Ngày ngày cùng nhau đến trường, tan học lại cùng nhau đi về, Kỉ Đình và hai chị em nhà họ Cố dần dà thân thiết với nhau. Thực ra, nếu nói cho chính xác, chỉ có Kỉ Đình với Chỉ Di là gắn bó hơn cả, vì tuy các bậc phụ huynh của hai nhà để ba đứa nhỏ tan học đi về một lượt, để mắt trông nom nhau, thế nhưng chuông báo hết giờ vừa mới vang lên, Chỉ An đã ba chân bốn cẳng chạy mất tăm mất tích, có khi đụng mặt cô bé trên đường hay ở nhà họ Cố, cô cũng dẩu môi bĩu mỏ, không thèm đếm xỉa tí gì đến cậu.

Kỉ Đình cũng đã từng thử tham gia với nhóm của Chỉ An, thế nhưng từ nhỏ bố mẹ cậu đã dạy: đi có dáng đi, ngồi có tướng ngồi, đàng hoàng quy củ, học rộng biết nhiều mới thực là một đứa trẻ ngoan. Thế nên trừ những buổi học chính quy, họ còn sắp xếp kín đặc các buổi học thêm cho cậu, bàn học của cậu lúc nào cũng bày la liệt các loại sách báo bố mẹ đặt cho. Hiếm hoi lắm cậu mới bước ra ngoài cho thoáng khí một chút, làm sao quen được với cái trò ngông cuồng sục sạo khắp nơi mọi chốn trên dãy núi phía sau trường của đám Chỉ An. Lúc mới đầu thấy lạ lẫm hay hay, Kỉ Đình cũng theo chân Chỉ An đi hù dọa các cặp tình nhân lén lút hẹn hò ở những chỗ vắng, rồi làm ná bắn chim, chọi dế, chơi trò giấu rồi tìm kho báu. Chỉ An cũng vui vẻ chơi với “tên đồng bọn” lớn hơn cô mấy tuổi. Thế nhưng Kỉ Đình suy cho cùng vẫn chín chắn biết điều hơn Chỉ An, lại quen làm một đứa trẻ ngoan rồi, những lúc Chỉ An bướng bỉnh đành hanh, hoặc gây ra những trò bậy bạ quá lố, cậu thường không bao giờ tiếp tay làm xằng mà còn đem lời ngăn cản. Tuy thế, mấy lượt cậu chàng người ngợm lấm lem bùn đất về nhà, vẫn cứ bị bố mẹ quở trách gay gắt. Còn Chỉ An thì ghét cậu chàng lắp ba lắp bắp, chân tay lóng ngóng, dần dà, cũng không thèm chơi với cậu nữa.

Chỉ Di với Kỉ Đình thì lại hợp nhau. Kể cũng lạ, cô bé Chỉ Di trước nay vẫn hay khép kín ngượng ngùng, từ bé đến giờ, ngoài Chỉ An ra, cô bé chỉ thích vui vầy bên Kỉ Đình. Cô bé còn vui lòng chia sẻ với vậu về đám cá vàng cưng cùng kinh nghiệm nuôi cá. Dần dần, Kỉ Đình cũng bắt đầu nhận ra được hầu hết các loại cá, hóa ra chúng có biết bao nhiêu chủng loại cùng đủ thứ tên gọi kỳ quái lạ lùng, nào là Mắt Rồng, Đầu Hổ rồi La Hán… Chỉ Di cũng kiên nhẫn nghe cậu kể lể những điển cố cùng truyền thuyết mà cậu biết được từ chỗ bà mẹ dạy Văn hay ở trong sách. Hai đứa trẻ lặng lẽ vẫn thường ở lì trong thư phòng của nhà họ Cố hay nhà họ Kỉ làm bài tập, hoặc đứa nào làm việc đứa nấy, lòng dạ đều cảm thấy thật thoải mái yên ổn.

Kỉ Đình có lúc thầm nghĩ trong lòng, Chỉ Di quả là một cô gái nhỏ khiến người ta phải thương cảm, ngoan ngoãn đáng yêu là thế, vậy mà sức khỏe lại yếu kém, bệnh nặng bệnh nhẹ liên miên, ốm một cái là lại phải ở nhà tĩnh dưỡng. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tính tình cô bé khép kín như vậy. Thành tích học tập của cô bé cũng bị ảnh hưởng, cũng may là chú Cố với dì Uông Phàm không câu nệ chuyện này lắm, đối với hai người họ, điều quan trọng nhất là con gái được mạnh khỏe.

Kỉ Đình là con một, hết thảy tinh lực của hai vị phụ huynh trong nhà đương nhiên đều dồn lên một mình cậu, cũng là phải lẽ. Thế nhưng, một nhà có hai đứa con cùng tuổi như bên Cố Duy Trinh thì trong lòng người lớn đúng là cũng có chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh, suy cho cùng thì trái tim người ta cũng đâu có nằm ở chính giữa. Như Kỉ Đình thấy, thời gian và sự chăm sóc mà hai vợ chồng chú Cố dồn vào Chỉ Di nhiều hơn bao nhiêu so với Chỉ An. Về việc này, mọi người đều có thể lý giải được, sức khỏe Chỉ Di không tốt, đúng là cần quan tâm chăm sóc hơn, còn Chỉ An khỏe như rồng như hổ, càng không có ai kèm cặp, cô bé lại càng hớn hở. Còn về mặt vật chất, nhà họ Cố vẫn gắng sức giữ cho công tâm, chỉ cần một cô con gái có, cô kia nhất định cũng phải có. Điều khiến Kỉ Đình thấy lạ lùng nhất là, người cha Kỉ Bồi Văn của cậu, thường ngày vốn nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười nói lại chỉ yêu chiều một mình Cố Chỉ An, mỗi lần sang nhà họ Cố chơi, ông đều tặng riêng cho Chỉ An một món quà nho nhỏ. Đương nhiên, Chỉ Di cũng nhận được một món quà y hệt, thế nhưng người tinh mắt đều nhận ra, mấy cái súng cao su với lồng chim đan vót trau chuốt ấy đều là thứ đồ chơi chỉ một mình Chỉ An ưa thích. Thi thoảng Kỉ Đình cũng khó tránh khỏi bất bình trong dạ, ông bố lúc nào cũng mặt mày đăm đăm khó khăn trước cậu, thế mà lại rất hay bị những câu nói vô tâm hay mấy hành động nghịch ngợm nho nhỏ của Chỉ An chọc cho cười xòa vui vẻ. Đối với tâm tư của người lớn, Chỉ An trước sau chỉ một thái độ chẳng hề hay biết, thế nhưng lòng ưu ái của Kỉ Bồi Văn cũng làm cô bé cảm thấy có thêm một cái ô che chở, cứ hễ gây chuyện, không dám nói với bố mẹ, cô bé liền nhờ cậy đến bác Kỉ thay mặt xuất đầu lộ diện. Những chuyện nhỏ nhặt không có gì ghê gớm, Kỉ Bồi Văn đều gánh thay cho cô bé, vợ chồng Cố Duy Trinh biết chuyện, cũng chỉ nửa đùa nửa thật trách móc ông bạn thân, rằng cứ đà này thì ông sẽ làm hư Chỉ An, khiến cho cô bé càng thêm ngông cuồng phá phách. Kỉ Bồi Văn chỉ cười ha hả bảo rằng, “Tôi lại cứ ưa mấy cô nhóc có cá tính như thế đấy”.

Quãng đời con trẻ cứ thế rề rà trôi qua trong niềm khao khát lớn lên đầy bức thiết, đến lúc ngoái đầu nhìn lại, mới hay thời gian chảy trôi, hóa ra cũng chỉ là chuyện thoáng chốc của một khắc nhắm mắt mở mắt mà thôi. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Kỉ Đình không chọn theo học tiếp cấp trung học ở ngay trong trường trực thuộc Đại học G. Một nam sinh như cậu, mặt mũi sáng sủa, thanh tú, thành tích học tập nổi bật, lại ngoan ngoãn lễ phép, đương nhiên là đối tượng cưng nựng trong mắt thầy cô giáo cũng nữ sinh trong lớp, có điều vì gia giáo nghiêm cẩn, bản tính vốn điềm đạm, nên tình cảm cá nhân của Kỉ Đình phát triển khá muộn. Vậy là, trong lúc các cô cậu trong lớp đang đắm chìm giữa màn mông lung huyền ảo của thời hoa niên, cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch chỉ biết vùi đầu vào sách vở, chăm chỉ học hành, ngày ngày cố gắng.

Khi ấy là thời kỳ tiểu thuyết Quỳnh Dao và Kim Dung nhan nhản khắp nơi, thầm yêu và được trộm nhớ là thứ tâm sự phổ biến nhất của các cô cậu nam thanh nữ tú đa sầu đa cảm. Cơ hồ trong lòng mỗi cô con gái đều có một nỗi “đau thương tươi đẹp”, mỗi cậu con trai đều ảo tưởng vung kiếm hành hiệp giang hồ. Mà những loại sách vở này tuyệt đối bị cấm đoán trong đời sống của Kỉ Đình, trên giá sách của cậu, ngoài sách giáo khoa ra, chỉ có Năm nghìn năm lịch sử với lại Mười vạn câu hỏi vì sao, hiếm hoi lắm mới có mấy cuốn tiểu thuyết, nhưng cũng chỉ có cái kiểuThép đã tôi thế đấy mà thôi.

Một ngày nọ của năm thứ hai, Kỉ Đình phát hiện ra ở góc kín trong hộc bàn của mình có một lá thư rất đẹp gấp thành hình trái tim, người viết thư cho cậu là một cô nữ sinh học rất khá trong lớp, ở ngay khu nhà cạnh nhà cậu. Kỉ Đình cũng hiểu bập bõm nội dung trong thư, nhưng cậu hoàn toàn không thể nào tưởng tượng ra mối liên hệ giữa những tâm tư tình cảm thiếu nữ mơ hồ ấy với cô bạn cùng lớp mỗi ngày vào học tan học đều đụng mặt.

Lưu Lý Lâm về mặt này sớm già dặn hơn cậu, kêu ầm lên là cô gái nọ thầm thương trộm nhớ cậu rồi.

Kỉ Đình sợ bạn gái kia khó xử, nên không cho Lưu Lý Lâm rêu rao ra, chỉ lẳng lặng cất kín lá thư. Cậu không ghét bỏ gì chủ nhân của lá thư ấy, nhưng tất cả chỉ có thế. Tuy nhiên, cậu ngăn được thói lắm lời của Lưu Lý Lâm chứ không chặn nổi bản thân mình khỏi mối băn khoăn nghĩ ngợi, lá thư thoang thoảng hương thơm ấy cơ hồ đã mở ra một cánh cửa trong trái tim cậu, đằng sau cánh cửa ấy dường như cất giấu một bóng hình bảng lảng như có như không. Cậu không thích cô nữ sinh viết thư cho mình, thế thì cậu thích ai? Mà thích là kiểu cảm giác gì kia chứ?

Trong đầu cậu nhanh như chớp lóe ra một suy nghĩ, sau đó lập tức dập tắt nó, rồi bỗng dưng đỏ lựng mặt mày. Cậu thiếu niên mười lăm tuổi bị một đống tâm tư nhằng nhịt khó hiểu làm cho váng vất cả đầu óc, đây là lần đầu tiên từ khi cha sinh mẹ đẻ cậu chịu nghĩ ngợi nghiêm túc về vấn đề này, dường như trong đó còn có cả chút hoang mang của tuổi mới lớn nữa.

Đương nhiên những vấn đề này không phải một chốc một nhát là tìm ngay ra lời giải đáp, hôm ấy lúc tan học, cậu dặn dò Lưu Lý Lâm không được kể chuyên này với ai, rồi sau đó như mọi khi xốc cặp sách lên đứng chờ Chỉ Di trên con đường mà khối tiểu học tan giờ ắt hẳn đi qua.

Một đám học sinh tiểu học mặc đồng phục từ các phòng học túa ra, cậu nhìn thấy Chỉ An đầu tiên. Chỉ An với Chỉ Di đều đã là học sinh lớp sáu. Đến độ tuổi này, không ai còn nhầm hai chị em với nhau được nữa. Chỉ An tuy là em, nhưng đã nhỉnh hơn Chỉ Di một cái đầu, cô bé không còn thích mặc quần áo hay làm tóc kiểu công chúa như Chỉ Di, tuy không tránh khỏi việc mặc đồng phục, nhưng cũng không chịu buông xuôi an phận. Như bây giờ chẳng hạn, bộ đồng phục rộng lùng thùng khoác lên dáng người gầy gò của cô bé, khăn quảng đỏ thì xiên xẹo xô lệch trên cổ, ăn rơ với khuôn mặt sắc nét và dáng vẻ bất cần, khiến người ta chỉ liếc mắt đã dễ dàng nhận ra cô bé trong đám đông.

Xung quanh Chỉ An vẫn là mấy đứa bạn chơi từ nhỏ, đều là mấy thằng con trai ngỗ ngược nổi tiếng vùng này, cô bé vừa đi vừa khoa chân múa tay nói gì đó. Kỉ Đình đoán chừng: cô nhóc chắc chắn đang tính toán gây ra trò gì bậy bạ đây.

Lúc Chỉ An đi ngang qua người cậu, cậu mỉm cười với cô bé, thế nhưng cô làm bộ không hề nhìn thấy mà đi vượt lên luôn. Kỉ Đình thấy ngượng quá, đành chỉ liếc mắt dõi theo bóng hình cô, liền đó đã nhìn thấy Chỉ Di đeo cặp sách từ lớp học đi ra.

Hai người sóng vai bước xuôi theo con đường dẫn về nhà, trên đường đi thảng hoặc cũng có bạn chơi cùng Kỉ Đình hay Chỉ Di nhìn hai đứa đi với nhau mà cười cười vẻ mờ ám, nhưng hai người cũng coi như không thấy gì. Kỉ Đình đã quen rồi, cậu cảm thấy trong lòng bình thản như không. Ngay từ khi còn nhỏ cậu đã chủ định trong lòng rằng sẽ chăm sóc cho Chỉ Di thật tốt, cậu nói được thì sẽ làm được.

Bình thường hai cô cậu cũng chẳng to nhỏ chuyện trò gì nhiều, nhưng trông thấy bộ dạng hoang mang suốt chặng đường về của Kỉ Đình, Chỉ Di không nén nổi tò mò liền hỏi, “Anh Kỉ Đình, anh nghĩ ngợi cái gì mà cứ ngẩn ra thế?”. Cô bé không hỏi thì thôi, vừa cất lời, khuôn mặt vốn trắng trẻo của Kỉ Đình thoắt ửng đỏ.

“Anh có nghĩ gì đâu, chỉ tại hôm nay bài thầy giáo giảng trên lớp có chỗ vẫn chưa hiểu lắm. Chỉ Di, chúng mình đi nhanh lên chút, xem có phải con cá Mắt Rồng màu xanh của em hôm nay sắp đẻ không”, Kỉ Đình vội vã chuyển đề tài.

Chỉ Di biết tỏng cậu chàng không nói thật, nhưng cô bé cũng không hỏi cho rõ ngọn ngành, chỉ nhoẻn miệng cười cười, rồi rảo chân bước theo hướng về nhà cùng cậu.

Thời trung học của Kỉ Đình trôi qua yên bình phẳng lặng, cậu nghĩ, nếu không xảy ra chuyện gì bất ngờ, cả đời cậu chắc cũng sẽ trôi qua như thế. Học hết cấp hai sẽ lên cấp ba, học xong cấp ba thì vào đại học, tiếp tục đào sâu học tập, tốt nghiệp xong sẽ ở lại trường giảng dạy như bố mẹ hằng mong đợi, lấy một cô vợ gia giáo có trình độ tương đương, lại thêm tâm đầu ý hợp, sinh một đứa con, dồn hết tâm huyết vào nó, uốn nắn chăm bẵm nó trở thành một trí thức hệt như cậu vậy, rồi sau đó yên tâm mà già đi, còn đứa con sẽ lặp lại một đời giống như cha nó.

Thực ra như thế cũng không có gì là không ổn, thế nhưng, cậu nghĩ bụng, nếu đã biết rõ cả cuộc đời nhất định sẽ sống như vậy, thì chí ít trong lúc vẫn còn tự do tự tại, sao không thể làm một số việc ngoài kế hoạch cơ chứ, một chút ít ngoại ý cũng chẳng thể nào khiến cậu đi chệch quỹ đạo cuộc đời được, mà lại khiến cậu vui vẻ hơn. Thế nên sau khi kết thúc cấp hai, Kỉ Đình điền vào tờ đơn đăng kí nguyện vọng trường cấp ba cái tên Ngũ Trung. Ngũ Trung cũng là trường cấp ba trọng điểm ngang ngửa với trường chuyên trực thuộc Đại học G, tỷ lệ thi đỗ đại học hằng năm ổn định ở vị trí một trong hai trường hàng đầu cả nước, thế nhưng điều thu hút Kỉ Đình hơn là ở chỗ, địa điểm của trường với Đại học G vừa hay phân cách đôi nơi, một nam một bắc hai đầu thành phố. Nếu cậu đỗ vào Ngũ Trung, đương nhiên sẽ phải nội trú tại trường. Sống trên đời đã gần mười sáu năm, trước nay Kỉ Đình vẫn chưa từng rời khỏi bố mẹ quá một tuần, lần lâu nhất mà Kỉ Đình còn nhớ được là đợt tham gia cắm trại kéo dài năm ngày hồi mùa hè năm lớp bảy. Mặc dầu trại hè là do nhà trường tổ chức, nhưng trong thời gian cậu ra khỏi nhà, mẹ cậu vẫn cứ săn sóc từng ly từng tí. Thực ra Kỉ Đình cũng cảm thấy rất nực cười, cậu không phải một đứa không biết tự chăm lo cho bản thân, cũng không phải đứa ngỗ nghịch phá phách, hầu hết thời gian cậu đều có thể tự cắt đặt mọi việc ổn thỏa, thế nhưng bố mẹ lại cứ căng thẳng thái quá. Nghe nói là vì mẹ cậu khá vất vả trong khi mang thai cậu, trước cậu, mẹ đã từng bất cẩn bị sẩy mất một đứa đã thành hình trong dạ, khó khăn lắm mới có được Kỉ Đình, lúc còn đang bụng mang dạ chửa cũng dăm bảy lần sóng gió, đến lúc sinh thì lại sinh non. Thế nên, bố mẹ Kỉ Đình chỉ giận không thể nào lấy dây mà trói chặt cậu vĩnh viễn vào người mình được, trong quá trình dạy dỗ cậu quyết không lỡ làng sai sót lấy nửa bước. Kỉ Đình hiểu được nỗi khổ của cha mẹ cậu, thế nhưng cũng không rõ tại sao, cậu vẫn cứ khao khát được rời khỏi bố mẹ để tự do hít thở một phen, cho dù chỉ là chốc lát thôi cũng cam lòng.

May là sau khi cậu nộp đơn đăng ký nguyện vọng xong xuôi, bố mẹ cậu vẫn chẳng mảy may nghi ngờ chút nào, có lẽ họ vẫn đinh ninh rằng việc con trai tiếp tục theo học trường chuyên thuộc Đại học G là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi, không cần lo lắng làm gì cho mệt. Trường Ngũ Trung tuy tuyển sinh khắt khe, thế nhưng Kỉ Đình tương đối tự tin vào thành tích của mình, chỉ cần không có điều gì quá bất ngờ xảy ra, thì nhận được thông báo trúng tuyển của trường Ngũ Trung là việc hoàn toàn nằm trong dự liệu. Tưởng tượng ra cảnh bố mẹ đến lúc ấy chắc vì việc này mà biến sắc, nhưng cũng chỉ bất lực không biết phải làm sao, thì ngoài cảm giác căng thẳng âu lo ra, Kỉ Đình còn thấy chút mừng vui âm thầm không nén nổi. Niềm vui ấy thậm chí còn hơn cả cảm giác mừng rỡ lúc cậu được tuyên dương danh hiệu một trong ba học sinh tốt nghiệp xuất sắc của cả khối.

Lễ tốt nghiệp của khối trung học được tổ chức chung với lễ tốt nghiệp của khối tiểu học, vừa hay, chị em Chỉ Di cũng tốt nghiệp cấp một, thế nên vợ chồng hai nhà Cố Duy Trinh với Kỉ Bồi Văn đều đến dự. Lúc Kỉ Đình thay mặt các học sinh tốt nghiệp lên bục đọc diễn văn, nhìn cậu chàng nho nhã thanh tú đứng trên đài, nói năng trôi chảy với chất giọng nho nhã thanh tú đứng trên đài, nói năng trôi chảy với chất giọng nho nhã riêng có của mình, không chỉ vợ chồng Kỉ Bồi Văn xúc động đến ướt đầm đôi mắt, ngay cả gia đình Cố Duy Trinh vốn là bạn bè thân thiết cũng cảm thấy được thơm lây.

Thế nhưng, điều khiến mọi người bất ngờ nhất là cô nàng Chỉ An. Vốn bấy nay nghịch ngợm bướng bỉnh, làm thầy cô đau đầu nhức óc, nên cô bé tuyệt nhiên không có duyên với danh hiệu học sinh ưu tú, nhưng không thế không thừa nhận là về mặt học hành, cô cũng có tư chất hơn người. Cô bé cả ngày chơi bời phá phách, thế mà thành tích lại không tồi chút nào, bình thường cũng không chăm chỉ cần cù làm bài tập cho lắm, kiểm tra này nọ cũng đại khái cho xong, thế nhưng những dịp thi cử càng quan trọng, nỗ lực của cô bé càng nổi bật. Cô cũng thường tự xưng là “tuyển thủ thi cử”, lần thi tốt nghiệp cấp tiểu học này, thật đáng kinh ngạc, Chỉ An cũng trở thành học sinh đạt điểm cao nhất khối. Thầy cô giáo có thể không tặng cô giải thưởng học sinh tốt nghiệp ưu tú nhất, thế nhưng danh hiệu “Học tập xuất sắc” dành cho người có thành tích tốt nghiệp đứng đầu thì không thể lọt khỏi tay cô bé.

Lúc ban lãnh đạo trường lên bục trao thưởng, hết thảy các em học sinh nhận thưởng đều dàn thành hàng ngang, Chỉ An tuy đứng trên đài, nhưng vẫn giữ nguyên cái vẻ cười cợt tỉnh bơ, còn đám bạn bè ngỗ ngược từ nhỏ lớn lên cùng cô bé thì ở dưới bục nhốn nháo huýt sáo, ra sức hoan hô cổ vũ. Cô bé cũng phối hợp ăn ý ngay, ban giám hiệu vừa phát thưởng xong, cô liền ra bộ tíu tít hôn gió chùn chụt, khiến cho tất thảy những người theo dõi đều phải phá lên cười, đến cả Chỉ Di bấy nay vẫn rụt rè im ắng cũng phải đứng bật dậy, nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng cô em.

Kỉ Bồi Văn nhìn sang Cố Duy Trinh bảo, “Ông xem, Chỉ An nhà ông cũng hay đấy chứ”. Cố Duy Trinh lắc đầu, “Giá mà nó có một nửa cái biết điều ngoan ngoãn của Kỉ Đình nhà ông bà là tôi cũng mừng lắm rồi, thành tích chỉ là chuyện nhỏ, tu dưỡng nên người ra sao mới là việc lớn”.

Kỉ Đình đứng ngay cạnh Chỉ An, cậu chàng lúc này cũng chỉ cao hơn Chỉ An nửa cái đầu, cậu nhìn Chỉ An cầm tờ giấy khen trong tay, cười rạng rỡ với mọi người ở phía dưới, ánh dương chói chang ngày tháng sáu dường như cũng vì đó phải chịu thua kém vài phần. Cậu bất giác nở nụ cười mãn nguyện, tuy rằng Chỉ An không thân thiết với cậu như Chỉ Di, thế nhưng trong lòng cậu, cô bé cũng giống như em gái nhỏ vậy, nên từ sâu thẳm trong lòng cậu thực sự cảm thấy mừng vui.

Buổi tối, cả hai gia đình ăn uống bên nhà họ Kỉ, Từ Thục Vân – mẹ Kỉ Đình – thân chinh xuống bếp tất bật chuẩn bị cả buổi chiều, Uông Phàm cũng xắn tay vào giúp, lúc mọi người yên vị, hẳn nhiên đã có cả một bàn đồ ăn thức uống ngon lành. Cố Duy Trinh còn mang từ nhà sang loại rượu ngon mà bình thường ông không dám uống, định bụng sẽ nhân cơ hội này nhâm nhi vào ly với ông bạn quý. Vừa mới ngồi xuống, Cố Duy Trinh đã vỗ vai Kỉ Đình, khen ngợi rầm rĩ một hồi, vợ chồng Kỉ Bồi Văn tuy khiêm nhường đáp lại mấy câu, thế nhưng nhìn vào cậu con trai, nỗi lòng hồ hởi không khỏi tuôn trào. Lúc rót rượu, Cố Duy Trinh cũng đổ đầy một ly cho Kỉ Đình, bảo rằng, “Kỉ Đình khá lắm, không chỉ làm cho bố mẹ nở mày nở mặt, đến chú Cố đây trông vào cũng thấy vui mừng, hôm nay cháu cũng uống một tí đi”. Kỉ Đình còn chưa nói gì, Từ Thục Vân đã cười cười ngăn lại, “Nó vẫn trẻ con, sao đã biết uống rượu, hai anh uống với nhau là được rồi”.

Kỉ Bồi Văn cười bảo với vợ, “Đàn ông con trai uống một tí cũng có sao, bình thường không để con nó uống, nhưng vào mấy dịp vui như hôm nay, nếu con muốn uống một chút thì cũng không sao cả”. Từ Thục Vân lúc này mới không nói gì nữa.

Kỉ Đình nhìn thứ chất lỏng trong suốt trong cái chén nhỏ trước mặt, bất giác ngần ngừ. Thật tình, từ nhỏ tới lớn, cậu chưa từng thử giọt rượu nào, thế nhưng xem trong tiểu thuyết hay trên ti vi có nhiều người hay uống rượu đến thế, như thể cái thứ rượu này phải là thứ gì đó quý giá ngon lành lắm, cậu lại cảm thấy vài phần tò mò, bèn nâng lên sát mũi hít hà một hơi, thế mà, vừa chạm phải hơi rượu, cậu đã chùn lại luôn.

Chỉ Di ở bên cạnh nhìn sang, nhoẻn miệng cười, “Anh Kỉ Đình không muốn uống, hình như anh ý chẳng thích rượu đâu”.

Kỉ Đình vừa định đặt ly xuống, Chỉ An liền nhoai người sang, cầm ly rượu của cậu lên, “Con xem nào, xem rốt cuộc thì rượu có gì hay ho chứ”.

Cố Duy Trinh chau mày nạt, “Con gái tí tuổi đầu không được uống rượu, còn ra thể thống gì nữa”.

Chỉ An trề môi, nhưng vẫn đưa ly kề miệng, nhấp một ngụm, sau đó thè lưỡi bảo, “Cũng chả có gì hay, chẳng qua là cái vị thế này đây”. Nói đoạn Chỉ An lấy mu bàn tay chùi miệng, trả ly rượu về trước mặt Kỉ Đình, nhướn mày, cười cười nhìn Kỉ Đình, cứ như thể bày trò khiêu chiến trong im lặng, Kỉ Đình đón lấy ly rượu, không hó hé một lời, ngẩng đầu lên, uống một hơi cạn sạch, cậu không ngờ rượu lại cay đến thế, nghẹn đến nỗi ho sặc sụa không dứt, Từ Thục Vân với Uông Phàm được một phen chân tay quýnh quáng, nào đưa khăn giấy, nào vỗ lưng cho cậu, Chỉ Di vội vã lấy một cốc nước ngọt cho cậu.

Chỉ An cười xì một tiếng, bảo rằng, “Có đến nỗi phải thế không?”.

Uông Phàm vốn rất ít khi nặng lời với cô bé cũng phải mở miệng bảo luôn, “Cái con bé này, ăn nói kiểu gì thế? Con mà không thách anh Kỉ Đình thì anh có uống một hơi thế không?”.

“Mọi người có ai nghe thấy con bảo anh ý uống không?” Chỉ An không phục. Lúc này Kỉ Đình đã hồi lại, không biết là do bị nghẹn hay do men rượu, vì kìm nén hay vì ngượng ngùng, mà khuôn mặt trắng trẻo của cậu giờ đỏ gay, cậu nghe thấy dì Uông Phàm trách mắng Chỉ An, vội lập bập nói ngay, “Dì Uông Phàm, không phải tại em Chỉ An đâu ạ, là vì cháu không biết uống rượu thôi, lại uống vội quá”.

Kỉ Bồi Văn cũng bảo, “Mắng cháu nó làm gì, là tại Kỉ Đình nhà tôi vốn không biết uống rượu đấy mà”.

“Một tí rượu này cũng không uống được, thế mà còn đòi làm con trai.” Chỉ An không biết điều, bồi thêm một câu.

Kỉ Đình càng đỏ mặt tía tai. Cố Duy Trinh nhìn sang Chỉ An mắng, “Con thì biết cái gì, con mà học được ít nết tốt của anh Kỉ Đình, có phải bố mẹ đỡ khổ biết bao nhiêu không”.

Chỉ An hếch mặt lên, “Anh ta thì có gì mà tốt đẹp, chẳng qua là học sinh tốt nghiệp ưu tú rởm chứ gì? Hiếm hoi lắm đấy chắc?”.

Cố Duy Trinh giận đến nỗi mạch máu xanh lè trên trán cũng giật giật, “Cái thứ không hiếm hoi lắm này con cũng có được bao giờ đâu, sao tôi lại có đứa con gái thế này cơ chứ”.

Thấy rõ không khí bỗng chốc đi xuống, Từ Thục Vân vội vàng dàn hòa, “Anh Cố à, Chỉ An vẫn còn là trẻ con, việc gì phải nghiêm trọng thế?”

Nãy giờ Chỉ Di vẫn im lìm không nói gì, giờ đặt ngay đũa xuống, khẽ giọng bảo, “Bố ơi, Chỉ An hôm nay lên bục nhận thưởng, tại sao mọi người chỉ nhớ mỗi việc anh Kỉ Đình được khen thưởng, chẳng ai nhắc đến Chỉ An cả?”.

Những lời ấy vừa thốt ra, cả mấy người lớn đều nhất loạt nhìn nhau sững sờ, Cố Duy Trinh cũng bỗng chốc im bặt.

Lúc ấy, Chỉ An đứng bật dậy, nói với chị, “Ai mà thèm mọi người khen ngợi chứ? Đằng nào trong mắt bố mẹ cũng chỉ có một đứa con gái thôi mà”. Nói đoạn cô bé đẩy ghế ra đằng sau, rồi rời khỏi bàn ăn, chạy biến ra khỏi nhà họ Kỉ.

“Chỉ An!” Chỉ Di gọi giật một tiếng, nhìn thấy cô bé không thèm ngoái lại, liền đứng ngay dậy, “Bố mẹ, con đi xem em thế nào”. Nói rồi cũng theo chân đi ra ngoài luôn.

Kỉ Đình cũng muốn đi, nhưng chỉ cảm thấy váng vất mơ màng. Bốn người lớn đều sững sờ một hồi, rồi lại bắt đầu lặng lẽ ăn tiếp. Một lúc lâu, vẫn là Kỉ Bồi Văn mở lời trước, “Ông Cố à, nói thật một câu, ông bà thấy đối xử với con Chỉ An thế này có công bằng không?”. Cố Duy Trinh định nói lại ngừng, thở dài một tiếng. Uông Phàm liếc nhìn chồng một cái, rồi bảo, “Thành tích của Chỉ An trước nay đều rất khá, vợ chồng em không phải không biết, có điều con bé này cứ hấp tấp quá, bọn em cũng chỉ mong nó ngoài việc học ra, những mặt khác cũng phải từ tốn cẩn thận một tí. Huồng hồ, Chỉ Di lần này thi cử không ra sao, bọn em cũng lo nếu cứ khen con em, lại làm con chị chạnh lòng… Làm cha mẹ thật khổ nhất đời, có điều thực là không ngờ mọi sự lại ra nông nỗi này…”.

Kỉ Bồi Văn im lặng một hồi, rồi lại bảo tiếp, “Có thật là vì như thế không? Duy Trinh, Uông Phàm, có những chuyện tôi không nói ra ông bà cũng hiểu, không phải tôi tọc mạch chuyện nhà hai người, thế nhưng, con trẻ tuy vẫn còn nhỏ tuổi, cơ mà trong lòng chúng có cảm nhận cả đấy…”.

Trông thấy trên khuôn mặt Uông Phàm đã lộ nét rầu rĩ, Từ Thục Vân vội lay lay chồng, “Thôi đừng nói nữa, ăn cơm đi, Chỉ An chẳng qua là nhất thời giở thói trẻ con ra, không sao đâu mà”.

Bốn người lúc này mới tiếp tục ăn, Kỉ Đình nghe bập bõm tiếng được tiếng chăng, nhưng cậu hiểu là bây giờ không nên nhiều lời, cậu cảm thấy đầu óc càng đau nhức hơn, bèn nhất quyết nhổm dậy nói, “Chú Cố, dì Uông Phàm, bố mẹ, con thấy hơi váng vất, con vào phòng nằm một tí nhé”.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play