Tháng bảy lưu hỏa*, thuyền đi qua địa giới Sài Tang,
Chu Du bắt đầu phát sốt.
*Thất
nguyệt lưu hoả (七月流火), bắt nguồn từ thơ văn, ý chỉ sao Hoả
đi về hướng tây, thời tiết trở nên mát mẻ. Nhiều người nhầm lẫn sử dụng chỉ
thời tiết nóng, nhưng các học giả cho rằng chỉ “thời tiết nóng” là không thích
hợp – Baike baidu
Ngay từ đầu chỉ là sốt nhẹ liên tục. Mọi người đều
khuyên chàng nên trị bệnh, chàng lại không để ý, chỉ bảo đội tàu chạy nhanh hơn
tới Nam Quận.
Sốt nhẹ suốt ba ngày, đến ngày mười tháng bảy chuyển
thành sốt cao. Đến chạng vạng chàng lâm vào mê man, mọi người mới làm trái ý
chàng tìm y quan đến xem bệnh.
Y quan xem mạch rất lâu, sau đó thở dài, chậm chạp
bước ra ngoài khoang thuyền. Mọi người vây quanh, dùng ánh mắt khẩn trương nhìn
y quan.
Y quan nói: “Trong có viêm loét, ngoài nhiễm thương
hàn”
“Nghiêm trọng như thế nào?” Cam Ninh mặt trầm xuống,
gằn giọng hỏi.
Y quan nhìn lên trời, sau đó chậm rãi nói: “Đành nghe
theo ý trời.”
“Không thể như thế!” Cam Ninh bi phẫn hét, “Hai ngày
trước còn khoẻ, sao lại đột nhiên như thế —— “
Hắn vạn phần kích động, nắm cổ áo y quan nhấc lên,
xung quanh bắt đầu ầm ỹ.
“Các ngươi ầm ỹ cái gì? Thuyền vì sao lại ngừng?”
Đột nhiên nghe thấy thanh âm Chu Du suy yếu từ trong
khoang thuyền vang đến.
Mọi người yên lặng lại vào xem chàng. Tinh thần chàng
đã khá lên một chút, gương mặt trắng bệch làm người ta đau lòng. Chàng nửa ngồi
trên giường, hơi trách cứ nói:”Ta không phải đã truyền lệnh phải nhanh đến Nam
Quận sao? Vì sao lại dừng thuyền ở đây tranh cãi ầm ỹ như thế?”
Cam Ninh đỏ mắt lên muốn nói gì đó nhưng tôi đè lại
vai hắn, nói với hắn:”Đô đốc đã muốn đi thì bảo mọi người tiếp tục đi. Đây là ý
của đô đốc”
Hắn đi ra ngoài, mọi người cũng bước ra, chỉ còn tôi ở
lại trong khoang thuyền. Tôi cũng muốn cáo biệt nhưng Chu Du gọi tôi lại.
“Lời các người vừa rồi nói bên ngoài, ta đều nghe
được.” Chàng nhìn tôi nói.
Tim tôi run lên, ngón tay muốn nắm lấy trong không khí
cái gì đó để tựa vào nhưng không thể. Cuối cùng, tôi chỉ là bình tĩnh nói với
chàng: “Hay là chúng ta trở lại Ngô đi.”
“Không, ” chàng nhẹ nhàng lắc đầu, “Ta được lệnh xuất
chinh đi Tây Xuyên, cho dù chết, cũng nên chết trên đường đi Tây Xuyên.”
Tôi đột nhiên muốn nắm lấy vai chàng mà nói, ta muốn
cho chàng biết bệnh đó là bệnh gì, hãy theo ta đến hiện đại, ta sẽ đem chàng
đến bệnh viện, chỉ cầm tiêm một mũi sẽ khỏi. Sau đó ta và chàng sẽ đi máy bay
đến Tứ Xuyên*. Ta có rất nhiều tiền, chàng thích cái gì, ta sẽ mua về. Chàng
xem trọng mảnh đất nào ta liền mua mảnh đất đó, nếu không đủ tiền, chúng ta có
thể đi kiếm. Tóm lại những nơi chàng muốn đều có thể là của chàng.
*Tây Xuyên cổ, nay là Tứ Xuyên và Trùng
Khánh.
Nhưng tôi cuối cùng cũng không nói, chỉ là kéo góc
chăn lại cho chàng. Chàng lại rơi vào mê man.
Sáng sớm ngày 11 tháng 7, cơn sốt cực nóng thiêu đốt,
hung hãn xâm nhập cơ thể Chu Du. Chàng nằm trên giường, hai mắt nhắm nghiền,
trên trán tụ lại những giọt mồ hôi lớn như hạt đậu.
Người hầu luống cuống thật lâu mới khống chế được cơn
sốt. Đến giữa trưa chàng tỉnh lại, yên tĩnh nhìn tôi, chàng nói:”Giúp ta vẽ một
bức. Họ đều nói nàng vẽ rất đẹp, giúp ta vẽ một bức gửi cho phu nhân ta”
Ngày 12 tháng 7, cơn sốt dường như được khống chế.
Ngày hôm đó tinh thần chàng rất tốt, thậm chí còn ngồi trên khoang thuyền để
tôi vẽ chàng. Mọi người phải năm lần bảy lượt ngăn cản, chàng mới đồng ý vào
trong thuyền. Cho dù thế, tôi vẫn vẽ chàng trong phong cảnh sông nước và bầu
trời.
Bức hoạ kia không phải là bức hoạ xuất sắc, thậm chí
có thể nói là bản vẽ phác thảo sơ sài nhất của tôi. Cũng vì tôi biết thời gian
không còn nhiều, mỗi nét bút, mỗi công đoạn đều vội vã như đang tranh đoạt với
tử thần. Trong lòng tôi thật sự hối hận, bao nhiêu năm qua sao không thừa dịp
thời gian rộng rãi mà vẽ cho chàng một bức thật đẹp, vì sao lại chưa từng nghĩ
đến điều này.
Ngày 13 tháng 7, bệnh tình của Chu Du đột ngột chuyển
biến, lâm vào hôn mê đứt quãng, nhiệt độ cơ thể như đang vật vã giữa lửa và
băng. Chàng hôn mê một ngày, cho đến buổi tối mới từ từ tỉnh lại. Sau khi tỉnh,
câu đầu tiên chàng nói là :”Ta muốn gặp Hưng Bá”
Cam Ninh cùng chàng nói chuyện thật lâu, sau đó chàng lại
bảo tôi đi vào.
Khi tôi đi vào, chàng đã rất suy yếu, mỗi một lời nói
dường như phải dung hết khí lực toàn thân mới có thể thốt ra. Tôi không khỏi
khuyên chàng nên nghỉ ngơi trước.
Nhưng chàng lại cự tuyệt, chàng nói:”Ta sợ lúc này
không nói, về sau sẽ không có cơ hội nói”
Tôi tự bảo mình đừng khóc, móng tay cắm vào trong thịt
đau đến tận tim.
Chàng nói:”Nàng đừng hận Tôn Quyền”
Tôi kinh ngạc nhìn chàng, mà chàng chỉ nhẹ nhàng
nói:”Ngài đối với ta như vậy là đúng. Nếu làm không được điều này, ngài không
đủ tư cách làm một quân vương”
Tôi nhẹ gật đầu.
Chàng còn nói: “Tuy rằng là miễn cưỡng, nhưng hãy đồng
ý với ta, vẫn ở bên cạnh ngài, trợ giúp ngài.”
Tôi nói ta đáp ứng chàng.
Chàng dừng lại, bắt đầu thở gấp. Tôi vội đỡ lấy chàng,
giúp chàng uống nước.
Cuối cùng, tôi lại nhịn không được hỏi :’’Không có lời
muốn ta truyền đạt đến chúa công hay Tử Kính sao ?’’
Chàng nhẹ nhàng lắc đầu: “Lời muốn nói trước đây đều
đã nói rồi. Đừng hỏi ta có nguyện vọng gì, phương thức làm việc mỗi người là
theo ý chí của họ. Các người cảm thấy sau này nên làm gì thì cứ làm’’
Tôi nói: “Còn có tâm nguyện gì chưa hoàn thành không?”
Chàng suy yếu cười nói: “Ta còn có thể có tâm nguyện
gì? Bá Phù đã chết mười năm, mười năm, ta đã mệt rồi.”
Tôi đột nhiên ảm đạm nghĩ đến, đây đối với chàng mà
nói có lẽ là may mắn mà không phải bất hạnh. Chàng bất quá chỉ mệt mỏi mười
năm, nhưng mà có người còn phải mệt mỏi hơn ba mươi năm.
Chàng lại thở dài, buồn bã nói:
“Chỉ là không nghĩ tới, ta phải chết ở trên giường mà
không phải là trên chiến trường.”
Ngày 14 tháng bảy là tết Trung Nguyên*. Dân chúng vùng
ven sông đều có thói quen sẽ làm bánh gạo đặt vào giữa thuyền nhỏ bằng giấy,
đốt nến bên trên thả xuống sông, để thuyền theo dòng nước mà trôi. Theo truyền
thuyết, làm như thế có thể giúp du hồn lang thang được ăn no, cũng giúp họ tìm
về được quê nhà.
*Tết
Trung Nguyên : rằm tháng bảy, hay còn gọi là lễ Vu Lan.
Chạng vạng ngày hôm đó, Chu Du bắt đầu chìm vào hôn mê
sâu, thân thể bắt đầu từng trận từng trận co rút.
Thuyền đã đến Ba Khâu, chỉ bất quá hai ngày là có thể
đến Nam Quận. Nhưng giờ phút này không còn ai thúc giục thuyền đi, mọi người
chỉ để nó trôi nổi như du hồn ở giữa dòng sông đang dần sáng lên bởi ánh nến
trên những chiếc thuyền giấy kia.
Tôi vẫn luôn luôn túc trực trong khoang thuyền, dù một
chút cũng không thích cảm giác vừa nhìn thấy sinh mệnh vẫn đang còn sống hiển
hiện một khắc sau đã mất đi, nhưng tôi vẫn không nỡ rời đi. Thời khắc cuối cùng
của chàng, tôi càng không thể rời đi.
Lúc hoàng hôn chàng nhẹ nhíu mày. Tôi từ trên ghế lao
đến bên người chàng nắm lấy tay chàng, cùng chàng nói chuyện, tôi tưởng rằng
chàng đã tỉnh.
Nhưng chàng vẫn chưa tỉnh lại. Chàng vẫn đang hôn mê,
môi khẽ mấp máy một chữ:
“Lạnh.”
Tim tôi đau thắt, tôi cố gắng chà xát tay chàng. Nhưng
chàng vẫn nhắm mắt, nói:
“Ta lạnh.”
Nước mắt tôi chảy dài, tôi run giọng nói: “Ta có thể
ôm lấy chàng không? Ta muốn ôm lấy chàng.”
Tôi không nghe thấy câu trả lời, có lẽ chàng căn bản
là không nghe thấy tôi hỏi. Chàng chỉ lần thứ ba suy yếu nói:
“Lạnh quá.”
Tôi tiến lên nằm bên người chàng, cầm tay chàng đặt
trên ngực chàng. Tim chàng đập rất nhẹ, dường như không cảm nhận được máu đang
chảy mạch đập. Thân thể chàng lạnh như băng.
Vì thế tôi càng ôm nhanh lấy chàng, tựa đầu lên gáy
chàng. Tôi dùng hết sức lực toàn thân ôm chặt. Chàng rất gầy, xương cốt làm cho
tôi cả người đều đau.
Cam Ninh vạch trướng đi vào, thấy chúng tôi thì ngẩn
ra, không nói gì. Hắn tiến lên châm đèn trên bàn, lại yên lặng xoay người đi ra
ngoài.
Tôi vẫn tiếp tục vẫn không nhúc nhích ôm chặt như vậy,
gương mặt mờ mịt nhìn ngọn đèn trên bàn kia. Ánh đèn kia mờ nhạt đến thê lương,
sao lại tối như thế ?
Không biết là qua một canh giờ hay hai canh giờ, thân
thể chàng dần dần bắt đầu có một chút độ ấm. Sau đó chàng hơi mở mắt ra, nói
:’’Nàng còn ở đây à ?’’
Tôi không động đậy, chỉ là ở sát bên tai chàng nói
:’’Hi vọng tôn phu nhân sẽ không để ý hành động thế này của ta.”
Chàng thế nhưng còn mím môi suy yếu cười cười, nói
:’’Nàng đem cái ôm này chuyển cho nàng ấy là được’’
Chàng còn nói: “Ta vừa rồi nằm mơ, mơ thấy Bá Phù, còn
mơ đến một đêm kia nàng ở bờ sông đàn hát. Ta còn muốn nghe một lần nữa. Nàng
hát cho ta nghe được không?”
Đây là lời nói cuối cùng của chàng trên đời này.
“Sinh niên bất mãn bách, thường hoài thiên tuế ưu. Trú
đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc du ?___’’*
*Sinh
niên bất mãn bách – 生年不滿百
Dịch
thơ (người dịch :không rõ) :
Ðời
người chẳng được trăm năm
Làm
chi ôm nỗi băn khoăn ngàn đời ?
Thở
than ngày ngắn đêm dài
Sao
không cầm đuốc rong chơi kẻo hoài ?
Tiếng hát nghe nhẹ nhàng nhưng gương mặt tôi đầy nước
mắt, tôi cảm giác độ ấm của chàng dần dần lạnh đi.
Ánh mắt xinh đẹp kia đã nhắm lại, ngón tay như bạch
ngọc buông lỏng ra, Chu Du trút hơi thở cuối cùng, sau đó bầu trời hoàn toàn là
màu đen.
Ánh sáng của thời đại này, chấm dứt vào giờ Tuất, ngày
mười bốn tháng bảy, Kiến An năm thứ mười lăm.
Tôi bước ra ngoài, bên ngoài cửa tất cả các tướng sĩ
đều đang đứng chờ. Tôi nhìn bọn họ, bình tĩnh nói :’’Đô đốc tấn thiên’’
Xung quanh nhất thời vang lên một trận tiếng khóc. Cam
Ninh đánh một quyền vào mạn thuyền, gỗ mộc lan kia lập tức vỡ vụn.
Tôi nói :’’Các người có thể vào nhìn đô đốc lần cuối.
Nhưng thỉnh từng người một đi vào, hãy thật nhẹ nhàng, đừng làm kinh động đô
đốc an nghỉ’’
Tôi một mình đến đầu thuyền, đêm đen như một chiếc ô
to lớn bao trùm. Toàn Giang Đô là trản đăng dân chúng ven sông thả xuống, hàng
ngàn điểm sáng như ánh sao theo dòng sông liền đến tận chân trời.
Có người nhẹ nhàng đi đến bên cạnh tôi, rồi nhẹ nhàng
nói :’’Tôi thực sơ ý, bây giờ mới phát hiện lòng của phu nhân đối với đô đốc…’’
Tôi quay đầu lại, nhìn thấy Cam Ninh. Chẳng qua chỉ
mới một ngày thôi nhưng bộ dáng hắn đã vì bi thương mà thay đổi.
Tôi nói: “Ngươi lầm rồi.”
Hắn kinh ngạc nhìn tôi.
Tôi nói: “Ngươi lầm rồi, ta chưa bao giờ yêu Công Cẩn,
cũng vì ta chưa bao giờ đến được thế giới của hắn. Bởi vì chúng ta không bị
ràng buộc bởi thế giới này nên mới có thể thông cảm thương tiếc lẫn nhau’’
Hắn cũng không đáp lời tôi mà chỉ cúi đầu nhìn mặt
sông, nhẹ nhàng nói: “Tôi khi còn niên thiếu ở Ba Quận, dùng gấm Tứ Xuyên quý
giá làm dây thuyền, khi thuyền đi thì chặt đứt để chúng chìm xuống sông. Tôi
lại thường xuyên phái thuyền ngàn dặm đến Ngô đem về thuần thái (莼菜)* và cá chép, chỉ vì muốn uống một chén canh, nguyên
liệu dùng không hết thì ném xuống sông. Đến năm hai mươi tuổi, vì sự nghiệp
công danh lại đến Kinh Châu một phen, sau đó vẫn sống ăn nhờ ở đậu, không bao
giờ có lại được phú quý và sở thích ngày xưa. Tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy
mất mát cái gì. Vì sao hôm nay tôi lại cảm thấy mất mát không thể vãn hồi lại
được…’’
*莼菜 : búp lá non của
một loài thực vật sống trên nước, lá dày, nhỏ như lá súng Việt Nam, có thể tìm
thấy ở Tây Hồ, Thái Hồ…
Tôi nghẹn ngào không nói được, chỉ có ánh sáng mỏng
manh trong đêm đen kia, trên mặt sông nhẹ nhàng lay động hiện trong mắt.
Thuyền đi bảy ngày đến Vu Hồ. Ven đường những địa
phương có đóng quân đều nghe tin tức truyền đến, chủ tướng đều lên thuyền đến
đưa. Ven dọc sông tụ tập hàng ngàn chiếc thuyền, buồm trắng giương lên như tuyết
bay xuống mặt sông.
Tôn Quyền ở Vu Hồ chờ đợi. Hắn giúp đỡ linh cữu Chu
Du, tiếng khóc làm cho mọi người động dung.
Thừa dịp lúc không người tôi đem bội kiếm trả lại cho
hắn. Hắn thu hồi kiếm, nhìn tôi thật sâu nói: “Nàng sớm biết rồi đúng không?”
Tôi nói: “Nếu ta nói phải, ngài muốn trách cứ ta sao?”
“Không, ” hắn chầm chậm lắc đầu, “Cô sao có thể trách
cứ nàng. Đây là trừng phạt Cô đáng nhận.”
Tôi nói: “Đừng quá tự trách. Công Cẩn sẽ không muốn
như thế.”
Hắn khóc vừa cười, ngẩng đầu lên, nói: “Nàng xử lý lễ
tang đi, long trọng một chút, không, có thể làm bao nhiêu long trọng thì làm.”
Cái ôm kia cùng bức họa tôi lại thủy chung không thể
trả lại cho Tiểu Kiều. Ngay buổi tối khi biết được tin Chu Du chết, nàng một
người ra ngoài, sau đó nhảy xuống sông tự vẫn.
Tôn Quyền cho người tìm kiếm ven sông ba ngày, nhưng
vẫn không tìm được thi thể của nàng. Có lẽ là bị thủy triều mang đi, nhưng tôi
lại muốn tin nàng sẽ trở thành thuỷ thần xinh đẹp trong truyền thuyết, cùng sum
vầy với Chu Du trên trời.
Tôi đem Chu Du chôn cất bên Sào Hồ, chàng sinh ra ở
nơi nào, cuối cùng cũng nên trở lại nơi đó.
Lễ tang cũng không phô trương vì tôi nghĩ chàng sẽ
không thích. Nhưng người đến viếng cũng rất nhiều, cả thế gian đều như chìm
trong nước mắt.
Sau khi kết thúc tang lễ, tôi cuối cùng cũng rời nơi
đó. Nhưng khi tôi đến cửa lăng mộ lại thấy Tôn Như đang đứng.
Nó mặc một bộ đồ trắng, đôi mắt xinh đẹp ẩn giấu bi
thương và đau đớn.
Nó nhìn tôi, nhẹ nhàng nói:
“Cô gạt con.”
Tôi không có lời nào để nói.
Nó còn nói: “Cô nói dượng sẽ không phải không trở lại,
nhưng dượng thật sự không trở về’’
Tôi muốn đến ôm nó, nó tránh ra, lại nhẹ nhàng nói với
tôi:
“Cô biết không? Hình ảnh sớm nhất trong trí nhớ của
con, không phải là gương mặt phụ thân hay mẫu thân, mà là hình ảnh của hai người’’
Tôi thật sâu nhìn nàng, phát hiện ra cô bé tóc vàng
hoe tóc trái đào kia đã lớn lên mà không hay biết.
“Đêm hôm đó hai người nhìn yên hoa, con nằm trong lòng
người, trong trí nhớ của con sớm nhất đã nhớ đến người. Đã nhìn thấy người, sao
còn có thể xem vừa người khác.”
Tôi nói: “Con đừng như thế. Con còn trẻ, phải cố gắng
mà sống.”
“Con tự nhiên sẽ cố mà sống, ” nó ảm đạm cười, “con
không phải là dì, ngay cả tư cách chết vì người cũng không có.”
Tôi ảm đạm không nói gì.
“Vân Ảnh.” Nó đột nhiên nhẹ nhàng gọi tôi như vậy.
Tôi nghi hoặc, nó nhìn tôi nói:
“Con muốn xin cô một chuyện.”
Tôi nói: “Con nói đi, cho dù là chuyện gì, ta đều có
thể đáp ứng con.”
Nó rơi nước mắt nói: ” Qua hai năm nữa, con cũng phải
lập gia đình. Bọn họ nhất định sẽ đem con gả cho một ai đó. Đến lúc đó con hy
vọng cô sẽ chủ trì việc này, con hy vọng cô giúp con tìm một người. Người kia
chỉ cần có ba phần, không, chỉ cần một phần giống dượng thôi là tốt rồi’’
“Chỉ cần người đó bạch y, chỉ cần người đó cũng ôn hòa
mà kiên định.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT