HÔM THU RA VỀ đúng ngày
Chủ nhật, toàn tổ xuất phát lúc bảy giờ rưỡi. Lúc đầu Thu sợ tổ cải cách giáo
dục phê bình vì đưa Phương và Lâm theo, kết quả mấy người lãnh đạo tổ khen Thu
đã hòa nhập được với thành phần trung nông lớp dưới, kết nối sâu sắc tình cảm
giai cấp vô sản.
Lâm đeo một túi nặng hồ
đào, còn mang giúp đồ cho Thu, Phương cũng giúp hai cô học sinh mang đồ. Mọi
người vừa đi vừa nói chuyện, rất ồn ào vui vẻ. Kỳ lạ là lúc đến, đoạn núi này
hình như rất dài, không biết tận cùng là đâu. Lúc về, không biết có phải vì đã
quen đường hay là sắp được về nhà, tưởng chừng chỉ đi một lúc là đến cái cây
sơn trà kia. Đã cuối tháng Tư mà sơn trà vẫn chưa nở hoa.
Thu rất nóng, nhân lúc
mọi người ngồi nghỉ dưới gốc sơn trà, Thu tránh đi một chỗ để cởi áo len. Thu
vừa cởi áo, vừa nhớ lại cảnh tượng hôm ấy với Ba, Thu cũng tránh vào một chỗ để
cởi áo len, còn anh thì rất nghiêm túc đứng một chỗ thật xa, quay lưng lại, cho
đến khi Thu nói “xong rồi” anh mới quay lại. Thu đứng ở chỗ lần trước nhìn một
lúc lâu, lòng những bâng khuâng.
Về đến nhà, Thu phát hiện
bệnh của mẹ lại tái phát, mẹ đang nằm
trên giường, mặt tái nhợt. Em gái đang chẻ củi trên một mỏm đá ở ngay trước nhà
ăn của trường học, nó đang cố chẻ một thanh củi cong queo, chặt ngắn cho dễ
đun.
Thu rất xót xa, vội đi
tới, cầm búa chẻ củi và bảo em đi bóc hạt hồ đào.
Phương nói với Lâm:
- Anh Lâm, sao không giúp
chị Thu chẻ củi?
Lâm như tỉnh giấc mơ, cầm cái búa trong tay Thu, chẻ
củi.
Hồi ấy mọi người phải đun
nấu bằng than, củi nhóm lò cung cấp theo tiêu chuẩn, mỗi tháng chỉ được mười
lăm cân, dùng hết coi như hết, cho nên lò của nhiều gia đình không tắt lửa bao
giờ, phải dùng than ướt để ủ bếp, đến hôm sau chọc lò tiếp tục đun. Có thể hôm
qua lò không ủ nên bị tắt, củi lần trước Thu về chẻ đã dùng hết, cho nên em gái
Thu cố bằng mọi cách để nhóm lò, may mắn có chị về, nếu không hôm nay không có
cơm ăn.
Lâm chỉ một lúc đã chẻ
nhỏ, chặt ngắn hết số củi ở nhà Thu, để vào một chỗ dùng dần. Phương cười nhà
Thu đun củi ngắn ngủn, ngắn chỉ mươi phân, ở nhà Phương, cho hẳn một khúc củi
to vào bếp. Lâm nghe nói, mỗi tháng nhà Thu chỉ được mua dăm ba thanh củi, phải
dùng suốt một tháng, anh bảo lần sau lên chơi sẽ gùi củi lên.
Lò đã nhóm xong, nhưng
lửa vẫn chưa lên, Thu phải lấy quạt quạt lò, muốn thổi cơm nhanh, Lâm và Phương
ăn rồi còn đi chơi phố, nếu không, ăn xong bữa cơm hai người phải lên xe ra về.
Phương định giúp Thu thổi cơm, nhưng tìm không thấy chạn bát và các thứ đồ dùng
nhà bếp ở đâu, liền hỏi:
- Nhà không có chạn bát
à?
- Nhà Thu không có một
thứ gì sắt. – Thu nói.
Đúng là nhà Thu không có
gì, chỉ có bốn bức tường, bàn học là cái bàn cũ của nhà trường, ghế cũ của học
sinh, giường là mấy tấm ván kê lên hai cái ghế dài của trường học, chăn đệm
trên giường giặt sạch sẽ, nhưng đều vá víu. Bát ăn cơm để vào cái chậu rửa mặt
cũ, thớt là tấm ván mặt bàn.
Lâm ậm ừ một lúc rồi nói:
- Nhà cô Thu còn nghèo
hơn nhà tôi.
Phương đưa mắt nhìn Lâm,
Lâm không dám nói gì thêm.
Rất khó khăn mới nấu xong
bữa cơm, mấy người cùng ngồi ăn. Căn hộ của Thu gồm hai phòng nhỏ, tất cả chỉ
mười bốn mét vuông, vốn là một cái lớp học ngăn ra. Trước đây anh trai Thu ở
phòng ngoài còn Thu, mẹ và em gái chung một phòng. Bây giờ anh trai về nông
thôn, Thu ở phòng ngoài, mẹ và em gái ở phòng trong, ăn cơm ngay phòng>
Đang ăn thì một con gió
nổi lên, những thứ bẩn từ trên mái nhà tơi xuống như một trận tuyết. Thu kêu
lên “hỏng quá”, rồi vội vàng lấy tờ báo che mâm cơm, đồng thơi bảo mọi người
che bát cơm của mình. Lúc này mọi người mới phát hiện trong bát toàn những thứ
đen bẩn. Phương hỏi, những thư này ở đâu ra? Thu nói, đây là tro bên bếp ăn tập
thể bay sang.
Bếp tập thể của nhà
trường đun bằng vỏ trấu, tro bụi theo ống khói bay ra giống như tuyết đen. Căn
hộ Thu ở không có trần, hễ có gió thì bụi trấu sẽ từ khe ngói rơi xuống. Trước
kia bên cạnh còn có hai hộ, hai hộ này được trường phân nhà mới, nên họ đã dọn
đi, gia đình Thu thuộc loại có vấn đề, đành phải ở lại.
Thu rất bực, không ngờ
hoàn cảnh nghèo túng của gia đình lại bị hai anh em Phương trông thấy. Nhưng
Thu vẫn còn may, may là hôm nay không phải là Ba đến chơi nhà. Ba trông thấy
hoàn cảnh này, anh quen sống trong gia đình cán bộ, liệu có quay đầu bỏ chạy?
Nếu như vậy Thu thà chết đi cho xong.
Cơm nước xong xuôi, Thu
đưa Phương và Lâm đi chơi phố, chưa kịp vào cửa hàng cửa hiệu thì đã gần bốn
giờ chiều, ba người vội vội vàng vàng ra bến xe, mua được vé chuyến xe cuối
cùng, vậy là hai anh em Phương ra về. Thu rất ngượng, khách đến chơi nhà phải
mua vé xe, coi như giúp Thu mang hồ đào về tận nhà.
Về đến nhà, Thu thu xếp
đồ đạc, giật mình phát hiện tiền trả cho Ba không biết ai đã nhét vào cái túi
quân dụng. Thu cố nhớ lại sau khi trả tiền cho Ba, không sao nghĩ ra anh đã bỏ
tiền vào túi lúc nào. Hay là sáng nay anh đi theo? Nếu đúng như vậy, rất có thể
khi Thu cởi áo len anh đã nhét tiền váo túi Thu, vì lúc ấy Thu treo cái túi lên
cành cây cách đấy không xa. Nhưng liệu anh có thể theo sau mà vẫn im lặng?
Lúc này hai anh em Lâm đã
về, không thể nhờ đem trả cho Ba. Thu quyết định ngày mai đem tiền trả cho Lí,
đội viên đội tuyên truyền cách mạng và thầy Trần, rồi sau này sẽ tìm cách trả
nợ cho Ba. Không hiểu tại sao, Thu rất vui khi nghĩ đến chuyện sau này trả tiền
cho Ba, hình như đấy là sẽ là cơ hội để được gặp lại anh.
Thu lại nghĩ đến lá thư
của Ba và cả bài thơ anh viết vào sổ tay, tất cả phải được xử lí nếu không, mẹ
trông thấy sẽ lo lắng. Để người khác trông thấy sẽ rắc rối, rất có thể dẫn đến
tai hoa chết người. Thu đọc lại thư của Ba, vẫn không hiểu thư của Ba là thư
gì? Giống như bản tổng kết, lại không giống một bản tổng kết, “nhớ lại quá khứ,
ướng về tương lai”, sau này chúng ta sẽ “cố gắng tiến lên”, hoặc “tình hữu nghị
của chúng ta muôn đời xanh tươi”… Điều này giống như một dấu chấm sau mấy tháng
quen nhau, tư tưởng trung tâm là “mấy tháng ấy rất tốt đẹp, nhưng đã trở thành
quá khứ”.
Phải công nhận sức lí
giải của Thu rất mạnh, Thu là cây bút của lớp, được thầy giáo cử làm “Ủy viên
tuyên truyền”, tức là cán bộ phụ trách làm báo của lớp. Hồi ấy, các lớp luân
chuyển dùng bút lông viết báo tường trên những trang giấy thật to, có lúc phê
phán ai đó hoặc tư tưởng nào đó, có lúc thông tin phong trào học tập công nhân,
học tập nông dân, học tập quân đội. Thu viết được, vẽ được, bút lông, bút máy,
chữ to, chữ nhỏ đều biết viết, bình thường có thể một mình viết báo dán kín một
bức tường.
Thầy dạy ngữ văn khen chữ
của Thu, nhất là thầy La, thầy nói Thu là con người “tài hoa tràn trề”. Thầy
thường đem bài tập làm văn của Thu ra đọc trước lớp, thầy còn gửi bài văn Thu
viết cho sở giáo dục thành phố, đưa vào Tuyển tập những
bài văn của học sinh trung học, tiểu học thành phố K.
Trường hai lần tổ chức thi viết văn, Thu đều giành giải nhất, nổi tiếng toàn
trường. Thầy La dạy ngữ văn hai lớp, có đến một nửa số bài của lớp do Thu phê
duyệt, vì thầy La không muốn đọc những bài viết dở. Mỗi lần học sinh nộp bài,
thầy La chỉ chọn hơn chục bài khá nhất, số còn lại giao cho Thu chữa lỗi chính
tả, chữa câu, để Thu cho điểm. Bạn học của Thu, kể cả bạn nam, có gì không
hiểu, dù là thư tình, thư từ chối đều nhờ Thu xem giúp, là bởi bọn chúng biết
Thu kín mồm kín miệng, không nói cho ai biết, ngoài ra cũng vì thầy giáo thường
xuyên nói Thu “rất có năng lực lí giải”, nắm bắt tư tưởng chính bài văn rất
chuẩn, có khả năng hiểu những câu văn phức tạp. Thu không hiểu tại sao mọi
người gọi những bức thư tình là “lời tâm sự”, có thể vài trang thư mỏng tang
không đáng gọi là thư chăng?
Nhưng con người “có năng
lực đọc” như Thu cũng không rõ tư tưởng “bài văn” của Ba là gì, không biết đấy
là thư tình hay thư tuyệt giao, hầu như tất cả đều bắt đầu “gió mưa đưa xuân
về, tuyết rơi đón xuân đến”, không biết ai là người bắt đầu viết câu đó nhưng
ai cũng thích dùng, có thể dùng thời tiết thay đổi để ẩn dụ sự thay đổi của
tình cảm?
Thu cũng đã đọc một số
bức thư tình. Những bức thư của đám con trai giả dối thiếu văn hóa, hầu hết nói
thẳng “Bạn có muốn làm bạn với tôi không?” “Bạn có chịu làm ngựa cho tôi
không?”. Có lần, lớp kỷ luật một bạn, bảo Thu chuẩn bị tài liệu, Thu đọc được
một bức thư tình rất “vàng” trong đó có câu “mao phi nữ tử thiên bát nhập”, là
một ẩn ngữ, nghe nói sắp xếp những chữ này lại thành một câu rất bậy bạ, ý nói
chỗ nào đấy của người con gái rất thơm. Nhưng Thu sắp xếp mãi, lại tra từ điển
cũng không thể hiểu nổi chữ “mao” đi với chữ “phi” có thể trở thành một chữ bậy
bạ.
Thu đã đọc những bức thư
tình viết ở một trình độ cao phần lớn dùng lời nói của Mao Chủ tịch hoặc những
câu thơ. Hồi ấy phổ biến nhất là câu: “Chờ đến ngày hoa rừng nở, nàng cười
trong bóng cây”. Nghe nói con trai thích dùng câu thơ này là bởi trong đó có
“nàng”. Thu nhớ, có một bạn trai không hiểu, lại viết “nàng kêu trong bóng
cây”, rất may, cậu kia viết xong rồi nhờ Thu đọc lại. Thu xem, cười đau cả
bụng, sửa lại giúp cậu ta, còn giải thích cho cậu ta hiểu. Cậu kia bừng tỉnh,
nói “Mình cũng không hiểu tại sao lại bảo người con gái ấy kêu trong bóng cây”.
Thư tình viết ở trình độ
cao, thư tình kín đáo, là do Tả Hồng, một cô bạn gái về nông thôn cho Thu đọc,
tác giả là một bạn trai học cùng lớp, Tả Hồng rất ngưỡng mộ, cậu kia tặng Tả
Hồng một cuốn sổ tay, trên trang bài lót viết: “Hoa đẹp nở cho người dũng sĩ”.
Câu này làm khó cho Thu, không biết có phải là “thư tình”, có cảm giác dùng vào
đâu cũng được chứ không riêng cho Tả Hồng và cậu kia. Nhưng Tả Hồng sớm phát
hiện cậu kia có bạn gái cho nên khỏi cần diễn dịch câu ấy làm gì, hầu như đấy
là “điểm đen” trong lịch sử giải mật của Thu.
Thư của Ba chưa thể xem
là thư tình, vì suốt từ đầu đến cuối thư không có “nàng cười trong bóng cây”,
cũng không hỏi “có muốn làm bạn với anh”, càng không có câu “quan hệ hai ta có
thể hơn quan hệ đồng chí”. Anh xưng hô với Thu vẫn là Tĩnh Thu, không lược bỏ
tên lót, cũng không thêm “thân yêu”, tên ký ở dưới cũng chỉ bỏ họ Tôn, còn lại
hai chữ Kiến Tân, đọc có phần rờn rợn, nhưng chưa đến mức xao động, vì cái tên
chỉ bỏ một chữ họ như vậy vẫn rất bình thường, bình thường mọi người vẫn gọi
nhau như thế, nếu bỏ thêm một chữ nữa sẽ là “tự vạch trần dã tâm của sói”.
Cho nên, Thu cho rằng,
đây chỉ là bản tổng kết, giống như mỗi lần họp kết thúc bằng bài hát Ra
khơi nhờ tay lái vững,chỉ cần nghe thấy bài hát ấy là biết
cuộc họp sắp kết thúc.
Thu nhớ lại hồi còn nhỏ
cùng bố đến quán trà nghe người ta kể chuyện sách, người kể chuyện muốn để mọi
người hồi hộp, dõng dạc đọc: “Hai đóa hoa nở, mỗi cành một bông”. Có thể Ba dùng
cách này để bày tỏ, khoảng thời gian vừa rồi giữa anh và Thu là mỗi người mỗi
cành, lúc này hoa trên cành của anh đã nở, đã tàn, sau đấy hoa sẽ nở trên một
cành khác.
Thu quyết định không viết
thư trả lời, viết thư có nghĩa là mực đen trên giấy trắng, cho dù là phê phán
thư anh, anh cũng có thể cắt đầu cắt đuôi, bỏ đoạn tìm ý để tạo nên sự lừa dối.
Con người trong thời ấy ai cũng sợ “chữ là nhà tù”.
Thư của Ba nếu người khác
đọc được có thể không cho là thư tình, hoàn toàn coi ấy là luận điệu phản động
và đem phê phán. Những là “ba mươi năm bôn ba”, hoàn toàn là khẩu khí của kẻ
thù giai cấp mong thay đổi trời đất. Còn nữa: “sinh không gặp thời”, “bố mẹ em
chịu oan khuất” vân vân, đều là giọng điệu bất mãn với hiện tại, phản động cực
điểm. Nếu là người khác đọc được, Ba coi như xong đời, Thu là người chưa chấp
và loan truyền luận điệu phản động cũng sẽ xong đời!
Những năm ấy truy bắt
“phản động hiện hành” rất căng thẳng, tấn công những luận điệu phản động bất
mãn với hiện tại rất kiên quyết. Trường trung học số Tám cũng có lúc xuất hiện
khẩu hiệu phản động, hễ xuất hiện, trường học sẽ bao trùm một bầu không khí sợ
hãi, ai cũng sợ. Có một lần, Thu chơi bóng trên sân, bỗng tiếng loa của nhà
trường vang lên, gọi mọi người tập hợp trên sân trường, không được phé đến
muộn. Chờ mọi người đông đủ, mấy người mặc quần áo công an xuất hiện trên bục
cao trước sân trường, tuyên bố vừa rồi nhà trường phát hiện khẩu hiệu phản
động, sau đấy họ nhấn mạnh hậu quả của khẩu hiệu phản động, bảo mọi người vào
lớp để so sánh nét chữ.
Đó là việc Thu sợ nhất,
Thu cầm bút, mắt nhìn trang giấy trắng vừa được phát, run rẩy, không dám đặt
bút viết. Nếu nát bút của mình giống với nét bút trên khẩu hiệu phản động thì
thế nào? Với thành phần xuất thân như mình, liệu có thể giải thích rõ được
không? Nhưng có gì để bảo đảm nét chữ của mình không giống với nét chữ trên
khẩu hiệu phản động? Ở đời này nhiều người có nét chữ giống nhau. Vậy đổi nét
chữ khác? Nhưng đổi nét chữ chẳng may giống nét chữ trên khẩu hiệu phản động?
Chẳng hóa ra đang tốt biến thành xấu?
Thu không biết nội dung
của khẩu hiệu phản động, nhưng như công an nói, theo những lời viết ra có thể
phỏng đoán được ít nhiều. Hồi ấy, phần lớn khẩu hiệu “Mao Chủ tịch muôn năm”
viết thành “Đả đảo”. Cho nên, Thu đoán nội dung khẩu hiệu phản động gồm những
nhóm từ hợp thành. Một hôm, một học sinh không cẩn thận viết sai tên người sau
hai chữ “đả đảo”, vậy là bị công an bắt vì tội phản động hiện hành. Đúng là
“hiện hành”, đang truy tìm khẩu hiệu phản động thì xuất hiện ngay khẩu hiệu
phản động. Cậu học sinh kia bị dẫn đi, chỉ còn nhớ mặt cậu ta tái nhợt, không
dám kêu oan.
Thu rất căm giận người
viết khẩu hiệu phản động, viết như vậy liệu có tác dụng gì? Người viết sướng
tay, người khác phải khổ sở. Mỗi lần truy tìm khẩu hiệu phản động, so sánh nét
chữ, Thu cảm thấy tế bào não của mình chết đi rất nhiều. Một hôm, khẩu hiệu
phản động xuất hiện ngay trong lớp Thu, hơn nữa hôm ấy Thu viết báo bảng của
lớp trên một tấm bảng đen nhỏ, viết chưa xong thì nghe có tiếng loa của nhà
trường yêu cầu mọi người tập trung trên sân trường, sau đấy nghe tuyên bố có
khẩu hiệu phản động, còn chỉ rõ địa điểm xuất hiện khẩu hiệu là bảng đen của
lớp mười.
Thu nghe nói, suýt ngất
xỉu, lẽ nào vừa rồi mình viết lên bảng đen có gì sơ suất? Sau đấy, lớp Thu bị
đưa sang một lớp khác, mỗi người lại được phát một trang giấy trắng để viết mấy
chữ theo quy định.
Lần ấy rất nhanh chóng
tìm ra kẻ phản cách mạng hiện hành, đó là một học sinh nam vốn rất ngớ ngẩn tên
là Dư Kiến Thiết. Cậu ta lúc tan học không có việc gì làm, liền lấy phấn ra
viết viết vẽ vẽ lên bảng đen, tiện tay viết một câu của Mao Chủ tịch: “Xin đừng
quên đấu tranh giai cấp”, vì thiếu cẩn thận, “đừng quên” thì cậu ta viết thành
“quên”. Khốn đốn hơn nữa là, gia đình cậu ta thuộc thành phần bất hảo, bố là
phú nông, vậy là sự việc trở nên phức tạp. Cho dù cậu ta thanh minh rằng mình
viết sót một chữ vẫn không ai tin. Câu này không phải chỉ có hai chữ, tại sao
không bỏ sót chữ nào khác mà bỏ sót chữ quan trọng nhất? Kiến Thiết bị bắt ngay
tại chỗ, về sau thế nào Thu không biết.
Thu suy nghĩ, cuối cùng
cô không nỡ xé lá thư của Ba. Thu chỉ xé dòng chữ in tên đội thăm dò trên đầu
trang giấy và xé cả tên anh cùng tên mình trên đó, vứt vào nhà vệ sinh. Sau
đấy, Thu tìm một mảnh vải khâu thành cái túi bên trong áo bông, bỏ lá thư và
mấy câu thơ của Ba vào đấy, dùng kim chỉ khâu kín lại, đường chỉ khâu chìm,
không nhìn kỹ sẽ không thấy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT