Nhuế Vĩ nhìn xuống đôi chân lão đạo sĩ. Lão đứng vững, như người thường như vậy là đôi chân không tàn phế.
Chàng thầm nghĩ :
- “Lão này là ai? Lão đâu phải là người trong nhóm Thất Tàn Tẩu? Nhưng, mường tượng lão tìm tung tích của Thất Tàn Tẩu thế là nghĩa gì?”
Tên tiểu nhị đáp :
- Không có mẫu người đó tại đây!
Lão đạo sĩ tự lẩm nhẩm :
- Kỳ quái chưa! Ngày rằm tháng tám sắp đến nơi rồi, tại sao không một ai trong bọn họ đến đây? Chẳng lẽ tất cả đều chết hết?
Lão bước luôn vô quán, tìm chỗ ngồi, gọi rượu và thức ăn.
Nhuế Vĩ đang lúc đói, cũng tìm chỗ ngồi xuống, gọi rượu và thức ăn. Chàng cố ý lân la, dò xem hành tung của lão nhân. Chàng không quên bảo tiểu nhị đưa phần ăn vào phòng cho Lâm Quỳnh Cúc.
Lão đạo sĩ ăn to, uống đậm, nốc hai cân rượu rồi vẫn chưa thấm vào đâu, nên gọi thêm rượu vào.
Vừa lúc đó, có ba người từ bên ngoài bước vào. Người đi đầu là một hòa thượng mặt mày hung ác, tay cầm nguyệt nha sảng to bằng cổ tay trẻ nít. Hòa thượng vừa vào vừa quát hỏi oang oang :
- Tiểu nhị đâu? Có lão nhân tàn phế nào tạt qua quán của ngươi chăng?
Tiểu nhị đang mang rượu đến cho lão đạo sĩ, chưa kịp đặt bình rượu xuống là bị hỏi vớ vẩn, hắn bực, đáp cộc lốc :
- Khách đến đây, ngày nào không có? Khách trăm, khách ngàn, tôi biết ai có đặc điểm gì mà hỏi?
Hòa thượng thấy hắn ngang ngược, sôi giận bước tới chụp cánh tay hắn, quát :
- Ngươi dám nói năng vô lễ với ta?
Tiểu nhị run sợ, bình rượu trong tay kia lắc lư, rượu trào ra, chảy ròng ròng.
Lão đạo sĩ chụp tay hắn, thốt :
- Ngươi cẩn thận chút! Đổ hết bình rượu của ta bây giờ đấy!
Hòa thượng chợt cảm thấy một đạo kình lực từ người gã tiểu nhị truyền sang tay lão, cuồn cuộn như nước cuốn, đẩy mạnh cánh tay lão, bắt buộc lão buông gã tiểu nhị.
Một tiếng “bịch” vang lên, gã tiểu nhị ngã ngồi xuống nền. Cũng may, lão đạo sĩ kịp thời vớ bình rượu đặt xuống bàn, nếu không nó sẽ rơi xuống vỡ tan, đổ hết rượu. Gã tiểu nhị cố gượng đứng lên, lấm lét nhìn cả hai, biết là hai tay dữ trong võ lâm gặp nhau, thế nào rồi cũng có trận đánh xảy ra, gã lùi lại, lùi lại, chợt quay mình đi vào trong, tránh cuộc xô xát.
Hòa thượng không ngăn chận gã, trừng mắt quay nhìn lão đạo sĩ, hỏi :
- Ngươi là ai?
Y biết đối phương là tay lợi hại, có thể mượn vật trung gian làm dẫn đạo, chuyển kình lực công kích địch nhân, người làm được việc đó hẳn phải có công phu tu vi bậc thượng thừa. Cho nên, y không dám hung hăng ngay, mà chờ biết lai lịch rồi sẽ tùy cơ hành động.
Lão đạo sĩ không hề nhìn vào hòa thượng, vừa rót một chén rượu vừa thốt :
- Các người không có xứng đáng gì mà đòi biết tên họ của ta!
Vẻ khinh miệt hiện rõ nơi thần sắc lão.
Hòa thượng nổi giận vung chưởng đánh thẳng tới chén rượu của đạo sĩ.
Chưởng lực của y rất mạnh, có thể làm thủng một mảnh tường song lão đạo sĩ xem thường, tay hữu cầm chén rượu, tay tả đảo một vòng tròn nơi đáy chén.
Vòng tròn vừa giáp hai đầu, rượu từ trong chén vút lên thành ngọn, bắn sang hòa thượng. Ngọn rượu nhắm đôi mắt của hòa thượng bắn vào.
Hòa thượng kinh hãi, vội thu chưởng, vừa nhảy lùi lại vừa khoát tay che mặt.
Ngọn rượu bắn vào tay áo, tay áo bạt đi như bị kình phong hốt bay. Hòa thượng vừa thẹn vừa giận quát :
- Lão lỗ mũi trâu không tiếc mạng sống à?
Lão đạo sĩ bật cười ha hả :
- Tài nghệ như ngươi mà cũng hăm he lấy mạng người kia nữa sao?
Hòa thượng hừ một tiếng :
- Thất Tàn Tẩu còn bị ta đánh chết thay huống hồ ngươi là một lão lỗ mũi trâu?
Đồng thời gian y vung chiếc nguyệt nha sảng, quét ngang qua đầu đạo sĩ.
Lão đạo sĩ khoát tay hữu, chụp chiếc sảng quắc mắt hỏi :
- Ngươi nói thật?
Hòa thượng cố giật chiếc sảng về, song không giật nổi.
Lão đạo sĩ buông tay, cười lạnh :
- Có đúng là ngươi khoác lác không! Tài nghệ cỡ đó mà nói là đánh chết Thất Tàn Tẩu, thử hỏi có ai tin được ngươi chứ?
Hòa thượng giật mạnh, bỗng nhiên lão đạo sĩ buông ra, chiếc sảng lỏng lẻo, hòa thượng mất thăng bằng, suýt bật ngửa về phía hậu, nhờ y chỏi chân kịp thời, chỉ lựng khựng chập chờn mấy lượt rồi đứng lại được.
Hai người cùng đi với hòa thượng, đồng lướt tới, đồng cất tiếng hỏi :
- Ngươi ở trong nhóm Thất Tàn Tẩu?
Lão đạo sĩ không đáp, không nhìn, thản nhiên nâng chén rượu lên, uống cạn.
Hai người đó vận y phục tục gia, tuổi độ bốn mươi, mặt mày cũng hung ác như hòa thượng. Người bên tả thốt :
- Cử thế, nan hữu Địch!
Người bên hữu tiếp nối :
- Vũ nội thị Tam hung!
Nhuế Vĩ nghe đến đây bất giác giật mình. Thì ra bọn người này là nhóm Vô Địch tam hung. Lão hòa thượng, pháp hiệu là Phổ Chân thuộc phái Thiếu Lâm.
Còn người kia là Trương Hùng Oai, còn đạo sĩ là Không Bất Bảo. Cả ba người bị trục xuất khỏi sơn môn từ nhiều năm trước. Phổ Chân vừa hoàn tục, còn hai đạo nhân thì bị Chưởng môn cấm khoác chiêu bài Võ Đang, hành hung thiên hạ.
Đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu, họ sớm kết với nhau thành nhóm, gây tai hại cho dân lành không ít. Phàm khách giang hồ nghe đến tên họ, ai ai cũng khiếp hãi không nhiều thì ít.
Lão đạo sĩ uống một chén rượu rồi tiếp :
- Vô Địch tam hung có gì hơn người mà dọa khiếp thiên hạ? Dù cho trăm hung, ngàn hung, cũng không làm chi nổi Thất Tàn Tẩu, nói gì ba hung?
Nhuế Vĩ rất lấy làm lạ nhận thấy lão đạo sĩ một mực bênh vực Thất Tàn Tẩu, có ý nghi ngờ lão là một trong nhóm người đó, song tìm mãi chàng chẳng phát hiện lão có một tàn tật nào. Như thế thì tại sao lão bênh vực mãi?
Phổ Chân đã mất hết tác phong một kẻ xuất gia, ăn nói ngông cuồng, không chút gì khiêm tốn. Chợt y hỏi :
- Trong bọn Thất Tàn Tẩu, có một lão nhân lớn vóc gù lưng chứ?
Lão đạo sĩ biến sắc mặt, đáp :
- Phải! Đó là Đà Tẩu!
Phổ Chân đắc ý, bật cười vang :
- Ta tung một quyền đánh chết lão ấy rồi!
Lão đạo sĩ vụt đứng lên, rời bàn, cười lạnh hỏi :
- Có thật là Đà Tẩu bị ngươi đánh chết rồi chăng?
Phàm bất cứ ai, hạ được một người trong số Thất Tàn Tẩu, kẻ đó phải là tay siêu thượng, tạo được một thành tích như vậy thôi cũng đủ nổi danh như sấm trên giang hồ.
Phổ Chân hiếu sanh, oang oang tiếp :
- Đánh chết một nào có nghĩa gì! Ta còn nghe nói, vào tết Trung Thu tháng tám ngày rằm, họ tụ họp với nhau, nên bọn Vô Địch tam hung chúng ta định tìm sáu lão còn lại, đưa họ đi theo Đà Tẩu cho có bạn với nhau!
Lão đạo sĩ cười lớn :
- Có khí khái cao quá! Thế lão tặc trọc định xuất thủ một lần cho danh vang khắp sông hồ phải không?
Phổ Chân gật đầu :
- Phải! Phải!
Nhưng, y không tiêu hóa nổi với tiếng mắng lão tặc trọc, vừa thốt xong, y hét liền :
- Xem sảng của ta đây! Lão mũi trâu!
Y quét nguyệt nha sảng rít gió một tiếng vù.
Khí thế của y rất hùng mãnh, nhưng lão đạo sĩ đưa tay ra, chụp dễ dàng đầu sảng, chận thế công của y.
Bị chụp lần thứ nhất Phổ Chân chưa phục. Bây giờ y mới nhận thức đối phương cực kỳ lợi hại, biết không rút chiếc sảng về nổi, y bèn gọi :
- Huynh đệ đâu! Xuất thủ gấp!
Trương Hùng Oai, Khổng Bất Bảo rút trường kiếm một tả một hữu đâm vào.
Lão đạo không dám khinh thường, buông đầu chiếc chủy, tránh hai ngọn kiếm. Đoạn lão cười lạnh, thốt :
- Vào hết một lượt là phải đó! Một tên thì còn lâu lắm mới là đối thủ của ta!
Viên quản lý khách sạn la lên :
- Có đánh nhau thì ra ngoài kia mà đánh! Đừng phá quán người ta!
Lão đạo sĩ rút kiếm cầm tay, vừa bước đi vừa thốt :
- Phải đó! Hãy ra ngoài kia đi! Đánh nhau ở đây, ngươi sẽ phá sập mất!
Tam hung theo ra, phân vị trí đứng thành ba góc, chận lão đạo sĩ tam phương thọ địch.
Khổng Bất Bảo cất tiếng :
- Này, lão mũi trâu! Ngươi không thể không bại! Truyền cái chiêu Hải Uyên cho bọn ta đi!
Phổ Chân hung bạo hơn, gằn từng tiếng :
- Đà Tẩu vì tiếc chiêu kiếm của lão, mà phải nói! Ngươi muốn sống, phải truyền chiêu kiếm, ta dung tha cho hưởng thụ những ngày tàn!
Y vung quyền. Quyền phát xuất ra, bốc gió vù vù, nghe điếng người.
Cả ba phảng phất nhận định lão đạo sĩ là một trong Thất Tàn Tẩu, họ nghĩ ba người hiệp sức lại, thì làm gì không thắng.
Nếu gặp đúng một trong Thất Tàn Tẩu, thì họ lại càng bất lợi hơn, với chiêu kiếm Hải Uyên.
Bây giờ lão đạo sĩ mới xác định là Đà Tẩu đã chết nơi Phổ Chân.
Lão tự hỏi, làm sao bọn này lại biết có cuộc hội ngộ rằm tháng tám? Mà Đà Tẩu thì chết cách nào? Chẳng lẽ chúng thừa sức đánh bại Đà Tẩu, bức bách truyền chiêu kiếm, Đà Tẩu từ chối nên bị chúng giết luôn?
Nghĩ đến cái chết của Đà Tẩu, lão đạo sĩ nổi giận, vung kiếm phát chiêu liền.
Kiếm của lão chặt vào nguyệt nha sảng làm cho cánh tay của Phổ Chân rúng động, suýt tê dại luôn.
Phổ Chân kinh hãi. Đổi đấu pháp, Phổ Chân đánh trượng pháp, “Hàng Ma”.
Trương Hùng Oai và Khổng Bất Bảo thì sử dụng kiếm Lưỡng Nghi của Võ Đang phái! Kiếm pháp này gồm sáu mươi thức, một người thi triển thì cũng chẳng đáng nói, nhưng cả hai thi triển, cái oai lực của nó kinh hồn!
Cuộc chiến khai diễn qua ba hiệp, Nhuế Vĩ từ trong quán ra chàng thốt lên :
- Ba người đánh một, không công bình, không anh hùng! Không phải là con nhà võ!
Nhuế Vĩ liền rút Huyền Thiết Mộc Kiếm đâm thẳng vào Phổ Chân, đạo sĩ hoành kiếm, hất kiếm của Nhuế Vĩ, gắt :
- Ngươi là ai? Ai mượn ngươi can thiệp?
Nhuế Vĩ không đáp vội, quay kiếm đâm qua Trương Hùng Oai, chàng trầm giọng thốt :
- Lão đánh phần của lão, tại hạ đánh phần của tại hạ.
Lão đạo rút kiếm, nhảy ra ngoài, vòng chiến, không đánh nữa.
Phổ Chân rút chiếc sảng đuổi theo, đồng thời quát :
- Ngươi định chạy trốn à?
Nhuế Vĩ hất kiếm bật chiếc sảng trở lại, đáp thay lão đạo :
- Ai chạy trốn! Có ngươi định chạy trốn thì phải hơn!
Đánh ra chiêu đó, Phổ Chân dùng toàn lực nhưng không làm sao đánh kiếm vuột khỏi tay Nhuế Vĩ. Phổ Chân kinh hãi, thầm nghĩ :
- “Tiểu tử này là ai mà có công lực ghê gớm thế?”
Qua mấy chiêu của “Thiên Độn kiếm pháp”, Nhuế Vĩ làm cho Tam hung phải vận dụng toàn chân lực chủ trì.
- Tiểu súc sanh! Muốn sanh sự sao không tìm nơi khác, mà lại tìm bọn ta?
Nhuế Vĩ cười lạnh :
- Các ngươi không nhận ra tiểu tổ tông, nhưng tiểu tổ tông lại nhận ra các ngươi! Mười hai năm trước, các ngươi đã hèn, mười hai năm sau các ngươi vẫn hèn như cũ! Các ngươi mặt dày quá!
Khổng Bất Bảo hắng giọng :
- Ngươi nói ai mặt dày?
Nhuế Vĩ đáp :
- Mười hai năm trước, các ngươi ỷ đông, vây đánh một khách cô đơn, các ngươi còn nhớ chăng?
Phổ Chân biến sắc mặt :
- Ngươi là chi của Chưởng Kiếm Phi Nhuế Phu Vấn?
Nhuế Vĩ cười hận một tràng dài, vung nhanh mộc kiếm hơn. Kiếm bay vùn vụt trúng người là nát xác!
Thì ra lúc song phương giao thủ bên ngoài, Nhuế Vĩ ở trong quán, giở quyển lưu bút tra cứu mới biết Tam hung có tham gia cuộc chiến ngày xưa. Bây giờ chàng nghe Phổ Chân hỏi thế mới xác định chúng là hung thủ.
Chàng đánh hăng quá, làm Tam hung hết đường xoay trở, sắp bại đến nơi.
Phổ Chân quát :
- Tiểu tử! Ngươi là ai?
Nhuế Vĩ hét :
- Ta là con trai của Chưởng Kiếm Phi!
Đồng thời gian chàng phát xuất chiêu công, chiêu công đó đánh trúng cánh tay của Phổ Chân, chiếc nguyệt nha sảng vượt tay, bay đi.
Phổ Chân đau quá, nhào xuống đất, chưa kịp lăn mình, đã bị Nhuế Vĩ chận chân nơi ngực.
Nhuế Vĩ bận đuổi theo Phổ Chân, bỏ hẳn Trương Hùng Oai và Khổng Bất Bảo, cả hai thừa cơ hội, phóng chân chạy đi, bất chấp đồng bọn nguy như thế nào. Nhuế Vĩ không tài nào chiếu cố cả hai đầu, chụp đầu này phải bỏ đầu kia, chàng nghĩ rồi cũng có ngày chàng sẽ tóm được chúng.
Phổ Chân sợ chàng giẫm mạnh, ngực nát, nên van cầu khẩn thiết :
- Ngươi... Ngươi tha cho...
Nhuế Vĩ ấn chận, cho y biết mùi khổ, rồi mắng :
- Đã là môn đệ của phái Thiếu Lâm, sao lại hèn thế!
Phổ Chân cố nghiêng đầu nhìn, chẳng thấy Trương Hùng Oai, Khổng Bất Bảo đâu cả, bèn cất tiếng mắng đồ bất nghĩa.
Nhuế Vĩ lắc đầu, khinh bỉ con người xuất gia mà tâm tính hung hăng nói năng thô tục quá. Chàng có biết đâu, y đã bị trục xuất khỏi sơn môn hơn ba mươi năm rồi, và hiện tại thì y hoàn toàn là con người của rượu thịt! Bất quá, y chưa vứt chiếc áo nhà tu thôi.
Phổ Chân lại van :
- Ngươi nhắc chân lên đi chứ! Vết thương nơi lưng ta nặng như thế đó, ngươi đạp mãi, ta sống làm sao được!
Nhuế Vĩ cười lạnh :
- Đến nông nỗi này, ngươi còn mong được sống sót nữa.
Chàng toan giẫm mạnh chân.
Phổ Chân kinh hoảng, kêu rối rít :
- Đừng! Đừng! Lệnh tôn năm xưa đâu phải chết nơi tay ta! Ngươi đừng lầm!
Nhuế Vĩ nhắc chân lên, hỏi :
- Vậy ai là hung thủ?
Phổ Chân đáp :
- Bao vây lệnh tôn, có đến hơn trăm người, ta bất quá chỉ tham dự vậy thôi, chứ không thể xuất phát một quyền, một cước nào cả!
Nhuế Vĩ cười lạnh :
- Công phu của ngươi như thế đó, thì tung quyền phóng cước cái gì được với tiên phụ mà hòng gây thương tổn cho tiên phụ! Dĩ nhiên ta biết ngươi không phải là hung thủ! Ngươi phải cho ta biết ngay hung thủ là ai!
Phổ Chân lắc đầu :
- Làm sao ta biết được? Ta chỉ ở vòng ngoài, muốn chen vào trong cũng không chen nổi, thì làm sao thấy được ai xuất thủ!
Nhuế Vĩ suy nghĩ một lúc, lại hỏi :
- Có thật là ngươi đã hạ sát Đà Tẩu chăng?
Phổ Chân gật đầu :
- Thật.
Nhuế Vĩ trầm giọng :
- Làm sao ngươi hạ thủ?
Phổ Chân do dự, chưa chịu nói.
Nhuế Vĩ vội ấn chân.
Phổ Chân kêu lên :
- Đừng! Đừng! Để ta nói!
Bắt buộc, y phải nói thật.
Thì ra, hôm đó, Đà Tẩu ly khai Hắc bảo, mang bệnh mà đi. Lão định tìm một truyền nhân, để đại diện lão, dự cuộc họp ngày rằm tháng tám. Tuy Lâm Quỳnh Cúc có học chiêu kiếm của lão, song nàng là gái, không thể đại diện cho lão được. Rồi lão gặp bọn Tam hung. Đà Tẩu tưởng họ là người tốt, nên nhờ họ tìm gấp một thanh niên có căn cơ để làm truyền nhân của lão. Ngờ đâu biết được sự thật rồi, họ không tìm mà lại lợi dụng tình trạng của lão, bức bách lão phải truyền chiêu kiếm cho họ. Đà Tẩu không chịu. Họ giết lão luôn.
Nhuế Vĩ nghe rồi, thương xót cho Đà Tẩu vô cùng.
Phổ Chân thuật xong, lóp ngóp ngồi dậy, gượng đứng lên, đi được mấy bước, bỗng quay đầu lại thốt :
- Thật sự Đà Tẩu mang bệnh, không còn sức lực kháng cự, dù vậy ta đánh chết lão, dù muốn dù không ta cũng tạo thành tích vẻ vang, ta có thể cao mặt bôn tẩu trên giang hồ!
Thấy con người vô sỉ cực độ, Nhuế Vĩ nổi giận, lướt theo, tung một quyền vào ngực Phổ Chân, đồng thời mắng :
- Cái ngữ mặt dày này, chỉ sống chật đất thôi!
Chàng chỉ xuất phát ba thành lực, Phổ Chân tiếp nhận quyền đó, ói máu thành búng, không dám nói năng gì nữa, chệch choạng bước đi.
Nhuế Vĩ biết, y không phải là hung thủ, bất quá chỉ hùa theo số đông mà tham gia cuộc bạn, trừng trị như vậy cũng đủ rồi, nên chàng bỏ qua cho y đi.
Chàng nhìn quanh vào một vòng, không thấy lão đạo sĩ đâu cả. Chàng lầm lũi trở vào quán, u buồn vì Đà Tẩu chết rồi, chàng mất thêm một chiêu kiếm, trở ngại chàng tăng gia trong cuộc gặp lại Cao Mạt Dã sau này.
“Thương Tâm Kiếm”! Chỉ có mỗi một mình Lâm Quỳnh Cúc biết, song nàng không chịu truyền lại, thì làm sao đây? Còn ba hôm nữa là đến ngày rằm tháng tám, chàng phải khởi hành ngay từ bây giờ. Chàng vào phòng.
Lâm Quỳnh Cúc đón chàng, hỏi :
- Vừa rồi, đại ca đánh với ai đó?
Nhuế Vĩ biết là tiểu nhị đã mách với nàng. Chàng lạnh lùng đáp :
- Cúc muội đâu có biết gì, còn hỏi làm chi!
Lâm Quỳnh Cúc hỏi với hảo ý, chàng đáp lạnh nhạt, tự nhiên nàng giận, buông giọng :
- Từ nay về sau, đại ca có bị ai đánh chết, tôi cũng chẳng màng.
Nhuế Vĩ không buồn cái lý, gọi tiểu nhị thanh toán tiền xong, thu toán hành trang, rồi thuê một cỗ xe, cho Lâm Quỳnh Cúc ngồi, chàng thì cỡi ngựa, trực chỉ Lang Đông.
Sáng sớm ngày rằm, chàng đến đỉnh Ma Tiêu Phong. Chàng hết sức tán thưởng cảnh trí tân kỳ của ngọn núi này.
Chính Lâm Quỳnh Cúc cũng mê luyến phong quang của ngọn danh sơn.
Nàng đề nghị :
- Tôi nghe nói vùng này có ba mươi sáu ngọn núi bảy mươi hai động, mười hang, bốn mươi lăm mô đá đẹp, chúng ta nên dạo xem qua cho biết!
Nhuế Vĩ ừ lơ là, không tỏ vẻ gì sốt sắng cả.
Lâm Quỳnh Cúc hận, xẵng giọng :
- Đại ca không muốn đi xem với tôi, thì tôi đi một mình vậy!
Nhuế Vĩ thở dài :
- Cúc muội chưa hoàn toàn bình phục, còn đòi du ngoạn làm chi?
Nhuế Vĩ nhìn quanh, chẳng thấy bóng người. Chàng lẩm nhẩm :
- Có ai đến không? Và có thì chừng nào mới đến?
Lâm Quỳnh Cúc chọn một tảng đá, ngồi xuống ngây người nhìn Nhuế Vĩ, ánh mắt của nàng chan chứa tình nồng.
Nhưng Nhuế Vĩ không lưu ý, cứ bước đi tới lui. Bỗng chàng nghe tiếng chân.
Bất giác, chàng phấn khởi tinh thần, ngẩng mặt nhìn ra, thấy một lão nhân đang đi lên đỉnh. Lão nhân tóc bạc trắng, bạc trắng chân mày, lão chính là đạo sĩ già Nhuế Vĩ gặp tại khách sạn mấy hôm trước.
Lão đạo sĩ lên đến đỉnh rồi, tìm chỗ ngồi, xếp chân bằng tròn, bất động.
Một lúc lâu, Nhuế Vĩ bước tới trước mặt lão, hỏi :
- Tiền bối chờ ai đó?
Lão đạo sĩ đáp :
- Ta chờ ngươi!
Nhuế Vĩ kinh hãi :
- Chờ tại hạ? Tiền bối là ai?
Lão đạo sĩ mỉm cười :
- Ta biết ngươi là đệ tử của Du Bách Long, thế ngươi nhận không ra được ta là ai sao?
Nhuế Vĩ hỏi :
- Tiền bối biết gia sư?
Lão nhân thở dài :
- Mười năm cách biệt! Không ngờ lệnh sư ra người thiên cổ!
Nhuế Vĩ buột miệng kêu lên :
- Tiền bối là Thiết Cước Tiên!
Chàng lại nhìn đôi chân của lão! Đôi chân còn nguyên vẹn, có khuyết chân nào đâu?
Lão đạo sĩ chẳng nói gì, cứ ngồi bất động như cũ.
Nhuế Vĩ lại hỏi :
- Tiền bối còn đợi ai nữa?
Lão đạo đáp :
- Đợi những người phải đến đây!
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không còn ai đến nữa đâu!
Lão nhân nhìn chàng.
Giờ phút trôi qua, thái dương đã lên đến đỉnh đầu.
Lão sĩ chợt đứng lên, thốt :
- Chúng ta tỉ thí trước!
Nhuế Vĩ thầm nghĩ :
- “Hôm nay là hôm định quyết thư hùng. Ta không cần khách khí.”
Chàng bạt kiếm, ngưng thần, đứng chờ.
Lão đạo sĩ tiếp :
- Trông thấy ngươi đánh bọn Tam hung, ta biết ngay ngươi đã học hết sở đắc của Du huynh. Ngày nay Du huynh đã thành thiên cổ, dù sao thì ngươi cũng là hậu sanh, vậy ta định như thế này, ngươi đại biểu cho sư phụ ngươi, nếu ngươi đánh bại ta, ta lập tức truyền chiêu kiếm cho ngươi, không cần chờ đợi ai nữa!
Lão chưa tin là mấy người kia cũng chết như Du Bách Long! Hay ít nhất cũng còn vài người sống sót, trừ một Đà Tẩu!
Nhuế Vĩ thầm nghĩ :
- “Tại sao lão cứ nói là sư phụ ta đã thành thiên cổ? Thế lão nhân gia đã chết rồi sao? Hay là lão nguyền rủa?”
Chàng không muốn biện luận, sợ gây ảnh hưởng cho tâm tình lão đạo, rồi chàng có thắng, cái thắng đó chẳng được vinh quang lắm.
Thanh trường kiếm giấu sau lưng, lão đạo sĩ rút ra khỏi vỏ, cầm tay, nhìn sang Nhuế Vĩ, liếc qua mộc kiếm của chàng, thốt :
- Kiếm của ta có cái tên của Thanh Trúc, sắc nhọn lắm, ngươi hãy cẩn thận.
Nhuế Vĩ điềm nhiên :
- Mộc kiếm của vãn bối chẳng sợ một bửu kiếm nào.
Lão đạo “ạ” lên một tiếng đoạn ngưng trọng thần sắc :
- Ngươi công trước đi!
Nhuế Vĩ không nói gì nữa, xoay cổ tay, kiếm xoay theo, mũi kiếm vẻ năm đóa hoa.
Đó là chiêu “Ngũ Y Hiến Phật”, một chiêu chào tôn kính hơn là công kích, thuộc “Thiên Độn Kiếm”.
Lão đạo sĩ cười nhẹ :
- Tạ ơn ngươi!
Lão cũng xoay kiếm, vẽ thành bảy đóa hoa đáp lại.
Nhuế Vĩ giật mình.
Chưa vào cuộc, lão đã tỏ ra tiên bại rồi. Chàng nhận thấy khó thủ thắng.
Chàng thu hết tinh thần, xem đối phương như một đại địch, không dám khinh thường.
Lão đạo sĩ xuất chiêu liền. Kiếm pháp của lão tuyệt diệu, lối sử dụng tỏ ra hạng sư.
Nhuế Vĩ không kém, vung kiếm phản công.
“Thiên Độn Kiếm” là kiếm pháp của Du Bách Long, năm xưa từng mang ra sử dụng, nên lão đạo sĩ hiểu rành, chàng chưa đánh ra chiêu kế, bằng vào chiêu trước, là lão đạo hiểu chiêu sau ngay, do đó lão ứng phó ung dung.
Ngược lại, Nhuế Vĩ chẳng biết mảy may về kiếm pháp của lão. Đánh như vậy, là mới vào đầu, chàng thấy bất lợi rồi. Chàng tâm cơ minh mẫn, chàng biết ngay, vội bỏ “Thiên Độn Kiếm”, thi triển ngay kiếm pháp của Giản Lạc Quan.
Kiếm pháp này, có ba đặc điểm: “nhanh, hung, độc”, lão đạo sĩ chưa hề biết.
Nhờ thế Nhuế Vĩ lấy lại thế quân bình.
Tuy nhiên, lão đạo càng đánh càng phát huy công lực, còn Nhuế Vĩ dù sao công phu tu vi cũng còn non hơn lão, phần căn cơ kém vững chắc, không thâm hậu bằng nên càng đánh, chàng càng chậm thủ pháp, kiếm mất linh động nhiều.
Rồi chàng dần dần yếu thế, không tỏ lộ đầy đủ oai lực của kiếm pháp nhà họ Giản. Nếu cuộc đấu kéo dài như vậy, thì chỉ trong vòng mấy mươi chiêu nữa Nhuế Vĩ phải bại.
Chàng nghĩ :
- “Ta không thể để bại! Không! Nhất định không!”
Lập tức chàng phát xuất chiêu “Bất Phá Kiếm”.
Lão đạo đang đánh chiêu “Thời Thừa Lục Long”, kiếm ảnh trùng trùng, bỗng đụng phải chiêu “Bất Phá Kiếm” của Nhuế Vĩ, kiếm ảnh tiêu tan ngay, oai lực của chiêu “Thời Thực Lục Long” biến mất.
Từng bại trước chiêu “Bất Phá Kiếm” của Du Bách Long, lão đạo tức uất vô cùng. Chẳng lẽ bây giờ lão cũng bại luôn trước đồ đệ của Du Bách Long? Lão hét lên :
- Tiểu tử! Chú ý!
Lão vận toàn lực đánh ra, đúng một chiêu đó, song mãnh liệt gấp bội phần.
Nhuế Vĩ kinh hãi, tăng gia công lực, điều động thanh kiếm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT