Lâm giống như một đóa hoa gầy guộc.

Xe đã chạy một khoảng xa, không còn thấy Bảo Lâm nữa, Tạ Thắng liếm nhẹ môi, có một chút giận dữ bực tức trong lòng. Bảo Lâm không có thân hình bốc lửa như La La, không có cái chín mùi của Lynh, thiếu cái nũng nịu của Vân Nga, thân hình gầy gầy như con mèo ốm, có gì đặc biệt chứ? Sao ta lại phải suy nghĩ? Dẹp bỏ, dẹp bỏ.

Tạ Thắng chợt vỗ mạnh lên băng trước, ra lệnh cho bác tài:

- Đừng đến văn phòng, hãy đưa đến "Vườn Sen".

Chiếc xe thắng gấp rồi quay đầu quẹo sang hướng khác. Tạ Thắng vẫn chưa thấy hết giận. Bảo Lâm chỉ là một cô giáo, có gì quan trọng đâu? Tại sao cao ngạo thế? Thắng cảm thấy như mình vừa chạm phải gai nhọn, một đóa hoa hồng đầy gai nhọn. Ông chợt nhớ tới lời của Trúc Vỹ ban sáng.

- Mấy cô giáo khác đã dùng "trí thức" để dạy con, còn cô Lâm? Cô ấy sử dụng tấm lòng để dạy con!

Tạ Thắng chợt thấy bàng hoàng. Có đúng như Trúc Vỹ nhận xét không? Có thể, có thể lắm. Lời của con gái làm ông thay đổi ý định.

Ông lại vỗ nhẹ lên băng trước lần nữa, nói với bác tài:

- Thôi, hãy quay lại văn phòng đi.

Chiếc xe một lần nữa quay đầu đổi hướng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play