Hồng-lăng-Ba đưa mắt nhìn chàng, tằng hắng một tiếng rồi nín thinh không đáp.

Dương-Qua quay lại Lục-vô-Song bảo:

- Khỏi cần sư đệ giúp sức, để một mình ta tranh tài cùng bọn này để làm rạng rỡ danh dự cho phái Toàn-Chân một phen. Vậy Sư-đệ cứ đứng ngoài lược trận và làm trọng tài luôn thể nhé.

Lý-mạc-Thu thấy vậy lẩm bẩm:

- ủa, té ra hai đạo sĩ trẻ tuổi này là môn đệ của Trùng-dương-Cung. Xưa nay bang Khất Cái và phái Toàn-Chân giao tình rất hậu, chẳng hiểu vì sao bọn đệ tử lại trở mặt gây sự cùng nhau đến nỗi xung đột đánh chém quyết liệt như thế này.

Dương-Qua thấy nếu để chần chờ e hai người ăn xin nói ra làm tiết lộ hình tích của Lục-vô-Song nên vội vung kiếm tấn công ngay.

Chàng xông tới, miệng réo, tay múa:

- Này hai bạn, một mình ta chấp cả hai, hãy liệu hồn mà chống cự đấy nhé.

Lục-vô-Song thấy Dương-Qua bày vẽ nhiều chuyện cũng phát bực, rủa thầm trong bụng:

- Thật thằng ngốc này khéo ba hoa, tự nhiên nhận mình là đồ đệ của phái Toàn-Chân. Sư phụ ta đâu có lạ gì kiếm pháp quyền thuật của Toàn-Chân phái mà hòng nói khoát. So qua vài thế cũng đủ cho bà nhận xét và phác giác ra chân tướng của nàng cho mà xem.

Nguyên dưới thời Nam Tống lúc bấy giờ có rất nhiều đảng phái, nhưng các giáo phái có tiếng tăm cũng không có được bao nhiêu Phái Toàn Chân là một trong chín phái quan trọng, tiếng tăm đang lừng lẫy đương thời. Nhưng nếu kể về số đông và phạm vi hoạt động thì Bang-Khất-Cái do Trương-Thiên-Sư chỉ đạo lớn hơn nhiều. Trụ sở chính của "Chính Khất-Cái" đóng tại núi Long Hổ thuộc tỉnh Giang Tây.

Giữa Toàn Chân phái và Khất-Chính-Cái có nhiều giao tình liên hệ rất mật thiết, môn đệ đôi bên rất nể nhau.

Vì vậy nên khi vừa nghe Dương-Qua tự xưng môn đệ Toàn-Chân phái, cả hai người hành khất thảy giựt mình, trong bụng đã nao núng, vội hỏi lớn:

- Mi thuộc Toàn Chân phái, nhưng ở trong Chi-Bộ nào.

Dương-Qua e rằng nếu để nói giằng dai sợ làm lộ tẩy Lục-vô-Song nên chẳng đáp nữa, dùng một ngón độc vung trường kiếm chém ngang một nhát rồi đổi thế khác đâm xóc vào bụng hai người.

Thấy đòn xuất thủ của đối phương rõ ràng là phương thức chân truyền của Trùng-Dương kiếm pháp, cả hai nghĩ thầm:

- Hai đứa mình dẫu sao cũng là hai nhân vật cao cấp của hạng tám túi, lẽ nào hùa nhau đi hiếp đáp một đạo sĩ còn non nớt theo loại đàn em hay sao?

Đang lúc phân vân tìm cách đối phó cho đứng đắn, bỗng Dương-Qua vũ động thanh kiếm, dùng toàn những thế ác liệt chém đâm tới tấp, hai người không thể nào đứng yên phải lật đật tung thiết bổng ra chống đỡ.

Nhìn bề ngoài, hai cây Thiết bổng có vẻ nhẹ nhàng nhưng thật ra rất nặng vì cây nào cũng đúc toàn bằng thép lọc vô cùng cứng rắn, trui luyện năm bảy lần.

Thế là hai cây thiết bỗng lộng lên như đôi thần long vờn sóng, thanh trường kiếm tung hoành như một đám bạch quang, soắn chặt lấy nhau, phát gió vùn vụt, rít lên nghe nhức óc, dùng toàn những thế tuyệt diệu phi thường, khiến cho những kẻ đứng xem phải bồi hồi thán phục.

Đánh một hồi lâu, hai thiết bảng dần dần yếu thế, bị lưỡi trường kiếm áp đảo rõ rệt. Hai người ăn mày vừa đánh vừa thối lui ra sau.

Dương-Qua hứng chí, dùng tư thế "liên thinh nhị cửu nhứt bái" tấn công ráo riết. Cứ một đường kiếm vừa tung ra đã biến thành hai thế, và chín đường biến thành mười tám thế, liên miên trường tận, kỳ ảo vô cùng. Đấy là một kiếm pháp tuyệt kỳ của Toàn-Chân phái được mệnh danh là "Nhất khí hóa tam thanh".

Với thế võ này, một người có thể ứng phó dễ dàng cùng ba đối thủ. Vì vậy nên hai người ăn xin không thể nào đương cự nổi, càng lúc càng lúng túng và sụt lùi ra rất xa, muốn tìm cách tẩu thoát.

Lý-mạc-Thu theo dõi trận đấu, thấy Dương-Qua xuất thủ rất tinh điệu, kiếm pháp biến ảo vô cùng phải chột dạ và nghĩ bụng:

- Toàn-Chân kiếm pháp quả danh bất hư truyền. Ngay một đạo sĩ còn nhỏ tuổi, thời gian tập luyện chưa bao nhiêu mà đã có một bản lĩnh ghê gớm như thế này thì sau đây được truyền thụ đúng mức hắn sẽ tiến bộ đến đâu nữa. Trong vòng năm mười năm nữa, tài này thế nào cũng giữ tay chương giáo Toàn-Chân và chừng ấy ta đây cũng chưa xứng là đối thủ của hắn.

Hồng-lăng-Ba và Lục-vô-Song cứ đứng ngẩn người mà nhìn theo không biết nói lời gì nữa. Dương-Qua vừa đánh vừa nghĩ thầm:

- Nếu ta để cho hai thằng này rảnh tay, chúng sẽ nói chuyện rồi vô tình phát giác chuyện bí mật cho Lý-mạc-Thu biết được thì nguy lắm. Âu là ta phải tấn công cho thật gắt để chúng không hở tay thốt được lời gì.

Chàng tung vút người ra phía sau hai đối thủ, vẹt phăng đôi thiết bảng, nhắm lưng đập tới.

Hai người thất kinh vội vàng ngồi sụp xuống tránh né. Nhưng Dương-Qua đã nhảy qua một bên tấn công liền. Chàng dùng khinh công nhảy nhót bốn phía như bươm bướm, đâm tả chém hữu, khi thiệt khi hư, khiến hai người hoa cả mắt hết thấy đường chống đỡ, mệt thở muốn hụt hơi.

Đây là lối khinh công đặc biệt luyện theo lối "Hỏa hầu" trong thế trận "Thiên cang Bắc đẩu" của Toàn-Chân phái.

Lối đánh đỡ, tấn công các mặt, dùng theo kiếm pháp Toàn-Chân, nhưng về lối thở hút, vận công thì Dương-Qua lại áp dụng theo "Ngọc-nữ tâm-kinh" của phái Cổ Mộ.

Với lối nội công và khinh công ảo điệu của Cổ Mộ phái thân pháp của Dương-Qua biến chuyển không cùng cho nên hai đối thủ càng lúc càng cảm thấy bất lực, chỉ lăm le tìm dịp để thoát thân.

Nhưng khốn nỗi làn kiếm quang của Dương-Qua loang loáng bám sát không chỗ nào hở, hai cây thiết bảng hình như bị một sức mạnh vô hình hút lấy, muốn thu lại để chạy cũng không được nữa. Cả hai thì thầm, phen này cũng đành liều với định mạng.

Một chập sau hai người ăn mày cảm thấy mắt hoa đầu váng, trời đất quay cuồng, đứng không vững nữa.

Lý-mạc-Thu thấy vậy động lòng mách nước hộ:

- Tại sao hai ngươi không đâu lưng nhau để chống cự.

Nghe nói, hai người sực nhớ lại, vội vàng xây lưng cùng nhau mà cầm cự.

Dương-Qua nghĩ:

- Con ác phụ cũng giỏi mách nước đấy. Bây giờ ta không nhảy lung tung nữa, xem bọn bay đối phó cách nào.

Nghĩ xong chàng đứng im một chỗ vung kiếm chém liên hồi.

Hai người ăn mày lâm ngay vào thế bị động, không thể nào chống cự nổi nữa bèn quay mình trốn chạy.

Dương-Qua khẽ nhún chân một cái đã đứng sát ngay bên lưng họ, cả hai cảm thấy một lần lãnh khí phía sau lưng, hình như cả thanh kiếm thép nằm ngang trên da thịt mình, hoảng hốt cuống cuồng. Nhưng Dương-Qua chỉ đuổi theo cho họ sợ chứ không dụng tâm sát hại. Chàng chỉ dùng lưỡi kiếm áp trên vai và lưng mỗi người mà thôi chứ không chém.

Biết đối phương không muốn giết mình nên hai người ăn mày mừng rỡ và yên trí dùng khinh công lao vút về phía xa, không bao lâu đã cách Lý-mạc-Thu hơn hai dặm.

Dương-Qua phi thân bay theo chận lại cười cười nói:

- Thôi đừng chạy nữa, mình là bạn với nhau cả mà.

Hai người vung thiết bảng đánh nữa. Nhưng Dương-Qua đã dùng kiếm gạt rồi đưa tay trái giật một cây ném ra phía sau. Còn cây thứ hai vừa bổ tới đã bị chàng quất mạnh một kiếm sút tay rơi xa mấy trượng. Bị mất hết vũ khí, cả hai thất kinh đành đứng lặng yên nhìn nàng.

Dương-Qua cười hề hà kiếm lời an ủi:

- Sư môn của bần đạo cùng quý Bang đã có tình giao hảo từ trước đến nay, không thể nào chỉ vì một sự nông nổi hiểu lầm nhau mà đi làm sứt mẻ hòa khí của đôi bên. Ngay giờ phút này kẻ thù nguy hiểm của quý Bang là Lý-mạc-Thu, một con ác phụ của phái Cổ Mộ đang đứng trước mặt đó, sao chúng ta không hợp nhau để trừ khử có hơn không?

Hai người tuy có nghe danh Xích-Luyện-Tiên-Tử Lý-mạc-Thu nhưng chưa rõ mặt mày ra sao, nay nghe Dương-Qua mách cũng hỏi lại:

- Có thật là hắn không? Đạo huynh đừng dối chúng tôi nhé.

Dương-Qua đáp:

- Bần Đạo đâu dấu liệt vị. Chính Bần Đạo cũng đang bị hắn bức bách không biết lối nào thoát được, phải dùng kế ra đây để cùng liệt vị bàn tính cách đối phó.

Chàng chạy lại nhặt hai cây thiết bảng, hai tay trao cho mỗi người có vẻ thân mật và kính cẩn lắm rồi nói thêm:

- Xích-Luyện-Tiên-Tử có một bảo bối vô cùng ác liệt mà khi nào hắn cũng mang theo bên mình, quý vị có biết là thứ gì không?

Một người suy nghĩ một tý và đáp:

- Theo tôi đoán có lẽ là cây "phất trần" của hắn, xâu nhạc "loan linh" trên cổ lừa, và chiếc áo "hoàng sam" có phải chăng?

Dương-Qua cười dài và nói:

- Không phải đâu! Ba món ấy đâu có gì là lợi hại, mà món bảo bối nguy hiểm nhất của hắn là lưỡi phi dao mỏng, hình cánh cung mà đệ tử của hắn dùng để phóng vào lưng một người trong quý Bang đó.

Hai người nghe nói cùng "à" một tiếng, suy nghĩ thêm một chập rồi đồng nói:

- Phải rồi, lưỡi phi đao ấy quả là lợi hại. Bây giờ chúng ta có những ba người, nên thừa dịp là lại tấn công hắn cho rồi, có gì đâu mà sợ.

Người kia cũng phụ họa theo. Nhưng Dương-Qua khoát tay nói:

- Phải bình tĩnh mà trù liệu không nên hấp tấp nông nổi mà hư việc.

Người ăn mày cãi lại:

- Tại sao lại hư việc được?

Dương-Qua nghiêm giọng từ từ nói:

- Xích-Luyện-Tiên-tử là tay lợi hại, đã lừng danh xưa nay, trên giang hồ ai cũng chạy mặt. Liệt vị tuy có bản lãnh, nhưng chưa hẳn là đối thủ của nó. Ngay như người bạn của liệt vị cũng vì ỷ tài mà bị đệ tử của hắn phóng đao gây trọng thương đấy. Cần phải cẩn thận đề phòng cho lắm mới được.

Bị Dương-Qua nói khích, người ăn mày nóng tính nổi giận vung cây thiết bảng, trợn mắt đỏ mặt hét:

- Dầu nó là Xích-Luyện-Tiên-Tử hay thứ chi chi đi nữa ta cũng quyết thử một trận cho biết sức.

Nói rồi quay mình toan bước đi.

Người kia có vẻ thận trọng hơn nghĩ bụng:

- Chỉ có một đạo sĩ trẻ tuổi này mà cả hai đứa còn cự địch không xuể huống chi là Xích-Luyện-Tiên-tử Lý-mạc-Thu! Nóng nảy hấp tấp chi gây nên tai họa cho mình mà thôi.

Việc này cần phải bàn tính thật chu đáo mới được. Nghĩ ngợi xong, người ấy kéo áo bạn lại nói:

- Không nên hấp tấp, phải tính toán kỹ đã.

Nói rồi hắn chấp tay lễ phép hướng về phía Dương-Qua nói:

- Xin đạo hữu cho biết phương danh quý tánh.

Dương-Qua đáp:

- Bần đạo họ Tát tên Hoa-Tư.

Chàng đáp rồi chắp tay bái hai người nói tiếp:

- Giờ đây xin tạm biệt, hẹn gặp nhau vào một dịp sau.

Dương-Qua vừa đi khuất dạng thì người ăn xin cúi đầu, lẩm bẩm mãi cái tên Tát-Hoa-Tư và nghĩ thầm:

- ồ, con người có cái tên xa lạ quá, nhưng bản lãnh quả thật cao cường, tài không đợi tuổi!

Hắn cố moi trong ký ức tìm xem cố nhớ lại cái tên này nhưng vẫn hoàn toàn xa lạ.

Đang lẩm bẩm một mình bỗng có người vỗ mạnh trên vai nói lớn:

- Sao mà ngây thơ vậy. Chuyện gì cứ lẩm nhẩm như người đọc kinh thế?

Người ăn mày thấy bạn phá rối câu chuyện mình đang suy nghĩ phát cáu, nhăn mặt nói:

- Cứ phá người ta hoài. Tại sao lại gọi là ngây thơ được?

Người nọ đáp:

- Chẳng phải ngây thơ sao? Kẻ tử thù đang đứng trước mặt không lo giải quyết cho rồi, để đi lẩm nhẩm một cái tên không hề quen biết. Chả ngây thơ sao?

Tuy cãi vã nhau hăng lắm nhưng rốt cuộc chẳng người nào dám đả động đến Lý-mạc-Thu.

Dương-Qua bỏ đi, nghĩ buồn cười cho hai chàng ăn mày bất tài mà nói dốc, miệng lớn lối mà nhát gan hơn thỏ. Nhớ đến Lục-vô-Song chàng bỗng lo lắng cho nàng, không biết có xảy ra điều gì bất trắc hay không.

Khi về đến nơi thấy nàng vẫn bình yên ngồi trên mình ngựa mắt hướng về phía mình có vẻ trông đợi lung lắm.

Vừa gặp nhau, Lục-vô-Song vội giục lừa chạy lại gần. Thấy chàng lộ sắc mặt vui vẻ, nàng cũng mừng vội hỏi:

- Làm gì lâu quá, để ta chờ thật sốt ruột. Sao, êm thấm tốt đẹp cả đấy chứ?

Dương-Qua mỉm cười gật đầu rồi cầm thanh trường kiếm đi lại phía Hồng-Lăng-Ba lễ phép nói:

- Đa tạ đạo hữu đã có lòng tốt cho mượn gươm để đánh bại kẻ thù.

Hồng-Lăng-Ba đưa tay tiếp nhận thanh gươm tra vào vỏ.

Thấy Dương-Qua sắp quay lưng trở lại, Lý-mạc-Thu cất tiếng nói:

- Khoan đã. Hãy chờ ta nói tý việc cần.

Lý-mạc-Thu thấy Dương-Qua bản lãnh cao cường, ngại về sau trở thành một cao thủ võ lâm, nàng không thể nào địch nổi. Chi bằng nhân lúc tài nghệ hắn chưa phát triển đúng mức, ra tay trừ phứt cho rồi để khỏi hậu họa.

Nghe hai chữ "khoan đã" Dương-Qua đoán biết cuộc sóng gió sắp xảy ra trên đầu mình, nhưng vẫn bình tĩnh đứng dừng lại, cách xa Hồng-Lăng-Ba chừng mấy thước.

Thấy chàng cố ý đứng xa mình hơn, Hồng-Lăng-Ba cười lớn nói:

- Đạo hữu bản lãnh cao kỳ mà óc nhận xét cũng tinh tường lắm.

Lý-mạc-Thu muốn thừa thế đánh cho Dương-Qua một phất trần rồi mạng, nhưng nghĩ lại mình như thế này mà đi đánh bất ngờ một đứa trẻ trong tay không binh khí thì quả là hèn hạ, nên cất phất trần vào lưng rồi hỏi:

- Trong Toàn-Chân phái, ai là sư phụ của ngươi?

Dương-Qua vừa cười vừa đáp ngay, không một chút ngập ngừng hay do dự:

- Thưa, tôi là đệ tử của Vương-Trùng-Dương chân nhân.

Dương-Qua thừa rõ Lý-mạc-Thu không thân mật mà cũng chẳng nể vì một nhân vật nào trong Toàn-Chân phái. Ngay như Khưu-xứ-Cơ đạo trưởng, có võ nghệ tuyệt luân đạo hạnh hơn người, mà nàng cũng chẳng xem ra gì huống hồ chi Xích-đại-Thông, hay Triệu-chí-Kính!

Vì nhờ Vương-trùng-Dương có nhiều liên hệ với phái Cổ-mộ và hơn nữa chính người là kẻ đã lưu truyền "Cửu âm chơn kinh" cho mình nên Dương-Qua mới nhận ẩu như vậy cho qua chuyện.

Lý-mạc-Thu nghĩ bụng:

- Thằng này tuổi chưa bao lăm, nếu xét theo lứa ấy chỉ đáng là đệ tử của bọn Doãn-chí-Bình hay Triệu-Chí-Kính, chẳng hiểu vì sao mà võ thuật quá ư tinh điệu? Cứ xem lối đánh đỡ của nó thì quả thật là từ Toàn-Chân phái xuất thân rồi.

Thấy Lý-mạc-Thu đăm chiêu suy nghĩ, Dương-Qua bỗng sực nhớ lại ngày nào mình đã cải trang chọc ghẹo Hồng-lăng-Ba, mấy phen đấu cùng Lý-mạc-Thu nữa. Nếu đứng nói chuyện lâu e bọn chúng nhận diện ra được thì phiền lắm, chi bằng kiếm cách chuồn đi cho rảnh nợ.

Nghĩ xong chàng cúi đầu bái tạ rồi nhảy lên lưng ngựa toan đi.

Nhưng Lý-mạc-Thu đã lẹ làng chuyển mình chận ngay trước mặt bảo:

- Khoan đi, ta có việc cần hỏi thêm.

Dương-Qua ngó lên nói:

- Phải cô muốn hỏi thêm tôi có gặp cô gái thọt chân, mang sách chạy về phía nào đấy chứ gì?

Lý-mạc-Thu ngạc nhiên quá, gật đầu đáp:

- Quả đúng thế. Tại sao mi đoán giỏi như vậy. Thật đáng khen. Vậy mi có thể cho biết hắn mang sách đi đâu rồi không?

Dương-Qua thong thả kể chuyện:

- Cách đây không lâu, hai anh em tôi ngồi nghỉ chân bên đường có trông thấy một cô bé chân đi khập khễnh cùng đánh nhau kịch liệt với ba tên ăn mày. Nàng đã dùng "ngân hồ phi đao" phóng trúng lưng một người. Nhưng sau đó thất bại nàng đã bị mấy tên bắt được đem đi mất rồi.

Lý-mạc-Thu vốn là người hiểm độc và bình tĩnh. Đối với nàng dầu việc gì quan trọng đến long trời lở đất vẫn cứ giữ vẻ điềm nhiên không hề cảm động. Nhưng lần này khi được biết tin Lục-vô-Song bị bọn ăn mày bắt được, cuốn "ngũ độc bí truyền" lọt vào tay Cái Bang thì nàng thấy bàng hoàng cả người, nỗi ưu tư lộ ra trên nét mặt.

Thấy mặt nàng đã tái, Dương-Qua biết câu chuyện của mình đã làm cho nàng tư tưởng xao động nên kể thêm

- Hai người có lục soát trong người nàng thấy một cuốn sách nàng nhất định giành lại, nhưng sức yếu không làm gì được. Sau đó tên cao lớn hơn chiếm sách mang đi.

Lục-vô-Song nghe chàng kể lể ngon lành như chuyện thật cũng ngắn cho tài nói láo của chú Ngốc này. Nàng nghĩ:

- Hắn quả con người có lợi khẩu hèn chi lúc đầu hắn muốn lừa gì mình cũng lầm hết!

Liếc thấy vẻ mặt Lục-vô-Song lộ vẻ ưu tư, Dương-Qua tìm cách trêu chơi:

- Này sư đệ, nghĩ cũng đáng giận nhỉ! Mình vô tình mà chứng kiến việc này, còn cô nương đây quyết tâm tìm kiếm mà tìm chẳng ra, để đến nỗi phải lê gót đi khắp bốn phương, tốn biết bao nhiêu công của mà chẳng ích gì cả.

Lục-vô-Song sợ quá chẳng dám nói gì, chỉ gắng gượng "vâng" nhỏ một tiếng rồi cúi mặt xuống ngay.

Vừa lúc đó từ phía sau núi có tiếng ngựa hí quân reo vang dậy, một đoàn quân rất đông đang rầm rập tiến về phía này, cờ xí rợp trời, cát tung đầy đất.

Đó là một đoàn quân Mông Cổ do một viên quan điều khiển đang đi về vùng này thị sát. Lúc này quân Kim không còn nữa mà quân Mông Cổ đã thay thế để cai trị toàn cõi đất Bắc.

Lý-mạc-Thu mãi lo theo dõi câu chuyện của Lục-vô-Song và cuốn sách, nào thèm quan tâm đến đám quân này. Nàng đứng tránh qua một bên nhường đường cho đoàn người ngựa kéo đi.

Đoàn kỵ binh phi như gió, cát bụi mịt mù. Bao nhiêu quân binh ủng hộ một viên quan văn nhưng cỡi ngựa cũng tài tình lắm.

Đoàn kỵ binh qua khỏi, áo quần nàng bị bụi đóng một lớp rất dày, Lý-mạc-Thu bèn dùng cây phất trần phủi bụi trên mình.

Lục-vô-Song lấm lét đứng nhìn. Cứ mỗi lần thấy chiếc phất trần giơ lên là nàng tái mặt và tưởng tượng hình như nó sắp bổ vào đầu mình.

Phủi sạch bụi xong, Lý-mạc-Thu hỏi:

- Rồi sao nữa kể thêm đi?

Dương-Qua đưa tay chỉ về phía Bắc, miệng nói tiếp:

- Mấy người ấy bắt nàng đem đi theo hướng này. Theo họ bàn tán định dẫn về Đồng Quan thì phải.

Nghe xong Lý-mạc-Thu gật đầu có vẻ bằng lòng và tươi cười nói:

- Cám ơn chú lắm. Chính ta là Lý-mạc-Thu, sư phụ của cô gái ấy đây. Thiên hạ thường gọi ta là Xích-Luyện Tiên-Tử hoặc Xích-Luyện Mã-đầu. Chú em có nghe danh hiệu ấy bao giờ chưa?

Dương-Qua giả bộ suy nghĩ một chặp rồi lắc đầu nói:

- Dạ chưa hề nghe bao giờ. Nhưng có một điều tôi không phục là vì như tôi thấy Cô-nương đẹp lắm.

Danh từ-tiên-tử dùng để gọi cô thì thật là xứng đáng. Nếu dùng tiếng mã-đầu quả không đúng một tý nào hết.

Xưa nay Lý-mạc-Thu vẫn chú trọng việc giữ gìn thân thể và sắc đẹp, vì vậy cho nên tuy tuổi đã quá năm mươi, nhưng da dẻ nàng vẫn hồng hào, thân hình đầy đặn, nét mặt xinh tươi đẹp đẽ không kém một phụ nữ ba mươi. Chính Lý-mạc-Thu cũng tự hào nhan sắc của mình đã giúp mình trẻ gần một nửa số tuổi đã có.

Nay được Dương-Qua tán dương mình đẹp thật chẳng khác nào đã gãi nhắm chỗ ngứa, cho nên nàng khoái chí lắm và có cảm tình cùng chàng ngay.

Nàng vui vẻ hân hoan vô cùng, tay cầm chiếc phất trần phẩy nhẹ một cái và hỏi Dương-Qua.

- Chú em xưng mình là đệ tử Vương-trùng-Dương chân nhân lẽ ra ta cho nếm một cây phất trần để bỏ bớt tánh nói dóc, nhưng ta cũng thương tình tha cho một bận. Tuy nhiên ta muốn dùng phất trần để chỉ điểm cho chú vài ngón, có bằng lòng không?

Dương-Qua lắc đầu lia lịa đáp:

- ồ, không nên đâu. Bình sinh bần đạo không bao giờ muốn tranh chấp với bọn hậu bối như cô.

Lý-mạc-Thu nổi giận nói:

- Thằng này hết muốn sống sao mà dám gọi ta là hậu bối?

Dương-Qua đáp:

- Sư phụ tôi là Vương-Trùng-Dương chân nhân, cùng vai vế với Sư-Tổ của cô là Lâm-Triều-Anh, như vậy so với tôi, cô há chẳng phải là kẻ hậu bối hay sao?

Lý-mạc-Thu căm giận cành hông nhưng cố giữ vẻ điềm tĩnh bảo Hồng-Lăng-Ba:

- Mi cho hắn mượn lại thanh kiếm.

Dương-Qua vội gạt đi:

- Khỏi cần, khỏi cần mượn!

Nhưng Hồng-Lăng-Ba đã rút gươm ra. Thình lình nghe rắc một tiếng khô khan, lưỡi gươm đã gãy lìa làm đôi nằm nguyên trong vỏ, chỉ còn một cái cán không trên tay mà thôi.

Hồng-lăng-Ba ngạc nhiên quá nhưng cũng đoán được là Dương-Qua chơi nghịch bấm trước vào lưỡi gươm khiến cho khi rút mạnh bị gãy hai làm nàng không có vũ khí để sử dụng nữa.

Thấy Lý-mạc-Thu giận tái cả mặt, Dương-Qua nhanh nhảu nói:

- Này, thật tâm bần đạo không bao giờ muốn hạ thể đi đánh nhau với bọn hậu bối. Nhưng thấy hai thầy trò người thiết tha van nài, bần đạo đồng ý chỉ dùng tay không cho người đánh thử ba phất trần.

Nếu sau ba ngón đó mà không làm gì bần đạo được thì phải rút lui đi cho rảnh mắt. Hễ đánh thêm một cái thứ tư nữa thì bần đạo không thể tha thứ được đâu nhé.

Dương-Qua muốn dùng đòn tâm lý, lấy lời lẽ đạo mạo nói chuyện để cho nàng nể nang mà rút lui đi chăng. Không ngờ Lý-mạc-Thu tự tin nơi tài nghệ mình và cho rằng chỉ một vài cái phất trần cũng đủ hạn hắn rồi, đâu cần phải ra tay đến lần thứ ba nữa.

Nghĩ vậy nên nàng nói lớn:

- Hay lắm, nếu tiền bối đã muốn như vậy, hậu bối xin ra tay trình bày tài mọn.

Dương-Qua nói:

- ừ, cứ tự nhiên, không sao.

Thế là một luồng sáng bạc vung lên, không biết bao nhiêu là phất trần loang loáng đập vào mình chàng như bươm bướm.

Lý-mạc-Thu đã dùng ngay thuật "Võ khổng bất nhập", một tuyệt ký lợi hại nhất trong lối đánh phất trần. Cứ một ngón đánh ra, liền thành muôn ngàn ngón khác, bao phủ khắp người địch thủ, không biết đâu mà chống đỡ nữa. Ngoài ra, nàng còn nhắm điểm luôn cả ba mươi sáu yếu huyệt của Dương-Qua.

Thì ra trong lúc đứng ngoài xem chàng đánh nhau với hai tên ăn mày tám túi, Lý-mạc-Thu đã ngán cái bản lãnh cao cường của Dương-Qua rồi, không dám coi thường chàng nữa. Khi ra tay nàng đã dùng thế võ hiểm ác nhất để hạ sát ngay cho rồi.

Dương-Qua tiền khai khinh công tránh né nhưng lanh lẹ mấy cũng không kịp nữa. Nhảy bên trái thì bị trúng bên phải, bước tới trước bị điểm sau lưng, trong nháy mắt đã bị điểm trúng nhiều yếu huyệt, thân thể tê rần, tay chân rúng động.

Chàng hoảng kinh, vội vàng lộn đầu xuống đất đưa chân lên trời theo phương pháp "trồng chuối" của dưỡng phụ Âu-dương-Phong đã truyền thụ. Hai tay chống đi lanh như tên bắn.

Nhờ lối này nên máu chảy lộn ngược, các đường huyệt đạo tự động khai phúng, thân thể trở lại bình thường như trước.

Lúc cảm thấy trong người hết tê tái vận động được tự nhiên. Dương-Qua đứng dậy như cũ.

Lý-mạc-Thu thấy Dương-Qua đã bị điểm huyệt nhưng không hề bị ảnh hưởng tý nào thì ngạc nhiên quá. Nhưng nàng nghĩ bụng:

- Mày đã giỏi, ta sẽ điểm luôn cả bảy mươi hai yếu huyệt khắp người xem mày có khỏi chết được không?

Thừa lúc nàng đang do dự, Dương-Qua bất ngờ đưa tay điểm "ủy trung" của nàng.

Lý-mạc-Thu vội vàng né tránh và nghĩ bụng:

- Theo thuật điểm huyệt "tam vô tam bất thủ" của ta vừa dùng thì địch thủ nhất định phải bị mù mắt, nghẹn họng và bủn rủn tứ chi, chẳng hiểu vì sao thằng oắt con này vẫn không bị ảnh hưởng gì hết cũng lạ.

Thật ra Lý-mạc-Thu ngạc nhiên là đúng. Vì trong đời nàng đã trải qua biết bao nhiêu lần tranh tài cùng các võ lâm cao thủ, sát hại biết bao nhiêu mạng, bách chiến bách thắng, làm chấn động quần hùng, không ngờ hôm nay thế võ hiểm ác nhất lại vô hiệu lực đối với một đạo sĩ tuổi chưa quá hai mươi.

Đang lúc Lý-mạc-Thu đang hoang mang ngơ ngẩn như vậy, Dương-Qua đã xuất thần vận dụng nội công há miệng dùn mình một cái lanh như chớp đứng thẳng người lên lao lại đớp ngay cây phất trần vào miệng, giật phắt khỏi tay nàng.

Thật là một chuyện bất ngờ hi hữu.

Nguyên thuật này vốn của Âu-dương-Phong truyền lại. Ngày xưa trong dịp luyện kiếm trên đỉnh Hoa-Sơn, Âu-dương-Phong đã áp dụng thuật này cắn đứt ngón tay của Hoàng-dược-Sư.

Hôm nay Dương-Qua cũng nhờ ngón ấy cướp được cây phất trần của Xích-Luyện-Tiên-Tử khiến cho bao nhiêu thành tích chiến thắng trước đây của nàng đã tiêu tan theo mây khói.

Thật là một điều ngoài sức tưởng tượng của mọi người! Hồng-lăng-Ba thất kinh la lên một tiếng, lúng túng chưa biết nên xử sự ra sao thì Lý-mạc-Thu vẫn giữ bình tĩnh tung Xích-luyện thần chưởng ra để cướp lại cây phất trần.

Trong lúc sắp tung thần chưởng Lý-mạc-Thu bỗng "ồ" lên một tiếng, rồi la lớn:

- Té ra là mi! Còn sư phụ của mi đâu rồi?

Trong lúc đánh nhau, mồ hôi ra nhiều làm trôi hết mực và cát bụi trên mặt của Dương-Qua, nên Lý-mạc-Thu nhìn thấy nhận diện được ngay.

Đồng thời Hồng-lăng-Ba cũng nhận ra Lục-vô-Song và la lớn:

- Sư muội đây rồi, sư phụ ơi!

Dương-Qua lanh như chớp, dùng khinh công phóc lên lừa của Lục-vô-Song ngồi ngay phía sau lưng nàng rồi vung tay phóng mấy mũi ngọc phong châm vào lừa của Hồng-lăng-Ba.

Lý-mạc-Thu giận lắm xông đến tấn công ngay.

Dương-Qua nhẹ nhàng nhảy xuống đất, dùng cây phất trần phe phẩy về phía sau gọi lớn:

- Cô hãy chạy theo tôi mau.

Miệng nói, tay giắt lừa chạy tới.

Khi lừa chạy có trớn rồi, Dương-Qua lại tung mình nhảy lên ngồi lại chỗ cũ. Lục-vô-Song giật cương, lừa tung bốn vó phi đi như bay, Dương-Qua cứ dùng phất trần hươi về phía sau, nửa để tự vệ, nửa để trêu tức.

Thuật khinh công của Lý-mạc-Thu đã đến mức cao siêu, dẫu xa cách một vài dặm đường cũng có thể đuổi kịp trong chốc lát. Hôm nay vì sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến cho nàng rủ chí, hết tin tưởng nên chẳng muốn làm gì hơn là đuổi theo cầm chừng cốt để thu hồi được cây phất trần lại mà thôi.

Con lừa của Hồng-lăng-Ba vừa bị trúng ngọc phong châm đau quá lồng lên đạp đá lung tung rồi đến ngay trước mặt Lý-mạc-Thu cất bốn vó lên trời mồm rống lên rất quái gở.

Lý-mạc-Thu phát cáu trợn mắt nạt Hồng-lăng-Ba:

- Bây giờ mi lại làm cái trò gì lạ vậy?

Hồng-lăng-Ba thưa:

- Chẳng hiểu vì sao hắn trở chứng lồng lên la hí như thế này, đệ tử đã ghìm cương hết sức mà không được.

Nói xong nàng vội nắm cả bờm nó ghì lại. Con lừa nhảy tung lên mấy cái rồi ngã đùng trên mặt đất ném Hồng-lăng-Ba nhào theo.

Bị té bất ngờ, Hồng-lăng-Ba gọi lớn:

- Sư phụ ơi, xin chờ con với.

Lý-mạc-Thu phải dừng lại chờ. Nhờ phút rắc rối này. Dương-Qua cùng Lục-vô-Song đã chạy thoát được một đoạn khá xa.

Cứ chạy mãi một hồi lâu nữa hai người quay đầu nhìn lại chẳng thấy thầy trò Lý-mạc-Thu đuổi theo cũng hơi yên bụng.

Lục-vô-Song hỏi:

- Này cậu, ta lo quá, không biết có tẩu thoát được lần này nữa không?

Dương-Qua làm thinh nhảy xuống lừa, áp tai trên mặt đất nghe ngóng rồi đáp:

- Không nghe thấy vó ngựa đuổi theo nữa, bây giờ mình có thể đi chậm hơn, khỏi lo lắm.

Hai người cứ buông cương cho lừa đi nước kiệu đều đều.

Lúc bấy giờ Lục-vô-Song mới hỏi:

- Ngốc giỏi quá! Làm sao mà cướp được cả cây phất trần của sư phụ mình như vậy?

Dương-Qua cười hì hì đáp:

- Tôi cứ làm cho nàng sướng mê lên rồi bất ngờ cướp lấy chứ có gì khó đâu!

Lục-vô-Song ngạc nhiên hỏi nữa:

- ô, sao lại có thuật làm cho người ta sướng mê lên được. Hay quá nhỉ. Vì cậu đẹp trai chăng?

Nàng hỏi xong thấy nóng bừng cả mặt, đôi má đỏ hây hây.

Dương-Qua khoác tay đáp:

- Bí mật không nói. Thật ra tôi chỉ biết cô nàng cứ ngó sững mình hoài. ấy chết, nói nữa e có kẻ nổi ghen lên bây giờ.

Lục-vô-Song đấm vào đùi chàng nói:

- Cóc khô! Ai thèm! Bộ ngon lắm sao?

Cho lừa đi chầm chậm một chập để dưỡng sức, hai người sợ Lý-mạc-Thu đuổi theo nữa nên cho phi nhanh trở lại.

Chẳng bao lâu núi rừng đã chìm đắm trong màn sương chiếu trắng đục, ánh hồng chỉ còn le lói trên ngọn cây, chim rừng kêu nhau về tổ, bóng hoàng hôn sắp trùm lên vạn vật.

Dương-Qua nói:

- Bây giờ trời đã tối, miệng đã khô, bao tử trống trơn, cửa nhà không có, tính liệu sao đây?

Lục-vô-Song đáp:

- Cậu muốn gì cứ nói ra chứ hỏi làm gì cho lắm chuyện.

Dương-Qua nói:

- Nếu không bận tâm về chú lừa này, bọn mình tìm bụi nào kín đáo ngủ đỡ một đêm cũng xong.

Lục-vô-Song đáp:

- Chỉ có bọn mọi man rợ mới đi ngủ núi nằm rừng mà thôi.

Dương-Qua làm thinh. Hai người cứ cho lừa đi bước một trong đêm tối. Chẳng bao lâu tới một thôn trang nhỏ, ngay ở đầu thôn có buộc một đoàn ngựa rất nhiều, có hàng trăm con. Ngựa này của quân Mông Cổ vừa đi ngang vùng này ban sáng và hình như tạm nghỉ chân lại một vài hoom.

Dương-Qua bảo Lục-vô-Song:

- Cô tạm ở đây coi chừng lừa, tôi vào xóm xem xét tình hình thế nào rồi ra ngay nhé.

Nói rồi xăm xúi đi thẳng vào làng.

Nơi phía đầu làng có một tòa nhà rất lớn, tuy đóng cửa, bên trong đèn đuốc thắp sáng, chiếu ra ngoài qua các khe cửa.

Dương-Qua rón rén lại gần, nhón chân ghé mắt nhìn qua kẽ hở của cánh cửa sổ, thấy bên trong có một viên quan Mông Cổ ngồi xây lưng ra ngoài, chàng nghĩ bụng:

- Ta bắt cóc người này lợi hơn là đoạt ngựa.

Vừa khi ấy viên quan nọ đứng dậy đi đi lại lại trong phòng hình như đang suy nghĩ điều gì quan trọng.

Nhìn nét mặt thì y hãy còn trẻ lắm, tuổi độ ba mươi thôi, nhưng xem dáng điệu và lối ăn mặc, thì có vẻ một vị quan lớn lắm.

Chờ cho người ấy ngồi lại chỗ cũ xoay lưng về phía mình, Dương-Qua chuyển lực vào hai cánh tay bẻ cong mấy thanh sắt nơi cửa sổ rồi phóng người vào, đưa tay chụp lấy lưng hắn.

Vị quan này tuy nhỏ tuổi nhưng cũng có bản lãnh. Vừa nghe tiếng gió phía sau hắn đã cúi sạp mình tới trước né tránh, khiến cho Dương-Qua chụp hụt vào không khí, hắn bỗng xoay mình lại, xòe hai bàn tay như cặp vuốt chim ưng, chộp lấy Dương-Qua.

Thấy y xuất thế "thần ưng vỗ kiếm" một thế võ lợi hại, Dương-Qua vội vàng nghiêng qua một bên và trong bụng khen thầm chẳng ngờ một viên văn quan mà cũng khá thạo về võ nghệ.

Viên quan ấy bước tới chụp luôn mấy cái nữa nhưng không kết quả gì.

Nguyên lúc còn thơ ấu, viên quan này có gặp một dị nhân dạy cho thế võ "thần ưng vỗ kiếm" nên lấy làm tự hào, dùng đó làm món nghề hộ thân. Chẳng ngờ hôm nay đưa ra ngón một mà chụp hoài không trúng được đối phương nên y lộ vẽ lúng túng, đứng yên một chỗ đưa mắt nhìn người lạ mặt lộ vẻ sợ hãi.

Dương-Qua thấy y cứ loay hoay và dùng mãi chỉ có một thế võ đó nên phi thân lên trên cao, đưa tay nắm trúng bả vai viên quan, trừng mắt bảo:

- Hãy im lặng. Muốn sống quỳ xuống ngay.

Viên quan cảm thấy trên vai nặng chĩu như có một tảng đá nặng ngàn cân, buộc lòng phải quỳ xuống theo lệnh của đối phương nhưng lòng căm tức muốn ói mật.

Dương-Qua xem sắc diện y tái mét lộ vẻ căm phẫn cực độ, e rằng có thể vì quá phẫn uất lên mà chết mất, nên đưa tay điểm nhẹ một huyệt cho máu huyết lưu thông.

Viên quan cảm thấy trong người đã thư thái nhẹ nhàng, dễ chịu hơn trước nên đứng thẳng dậy, mắt nhìn trừng trừng vào Dương-Qua, nghiến nàng hỏi:

- Ngươi là ai, dám vào nơi đây hành hung như vậy?

Thấy người này nói giọng Hán rất trôi chảy, không ngượng nghịu líu lo như phần đông người Mông-Cổ khác nên cười khà khà hỏi lại:

- Còn chú mi tên chi, hiện đang giữ chức vụ gì, từ đâu lại đây?

Người ấy nổi nóng xung tới thoi nhầu vào ngực Dương-Qua. Chàng chỉ sẽ đưa tay gạt qua một bên rồi ôn tồn nói nhỏ:

- Chú ni đã thọ thương nơi vai rồi, phải liệu lấy, đừng làm phí sức khỏe lắm mà chết không kịp ngáp.

Người ấy trợn mắt đáp:

- Mi đừng nói nhảm, ta mạnh khỏe như thường, chẳng bị thương tích nào cả.

Dương-Qua nói thêm:

- Mi chưa cảm thấy đó thôi. Nhưng bây giờ vai đã bắt đầu ê ẩm rồi đó.

Quả nhiên viên quan ấy thấy hai đầu vai đã tăng tăng như bị kiến cắn, biết không phải chuyện nói đùa nên lật đật trật áo ra xem thử nơi mỗi vai có một vết đỏ ửng như bị kim châm.

Y đoán chắc người này đã dùng ám khí chém nơi vai mình khi nãy, nên bốc giận phừng phừng nhưng không dám nặng lời, chỉ hỏi lại:

- Ngươi dùng loại ám khí gì đâm ta như vậy? Có độc lắm không?

Dương-Qua mỉm cười đáp:

- Té ra chú mi chẳng hiểu tý gì về ám khí cả sao? Như thế mà cũng xưng võ nghệ với ai? Chú mi há chẳng nghe tục ngữ trong võ lâm thường nhắc: "ám khí nặng không độc, ám khí nhỏ mới có nhiều chất độc", nguy lắm chứ.

Nhìn thấy nét mặt của viên quan trẻ tuổi từ hồng hào sang tái xanh, môi mép lợt lạt, Dương-Qua biết y sợ hãi đến cực độ nên dùng cây bút lấy trên bàn khẽ chỉ vào hai vết đỏ mà giải thích thêm:

- Hai đấu này là do kim châm của ta đã điểm vào khi nãy. Cứ một ngày chất độc lan ra bám đen thêm một tấc. Cứ thế mãi, đúng sáu hôm, chất độc sẽ thấm vào tim, thế là hết sống.

Viên quan thất kinh hồn vía, muốn lạy dài nhờ ơn cứu mạng nhưng vốn bản chất quan liêu còn quá nặng không chịu nhún mình năn nỉ, đưa tay chỉ mặt chàng nói rằng:

- Nếu ta bỏ mạng thì quyết không để mi sống sót. Thà cả hai cùng thác một lần, phen này ta quyết thí mạng cùng mi.

Nói rồi xông đến toan hành hung.

Vừa lúc ấy một giọng quát lanh lảnh từ bên ngoài vọng vào:

- Thằng Mông-Cổ khốn nạn Gia-luật-Tấn kia, quan gia chi mi mà múa mỏ. Biết điều mau mau ra đây nộp mạng cho rồi.

Viên quan ấy vừa nghe gọi tên mình vừa quay đầu ngó ra bỗng đâu có từng loạt ám khí từ ngoài cửa sổ bắn vào ào ào như mưa tuôn gió thổi.

Trước một cơn mưa ám khí ào ạt bay mau như chớp nhoáng viên quan này dẫu có tài giỏi bao nhiêu cũng khó bê tránh khỏi.

Tức thì Dương-Qua vung tay áp dụng thuật "mưa hoa khắp trời" một tuyệt kỹ trong "Ngọc nữ tâm kinh" đánh bạt bao nhiêu ám khi rơi xuống đất leng keng như một đám đinh, cứu thoát được mạng hắn.

Ngay lúc đó bên ngoài có tiếng người nói:

- Khá lắm, các hạ tài nghệ quá đáng phục, vậy xin hẹn gặp gỡ một ngày gần đây. Bây giờ xin tạm biệt.

Kế đó có tiếng lanh lảnh của một nữ lang bảo nhỏ:

- Thôi chúng ta đi cho rồi.

Dương-Qua cười lớn:

- Kẻ nào có giỏi thì vào đây, xuất đầu lộ diện, trình bày tên họ xem nào. ẩn nấp như vậy đâu phải là hào hiệp.

Chẳng có tiếng người đáp lại, kế đó trên mái ngói nghe rào rào, hình như có ba người từ cửa sổ phi thân lên nóc nhà chạy đi nơi khác.

Dương-Qua lắng tai nghe tiếng chân bước trên mái ngói có vẻ nặng nề, nên nghĩ bụng:

- Đây là những hạng tầm thường võ công còn thấp kém, chẳng thèm để ý làm chi cho bận lòng.

Cũng nên nói thêm về thuật "mưa hoa khắp trời". Đó là một phương pháp tuyệt diệu dùng ám khí. Người giỏi thuật này có thể đồng thời tung ra thật nhiều ám khí để đánh rơi những ám khí của đối phương. Đây chỉ là một ngón bí truyền trong "Ngọc nữ tâm kinh" mà Dương-Qua đã học được trên võ lâm chưa một kẻ nào biết đến.

Ngoài ra, Dương-Qua đã luyện đến mức tinh diệu hơn là một tay phóng ra, một tay có thể thu hồi ám khí trở lại được.

Mấy lúc nay tuy đã tập luyện tinh thục nhưng Dương-Qua chưa bao giờ đem ra thực hành. Hôm nay vì thấy đối phương ném vào quá nhiều ám khí nên chàng phải buộc lòng thí nghiệm lần đầu tiên. Không ngờ kết quả đạt được đã ngoài sức tưởng tượng.

Tuy thích chí về sự thành công của thuật này nhưng Dương-Qua sực nghĩ lại và trong lòng rất áy náy. Chàng nghĩ.

- Quan quân Mông Cổ đứa nào cũng là phường hại dân cướp nước. Hôm nay có người muốn giết nó thì kẻ này nếu không người đông đạo, ít ra cũng là hạng yêu nòi thương nước. Ta vì hăng hái nhất thời đã đánh lại người đồng ý chí để cứu bọn Mông Cổ, quả thật là bậy.

Viên quan này đâu biết ám khí của ai, thấy Dương-Qua vung tay thì cứ đinh ninh rằng chàng cố hạ mình nên tức giận cúi xuống lượm những mũi phi tiêu, tên sắt, đạn, rơi rớt khắp nền nhà, nhắm người Dương-Qua liệng đại.

Dương-Qua khinh thường không tránh né, ngồi yên đưa tay bắt hết không sót một mũi nào. Khi Gia-luật-Tấn dừng tay, chàng hét lớn:

- Hãy coi chừng kẻo chết đấy.

Tức thì hàng mấy chục thứ ám khí đủ loại như phi đao, thiết tiễn, thiết đạn, kim tiêu, loang loáng như sao sa, bay vun vút về phía Gia-luật-Tấn, chỗ nào cũng có.

Gia-luật-Tấn quá hoảng hốt lật đật co giò nhảy trái ra sau, va lưng vào vách một tiếng ầm, đứng khựng lại đó không cử động nổi. Y len lét đưa mắt nhìn lại thấy bao nhiêu ám khí đếm ghìm chặt vào vách, sát bên da mình, nên kinh hoàng vội nghĩ:

- Trời ơi, người này tài quá! Nếu va cố tình giết ta thì đâu có khó gì. Chỉ xem vị trí các ám khí cũng đủ thấy mạng mình tùy thuộc nơi va rồi.

Nghĩ xong, y để nguyên mũ áo, sụp xuống sáp đất lạy dài, miệng nói:

- Người thật là bậc anh hùng quán thế. Tôi xin hoàn toàn bái phục.

Dương-Qua tuy bản lãnh cao cường, nhưng từ bé đến lớn trải qua nhiều cảnh đoạn trường, chỉ bị hà hiếp bức sách hơn là được ca ngợi tán tụng. Hôm nay bỗng nhiên được một quan viên cao cấp lay mình sát đất và ngỏ lời khen tặng thì thấy phơi phới trong lòng, cất tiếng cười khoan khoái lắm.

Gia-luật-Tấn lễ phép hỏi:

- Xin đại nhân cho biết quý tánh đạo danh để nhớ ơn muôn thuở.

Dương-Qua đáp:

- Tôi họ Dương tên Qua. Ông có phải tên thật là Gia-luật-Tấn hay không? Hiện nay ông đang giữ chức tước gì của triều đình Mông-Cổ.

Nguyên Gia-luật-Tấn là con trai của Gia-luật-Sở-Tài, đương kim Thừa tướng của vua Mông Cổ.Gia-luật-Sở-Tài đã có công giúp vua Thái-Tồ nhà Nguyên là Thành-Cát-Tư-Hãn, và sau giúp vua Nguyên-Thái-Tôn là Oa-Khoát-Thai, thứ nam của Thành Cát-Tư-Hãn, chiến công hiển hách, vang danh thiên hạ suốt hai trào.

Gia-Luật-Tấn nhờ oai danh của phụ thân cho nên mặc dầu còn trẻ tuổi đã được làm chức Biện-Lương Kinh-Lược-Sử. Hôm nay Gia-Luật-Tấn lên đường đi Biện-Lương, thuộc xứ Nam-Hà để phó nhiệm.

Y lần lượt kể hết gốc tích của mình cho Dương-Qua nghe.

Dương-Qua xuất thân hàn vi, từ nhỏ đến lớn trong núi học võ, đâu có am hiểu ngoài đời, cho nên chẳng hiểu chức Biện Lương Kinh-Lược-Sứ là chức chi, lớn hay nhỏ, nhưng vẫn làm bộ thạo đời, gật gù lia lịa, miệng khen:

- Hay lắm, tốt lắm!

Gia-Luật-Tấn lễ phép hỏi:

- Thưa Dương anh-hùng, chẳng hay kẻ hạ quan này có làm điều chi xúc phạm đến Dương anh-hùng, xin vui lòng chỉ dạy cho.

Dương-Qua cười dài đáp:

Chẳng có gì xúc phạm hết.

Nói dứt lời đã lao mình qua khung cửa sổ đi mất.

Gia-Luật-Tấn vội vàng chạy theo kêu với thật lớn:

- Dương anh-hùng sao mà gấp vậy?

Nhưng tiếng gọi vang đi không lời đáp lại. Hình bóng Dương-Qua đã biến mất trong bóng tối của màn đêm.

Gia-Luật-Tấn vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, băn khoăn suy nghĩ:

- Người này đi đâu không chừng, gốc gác chẳng rõ, không biết vì sao đến đây? Bây giờ bỏ đi rồi, làm sao chữa cho hết chất độc của kim châm đang thấm vào cơ thể của mình đây. Thật là nguy hiểm quá!

Đang vẩn vơ lo nghĩ bỗng có hai bóng hiện ra trên cửa sổ. Dương-Qua đã trở lại, có dắt thêm một người nữa.

Gia-Luật-Tấn mừng như người bắt được của, hớn hở nói:

- May quá ngài đã trở lại. Tôi đang nóng ruột chờ ngài đây.

Dương-Qua chỉ Lục-vô-Song giới thiệu:

- Đây là người chị dâu của tôi. Ông xem có hạp nhãn không?

Lục-vô-Song xấu hổ nạt lớn:

- Sao ăn nói bậy bạ vậy?

Vừa nói nàng vừa đưa tay tát mạnh vào miệng Dương-Qua.

Chàng không tránh né, đứng yên hứng nhận cái tát nghe bốp một tiếng, in dấu bàn tay rõ ràng lên mặt.

Gia-luật-Tấn chưa biết giữa hai người ai hơn ai kém, nhưng có lẽ nàng này có bản lãnh hơn nên mới hành động lỗ mãng như vậy. Y cứ đứng nhìn hai người không dám nói năng một lời nào.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play