Sáng sớm hôm nay, Ngô thị đã dậy chuẩn bị mọi thứ cho tiệc đầy tháng của Mẫn Trúc. Dương thị cũng ra tháng nên cũng tắm rửa cẩn thận.
Dương lão gia tử, phu thê Dương Khiêm, Từ thị và phu thê Dương Bảo, Bành thị đều tới, còn gia Đình Dương Hào bận rộn trên cửa hàng nên cho con gái Dương Khuê đi.
Dương Phúc thì đang đi giao hàng cho phủ thành chưa về kịp, Đỗ thị đang mang thai đứa nhỏ nên ở nhà lo nhà cửa.
Mấy đứa nhỏ còn ít tuổi cũng được mang tới, có Dương Diễm, Dương Lộc, Dương Trà Hương, Dương Ngôn đang vui vui vẻ vẻ chơi với Cẩn Minh, Cẩn Tuệ.
Vì hôm nay không phải là ngày nghỉ, nên toàn bộ nam đinh Dương gia, người nào nên đi học thì đi học, nên ra cửa hàng thì ra cửa hàng. Tuy không đến hết nhưng cũng đủ náo nhiệt.
Lâm Hải trong lòng thấy rất mâu thuẫn, hắn vừa vui vẻ lại vừa khổ sở. Vui vẻ vì bên ngoại thương yêu con mình, nương tử mình, cũng không vì nương mình mà oán trách nửa câu. Khổ sở vì cha nương hắn không hề suy nghĩ cho hắn, cũng không thương con hắn. Lâm Hải đứng ngẩn người nhìn mọi người náo náo nhiệt nhiệt ôm con gái mình, lòng hắn cũng thấy hổ thẹn. Nương hắn trừ sáng hôm Dương thị mới sinh thì không hề dòm ngó, mà Ngô thị đã ở đây chăm con, chăm cháu liên tục mười ngày rồi.
Dương lão gia tử thấy vẻ mặt Lâm Hải như vậy thì làm gì không biết hắn nghĩ gì. Ông nhìn sâu vào mắt Lâm Hải, vỗ vỗ vai hắn. Lâm Hải như được một liều thuốc trấn an tinh thần vậy. Có đôi khi, hành động an ủi nhẹ nhàng còn tốt hơn cả ngàn lời nói.
Trần thị nhìn Mẫn Trúc khen ngợi:" còn nhỏ mà mắt đã sáng trong như vậy, sau này hẳn là rất thông minh đi". Dương thị nghe thì thầm vui vẻ trong lòng, nhưng cũng nói lời khiêm tốn:" nhờ cát ngôn của đại cữu mẫu".
Trần thị cười tủm tỉm lấy ra một cái hà bao đỏ thẫm nói:" đây là quà đại cữu và đại cữu mẫu cho con".
Dương Khuê thấy bá mẫu đưa quà cũng vội vàng đưa hà bao qua:" cô cô, cha mẹ con không qua được nên nhờ con chuyển món quà nhỏ cho muội muội. Con cũng tặng muội muội một bộ đồ tự con may, cô cô đừng chê". Nói xong đỏ mặt cúi đầu. Dương Khuê cũng rất kiếm khi được gặp cô cô nên cũng có chút lạ lẫm, ngượng ngùng.
Bành thị cũng đưa hà bao đặt trong tay Dương thị rồi đùa Dương Khuê:" xem xem, sắp làm con dâu nhà người rồi mà vẫn còn hay đỏ mặt". Mọi người đều cười.
Tình cảm giữa Dương thị và các tẩu tẩu cũng khá tốt. Khi xưa Dương thị ở nhà thì các tẩu tẩu cũng rất thương nàng. Tính tình Dương thị lại hiền lành, hay giúp các tẩu tẩu trông cháu nên không làm ai ghét bỏ được.
Dương lão gia tử sai Dương Khiêm lên mời Lý thị xuống cùng chung vui. Lý thị từ chối, nói là mệt mỏi trong người. La thị thấy bà bà không đi cũng không đến phòng Lâm Hải ngó qua một chút để nói được câu chúc mừng. Trong khi, người gây ra tai họa cho Dương thị chính là nàng ta. Thật không còn gì để nói.
Mọi người của Dương gia cũng không vì vậy mà mất vui. Nên ăn cưa ăn, nên cười cứ cười. Họ không đi qua, mọi người lại càng tự nhiên hơn.
Nhưng ở nhà chính La thị nhìn Lý thị đang mặt nhăn mày nhó thì lại thầm vui vẻ. Lâm Sơn trước khi đi đã dặn La thị ở nhà phải ở trước mặt Lý thị chê Dương thị thật nhiều, vậy mới tốt cho phân gia sau này.
La thị thấy Lý thị mất hứng thì vội nói:" nương, nhà em dâu đúng là không coi nương đặt vào trong mắt. Nương nói mệt không đi, ông bà thông gia cũng không thèm lên hỏi thăm một câu". Nói xong còn nhẹ tay nhẹ chân đấm bóp cho Lý thị.
Lý thị nghe vậy thì mặt càng khó coi:" phường con buôn cũng chỉ có như vậy", giọng nói thật chói tai của Lý thị vang lên làm cho La thị thầm vui vẻ:" nương nói đúng. Con thấy nếu trượng phu được xuất sĩ ra làm quan, nhà chúng ta nên phân gia. Nếu không để các quan trên biết nhà ta thông gia với thương nhân, không phải rất mất mặt sao? Lại nói tứ thúc cũng giỏi giang, nếu tứ thúc cũng làm quan, không phải nhà tam thúc kéo tất cả chúng ta xuống sao?"
Lý thị nghe lời này cũng thấy có lý. Nhưng dù gì Lâm Hải cũng là con bà, tuy bà không yêu thương lắm, nhưng vứt bỏ hoàn toàn thì cũng không được. Lại nói không có Lâm Hải thì ai kiếm tiền lo trong ngoài cho cái nhà này?
Thấy Lý thị trầm mặc, La thị vội nói thêm:" nương, phân gia đâu có gì là không tốt. Tam thúc vẫn ở đây trông nom ruộng vườn, nhà cửa. Chúng ta phải đi ra ngoài, khi đó phải giao tiếp với những người quan gia khác. Tam thúc đâu phải người đọc sách, người ta sẽ coi thường, không phải như vậy sẽ làm mất thể diện Lâm Sơn và Lâm Giang sao? Lại nói Dương thị là con nhà thương nhân, con và nương đi ra ngoài không lẽ cứ ép nàng ta ở trong nhà. Như vậy cứ phân gia rồi để họ lại quê nhà là tốt cho tất cả mọi người".
Lý thị suy nghĩ hồi lâu mới nói:" chuyện này ta sẽ bàn với lão gia tử"
La thị biết mục đích đã đạt được nên vui vẻ trong lòng, khóe môi cũng cong lên đáng ngờ:" mọi chuyện chúng con đều nghe cha nương".
... Ta là đường phân cách vui vẻ...
Mặc kệ Lý thị và La thị suy tính cái gì, mọi người nhà Dương lão gia tử vẫn đang nói chuyện rôm rả. Dương lão gia tử bây giờ nhìn con cháu đông vui như vậy, lòng ông cũng đã an tâm nhiều. Ông là cô nhi chạy nạn đến vùng này, vất vả bao năm cuối cùng ông cũng không làm liệt tổ, liệt tông thất vọng. Sau này khi ông gặp cha nương mình ở dưới kia, ông cũng hãnh diện vì đã không làm mất mặt họ.
Mẫn Trúc nhìn mọi người bên ngoại đánh giá. Dương lão gia tử và Ngô thị thời còn trẻ đúng là không tệ. Hai vị cữu cữu và nương nàng đúng là thừa hưởng được những nét đẹp từ họ. Đại cữu cữu thì giống Dương lão gia tử nhiều hơn. Ánh mắt hơi xếch, sống mũi cao, môi dày, nhìn rất khôn khéo, cử chỉ cũng hào phóng tự nhiên. Dương Bảo và Dương thị lại giống Ngô thị, mắt hạnh, nhìn rất có thần.
Mẫn Trúc chậc chậc hai tiếng trong lòng, thế nào mà nhà bên ngoại lại toàn người đẹp thế này. Các vị biểu ca, biểu tỷ của nàng cũng rất đẹp. Mẫn Trúc như có cảm giác mình lạc vào một rừng mỹ nam, mỹ nữ. Thật thích!
Đang chìm đắm trong sắc đẹp thì Trần thị ôm Mẫn Trúc lên:" ôi, cháu gái của ta, mới nhỏ xíu mà gương mặt đã thật khả ái, nhìn thấy là muốn ôm không buông tay rồi". Dương Khuê cũng đi lại, đón Mẫn Trúc từ tay Trần Thị, nhìn Mẫn Trúc cười vui vẻ:" cô cô, Mẫn Trúc da thật trắng, nhìn như một khối bột non mềm vậy, con muốn chạm, lại sợ chạm sẽ làm hư", nói xong vẻ mặt như tiếc hận. Chọc mọi người cười vang. Cẩn Tuệ đang ở trong lòng Lâm Hải hô to:" da con cũng trắng, con cũng là khối bột non mềm". Làm mọi người cười không ngừng được, Lâm Hải xoa đầu con trai cười theo.
Mấy đứa nhỏ cũng tầm tầm tuổi nhau nên chơi rất vui vẻ. Mà cũng phải khen Dương gia dạy con cháu rất tốt. Mấy đứa lớn một chút sẽ nhường đệ đệ, muội muội. Mấy đứa nhỏ lại cũng không tranh giành đồ chơi, biết chia sẻ. Dương Ngôn nhỏ nhất, mới hai tuổi nên mới chơi một chút đã ngủ vùi. Còn lại thì chơi vui quên trời đất. Cẩn Minh, Cẩn Tuệ lần nào gặp các biểu ca, biểu tỷ muội cũng rất vui vẻ, nên lôi hết đồ chơi chúng có được ra chia cho mọi người cùng chơi.
Dương thị thấy hai đứa con hoạt bát hẳn lên thì lòng cũng vui theo. Cẩn Tuệ còn đỡ, Cẩn Minh cũng hiểu chuyện rồi, biết các đường ca không thích mình nên thằng bé ở trong nhà rất ít nói. Dương thị cũng lo Cẩn Minh sẽ khổ sở trong lòng.
Mọi người vui vẻ từ sáng đến đầu giờ mùi thì Dương lão gia tử hô hào đi về. Ngô thị vẫn ở lại, ý Dương lão gia tử là khi nào cha con Lâm lão gia tử về bà mới không cần ở đây nữa. Đây là Dương lão gia tử lo con gái đã ra tháng sợ Lý thị chèn ép nên để Ngô thị ở lại giúp đỡ con, dù sao cũng không ăn của họ, nên cũng không lo gì.
Dương lão gia tử trước khi về thì cùng Ngô thị lên chào Lý thị, lúc tới ông cũng có dẫn con cháu lên nhưng Lý thị không gặp, giờ về ông cũng lên chào cho phải phép. Gặp hay không là chuyện của Lý thị. Lần này Lý thị lại gặp, Dương lão gia tử cũng hơi có chút không hiểu.
Dương lão gia tử cũng nói lý do, rồi cũng nói vẫn để Ngô thị ở lại chăm sóc con gái. Lý thị nghe vậy thì mặt xụ xuống:" ông thông gia, nhà tôi cửa nhỏ, nhà nghèo, con dâu hết cữ thì phải giúp đỡ việc nhà. Chẳng lẽ ra cữ còn bắt thân già tôi đây phải lo lắng trong ngoài?"
Dương lão gia tử cười nhìn Lý thị, cái nhìn như thấu tâm địa của bà khiến bà khẽ rùng mình:" bà thông gia yên tâm, tôi sẽ cử một người trong nhà qua đây lo dọn dẹp, heo gà cho bà. Cũng không thể để tiếng xấu cho bà chèn ép con dâu, lại không khiến con gái tôi thân thể chưa khỏe mà yểu mệnh". Câu yểu mệnh kia khiến Lý thị có chút sợ, nhưng bà vẫn lấy cứng đối lại:" trong nhà bây giờ chỉ có mỗi lão tam, nam đinh không tiện tới. Ông bà thông gia cũng không nên bảo bọc con gái quá, đã làm dâu nhà người thì nên theo nếp nhà chồng".
" Tôi nào có không cho con gái theo nếp nhà chồng, bà thông gia nói quá lời. Chỉ là lần sinh này làm sức khỏe con bé yếu đi nhiều, tôi cũng chỉ muốn nó nhanh phục hồi để lại giúp họ Lâm khai chi tán diệp. Còn về người tôi giao qua, tôi sẽ đưa một tức phụ lại, tiền công là tôi trả, cơm thì cũng ăn chung với nhà Lâm Hải. Không nhọc bà thông gia lo lắng". Dương lão gia tử khéo hiểu lòng người mà nói ra hết khúc mắc trong lòng Lý thị.
Lý thị là người ham món lợi nhỏ, nghe chuyện có lời như vậy đương nhiên là đồng ý. Vì nhà Lâm Hải giờ tiền ăn cũng là Dương lão gia tử bỏ ra. Lý thị vội nói:" ông thông gia đã nói vậy, tôi cũng không tiện từ chối".
Nghe vậy Dương lão gia tử thấy sự đã thành nên đứng dậy cáo từ:" vậy nhà chúng tôi cũng không phiền bà thông gia nghỉ ngơi". Nói xong chắp tay chào, xoay người ra về. Một đàn con cháu cũng lục tục hành lễ với Lý thị rồi theo sau Dương lão gia tử.
Ra tới cổng Lâm Hải cung kính hành lễ với nhạc phụ:" con xin ghi nhận ân của nhạc phụ". Dương lão gia tử vỗ vỗ bả vai Lâm Hải:" Mai nhi cũng là con gái ta, ân huệ con không cần nói tới, hảo hảo chăm sóc Mai nhi và mấy đứa nhỏ là được".
Lâm Hải cung kính nói:" vâng"
Mọi người tạm biệt nhau.
Trên đường về, Trần thị hỏi Dương lão gia tử sao không xin cho Dương thị về nhà mình, tiện bề chăm sóc.
Dương lão gia tử chỉ cười không nói.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT