Bọn họ rút lui thì đám giang hồ áo vải hai phủ Hứa Xương, Từ Châu cũng đi theo. Thế là mọi người ùa cả ra, chẳng còn sót lại một mống nào! Đại hội Chiêu Anh tan nát!
Đào Hoa cung chủ giận điên người nhưng đang thọ thương nên chẳng dám sính cường. Lão nuốt giận đi vào trong trị thương. Đã có kế hoạch từ trước, Thanh Long Trảo Đặng Tân Dụ đưa hơn trăm cao thủ hai phủ về nơi trú ngụ. Còn Sơn Đông Tử Phòng dẫn bọn Hỏa chân nhân đến một tòa sơn trang rất kín đáo cách Đào Hoa cung mười hai dặm.
Sau ba ngày phục dược, Chính Lan hồi tỉnh, mỉm cười :
- Mạng ta rất lớn, chẳng thể chết được đâu! Các nàng đừng khóc nữa!
Hỏa chân nhân cằn nhằn :
- Nếu phút chót ngươi không dùng Qui Tức Bảo Tâm đại pháp phong bế kinh mạch toàn thân thì giờ đây đã ra ma rồi! Thang Chí Quân đã luyện Huyết Ảnh ma công đến mức chót, lại thêm Đào Hoa Mê Hồn chưởng rất độc địa, nếu là bần đạo cũng không đỡ nổi!
Chính Lan gượng cười :
- Tiểu tế đã có một kỳ nhân như thúc phụ ở bên cạnh, lẽ nào lại chết được?
Hỏa chân nhân khoan khoái trong lòng nhưng ngoài mặt giả vờ trách móc :
- Đừng nịnh hót cho uổng công. Bần đạo chẳng phải một lão già nhẹ dạ đâu!
Tử Quỳnh giận dữ nói :
- Cũng vì thúc phụ và Tố Bình biểu muội mà mới ra cớ sự này! Chính Lan mà có mệnh hệ gì, điệt nữ sẽ bắt đền thúc phụ đấy!
Tây Môn Nhỉ chỉ có hai anh em nên rất thương yêu cô cháu gái mồ côi này. Lão cười hề hề đáp :
- Chính Lan đã chết đâu mà tiểu nha đầu đã ăn vạ! Gã còn phải cảm ơn ta đã se duyên cho gã với Kính Hồ Tiên Cơ nữa đấy!
Ba nữ lang nhìn lão với ánh mắt sắc như dao. Chu Thục Nghi dấm dẳng :
- Chân nhân nhắc đến việc ấy chỉ khiến bọn tiện nữ thêm lộn ruột!
Kính Hồ Tiên Cơ run rẩy nói :
- Nếu ba vị không dung nạp, Uyển Như tôi chẳng dám van xin!
Nàng quì xuống bên giường, nắm tay Chính Lan nghẹn ngào :
- Tiện thiếp thân phận bọt bèo, chẳng dám chung thuyền với họ. Xin vĩnh biệt tướng công, trở về Tô Châu với song thân! Mong chàng bảo trọng!
Chính Lan mỉm cười thê lương :
- Nếu nàng không xứng đáng làm vợ ta, thì ta cũng chẳng xứng đáng làm chồng của ba mỹ nhân ấy!
Dứt lời, uất khí công tâm, chàng hộc ra một vòi máu rồi chết lịm. Các nàng kinh hãi khóc ròng, xúm đến lay gọi. Hỏa chân nhân động nộ quát mắng :
- Đúng là một lũ đàn bà lòng dạ hẹp hòi, ba vợ hay năm vợ thì nào có khác gì nhau? Mau xê ra cho ta cứu tỉnh Chính Lan!
Bốn nàng vội tránh sang bên, đứng sụt sùi. Chỉ riêng Tiểu Linh Thố hiểu ý phụ thân. Chân nhân đã quyết chí chọn Chính Lan làm rể nên mới nói thế.
Ba cộng một bằng bốn, lão nói năm là có ý nhét nàng vào! Tây Môn Tố Bình thoáng đỏ mặt nhưng lòng rất sung sướng. Tây Môn Nhỉ xoa bóp huyệt đạo một lúc thì Chính Lan tỉnh lại. Chàng chua chát hỏi Uyển Như :
- Nàng vẫn chưa đi sao?
Trại Tây Thi vội nói :
- Bọn thiếp đều yêu mến Tiêu đại thư, đâu thể để nàng đi được! Lúc nãy Chu hiền muội chỉ muốn đùa cợt Chân nhân, không ngờ Tiểu đại thư lại hiểu lầm!
Chu Thục Nghi cũng tỏ vẻ hối lỗi :
- Biểu ca! Tiểu muội thề sẽ không ghen nữa!
Chính Lan hài lòng bảo :
- Nay cửu phụ đã gả nàng cho ta, chẳng lẽ không gọi được một tiếng tướng công!
Thục Nghi sung sướng và hổ thẹn chẳng nói lên lời. Tử Quỳnh ôm Kính Hồ Tiên Cơ thủ thỉ :
- Tiểu thư ở lại đây với bọn tiểu muội! Chuyện quá khứ cứ xem như gió thoảng! Tướng công là bậc anh hùng cái thế, lòng dạ công minh tất chẳng để ai phải thiệt thòi đâu!
Cuối tháng năm, trong lúc Chính Lan đang dưỡng thương và vui vầy với võ lâm Tứ đại mỹ nhân, ở Hoàng Cúc lâu, thì thanh danh chàng đã vang dội võ lâm. Cuộc tử chiến của chàng với Đào Hoa cung chủ đã trở thành đầu đề hấp dẫn nhất trong các tòa trà lâu, tửu quán. Ai nấy đều tôn xưng Âu Dương Chính Lan, cho rằng chàng còn trẻ tuổi võ công tiến bộ từng ngày nên chắc chắn năm sau sẽ đả bại được Đào Hoa cung chủ.
Chàng trở thành thần tượng cho lớp hào kiệt trẻ tuổi. Sự say mê của họ dành cho chàng đã đưa đến hiện tượng là : Trên giang hồ xuất hiện rất nhiều những chàng thư sinh áo vải thô, mặt mũi hiền lành, mắt nheo nheo bí ẩn. Họ cố gắng bắt chước y hệt tác phong và cử chỉ của Chính Lan, đến nỗi có người còn luôn đem theo bên cạnh bốn thiếu nữ ăn mặc hệt như Tứ đại mỹ nhân.
Thực sự thì giới trẻ có căn cứ để ái mộ Hồng Nhất Điểm đến điên cuồng như vậy. Thứ nhất, chàng không quá đẹp trai, cũng trung bình như phần lớn bọn họ. Thứ hai, chàng luôn mặc áo vải, chứng tỏ xuất thân từ giới nghèo khó.
Thứ ba, chàng đã phá vỡ thành kiến của giới võ lâm là người già luôn có bản lĩnh cao cường hơn lớp trẻ. Chính Lan mới hai mươi sáu mà bình thủ với Đào Hoa cung chủ Thang Chí Quân, thì họ cũng có thể so tài với các bậc tiền bối khác. Nhưng họ cũng tự hiểu rằng phải khổ công rèn luyện, do đó, giới trẻ đua nhau học hỏi, chẳng hề dám biếng nhác.
Chưởng môn các phái và bô lão võ lâm hoan hỉ trước sự chấn hưng võ học bất ngờ này. Họ thầm biết ơn Chính Lan và ra sức dạy dỗ đệ tử.
Nhưng có một người ghét cay ghét đắng những ai mặc trường bào thư sinh bằng vải thô. Bây giờ Dương Châu công tử Phó Duy Khang đã biết mình bị cha con Hỏa chân nhân lường gạt, tặng vợ cho Đại Sát Tinh Âu Dương Chính Lan.
Chuyện này đồn đến Dương Châu khiến họ Phó vô cùng nhục nhã. Phó Duy Khang chẳng dám bước chân đến những chỗ đông người, chỉ sợ biến thành trò cười cho thiên hạ.
Hơn nữa, gã còn bị song thân mắng chửi thậm tệ, bắt phải ở nhà thuốc thang tịnh dưỡng, bồi tinh cố thận để Phó gia có người nối dõi tông đường!
Phó Duy Khang có đến cả chục nàng tỳ thiếp hơ hớ xuân xanh, thế mà chẳng ai chịu sanh dùm gã một đứa con!
Trưa nay, Phó Duy Khang ngồi một mình trong thư phòng, nhâm nhi chén rượu Thiệu Hưng. Gã bỗng phát giác ra mình nhớ Kính Hồ Tiên Cơ vô vàn! Khi nàng ở bên cạnh, thì gã chẳng hề yêu quí, nay mất rồi mới biết tiếc thương. Dẫu sao, hình bóng của người đàn bà xinh đẹp tuyệt trần ấy đã in sâu trong tâm hồn gã!
Lại thêm tự ái của một nam nhân khi nghĩ đến cảnh vợ mình ái ân với kẻ khác, lòng gã sôi sục căm thù Chính Lan và cha con Hỏa chân nhân! Nhưng họ đều là những tay chọc trời khuấy nước, làm sao gã dám động đến họ?
Duy Khang đang gặm nhấm nỗi đau thì một tỳ nữ vào báo rằng Phó lão gia cho gọi. Gã lật đật lên ngay khách sảnh. Ngoài Phó tuần phủ, còn có một lão nhân lạ mặt nữa. Ông ta tuổi tác độ thất tuần, mặc y phục lang trung, nhưng đôi mắt lại uy nghiêm đến khiếp người.
Phó lão gia hớn hở giới thiệu :
- Hà tiên sinh đây là danh y đất Hồ Nam, thân quyến của Hà viên ngoại trong thành này. Tiên sinh đến thăm Hà lão nhị, có nghe được bệnh tình của Khang nhi nên đến đây để ra tay diệu thủ. Tiên sinh bảo đảm rằng chỉ sau hai tháng, ngươi sẽ tráng kiện như xưa và có con dễ dàng!
Phó Duy Khang cười mát :
- Hài nhi đã chạy chữa biết bao nhiêu thần y mà có khỏi đâu? Chỉ sợ Hà tiên sinh đây cũng uổng công thôi!
Gã vừa nói vừa nhìn lão lang trung kia với vẻ diễu cợt. Bất chợt, đôi mắt của họ Hà sáng rực lên như điện, Duy Khang chấn động tâm thần, chân tay bủn rủn. Gã biết ngay lão này nội công rất thâm hậu và đầy tà khí. Hà đại phu quay sang nói với Phó lão gia :
- Xin đại nhân để lão phu thuyết phục lệnh lang!
Phó Vi Quân hiểu ý, bỏ vào trong. Chờ lão đi khuất xa, Hà đại phu nghiêm giọng :
- Lão phu là Hà Đăng Long đến đây không phải chỉ vì chuyện chữa bệnh cho ngươi, mà còn muốn biến ngươi thành cao thủ số một võ lâm, đủ sức tiêu diệt Hồng Nhất Điểm. Nếu ngươi đủ hùng tâm tráng trí, lão phu cũng có thể đưa ngươi lên làm Minh chủ võ lâm!
Dứt lời, lão chứng minh khả năng của mình bằng cách đâm ngón tay trỏ xuống mặt bàn làm bằng danh mộc dày nửa gang tay. Ngón tay lão đỏ rực như chiếc dùi sắt nung, xuyên qua mặt gỗ rất nhẹ nhàng. Duy Khang vừa sợ vừa mừng, gã hoan hỉ nói :
- Nếu tiên sinh thực dạ tài bồi, vãn bối xin khổ công rèn luyện!
Gã bỗng ấp úng :
- Nhưng chỉ sợ thời gian học võ quá lâu, Âu Dương Chính Lan bị Đào Hoa cung chủ giết mất còn đâu?
Hà lão cười nhạt :
- Theo lão phu phán đoán, Đào Hoa cung chủ Thang Chí Quân không đủ sức để giết chết Chính Lan. Hơn nữa, lão phu sẽ đem mười viên Thiên Niên Tuyết Liên thần đan ra giúp ngươi tăng gấp đôi công lực trong vòng tám tháng. Còn kiếm pháp thì chỉ cần luyện ba chiêu cũng đủ lấy mạng Âu Dương tiểu tử!
Dương Châu công tử chẳng phải kẻ dốt nát, gã mỉm cười hỏi lại :
- Vì sao tiên sinh thù ghét Hồng Nhất Điểm mà không tự tay giết gã, lại cần đến vãn bối?
Hà Đăng Long cười nhạt :
- Năm xưa lão phu bị Hoàng Hạc Tú Sĩ đả bại, bắt lập trọng thệ là suốt đời không được giết người. Chính vì vậy lão phu mới phải mượn tay ngươi! Hãy suy nghĩ, chẳng lẽ ngươi lại muốn suốt đời là một kẻ bị nữ nhân chê bỏ, và là một kiếm thủ bậc trung? Hà Đăng Long này thề có Hoàng Thiên chứng giám, không hề có ý hại ngươi vì lợi ích của mình.
Phó Duy Khang nghe lão thề thốt, yên tâm bái sư :
- Đồ nhi ra mắt ân sư!
Gã dập đầu lạy chín lạy cho đủ lễ!
Từ đó, Hà đại phu ở lại Phó gia trang, ngày đêm dạy dỗ Duy Khang, cho gã uống những viên linh đan quí giá và vô cùng thần diệu. Chỉ sau nửa tháng, Phó công tử đã lấy lại phong độ của một nam nhân kiên dũng trong phòng the. Đám tỳ thiếp hết lời khen ngợi khiến Duy Khang càng tin phục Hà sư phụ.
Trước đây, Dương Châu công tử học nghệ của Thanh Nhàn đạo trưởng ở Đạo Quán cạnh Kính Hồ. Cách đây năm năm, đạo trưởng đã qui tiên.
Thanh Nhàn là cao thủ phái Võ Đang nên kiếm pháp của Duy Khang khá linh diệu. Hà Đăng Long bổ quyết những thiếu sót trong sở học của họ Phó, và dạy thêm cho gã ba chiêu sát thủ cùng một bộ pháp vô cùng quỷ dị.
Duy Khang có căn cơ khá tốt, nay gặp minh sư nên tiến bộ rất nhanh. Gã tin tưởng Hà Đăng Long nên uống hết mười viên linh đan màu trắng kia trong vòng có ba tháng. Kỳ diệu hơn nữa là có đến bốn ả tỳ thiếp cấn thai!
Tin mừng nay khiến Phó gia trang vui như mở hội. Phó tuần phủ liền bái họ Hà làm nghĩa huynh.
Đầu tháng chín, Hà đại phu bảo Duy Khang :
- Giờ đây Khang nhi đã có trong người bốn mươi năm công lực, với sở học bản thân cũng đủ ngạo thị giang hồ. Cộng thêm Quỷ Ảnh thần bộ và ba chiêu Diêm La tam thức, ngươi thừa sức giết Chính Lan. Tuy nhiên, ngươi hãy khoan đụng đến gã mà cứ tung hoành ngang dọc vài tháng, dương danh thiên hạ và thu thập kinh nghiệm chiến đấu. Sau đó hãy khiêu chiến với Hồng Nhất Điểm!
Phó Duy Khang mang bản chất tiểu nhân nên nghe nói đến thanh danh là khoái chí. Hơn nữa, rời khỏi Dương Châu, gã tha hồ nếm mùi khoái lạc. Với bản lãnh hiện nay muốn ai mà chả được?
Hôm sau, Hà Đăng Long xin phép Phó tuần phủ để đưa Phó Duy Khang đi Thiểm Tây thăm mộ tổ sư. Phó Vi Quân đã có bốn bào thai đầy hứa hẹn nênmặc kệ Duy Khang muốn đi đâu cũng được! Phó lão gia đưa lệ phí rất hậu!
Nhưng thực ra, Duy Khang còn lén vét thêm hơn vạn lượng để tiêu xài cho thỏa chí. Vừa rời khỏi Dương Châu, Hà đại phu đã chia tay với đồ đệ. Lão hẹn Duy Khang rằng sẽ hội ngộ đúng trưa ngày rằm tháng mười một ở chân núi Võ Đang!
* * * * *
Dương Châu công tử cũng chẳng cần biết sư phụ mình đi đâu, gã hăm hở phi ngựa về hướng Nam Kinh. Ở chốn ấy, gã vừa có thể dương danh thần kiếm vừa có thể vui say với đám kỹ nữ xinh đẹp tuyệt trần. Nghe nói gần đây mới xuất hiện một vị cô nương tên gọi Hồng Ỷ Vân, nhan sắc phi phàm, cầm kỳ thi họa làu thông và thủ thuật phòng the vô cùng tinh xảo!
Phụ nữ Trung Hoa thời cổ bị ràng buộc bởi lễ giáo khắt khe, hạn chế từ nụ cười, lời nói, dáng đi. Ngay cả trong chuyện gối chăn cũng chẳng dám biểu lộ hết nhiệt tình, vì sợ trượng phu cho là dâm đãng! Còn các đấng nam nhi lại được dạy rằng “Vạn ác dâm vi thủ” nên đạo mạo, nghiêm trang ngay lúc gần gũi thê thiếp.
Xem ra chỉ có đám người nghèo khổ, bình dân và giới hào khách võ lâm là sảng khoái, tận tình hưởng lạc trời cho!
Nhưng tất nhiên vợ nhà chẳng thể sánh với những nàng kỹ nữ lão luyện phấn son. Họ là hạng người bị xem là ti tiện trong xã hội, chẳng hề được giáo hóa. Họ lại sống bằng cách buôn bán xác thân nên phải luôn trau chuốt tay nghề để món hàng thêm hấp dẫn. Những lạc thú mà họ đem lại cho khách làng chơi vượt hẳn những gì mà các bà vợ ban cho chồng! Ở chốn yêu hoa, ái ân, hành lạc được nâng lên thành một nghệ thuật hẳn hoi. Bảo sao các đấng trượng phu đã có vợ đẹp ở nhà mà vẫn lén lút mò đến kỹ viện? Và bảo sao các tay chơi lắm tiền lại chuộc vài nàng ra khỏi thanh lâu, đem về làm thiếp!
Từ thời Xuân Thu ở nước Tề, Quản Trọng đã xem thanh lâu như một ngành kinh tế đầy lợi nhuận cho triều đình. Ông ra quí chế tổ chức nghành mãi dâm thành hệ thống, hàng năm thu được số thuế rất lớn. Chữ “Thanh Lâu” xuất phát từ thời ấy, các kỹ viện đều phải sơn hoặc quét vôi màu xanh!
Thực ra, do hệ thống kỹ viện được công khai và rộng khắp nên thời xưa nạn cưỡng dâm rất ít xảy ra. Thứ hai, chính các nàng kỹ nữ đã là những người đi tiên phong trong ngành y phục, thời trang của Trung Hoa cổ.
Có những nàng danh kỹ một đêm kiếm được cả ngàn lượng bạc. Vì vậy họ có thể phóng tay tiêu xài, sắm sửa. Hầu như những kiểu trang phục mới nhất đều xuất phát từ bọn kỹ nữ ở Kinh Đô, sau đó lan đi khắp nước. Oái oăm thay, các hoàng hoa khuê nữ hay khuê trung tiết phụ lại hân hoan đón nhận những kiểu xiêm y của đám gái lầu xanh. Có thể là do họ chưa từng đến kỹ viện nên không phát giác ra sự thực đắng cay ấy!
Mặt tích cực khác của giới kỹ nữ là họ đã có công phát triển và làm phong phú nghề ca hát, ngâm vịnh trong văn hóa Trung Hoa. Song song với âm nhạc cung đình, âm nhạc dân gian tồn tại và lớn mạnh thông qua các kỹ nữ, ca nhi. Thường thường, các kỹ nữ đều biết đàn hát. Lời của những bài hát lại sử dụng nguyên liệu là những bài Từ của các thi hào như Tô Đông Pha, Tần Quán, Trương Phòng, Lạc Du, Liễu Vịnh...
Đặc biệt nhất là Liễu Vịnh thời Tống. Ông rất giỏi về từ lại sành âm luật nên bọn nhạc công ở giáo phường mỗi khi có từ khúc mới tất phải tìm đến nhờ ông phổ nhạc, rồi mới đàn ca được. Tác phẩm của Liễu Trường Khanh phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm. Nơi nào có giếng nước là dân nơi đó biết hát những bài Từ của Liễu Vịnh.
Cuối đời, không được Tống Nhân Tông trọng dụng, Liễu Vịnh sa đà vào cảnh giang hồ, ngày tháng lê la nơi ca lâu, tửu quán. Cuối đời về già rất khốn khổ, tiêu điều, đến nỗi, khi ông chết chính đám kỹ nữ phải bỏ tiền và đứng ra mai táng. Thanh minh hàng năm cũng chỉ đám kỹ nữ đi viếng mộ!
Tóm lại, khách phong lưu đến lầu xanh vừa được hưởng thú vui xác thịt, vừa được thư thái tâm hồn bởi lời ca tiếng nhạc.
Vì vậy, chúng ta cũng chẳng nên trách Dương Châu công tử là người quá say mê thú yêu hoa!
Chỉ bốn ngày sau Phó Duy Khang đã có mặt ở Nam Kinh, trước gọi là Kim Lăng, hay Ứng Thiên Phủ. Tất nhiên gã trọ trong khách điếm sang trọng nhất thành, và chiều hôm ấy đã mò ngay đến Lưu Hương viện.
Chỉ trong mười ngày, Phó Duy Khang đã nổi danh khắp Nam Kinh, trở thành nhân vật đệ nhất phong lưu. Không những gã anh tuấn, hào phóng mà còn là đại cao thủ trong chuyện phòng the. Danh kỹ khắp thành ái mộ gã như điếu đổ, đua nhau mời mọc. Hậu quả là họ Phó tiêu sạch hơn hai vạn lượng bạch ngân. Gã bèn đem công lão dạy dỗ tài bồi của Hà đại phu sử dụng vào việc trộm cướp. Chỉ trong một đêm, Dương Châu công tử viếng thăm ba nhà đại phú vùng phụ cận Nam Kinh, gom được hơn ngàn lượng vàng.
Đương nhiên gã đã phải giết tám mạng người, trong đó có một lão già mặt đỏ, võ nghệ cao cường. Duy Khang phải dùng đến chiêu Diêm Vương nhất thức mới hạ được lão ta.
Lúc đầu, Dương Châu công tử cũng có ý định gieo vạ cho Hồng Nhất Điểm Âu Dương Chính Lan. Nhưng giờ đây gã đang hạnh phúc trong vòng tay bọn danh kỹ nên chẳng còn nhớ đến Kính Hồ Tiên Cơ nữa, do đó mối hận Chính Lan cũng vơi đi. Thứ hai, gã thầm ngán sợ oai danh lừng lẫy của đại sát tinh Hồng Nhất Điểm, nên không muốn chàng đến truy tầm. Phó Duy Khang đủ thông minh để hiểu rằng việc học võ đâu chỉ vài tháng là đủ biến thành vô địch. Nói chung, Phó Duy Khang chỉ muốn được yên thân lăn lóc phấn son.
Nhưng gã không biết rằng mình đã phạm sai lầm khi giết lão già mặt đỏ kia.
Dương Châu công tử chẳng phải là cường đạo chuyên nghiệp nên không hề điều tra lai lịch khổ chủ. Gã thấy nơi nào nhà cửa nguy nga, lộng lẫy là vào thôi. Vì vậy, gã không biết lão già mặt đỏ hôm trước là Hồng Diện Tài Thần, bằng hữu thâm giao của Chưởng môn các phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn, Cái bang...
Hồng Diện Tài Thần Quí Thừa Khải còn là ân nhân của vô số hảo hán giang hồ. Võ công của ông rất cao siêu nhưng tính tình rộng rãi, trượng nghĩa, luôn hào phóng với đồng đạo. Đặc biệt, họ Quí còn là kết bái huynh đệ với Hỏa chân nhân Tây Môn Nhỉ. Vì vậy, cái chết của Tài Thần khiến cả võ lâm phẫn nộ. Hàng ngàn cao thủ đổ xô đến Nam Kinh để dự đám tang và điều tra tung tích hung thủ.
* * * * *
Trước đó, Hoàng Cúc lâu tràn đầy hoan lạc. Chính Lan đã hoàn toàn bình phục và luyện thử chiêu thứ nhất trong ba chiêu kiếm do Nam Thiên đại hiệp Quách Tử Hưng để lại trong kho tàng Nam Tống.
Chiêu này có tên “Thiên Lý Trùng Hồng” (Ngàn dặm sông dài) cực kỳ bác tạp và uyên áo. Dẫu thông minh tuyệt thế, Chính Lan cũng phải mất đến ba tháng vẫn chưa đạt đến mức tuỳ tâm nhi phát. Đồng thời, chàng cũng đem pho khinh công Hoàng Hạc Khinh Vân và Thái Chân kiếm pháp ra dạy cho các nữ nhân. Tiểu Linh Thố Tây Môn Tố Bình thản nhiên tham gia, cùng rèn luyện với các đại thư. Họ đều yêu thương, tôn kính Chính Lan nên hết lòng rèn luyện chẳng dám xao nhãng một ngày. Nhờ vậy, bản lãnh tăng tiến rõ rệt.
Hỏa chân nhân càng gẫn gũi Chính Lan, càng mến yêu chàng hơn. Lão định mở miệng gả ái nữ cho chàng, nhưng Tố Bình không cho. Nàng có tự ái và tin rằng ngày nào đó Chính Lan sẽ yêu mình!
Tháng chín đến mang theo hơi thu và cúc trong vườn nở rộ. Cả nhà bày tiệc trên lầu để thưởng hoa nhân ngày tiết trùng dương chín tháng chín. Ngẫu nhiên, trong hàng ngàn đóa hoa cúc vàng rực kia có một đóa bạch cúc lẻ loi.
Hoàn cảnh năm nay chẳng khác gì mấy trăm năm trước, Hỏa chân nhân chẳng bỏ qua cơ hội, vuốt râu ngâm nga bài Trùng Dương Tịch Thượng Phú Bạch Cúc (Trên tiệc rượu ngày Trùng Dương Vinh hoa Cúc Trắng) của đại thi hào Bạch Cư Dị đời Đường.
Mãn viên hoa cúc uất kim hoàng
Trang hữu cô tùng sắc tự sương
Hoàn tự kim tiên ca tửu tịnh
Bạch đầu ông nhập thiếu niên trường!
Dịch thơ:
Đầy vườn hoa cúc vàng như nghệ
Một khóm như sương trắng trắng tinh
Tiệc rượu sớm nay cũng giống thế
Một ông đầu bạc giữa đầu xanh
Năm mỹ nhân vỗ tay hoan hô nhiệt liệt dù giọng Tây Môn Nhỉ khàn khàn, khê đặc, chẳng hay ho chút nào cả. Lão đang đắc ý bỗng thấy Tam Ngốc Hồ Phùng Tường phá lên cười ngặt nghẽo.
Chân nhân cả giận mắng :
- Bần đạo chọn được bài thơ hợp tình hợp cảnh như vậy sao ngươi lại cười?
Tam Ngốc vẫn cười hô hố, chỉ lên đầu Tây Môn Nhỉ :
- Tóc của Chân nhân đỏ quạch như râu bắp chứ đâu có bạc mà đem so với cúc trắng!
Cả nhà ôm bụng cười theo. Hỏa chân nhân ngượng nghịu nói :
- Đúng rồi! Bần đạo quên mất điều ấy!
Tiểu Linh Thố chữa thẹn cho phụ thân, nói sang chuyện khác :
- Tỷ phu là người văn võ song toàn, xin hãy ngâm cho tiểu muội nghe một bài.
Bốn nàng kia cũng vui vẻ hối thúc Chính Lan. Chàng mỉm cười ngâm bài Từ Tuý Hoa Âm của Dị An nữ sĩ Lý Thanh Chiếu, thời Nam Tống:
Bạc vụ hồng vân sầu Vĩnh Thú
Thuỵ não phần Kim Thú
Giai tiết hựu Trùng Dương
Ngọc chẩn sa thú
Tạc dạ lương sơn tụ
Đồng ly bá tửu hoàng hôn hậu
Hữu ám hương doanh tụ
Mạc đạo bất tiêu hồn
Liêm quyện Tây Phong
Nhân Tỷ Hoàng Hoa Sấn!
Dịch thơ:
Sương mỏng mây mờ sầu trải khắp
Nghi đỉnh trầm hương thắp
Lại đến tiết Trùng Dương
Nêm dồi chăn đắp
Hơi gió đêm qua ngập
Bên rào nâng chén Hoàng Hoa nhắp
Tay áo mùi hương ắp
Chớ bảo lòng không buồn
Rèm quyện gió Tây
Người gầy hơn hoa cúc!
Giọng chàng trầm ấm, có đôi chút thê thiết của gió thu nên diễn tả được hết tình ý của người đàn bà cô quạnh. Tất nhiên ai nấy khen hay. Lần này đến phiên Nhị Ngốc Hồ Giả trổ tài bình thơ. Gã đặng hắng rồi nói với vẻ sành sõi :
- Tiểu đệ biết đại ca có ý tặng bài Từ này cho Tố Bình cô nương vì chỉ mình nàng là cô đơn lạnh lẽo. Nhưng theo thiển ý của tiểu đệ thì ta nên sửa lại vài chỗ trong câu cuối.
Mọi người hiếu kỳ lắng nghe. Nhị Ngốc chẳng chịu nói ngay, nhấp hớp rượu ngon khề khà. Đại Ngốc bực bội nhắc :
- Sao ngươi không nói quách ra đi!
Hồ Giả nghiêm trang phân tích :
- Một nhánh hoa cúc thì gầy nhưng cả bụi thì lại khác! Để khỏi gây hiểu lầm, tiểu đệ đề nghị sửa câu cuối thành: “Người gầy như con mắm!”
Gã vừa nói xong thì cả bọn ôm bụng cười ngất, không sao nín được. Tiểu Linh Thố Tây Môn Tố Bình vừa dứt trận cười đã hất nguyên đĩa xào vào mặt Nhị Ngốc. Nàng hầm hầm quát :
- Bổn cô nương xinh đẹp thế này mà ngươi dám gọi là con mắm sao?
Hồ Giả sợ quá, tung mình nhảy xuống lầu, bỏ chạy mất. Tiệc rượu cũng đến lúc tàn. Chính Lan cho gọi ba gã Ngốc ra vườn kiểm tra thành tựu khinh công. Chúng luyện đao pháp nên chẳng thể học kiếm thuật của chàng. Chính Lan chỉ dạy chúng khinh công. Nếu thân pháp linh diệu nhanh nhẹn thì đao pháp cũng nhờ đó mà thêm lợi hại!
Ngay sáng hôm sau, Chính Lan cử Hán Trung tam ngốc hiệp đi Tô Châu. Chúng có nhiệm vụ mang thư của Kính Hồ Tiên Cơ về cho song thân.
Biết gia đình họ Tiêu sa sút, chàng gởi tặng ngân phiếu năm trăm lượng vàng.
Ba gã Ngốc hí hứng lên đường định bụng sẽ không bỏ qua cơ hội ghé thăm các thanh lâu lừng danh của đất Giang Nam.
Chúng đi được bảy ngày thì Hoàng Cúc lâu nhận được tin Hồng Diện Tài Thần bị cường đạo hạ sát. Tây Môn Nhỉ đau lòng, lồng lộn như hổ dữ :
- Trời cao không có mắt nên mới để cho một đại thiện nhân như Quí lão đệ phải chết thảm như vậy! Bần đạo sẽ tìm cho ra tên hung thủ khốn kiếp ấy, nhét vào miệng hắn một trái Đảo Thiên thần đạn!
Chính Lan đọc kỹ phong thư của Quí Thành Lâm - nam tử Tài Thần - rồi ôn tồn nói :
- Thúc phụ! Bản lãnh của Quí lão gia thế nào?
Tây Môn Nhỉ thẫn thờ đáp :
- Võ công y chỉ kém ta chứng một bậc!
Chính Lan nghiêm giọng :
- Trong thư có nói rõ rằng chưa đến trăm chiêu hung thủ đã bất ngờ đâm chết Hồng Diện Tài Thần. Chiêu kiếm ấy cực kỳ qủi dị và ác độc! Còn về tuổi tác, Quí công tử nhận định rằng hắn ta còn trẻ. Thúc phụ thử nghĩ xem trong võ lâm đương đại, có cao thủ tuổi tam thập nào đủ sức giết Tài Thần không?
Hỏa chân nhân cau mày suy nghĩ :
- Bần đạo nắm rõ tình hình võ lâm như lòng bàn tay, nên dám chắc rằng trừ ngươi, chẳng có ai làm nổi việc ấy!
Tiểu Linh Thố góp ý :
- Như vậy, một là Quí công tử đã đoán sai tuổi tác của hung thủ. Hai là có tay cao thủ thiếu niên nào đó gặp kỳ duyên nên võ công cao hơn tuổi tác?
Trại Tây Thi cũng thỏ thẻ :
- Theo ý thiếp, chúng ta phải đến Nam Kinh điều tra mới rõ chân tướng!
Chính Lan gật đầu tán thành.
Sáng mười tám, bảy con tuấn mã phi hết tốc lực về phía Nam. Trên đường đi, các mỹ nhân mới nhận ra cách ăn mặc và phong thái của Âu Dương Chính Lan đã được giới trẻ ưa chuộng đến mức nào. Hoàng Hoa Ma Nữ vui vẻ nói :
- Tướng công! Chàng đã trở thành thần tượng của đám hậu bối trong võ lâm rồi đấy!
Chàng cười đáp :
- Chỉ mong họ đừng bắt chước ta lấy đến bốn vợ là được rồi! Lúc ấy nam đa nữ thiểu tất sẽ xảy ra cảnh chém giết để tranh giành!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT