Cao Mạt Dã day qua Sử Bất Cựu, lấy mắt hỏi lão, chờ một xác nhận.
Nhuế Vĩ cũng quay nhìn lão, gằn từng tiếng :
- Tiền bối có dám phủ nhận vì bại dưới thanh kiếm của tại hạ, tiền bối bắt buộc phải cứu Dã nhi chăng?
Sử Bất Cựu đáp :
- Phải! Nhưng...
Sợ lão thuật rõ tình hình, Nhuế Vĩ tung kiếm tấn công liền. Chàng cốt ý làm cho lão không còn thời giờ nói năng, mà cũng uy hiếp lão phải ngậm miệng. Bằng mọi giá, chàng không muốn cho Cao Mạt Dã biết sự thật.
Sử Bất Cựu thừa hiểu kiếm pháp của chàng rất lợi hại, không dám khinh thường, cấp tốc lách mình ra ngoài.
Thân pháp lão nhanh quá, lão chỉ chớp mình là biến mất, như lúc đánh với A La Dật Đa.
Cao Mạt Dã kêu lên :
- Đại ca hãy đề phòng. Lão giở bộ pháp “Lăng Ba Vi Bộ” đó!
Nhuế Vĩ kinh hãi, vội hoành kiếm đâm ngược về phía hậu, đúng lúc song chưởng của Sử Bất Cựu từ phía sau bay tới.
Chưởng chạm kiếm gỗ, công lực của Sử Bất Cựu lúc đó đã khôi phục rồi, mà công lực của lão thì trên hẳn Nhuế Vĩ mấy bậc. Nhuế Vĩ không chịu đựng nổi, thanh kiếm vuột tay, bắn đi.
Sử Bất Cựu thắng thế, không nhân nhượng chút nào, đúng pháp “Lăng Ba Vi Bộ” đánh luôn.
Nhuế Vĩ không làm sao nhận định kịp chưởng hướng và vị trí của đối phương, chàng chỉ kịp thấy bóng người bao quanh chàng. Chàng nghĩ, có thể “Thiên La Chưởng” của Giản Thiệu Vũ truyền cho, đối phó với “Lăng Ba Vi Bộ”, may ra còn đương cự nổi.
Chàng không nhận định vị trí của Sử Bất Cựu thì không thể nào có một cái đích chuẩn được, do đó chàng cứ đánh, đánh tứ tung, đánh đủ phía, đánh để bảo vệ lấy mình hơn là hạ địch.
Ba chiêu “Kinh Trào Bạt Ngạn”, “Thao Thiên Cự Lãng”, “Hải Lãng Bài Không” theo pháp liên hoàn được phát xuất. Qua ba chiêu đó, Nhuế Vĩ mới thấy được địch đứng tại đâu, cả hai đối diện nhau, so chưởng trực tiếp.
Vì công lực kém hơn Sử Bất Cựu, song phương chạm nhau mấy chưởng, Nhuế Vĩ nghe máu chảy mạnh trong người, như muốn đảo lộn.
Áp huyết lên cao, chàng suýt hôn mê mấy lượt, cũng may Sử Bất Cựu chưa dứt trừ hàn độc, vì lão vận động mạnh khí lực, máu chảy nhanh hơn, đà nhanh của máu khích động chất độc phát tác nhanh theo, lão nghe khí lạnh phát sanh trong mình, khí lạnh càng phát càng gia tăng, lão cảm thấy khó chịu hết sức. Bắt buộc, lão phải dừng tay, cố gắng giữ bình tĩnh cho Nhuế Vĩ đừng phát hiện tình trạng của lão. Lão lại cười lạnh, tỏ vẻ khinh khỉnh, như ngầm bảo là lão chẳng muốn đánh bại chàng, chàng đừng hòng thủ thắng vô ích.
Nhuế Vĩ điều hòa hơi thở lấy lại bình thường. Chàng hiểu, hiện tại mình chưa phải là đối thủ của Sử Bất Cựu, nhưng lại không chịu nhượng bộ, thấy lão dừng tay, liền khiêu khích :
- Dược liệu đó ở nơi nào? Mà là dược liệu gì? Tiền bối không nói ra, tại hạ bắt buộc phải tái động thủ đấy!
Cao Mạt Dã ngăn chàng :
- Đại ca ơi, lão càng đánh càng thuần thục “Lăng Ba Vi Bộ”, đối địch không nổi với lão đâu.
Nhuế Vĩ nổi tánh quật cường, đáp :
- Cứ để mặc đại ca!
Chàng cao giọng hỏi tiếp :
- Dược liệu gì, ở đâu, tiền bối không nói là tại hạ động thủ liền!
Cao Mạt Dã lại chận :
- Tiểu muội không màng đến đôi chân, có ra sao cũng được, bỏ đi đại ca!
Nhuế Vĩ trầm giọng :
- Còn một ngày hiền muội mang tật ở chân, là một ngày đại ca không yên tâm.
Chàng bước tới như định tái chiến.
Cao Mạt Dã hấp tấp gọi :
- Đừng, đại ca! Tiểu muội đi không được thì đại ca bế, chẳng lẽ đại ca không muốn bế tiểu muội? Chẳng lẽ đại ca muốn cho tiểu muội phải thương tâm?
Nhuế Vĩ dừng chân :
- Đại ca đâu muốn làm cho hiền muội phải thương tâm!
Cao Mạt Dã sợ chàng thất thủ trước bộ pháp “Lăng Ba Vi Bộ” nên thốt :
- Hễ đại ca tái chiến là làm cho tiểu muội thương tâm đó. Thương tâm nặng vậy đó.
Sử Bất Cựu cố ý thách :
- Tiểu tử! Có gan lại đây, tái đấu với ta! Nếu thắng, ta nói cho biết liền!
Lão nửa buông nửa nắm như vậy, chứ thật ra lão muốn cho cả hai đi phức cho rảnh mắt. Nếu họ đứng lại một lúc nữa, lão không chi trì nổi chất độc, sẽ lộ chân tướng.
Nhuế Vĩ sợ làm thương tâm Cao Mạt Dã, vả lại chàng cũng lo ngại, không biết tái chiến mà có thắng hay phải bại, nên đút thanh mộc kiếm vào vỏ, bồng Cao Mạt Dã lên, cương quyết thốt :
- Đại ca nhất định có cách chữa trị đôi chân của hiền muội!
Rồi họ ly khai nơi đó. Nhưng lúc họ sắp sửa xuống núi, bỗng Sử Bất Cựu cất giọng thốt :
- Dược liệu đó là “Bửu Thiên Long châu” tại Đột Quyết quốc!
Nhuế Vĩ cả mừng hỏi :
- Cách dùng như thế nào?
Sử Bất Cựu lạnh lùng :
- Ta nhớ ơn người vừa rồi có lấy thuốc cho ta nên ta cáo tố với ngươi...
Chợt lão bỏ dở câu nói.
Nhuế Vĩ toan trở lại, lão tiếp luôn :
- Nghiền nát như bột, hòa với rượu uống vào...
Biết được phương pháp chữa trị rồi, Nhuế Vĩ không dần đà nữa, đi nhanh xuống núi.
Sử Bất Cựu run người lên, răng đập cạch cạch, thốt đoạn cuối câu, lão cố gắng lắm mới giữ giọng tự nhiên. Lão hấp tấp lấy ba viên thuốc nữa, uống liền.
Với y thuật cao thâm, lại tự chữa cho mình, dĩ nhiên lão dễ chóng khỏi thương thế.
Xuống đến chân núi, Cao Mạt Dã hỏi :
- Mình đi đâu đây đại ca?
Nhuế Vĩ không đắn đo :
- Sang Đột Quyết quốc!
Cao Mạt Dã thở dài :
- Không đi đến đó có được không?
Nhuế Vĩ hỏi :
- Tại sao?
Cao Mạt Dã dịu giọng :
- Chúng ta tìm chỗ trong hai năm!
Nhuế Vĩ giật mình. Nàng định ghép cuộc đời nàng vào cuộc đời ngắn ngủi của chàng! Như vậy là nàng từ bỏ mọi hạnh phúc mà nàng có thể hưởng dài lâu hơn thời gian hai năm sao?
Chàng cương quyết :
- Phải đến Đột Quyết quốc mới được!
Cao Mạt Dã lắc đầu :
- Nơi đó cao thủ rất nhiều. “Thiên Long châu” là quốc bửu của chúng, muốn đoạt được cũng chẳng phải dễ dàng gì. Đại ca hà tất mạo hiểm! Vả lại nó là vật vô dụng đối với tiểu muội kia mà!
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Vô dụng thế nào được! Vật đó trị dứt tật của hiện muội mà!
Cao Mạt Dã thốt :
- Tiểu muội không muốn trị lành đôi chân.
Nhuế Vĩ mỉm cười :
- Nói như trẻ con! Trên đời này có ai muốn mình thành tàn phế chứ!
Cao Mạt Dã bỗng sanh tánh ương ngạnh :
- Tiểu muội không muốn là không muốn! Cứ để đôi chân mang tật luôn!
Nhuế Vĩ cứ cho là nàng nói nhảm nhí như trẻ con nên không cãi nữa, cứ bước đều.
Không lâu lắm, họ đến một thị trấn.
Có người lai vãng, Cao Mạt Dã phải giữ nghiêm, giấu mặt vào ngực Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ tìm thuê một cỗ xe, dặn nhỏ xa phu mấy câu, xe lướt đi liền, với tận tốc độ.
Trong xe, Cao Mạt Dã bỗng thốt :
- Tại sao đại ca cứ hỏi Sử Bất Cựu, trong thiên hạ có bao nhiêu người biết “Hàn Độc chưởng”?
Nhuế Vĩ với giọng buồn thương, đáp :
- Lúc tiên phụ chết, tình trạng có giống phần nào tình trạng người trúng loại độc đó. Như vậy, hẳn là phải do người biết “Hàn Độc chưởng” đánh trúng.
Cao Mạt Dã tiếp :
- Sư phụ từng nói, “Hàn Độc chưởng” là một tuyệt học của người Thiên Trúc, tại Trung Nguyên không ai biết sử dụng đâu.
Nhuế Vĩ thở dài :
- Như vậy trong số những kẻ nhúng tay vào vụ án sát hại tiên phụ, hẳn là có người Thiên Trúc.
Cao Mạt Dã vụt hỏi :
- Hay là A La Dật Đa?
Nhuế Vĩ đáp :
- Trong quyển lưu bút của lịnh tôn không có tên A La Dật Đa.
Cao Mạt Dã cau mày :
- Nhưng trong đó cũng có ghi là người Đột Quyết đến thích sát gia phụ chứ?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Đúng vậy. Người Đột Quyết đến hơn mười mấy lượt, chứ không chỉ một vài lần mà thôi.
Cao Mạt Dã tiếp :
- Nếu vậy thì A La Dật Đa là kẻ đáng nghi lắm. Nhất định là y đã được Đột Quyết quốc phái đến hành thích gia phụ, nhờ y có võ công cao, nên không bị bá phụ bắt được. Do đó không có tên y trong quyển lưu bút.
Nhuế Vĩ cho là nàng có lý. Gã đồ đệ của A La Dật Đa xem ra có vẻ sang quý, A La Dật Đa lại chịu khó nhọc với đồ đệ, chắc là y thường giao tiếp với hạng người có quyền thế ở vương quốc đó, biết đâu y chẳng được chọn điều khiển đám thích khách?
Cao Mạt Dã tiếp :
- Chúng ta có thể đặt giả thiết này, đầu tiên, lúc A La Dật Đa đến, y chưa luyện được “Hàn Độc chưởng”, nên dễ bị Nhuế bá phụ đánh bại, chạy đi. Sau lại, y luyện xong chưởng độc đó, mới vào Trung Nguyên tìm Nhuế bá phụ báo cừu.
Nhuế Vĩ thấy nàng luận đúng lý quá, mà thành ra khích lệ chàng! Nàng muốn chàng đừng vì nàng mà đi, bây giờ nàng đâu có thể ngăn chận chàng đừng đi, khi chàng muốn báo thù cho phụ thân.
Nhuế Vĩ nhớ đến mối phụ cừu, vừa buồn vừa tức uất, dàu dàu gương mặt không nói năng gì nữa.
Xe buông rèm ngồi trong xe lâu, Cao Mạt Dã ngột ngạt quá, bèn vén rèm xe xem phong cảnh hai bên đường. Bỗng nàng kêu lên :
- Xe chạy về hướng nào vậy đại ca?
Nhuế Vĩ đáp :
- Về Bắc Kinh.
Cao Mạt Dã hỏi :
- Tại sao lại về đó?
Nhuế Vĩ giải thích :
- Đại ca đưa hiền muội về nhà rồi một mình ra quan ngoại, sang Đột Quyết.
Cao Mạt Dã kêu khẽ :
- Đại ca không cho tiểu muội đi theo với sao?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Đôi chân như vậy đó, hiền muội đi làm sao tiện?
Cao Mạt Dã cười thảm :
- Phải! Có đi theo, tiểu muội không giúp đại ca được gì, mà lại còn làm phiền lụy đại ca thêm!
Nhuế Vĩ an ủi :
- Hiền muội cứ ở nhà, an lòng tịnh dưỡng, đại ca cố gắng chóng trở về.
Cao Mạt Dã thốt :
- Báo thù cứ lo mà báo chứ đừng tìm cách lấy “Thiên Long châu” làm chi.
Nhuế Vĩ lấy làm lạ :
- Tại sao?
Cao Mạt Dã lạnh lùng :
- Khi đại ca trở về là tiểu muội chết rồi. “Thiên Long châu” còn dùng vào việc gì nữa mà lấy?
Nhuế Vĩ gắt :
- Nói nhảm mãi! Hiền muội chết thế nào được?
Bỗng Cao Mạt Dã nhào vào lòng Nhuế Vĩ òa lên khóc. Khóc một lúc rồi thốt :
- Tiểu muội không muốn ly khai đại ca! Tiểu muội không muốn!
- Đừng khóc! Đừng khóc! Có hiệp phải có tan, tan rồi mới hiệp lại chứ!
Can đảm lên đi nào!
Cao Mạt Dã lắc đầu :
- Đại ca khỏi trở lại Bắc Kinh! Bởi chắc chắn chúng ta không còn gặp nhau nữa đâu!
Đạt được mục đích rồi, Cao Mạt Dã cười tươi. Nàng bảo :
- Vậy là phải quày xe trở lại!
Ra khỏi Ngọc Môn Quan rồi, là đến vùng sa mạc mênh mông.
Vào thời kỳ đó, không một người Hán nào dám bén mảng đến vùng quan ngoại, bởi bọn Đột Quyết quá hung tàn, ai gặp chúng là cầm như gặp câu hồn quỷ sứ, mười phần cầm chắc bị chúng giết cả mười.
Trước khi xuất ngoại, Nhuế Vĩ có hỏi dò kỹ về phong tục, tập quán của người Đột Quyết. Ngoài ra chàng và Cao Mạt Dã còn phải học tiếng nói của nước đó cho có một số vốn ngoại ngữ đủ dùng. Xong việc rồi, cả hai hóa trang thành người Đột Quyết rồi bắt đầu xuất ngoại.
Họ gặp một người từng qua lại giữa hai nước làm hướng đạo. Người này rất lão luyện tập quán của Đột Quyết quốc, người bổn xứ cứ tưởng y là đồng chủng nên không sát hại. Y vào trên ba mươi tuổi, tên là Lý Du.
Cả ba cùng cởi một con lạc đà đi dần vào sa mạc. Dọc đường, họ chạm mặt với mấy toán du kỵ binh người Đột Quyết, nhưng nhờ Lý Du ứng phó mọi mặt, họ được bình an vô sự.
Hành trình trong sa mạc rất khó khăn, gặp đủ hiểm nguy như bão cát, nắng thiêu, thiếu nước. Song Lý Du chiếu liệu mọi bề, đoàn người cũng đỡ vất vả.
Nhuế Vĩ bảo Lý Du cố dò la hành tung A La Dật Đa, song người Đột Quyết không biết tên họ đó, thành ra chàng thất vọng hết sức. Nhưng chàng nghĩ, dù đồ đệ là người Đột Quyết, mà A La Dật Đa là người Thiên Trúc, thì làm sao tất cả những người Đột Quyết biết được y? Chỉ trừ một thiểu số có thể tiếp cận y thôi!
Không thể hỏi dò về A La Dật Đa thì chàng hỏi dò về tên đồ đệ của y.
Đồ đệ y tên gì? Chàng không biết thì làm sao hỏi?
Hỏi nôn hỏi nao mãi, thành ra bọn du mục sanh nghi.
Phần thì Nhuế Vĩ và Cao Mạt Dã chưa thạo ngôn ngữ Đột Quyết, âm giọng lệch lạc phần nào, mỗi việc gì cũng đều do một mình Lý Du chiêu liệu tỏ rõ họ ngờ nghệch trong các cuộc tiếp xúc với chúng.
Phần thì họ ăn mặc như khách thương mà họ chẳng có hàng hóa chi hết, chứng minh cho sự bán đi mua về.
Tuy vậy họ cũng chưa gặp khó khăn cho lắm.
Nhuế Vĩ bảo Lý Du đưa chàng vào thành. Lý Du hỏi chàng muốn tìm ai, chàng đáp là tìm Quốc vương Đột Quyết.
Lý Du cho biết, Đột Quyết không xây thành, họ chỉ dựng lều quy tụ thành khu mà ở, và đại bộ phận chủng tộc đó hiện ở dãy Kim Sơn.
Cả ba cùng tiến về vùng Kim Sơn.
Hôm đó, họ đến mạn thượng du Nghệ Hà, nhìn tận mắt chỉ thấy một màu xanh mát...
Tại sa mạc, mà có một vùng có sông, có cỏ cây là cầm như thiên đàng.
Nước sông Y Lê trong vắt, xanh xanh, dòng nước chảy lờ mờ, không gợn sóng.
Cao Mạt Dã từ lâu không tắm, thấy sông là thèm ngay.
Nhuế Vĩ biết ý nàng, bảo Lý Du cho lạc đà đi đến bờ sông.
Họ đến nơi, bất chợt gặp một đoàn người mặc y phục thợ săn, đứng bao quanh một khoảng đất trống, chính giữa khoảng đất trống có hai người Đột Quyết ăn mặc sang quý, đang thi bắn tên.
Một trong hai thí viên, có thân vóc cao, mũi lớn, mắt tròn, đang cầm cung, có lắp sẵn tên sắp sửa buông dây.
Đích bắn là một quả dưa, đặt trên đầu một gã du mục, gã này sợ đến đỗi run người, quả dưa tuy đặt trong một cái niền vững chắc, song cũng lắc lư theo đà run của gã.
Một tiếng “bách” vang lên. Thí viên đã buông tay, dây bật, tên lao rít gió.
Rồi một tiếng “bách” nữa vang lên, mũi tên cắm vào quả dưa, dưa vỡ ra, nước chảy ròng ròng, đẫm ướt cả mặt gã du mục.
(Thiếu mất 4 trang-Quý vị bằng hữu nào kiếm được xin bổ sung)
- Tại hạ đưa các vị đến gặp y!
A Sử Na Đô lúc đó cũng đến nơi, trông thấy Cao Mạt Dã, trố mắt nhìn, như bình sanh chưa hề thấy một thiếu nữ nào đẹp cỡ đó.
Cao Mạt Dã bị nhìn, khó chịu quá, bảo Nhuế Vĩ :
- Mình đi thôi đại ca.
Triết Biệt chỉ nhìn thoáng qua nàng, không hề lưu ý nữa, tỏ rõ thái độ bậc quân tử.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Chừng nào các hạ đưa tại hạ đi?
Triết Biệt đáp :
- A La Dật Đa ở tại Kim Sơn, chờ một lúc, bọn tại hạ bạt trại trở về, các vị hãy đi theo, đến Kim Sơn rồi tại hạ dẫn đến gặp y.
Được đến Kim Sơn, Nhuế Vĩ có hai điều lợi, tìm gặp A La Dật Đa, đồng thời tìm cách đoạt “Thiên Long châu”. Chàng quay lại Cao Mạt Dã thốt :
- Dã nhi! Chúng ta chờ một chút.
Cao Mạt Dã đâu có muốn đi gấp, chẳng qua nàng không thích bị nhìn, nên buộc miệng nói như vậy thôi.
A Sử Na Đô không biết tiếng Hán, chỉ nghe được mấy tiếng A La Dật Đa, bèn hỏi Triết Biệt :
- Họ muốn tìm A La Dật Đa?
Triết Biệt gật đầu :
- Phải! Khi trở về Kim Sơn, ta đưa họ đến gặp A La Dật Đa!
Y quay sang Nhuế Vĩ bảo :
- Lều của tại hạ ở kia, các vị cứ đến đó chờ. Tại hạ thu dọn xong xuôi, mình lên đường.
Vào lều, Triết Biệt cho biết y có một tên Hán là Lý Trào. Nhuế Vĩ cũng xưng tên mình. Nhuế Vĩ muốn hỏi, y có phải người Hán hay không, song thấy bất tiện nên không mở miệng.
Y đúng là con nhà giàu sang quý trong tộc Đột Quyết, nhìn lối trang sức trong lều tạm của y đủ biết giai cấp của y trong tộc này.
A Sử Na Đô cũng có lều riêng, song y không về lều, lại đi theo để nhìn Cao Mạt Dã.
Riêng Lý Du không dám vầy đoàn, nên ở bên ngoài lều.
Bỗng Nhuế Vĩ hỏi :
- Trong nước các vị, có hạt châu tên là “Thiên Long châu” chứ?
Lý Trào nghe nói đến Thiên Long châu, bất giác giật mình hỏi :
- Các vị muốn tìm “Thiên Long châu”?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Tại hạ muốn tìm một hạt.
Lý Trào mỉm cười :
- Nhuế huynh nói đùa đấy thôi! Cả nước Đột Quyết chỉ có một hạt, nó là vật trấn quốc mà! Nhuế huynh tưởng là có nhiều lắm sao?
Nhuế Vĩ kinh hãi :
- Lý huynh nói sao? Chỉ có một hạt duy nhất?
A Sử Đa Nô vọt miệng hỏi :
- Các vị nói gì?
Y là người Đột Quyết, không hiểu tiếng Hán, chẳng biết họ nói gì với nhau nên ấm ức hỏi cho hiểu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT