Trời vừa mờ sáng mẹ đã từ giã vợ chồng bác Chương để trở về thành phố. Đứng bên cạnh tấm biển " Nông Trại Lệ Thanh" tôi nhìn theo mẹ cho đến khi xe mất hút. Lòng tôi mang mang, sự ly biệt ở đây không có nước mắt, không cả lời dặn dò, vì tất cả những điều cần nói, tối qua mẹ đã nói hết với tôi rồi. Bây giờ chỉ còn sự im lặng. Tôi không nói năng gì cả, mà dù có muốn tôi cũng không biết phải nói gì. Tôi có cảm giác như tình cảm giữa mẹ con tôi có một khoảng cách quá xa. Nhưng rồi khi bóng mẹ khuất sau lớp bụi mờ, thì tôi cảm thấy thật cô đơn. Mẹ đi về giải quyết bao nhiêu chuyện rắc rối. Từ đây, cuộc đời của người sẽ ra sao? Còn đời tôi rồi sẽ như thế nào?
Bác Châu vòng tay ngang hông tôi, nhẹ nhàng bảo:
- Thôi chúng ta vào, hình như đêm qua con ngủ không thẳng giấc, vào ngủ thêm chút nữa nhé.
Tôi hít mạnh khí trời vào lồng phổi.
- Dạ thôi, để cháu đi vòng vòng chơi, không khí ở đây thật trong lành.
Diễm Chi sốt sắng:
- Tôi đưa Thu đi nhé.
Tôi không biết trả lời sao, vì nói thật, trong giờ phút này tôi chỉ muốn được ở yên một mình. Con người nhiều lúc cần được thu gọn trong chiếc giỏ cô đơn. Bác Châu đã giúp tôi giải quyết vấn đề:
- Diễm Chi, con còn phải cho gà ăn nữa nhé!
Diễm Chi nhìn tôi tiếc rẻ:
- Tôi quên mất, thôi chị đi trước đi, một lúc nữa tôi ra tìm Thu.
Tôi đáp nhanh:
- Được rồi, tôi đi dạo một mình cũng thích.
Bác Châu dặn dò:
- Đừng đi xa quá nhé con. Ra khỏi nông trại con đi dọc theo con đường mòn ở bìa rừng là ra bờ suối. Đi đường đó có bóng cây, bằng không mặt trời lên là nóng không chịu nổi.
- Vâng.
Tôi đưa mắt quét qua khắp vùng đất xanh tươi trước mặt. Bác Chương, bác Châu cùng Diễm Chi quay trở lại khu nhà êm ả. Tôi tần ngần đứng đấy một lúc, rồi bước ra vùng cây râm mát. Đầu óc tôi trống rỗng. Không khí buổi sáng đầy sương và hơi thở của cây lá mát rượi. Mặt trời đã leo lên khỏi cánh đồng cỏ, làm nên vùng trời đỏ chói có viền mây tím nhạt. Dãy núi xa mờ làm thành bức màn trắng đục. Chân bước đều trên đường mòn, tôi không cố ý tìm xem nó có đúng là con đường đưa đến cánh rừng và bờ suối hay không. Cúi thấp đầu tôi đếm những bước chân của mình một cách vô nghĩa, cố tránh không để chân đạp trên cỏ. Thẩn thờ như kẻ mộng du, tí nữa là tôi đã vấp phải những con vật lông mềm. Tôi giật mình đứng lại và nghe thấy có tiếng cười. Ngẩng đầu lên, bầy trừu của bác Chương và cô bé chăn trừu đang cười tôi. Tôi lắc đầu để cho bao nhiêu bối rối bay đi. Cô bé chăn trừu cưỡi trên lưng một con trừu chạy quanh. Hình ảnh đó tôi thích thú, đứng nhìn cô bé đùa giỡn với đám trừu một lúc tôi lại cúi đầu xuống lầm lũi bước đi. Tôi sẽ làm quen cô bé này, nhưng ngày hôm nay không được vì không hứng. Mặt trời lên cao hơn làm tan những hạt sương mai trên cành cây ngọn cỏ. Nhìn chiếc bóng của mình nằm dài trên cỏ chiếc váy ngắn của tôi phập phồng trong gió, trong lá cờ xanh tươi mơn mởn, tôi cúi người xuống ngắt một lá cỏ răng cưa rồi bước đi. Trông thấy hai đóa hoa vàng tôi cũng ngắt luôn và đính vào mép tai. Tôi ước ao một bờ hồ để tôi ngắm xem lúc ấy gương mặt tôi thế nào. Nước? Tôi nghe có tiếng nước chảy róc rách đâu đây, tôi nhanh chân đi theo có tiếng nước.
Nắng đã mất, tôi đã bước vào khu rừng thưa. Rừng cây gần như chỉ gồm toàn cây bàng với lá. Trên đường ngập lá bàng, những chiếc là màu vàng khô héo mà mỗi khi bước lên là nghe xào xạc êm tai la. Ánh nắng bây giờ chỉ là những sợi tơ trời vàng nhạt. Trên một cành cây, một tổi chim nằm trơ vơ, chú chim non thập thò mong me. Tôi muốn cười, nhưng không hiểu sao tôi cười chẳng nổi. Bước ra khỏi rừng, đến một khe suối nhỏ, nước chảy ngoằn nghoèo như muốn gặp gỡ những chiếc rễ cây bên bờ. Chọn một cành cây khô tôi khuấy khuyấy nghịch nghịch nước. Những hòn đá trong lòng suối trông thật dễ thương. Bỏ giày cầm nơi tay tôi bước vào lòng suối cạn, đá sỏi làm nhột nhạt chân tôi. Ánh nắng đã gay gắt với cái gáy trần của tôi. Nước mát thật dễ chịu. Cúi người xuống nhìn bóng mình trong nước, mặt đỏ gay, mái tóc rối bù vì gió, trên đó có cắm hai đóa hoa vàng. Ngắm mãi mà tôi vẫn không tìm ra hình ảnh mình. Vừa đứng thẳng người lên, chơi tôi nghe có tiếng nói thật lạ bên tai:
- Đúng rồi! Đúng rồi, như vậy đó. Đừng đứng lên. Ngu quá!
Giật mình, tôi không hiểu là tiếng ai chửi ai. Tôi quay lại, một người đàn ông đang đứng bên cây bàng cạnh bờ suối, hắn đang chỉ chỏ tôi. Tôi nhìn quanh. Chung quanh tôi đâu còn ai nữa đâu, hắn đã ngừng chỉ chỏ, nhưng tôi vẫn còn đứng đờ người ra, một tay đang cầm bảng pha màu, một tay cầm bút vẽ, trước mặt gã là một giá vẽ. Bây giờ thì tôi đã hiểu, tôi bước lên bờ bên kia, những đám cỏ gai muốn cắt đứt cả lòng bàn chân trần của tôi. Đến cạnh hắn, tôi ngắm nghía. Hắn độ hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, mái tóc rối như tổ qua. Cặp mắt hắn là phần nổi nhất trên khuôn mặt to và đen, vương vất vẻ mơ màng, hay nghi ngờ, buồn bã. Tóm lại, hắn là một kẻ có đầy đủ dáng dấp của một nghệ sĩ, chẳng có vẻ gì là thích hợp với vùng núi rừng này cả.
Tôi bước ra phía trái hắn, ngắm bức tranh, tôi ngạc nhiên hết sức vì trên nền giấy trắng ngoài những nét xanh dậm nhạt không có một cái gì nữa cả.
- Anh chưa vẻ gì cả mà? Có phải tôi đã làm hỏng bức tranh của anh không?
Hắn buông bút thở dài:
- Tôi cứ nghĩ là mình sẽ hoàn thành bức họa này. Nếu cô cứ giữ cái dáng cúi người xuống dòn nước khỏang 10 phút thôi.
- Anh đang vẽ tôi đấy à?
Hắn nhún vai:
- Đúng ra là tôi muốn vẽ cảnh mặt trời lên, nhưng mà... tôi không bắt được hứng. Đã 3 ngày qua tôi cứ vẽ cảnh ấy mãi mà không thành công, đợi đến cô xuất hiện, dáng dấp cô trên dòng nước.. khổ thật, tôi cứ nghĩ mình đã họa xong rồi chứ, nếu cô đừng cử động...
Nhìn thấy hắn ảo não tuyệt vọng, tôi tội nghiệp. Không ngờ ở một nơi như thế này mà vẫn có họa sĩ. Tôi an ủi:
- Hay là tôi đứng lại như cũ để cho anh hoàn thành bức tranh nhé.
Hắn chau mày khổ sở:
- Vô ích, tôi đã mất hứng rồi. Tôi không thể thành công được, nếu tôi không có hứng.
" Toẹt!" hắn rứt tờ giấy và vo tròn lại rồi ném xuống suối. Cuộn giấy tròn bị giòng nước cuốn đi mất. Tôi tiếc rẻ:
- Sao anh không thử lại xem, biết đâu chẳng tìm lại được hứng?
- Vô ích, tôi biết là vô ích khi tôi không còn hứng thú gì nữa!
Bắt đầu từ khi cắp sách đến trường đến nay, tuy đã đậu xong tú tài tôi vẫn không biết rõ chữ " hứng thú " có nghĩa là thế nào. Có một thời tôi ước mong mình trở thành một văn sĩ. Tôi đã cố viết rất nhiều nhưng tôi có hoàn thành được tác phẩm nào đâu? Phải chăng đó là do tôi không có hứng? Theo tôi nghĩ, không phải thế, điều quan trọng của vấn đề là nhẫn nại. Nhưng tôi chẳng có. Dù sao, tôi cũng tiếc nuối, nhất là khi biết mình là nguyên nhân của sự mất hứng này. Tôi bị ray rứt nhưng tôi chẳng biết phải làm thế nào để bù đắp "tội" vừa qua ( tôi tự cho đó như cái tội). Trước mặt tôi là những ngọn đồi xanh, cao thấp tiếp nối, những khu rừng thưa rải rác. Thỉnh thoảng điểm một vài cây loại lá đỏ . Con suối ngằn ngoèo len lỏi giữa dòng màu xanh đó. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Nếu muốn vẽ, tôi thấy còn biết bao nhiêu đề tài.
Chỉ vào một thân cây to, tôi nói:
- Hay là anh vẽ cái cây đó đi. Nếu anh muốn, tôi sẵn sàng đến đấy ngồi cho anh vẽ.
Người họa sĩ vẫn lắc đầu:
- Càng không được, ngồi một cách biểu diễn như vậy càng làm mất tự nhiên đi. Chỉ có tự nhiên mới đẹp. Vẽ theo kiểu đó tôi không thích! Nhìn tôi một lúc hắn hỏi: - Cô là ai mà tôi chưa được biết?
- Tôi là khách ở nông trại Lệ Thanh.
Hắn gật đầu:
- Nông trại Lệ Thanh à? Nơi đó hiếu khách lắm.
Thu xếp giấy bút lại, hắn không buồn hỏi đến tên tôi, có lẽ điều này chẳng quan trọng lắm đối với một nghệ sĩ hay lơ đãng. Thu xếp giấy bút xong, hắn cặp giá vẽ vào nách:
- Thôi chào cô, tôi về trường bây giờ.
Hắn là ai vậy mà về trường? Có phải là ông hiệu trưởng đa tài không? Mặc kê. Tôi lắc đầu xua đuổi mọi ý nghĩ. Quay lưng lại, tôi đi ngược về phía trên.
Hình ảnh người họa sĩ đã biến mất. Những đám cỏ gai với những búp cỏ màu đỏ dưới ánh nắng trông nó trong và sáng như những hạt hồng ngọc. Vẹt cỏ qua bên, tôi bước tới, ngắt một vài cái bỏ miệng nhai nhai. Vị chua chua không ngon lành như tôi tưởng, nhưng chúng đẹp quá. Tôi ngắt một bó lớn xong mới chịu bước ra. Nắng càng lên cao càng nóng bức khó chịu.
Mặt trời lấp lánh trên lá, mồ hôi đổ trên trán, mặt bị thiêu rát da. Khát quá, tôi bước vào bóng râm của khu rừng kế cận. Ở đây, chỗ nào cũng đầy cây, bây giờ tôi không còn biết đường nào đưa tôi về nông trại Lệ Thanh nữa rồi. Bóng mát làm tôi thấy dễ chịu. Lá tòng thoảng hương. Đứng tựa lưng vào thân cây to, tôi không hiểu tên là gì, nhưng bên dưới lẫn lộn trong những lá vàng khô héo có những cánh hoa nhỏ màu tím. Một cảm giác thoải mái, êm cái làm lắng từng tế bào tôi vào cõi mộng mơ.
Mùi thơm nhẹ vẫn thoảng qua, gió lọc qua khu rừng không còn mang theo hơi nóng oi bức. Có một chú ong len lỏi trên cành cây, phát ra những tiếng ung ung nhè nhe. Lá vẫn rơi rơi, rơi trên vai, trên người tôi, trên kia hai chú chim nhỏ đang nói với nhau líu lo. Tôi ngáp dài, một đêm không ngủ và một buổi sáng bách bộ mệt mỏi! Tôi táy máy đưa một búp cỏ đỏ lên miệng ngậm, vị chua chua trôi qua cổ họng. Tôi nhắm mắt lại, tất cả những việc vừa trông thấy vừa trải qua, thật dễ thương. Chuồi mình xuống thấp hơn, gối đầu lên gốc cây, sự rã rời lan dần từ chân lên tận mắt. Tôi lại ngáp, đầu óc mơ mơ màng màng. Tôi nghe có tiếng chim kêu, tiếng ong kêu, rồi tôi đi dần vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Có lẽ tôi đã ngủ, tôi đang nằm mơ, trong cơn mê, tôi nghe rõ có tiếng người rồi tiếng cười, tiếng cười thật trong. Tôi muốn mở mắt ra nhìn, nhưng mệt quá... Tiếp đó, có tiếng người đàn ông van xin:
- Đừng chạy nữa ngừng lại đi, anh nói chuyện đứng đắn với em mà.
Tiếng người con gái thách thức:
- Tối nay đi, anh dám đến không?
Người con trai đau khổ:
- Anh van em mà.
- Anh thật vô dụng, anh yếu đuối như côn trùn không có xương sống.
- Có ngày rồi em sẽ hiểu được anh Sao Ly ạ!
Sao Ly hay Sa Ly, hay là một cái tên khác tôi nghe không rõ, chỉ thấy tiếng người đàn ông tiếp tục:
- Đừng bỏ chạy nữa, sao không đứnh lại cho anh nói chuyện đàng hoàng:?
Tiếng người con gái tinh nghịch, rồi tiếng nói vọng lại xa xa:
- Được rồi, thế tối nay anh đến!
Tiếng người con trai xa dần, chỉ còn vang lại tiếng gọi:
- Sao Ly! Sao Ly!
Tôi cố gắng mở mắt lên, cảm thấy mình hạ tiện quá, núp trong này nghe chuyện riêng của người khác là một điều không tốt. Lắc đdầu nhìn quanh, chỉ thấy những chiếc lá đung đưa theo gió, còn tiếng người vừa nói chuyện với nhau ban nãy sao chẳng thấy? Cố vươn vai lần cuối, giữa kẻ lá xanh xa xa, hình như thấy có một khối gì màu đỏ đỏ, nhưng rồi cũng biến mất. Bốn bề trở nên vắng lặng, tiếng chim kêu, tiếng ong vo vẹ. có lẽ tôi đã ngủ, đã nằm mơ. Nhắm mắt lại, tôi không còn để ý điều gì nữa, tôI thật sự cảm thấy buồn ngủ quá.
Chìm vào giấc ngủ, tôi đánh một giấc thật lâu, thật ngọt, trong cơn mơ tôi thấy cha mẹ tôi và tôi đang ngồi yên trên một chiếc xe song mã hồi thời Trung cổ chạy như bay vào rừng. Mẹ ôm chặt tôi, cha giữ tay lái. Cả 2 đang cao giọng hát bản " Khu rừng thành Vienne" tôi gõ nhịp theo lời ca, rồi làm tiếng chim hót. Tiếng vó ngựa trên đường trường hợp thành bản đại hợp xướng. Nhưng lạ làm sao là tôi chỉ là con bé tám, chín tuổi, mẹ lại trẻ như cô công chúa và cha đẹp như Robert Taylor trong phim "Hiệp sĩ bàn tròn".
Khi giật mình tỉnh giấc, hình ảnh cha và mẹ tôi cũng mất luôn, chỉ có những sợi nắng vàng xuyên qua kẽ lá. Chớp chớp mắt, tôi không tin những cái gì đang xảy ra trước mắt. Chỉ mưới ba mươi tiếng đồng hồ trước đây, tôi vẫn còn ngồi trong phòng khách sang trọng nghe những dĩa hát của Sylvie Vartau mà bây giờ lại nằm giữa rừng ngủ sao? Ngồi ngay ngắn lại, tôi chợt giật mình.
Một người đàn ông trẻ đang ngồi trước mặt, hai tay ôm lấy gối, dáng tư lự, hắn đang chú tâm nhìn tôi như đang thưởng thức một món gì. Tôi mở to mắt ra trừng trừng nhìn hắn, kinh ngạc, tôi cứng họng, tôi không biết phải phản ứng ra sao. Nhìn thấy tôi hoảng hốt, có lẽ hắn thích thú lắm, vẽ cỡn bợt trên đôi mắt tinh anh của hắn càng hiện rồ. Bỏ cọng cỏ đang ngậm trên môi xuống, hắn gật gù:
- Cô giống như nàng công chúa ngủ trong rừng. Tôi đang lo sợ cô ngủ mãi chẳng thèm thức giấc vì lời nguyền của bà phù thủy chưa được giải.
Tôi dụi mắt, khi đã xác định được là mình không nằm chiêm bao tôi mới trừng hắn:
- Ông là ai?
Hắn hỏi ngược lại:
- Cô là ai?
Tôi nhìn hắn, không hiểu tại sao bỗng dưng tôi cảm thấy phải thủ thế. Sao hắn chă/ng trả lời tôi? Cái nhìn đăm đăm của hắn thật khó chịu, nhất là nụ cười. Tôi có cảM giác như mình là chú chuột đang bị mèo vờn.
- Ông không cần phải biết tôi là ai.
Tôi vẫn bực mình nói rồi đứng dậy, tôi thấy mình vẫn còn đi chân trần nhưng giày thì tìm mãi chẳng thấy, tôi cúi xuống vạch mấy đảm cỏ ở gần đấy. Người kia lẳng lặng đứng dậy, đưa đôi hài ra:
- Có phải cô định tìm cái này không?
Tôi ngẩng đầu lên, mắt nhìn hắn rồi giật mạnh hai chiếc giày xỏ vào chân. Thế mà hắn vẫn cười. Tôi hỏi:
- Ông cười cái gì?
- Tôi không có quyền cười nữa à?
Tôi chau mày:
- Ông không thể nào trả lời tôi bằng cách khác được sao?
Vừa nói, tôi vừa nìn hắn, bây giờ tôi mới phát giác ra một điều là có một cái gì không phải, không thích hợp ở trên người hắn với khung cản ở đây. Chiếc áo sơ mi ngắn tay đúng "mốt" màu đỏ sậm với chiếc quần dài màu tro nhạt. Tôi ghét nhất là hạng đàn ông thích mặc áo sơ mi đỏ thế này.
- Ông không có vẻ gì giống dân quê ở đây cả.
- Cô cũng thế.
Hắn đáp, đôi mắt hắn đăm đăm về phía ngực tôi, tôi nhìn theo và đỏ mặt ngay. Tôi không ngờ cổ áo mình lại hở rộng đến thế. Tôi cài nút áo lại, người con trai đưa chiếc khăn tay của hắn cho tôi và nói:
- Lau sạch miệng cô đi, mủ cỏ màu đỏ lem nhem chẳng đẹp tí nào. Môi cô hồng sẵn rồi, cần gì phải tô màu làm chi?
Tôi giận tràn hông, nhưng lỡ quên mất khăn tay ở nhà. Đành giựt lấy chiếc khăn của hắn chùi quanh mép xong trả lại. Hắn thản nhiên lấy lại, cẩn thận xếp lại xong cho vào túi, và hỏi tôi:
- Đã có bao nhiêu khăn tay đàn ông lau mép cho cô rồi?
Tôi sa sầm nét mặt:
- Yêu cầu ông cẩn thận lời nói một chút, tôi không biết ông là ai, tôi cũng không có thói quen đùa giỡn với kẻ lạ mặt. Ông nên nhớ là nói bậy với lắm mồm chẳng phải là lịch sự đâu nhé!
Hắn đỏ mặt, nét cười trên môi hắn đã biến mất. Hắn có vẻ giận dữ, nhưng nét giận đó tan biến rất nhanh, hắn cố lấy lại vẻ tự nhiên, nói:
- Thôi, cho xin lỗi, tính tôi hay đùa cợt nên lỡ lời, mong cô đừng để ý.
Giọng nói có vẻ thành khẩn khiến tôi cảm thấy bứt rứt.
Trong trí tôi, tôi nghĩ hắn nói mấy câu hối hận hơn là xin lỗi.
- Ông đừng buồn, thật ra tôi không để ý đến điều đó đâu.
Hắn cười, nụ cười vui vẻ thật, tôi phủi nhẹ những chiếc lá và bụi bám trên người xuống. Nhìn đồng hồ, tôi giật mình. Đã mười một giờ trưa! Như thế là tôi đã rong chơi ngoài rừng suốt một buổi sáng. Bác Chương trai và cả nhà có lẽ đang đổ xô đi tìm tôi. Tôi vội nói:
- Thôi tôi phải về!
Nói xong tôi vụt chạy đi thì nghe có tiếng gọi giật phía sau:
- Ê! Cô đi đâu đó?
- Về nông trại Lệ Thanh.
- Cô đi sai đường rôi. Nếu cô theo đường đó là đi vào rừng đấy.
Tôi thở ra, chỉ có trời mới biết. Chung quanh chỉ toàn là rừng không còn một con đường mòn, tôi làm sao biết hướng đây?
- Vậy tôi theo đường nào? Anh có biết đường về nông trại Lệ Thanh không?
- Biết, cô theo tôi.
Tôi theo hắn ra khỏi khu rừng, cái nắng trưa như thiêu đốt, mới bước ra khỏi vùng bóng mát là tôi cảm thấy chói chang, may là gió núi vẫn thổi, xoa dịu đi phần nào sức nóng hừng hực. Người con trai kia có vẻ rất quen thuộc với phương hướng vùng này, vừa bước đi hắn vưa huýt sáo, không thèm để ý gì đến cái nắn cháy người. Tôi thầm nghĩ, có lẽ " Lệ Thanh" rất nổi tiếng, nên chỉ cần nói ra là ai cũng biết cả.
Đi một đoạn, hắn quay hỏi tôi:
- Nóng không cô?
- Khá nóng.
- Lần sau có vào rừng cô nhớ mang theo cái nón vải, bằng không với cái nắng này cô có thể bị say nắng. Bảo Diễm Chi nó cho mượn, nó có rất nhiều nón, nhưng ít khi dùng đến vì nó có ra ngoài bao giờ đâu!
Tôi nghi ngờ:
- Anh... Anh là ai vậy?
Nụ cười hiện trên môi, hắn đáp một cách bình thản:
- Tôi là Phong.
Tôi như trên trời rơi xuống.
- Trời, anh là anh Phong học ở đại học ngành địa chất đó phải không? Nghe nói anh không có về mà?
Hắn vẫn cười:
- Tôi vừa về đến nhà sáng nay, lúc thấy cả nhà nhốn nháo vì sợ cô khách quý đi lạc, tôi liền đứng ra nhận lãnh đi tìm, nhưng mà khi tìm được cô thì thấy cô ngủ ngon lành nên không nỡ đánh thức cô dậy, tôi đợi sốt ruột một tiếng đồng hồ.
Tôi thấy nóng mặt:
- Sao anh chẳng đánh thức tôi chứ?
- Làm như vậy tàn nhẫn quá, giấc ngủ là một trong những gì quý giá nhất của đời người.
- Thế... thế anh ăn cơm chưa?
- Nếu cây cỏ, vỏ cây có thể dùng được thì tôi đã dùng từ lâu rồi.
Tôi hơi áy náy, nhưng nhớ lại hình bóng đo đỏ trong đám lá ban nãy với những câu đối thoại của người con trai và con gái rồi nhìn chiếc áo đỏ của Phong, tôi bình tĩnh lại:
- Nhưng tôi biết anh không buồn.
Phong tươi hẳn:
- Khỏi nói, tôi đã ngắm no mắt rồi!
Người gì mà hay nói nhảm. Tôi gắt:
- Anh bảo anh ngắm ai? Có phải ngắm người con gái hò hẹn anh tối nay không?
Phong không hiểu:
- Cái gì? Cô nói cái gì?
- Người con gái, người con gái ban nãy nói chuyện với anh đó?
- Người con gái nào đâu? Ngoài cô ra, trong rừng này đâu còn người con gái thứ hai nào nữa đâu? Cô có nằm mơ không?
Nhìn dáng hắn tôi hơi bối rối. Nằm mơ? Có thể tôi đã nằm mơ, vì suốt một buổi sáng tôi mơ mộng lẩn thẩn. Lắc đầu, tôi bảo hắn:
- Có lẽ tôi nằm mơ thật đấy. Tôi nghe có tiếng người con trai, tiếng người con gái đối đáp nhau, rồi sau đó mệt quá tôi ngủ luôn, thế mà tôi cứ tưởng là anh đó chứ!
- Thế à? Phong liếc nhanh tôi: - Có lẽ người ở dưới huyện đấy. Ở đây cách chơ huyện không xa lắm, vả lại bây giờ người dân tộc và người kinh yêu nhau cũng nhiều lắm.
Ái tình từ xưa tới nay dù ở nơi văn minh hay chốn sơn cước, vẫn là câu chuyện tuyệt vời. Tôi biết chắc đó không phải người sơn cước. Nhưng đây không phải là vấn đề để tôi phải bận tâm. Điều quan trọng là phải nhanh chân lên, bằng không... Tôi mong rằng bác Chương và những người trong gia đình đừng phải đợi tôi về dùng cơm. Khu nhà " trầm mặc" - Tôi đã gọi nhà bác Chương như thế, đã hiện ra trước mắt, chúng tôi nhanh chân rảo bước về nhà.
Chương 4
Đi dạo trong rừng tôi mới biết là mình vừa phạm phải một lỗi lớn. Bác Châu đứng nơi cửa trong ngóng, vẻ lo âu lộ ra ngoài mặt. Vừa nhìn thấy tôi bà thở phào:
- Lạy trời lạy phật! Con đi đâu mà đi dữ vậy?
- Xin lỗi bác, con đã đi hơi xa.
Phong đứng cạnh tôi nói:
- Cô ấy đi vào tận khu rừng ở sườn núi phía đông làm một giấc ngon lành đó me.
Bà Chương nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng bà cười thông cảm, vỗ nhẹ lên vai tôi, bà nói:
- Có lẽ đêm qua cháu không ngủ được phải không? Nhưng cháu đừng vào rừng ngủ như vậy, rắn rít nguy hiểm lắm! Bác lo quá.
Tôi rùng mình:
- Rắn à? Ở đây nhiều rắn lắm sao bác?
- Rừng núi là nhà của rắn mà. Cô đừng quên rằng trước khi con lộ này được khai thông ở đây là nơi hoang vu. Ngoại trừ người dân tộc ra là chỉ có rắn và thú dữ thôi đấy nhé.
- Quả thật tôi lơ đãng và ngu quá! Bác Châu cười cười trấn an:
- Thôi đừng dọa Lệ Thu nữa, thật ra rắn chỉ là con vật hiền từ và nhút nhát, nếu ta không đạp lên người nó. Thôi, lại dùng cơm đi, mọi người đang chờ, cơm canh nguội lạnh hết rồi.
Tôi càng thấy hối hận:
- Ủa? Chưa ai dùng cơm hết à? Con hối hận quá, ngày đầu tiên đến đây mà đã làm đảo lộn trật tự gia đình bác rồi.
Bác Châu gạt ngang:
- Thôi bỏ qua chuyện ấy đi, lâu lâu bị đảo lộn trật tự một lần thế mà tốt, đúng quy tắc quá chỉ là cái máy thôi.
Khi chúng tôi đặt chân tới cửa phòng ăn, thì tôi càng hối hận hơn, trên bàn, cơm đã dọn sẵn. Bác trai đang chắp tay ra sau đi tới đi lui nóng nảy. Tôi biết ông đang bực mình lắm. Diễm Chi rụt rè ngồi nép bên ghế. Thấy tôi bước vào, mặt nàng rạng rỡ lên. Bác Châu lên tiếng ngay:
- Thôi vào dùng cơm đi. Diễm Chi, con vào gọi con Hương đem cơm nóng ra, nhanh lên!
Bác Chương nhìn tôi với ánh mắt gay gắt:
- Cô còn ở đây mấy tháng nữa lận, tốt nhất cô phải hiểu rõ giờ dùng cơm chứ?
Tôi thật ngại ngùng, từ thuở bé tôi không hề bị mắng chửi hay trách móc, bây giờ... bác Châu bước tới, kéo tôi về phía bà:
- Ngồi xuống đây Lệ Thu, bác trai đói bụng nên bực mình.
Rồi bà bảo chồng:
- Anh Chương ăn cơm đi, Lệ Thu nó mới đến mà anh đã làm nó sợ, tội nghiệp nó.
Bác Chương ngồi xuống ghế, rảo mắt khắp bàn:
- Thằng Tú đâu rồi? Sao không có bữa ăn nào có mặt đông đủ hết vậy?
Bác Châu đáp:
- Tôi bảo nó đi tìm Lệ Thu, nó sẽ về đến ngay mà. Tôi thật hối hận, chỉ vì một phút lơ đễnh mà tôi đã gây phiền lòng chủ. Ngồi xuống, tôi thấy giận mình quá. Cô Hương đã mang cơm nóng ra đổi lấy cơm nguội, ( đây là người tớ gái miền núi, khoảng mười bảy mười tám tuổi). Tôi do dự cầm đũa lên, bác Châu bảo:
- Lệ Thu, còn đợi bác gắp thức ăn cho nữa sao? Ăn đi, đừng ngại ngùng gì hết.
Tôi cảm thấy tốt nhất là mình nên vâng lời. Nâng chén lên, tôi yên lặng dùng cơm. Bác Chương là người ăn mạnh nhất, những đũa cơm lùa nhanh vào miệng không ngừng. Hết một chén, ông mới ngẩng mặt nhìn lên:
- Phong, mày nói tao nghe xem, tại sao bãi trường mười mấy hôm rồi mà mày chẳng chịu về nhà?
Phong nhìn cha miệng mỉm cười:
- Chắc cha không thích nghe con nói dối đâu, phải không?
- Khỏi nói. Mày nói thật tao nghe.
- Nếu con muốn nói dối cha, con sẽ bảo là con bận ở lại trường giúp giáo sư sửa bài. Nhưng cha muốn con nói thật, thì con nói vậy. Con ở lại là vì con muốn đặt cho cha chiếc áo da. Nhưng tiệm may may chậm quá, con không thể đợi được.
- Mùa hè nóng thế này mà mày lại đi đặt áo da cho tao à?
- Vâng, cũng vì thế mà người trong tiệm cũng bảo là con điên.
Ông Chương lắc đầu:
- Hừ! Chính tao, cũng bảo mày điên thật đấy!
Kết luận xong, ông lại tiếp tục và cơm vào miệng, nhưng trên mặt vẻ mãn nguyện đã hiện rõ ( dù ông cố gắng lấp liếm). Tôi quay sang nhìn Phong, hắn đang cười đắc ý với mẹ, nhưng bác Châu vẫn thản nhiên như không. Bác trai ăn hết ba chén cơm thì Tú về tới, đầm đìa mồ hôi. Vừa nhìn thấy chàng, tôi vội nói:
- Thành thật xin lỗi anh, tôi đi xa quá làm anh phải tìm suốt buổi:
Bác Chương quay sang tôi. Sự nóng nảy đã biến mất thay vào đấy là sự vui vẻ:
- Ở đây đẹp lắm phải không? Cô có thấy bầy dê của chúng tôi chưa?
- Dạ, có a.
- Trừu hay dê?
- Dạ trừu.
- Chúng tôi còn trên hai mươi con dê, chúng nó dễ thương lại ngon nữa.
- Ngon à.
- Ngon lắm, để hôm nào tôi bảo ông Viên giết một con dê con, đem nướng ăn tuyệt lắm. Nướng nguyên con thì thơm khỏi chê.
Ông hít mạnh vào lồng ngực, điệu bô như đang được thưởng thức. Phần tôi thì cơm không thể nuốt trôi nữa. Nghĩ đến cảnh chú dê con suốt ngày lẩn quẩn bên chân dê mẹ, bi bắt lột da, nướng... thật tội!
Tú kéo ghế ngồi đối diện với tôi qua bàn ăn, cô Hương mang đũa và chén cơm nóng cho Tú. Tú nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng, tò mò. Tôi không hiểu có gì trên mặt mình chăng? Nghĩ đến việc vừa tờ mờ sáng là hắn phải lo cho mẹ tôi về thành phố, sau đó lại phải phơi đầu trong nắng trưa đi tìm tôi, tôi thấy mình thật có lỗi. Hắn vừa và cơm vào miệng, vừa nhìn tôi chậm rãi nói:
- Dì Uyên bảo tôi chuyển lời cho cô là dì muốn cô phải viết thư thường cho dì. Cô cứ viết đi, tôi sẽ mang xuống huyện gởi cho.
Phong chen vào:
- Giao cho tôi cũng được.
Tôi muốn nói rõ cho Tú biết sự hối hận của mình:
- Từ đây đến chợ chắc mệt lắm phải không?
Tú mỉm cười:
- Chiếc mô-tô này thuộc loại 250 cc, đúng ra là của Phong, chạy nhanh có hạng, chỉ nhấp nháy là đến nơi.
Phong hỏi tôi:
- Cô dám ngồi xe phóng nhanh không?
- Chưa thử nên tôi chưa biết.
- Để hôm nào cô ngồi tôi chở xem nhé. Tôi muốn vòng lên đèo Ngoạn Mục, nhưng chưa thử lần nào.
- Vậy mà tôi tưởng xe mô-tô không leo dốc được chứ?
- Cao quá thì không được, nhưng thường thường thì qua dễ dàng, nói chi là xe này thuộc loại 250 cc nên cũng không có gì đáng ngại. Vả lại nếu không trèo lên nổi thì ngừng lại có sao đâu, đi không?
Tôi không biết tại sao lại gọi là 200, 300 cc. Xe chứ đâu phải dung tích đâu mà bảo là "cc". Chưa trả lời, tôi đã nghe tiếng Diễm Chi ngăn:
- Thôi, chị đừng đi với anh Hai, anh ấy chạy xe bất kể sống chết.
Bác Châu lên tiếng:
- Chỉ có khùng điên mới dám đem mạng mình ra đùa với tử thần.
Ông Chương chợt cười to, vừa cười ông vừa vỗ vai Phong nói lớn:
- Đàn bà lúc nào cũng là đàn bà. Phong, con đừng lo, họ không thích thì cha con mình đi vậy. Mùa đông nhé, mùa đông có sương đi mới thích.
Bác Châu châm chọc:
- Ông ha? Còn lầu nó mới đi với ông. Ai mà lại đi chơi với ông già bao giờ, phải không Phong?
Mọi người cười to thật vui vẻ. Trong gia đình tôi ai lên bàn ăn là cắm đầu ăn một mạch, không bao giờ có được cái không khí trẻ trung thế này. Dùng cơm xong, bác Chương vươn vai, rồi đưa tay xoa bụng thỏa mãn:
- Tú, bây giờ tao đi ngủ, hai giờ rưỡi đánh thức tao để hai cha con mình trồng hết mẫu đất thực nghiệm nhé! Quay sang Phong ông bảo: - Mày nữa, mầy cũng phải tiếp một tay.
Phong nhăn mặt:
- Thưa cha, mà... !
Ông Chương cắt ngang:
- Đừng có tìm cớ trống tránh, tao bảo làm là mày phải làm. Mày phải noi gương tốt của anh mày, chớ đừng có làm điệu bộ công tử bột.
Phong thở dài:
- Thôi được rồi, thưa cha, nhưng mà... khách nhà ta cũng cần có bạn?
Tôi cười:
- Anh đừng bận tâm về tôi, tôi không thiếu người trò chuyện đâu. Không có anh tôi vẫn vui như thường.
Phong gật đầu miễn cưỡng nói:
- Tôi hiểu rõ điều đó, không có tôi, cô chẳng sao cả, nhưng không có cô đối với tôi thì ngược lại.
Hắn trề môi, bước ra khỏi phòng ăn. Tôi trở về phòng mình, mở cửa sổ cho những ngọn gió mát ngoài vườn tuôn vào phòng. Ngồi trước bàn, nhìn vào chiếc kính mà bác Châu cho tôi để trang điểm, tôi chăm chú nhìn gương mặt cháy nắng của mình bằng đôi mắt ngơ ngác. Nhìn vào gương mà tôi phải giật mình, mái tóc rồi bù ngắn cũn cỡn, trên đó vẫn còn hai đóa hoa dạị ( Trời ơi! Hai đóa hoa vẫn còn nằm trên tóc, hèn gì mà bọn con bác Châu lại chẳng nhìn tôi ngạc nhiên sao được?). Vai tôi đầy những cọng cỏ đuôi chồn, tôi gỡ hai đóa hoa trên tóc liệng xuống, lượm những cọng cỏ đuôi chồn trên vai lấy lược chải lại tóc. Bây giờ thì đã gọn gàng một chút. Ngồi yên ôm lấy gối, tôi bắt đầu tư lư.
Mười chín tuổi! Cái tuổi vàng son của một đời người, mùa xuân của tuổi nhỏ. Tôi đã hưởng được gì trong mùa xuân đó? Thi rớt đại học, lại chẳng có một tài cán gì. Đúng rồi! Tôi phải viết. Trước ngày đến nông trại Lệ Thanh, tôi đã nghĩ và tôi sẽ viết trong suốt mấy tháng " bị giam cầm" ở đây. Mở hộc tủ, tôi lấy một quyển sổ thật đẹp. Ở trang thứ nhất, tôi ký tên Lệ Thu. Quyển sổ gọn và đẹp, giấy có thể rứt rời dễ dàng, có nẹp một băng lụa nhỏ. Nhìn ra cửa sổ, trời râm mát, tôi đặt tên cho quyển sách của tôi (mà tôi sẽ ráng viết thật nhiều) một cái tên thật kêu: "Trong khu nhà trầm mặc yêu quí". Đặt tựa xong, tôi không biết phải viết gì trước gì sau. Viết về cây cối của ngôi nhà trầm mặc này? Viết về đàn cừu? Về núi rừng? Về giấc ngủ dước gốc cây? Trời mây suối mát? Chàng họa sĩ bên dòng nước? Anh em nhà họ Chương? Ném bút xuống, tôi đứng lên. Tôi không thể nào nắm vững tư tưởng của mình. Đó có lẽ là nguyên nhân làm tôi không thành văn sĩ được.
Trong phòng rất yên. Gia đình họ Chương có thói quen ngủ trưa, trong khi giấc ngủ ban sáng của tôi đã quá đầy đủ. Mở cửa, tôi bước ra ngoài và tự hứa với lòng là sẽ không bao giờ đi quá xa như vầy.
Cả ngôi nhà chìm đắm trong giấc ngủ của rừng núi. Tôi đi dọc theo hành lang đến gần những lồng chim bồ câu của Diễm Chi. Tôi đùa với con San Hô và Phi Thúy. Tôi lấy cọng cỏ đuôi chồn quét nhẹ lên mo? San Hô, đồng thời dạy cho nó nói:
- Mạnh giỏi! Mạnh giỏi!
Con vật quả thật cứng đầu ngoài đôi mắt mở to nhìn tôi và chiếc đầu nghiêng nghiêng, nó không chịu làm theo lời tôi bảo gì cả. Vừa định bước chân đi, tôi nghe có tiếng chân người bước tới gần, rồi giọng nói của bác Châu:
- Phong, con nói thật cho mẹ nghe xem, con ở lại làm gì lâu thế?
Tiếng Phong cười hì hì:
- Con bận đặt may áo da cho cha.
- Mày đừng có qua mặt tao. Nhãn hiệu " made in Japan" rành rành trên áo chưa gỡ ra mà mày dám bảo thế. Không lẽ mày đặt làm ơ? Nhật à?
- Mẹ!
- Yên trí đi, mẹ đã gở cái nhãn đó đi rồi, nhưng mẹ không muốn con nói dối mãi, tại sao con chẳng chịu nói thật với mẹ?
- Đó là con muốn tránh để cha la hét um sùm, có lợi lộc gì đâu, phải không mẹ?
- Vậy thì con cho mẹ biết, mười mấy ngày qua con làm gì? - Con đi Vũng Tàu với các bạn chơi.
Tiếng bác Châu trách móc:
- Lương tâm con chẳng thấy bị cắn rứt sao? Anh con suốt ngày ngoài đồng làm việc cực khổ, còn con thì cứ ham ăn chơi lêu lỏng.
Giọng Phong nũng nịu:
- Mẹ biết là con chẳng thích hợp với công việc đồng áng thì làm sao con chịu được khuôn phép của cha chứ?
- Mày nói thật tao nghe, mày có bồ chưa?
- Có lẻ có.
- Một hay nhiều cô?
- Họ không đi về phía tôi nên giọng nói càng lúc càng xa rồi loãng dần. Qua khỏi rừng trúc, bóng họ biến mất, tôi vẫn đứng lặng nơi ấy mấy giây đồng hồ, không hiểu mình đang nghĩ gì. Tiếng gió thổi qua khe lá trúc, rồi tiếng vỗ cánh, tôi ngẩng đầu lên, một con chim câu đang lướt qua cành trúc, chui vào tổ. Khi nó vừa đặt chân lên nóc chuồng tôi mới nhớ ra nó là chú Ráng Chiều. Thử đưa tay vẫy, tôi gọi:
- Ráng Chiều ơi, đến đây.
Ráng Chiều chỉ nghiêng đầu nhìn mà không bay đến. Tôi nhón chân, dùng chiếc cỏ lông chồn khều vào mặt nó. Ráng Chiều vỗ cánh bay lên, đảo một vòng rồi lại đáp lên nóc chuồng. Trong khi đảo cánh, một chiếc lông rơi xuống cạnh chân tôi, cúi xuống nhìn: thì ra đó là mảnh giấy màu trắng. Tôi nhắt lên, tò mò mở ra xem, bên trong có hàng chữ:
Phải đợi chờ đến bao giờ?
Lòng nôn nả này đến bao giờ mới đạt được?
Đợi chờ mãi không còn chịu đựng được nữa, hãy hồi âm.
Có người đã lợi dụng Ráng Chiều để chuyển thư cho Diễm Chi? Tôi giật mình. Nàng lúc nào cũng thẹn thùng e lệ mà! Thế người tình của cô ta là ai? Tôi không cố tình chen vào đời tư kẻ khác! Nhìn mảnh giấy trong tay tôi, tôi biết phải làm sao đây? Cột trở lại vào chân chim ư? Nhưng Ráng Chiều đã bay mất. Làm sao đây? Tôi cầm mảnh giấy trong tay tư lư. Đúng rồi, mỗi chú bồ câu có một lồng riêng. Vậy thì nhứt định Ráng Chiều phải trở về chiếc lồng thứ năm ở dãy thứ nhất. Đúng rồi, tôi xếp mảnh giấy lại đặt vao góc lồng chim. Tôi nghĩ rồi nàng sẽ tìm ra. Quay người lại, bước nhanh, tôi muốn trốn lánh mảnh giấy ám ảnh kia.
Suýt chút nữa tôi đã đụng vào bác Châu. Bác hỏi:
- Lệ Thu, con không ngủ trưa à?
- Dạ buổi sáng con ngủ được một giấc rồi, nên bây giờ thích ở đây chơi hơn.
- Chúng nó dễ thương phải không? Những con vật đáng yêu của Diễm Chi đấy!
- Nhưng chúng chẳng thích con.
- Rồi nó sẽ quen mà.
Tôi nhìn ra rừng cây:
- Con muốn đi bách bộ một lúc.
Bác Châu cười:
- Nhưng đừng đi xa quá nhé!
- Vâng, con sẽ không dại dột nữa đâu.
Ra khỏi rừng trúc, tôi không đi xa lắm. Đứng dưới những hàng trúc cao tôi nhìn cánh đồng nằm yên trong nắng. Trước mặt là những khóm mạ của nông trại, những hàng cây thẳng cành tôi không biết tên đang tươi tốt. Đi xa một chút, tôi thấy có hai người nông phu đang khom lưng làm việc. Đấy là bác Chương và Tú.
Ngày thứ hai, khi trở lại khu lồng chim, tôi đã thử đặt tay vào trong "nhà" của Ráng Chiều, mảnh giấy nhỏ ngày qua đã biến mất...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT