Rất ít người chôn rượu dưới gầm giường.

Chỉ có những nhà đại giầu mới chôn giấu rượu ngon. Các nhà giầu phần nhiều có hầm rượu. Muốn lấy trộm rượu trong hầm rượu dĩ nhiên là dễ lấy trộm hơn ở dưới gầm giường.

Tài trộm rượu của Thiết Khai Thành so với Tạ Hiểu Phong cũng chẳng kém mấy, mà tửu lượng cũng lại chẳng kém mấy nốt. Vì vậy người say trước tiên là Thiết Khai Thành.

Bất kể say thật hay say giả, là say giả, là say mèm hay say ngà ngà đều nói lắm hơn lúc bình thường hơn nữa những điều nói trong lúc say lại là những điều ít nói khi tỉnh.

Thiết Khai Thành bỗng hỏi :

- Cái “chú em” kia có thật đúng là “chú em” không?

Tạ Hiểu Phong không thể đáp mà cũng không muốn trả lời.

“Chú em” thật sự là họ gì? Gọi là gì? Chàng muốn gã phải ra sao?

Thiết Khai Thành bảo :

- Bất kể gã có phải tên là “chú em” không, gã tuyệt đối không phải là “chú em”!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Không phải!

Thiết Khai Thành bảo :

- Gã là một nam tử hán!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Ngươi cho gã là vậy ư?

Thiết Khai Thành đáp :

- Tôi chỉ biết nếu tôi là gã rất có thể tôi không đọc lại bức thư kia!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Tại sao?

Thiết Khai Thành bảo :

- Vì tôi cũng biết gã là người của Thiên Tôn mà mẹ gã là Mộ Dung Thu Hoạch!

Tạ Hiểu Phong trầm ngâm, cuối cùng thở dài bảo :

- Gã đích xác là một nam tử hán!

Thiết Khai Thành bảo :

- Tôi còn biết một chuyện.

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Chuyện gì?

Thiết Khai Thành bảo :

- Gã tới cứu ông, ông rất vui mừng, không phải mừng vì gã cứu mạng ông mà mừng vì gã tới!

Tạ Hiểu Phong uống rượu, cười gượng.

Rượu tuy lạnh, cười thì gượng gạo nhưng lòng thì tràn ngập êm đềm và cảm kích.

Cảm kích một người tri kỷ.

Thiết Khai Thành bảo :

- Còn một chuyện nữa ông cứ yên tâm, tôi tuyệt đối không đi tìm Tiết Khả Nhân đâu!

Tiết Khả Nhân là người đàn bà như con mèo kia.

Thiết Khai Thành lại nói tiếp :

- Vì ả ta tuy làm quấy nhưng vì bị bức bách, vả lại ả ta cũng chuộc tội rồi!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Nhưng...

Thiết Khai Thành bảo :

- Nhưng ông thì phải đi tìm ả ta!

Chàng ta nhấn mạnh thêm :

- Tuy tôi không đi tìm ả nhưng ông thì phải đi tìm!

Tạ Hiểu Phong hiểu ý của Thiết Khai Thành. Thiết Khai Thành tuy thả Tiết Khả Nhân nhưng Mộ Dung Thu Hoạch không bao giờ tha ả.

Ngay Tào Hàn Ngọc, anh em họ Viên áo tím, cả tiêu cục Hồng Kỳ giờ đã bị Thiên Tôn khống chế thử hỏi còn có việc gì mà họ không làm được?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Ta nhất định đi tìm Tiết Khả Nhân!

Thiết Khai Thành bảo :

- Ngoài ra còn một người nữa ông cũng phải tìm gặp.

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Ai?

Thiết Khai Thành bảo :

- Yến Thập Tam!

Đêm đen như mực. Đây là lúc tối tăm nhất của đêm trước khi lê minh tới.

Tạ Hiểu Phong vừa nói vừa dõi nhìn phương xa, cứ dường như Yến Thập Tam đang đứng trong khoảng tối đen ở xa xăm kia, dường như Yến Thập Tam đã tan lẫn vào đêm lạnh lùng tĩnh mịch kia thành một thể. Chàng xưa nay chưa từng gặp Yến Thập Tam nhưng chàng vẫn có thể tưởng tượng ra Yến Thập Tam là một con người như thế nào.

Một người tính tình tịch mịch và lạnh lùng tàn nhẫn. Một con người mà sự lãnh đạm và mỏi mệt đã ăn sâu vào tận cốt tủy.

Chàng mệt mỏi vì chàng giết đã quá nhiều người, có một số người thậm chí còn không nên giết nữa. Yến Thập Tam giết người vì chàng chẳng còn chỗ nào khác để chọn.

Từ chỗ sâu thẳm của tâm tư Tạ Hiểu Phong chợt thốt ra một tiếng thở dài. Chàng thấu hiểu tâm sự này mà cũng chỉ có chàng mới thật hiểu thấu sâu sắc nhất.

Vì chàng cũng giết người, cũng mệt mỏi y như vậy. Cây kiếm và danh tiếng của chàng vĩnh viễn cứ như một cái bọc đeo trên lưng không sao rũ bỏ nổi, cái bọc đó trĩu trên vai chàng đè nặng đến nỗi tưởng hơi thở cũng khó thấu qua.

“Kẻ thường giết người sẽ có kết cục ra sao nhỉ?”

“Phải chăng là cũng bị giết dưới tay người khác?”

Tạ Hiểu Phong chợt nhớ lại lần tự biết là chắc chết vừa qua, nhớ lại cảm giác trong thoáng chốc đó. Trong thoáng chốc đó trong lòng chàng đã nghĩ những gì?

“Yến Thập Tam”.

Nhắc đến ba tiếng này người đang say như Thiết Khai Thành cũng chợt tỉnh.

Mắt Thiết Khai Thành cũng nhìn đăm đăm vào chốn xa xôi. Cũng qua rất lâu chàng ta mới chậm rãi bảo :

- Trong đời ông đã gặp người đáng sợ nhất là ai?

Tạ Hiểu Phong đáp :

- Người lạ mà ta chưa từng gặp!

Thiết Khai Thành bảo :

- Người lạ đâu có đáng sợ?

“Vì người lạ không hiểu được tình cảm, không biết được nhược điểm của mình”.

“Chỉ có bạn bè thân mật nhất của mình mới biết được những điều đó, đến khi họ bán đứng ta thì chỉ một đòn là trí mạng thôi!”

Những điều trên Thiết Khai Thành không nói ra vì chàng ta cho là Tạ Hiểu Phong cũng biết vậy.

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Nhưng người lạ đó phải khác với người khác!

Thiết Khai Thành hỏi :

- Có gì khác?

Tạ Hiểu Phong nói không ra. Vì chàng không nói được ra nên mới đáng sợ.

Thiết Khai Thành lại hỏi :

- Ông thấy họ ở đâu?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Ở nơi rất xa lạ!

Ở nơi rất xa lạ, chàng gặp một người lạ rất đáng sợ cùng với một người rất thân cận của chàng luận về kiếm.

Luận về kiếm của chàng.

“Người rất thân cận ấy của chàng phải chăng là Mộ Dung Thu Hoạch?”

Thiết Khai Thành bảo :

- Ông bảo người lạ ấy liệu có sẽ là Yến Thập Tam không?

Tạ Hiểu Phong đáp :

- Rất có thể!

Thiết Khai Thành bỗng thở dài bảo :

- Trong đời người tôi gặp mà sợ nhất là ông ấy chứ không phải ông!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Không phải ta?

Thiết Khai Thành bảo :

- Vì xét đến cùng ông vẫn còn là người!

“Rất có thể vì bây giờ ta đã thay đổi rồi!”

Câu này Tạ Hiểu Phong cũng không nói ra vì chính bản thân chàng cũng không hiểu được rằng vì cái gì mà chàng lại thay đổi! Thiết Khai Thành nói tiếp :

- Yến Thập Tam lại không thế.

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Ông ấy không là người ư?

Thiết Khai Thành :

- Tuyệt không phải.

Chàng ta trầm ngâm rồi từ tốn nói tiếp :

- Ông ấy không có bè bạn, chẳng có người thân. Tuy ông ấy đối với tôi rất tốt, truyền dậy kiếm pháp cho tôi nhưng xưa nay chưa bao giờ cho tôi ở gần mà cũng không bao giờ cho tôi biết ông ấy từ đâu tới và sẽ đi đâu!

“Vì ông ấy sợ mình có cảm tình với một người nào đó.”

“Vì đã là kiếm khách muốn giết người thì phải vô tình!”

Những câu này Thiết Khai Thành cũng không nói ra. Chàng ta tin là Tạ Hiểu Phong cũng hiểu.

Họ cùng trầm ngâm rất lâu. Thiết Khai Thành bỗng bảo :

- Biến hóa thứ mười bốn trong “Đoạt Mạng thập tam kiếm” không phải do ông sáng tạo ra!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Là ông ấy!

Thiết Khai Thành gật đầu bảo :

- Ông ấy đã biết thập tứ kiếm này từ lâu và cũng biết từ lâu trong sáng tạo của ông có một chỗ sơ hở.

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Nhưng ông ấy chưa truyền thụ cho ngươi?

Thiết Khai Thành bảo :

- Ông ấy chưa!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Ngươi cho rằng ông ấy giữ riêng ư?

Thiết Khai Thành đáp :

- Ông ấy không phải thế.

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Thế ngươi biết ông ấy vì sao?

Thiết Khai Thành bảo :

- Chỉ vì ông ấy sợ sau khi tôi học kiếm này rồi sẽ đi tìm ông để đấu.

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Chỉ vì đối với thập tứ kiếm này ông ấy cũng không chắc.

Thiết Khai Thành bảo :

- Nhưng chính ông cũng không nắm chắc có thể phá được kiếm này của ông ấy.

Tạ Hiểu Phong không có phản ứng.

Thiết Khai Thành bảo :

- Tôi khuyên ông chớ nên đi tìm ông ấy vì cả hai ông đều không nắm vững, tôi không muốn cả hai ông tàn sát lẫn nhau hoặc lưỡng bại câu thương.

Tạ Hiểu Phong trầm ngâm rất lâu rồi bỗng hỏi :

- Một người sắp chết, trước giây phút lìa đời nghĩ đến chuyện gì?

Thiết Khai Thành bảo :

- Phải chăng người ấy nghĩ đến người thân và việc đã qua trong đời của mình chăng?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Không phải!

Chàng bổ sung thêm :

- Vốn ta cũng nghĩ là như vậy nhưng ta tự biết trong thoáng giây lìa đời đó những điều đã nghĩ lại không phải như vậy!

Thiết Khai Thành hỏi :

- Thế ông nghĩ gì?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Đến thập tứ kiếm đó!

Thiết Khai Thành trầm ngâm, cuối cùng thở dài sườn sượt, trong thoáng chốc đó điều chàng ta nghĩ cũng là chiêu kiếm ấy! Một con người đã suốt cả đời mình hy sinh vì kiếm, trước khi chết làm sao lại còn có thể nghĩ đến các chuyện khác được! Tạ Hiểu Phong bảo :

- Vốn ta không đích xác nắm vững là có thể phá được chiêu kiếm ấy, nhưng trong thoáng giây trước lúc chết đó lòng ta chợt như có tia chớp lóe sáng, chiêu kiếm ấy vốn đích xác là không có gì cứng rắn không thể đẩy, không có gì rời rã không thể đánh nhưng bị đạo điện chớp đó đánh vào lập tức sẽ biến ngay!

Thiết Khai Thành hỏi :

- Biến được ra sao?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Biến thành rất buồn cười.

Vốn kiếm pháp rất đáng sợ bỗng chốc biến thành rất buồn cười thì sự biến hóa đó mới thật là đáng sợ.

Thiết Khai Thành không nói thêm gì nữa chỉ bắt đầu uống thêm rượu.

Tạ Hiểu Phong uống càng nhiều, càng nhanh.

Thiết Khai Thành bảo :

- Rượu ngon lắm!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Rượu trộm được thông thường là rượu ngon!

Thiết Khai Thành bảo :

- Hôm nay chia tay chẳng biết đợi đến khi nào mới lại được say!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Chỉ cần ngươi thật sự muốn say, lúc nào muốn say lại chẳng được!

Thiết Khai Thành bỗng nhiên cả cười, cười vang mà đứng dậy không nói một lời nào nữa mà bỏ đi. Tạ Hiểu Phong cũng không nói gì, chỉ nhìn Thiết Khai Thành vẫn cười, nhìn chàng ta ra đi.

“Thiết Trung Kỳ tuy không phải bố đẻ của chàng ta nhưng vì để bảo toàn thanh danh anh hùng một đời của “Thiết Kỵ Khoái Kiếm”, Thiết Khai Thành thà chết thà nhận mọi tội lỗi về phần mình vì quả thật họ đã có tình cha con thật sự!”

Tạ Hiểu Phong không cười. Nghĩ tới điểm này làm sao chàng cười lên nổi. Chàng uống nốt chỗ rượu và đến giờ không phân biệt được mùi vị của rượu là ngọt hay đắng! Dù ngọt hay đắng thì cũng vẫn là rượu chứ không phải là nước lã, cũng không phải là máu tuyệt không có ai có thể bài bác được! Há lại chẳng giống như tình cảm giữa cha và con hay sao?

Trời sáng.

Xe ngựa vẫn ở đó, “chú em” vẫn ở đó.

Khi Tạ Hiểu Phong quay trở về, tuy đã say rồi nhưng mùi máu tanh trên mình chàng còn nồng nặc hơn cả mùi rượu.

“Chú em” thấy Tạ Hiểu Phong lên xe thấy chàng ngã dúi xuống, gã không nói lời nào.

Tạ Hiểu Phong bỗng bảo :

- Thật tiếc ngươi không đi uống rượu cùng chúng ta, thật quả là rượu ngon!

Đúng là câu Tạ Hiểu Phong đã nói rồi. Chàng cười vang.

“Chú em” bảo :

- Chỉ tiếc là dù có bao nhiêu rượu ngon cũng chẳng chữa lành được vết thương cho ông!

Dù thương tích trên người hay thương tích mang trong lòng đều trị không khỏi như nhau! Nhưng Tạ Hiểu Phong vẫn cười bảo :

- May mà có một số vết thương căn bản không phải chữa!

“Chú em” hỏi :

- Vết thương nào?

Tạ Hiểu Phong đáp :

- Vết thương căn bản không thể chữa khỏi!

“Chú em” nhìn Tạ Hiểu Phong, mãi lâu sau mới từ tốn bảo :

- Ông say rồi!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Ngươi cũng say rồi!

“Chú em” :

- Hả?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Ngươi cần phải biết người mà ta bỏ rơi dễ nhất là loại người nào?

“Chú em” đáp :

- Người chết!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Nếu ngươi không say thì ngươi nên nhất tâm bỏ rơi ta đi, sao ngươi vẫn cứ nằng nặc lại cứu ta làm gì?

“Chú em” lại ngậm miệng nhưng rồi bỗng ra tay điểm luôn vào mười một chỗ huyệt đạo trên mình Tạ Hiểu Phong.

Điều cuối cùng mà Tạ Hiểu Phong nhìn thấy được là đôi mắt của “Chú em”, đôi mắt ngập tràn thứ tình cảm biểu hiện mà bất kỳ ai cũng không tài nào hiểu nổi.

Lúc đó ánh mặt trời chiếu qua cửa sổ vào xe, rọi đúng vào đôi mắt của “Chú em”.

Khi Tạ Hiểu Phong tỉnh lại, điều đầu tiên nhất chàng nhìn thấy lại là đôi mắt nhưng không phải đôi mắt của “Chú em”.

Mà đến mười mấy cặp mắt! Đó là một gian phòng rất lớn, xem ra cũng to tát bề thế và chàng cũng đang nằm trên một cái giường cũng rất to.

Mười mấy người vây quanh giường nhìn chàng. Có người cao gầy có người thấp béo, có già có trẻ ăn mặc thì cũ kỹ nhưng sắc mặt đều đỏ đắn, chứng tỏ cuộc sống sung túc, được nuôi dưỡng đầy đủ.

Mười mấy cặp mắt có to có nhỏ, ánh mắt lại đều sắc bén, cặp mắt người nào cũng có biểu hiện rất kỳ quái cứ như cách nhìn của một lũ đồ tể đang ngắm nghía con bò con dê sắp mổ thịt nhưng chưa quyết định chủ ý xem nên hạ thủ bắt đầu từ chỗ nào.

Lòng Tạ Hiểu Phong đang trĩu nặng. Chàng phát hiện ra sức lực của mình đã tiêu tan sạch, đến đứng dậy cũng không nổi.

Giả thử có đứng được lên mười mấy con người kia mỗi kẻ chỉ cần chí một ngón tay cũng đủ đè chàng ngã dúi xuống.

Họ là người thế nào đây? Tại sao lại nhìn chàng với ánh mắt lạ kỳ như vậy?

Bỗng cả mười mấy người tản đi hết, lùi vào một góc xa tít mà đi rồi lại tụ lại kề đầu áp tai thì thào bàn tán.

Tạ Hiểu Phong không nghe rõ họ nói gì nhưng nhìn có vẻ họ đang bàn nhau một việc gì rất quan trọng mà việc quan trọng này nhất định có liên quan mật thiết với chàng. Tại vì bọn họ một mặt bàn tán nhưng vẫn không ngớt ngoái đầu lại dùng đuôi mắt liếc trộm chàng. Phải chăng họ đang bàn cách đối phó với chàng, hành hạ chàng?

Thế còn “Chú em” đâu?

Cuối cùng rồi “Chú em” cũng xuất hiện! Mấy ngày trước đây trông gã có vẻ mệt mỏi lam lũ, lao đao, khốn đốn. Giờ đây gã đã thay đổi áo quần hoa lệ mới tinh đến đầu tóc cũng chải chuốt bóng mượt thẳng thớm. Quả là đổi thành một con người khác!

“Có chuyện gì mà gã có vẻ phấn chấn hăng say đột ngột như vậy?”

“Phải chăng vì gã đã nghĩ thông được sự lợi hại ở đời, cuối cùng đã bán đứng Tạ Hiểu Phong cho Thiên Tôn lập nên công lớn?”

Thấy gã đến cả mười mấy người kia xúm lại vây lấy gã có vẻ nịnh bợ, khúm núm.

Thái độ của “Chú em” có vẻ rất nghiêm nghị, lạnh lùng hỏi :

- Sao rồi?

- Không xong.

Cả mười mấy người đồng thanh trả lời.

- Không có cách gì ư?

- Không!

Mặt “Chú em” sa sầm xuống, trong mắt rực lên lửa giận, bỗng gã bất ngờ ra tay túm lấy vạt áo một người trong bọn.

Người này tuổi tác cao nhất, khí thế không phải nhỏ, tay cầm hộp ngọc đựng thuốc hít giá cũng phải đến ngàn vàng. Nhưng ở trước mặt “Chú em” trông bộ dạng lão cứ như chú chuột bị sa vào móng vuốt mèo.

“Chú em” hỏi :

- Ngươi là Giản Phục Sinh hử?

Lão kia đáp :

- Dạ phải!

“Chú em” bảo :

- Nghe nói mọi người đều gọi ngươi là “Cải Tử Hoàn Sinh” Giản đại tiên sinh phải không?

Giản Phục Sinh bảo :

- Đó toàn do người khác thổi phồng bịa đặt thôi, lão hủ đâu dám nhận!

“Chú em” ngắm nghía từ đầu xuống chân lão, bỗng cười lên bảo :

- Cái hộp thuốc hít của lão cũng khá đấy nhỉ!

Giản Phục Sinh tuy còn sợ sệt nhưng trong mắt không khỏi lộ ra vẻ đắc ý.

Cái hộp thuốc hít này là cả một viên ngọc bích tạo nên. Giản Phục Sinh luôn luôn mang theo bên mình kể cả khi ngủ cũng không rời mà để ngay dưới gối nằm. Lão nghe có người khen chiếc hộp ngọc bích này còn sướng hơn cả lúc được người ta khen về tài y thuật của lão.

“Chú em” cười bảo :

- Dường như cái hộp này bằng cả một khối Hán Ngọc tạo thành chỉ sợ bỏ rẻ cũng phải ngàn lượng trở lên!

Giản Phục Sinh nhịn không được phải cười lên bảo :

- Thật không ngờ đại thiếu gia cũng biết người biết của!

“Chú em” hỏi :

- Lão lấy đâu ra lắm tiền vậy?

Giản Phục Sinh đáp :

- Đây toàn tiền thưởng của người bệnh.

“Chú em” bảo :

- Coi bộ ngươi lấy tiền tạ lễ của người ta cũng không ít!

Giản Phục Sinh cũng dần dần cảm thấy kiểu nói không đúng lắm nên cũng cười không nên nụ.

“Chú em” bảo :

- Lão cho ta mượn xem được không?

Giản Phục Sinh không muốn cho mượn một chút nào nhưng không dám không đưa.

“Chú em” cầm hộp ngọc trên tay làm như vẻ say sưa thưởng ngoạn và lẩm bẩm bảo :

- Tuyệt. Thật là vật quý! Chỉ đáng tiếc người như lão mà dám dùng những vật quý như thế này!

Câu nói vừa dứt thì “choang”, chiếc hộp ngọc có giá trị liên thành đã bị ném xuống đất vỡ vụn.

Giản Phục Sinh biến sắc mặt, trông vẻ mặt còn khó coi hơn người chồng vừa chết mất người vợ mới cưới chỉ thiếu nước khóc lên nữa mà thôi.

“Chú em” cười nhạt bảo :

- Lão đã là danh y lấy tiền tạ cao hơn bất kỳ ai thế mà có mấy vết thương xoàng mà cũng chữa không nên thân, thế thì con mẹ nó lão còn ra thứ gì nữa?

Giản Phục Sinh run rẩy cả người, đầy đầu toát mồ hôi lạnh, miệng lắp ba lắp bắp chẳng hiểu nói những gì?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play