Tư Mã Lâm tuy nóng lòng báo thù cha nhưng không phải là một hạng dũng phu mán mọi, gã đắn đo: "nếu muốn giết thằng chó má Chử Bảo Côn này, trước hết ta phải ngăn ngừa con nhãi kia chỉ điểm võ công cho y". Gã đang nghĩ cách sát hại Vương Ngọc Yến, bỗng nghe nàng nói:

-Chử tướng công ông là đồ đệ phái Bồng Lai, trà trộn vào hàng ngũ phái Thanh Thành để học lén võ nghệ, đó là một điều không nên, vả lão sư Tư Mã Vệ không có ý gì hại ông cả, thế là lỗi tại ông hết. Thôi ông tạ tội cùng Tư Mã chưởng môn đi là xong.

Chử Bảo Côn lấy làm phải, huống chi nàng đối với mình còn có cái ơn cứu mạng, nàng có mách cho mấy đoàn mới thoát thân được. Bây giờ nàng bảo điều gì,mình chẳng nên trái ý. Nghĩ vậy y xá dài Tư Mã Lâm nói:

-Chưởng môn sư huynh! Tiểu đệ thật là đắc tội!

Tư Mã Lâm tránh sang một bên nói:

-Mi còn dám trơ cái mặt dầy kêu ta là chưởng môn sư huynh ư?

Vương Ngọc Yến vội kêu lên:

-Ngao Du đông Hải" mau!

Chử Bảo Côn phát run, nhún người nhảy vọt lên cao đến hơn một trượng, bỗng nghe thấy tiếng "vo vo ..." không ngớt, có đến dư mười mũi "Thanh Phong Châm" bay qua dưới chân y trong chớp mắt.

Giả tỷ Vương Ngọc Yến không nhắc nhở đúng miếng "Ngao Du đông Hải" mà chỉ bảo đề phòng ám khí không thôi, thì Chử Bảo Côn còn mất thì giờ chú ý nhìn đối phương rồi mới tránh cũng không kịp nữa.

Thế "Lý Trụ Càn Khôn" để phóng ám khí nguyên là một thế tuyệt kỹ của họ Tư Mã phái Thanh Thành chỉ truyền cho con cháu, chứ không truyền cho đồ đệ. Ngay hai lão họ Khương và họ Mạnh cũng không biết đến. Sở dĩ thế võ này Tư Mã Vệ không truyền cho Chử Bảo Côn, chẳng qua là vì tuân theo lời di huấn của tổ tiên,chứ không phải có ý dấu riêng y. Nào ngờ Tư Mã Lâm nét mặt vẫn thản nhiên, chỉ có hai tay ngấm ngầm rung động cơ quan phóng "Thanh Phong Châm" ở trong tay áo mà Ngọc Yến đã phát giác, rồi chỉ điểm thế võ duy nhất để tránh khỏi ám khí này để nhắc cho Chử Bảo Côn, tức là thế "Ngao Du đông Hải" của phái Bồng Lai.

Tư Mã Lâm phóng ám khí chắc trúng mười mươi mà lại sểnh mất chẳng khác gì gặp ma quỉ biến ảo. Gã la lên:

-Mi không phải là giống người mi là loài yêu quái.

Mạnh lão bị gãy hơn mười cái răng đau quá cũng kêu lên:

-Bắt lấy con nhãi kia! Bắt lấy con nhãi kia!

Ta đã biết phái Thanh Thành kỷ luật rất nghiêm, dù Mạnh lão đứng vào hàng tiền bối nhưng không phải là chưởng môn nhân, nên đệ tử chẳng chú ý nhìn Tư Mã Lâm để chờ phát lạc. Chưởng môn nhân có ra lệnh họ mới dám xông vào bắt

Vương Ngọc Yến.

Tư Mã Lâm lạnh lùng nói:

-Vương cô nương! Sao cô lại thuộc lầu võ công của bổn phái?

Vương Ngọc Yến đáp:

-Tôi chỉ xem sách mà biết. Phái Thanh Thành lấy chủ trương trá nguỵ, âm hiểm sở trường, còn về phần biến hoá không có gì phức tạp lắm nên cũng dễ nhớ.

Tư Mã Lâm lại hỏi:

-Cô nương xem sách gì vậy?

Ngọc Yến đáp:

-Tôi cũng không nhớ rõ là sách gì. Có hai bộ nói về võ công phái Thanh Thành.

Một bộ nói về chữ "Thanh" gồm 18 thế đánh và một bộ nói về chữ "Thành" gồm 36 thế phá. Ông là chưởng môn nhân phái Thanh Thành thì còn lạ gì sách đó?

Tư Mã Lâm lẩm bẩm: Thật là bẽ mặt! Gã nhớ lại hồi nhỏ phụ thân gã truyền dạy có bảo cho gã biết: chữ Thanh nguyên trước có 18 thế đánh, chữ Thành có 36 thế phá, nhưng rất tiếc vì khiếm khuyết mất mấy thế thành ra võ công kém sút nên phải chịu giằng co bất phân thắng bại với phái Bồng Lai. Giả tỷ có ai tìm ra được đầy đủ thì võ công bổn phái không những chỉ ăn đứt phái Bồng Lai mà còn có thể xưng hùng thiên hạ một cách dễ dàng.

Vừa nghe Vương Ngọc Yến bảo đã được xem qua hai pho sách này, Tư Mã Lâm lấy làm kinh dị hỏi:

-Pho sách đó cô nương cho tại hạ mượn về so với những điều sở học của bổn phái xem có chỗ nào khác được chăng?

Vương Ngọc Yến chưa kịp trả lời Diêu Bá Ðương đã cười khà khà nói:

-Cô nương chớ để cho gã tiểu tử đó lừa bịp. Võ công của phái Thanh Thành nhà gã còn nông cạn lắm! Chữ Thanh bất quá được 7, 8 thế đánh là nhiều, chữ Thành cũng chừng độ 17, 18 thế phá mà thôi. Gã toan lừa lấy bộ kỳ thư của cô nương để về học thêm. Cô nương nhất định đừng cho gã mượn.

Tư Mã Lâm bị Diêu Bá Ðương thọc gậy bánh xe, nét mặt xanh lè bỗng tím bầm lại hỏi Diêu Bá Ðương:

-Ta hỏi mượn sách của cô nương có liên quan gì đến việc Tần Gia trại nhà ngươi?

Diêu Bá Ðương cười hà hà đáp:

-Sao lại không! Việc này quan hệ đến Tần Gia trại ta lắm chớ. Bụng dạ Vương cô nương đây thuộc lòng biết bao nhiêu võ công kỳ diệu. Ai rước được cô nương thì người đó sẽ trở thành thiên hạ vô địch. Diêu mỗ tính rằng bất luận vàng bạc châu báu, trai thanh, gái lịch trước nay ta chỉ giơ tay ra là vớ được, còn cô nương đây là của báu ngàn năm một thuở, lẽ nào ta còn để sểnh mất? Bọn Tư Mã các ngươi có muốn mượn sách thì phải hỏi ta đây xem ta có chịu không đã. Ha ha ngươi thử đoán coi: đố biết ta có bằng lòng không nào?

Diêu Bá Ðương nói mấy câu này cực kỳ vô lý, nhưng Tư Mã Lâm cùng hai ông già họ Khương, họ Mạnh suy nghĩ lung lắm: cô bé này tuy nhỏ tuổi mà về võ học của nàng uyên thâm không biết đến đâu mà lường. Trông cái điệu bộ nàng ẻo lả như gió thổi bay, vậy mà mình muốn đánh bại nàng chắc không thể được. Nàng đã xem không biết bao nhiêu là kỳ thư về võ học lại thông suốt hết, nếu ta mời được nàng về phái Thanh Thành thì việc học cho đủ 18 thế đánh của chữ Thanh và 36 thế phá của chữ Thành có cơ thành tựu được đây. Nhưng lão chủ trại Tần gia trại lại phá đám, xem chừng hôm nay khó tránh khỏi một cuộc ác chiến sắp xảy ra.

Bỗng thấy Diêu Bá Ðương lại nói:

-Cô nương! Thật ra hôm nay chúng tôi bản tâm đến đây là tìm nhà Mộ Dung để ăn thua, nhưng xem ra dường như cô nương cũng là người trong nhà Mộ Dung mất rồi...

Vương Ngọc Yến vừa nghe đến câu "dường như cô nương cũng là người nhà Mộ Dung mất rồi" thì nửa mừng, nửa thẹn, hai má ửng hồng. Nàng chép miệng hỏi lại:

-Mộ Dung công tử là biểu huynh tôi, trại chủ tìm có việc gì? Biểu huynh tôi có điều chi không phải với trại chủ?

Diêu Bá Ðương cười khà khà đáp:

-Cô nương là biểu muội của Mộ Dung Phục thế thì hay lắm! Nguyên tổ tiên nhà Mộ Dung ổ Cô Tô có thiếu nhà họ Diêu chúng tôi một vạn lạng vàng, ngàn vạn lạng bạc, đến nay đã là mấy trăm năm. Nếu tính vốn lãi chồng chất mãi thì con số không biết đến bao nhiêu?

Vương Ngọc Yến ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại có chuyện lạ thế được? Cữu phụ tôi vốn là một nhà hào phú, sao lại còn nợ trại chủ được?

Diêu Bá Ðương nói lấp lửng:

-Nói là thiếu nợ cũng phải mà không thiếu nợ cũng phải. Cô nương còn nhỏ nên chưa hiểu rõ. Tôi đến kiếm Mộ Dung Bác đòi nợ nhưng ông ta qua đời rồi. Cha chết thì đương nhiên tôi phải đòi con. Ai ngờ Mộ Dung Phục thấy chủ nợ đến, cậu ta chuồn đi đằng nào mất rồi. Tôi chả còn cách gì ngoài sai bắt một thứ gì đấy.

Vương Ngọc Yến nói:

-Biểu huynh tôi là người hào phóng, nếu quả có nợ trại chủ thì thế nào biểu huynh tôi cũng trả. Giả tỷ không nợ, mà trại chủ cần ít chút tiền tiêu xài, đến nói với biểu huynh tôi, quyết nhiên biểu huynh tôi cũng chả cự tuyệt đâu. Có lý nào sợ

ông đòi nợ mà lẩn tránh bao giờ?

Diêu Bá Ðương chau mày nghĩ ra một kế nói:

-Vụ này không thể một lúc mà nói rành mạch được. Bây giờ cô nương hãy tạm theo tôi về Bắc, ở chơi Tần gia trại một năm hay dăm bảy tháng, người Tần gia trại chúng tôi quyết không động đến chân lông cô nương đâu. Mụ vợ Diêu mỗ đã nổi tiếng là con hổ cái đất Hà Sóc nên đối với nữ sắc Diêu mỗ rất giữ gìn. Cô nương cứ yên chí đừng lo ngại gì. Cô nương cũng chẳng cần thu xếp hành trang gì thêm nữa,chúng ta chỉ vỗ tay một cái là đi liền. Bao giờ biểu huynh cô nương kiếm đủ tiền,đem lên thanh toán hết món nợ cũ, tự nhiên tôi phải đưa cô nương về Cô tô để vẹn mối lương duyên cùng biểu huynh cô. Ngoài ra Tần trại gia còn đưa hậu lễ để Diêu mỗ đi uống mừng hai họ.

Nói tới đây lão mở miệng cười oang oang. Lão ăn nói thô lỗ như vậy một hồi nhưng Vương Ngọc Yến nghe đến đoạn chót lại càng lọt tai. Từ nhỏ nàng đã hâm mộ biểu huynh nàng, rồi gần đây nụ tình chớm nở trong lòng, nàng càng ôm nặng mối tương tư. Không hiểu Mộ Dung công tử không biết hay là giả vờ không biết tâm sự nàng, hoặc vì chàng bận nhiều việc quá mà không nghĩ tới nàng. Chàng đối với biểu muội chẳng khác gì cô em ruột không hơn không kém. Trừ việc bàn luận võ, không bao giờ đả động đến nửa lời về tình trai gái. Mới đây lại xẩy ra mối hiềm khích giữa hai nhà. Mẫu thân nàng là Vương phu nhân cấm không cho người nhà Mộ Dung bén mảng đến Mạn Ðà Sơn Trang, Vương Ngọc Yến lại càng đau khổ vô cùng, ngổn ngang trăm mối bên lòng. Trước nay nàng chả được nghe ai đề cập đến việc hôn nhân giữa nàng và biểu huynh nàng, nhất là mẫu thân nàng lại càng quyết liệt không ưng. Bọn nha hoàn tuy đã biết rõ tâm sự nàng nhưng sợ oai phu nhân, còn ai dám hé răng hé lợi?

Mấy câu đó chẳng qua Diêu Bá Ðương vui miệng nói chơi, nhưng đối với Vương Ngọc Yến là một khúc nhạc lòng êm ái. Nàng sinh ra có cảm tình với Diêu Bá Ðương. Thực ra Diêu Bá Ðương cũng chẳng hay ho gì, hành động lại rất lỗ mãng,dè đâu vì mấy câu nói đùa mà gây được cảm tình với Vương Ngọc Yến do đó lão mấy lần thoát khỏi cái hoạ sát thân. Ðó là việc sau tạm gác.

Vương Ngọc Yến hớn hở mỉm cười nói:

-Ông này chỉ nói ngang thôi. Tôi đến Tần gia trại làm chi? Nếu cữu phụ tôi có thiếu nợ vì lâu ngày không biết thì tìm chứng cớ rõ ràng biểu huynh tôi sẽ trả ông chứ sao?

Bản ý Diêu Bá Ðương chỉ muốn cướp Vương Ngọc Yến đem đi ép nàng thổ lộ hết võ công. Còn câu chuyện nợ vàng nợ bạc là lão bịa chuyện nói đùa, nhưng nàng lại tin là thật. Lão thấy nàng quá ngây thơ liền nói:

-Cô nương đi với tôi nhé, Tần gia trại đẹp lắm. Trong trại có đủ hươu, nai, hổ,báo, chim to, thú dữ không thiếu thứ gì, xem cả năm cũng không chán mắt. Biểu huynh cô được tin lập tức sẽ tìm đến nơi hội diện. Thế rồi có tiền trả hay không

cũng được, tôi vẫn để cô nương cùng chàng về Cô tô. Cô nương tính thế nào?

Mấy câu đó làm cho nàng rung động.

Tư Mã Lâm là ngươi thâm hiểu nhân tình thế cố, thấy nàng mắt phượng long lanh, mặt mày hớn hở gã nghĩ bụng: "Nếu để nàng ngỏ lời ưng thuận đi Tần gia trại với lão rồi mình mới can ngăn sau thì không hợp lý. Ta phải chặn trước đi là

hơn". Nghĩ vậy, không đợi cho Vương Ngọc Yến trả lời gã nói ngay:

-Vân Châu ở tận ngoài ải bắc là đất khỉ ho cò gáy, rét lạnh thấu xương, Vương cô nương là một vị khuynh quốc giai nhân, chịu đựng thế nào được khổ sở? Sao bằng thành đô là nơi sản xuất gấm vóc đẹp nhất thiên hạ, hoa cỏ cũng không khác gì miệt Giang Nam. Một nhân tài như Vương cô nương đến thành đô mua gấm vóc may mặc thì người càng nổi bật lên. Mộ Dung công tử cũng là bật tài mạo song toàn dĩ nhiên ưa người đẹp mặc đồ gấm vóc.

Diêu Bá Ðương quát lên:

-Thối lắm! Cô tô đây thiếu gì gấm đoạn, lượt là? Mi không mở con mắt chó má ra mà xem ba cô này mặc đồ gì đây?

Tư Mã Lâm lạnh lùng nói:

-Thối thật! Quả là thối thật!

Diêu Bá Ðương cả giận hỏi:

-Có phải mi nói ta đó không?

Tư Mã Lâm đáp:

-Không dám ta bảo con chó thối lắm!

"Soạt" một tiếng Diêu Bá Ðương rút đao ở sau lưng ra quát hỏi:

-Tư Mã Lâm! Tần gia trại với phái Thanh Thành nhà mi, đại khái một bên tám lạng, một đằng nửa cân, nếu Tần gia trại ta hợp lực với phái Bồng Lai liệu có diệt nổi phái Thanh Thành không?

Tư Mã Lâm biến sắc, nghĩ bụng: "Lời lão nói quả đúng sự thực. Từ ngày phụ thân ta qua đời rồi, lực lượng phái Thanh Thành đã kém trước, lại bị thằng chó má Chử Bảo Côn đến học trộm võ công. Nếu Tần gia trại xung đột với bọn mình thì thực là một điều rất đáng lo ngại. Người ta thương nói rằng hạ thủ trước là cao.

Việc đã đến thế này chỉ còn cách giết lão trong khi trở tay không kịp". Gã nghĩ vậy rồi lạnh lùng buông thõng một câu:

-Chưa chắc!

Diêu Bá Ðương thấy Tư Mã Lâm hai tay thủ vào trong tay áo thì biết là gã sắp phóng ám khí ra. Cách ăn nói và hành động của Diêu Bá Ðương khác hẳn với đường lối võ công của lão. Thật là con người nóng nẩy thô lỗ nhưng khi lâm địch thì lão tuyệt không cẩu thả chút nào, để hết tâm trí vào việc giới bị, lão hỏi:

-Ta mời Vương cô nương lên Vân Châu chơi mấy hôm, chờ Mộ Dung công tử lên đón nàng về, mi muốn ngăn trở phải không?

Tư Mã Lâm đáp:

-Ðất Vân Châu nhà ngươi không xứng đáng chút nào, không thể khuất giá Vương cô nương được. Ta muốn mời Vương cô nương qua phủ Thành Ðô chơi ít bữa.

Diêu Bá Ðương nói:

-Hay lắm! Bây giờ hãy cầm binh khí để phân thắng bại đã. Ai thắng sẽ được làm chủ nhân mời Vương cô nương.

Tư Mã Lâm nói:

-Phải đó! Kẻ bại muốn làm chủ nhân cũng được, nhưng mời Vương cô nương xuống chơi âm cung.

Ðại ý Tư Mã Lâm nói đây không phải là cuộc tỷ thí để phân thắng bại, mà là chiến đấu sinh tử. Kẻ bại tất phải vong mạng.

Diêu Bá Ðương cười ha hả nói:

-Diêu mỗ nhất sinh làm người, liếm máu trên đầu lưỡi đao là thường. Ta Mã chưởng môn muốn đem cái chết hăm doạ ta đó chăng? Ta đâu có sợ?

Tư Mã Lâm hỏi:

-Bây giờ dùng binh khí hay dùng quyền cước?

Diêu Bá Ðương đáp:

-Dĩ nhiên là dùng binh khí cho lẹ, hơi đâu mà dùng quyền cước?

Lão chưa dứt lời đã thấy "veo veo veo" luôn ba tiếng. Trong khi Diêu Bá Ðương đối thoại với Tư Mã Lâm, mắt lão không lúc nào rời gã, hơn nữa lão biết phái Thanh Thành chuyên phóng ám khí từ trong tay áo ra, gọi là "Trụ lý càn khôn",thường thường giết người mà không lộ hình tích lúc phóng ám tiến. Nhưng lão không nghĩ đến chỗ hai bên còn đang lúc giao hẹn, Tư Mã Lâm đột nhiên phóng ám khí bắn ra.

Tư Mã Lâm chợt nhìn sang mé bên tả, dường như đang xảy ra một biến cố gì kỳ lạ, mà kỳ thực gã dẫn dụ cho Diêu Bá Ðương đưa mắt nhìn qua bên này để hạ thủ.

Diêu Bá Ðương biết ra thì ám khí chỉ còn cách lão không đầy nửa thước. Lão cảm thấy đau lòng, tự biết không thể thoát chết được.

Giữa lúc tính mạng Diêu Bá Ðương lâm vào trình trạng ngàn cân treo sợi tóc,bất thình lình một vật đen sì sì, trắng nờm nợp lấp loáng chắn trước ngực lão. Vài tiếng "keng keng" bật lên, mấy mũi độc châm đụng vào rồi rớt xuống đất. Những mũi độc châm này nhanh vun vút, Diêu Bá Ðương là người lâm địch đã nhiều,đành chịu thúc thủ không tránh kịp nữa, thế thì cái vật đen kia phải nhanh gấp mấy lần mới có thể phóng ra sau mà tới đích trước để đón độc châm.

Vật gì mà kỳ dị như vậy? Nó đen hay là nó trắng? Diêu Bá Ðương cùng Tư Mã Lâm chưa trông thấy, Vương Ngọc Yến đã kêu lên:

-Bao thúc thúc đến đấy ư?

Bỗng nghe một giọng cổ quái đáp lại:

-Không phải đâu là không phải đâu. Không phải Bao thúc thúc đến đâu.

Giọng nói vừa nặng, vừa nhẹ, vừa cao, vừa thấp, tựa như người mơ ngủ nhưng ai nấy đều nghe rõ.

Vương Ngọc Yến cười nói:

-Không phải là Bao thúc thúc thì còn ai mà người chưa đến đã lè nhè cái câu "Không phải đâu là không phải đâu!"?

Vẫn cái giọng lè nhè đáp lại:

-Không phải đâu là không phải đâu. Ta không phải là Bao thúc thúc ngươi đâu.

Vương Ngọc Yến nhẹt mồm ra bắt chước hối lại:

-Không phải đâu là không phải đâu, thế thì ngươi là...

Vẫn tiếng đó đáp:

-Mộ Dung huynh đệ còn gọi ta bằng "Tam ca", sao ngươi kêu ta bằng thúc thúc?

Không phải đâu là không phải đâu, ngươi gọi lầm rồi.

Vương Ngọc Yến biết ý gã, khấp khởi mừng thầm, mặt nóng bừng lên hỏi:

-Thế... tôi biết gọi bằng gì bây giờ?

Lại có tiếng trả lời:

-Ha ha, cái đó ta không dạy ngươi đâu, tự ngươi phải biết lấy chứ. Gọi đúng thì ta chơi với, gọi trật thì ta phá đám cho ngươi mất địa vị phu nhân của người anh em nhà Mộ Dung ta.

Vương Ngọc Yến chép miệng nói:

-Sao không thò mặt ra đi?

Lâu lâu không thấy tiếng đáp lại, Vương Ngọc Yến lại hỏi:

-Này này! Sao không ra mặt để giúp ta tống cổ cái bọn đến đây làm lộn xộn.

Bốn bề vẫn lặng ngắt như tờ, tỏ ra gã họ Bao đã đi xa rồi. Vương Ngọc Yến có vẻ thất vọng nói:

-Anh chàng này thật là khó chịu, làm cho người ta không biết đâu mà mò.

Vương Ngọc Yến tưởng được gặp mặt Bao tam tiên sinh để cùng y thương nghị việc đi Thiếu Lâm tự tiếp viện cho Mộ Dung công tử. Nàng chỉ gọi lầm một câu mà y không xuất đầu lộ diện bỏ đi, lòng nàng không khỏi buồn phiền. Trái lại, Tư Mã Lâm và Diêu Bá Ðương đều lấy thế làm mừng. Vừa rồi nghe tiếng Bao Tam tiên sinh, cả hai người cùng cố gắng tìm cho ra chỗ y ẩn thân nhưng tiếng nói lúc gần lúc xa, khi ở mé tả khi qua mé hữu, rút cục vẫn không biết y ở chỗ nào. Nghe y gọi Mộ Dung Phục là "người anh em", lại có vẻ rất thân thiện với Vương Ngọc Yến, giả tỷ y ra mặt chống cự với mình thì mình khó lòng đối phó được với y. Bây giờ y đi xa rồi, thật là may mắn cho mình.

Diêu Bá Ðương suýt bị bỏ mạng, nhờ được Bao tam tiên sinh ra tay cứu thoát,trong lòng rất là cảm kích. Kể ra thì lão cũng không thù hằn gì phái Thanh Thành cho lắm, nhưng lúc này lão cũng muốn giết Tư Mã Lâm cho sướng, lão huơi đao lên nói:

-Quân mặt dầy kia, lén phóng ám khí hại người, đã hại nổi lão phu chưa?

Vừa nói vừa nhằm đầu Tư Mã Lâm bổ xuống. Tư Mã Lâm một tay cầm mũi cương chuỳ, một tay cầm cây tiểu chuỳ, theo đường lối võ công của phái Thanh Thành đấu với lưỡi đơn đao của Diêu Bá Ðương.

Bên Diêu Bá Ðương sức lực hung mãnh, đánh những đòn ác độc. Tư Mã Lâm thì lấy lanh lẹ, khôn ngoan làm sở trường. Môn hạ phái Thanh Thành cũng như các tay hảo thủ Tần gia trại chỉ đứng xem, không ai hạ thủ. Cuộc tranh đấu bữa nay quan hệ vô cùng, hai vị thủ lĩnh thân ra ứng chiến. Cuộc thắng bại sẽ đưa đến sự tồn vong cùng sự vinh nhục cho bổn phái. Vì thế Diêu Bá Ðương cũng như Tư Mã Lâm phải thận trọng từng ly từng tý.

Hai bên đánh nhau đến dư 70 hiệp, Vương Ngọc Yến bỗng quay lại bảo A Châu:

-Ngươi coi kìa! Phép "Ngũ hổ đoạn môn đao" của Tần gia trại dường như khiếm khuyết nhiều hơn chứ không phải chỉ có 5 thế mà thôi. Hai thế "Phụ tử độ hà" và "Trọng tiết thủ nghĩa" sao không thấy Diêu lão gia sử dụng đến?

A Châu chỉ ậm ừ, nàng đâu có thông suốt được hết mọi thế võ khắp thiên hạ như Vương Ngọc Yến?

Diêu Bá Ðương đánh nhau đang hăng, chợt nghe lời Vương Ngọc Yến cả kinh nghĩ thầm: "Nhãn quang cô bé này ghê gớm thật! 64 thế trong phép "Ngũ hổ đoạn môn đao" bị mất đi 5 thế từ mấy chục năm nay, chỉ còn lại 59 thế. Ðến tiên phụ ta,nhân tư chất người kém minh mẫn, không học được đúng hai thế "Phụ tử độ hà" và "Trọng tiết thủ nghĩa", từ đó hai thế này lại bị thất truyền. Vì muốn bảo toàn thể diện, ta đã phải biến cải vài thế để bổ xung vào hai thế này cho đủ số 59, không ngờ nàng nhìn nhận ra được".

Diêu Bá Ðương để nàng khám phá ra vụ này, trong lòng hổ thẹn, muốn đánh bại ngay Tư Mã Lâm để gỡ lại uy thế với đồng đảng. Nhưng Diêu Bá Ðương càng nóng lòng hạ Tư Mã Lâm càng khó bề thành công vì thế đánh của lão cần những đòn chắc chắn và trầm tĩnh.

Cuộc chiến đấu kéo dài đến 400 hiệp, giả tỷ cứ bình tĩnh đánh dai dẳng may ra còn có cơ thủ thắng, nhưng vì lão nóng ruột thành ra sử dụng những đòn hiểm hóc một cách hời hợt, khiến cho Tư Mã Lâm tránh được dễ dàng.

Diêu Bá Ðương tức mình hét to lên một tiếng, khoa đao chém xéo xuống, chờ cho Tư Mã Lâm nhảy tránh sang mé tả, bất thình lình lão co chân đá phóng ra. Tư Mã Lâm đang nhảy, người còn lơ lửng trên không, chân chưa chấm đất, không còn cách nào tránh được, nhưng gã ứng biến cực lẹ, hạ mũi cương chuỳ xuống thấp, để Diêu Bá Ðương đá vào sẽ bị thủng chân. Quả nhiên Diêu Bá Ðương phải chùn

chân lại, không dám đá mạnh, đưa chân trái theo thế "Uyên ương liên hoàn" đá vào cạnh sườn bên phải Tư Mã Lâm. Tư Mã Lâm vung cây tiểu chuỳ đánh xéo lại,nghe chát một tiếng, đúng sống mũi Diêu Bá Ðương, lập tức máu chảy ra lênh láng. Lúc đó chân trái lão cũng đá trúng lưng Tư Mã Lâm. Nhưng vì lão bị đánh trước một chút, trong lòng hoảng sợ, sức mạnh cái đá bị giảm đi một phần. Tư Mã Lâm tuy bị đá nhưng chỉ đau âm ỉ, chưa đến nỗi bị thương. Chỉ vì trúng đòn sai nhau không đầy chớp mắt mà cuộc thắng bại đã thành hình.

Diêu Bá Ðương gầm lên một tiếng, cầm đao toan nhảy bổ lên chém tiếp, nhưng đầu nhức như búa bổ, chân bước loạng choạng không đứng vững được.

Tư Mã Lâm may mà thắng được đòn này, nhưng y biết rằng đối phương chưa chết tất sinh hậu hoạn nguy hiểm vô cùng. Y nghiến răng ken két, nổi lòng tuyệt diệt đối phương, tay phải vung cây tiểu chuỳ lại đánh, chờ cho Diêu Bá Ðương giơ đao lên đỡ, tay trái y sẽ đâm mũi cương chuỳ vào bụng lão.

Phó trại chủ Tần gia trại thấy tình thế nguy ngập, miệng hú lên một tiếng, thanh đơn đao đột nhiên lìa khỏi tay, nhằm Tư Mã Lâm ném tới. Chớp mắt trong nhà đại sảnh nổi lên những tiếng "veo veo", hơn mười lưỡi đơn đao nhất tề nhằm vào Tư Mã Lâm tới ào ạt.

Nguyên võ công Tần gia trại có lối ném đơn đao rời khỏi tay là một môn tuyệt kỹ. Mỗi lưỡi đao nặng từ mười cân trở lại, dùng sức ném ra, thế mạnh ghê gớm.

Huống chi hơn mười lưỡi đơn đao đồng thời tấn công. Tư Mã Lâm đỡ không đỡ được, tránh cũng hết đường. Y trông thấy cái vạ tan thây dưới trận mưa đao trước mắt.

Bất thình lình, ánh đèn lửa chập chờn, hai bàn tay gầy guộc như chân gà nhưng lớn hơn tự nhiên xuất hiện, đưa thẳng vào giữa chỗ những lưỡi đao phóng đến tới tấp. Hai bàn tay này quơ ra bắt rồi nắm lấy cả hơn mười lưỡi đao. Ðoạn mội chuỗi cười khanh khách vang lên: trên ghế giữa nhà sảnh đường, một người ngồi trông rất oai nghiêm.

Người đó ném cả mười mấy thanh đơn đao xuống đất, kêu loảng choảng, mọi người ngơ ngác nhìn nhau.

Người lạ mới đến thân hình ốm o, người cao lều nghều, mình khoác áo trường bào sắc tro. Nét mặt ra chiều gân guốc, ngang tàng. Mọi người vừa thấy y cho ra thủ đoạn bắt cương đao, biết ngay y có bản lãnh thần xuất quỷ một nên đều kính phục, không ai dám nói câu nào.

Bỗng Ðoàn Dự mỉm cười lên tiếng hỏi:

-Huynh đài xuất thủ cực kỳ mau lẹ, võ công hẳn cao cường vào hàng tuyệt đỉnh.

Tôn tính đại danh là gì, có cho tôi biết được chăng?

Chàng sếu vườn chưa trả lời thì Vương Ngọc Yến đã bước lên, cười nói:

-Bao tam ca, tôi tưởng tam ca không trở lại nữa. Cứ khắc khoải trong lòng, ngờ đâu tam ca lại đến. Hay quá! Tuyệt quá!

Ðoàn Dự nói:

-A té ra đây là Bao Tam tiên sinh!

Bao tiên sinh lé mắt nhìn chàng nói:

-Gã tiểu tử này là ai mà dám liến thoắng trước mặt ta?

Ðoàn Dự đáp:

-Tại hạ họ Ðoàn, tên Dự, không biết quyền cước, võ công chi hết, vậy mà lăn lộn vào đám giang hồ, đến nay chưa chết, kể cũng là một sự lạ.

Bao Tam tiên sinh trừng mắt nhìn chàng một hồi, chưa biết nói gì thì Tư Mã Lâm lại xá dài nói:

-Tư Mã Lâm này ở phái Thanh Thành được tiên sinh bắt đao cứu mạng, ơn đức ấy không bao giờ dám quên. Xin Bao tiên sinh cho biết đại danh để ghi vào tâm khảm.

Bao Tam tiên sinh đảo mắt nhìn, giơ chân trái đá binh một cái. Tư Mã Lâm lộn đi mấy vòng. Tiên sinh quát mắng:

-Mi mà cũng hỏi tên tuổi của ta ư? Không phải ta định cứu mi đâu. Vì đây là nhà cô em A Châu. Nếu để cái thân thể hôi thối của mi bị loạn đao phân thây há chẳng làm cho ô uế mặt đất cái thính hương tinh xá này ư? Thôi cút đi cho mau! Tư Mã Lâm thấy Bao Tam Tiên Sinh phóng chân ra đá, toan né tránh thì đã không kịp nữa. Tư Mã Lâm bị đá lộn mấy vòng, sợ hãi vô cùng. Theo quy củ giang hồ, khi bị đòn như vậy, nếu không trở mặt coi kẻ đối phương thành kẻ cừu thù, ra tay đánh lại, quyết một trận sống mái ngay bây giờ thì cũng phải ước hẹn ngày sau sẽ trả thù, chứ không thể can tâm chịu nhục trước mặt mọi người mà nín đi cho xong được. Y làm bộ nói cứng:

-Bao Tam Tiên Sinh! Tư Mã Lâm này hôm nay bị người vây đánh, một mình không địch cả đám đông, suýt phải toi mạng, may được nhờ có tiên sinh cứu cho thoát chết. Tôi là người ân oán phân minh, ân nọ phải đền, nhục kia phải rửa. Bữa nay xin tạm biệt, sau này sẽ có ngày gặp gỡ.

Y tự biết mình dù có luyện tập thêm mấy chục năm nữa thì võ công mình quyết không thể nào kịp Bao Tam Tiên Sinh được.Câu y nói "ân nọ phải đền, nhục kia phải rửa" chẳng qua là câu nói hàm hồ để gỡ lại chút thể diện mà thôi.

Bao Tam Tiên Sinh để mặc y muốn nói thế nào thì nói, không thèm để vào tai,quay sang nói với Vương Ngọc Yến:

-Cô nương kêu ta bằng tam ca là đúng rồi đó.

Vương Ngọc Yến cười nói:

-Tôi kêu anh bằng tam ca, cái đó được lắm nhưng anh phải hứa với tôi một điều:

Bao Tam Tiên Sinh hớn hở, vui mừng hỏi lại:

-Phải hứa điều gì?

Vương Ngọc Yến đáp:

-Tam ca muốn trêu chọc, muốn sinh sự với ai thì mặc, nhưng không được trêu chọc và sinh sự với biểu huynh tôi. Chịu không?

Bao Tam Tiên Sinh cười khanh khách đáp:

-Ðược rồi! Vì nể mặt cô em gái, giả tỷ mà ta có muốn sinh sự với hắn thì cũng phải thương lượng với cô em trước chứ.

Vương Ngọc Yến cười rất tươi nói:

-Ða tạ tam ca.

Ðoàn Dự nhìn Vương Ngọc Yến tươi cười, vẻ đẹp lại càng lộng lẫy, nhưng lòng chàng cảm thấy nôn nao, đầu óc choáng váng. Chàng than thầm: "Nàng được Bao Tam hứa hẹn không sinh sự với thằng cha Mộ Dung công tử mà tỏ ra thân thiết với gã Bao như vậy. Mộ Dung Phục ơi Mộ Dung Phục kiếp trước mi đã tu hành, công đức to lớn đến thế nào mà được gian nhân đối với mi tình nghĩa thâm trọng đến thế?

------------------------------------

Mời bạn xem tiếp bộ Lục mạch thần kiếm

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play