Từ hôm đó, Phú thường hay đến nhà của Tố Tố. Ban ngày Phú làm việc tại y viện, đến chiều, Phú thường lấy chiếc mô tô của y viện đến nhà nàng mà làm khách. Buổi cơm chiều tại y viện rất sớm, nên khi Phú đến nhà Tố Tố thường đúng vào bữa cơm, chàng phải ngồi ngoài nhà khách để chờ đợi. Bà Hùng rất vừa ý Phú, bởi chàng nói năng hoạt bát và rất chân tình, thỉnh thoảng bà đem những hộp bánh điểm tâm quí giá mà đãi chàng. Bởi chàng biết Tố Tố không mấy lưu tâm đến chàng, nên Phú phải dùng chiến thuật gây cảm tình với mẹ nàng. Tố Tố xem Phú không thấy có cảm tình, cũng chẳng biết rõ vì một lý do nào, trực giác của nàng thấy sao không mấy thích hợp với Phú, thế thôi.
Nhưng, nàng cũng chưa bao giờ biểu lộ ra mặt, nàng chỉ ít hay trò chuyện với Phú, cũng như không để tâm đến chàng. Những khi Phú và mẹ nàng chuyện vãn thấy thích thú nhất thì lặng lẽ ngồi một bên, cùng Phi trao đổi một vài câu chuyện bâng quợ Nếu nàng không thích nghe Phú nói nữa thì nàng bảo nhức đầu hay viện những lý lẽ khác rồi đi lên lầu.
Phú cảm thấy không có cách nào chiếm thêm cảm tình với Tố Tố nữa, chàng như một gã thợ săn đang cách con mồi quá xa, nên không thể nhắm đúng mục tiêu. Chàng cũng sẽ cố tìm cách nào khác để gần gũi nàng. Tố Tố không tỏ thái độ gì chán ghét chàng, bởi bà Hùng rất mến Phú, nên bất cứ lúc nào chàng muốn đến chơi cũng được. Dầu sao chăng nữa, cũng kể là chàng đã tạm thành công trong đợt đầu vì chàng đã chiếm được cảm tình của mẹ nàng.
Phi cũng thấy rõ điều đó, chàng không giúp gì được cho Phú, cũng không nỡ phá hoại Phú. Phi vẫn thản nhiên để xem Phú biểu diễn. Chỉ khổ một điều là, khi Phú đến, chàng phải phí mất mấy tiếng đồng hồ quý báu để tiếp chuyện với Phú. Bởi chàng đã ấn định thời gian để tự học, khi Phú đến là chương trình học bị đình trệ và làm sự sắp xếp học hỏi của Phi rối loạn.
Phú mãi đeo đuổi theo Tố Tố, nên buộc lòng Phi phải theo dõi tình trạng biến đổi của nàng. Phi phát hiện ra, chẳng những nàng đẹp bên ngoài mà tánh tình cũng rất tốt. Nàng rất văn vẻ, thâm trầm. Không biểu lộ chút gì vội vàng, hách dịch, cũng không tỏ ra kiêu ngạo kinh người như thói thường các cô gái nhà giàu. Nàng chân thật và mọi việc thường đắn đo cân nhắc, về tình cảm nàng cũng cân nhắc để được lòng người, tuy nàng rất thất vọng về tình yêu với Cơ Thực, nhưng lại thường viết thư gởi cho chàng, nàng một mực tỏ thâm tình, không phải tiếp chẳng được thư tín của người yêu rồi đâm ra cau có giận hờn. Khi nàng không thích người nào đó, cũng chẳng hề biểu lộ tình cảm khó chịu, cũng có lúc nàng nói thẳng, nhưng Phi biết điều đó vì đang khi nàng bị kích thích quá mạnh mà ra. Chàng cũng biết rằng nàng không thích Phú nhưng chưa tỏ ra một hành động nào chống chế.
Phi biết vậy, nhưng không thể nói cho Phú biết, sợ Phú sẽ cho rằng mình ghen hờn nên tìm cách đuổi khéo, hoặc Phú sẽ hiểu lầm chàng không thật tâm giúp Phú. Bất cứ hình thức nào cũng tổn thương tình bạn giữa đôi bên. Phi rất trọng nể bạn thân, không bao giờ muốn mất lòng bạn nào. Trong lớp học ngày xưa cũng vậy, chàng hay tha thứ những lỗi lầm, cũng như thường giúp đỡ cho bạn.
Chàng tự xét mỗi người đều có ưu và khuyết điểm. Sao mình chỉ chú ý vào khuyết điểm của người khác thôi? Huống chi Phú đây là một người bạn lớn tuổi rất thân thiết với chàng.
Nhưng sự tử tế của Tố Tố đối với Phú không thể kéo dài hơn nữa Sáng sớm hôm đó, Tố Tố tìm đến phòng của Phị Nàng ăn mặc rất chỉnh tề với dáng vẻ sang trọng. Phi nhìn trân trối giây lát, nói:
- Tố Tố hôm nay đẹp quá!
Đôi má nàng ửng hồng, đưa tay vén mái tóc:
- Anh muốn đùa với em rồi đó.
- Đúng là đẹp vậy mà, có khi nào tôi dám nói đùa với cô đâu? Từ ngày tôi đến nhà cô, hôm nay mới thấy cô ăn mặc và sắc diện trông đẹp nhất. Vả lại, từ màu áo đến mái tóc cũng rất thích hợp với vóc dáng của cô nữa.
Tố Tố rất hài lòng, nàng sửa lại y phục:
- Lâu lắm rồi, em chưa mặc đồ này, bịnh lâu ngày người ốm đi nên y phục hơi rộng.
Phi cười cười nói:
- Hôm nay cô ăn mặc thế này, chắc định đi dự hội phải không?
Nàng lắc đầu nhìn Phi nói:
- Không, tôi muốn đến hỏi thăm anh một việc, anh có bận gì không?
Nàng khẽ đáp:
- Hôm qua anh Phú hỏi em sợ ngồi xe mô tô không? Nếu muốn đi du ngoạn nơi nào, anh ấy sẽ chở em đi suốt ngày cũng được.
- Cô đáp lời mời anh Phú thế nào?
- Tôi chỉ cười trừ với anh ấy, và nói: tôi không sợ đi xe mô tô nhưng không thích ngồi sau xe mô tô mà thôi.
Phi cười, chắc Phú đã chạm vào thứ khó nuốt:
- Rồi sao nữa cô?
- Anh Phú hẹn trưa nay mời tôi đến Bích Đàm du ngoạn.
Phi biết, nàng ăn mặc thế này để đi vì lời mời của Phú. Có lẽ để nàng có dịp nói chuyện rõ với Phú, cũng có lẽ hỏi chàng nếu rảnh thì cùng đi với nàng, chàng hỏi:
- Chắc cô đã hứa đi du ngoạn với anh Phú?
Phi không ngờ, nàng lại lắc đầu nói:
- Không, tôi đã nói với anh nhiều lần rồi, tôi không thích anh Phú, cũng như không thích mùi thuốc bay ra quanh mình ảnh mà.
Phi cười lớn nói:
- Vậy cô có đồng ý đi với anh Phú hay không?
Nàng quả quyết đáp:
- Không.
- Hiện giờ cô định đi đâu?
- Tôi không hề từ chối lời mời của anh Phú, nếu từ chối sợ ảnh thất vọng.
- À, tôi hiểu ý cô, có lẽ cô muốn tôi đi cùng cô chớ gì?
Nàng vẫn lắc đầu phủ nhận:
- Cũng đi, nhưng không phải đi gặp anh Phú. Tôi đã bảo A Kim gọi điện thoại cho ảnh hay hồi sớm, nói trong người tôi chẳng được khỏe nên không thể đi du ngoạn được. Chắc anh ấy nghe tôi không được khỏe sẽ đến thăm. Tôi muốn anh cùng tôi đi trước để tránh anh ấy khi ảnh đến đây.
Phi rất khó xử trí, nhưng buộc lòng phải đi cùng nàng, vì Khưu viện trưởng cũng như cả gia đình nàng chỉ hy vọng chàng cùng nàng đi du sơn ngoạn thủy để cho nàng được vui vẻ kia mà! Phi gật đầu:
- Được rồi, tôi sẽ đi cùng cô, xem sách mãi sao đầu óc nó quay cuồng khó chịu quá.
Tố Tố nguýt chàng:
- Không phải anh xem sách nhiều, mà gần đây anh đi đây đi đó quá nhiều, nên xem sách không nổi chớ.
Phi cũng tức cười, chàng nghĩ, cô ả cũng lưu ý vào việc riêng của mình rồi "có lẽ Thượng đế sanh người con gái ra để trói buộc người con trai" chàng cũng nói xuôi theo nàng.
- Tại tôi không dám mời cô đi với tôi, sợ gặp phải những việc phiền phức gây cho cô không vui chớ.
Nàng lại trợn mắt nhìn chàng:
- Nói xàm, mau thay đồ đi mười giờ rồi. Tôi chờ anh ngoài xe.
Phi nhìn theo bóng lả lướt của nàng khuất dần ngoài cửa, chàng mỉm cười, rồi chàng cũng thay bộ Âu phục mới, với chiếc cà vạt hợp thời trang bước vội vã ra cửa.
Tố Tố ngồi trên xe huýt gió một bản nhạc thời trang. Phi chợt thấy nàng đang ngồi nơi tay lái, Phi bước đến bên nàng nói:
- Cô để tôi lái cho.
- Chắc anh sợ tôi lái không an toàn sao?
Phi nói tránh khéo léo:
- Không, tôi rất ghiền lái xe. Từ ngày đến nhà cô, tôi chưa lái được lần nào.
Nàng ngồi xê qua một bên vừa nói:
- Được rồi, anh lái chừng nào thấy mỏi thì giao cho tôi.
- Ờ, cảm ơn cô.
Chàng mở cửa xe bước lên, mở máy cho xe chạy.
Chưa biết do duyên cớ nào khiến chàng cảm thấy thích thú, nếu hôm này không có chàng thì nàng đã đi cùng Phú. Mặc dầu vấn đề dắt nàng thường xuyên đi du ngoạn là công tác của chàng. Nhưng mục đích của Phú và chàng thì khác hẳn nhau. Điều đó khiến cho Phú phải thất vọng.
Lòng Phi có cảm giác không mấy vui. Chàng không phản đối việc Phú đeo đuổi Tố Tố, Phú là bạn thân của chàng, đúng lý là chàng phải tạo cơ hội cho Phú gặp nàng. Vì Phú có điều không thể nói ra được, nhưng Phú có những ý nghĩ không mấy quang minh chính đại, bởi đó, mà Phi không sẵn sàng giúp đỡ cho Phú.
Phi cho xe chạy vừa phải, không quá bốn chục cây số giờ, chàng cứ giữ mức độ đó mà chạy mãi, trước mắt đã nhìn thấy đồng bằng Sĩ Lâm bao la thẳng tắp chân trời. Chàng hỏi:
- Chúng ta đi đâu bây giờ?
Nàng nghiêng đầu qua hỏi lại:
- Anh nói gì?
- Tôi không có ý kiến chi, tôi chỉ là người tùy tùng với cô đi du ngoạn thôi. Tùy ý cô muốn đi đâu tôi đi đó.
Nàng lắc đôi vai như đứa trẻ, nói:
- Hổng chịu đâu, anh phải nói, em muốn anh phải nói.
Phi cười cười trả lời:
- Được rồi, cô để tôi suy nghĩ giây lát được không?
Nàng dựa ngữa ra, nhắm đôi mắt lại, nói:
- Anh nghĩ kỹ đi, rồi sẽ cho em biết.
Giây lát sau, Phi khẽ nói:
- Tố Tố.
Nàng vẫn không mở mắt ra:
- Hả?
- Chúng ta đến Trung Ương Tửu Điếm ở Trung Sơn Bắc Lộ để dùng cơm được không?
- Trước khi chúng ta đi anh chưa ăn sáng sao?
- Chúng ta còn những chuyện cần nói.
- Ừa, anh nói đi.
- Sau đó sẽ đến Bích Đàm chèo thuyền. Ồ! Hồ vào lúc này chắc đẹp lắm nhỉ!
Nàng tỏ vẻ hứng thú ngồi nhỏm dậy:
- Thật vậy sao?
- Tôi hy vọng cô được vui vẻ và cảm thấy yêu đời hơn.
- Đương nhiên là tôi thích thú rồi. Sau khi chúng ta dùng điểm tâm xong, sẽ mua hai phần cơm đem theo xuống thuyền.
Phi cười cười nhái theo miệng nàng:
- Khi chúng ta ra đi em chưa dùng cơm sao?
Nàng nguýt chàng, vẻ giận dỗi:
- Anh hư quá đi. Em chỉ mua một phần cơm thôi, hổng thèm mua cho anh đâu.
- Tố Tố, đừng giận tôi mà, tôi chỉ học theo lời nói của cô mà thôi.
- Ai biểu anh nhái em chi.
- Thôi, không học theo cô nữa đâu, chỉ xin cho ăn hùn phần cơm với cô là được rồi.
Tố Tố bật cười thành tiếng:
- Miệng mồm anh trơn bén quá, trách nào Bân Bân không mê anh.
Phi quay đầu nhìn nàng, tỏ vẻ phản đối, nhưng không nói nên lời. Xe vượt qua Bắc Đầu, càng lúc càng nhiều xe. Bởi nhằm ngày nghỉ nên khách thừa nhàn rất đông.
Hai người không nói gì nữa, Phi chuyên chú lái xe, chen vào đám đông để rời khỏi đô thị Đài Bắc. Hai người dùng điểm tâm xong bèn mua hai phần cơm mang theo để đi Bích Đàm.
Phi thuê một chiếc thuyền nhỏ, hai người cùng thả theo giòng nước suốt hai tiếng đồng hồ. Tố Tố nhất định dành chèo để Phi ngồi sau lái thuyền, nàng chèo xuôi giòng qua Điếu Kiều.
Nước hồ trong vắt, bên cạnh rặng núi xanh, xa xa nghe những tiếng hát véo von, tiếng cười rộn rã. Trong khung cảnh này, khiến cho khách nhàn du quên đi tất cả ưu phiền.
Tố Tố vừa chèo vừa hát nho nhỏ. Phi rảnh rang đưa tay ra khuấy nước, tai chàng lắng nghe tiếng hát của nàng. Tố Tố vẫn hát lại bài hát mà chàng đã nghe hồi ngày hôm qua.
Phi chờ nàng hát dứt bèn nói:
- Tôi rất thích bài hát đó, hôm nay cũng là lần thứ hai tôi được nghe cô hát nó.
Nàng lấy làm lạ hỏi:
- Anh nghe tôi hát hồi nào?
- Hôm qua vào lúc hoàng hôn, từ Đạm Thủy tôi vừa về đến cửa, bỗng nghe tiếng cô hát từ trên lầu vọng xuống, hòa lẫn tiếng dương cầm khi khoan khi nhặt, giọng hát của cô rất hay, khiến cho lòng tôi thấy lâng lâng nhẹ nhỏm.
Tố Tố cúi đầu xuống, lộ vẻ buồn bã:
- Tôi ưa thích bài hát đó. Lời ca do Cơ Thực chép gởi cho tôi, anh ấy nói là một bài ca cổ điển mà anh rất thích.
- Chiều hôm đó tôi nghe cô hát, bỗng nhiên nhớ lại ngày nào cô đã ca mấy bản trong cuộc lễ bãi trường. Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy cô mặc bộ lễ phục màu trắng, không khác một đóa sen trắng, ấn tượng đó ghi vào tim tôi không làm sao quên được.
Nghe lời chàng, nàng dường như ngây ngất nhìn về xa xôi với đôi mắt mơ màng, rồi lại ngoảnh lên vòm trời xanh thẳm, nàng như nhớ lại:
- Tôi cũng nhớ lại hình ảnh đó, nhưng nhớ ra ngày ấy giọng hát của tôi rất dở, hôm đó lòng tôi vô cùng hồi hộp. Kìa, dường như thuyền đã trôi quá xa rồi, nước trôi mãi không bao giờ trở lại.
Phi cảm thấy bồi hồi, nước trôi đi mãi không bao giờ trở lại cùng trong một cái nhìn, nhưng mỗi người có mỗi cảm giác khác nhau. Có vị triết nhân nào đã nói "Đi qua mau như thế sao? Nhưng thời gian vẫn qua mãi không kể chi đến ngày hay đêm". Tuổi xanh đã đi qua cũng như giòng nước chảy ra biển cả, không bao giờ trở lại. Chàng cố đè nén cảm xúc nói:
- Tố Tố, gần đây tôi thấy ký ức của cô rất khả quan, có nhiều vấn đề nhỏ nhặt mà cô nhớ rất rõ ràng.
Nàng lắc đầu nói:
- Khi người khác nhắc thì tôi mới nhớ rõ, riêng mình thì lúc nào cũng sống nửa mộng nửa thật. Tôi thường chiêm bao thấy điềm chẳng lành, khi thức giấc thì nước mắt chảy ướt gối.
- Cô thường nằm mộng thấy những gì?
Nàng vẫn lắc đầu trả lời:
- Tôi nhớ không được rõ lắm, có mấy lần lâu lắm rồi dường như thấy một mình tôi lẻ loi đi chậm rãi giữa cánh đồng hoang dã, không gặp được người thứ hai nào, tôi quá lo sợ nên khóc sướt mướt, khi tỉnh lại tôi rất sợ mình phải sống cô độc, và từ đó tôi sợ đêm tối.
- Đó là triệu chứng thần kinh của cô quá suy nhược, cô đừng suy nghĩ gì là tốt hơn, nhất là trước khi đi ngủ, cô nên để lòng bình thản.
Nàng vẫn lắc đầu cãi lại:
- Hổng phải đâu, tôi sợ đêm tối từ thuở bé, bởi thế, chưa khi nào tôi ngủ một mình trong phòng tối không đèn.
- Rất tiếc cô chẳng có chị em gái, nếu cô có một chị em gái thì không bao giờ cô có cảm giác cô độc và tịch mịch.
- Tôi không nghĩ đến vấn đề đó. Có lẽ tôi không thích có chị em gái, trước đây có cô em bạn dì đến ở cùng tôi, làm cho tôi càng khó ngủ hơn nữa là khác.
- Đó là vấn đề thói quen, chắc là cô sống một mình đã quen rồi.
Tố Tố ngừng chèo để cho thuyền nổi bềnh bồng trên mặt nước phẳng lặng. Nàng nhìn thẳng vào mặt Phi:
- Từ trước em chưa nghe anh nói về anh, hôm nay em muốn nghe anh tự thuật về anh một chút coi nào.
- Hổng chịu đâu, em muốn nghe mà! Bởi em chưa bao giờ được biết thân thế của anh mà.
- Cô không nghe bác Hùng nói lại sao?
- Từ ngày anh về đây, em chỉ nghe nói sơ qua chút ít thôi.
- Đó không phải là chút ít, mà là sự thật rất đầy đủ về cuộc đời của tôi.
Nàng vẫn lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng.
- Thân thế của tôi đơn giản lắm, tôi đã mất mẹ cha từ thuở bé. Nhờ bà ngoại nuôi dưỡng đến lớn cho vào trường học. Thật là bất hạnh, khi mới thi vào đại học, ngoại tôi từ trần. Bà còn dành dụm cho tôi một số tiền, nhưng tôi không thể chịu nổi những lời khinh bỉ, đùa cợt của các anh em cô cậu, bạn dì, nên không nhận số tiền của ngoại để lại, tự mình vừa làm vừa học cho đến khi thi tốt nghiệp.
Nghe chàng nói, Tố Tố tỏ vẻ cảm thông:
- Tôi rất đồng ý với anh về vấn đề tự lực lo cho mình.
- Thế là cô không coi rẻ đứa trẻ mồ côi?
- Coi rẻ? Bộ anh cho rằng tâm trí tôi nông cạn lắm hả?
Phi lộ vẻ cảm khái, chàng đáp:
- Xin lỗi, tôi có chút tự ty, nhưng tin rằng điều đó cũng là nguyên nhân khó giao thiệp với bạn bè. Đồng thời tôi cũng quá bận nhiều thời giờ để lo công việc hầu duy trì tổn phí cho sự học hành.
Tố Tố nhìn thẳng chàng giọng chậm rãi:
- Hôm nay tôi biết hoàn cảnh của anh hồi cấp trung học như vậy, thật tôi bội phục anh vô cùng. Nếu đổi lại tôi là anh thì nhất định tôi thất bại.
- Tôi mong đừng có ai giống hoàn cảnh thê thảm của tôi, thực ra tôi cũng chưa biết tương lai của mình sẽ ra sao. Tất cả thuộc về quá khứ, hiện giờ tôi có thể tự mình đứng vững được rồi.
- Anh đã sớm đứng vững rồi chớ, không thế, sao Bân Bân lại yêu anh.
Phi lắc đầu nói:
- Tôi cũng chưa biết ý Bân Bân đối với tôi thế nào, trừ ra lần trước tôi đã cho cô biết nguyên nhân sự nghiệp của tôi, có thể cũng do nguyên nhân đó là điều trọng yếu để kết hợp giữa tôi và nàng do cha nàng thúc đẩy.
Tố Tố không muốn bàn luận với chàng thêm, bởi nàng chưa tìm ra đề tài thích hợp. Hai người cùng lặng lẽ, tâm sự giữa hai bên chắc chẳng giống nhau. Trên hồ, du thuyền qua lại như thoi đưa, vang vọng lại lời ca tiếng hát của khách bốn phương.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT