Sau cái đêm đó, tôi đã ngã bệnh, bệnh thật lâu, hơn cả tháng trời. Tôi bị sốt cao, mê sảng. Cha phải đưa tôi vào bệnh viện, nằm điều trị ở đấy cả một mùa thu. Khi thần trí tôi hồi phục, thì người đầu tiên tôi muốn gặp là Kiến Quân. Tôi không nói ra, chỉ nằm trên giường bệnh mong chờ. Có điều Kiến Quân không đến. Con người rõ là vô tình. Ngoài miệng nói là thương yêu. Nhưng khi có việc thì trốn mất. Tôi nằm đấy thất vọng, đau khổ, lặng lẽ khóc. Tôi chỉ khóc khi có một mình. Lúc cha đến thì tôi lại gạt nước mắt, giả tỉnh không nhắc đến Quân một câu.

Suốt khoảng thời gian tôi nằm trong bệnh viện. Chỉ có một mình cha và Nhất Vỹ vào thăm. Quân không đến mà dì Huyên cũng không đến. Cha thì chỉ hỏi han sức khỏe thế nào? Thích đọc sách hay món ăn gì không chứ. Người không biết săn đón hay giúp được gì cả. hình như người cố tránh không nhắc gì đến chuyện hôn nhân của tôi với Kiến Quân, cũng không nhắc lại chuyện không vui cũ của mẹ.

Nằm trong bệnh viện, tôi thấy thật cô độc. Tôi cứ nằm đấy nhìn mãi lên trần nhà. Trong phòng bệnh cái gì cũng màu trắng một cách đơn điệu. Màu trắng của tang chế! Tôi chợt giật mình,, không dám nghĩ tiếp.

Một hôm, Nhất Vỹ vào thăm, chàng là con người ít nói. Chỉ hỏi vơ vẩn một vài câu rồi ngồi yên cạnh giường mở quyển sách ra. Vỹ đã ngồi như vậy, hơn ba tiếng đồng hồ với quyển sách trên tay. Nhưng tôi không phàn nàn, trái lại... trong khi tình cảm trống trải, cô đơn thì sự hiện diện của Vỹ đã là cả một sự an ủi. Tôi chợt thấy thương Vỹ. Nước mắt trào ra má, tôi nắm lấy tay Vỹ nói:

- Anh Vỹ, cảm ơn anh.

- Hừ!

Vỹ chỉ "hừ" rồi ngồi yên. Tôi hỏi tiếp:

- Anh Vỹ, anh có thương em không?

- Hừ.

Lại "hừ". Hình như với Vỹ, sự diễn đạt tình cảm chỉ bằng một tiếng "hừ". Tôi còn chưa hiểu ý Vỹ, thì trước khi ra về, Vỹ chợt hỏi tôi:

- Thanh Thanh nầy, em sắp lành bệnh rồi chứ?

- Dạ.

- Vậy thì, bao giờ lành bệnh, mình làm đám cưới nghe?

Lời của Vỹ quá bất ngờ làm tôi giật mình. Nhưng ánh mắt lúc đó của Vỹ rất thành khẩn. Vậy là chàng nói thật chứ không nói đùa. Tôi hỏi rõ lại:

- Anh cầu hôn tôi đấy ư?

- Ừ - Vỹ gật đầu nói - Thanh Thanh thấy sao?

Tôi nằm yên. Cái cách cầu hôn nầy của Vỹ quá lạ. Tôi không thương Vỹ. Tôi không rung động được trước một cái máỵ Nhưng mà... tôi nghĩ, Nhất Vỹ dù gì cũng biết đến tôi, ghé thăm tôi, chàng còn có tình cảm với tôi. Còn Kiến Quân?... Hoàn toàn không đoái hoài hỏi han đến. Cả dì Huyên nữa. Mẹ con họ là những người vô tình. Rồi tôi lại nghĩ đến ngôi nhà tôi đã ở. Ở đấy có quá nhiều thứ cần tôi phải chạy trốn. Tôi không muốn quay về cái nhà đó nữa. Thế là tôi khóc. Và trong khi khóc, tôi đã gật đầu với Vỹ.

Dáng dấp tôi vốn đã thon thả. Sau cơn bệnh lại gầy hơn. Tôi như một bộ xương biết đi. Nằm trên giường đã quen, khi bước xuống đất tôi có cảm giác phiêu diêu của người đi trên mây. Tôi nghĩ mình lúc đó hẳn xấu lắm. Và mong rằng hôm xuất viện về nhà, đừng để Kiến Quân thấy mặt. Nhưng cái khéo lo của tôi chẳng có nghĩa lý gì. Lúc xuất viện về nhà. Cha là người đến đón. Chẳng thấy dáng Quân đâu, dù hôm ấy là ngày chủ nhật.

Ðến nhà, tôi đi thẳng vào phòng riêng của mình. Cũng chẳng gặp Kiến Quân. Dì Huyên ân cần chăm sóc tôi. Dì như quên bẵng chuyện xảy ra hôm trước. Dì cũng không nhắc đến Kiến Quân. Tôi đoán có lẽ Quân bận công tác xa. Nhưng chờ mãi hết mùa thu mà Quân cũng không về. Rồi mùa đông đến. Trong suốt cái khoảng thời gian tôi chưa bình phục hẳn, chỉ có cha, dì Huyên là lo lắng cho tôi. Kiến Quân cứ đi biệt, Vỹ thì đến gần như hàng ngày. Con người cù lần đó hình như không biết nói chuyện tình yêu. Ðến hỏi han mấy câu, là ngồi xuống bên cạnh, lấy quyển sách mang theo ra đọc. Ðọc miết cho đến lúc đứng dậy ra về. Tôi thấy Nhất Vỹ hiền như bụt. Lúc đó tuy bực mình, nhưng tôI đã nghĩ như vậy cũng tốt thôi. Có một ông chồng như vậy, không có cái nồng cháy, say đắm, thì cũng sẽ bớt đi những dỗi hờn, trẻ con, khỏi phải thất vọng. Giống như mặt nước hồ thu. Cuộc đời rồi sẽ trôi đi trong sự phẳng lặng, như vậy cũng xong một đời.

Vỹ là con người khá mê đọc sách. Xin đan cử thí dụ: Có một lần tôi tò mò khi thấy Vỹ đọc, tôi hỏi:

- Anh đang đọc gì đấy?

- AQ. Chính truyện (Lỗ Tấn).

- Quyển truyện đó em có đọc qua, tuyệt quá.

- Vâng, đất là một "bài ca tổng hợp" (Pablo Neruda - Chi Lê).

- Anh chàng AQ sống trong cái thời buổi nhiều nhương...

- Vâng, như một "Chùm nho uất hận" (J. Steibok - Mỹ ).

- Nhiều lúc em thấy AQ như một "Chàng ngốc" (F.M. Dostoievski - Liên Xô).

- Nhưng sống trong thời buổi đầy "Bão táp" (Shakespeare - Anh) như vậy, đôi lúc lại phải như "Người quả phụ khôn ngoan" (Gôn dô ni).

- Em thấy thì anh chàng AQ tiêu cực quá!

- Không hẳn. Trong một xã hội đầy "Giông Tố" (A Ostrovki - Nga) thì "Những con người khốn khổ" (Victor Hugo - Pháp) phải hành động như "Cô gái điên" ở say ô (Tean Giraudouse - Pháp) mới tìm được con đường sống em ạ.

Tôi lắc đầu:

- Anh có vẻ lậm sách nhiều quá.

Vỹ cãi lại:

- Sách là "Vương quốc của thế giới này" (A Carpentier - Cuba).

- Nhưng chỉ nên đọc một cách vừa phải.

- Anh mà không đọc sách, lại cảm thấy mình như "những linh hồn chết" (N. Gogol - Nga).

Thế đấy. Vỹ là như vậy đấy.

Nhưng sau cơn bệnh, tôi thấy lòng mình như trơ hẳn ra. Kiến Quân cũng đã bỏ đi rồi chẳng có gì để tôi thiết tha với cuộc đời này nữa. Hay là lấy chồng? lấy chồng để thay đổi cách sống xem sao?

Thế là... Với sự ưng thuận của cha. Tôi đi lấy chồng.

Nhất Vỹ là chồng tôi. Hôm củ hành lễ cưới, Kiến Quân cũng không về tham dự. Không biết là Quân có biết không? Nhưng tôi cũng không hỏi. Cái chuyện xảy ra tối hôm ấy đã làm lở dở mọi thứ. Bây giờ tôi có chồng. Âu cũng là định mệnh vậy.

Sau lễ cưới chúng tôi đến hồ Bích Ðầm hưởng tuần trăng mật.

Hồ Bích Ðầm, khung cảnh khá hữu tình. Ở đấy mây nước đều như thơ. Nhất là bấy giờ lại là mùa xuân. Những cây anh đào trổ đầy hoa bên sườn núi, tạo thành một màu hồng rực rỡ. Thời tiết lại ấm áp. Chúng tôi mướn một túp lều tranh bên bờ hồ nghỉ ngơi. Nhưng cái tuần trăng mật của chúng tôi lại không mật ngọt như bao nhiêu quyển tiểu thuyết tình yêu đã diễn tả. Hình như chỉ có tôi là nghĩ đến cảnh đẹp. Còn Nhất Vỹ? Ði đâu cũng cầm quyển sách trên tay. Ra khỏi nhà chỉ một ít lâu, là lại chọn một gốc cây ngồi xuống giở sách ra đọc. Nhiều lúc tôi thấy Vỹ như yêu sách nhiều hơn cả tôi.

Chuyện đó khiến tôi thất vọng.

Nhưng rồi, một tháng trăng mật rồi cũng trôi qua nhanh chóng.

Chúng tôi quay về nhà.

Vỹ được cha tặng cho một biệt thự nhỏ làm quà cưới. Chúng tôi sống chung ở đấy, thỉnh thoảng lại về thăm cha. Và một bữa tình cờ tôi nghe cha tiết lộ. Sau cái đêm bão tố đó, Kiến Quân đã bỏ nhà ra đi. Còn đi đâu thì chẳng ai biết, Quân cũng không hề thư từ gì về nhà cả. Tôi nghĩ, Quân đã rất giận tôi. Nhưng mà biết làm sao bây giờ, khi lòng đã không kiềm chế được?

Một lần khác, khi chỉ có một mình tôi và cha trong phòng, cha đã nắm tay tôi nói:

- Thanh Thanh nầy, con đừng nghi oan cho dì Huyên. Mẹ con điên không phải là vì dì ấy mà vì một nguyên nhân khác.

Tôi quay qua, nhìn thẳng vào mặt cha. Phải chăng người định biện bạch cho người yêu của mình?

- Vậy thì vì nguyên nhân nào?

Tôi hỏi. Cha đã ngần ngừ một chút, rồi nói:

- Ðó là vì một người đàn ông không phải cha!

- Không, con không tin, cha nói dối - Tôi đã hét lên. Tôi nghĩ là cha đã đem một bóng mà nào đấy ra để đỡ tội cho dì Huyên. Nếu dì Huyên không cướp cha thì mẹ con làm sao điên được chứ?

Cha đã lắc đầu:

- Không, còn lầm rồi, cha nói thật với con đấy. Mẹ con và người đàn ông kia đã yêu nhau trước khi mẹ lấy cha. Con có biết không. Trước kia, gia đình của cha và mẹ con ở cạnh bên nhau. Ông nội và ông ngoại con lại là bạn tâm giao nhau, nên ai cũng nghĩ là không sớm thì muộn cha với mẹ sẽ lấy nhau. Ngay chính cha cũng nghĩ như vậy... Bởi vì cha và mẹ đã chơi thân nhau từ nhỏ. Mỗi ngày cha và mẹ con cùng cắp sách đến trường. Cha học cao hơn mẹ hai lớp. Nhưng điều đó nào có nghĩa lý gì? mọi chuyện đã diễn biến một cách tốt đẹp thì cha vào đại học. Trường đại học cha học ở tận Bắc Kinh xa nhà hàng cây số, nên để thuận tiện cho việc học, cha theo chế độ nội trú. Một học kỳ ba tháng mới về nhà một lần. Chính cái lúc đó, chuyện đã xảy ra. Mẹ con trong thời gian vắng cha, đã yêu một anh chàng ca sĩ không chuyên. Không những nghề nghiệp hắn không cố định, mà cả cuộc sống của hắn cũng rày đây mai đó. Ông ngoại con hay được, đã ngăn cản. Ông không muốn con gái mình có một kiếp sống phiêu lưu.

- Lệ Uyên, cha không đồng ý con giao du với tay hát rong đó.

- Nhưng hát có gì là xấu đâu cha. Ði hát cũng là một nghề nghiệp?

- Một nghề nghiệp chết đói thì có, cha nghĩ hát chỉ là một cái thú tiêu khiển thôi.

- Cha không thấy là ở Mỹ có Elvis Presley, ở Pháp có Johny Holyday, ở Anh có John Lennom đều trở thành tỉ phú nhờ hát đó ư?

- Nhưng đó là chuyện ở bên Mỹ, bên trời Âu. Còn đây là cái xứ Ðài Loan. Con có thấy ai làm giàu nhờ đi hát không? Hay là đến lúc cuối đời phải chết như một tay ăn mày? Hãy thực tế một chút con ạ. Con còn nhỏ, hãy cố lo tốt nghiệp phổ thông trước đã, lên đại học có công ăn việc làm đàng hoàng rồi hãy nghĩ đến chuyện tình yêu. Cha thấy là thằng Chu Cần mới là đứa chân đạp đất. Thực tế và có tương lai.

Ông ngoại con đã đánh giá cha như vậy. Nhưng bấy giờ mẹ con đang chìm đắm trong tình yêu. Mẹ con nào có nghĩ đến cha? Thế là mẹ lại tiếp tục giao du với tay ca sĩ đó.

Ðể ngăn chặn mối tình không được chấp nhận đó ông ngoại con bắt mẹ con nghỉ học và nghiêm khắc canh chừng. Mặc dù vậy như cô ấy vẫn liên lạc với người yêu. Cuộc tình vô vọng đó gây đau khổ cho mẹ con không ít.

Ngoại con không muốn con gái mình sa chân vào chỗ khổ nên lại sang hội ý với nội con, và người cho gọi cha về. Bấy giờ cha mới là sinh viên năm thứ hai. Cha thì lúc nào cũng yêu mẹ con. Cái tình yêu của cha đã sẵn có từ lúc cha mới vừa lớn. Chính vì cha yêu mẹ con nên cha cũng đau khổ vô cùng khi biết mẹ con không yêu cha. Nhưng cái tự ái của người đàn ông nhiều lúc thành ngu muội. Biết không được mẹ con yêu, nhưng khi nghe ngoại con gợi ý, cha đã chấp thuận ngay. Cha hứa sẽ cưới mẹ con ngay sau khi cha ra trường.

- Anh Chu Cần, tại sao anh hành động như vậy? Anh biết là tôi không yêu anh mà?

Mẹ con đã gặp cha và thẳng thắn đặt vấn đề.

- Anh biết chuyện đó. Nhưng anh yêu em.

Cha đã đáp.

- Nhưng tình yêu đó sẽ dẫn đến đâu? khi anh chỉ chiếm được cái thể xác vô hồn của tôi?

Mẹ con nói. Cha biết rõ chuyện đó chứ. Nhưng cha vẫn bất chấp. Con thấy đấy, một cuộc hôn nhân mà chỉ có tình yêu đơn phương, kế quả là cả hai người cùng khổ. Nhưng mẹ con là người đàn bà tốt. Một người đàn bà phương đông hiếu nghĩa trọn tình. Một người gia giáo nề nếp. Khi chưa có chồng thì thôi, mà đã có chồng rồi thì mặc dù không yêu chồng, vẫn làm tròn bổn phận một người vợ. Cái tay ca sĩ kia lại rất chung tình, biết là mẹ con đã có chồng vẫn đeo theo nài nỉ. Kết quả là mẹ con đã trong nỗi đau dằn vặt, chơi vơi giữa ngã ba lòng... Thanh Thanh... Con bây giờ lớn rồi, hẳn con cũng nhận chân được nỗi đau đó.. Và có lẽ vì nỗi ray rức, nhớ nhung buồn phiền, rồi còn cái lương tâm của một người vợ.. Mặc cảm tội lỗi với chồng con. Nên mẹ con bị chứng tâm thần phân liệt mà trở thành điên.

Cha ngưng lại nhìn tôi buồn bã, rồi tiếp:

- Riêng về dì Huyên, thì dì ấy hoàn toàn vô tội, trong chuyện điên của mẹ con. Cha chỉ gặp dì ấy sau khi mẹ con phát bệnh.

Tôi bàng hoàng nhìn cha. Sự thật sao mà đến muộn thế. Thì ra tôi đã lầm. Dì Ba đã nói dối. Dì Huyên vô tội. Vậy mà tôi đã trút hết trách nhiện lên dì, lên cả Kiến Quân!

Tôi thở dài. Nhưng nếu đó là sự thật thì mọi chuyện bây giờ cũng đã lỡ dở cả. Tôi nhớ đến chiếc kén màu đen. Tội nghiệp mẹ tôi. Thì ra người nói đến chiếc kén như nhân mà tình yêu đã tạo thành. Mẹ sống với cha mà lại bị chiếc kén trói chặt... Tội nghiệp cho mẹ! Chắc mẹ tôi đã khổ lắm... Nhưng còn tôi? Tại sao tôi lại lấy Vỹ khi mình không yêu? Như vậy chiếc kén của Kiến Quân tạo thành kia sẽ thế nào... Tôi lại sa chân vào tình cảm của mẹ ư?

- Kiến Quân!

Tôi kêu lên. Hình bóng người thanh niên ương ngạnh, ngang ngược như hiện ra trước mắt. Tình yêu mà thù hận lầm lẫn đã đẩy chàng đi xa mất rồi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play