Những ngày sau đó, kí túc xá cũng trở nên đông hơn, do ngày đầu của học kì II cũng gần đến. Phòng tôi chỉ có thằng Trung và thằng Sơn là chưa vào, một thằng lí do đặt muộn vé tàu, một thằng chưa muốn vào do trường nó bắt đầu trễ hơn mấy trường khác. Thế nên ngoài việc ăn, ngủ, học chút chút Anh Văn, đọc thêm chút cuốn tiểu thuyết, tôi và thằng Tuấn thường lê la dọc khắp các kí túc xá trên.
- Cái gì, mày đi học Anh Văn với Thương à?
Thằng Tuấn suýt chút nữa phun thẳng ngụm trà xanh C2 vào mặt tôi trước cái thông tin tôi thật thà khai báo cho nó. Mắt nó trợn tròn, miệng há hốc tạo nên khẩu hình:
- “Mày đùa tao à?”.
- Có gì sai đâu mày?
- Còn thằng Trung?
- Nó thì sao? - Tôi hút cái rột sạch ly sinh tố, có vẻ vấn đề thằng Trung ngoài mặt đối với tôi chẳng có gì quan trọng.
- Mày không nghe câu không nên cướp người yêu bạn à?
- Thế mày không thấy Thương không phải là người yêu thằng Trung à?
Tôi quắc mắt đáp lại thằng bạn làm nó vô cùng bối rối, nhất thời chưa kịp tìm đâu ra lý luận tranh cãi tiếp.
- Thôi, dù sao tao cũng chẳng có tình cảm gì với Thương đâu!
Tôi vỗ vai thằng Tuấn, hai thằng im lặng nhìn nhau. Nếu có lẽ là tôi của ngày trước, tôi của sự bốc đồng, khi bị đổ oan sẽ có một phản ứng tiêu cực bằng cách làm cho nó biến thành sự thực, dù thực ra trong lòng không muốn. Và điều thằng Tuấn nói cũng không phải vô lý khi mà tôi còn chưa biết bản thân mình đối diện với thằng Trung như thế nào.
- Ừ,thôi tới đâu hay tới đó! - Thằng Tuấn khoát tay bỏ qua.
Hai thằng tôi lại xách giày lên sân bóng lớn ở khu trên cùng, thoả sức rượt theo trái bóng mà quên đi tất cả.
- Này! - Thương chọc cái bút bi vào lưng khi tôi nằm sóng xoài ra bàn, ngày đầu tiên học kìmới.
- Gì cơ? - Tôi mắt nhắm mắt mở quay lại.
- Chiều nay lên nhận kết quả thi đó!
- Ờ, biết rồi mà!
Bông Xù cũng đâu chịu tha, nãy giờ cô nàng lướt web chán chê trên chiếc điện thoại cũng tham gia:
- Anh đó, suốt ngày ăn rồi ngủ, thảo nào thi rớt.
- Có một môn bằng của cô thôi mà!
- Xí, do em xui thôi!
- Kết quả như nhau! - Tôi nhún vai, và thấy thằng Phong khe khẽ gật đầu đồng ý, nhưng lúc Bông Xù quay lại thì nó lập tức lắc đầu phản ứng tôi ngay.
Tôi lại nằm ra bàn ngủ ngon, trên kia, tiếng giảng viên vẫn như chiếc máy hát êm đềm, đều đều đưa vô số đứa trong lớp vào giấc ngủ.
- Tao đi đây!
- Chiều đi đâu mày, không đá banh à? - Thằng Tuấn đang mân mê cái lap mới cóng của nó,quay đầu sang hỏi.
- Thôi, đi nhận kết quả thi, mà mày tối về đừng có trốn đấy, không rửa máy là không yên với tao đâu!
Dằn mặt thằng bạn, tôi phóng thẳng ra chỗ để xe của khu kí túc, cô bạn phòng đối diện đã chờ sẵn ở đó, hơi nhăn mặt vì phải đợi lâu.
- Mà này, tí nữa tớ học khác lớp thì đừng có la đấy! - Tôi khẽ giảm ga, lách khỏi cái nắp cống ở đường.
- Ờ, biết rồi, chưa la mà đã sợ!
- Phòng xa thế thôi! - Tôi lái xe vào đúng làn đường, không dám quay lại nhìn ra đằng sau xem Thương có phản ứng như thế nào.
Quả nhiên, không nằm ngoài kết quả dự đoán,tôi phải học thua Thương hai lớp tính theo trình độ, và trong cái lớp có vẻ điểm thi hơi trung bình, tôi thuộc loại thấp nhất. Đưa cái mặt không thể ảm đảm hơn về phía cô bạn.
- Ái chà...! - Thương xuýt xoa.
- Đã nói rồi mà.! - Tôi khẽ cáu vì cái điểm của mình nằm chình ình ở cuối tờ danhsách.
- Thế nên tớ mới rủ cậu đi học?
- Ờ...Thôi thì học khác lớp vậy!
Thở dài đánh cái thượt, giá như chỉ có tôi đang xem bảng danh sách này thì chắc tôi phải đưa tay xé rách từng tấm chứ chẳng chơi.
- Nè,Tín ra lấy xe trước đi, Thương ra sau..!
- ...! - Tôi không chút thắc mắc, dắt xe chờ Thương ở ngoài.
Mười phút sau, cô bạn chạy ra, vẻ mặt hớn hở đến gần chỗ tôi.
- Nè,mai chở Thương đi học nhé!
- Lớp Thương học ngày chẵn mà!
- Ngốc, Thương học ngày lẻ.
Cô nàng xoè cái lịch học trước mặt tôi, như để làm bằng chứng, tôi cầm tờ giấy ra chiều khó hiểu.
- Đổi lớp thôi!
- Ờ...ờ!
- Giờ thì về rồi, Thương đói rồi!
Tôi chẳng biết mình phải nói sao nữa, cứ có cảm giác như mình là gánh nặng cho người khác vậy, thay vì đáng lẽ tôi phải cố gắng để đuổi kịp cô bạn, nhưng thực tế thì cô bạn phải thụt lùi để “cùng tiến”với tôi.
Suốt đường về, hầu như tôi chẳng nói được một câu, Thương ngồi sau nhạy bén vỗ vai tôi:
- Chỉ là tớ muốn ôn lại cho vững thôi!
- Ừ..!
Tôi đáp lại gọn lỏn, có vẻ như cái tính khí tự cao của một thằng con trai đang dâng lên tới cổ muốn nghẹn ngào.
Tối hôm đó, cả phòng tôi được phen bất ngờ khi thấy tôi bật đèn lên học, mà lại học mông Anh Văn một cách rất tích cực. Thỉnh thoảng tôi túm đầu thằng Sơn đang nằm phè phỡn xem phim dậy hỏi han vài thứ, rồi lại leo lên giường chăm chú bóp trán ngồi ê a từng chữ.
- Trời động mưa à mày! - Thằng Tuấn ngoi đầu lên nhìn tôi khi nó mắc màn đi ngủ.
- Ờ, phải học thôi!
- Chăm dữ, tính học bổng à?
- Rớt tè le chứ bổng gì mày!
Thế đấy, cứ đến khi nào sức chịu đựng của bộ não không thể nhồi nhét được chữ nào tôi mới chịu ngả lưng xuống giường đánh một giấc.
Chuyện đó cũng kéo dài được hai đêm, trước khi thằng Trung vào lại. Ban đầu, tôi và Tuấn chẳng hẹn nhau, giấu biệt cái chuyện, tôi và mục tiêu, nói chính xác hơn là cô bạn đã là mục tiêu của nó đi học chung.
- ĂnTết vui không mày? - Nó hất hàm hỏi tôi.
- Vui bình thường! - Tôi có vẻ ngại với nó một chút.
Nó chẳng có nhận ra kiểu nói chuyện bất bình thường của tôi, nên lơ sang nói chuyện với thằng Tuấn, rồi lại bài ca muôn thưở, né những đường côn ảo diệu của thằng Việt vào những buổi chiều.
Cứ thế, mỗi lần tôi chở Thương đi học Anh Văn là bao giờ tôi cũng để ý cho cô bạn ra trước, rồi tôi vài phút sau mới lững thững xách balo theo.
- Đi đâu đấy?
- Học Anh Văn!
- Chăm ghê mày! - Nó dừng tay gảy đàn, ra vẻ ngưỡng mộ nửa giễu cợt.
Tôi chẳng bao giờ đáp lại nó thêm nữa, phóng càng nhanh ra bãi giữ xe càng tốt. Thằng bạn vô tình theo những giai điệu hoặc làm những chuyện khác nên không nhận thấy chuyện tôi đi học chung Anh Văn với Thương.
Có lẽ là do tôi không tiện nói ra với nó, và cũng không muốn giải thích nhiều, hoặc đúng hơn là tôi chưa chuẩn bị được tâm lý nói chuyện này với nó, dù biết rằng nó không phải là đứa quá khắt khe.
Cho đến một ngày!
- Hôm nào cũng về giờ này thích thật! - Thươngchỉ đồng hồ đã là chín giờ rưỡi tối.
- Muộn thí mồ, bụng sôi òng ọc! - Khẽ cáu vì bài kiểm tra bất ngờ, hứng thú nhất thời của giáo viên.
- Ai bảo, đã nói đi sớm ăn gì trước đi thì không chịu! - Thương giả bộ phụng phịu hờntrách.
Tôi chưa kịp trả lời thì tay lái có vẻ loạng choạng. Tấp xe vào lề đường và nhìn chiếc bánh sau xẹp lép.
- Thôi xong, thủng lốp xe!
- Thì vá! - Thương học theo tôi nhún vai.
Hai đứa tôi lóc cóc dắt bộ một quãng dài, cố đưa mắt tìm một quán sửa xe còn mở cửa. Nhưng nơi Xa Lộ Hà Nội vốn đã cực hiếm quán sửa xe, cộng thêm trời lại tối nên hai đứa tôi vô phương cầu cứu. Hai đứa tôi dắt xe đi qua cả Cầu Sài Gòn mà chưa thấy chút hi vọng.
- Ê, người ta đóng cửa rồi mà!
- Đèn còn sáng kìa! - Tôi chỉ vào những ánh đèn hắt ra qua những khe hở của những chiếc ván ghép lại thành cửa.
Thương có vẻ sợ sệt đi sau, tôi khẽ gõ cửa:
- Chú ơi, vá dùm cháu cái xe..!
- Tối rồi, quán khác đi! - Giọng người đàn ông vang ra, có phần khó chịu.
Tôi gõ thêm cửa một lần nữa, ra giọng năn nỉ như kẻ đã đến đường cùng:
- Nhà con ở xa, chú giúp cháu đi chú ơi!
Tiếng dép lẹt quẹt trong nhà đi ra phía cửa, miếng ván đầu tiên gỡ ra, để lộ khuôn mặt thập phần hung dữ, Thương nép sát sau lưng tôi.
- Dựng chống xe giữa! - Người đàn ông trung niên nói như hắt nước vào mặt.
Tôi thở dài, mừng rơn làm theo ngay tắp lự.Thương thì mặt tái xanh đi vì sợ. Hai đứa ngồi nhìn người thợ rút cây đinh ngắn ra khỏi lốp xe, vứt ra nền đất trước mặt. Cỡ mười phút sau thì cũng xong.
- Năm phút nữa kí túc xá đóng cửa! - Thương ngồi sau thông báo.
Tôi vặn tay ga đi nhanh thêm một chút, cầu trời sao cho gặp được bảo vệ dễ tính sẽ du di cho chúng tôi được đi qua cổng khi đã quá giờ giới nghiêm.
- Đi đâu giờ mới về? - Bà nữ bảo vệ phòng tôi thường hay chống đối nhìn đồng hồ, muộn tận gần nửa tiếng.
- Bể lốp xe, nên về muộn! - Tôi cứng giọng, chẳng có vẻ gì của kẻ cầu xin.
- Quá giờ quy định! - Bà chị bảo vệ vẻ mặt có chút gì đó vui vui.
- Thì có vấn đề mới về muộn chứ sao? - Tôi bực tức đáp lại, mất hết sự kiên nhẫn.
Thuỷ chung, tôi chỉ nhận được lời từ chối mở cửa.
- Làm sao giờ Tín?
- Nhắn tin bảo bọn trong phòng không về đi!
Thương cũng hết cách, hai đứa lôi điện thoại ra thông báo cho mấy đứa bạn cùng phòng biết. Tôi quay đầu xe, không quên bỏ lại một câu:
- Nếu mà hai tụi em có chuyện gì thì chị đừng có trách!
Bà chị bảo vệ mặt khẽ chùng xuống, nhìn hai đứa sinh viên về muộn mất hút trong bóng đêm.
- Giờ đi đâu? - Thương ngồi sau, níu chặt tay áo của tôi, đến nỗi mấy đầu ngón tay chạm đến cả phần da thịt.
- Đi chơi?
- Chơi?
- Ờ.! - Tôi khẽ cười.
Cũng phải thôi, trước giờ nếu như Thương có chút gì đó giống như nhân vật “Chị” mà cô bạn thường kể, tức là người được gia đình bảo bọc cẩn thận thì có lẽ vào giờ này đêm khuya ở ngoài đường có lẽ là lần đầu tiên. Không sợ sao được.
Tôi đảo vòng ra khỏi kí túc xá, trước cái nhìn soi mói của bảo vệ cổng lớn, rồi tìm một quán ăn.
- Ăn trước rồi tính!
- Ừ..! - Thương có vẻ suy tư đi theo tôi sát sao.
- Không ai bán qua nước ngoài đâu mà sợ.
- Ơ..không?
- Bán được mấy đồng! - Tôi nhún vai rồi tranh thủ lùa nhanh những sợi hủ tiếu vào miệng. Thương cũng bắt đầu nhỏ nhẹ ăn.
Ngoài trời, mưa thêm khó khăn khi bắt đầu rả rích từng hạt. Mưa đêm, không lớn, nhưng càng làm cho cô bạn đi cạnh tôi lo lắng. Hai đứa tôi cứ chờ, nhưng có vẻ cơn mưa là kẻ lì đầu hơn. Cuối cùng khi quán dọn dẹp cửa, bất đắc dĩ tôi và Thương đành phải ra xe.
- Nè, giờ đi đâu? - Vẫn câu hỏi cũ, lo lắng cũ.
- Đến một nơi cần sự can đảm!
Tôi lấy hết can đảm, nhè con đường Xa Lộ mà tới, lúc tới ngã tư Bình Thái thì rẽ vào con đường nhỏ song song. Đi qua mấy con đường nhỏ trong hẻm cuối cùng cũng đến được cái đích mà tôi cần tới. Đèn ngoài sân vẫn còn sáng, tôi đưa tay ấn chuông cửa.
Hai phút sau, thằng em tôi tất bật chạy ra, mở cửa nhìn tôi và cô bạn đầy vẻ ngạc nhiên. Tôi giơ tay chào nó.
- Á, anh Tín Mẹ ơi! - Nó gào lên, trước khi tôi kịp bịt miệng.
Tôi đẩy xe vào trong nhà, quay sang Thương:
- Nhà Bác tớ!
Cô bạn có vẻ đến giờ này mới an tâm, khẽ đưa tay vuốt mấy giọt nước mưa còn sót lại chảy từ tóc xuống. Có lẽ khái niệm đã mưa là ướt đối với Thương chẳng còn gì xa lạ.
May cho tôi hôm nay Bác tôi đi theo đoàn xây dựng lên Tây Ninh làm công trình, chứ không, tôi thể nào cũng bị gọi lên phòng riêng của Bác ấy, chịu tra khảo chứ chẳng chơi. Thằng em tôi dắt hai đứa lên phòng.
- Chị ở phòng này nhé, chị em đi học rồi nên không về đâu, còn anh thì ở phòng em!
Tôi cú đầu thằng em đuổi nó về phòng vì cái tật láu cá, mở cửa phòng chị Thuỷ ra. Căn phòng này vốn là của bà chị họ tôi, nhưng vì bà đã đi du học được ba năm nên để trống, tuy nhiên Bác gái tôi vẫn lau dọn thường xuyên nên vô cùng gọn gàng.
Thương đảo mắt nhìn khắp căn phòng, có vẻ như viễn cảnh đi lông bông khắp buổi tối với việc được ngủ trong phòng ấm áp thế này thì đã là quá may mắn. Vẻ mặt cô bạn mới lộ ra sự an tâm.
- Mà sao nhóc đó lại gọi cậu bằng anh?
- À, đáng lẽ tớ phải gọi bằng anh, nhưng nó thua tuổi, với lại tớ là đại ca của nó nên nó gọi vậy quen rồi!
Tôi đặt cái balo gần như ướt nhẹp của cô bạn xuống, lấy móc từ trong tủ quần áo ra đưa cho Thương.
- Anh Tín! - Tiếng thằng em họ tôi vang vào.
- Gì?
- Mẹ bảo đưa quần áo cho chị!
Tôi mở cửa cho thằng nhóc đặt quần áo trên giường của Thương, rồi hai anh em đi ra ngoài. Cô bạn may mắn có quần áo của chị Thuỷ, chứ riêng tôi thì phải lấy tạm bộ quần áo của thằng em họ khoác vào. Cũng may nó đô con nên quần áo cũng vừa, có điều hơi ngắn một chút.
- Mày đi học đi, tao đi tắm, học hành sao rồi? - Tôi quên mất giờ cũng đã khuya rồi.
- Không rớt như anh là được!
- Á, ngon, không rớt thế năm sau thi đại học như nào?
- Tính sau, tắm nhanh lên mẹ em pha trà nóng ở dưới kìa! - Nó xua tôi đi tắm, có vẻ như không muốn đề cập đến chuyện học hành.
Tôi y lời thằng nhóc, tắm xong, xuống phòng khách nói chuyện với Bác gái. Bác gái vốn hay về nhà tôi chơi, tuy ở xa nên cũng thân thích lắm. Với lại tính Bác vốn hiền chứ không có nộ hoả xung thiên như Bác ruột của tôi.