Đề án kiến trúc của Từ Sâm đã được ban giám đốc thông qua. Ngoài số tiền thưởng, Từ Sâm còn được cấp trên khen ngợi và đề bạt lên làm trưởng phòng thiết kế. Đối với gia đình họ Ngô, đây là một sự kiện lớn.

Vợ chồng Thúy Bình, Thúy Du đều tập trung hợp đầy đủ ở nhà. Mọi người vui vẻ, nhưng cái không khí vui vẻ khuấy động đó hầu như đều do phái nữ gây ra. Dù gì nhà này cũng âm thịnh dương suy. Mấy cô con gái nói năng lanh lợi, đàn ông thường hay bị lép vế, thường bị biến thành đối tượng để mấy cô chọc cười. Lúc đó thường mấy anh con trai trở thành hề. Chẳng hạn có lần, không hiểu lý do gì, Thúy Du ngồi tới đâu cũng mang theo gói ô mai. Hôm ấy không hiểu tại sao không có nó. Đang ngồi chung trong phòng khách, Thúy Du chợt gọi chồng:

- Anh Kính ơi!

Từ Kính như hiểu ra, lên tiếng:

- Ô mai!

Rồi chạy bay ra khỏi phòng khách, xông ra ngoài cổng. Mọi người rất ngạc nhiên, chưa hiểu thì bà Ngô đã bước tới. Bà đã từng làm mẹ nên không có gì qua mặt được bà. Bà nhìn Thúy Du cười, cái cười hài lòng và mọi người như chợt hiểu ra. Thế là mục tiêu chính từ Từ Sâm đã chuyển sang Thúy Du. Nàng đã có tin vui! Thế là đề tài đã thay đổi. Thúy Du lấy chồng mới nửa năm mà đã có tin mừng, còn Thúy Bình lấy chồng đã ba năm lại không có gì hết. Gia đình họ Lê nôn nóng, Lê Vinh càng nôn hơn.

Nhìn Thúy Bình, Lê Vinh nói:

- Tôi gia hạn cho cô từ đây đến cuối năm phải ăn ô mai, bằng không thì...

Thúy Bình nhìn chồng cười hỏi:

- Thì sao?

Lê Vinh đáp tỉnh bơ:

- Thì tôi sẽ không khách sáo gì nữa, tôi phải làm một màn "cầu thê" kiếm vợ hai.

Thúy Bình hỏi:

- Ông dám không? Nếu ông "cầu thê", tụi này không biết "cầu phu" lại à?

Lê Vinh hét lên:

- Gan thật! Thật quá lắm!

Rồi quay sang bà Ngô, Lê Vinh nói:

- Mẹ xem đấy, con gái của mẹ lớn gan quá không?

Bà Ngô cười, an ủi Lê Vinh:

- Con đừng sợ! Con mẹ, mẹ biết, nó chỉ giỏi có cái miệng thôi chứ không dám làm đâu. Mà con cái trong nhà này kỳ lắm, không phải chỉ có mấy đứa con gái không mà con trai cũng vậy.

Từ Sâm la lớn:

- Ồ mẹ! Sao mẹ lại kéo con vào đấy làm gì? Con thấy con rất lành mạnh, đâu có tật gì đâu?

Thùy Tâm chen vào:

- Anh mới lắm tật đấy chứ!

Từ Sâm quay sang trừng em:

- Hứ! Tật gì mi nói ra xem? Nói xem?

Thúy Bình nói:

- Thôi giỏi rồi! Con của mẹ thế nào, mẹ không biết à? Cậu đừng tưởng cậu lên chức trưởng phòng rồi là cậu ngon nhé. Con trai gì mà hai mươi lăm tuổi đầu rồi vẫn phải bám víu vào mấy chị, ngay cả chuyện đi cua đào cũng chưa biết. Anh Vinh đâu?

- Dạ có!

Lê Vinh bước ra đứng nghiêm, chào theo kiểu nhà binh. Thúy Bình nói:

- Anh đem hết kinh nghiệm tán gái của mình ra dạy cho cậu ba nó xem.

Lê Vinh tròn mắt:

- Tôi ư? Tôi nhớ là lúc đó... Khi tán tỉnh em là lúc em đang đòi lái xe gắn máy. Tôi hứng chí anh hùng bước ra dạy, không ngờ tiểu thơ nhà tôi đạp máy chưa xong đã ham rồ ga. Chiếc xe vọt tới một cái tung vào bờ tường "Rầm" là ngã lộn nhào, cả người lẫn xe. Cô bị lỗ máu đầu. Tôi thất kinh phải đưa ngay vào bệnh viện. Bác sĩ thấy vết thương trên đầu em rộng quá, mắng anh: "Tại sao cậu lại làm cho một người đẹp thế này mang sẹo thế? Bây giờ cậu phải xử trí sao?" Tôi tưởng là em sắp chết đến nơi nên buột miệng nói: "Tôi sẽ cưới cô ấy làm vợ". Có ai ngờ đâu em lại lớn mạng như vậy? Em không chết mà lại sống khỏe làm anh phải cưới em. Như vậy có kể là anh đã "tán" em không? Kinh nghiệm này đâu thể truyền cho Từ Sâm được.

Câu chuyện của Lê Vinh khiến cả nhà cười ầm lên. Thật ra thì Lê Vinh không xạo. Chuyện đó có phần thật, vết sẹo trên đầu Thúy Bình còn đó. Trước sự cười đùa của mọi người, Thúy Bình không giấu được sự tẽn tò:

- Nói kiểu anh thì ra là tôi đã dùng khổ nhục kế để câu anh ư?

Lê Vinh đứng ra xa một chút:

- Làm sao tôi biết được?

Thúy Du nhảy vào cứu bồ cho chị:

- Đừng tưởng bở nhé! Nhưng chị Bình đâu phải bảo anh kể chuyện anh cua chị ấy như thế nào đâu mà chỉ muốn anh đem chuyện anh đã tán tỉnh mấy cô khác kia kìa.

- Cô nào đâu?

Thùy Tâm bấy giờ mới nhập cuộc:

- Còn cô nào nữa? Cứ khéo đóng kịch thôi, công tử họ Lê ạ... Công tử có muốn tôi kể ra sơ sơ mấy cái tên mà tôi đã biết không?

- Đừng, đừng, đừng!

Lê Vinh vội vã ngăn lại. Rõ ràng anh chàng cũng có chút tai tiếng trong chuyện tán tỉnh phụ nữ.

Mấy lần dự tiệc chiêu đãi, thù tạc trong thương vụ, Lê Vinh đã gặp mấy đóa hoa biết nói, rồi cũng đổ bể, truyền từ miệng người này qua người khác, ít họ xít cho nhiều. Lê Vinh đã phải khổ sở thu xếp, bây giờ nếu moi ra sẽ khổ cỡ nào. Lê Vinh van nài Thùy Tâm:

- Thôi mà, cô Út, cô tha cho tôi nhờ. Đừng để tôi phập phồng không yên giấc.

Nhưng Thúy Bình không buông tha:

- Nếu anh là con người quang minh chính đại thì có gì phải sợ chứ?

Lê Vinh đột nhiên ho sặc sụa. Thúy Bình nhìn chồng, cười hỏi:

- Anh làm sao thế? Cảm mạo hay bị viêm họng vậy?

Lê Vinh rõ rất thông minh, chuyển ngay đề tài:

- Không phải, không phải đâu. Tôi có chuyện đang suy nghĩ đây. Xem nào, cậu Từ Sâm năm nay hai mươi lăm tuổi rồi mà chưa có bạn gái thì quả dở vô cùng.

Lời của Lê Vinh chưa dứt thì chuông điện thoại reo vang. Thùy Tâm ngồi gần điện thoại, nhấc lên đỡ lấy ống nghe. Vừa nghe, Thùy Tâm vừa nhíu mày:

- Ồ, có điện thoại của anh Từ Sâm đây này. Cô nào gọi cho anh mà giọng nói nghe nhão nhẹt vậy?

- Họ La đấy!

Từ Sâm vội khoát tay:

- Hãy nói với cô ta là anh không có mặt ở nhà. À... à, đi xa lắm rồi. Công ty phái đi công tác xa... hay đã đi Mỹ hay Phi châu gì cũng được. Phải đi ba tháng... hay cả năm cũng được.

Thùy Tâm trố mắt nhìn anh:

- Anh đừng tưởng ai cũng ngu như anh à? Làm gì có chuyện đi Mỹ hay Phi châu? Người ta chỉ cần phôn tới sở làm của anh là rõ cả mọi việc.

Từ Sâm thấy có lý, bứt tóc:

- Mặc cô ta nói gì thì nói, cứ bảo tôi không có ở nhà là được.

Thùy Tâm buông mấy ngón tay che kín ống nói ra, rồi nói vào máy:

- Anh ấy đi vắng rồi, không biết mấy giờ nữa mới về.

- Cái gì? Tôi là ai à? Tôi là vợ chưa cưới của anh ấy!

Rồi Thùy Tâm đặt máy xuống, nhìn Từ Sâm cười:

- Xong rồi, đã giúp anh giải quyết được mọi việc rồi đấy.

Lê Vinh có vẻ ngẩn ra:

- Thật tình tôi không hiểu. Tại sao mấy người ai cũng bảo là cậu nhà ta chưa có bạn gái. Bây giờ lại có người gọi điện thoại đến chứ? Mấy người định phá tôi ư?

Từ Sâm lắc đầu:

- Cái cô này ghê gớm lắm. Tôi đã trông thấy qua một lần, cô ta không kém cái bà "Mèo rừng" hay "Hồ ly tinh" gì của anh đâu, anh Vinh ạ.

Từ Sâm nhìn mọi người, chợt nhiên thấy bực dọc. Cái sung sướng được khen thưởng vì bản thiết kế như cất cánh bay đi. Chàng lặng lẽ rời khỏi đám đông lên lầu, khép cửa lại, ngã mình xuống giường, trừng trừng nhìn lên trần nhà.

Chầm chậm như một cuốn phim, trước mắt chàng hiện ra một khuôn mặt, một đôi mắt đen nháy, nước da trắng đứng đấy. Chiếc áo phất phơ trong gió lộng. Cô bé rực rỡ dưới ánh nắng mai như một nàng tiên. Từ Sâm thở dài, nghiêng người nhìn ra cửa sổ. Từ Sâm ơi, Từ Sâm! Mi làm gì thế? Mi giống như Bảo Lâm đã nói, mi ngây ngô, ấu trĩ, chua trưởng thành. Mi gặp ai, yêu đó. Đầu tiên, mi đã bị cái nghiêm trang của Bảo Lâm thu hút, sau đó mi không thoát khỏi sự quyến rũ của Duy Trâm rồi bay giờ mi lại thấy Trúc Vỹ như một nàng tiên nữ. Như vậy, rõ là đã có chuyện rắc rối! Từ Sâm quay người lại úp mặt vào gối. Hình ảnh Trúc Vỹ như hiện ra rõ hơn trong đầu. Không được! Từ Sâm ngồi dậy. Ta phải nghĩ ra cách làm thế nào để quen với Trúc Vỹ, bằng không có lẽ ta sẽ điên mất.

Những lúc gần đây, sau ngày gặp Trúc Vỹ trong sân nhà Bảo Lâm, Từ Sâm không làm sao quên được hình bóng ấy. Giọng nói êm và thanh như tiếng chim hót kia cứ lảng vảng trong đầu chàng.

- Chậu này là kim ngư thảo, cái tên nghe lạ quá phải không cô?

Từ Sâm hết nằm xuống rồi ngồi dậy. Chàng thấy bức rứt không yên. Cuối cùng, chàng phải đứng dậy đến phòng vệ sinh rửa mặt, nhìn vào kiếng.

- Mi chỉ gặp cô ta một lần, mi không hề quen biết, sao vậy? Bảo Lâm bảo mi chưa trưởng thành. Mi làm gì cũng như khùng khùng, điên điên. Mi không thể si mê người ta qua dung nhan bề ngoài được, hãy vững vàng một chút. Bây giờ, trước mắt là làm thế nào để làm quen vớicô gái ấy đã. Nhưng làm thế nào để quen? Cách đơn giản nhất là điện thoại cho Bảo Lâm, nhờ Bảo Lâm giúp đỡ, nhưng mà Từ Sâm ơi! Tại sao làm cái gì thì mi cũng phải cần người khác giúp đỡ? Mi không thể độc lập, bao giờ mi mới tự lập được, mới trưởng thành chứ?

Rồi như một cơn lốc, Từ Sâm xông ra ngoài cửa, chạy bay xuống cầu thang trước sự kinh ngạc của mọi người. Chàng chạy ra ngoài nhà. Từ Kính gọi với theo:

- Cậu Sâm ơi, cậu Sâm, cậu làm gì đấy? Cậu đi đâu vậy?

- Tôi đi ra phố mua mấy món quà.

Quả thật, Từ Sâm đã mua cả lô hàng, phần lớn là sách, phải nói là toàn loại sách thực vật học. Vợ chồng ông Ngô Trọng Nhàn tưởng con trai định đổi ngành.

Thế rồi có một ngày, khi Trúc Vỹ đang cùng bà nội ngồi nói chuyện vãn trong phòng khách thì vú Ngô bước vào nói:

- Cô ơi, có ông thợ làm vườn đến, ông ấy bảo là mang đến cho cô mấy chậu hoa quý và hiếm.

Trúc Vỹ mừng rỡ, vừa chạy ra vừa hỏi:

- Thế có phải ông Văn hôm trước không? Ông ấy có hứa sẽ mang đến một số hoa lạ mà.

Vú Ngô nói:

- Không phải ông Văn, ông này còn trẻ lắm. Chắc có lẽ là con trai ông ta ấy. Tôi đã đưa cậu ta ra mảnh đất sau bụi trúc rồi. Cậu ấy có mang theo mười mấy chậu hoa.

Trúc Vỹ đã ra tới vườn. Nàng chạy vội về phía mảnh đất mới được vun xới sau vườn trúc. Mảnh đất mà lúc mới mua, nhà luật sư Thắng định làm một sân quần vợt. Sau đó, vì công việc quá bận nên ông bỏ dở dự tính này. Mảnh đất trở thành bãi cỏ dại và ông giao cho Trúc Vỹ. Sau ngày bỏ thi đại học, Trúc Vỹ đã bỏ khá nhiều ngày công để vun xới, chăm sóc nó. Nàng đã trồng một luống kim trản hoa, một số hoa nở vào mùa thu, ngoài ra còn trồng một số loài hoa hiếm nữa.

Trúc Vỹ vừa qua khỏi rừng trúc là thấy gã làm vườn ngay. Hắn có thân hình cao lớn, vai rộng, tóc đen. Hắn mặc sơ mi trắng, một quần jean đã bạc màu, đang đứng chắp tay ngắm nghía thửa đất. Dưới chân hắn ta là những chậu hoa tím có, đỏ có.

Nghe tiếng chân, hắn quay lại. Trúc Vỹ bất giác giật mình. Anh chàng có khuôn mặt khá quen thuộc. Vầng trán rộng, đôi mắt đen và chiếc miệng có dáng dấp tinh nghịch kia hình như mình đã gặp đâu rồi. Đúng rồi! Trúc Vỹ đã gặp ở nhà cô giáo Lâm.

Trời đất! Vậy mà vú Ngô lại hiểu lầm, lại nói người ta là thợ làm vườn. Anh chàng này Vỹ biết rất rõ, con trai duy nhất của một đại thương gia.

Trúc Vỹ chợt thấy buồn cười, nụ cười hồn nhiên. Nụ cười đã làm cho Từ Sâm ngẩn ngơ bối rối. Hôm nay Trúc Vỹ mặc áo màu xanh lá non, tóc dài đánh thành hai chiếc bím. Trông Trúc Vỹ tươi mát như cành cỏ dại trong mưa.

Trúc Vỹ vừa cười vừa nói:

- Ồ, thì ra là anh! Tôi nhớ tên anh rồi. Anh có phải là Từ Sâm không?

Lòng Từ Sâm vui như mở hội. Nàng đã biết tên của ta.

- Vâng! Trúc Vỹ!

Từ Sâm cố tình kêu tên một cách thân mật.

- Tôi mang hoa đến cho cô này!

- Ồ!

Trúc Vỹ trề môi, thái độ ngây ngô chân chất vừa lôi cuốn vừa khiến người ta chú ý.

- Xưa tới giờ chưa có ai tặng hoa cho Vỹ cả, hèn gì... hèn gì...

- Hèn gì thế nào?

- Hèn gì vú Ngô chẳng bảo anh là thợ làm vườn.

Từ Sâm đáp một cách tỉnh khô:

- Thì tôi là thợ vườn đây! Tôi đến đây để dạy Vỹ làm vườn.

Trúc Vỹ nhướng mày, ngạc nhiên:

- Anh đến dạy tôi làm vườn ư?

- Vâng, Vỹ đến xem này.

Từ Sâm kéo tay Trúc Vỹ đến gần. Cổ tay mềm mại mát rượi của Trúc Vỹ làm Từ Sâm giật mình:

- Tay của Vỹ như có điện vậy đó.

Trúc Vỹ cười giả lả nói:

- Có điện? Anh nói gì lạ vậy?

Từ Sâm nói:

- Thôi bỏ qua đi! Tôi hay nói chuyện không đầu, không đuôi. Cô giáo Lâm của cô đã từng phê bình tôi còn khờ khạo ngây thơ lắm.

Trúc Vỹ cười ngặt nghẽo. Nói đến cô giáo là nàng thấy vui. Nàng ngây thơ hỏi:

- Thế ư? Cô Lâm cũng có dạy anh à?

Từ Sâm thấy lúng túng:

- À, mà...

Rồi chàng suy nghĩ một chút nói tiếp:

- Ờ... ờ... cô ấy cũng có dạy tôi.

Trúc Vỹ thích thú:

- Dạy anh môn gì vậy?

Từ Sâm nhớ đến lời Bảo Lâm chỉnh, liền nói:

- Thì dạy tôi cách làm người, cách sống độc lập, cách tự nhận xét, suy nghĩ để trưởng thành. Nói chung là đủ mọi thứ.

Trúc Vỹ nhìn Từ Sâm với cái nhìn chia sẻ:

- À! Cô Lâm là một cô giáo tốt, anh có thấy như vậy không?

Như tận đáy lòng, Từ Sâm gật đầu đồng ý với Trúc Vỹ:

- Vâng, một cô giáo tốt nhất thế giới.

Lời của Từ Sâm làm Trúc Vỹ thích thú. Nàng nhìn thẳng Từ Sâm, dù sao cũng gặp một người học cùng thầy. Người nhà cả mà! Trúc Vỹ nghĩ như vậy nên cư xử với Từ Sâm thân thiết hơn.

- Anh bảo là anh cũng biết trồng hoa nữa phải không?

Từ Sâm quay qua:

- Cô nhìn tôi không giống à?

Trúc Vỹ lắc đầu, làm cái nơ bươm bướm trên đầu như lay lay đôi cánh.

- Không! Anh to lớn quá, trông giống như một thể tháo gia.

Từ Sâm hãnh diện:

- Thì tôi cũng là thể tháo gia đấy chứ! Tôi chơi bóng rổ, bơi lội, đá banh, chạy đua đều khá cả. Nhưng tôi cũng biết trồng hoa nữa đấy.

- Ồ.

Trúc Vỹ nhìn Từ Sâm với ánh mắt khâm phục, rồi quay xuống nhìn mấy chậu hoa. Có một chậu cây có thân mồng mước, chân đứng thẳng, màu xanh đậm. Nàng chưa hề thấy qua loại này bao giờ nên cất tiếng hỏi. Từ Sâm làm như rất sành sỏi:

- Đây là loại "san hô xanh". Cô nhìn xem nó giống san hô không? Có điều lại màu xanh đậm.

Trúc Vỹ nói:

- Vâng, giống quá. Bây giờ tôi mới nghĩ ra!

Nàng cúi xuống nhìn một chậu hoa khác có lá to, màu lục, hoa lại màu đỏ, viền vàng. Những cánh hoa nở cong, rung rinh trong gió như e lệ. Trúc Vỹ hỏi:

- Còn đây là hoa gì?

- Còn đây là loại gai lan, một loài có gốc gác từ Phi Châu. Hiện nay nó đã thích ứng với khí hậu ở đây. Tôi đã quan sát vườn hoa của cô, phần lớn là loài nở vào mùa xuân, chỉ có kim trản hoa và cúc, huệ là nở vào mùa hè và thu. Tôi thấy cô cần phải trồng thêm một số loài hoa mùa đông, như vậy vườn sẽ có hoa trong suốt bốn mùa. Xuân, hạ, thu, đông đều có hoa nở, như vậy, vườn này là thế giới của hoa.

Trúc Vỹ nhìn Từ Sâm với đôi mắt long lanh.

- Anh nói đúng, nhưng tôi tìm mãi mà chẳng thấy hoa nào nở trong mùa đông cả.

Từ Sâm nhún vai:

- Không tìm thấy à? Thiếu gì, chẳng hạn như loài hoa gai lan này, hoa chuông vàng, anh đào, kỳ lân, thủy tiên... Tất cả đều đơm hoa tiết lạnh.

Trúc Vỹ hỏi:

- Có loài là kỳ lân nữa ư? Cái tên nghe ngộ quá hén!

Nàng thật sự ngạc nhiên, tưởng rằng mình biết tên rất nhiều loại hoa, không ngờ so với anh chàng này, trí thức về hoa của mình kém xa.

Từ Sâm lựa một chậu hoa mang đến trước mặt Trúc Vỹ. Hình dáng bên ngoài của nó giống như phật thủ, có điều rất nhiều gai, và hoa nhỏ màu đỏ.

- Đây là hoa kỳ lân. Nó là hai loại màu, đỏ và vàng. Nếu cô biết cách chăm sóc thì có thể ra hoa quanh năm, nhưng ở mùa thu và đông thì hoa nở rộ hơn. Trồng nó phải có ánh nắng đầy đủ, không được đọng nước, đất phải là đất cát. Dĩ nhiên là ngoài những yếu tố đó ra, giống như những loài hoa khác, nó đòi hỏi phải chăm sóc kỹ càng.

Trúc Vỹ tròn mắt nhìn Từ Sâm. Cô nàng đã hoàn toàn bị thuyết phục.

Trúc Vỹ nói như van xin:

- Anh có sẵn sàng dạy tôi những thứ đó không?

Từ Sâm nói một cách tự hào:

- Rất sẵn sàng!

Ánh mắt như hồ thu của Trúc Vỹ thật lôi cuốn. Bất giác, Từ Sâm gãi đầu, lẩm bẩm:

- Trời đất! Trên cõi đời này, chắc tôi chết mất, chết mất! Tôi đang chết dần, chết trong đôi mắt xanh biếc của nàng. Trời ơi!

Trúc Vỹ tò mò bước tới nhìn thẳng vào mặt Từ Sâm:

- Anh nói gì thế?

Từ Sâm vội vã lắc đầu:

- Không có gì hết.

Trúc Vỹ chỉ vườn hoa và nói:

- Anh thấy đấy, cha tôi đã giao mảnh đất trống này cho tôi để tôi biến nó thành vườn hoa. Anh thấy tôi nên trồng những loại hoa gì cho thích hợp?

Từ Sâm chăm chú ngắm nghía mảnh đất rồi ngồi bẹp xuống. Chàng bắt đầu móc trong túi ra một tờ giấy trắng. Từ Sâm bắt đầu thiết kế, Trúc Vỹ tò mò ngồi xuống cạnh. Từ Sâm vẽ rất nhanh, những vòng cung, những chiếc cột gỗ tròn. Trúc Vỹ có cảm tưởng như Từ Sâm đang vẽ để thiết kế nhà.

- Anh làm gì thế? Nhà em rộng lắm rồi, không cần cất thêm, em muốn làm vườn hoa thôi. Em hỏi anh cần trồng hoa gì thôi mà.

Từ Sâm nhìn lên, cố gắng giải thích:

- Tôi chỉ muốn thiết kế hoa viên, chứ đâu có cất nhà. Khu vườn nhà em có trồng đủ thứ nhưng lại thiếu một nhà kính. Tại sao ta lại không lợi dụng mảnh đất này cất một nhà kín ấm? Trúc Vỹ biết không, có nhiều loại hoa cần phải trồng trong nhà như hoa lan, các loại kiểng nhiệt đới.

Trúc Vỹ nhớ sực ra, hình ảnh nhà kính với hàng trăm loại lan treo đầy, loại lan có màu sắc muôn màu ngàn vẻ, thật thích thú. Trúc Vỹ nắm lấy tay Từ Sâm giục:

- Vâng, thì anh hãy vẽ, vẽ đi!

Từ Sâm tiếp tục vẽ, vẽ một cách say mê. Nhà kính bắt đầu hình thành dáng dấp, nó giống như mô hình của một viện nghệ thuật hơn là một nhà kính.

Từ Sâm vừa vẽ vừa giải thích:

- Đây chỉ là phác thảo thôi, bao giờ đồ đạc đầy đủ mới có vẻ tỉ lệ thích hợp.

Trúc Vỹ tò mò:

- Làm sao anh lại biết vẽ thế?

Từ Sâm cười, hãnh diện nói:

- Vì tôi có học qua ngành kiến trúc. Hiện tôi đang làm việc ở Sở xây dựng cơ mà.

Trúc Vỹ ngạc nhiên:

- Anh đã theo học qua kiến trúc? Ồ! Vậy là anh thông minh lắm, giỏi lắm, vì anh vừa vẽ giỏi, thiết kế nhà cửa giỏi, anh lại là thể tháo gia, lại rất am tường về nghệ thuật hoa viên nữa.

Trúc Vỹ mở to mắt nhìn Từ Sâm khâm phục:

- Anh thật là tuyệt vời!

Từ Sâm đỏ mặt. Những lời tán tỉnh đơn sơ của Trúc Vỹ làm chàng thấy xấu hổ. Chàng ngồi ngay người lại, thật thà thú nhận.

- Nghe này, Trúc Vỹ. Tôi thật tình biết vẽ, biết thiết kế đồ án, biết chú ý thể thao, nhưng tôi không biết trồng hoa đâu.

Trúc Vỹ không tin:

- Sao lại không? Anh biết nhiều về đặc tính, màu sắc, cách thức trồng, thời gian sống và cả tên tuổi của hoa. Như vậy thì làm sao anh lại cho rằng không biết trồng hoả

- Tất cả những thứ đó đều qua sách vở.

Trúc Vỹ chau mày:

- Qua sách vở? Em không hiểu gì cả.

Từ Sâm nói:

- Vậy thì anh nói thật nhé! Từ hôm gặp Vỹ ở nhà cô giáo Lâm là anh như mất hồn. Anh nghĩ phải tìm đủ mọi cách để gần gũi em. Anh biết em thích trồng hoa, thế là anh đi mua hơn hai mươi quyển sách về hoa cỏ về đọc ngấu nghiến, rồi đến mấy vườn hoa hỏi thăm mấy ông chăm sóc vườn, tích lũy một số kinh nghiệm lý thuyết và anh mò đến đây.

Trúc Vỹ nhướng mày. Nàng có vẻ kinh ngạc nhìn Từ Sâm:

- Anh muốn nói là anh đã vì em mà nghiên cứu về hoa cỏ này?

Từ Sâm cười, nhìn Trúc Vỹ rồi gật đầu sung sướng:

- Đúng vậy.

Trúc Vỹ chớp chớp mắt, đôi mắt đến như ngẩn ngơ. Nàng ngồi trên cỏ, chiếc váy xòe rộng, hai tay đan vào nhau, yên lặng.

Từ Sâm nhìn cô gái. Nỗi lo lắng không đâu ụp đến, Từ Sâm nghĩ:

- Hỏng hết rồi! Ta đã vụng về quá, nói chi những lời như vậy, coi như bao nhiêu công phu tan theo mây khói cả rồi.

Từ Sâm cắn lấy môi, khó xử.

Thời gian như chầm chậm trôi. Chợt Trúc Vỹ ngẩng lên nhìn Từ Sâm, ánh mắt vẫn sáng long lanh. Nàng nhìn Từ Sâm rồi nói, giọng nói của cô gái nghe nhẹ như gió thổi:

- Cảm ơn anh nhé! Chưa có ai vì em mà hành động như vậy. Anh nói làm em muốn khóc quá.

Trúc Vỹ chớp chớp mắt, và nàng khóc thật. Ngọn gió vui tươi như vây lấy người Từ Sâm.

- Ồ!

Chàng đưa tay nắm lấy tay Trúc Vỹ, nắm một cách rụt rè. Từ Sâm lo Trúc Vỹ hoảng sợ. Đây là lần thứ hai họ gặp nhau, mới chỉ hai lần thôi, táo bạo quá chăng? Có điều trong phút giây linh thiêng nào đó, Từ Sâm chợt hiểu ra tình yêu là gì. Thì ra nó không phải là tình thương hại, lại cũng không phải là sự bốc đồng. Tình yêu trước hết bắt rễ từ sự trân trọng, yêu quý, sùng bái, rồi sau đó ước mơ và có cả sự rung động chân thành của cảm xúc và còn nhiều thứ nữa.

Như bị choáng ngộp trước niềm vui quá lớn, Từ Sâm như quên hết. Chàng chỉ biết rằng, trên thảm cỏ xanh, cô bé ngồi trước mặt kia mắt đang bị khói tình yêu làm cay xè đến nỗi phai ứa lệ. Điều đó làm chàng sung sướng, muốn nhảy cỡn lên, muốn la toáng lên cùng đất trời. Im lặng. Bỗng nhiên, Từ Sâm như dạn dĩ hơn, gọi:

- Trúc Vỹ này?

Cô bé ngước mặt lên, chờ đợi.

- Dạ!

Từ Sâm sung sướng hỏi nhỏ:

- Có bao giờ em bị khói làm cay mắt chưa?

Trúc Vỹ gật đầu nhè nhẹ, rồi đáp:

- Nhiều nữa là khác, mấy hôm ở nhà phụ vú Ngô nấu cơm, em bị hoài chứ gì.

Từ Sâm cười hỏi:

- Không phải, loại khói đặc biệt kìa, khói không có lửa nhưng vẫn cay xé mắt kìa!

Như chợt hiểu ra, Trúc Vỹ hai má đỏ bừng, cười bẽn lẽn, trả lời thật nhỏ như chỉ để hai người nghe thôi:

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play