Đến đây, chúng ta cũng cần biết nguyên nhân nào đã thúc đẩy các đồ đệ của môn phái Toàn-Chân phải đấu bước giang hồ.
Số là, Xích-Luyện Tiên tử Lý Mạc Thu từ khi đả thương một số người ở miền Giang-Nam, Hồ-Châu, tự thấy mình kết oán, gây thù sâu sắc, nên chuyển bước sang đất Sơn Tây. Tại đây, Lý Mạc Thu vẫn không bỏ tánh háo chiến. Nàng đả thương một số anh hùng hào kiệt ở Tấn Bắc, làm cho các thủ lãnh trong giới giang hồ đều căm phẫn. Họ kêu gọi các môn phái hợp tác nhau để khử trừ cho được Lý Mạc Thu.
Toàn-Chân là một môn phái có hạng trong thiên hạ, bấy giờ do Mã-Ngọc, Khưu-xứ-Cơ lãnh đạo. Hai vị nầy thấy Lý Mạc Thu lắm điều tội lỗi, song khổ nỗi nàng lại ở trong môn đồ của Vương-trùng-Dương vị Tổ sư của họ, nên chẳng biết làm thế nào hơn là đóng vai trò trung gian hòa giải, tìm cách cho Lý Mạc Thu cải tà quy chánh.
Bây giờ, Lưu-xứ-Huyền và Tòa-bất-Nhị liên hiệp nhau ở phía Bắc. Lý Mạc Thu chẳng kể ai vào đâu cả, coi đời bằng khóe mắt, nghe tin họ liên hiệp để chống lại mình, liền mò đến đánh. Trước sau Lý Mạc Thu đã hạ Lưu và Tôn hai trận liên tiếp.
Sau này Khưu-xứ-Cơ và Vương-xứ-Nhất, hai tay cao cường trong Toàn-Chân phải đến ứng chiến. Lý Mạc Thu khôn ngoan tự thấy một mình không thể đánh nổi số đông, liền dùng lời lẽ ôn tồn làm cho Khưu và Vương bị khích động không thể tham chiến. Nàng hẹn với Khưu và Vương sẽ tỉ thí với nàng ở một nơi khác.
Ngày thứ nhất, tỉ thí với Tôn-bất-Nhị, Lý Mạc Thu
đã dùng kim độc phóng vào huyệt "thân thượng" của đối phương. Sau đó nàng lại cho người mang thuốc đến giải trừ.
Hành động ấy khiến cho Khưu-Vương hai người không rõ tâm tánh của Lý Mạc Thu ra sao cả.
Phàm trong nguyên tắc võ lâm, kẻ đã cứu đối thủ không thể coi như kẻ thù được.
ấy vậy các tay thủ lãnh đến hợp tác với Tôn-bất-Nhị thấy vậy đều mỉm cười chua chát rồi rút lui không tham chiến nữa.
Cũng may, Khưu-xứ-Cơ và Vương-xứ-Nhất tự thấy mình chưa phải là lúc ứng chiến với Lý Mạc Thu nên mới trở về kịp Trùng-Dương-cung cứu nguy cho Xích-đại-Thông.
Nhắc lại, Tiểu-long-Nữ lúc ra khỏi Trùng-Dương điện, một tay bồng xác Tôn bà một tay bồng Vương-Qua, khinh thân thẳng về Hoạt-tử-Nhân mộ đài một mạch.
Nàng đặt xác Tôn bà lên giường nàng ngủ thường ngày, còn nàng thì ở trên ghế trường kỷ chống tay thẫn thờ suy nghĩ.
Dương-Qua ôm xác Tôn bà khóc sướt mướt không thôi. Một lúc lâu Tiểu-long-Nữ mới nói:
- Đàng nào Tôn bà cũng đã chết, khóc mãi chẳng ích gì? Bây giờ mi khóc Tôn bà như thế, ngày mai mi chết có ai khóc cho mi chăng?
Nghe Tiểu-long-Nữ nói những câu lạnh nhạt như vậy, Dương-Qua không hiểu gì cả buồn rầu hơn, và càng khóc to hơn nữa!
Tiểu-long-Nữ nói:
- Thôi ta đi an táng Tôn bà đây. Mi hãy theo ta.
Nói dứt lời, nàng bước đến bồng xác Tôn bà đi về phía Tây. Dương-Qua lấy vạt áo chùi nước mắt bước theo.
Đường trong mộ đài tối lờ mờ, ánh sáng bên ngoài rọi vào yếu ớt. Dương-Qua phải chú mục vào màu trắng của xiêm y Tiểu-long-Nữ để nối gót.
Hai người đi quanh co một lúc thì đến một con đường hầm tối đen như mực. Con đường hầm đó dẫn đến một cánh cửa bằng đá Tiểu-long-Nữ đưa tay đẩy cánh cửa thì bên trong lộ ra một căn phòng cũng bằng đá, và tối om. Nàng rút trong bọc ra lấy một viên đá lửa đập vào một tảng đá. Bùi nhùi nàng đã chuẩ bị sẵn. Lửa bén vào, cháy bùi nhùi tỏa ánh sáng tạo thành một màu kinh dị.
Tiểu-long-Nữ thắp một ngọn đèn dầu đặt giữa căn phòng.
Nhìn bốn phía Dương-Qua cảm thấy trong người ớn lạnh.
Đó là một căn phòng rộng, trống rỗng, trơ trọi có năm cái quan tài bằng đá.
Nó nín hơi lấy can đảm đưa mắt nhìn về năm cỗ quan tài ấy thì thấy hai cái đã có nắp đậy kín, còn ba cái nắp đậy hở.
Nó ngơ ngẩn tự hỏi:
- Chẳng biết trong ba cỗ quan nắp hở nầy đã có xác người chết hay chưa.
Tiểu-long-Nữ đưa tay chỉ chiếc quan tài bên trái nói:
- Sư phụ phu nhân an giấc ở chỗ này.
Rồi nàng lại chỉ vào cái quan tài bằng đá thứ hai, nói:
- Còn sư phụ an giấc ngàn thu ở chỗ này đây.
Tiếp đó, nàng lại đưa tay chỉ vào chiếc quan tài thứ ba.
Dương-Qua lòng ngờ ngợ, chẳng biết Tiểu-long-Nữ sẽ bảo ai an giấc trong đó. Nhìn nắp quan tài chưa đậy, nó chẳng biết có xác chết nào trong đó chưa.
Bỗng nghe Tiểu-long-Nữ nói:
- Tôn bà an giấc trong cỗ quan tài nầy.
Nó đánh thót người nhẹ nhõm và tìm hiểu rằng: "những chiếc quan tài chưa đậy nắp là chưa có người chết".
Trí tò mò của nó lại nổi dậy, nó nhìn Tiểu-long-Nữ hỏi:
- Thưa cô nương, còn hai cỗ quan tài không kia nữa.
Tiểu-long-Nữ thản nhiên đáp:
- Một cái dành cho sư tỉ của ta là Xích-Luyện tiên tử Lý Mạc Thu.
Dương-Qua ngẩn người hỏi:
- Lý cô nương cũng lại về đây an giấc sao?
Tiểu-long-Nữ đáp:
- Sư mẫu ta đã dự liệt trước, sư tỉ rồi thế nào cũng phải về.
Dương-Qua lại hỏi:
- Còn một cỗ quan tài nữa?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Cỗ quan tài đó dành cho ta. ở đây còn thiếu một cỗ quan tài nữa chỉ vì sư mẫu ta không dự liệu được rằng mi sẽ đến đây.
Nghe nói vậy, Dương-Qua giật mình. Tự nhiên bản tính "uý tử cầu sinh" nổi dậy, nó hoảng hốt đáp:
- Cô nương ơi! Tôi không chết nơi đây đâu! Tôi không muốn chết!
Tiểu-long-Nữ nghiêm nét mặt nói:
- Ta nhớ lời dặn của Tôn bà là sẽ chăm lo săn sóc đến mi trọn đời. Lời hứa ấy ta chẳng dám sai.
Dương-Qua lạnh toát cả mình, nhất là trước căn phòng âm u với năm cỗ quan tài ấy, làm cho nó ám ảnh một mối buồn rùng rợn.
Nó nói rối rít:
- Nếu cô nương không bằng lòng để tôi đi thì lúc cô nương chết rồi tôi cũng tìm cách ra khỏi chốn nầy.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta đã bảo theo lời trăn trối của Tôn bà, ta phải lo liệu cho mi trọn đời, thì có bao giờ ta để cho mi chết sau ta?
Dương-Qua lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao vậy? Cô nương nhiều tuổi hơn tôi mà!
Tiểu-long-Nữ lạnh lùng đáp:
- Chết sống không cần phải ít hay nhiều tuổi. Phỏng sử ta có chết trước mi ta cũng tìm cách cho mi được chết theo.
Dương-Qua tuy còn nhỏ tuổi song tâm cơ đã có nhiều mưu trí. Mặc dù vậy, những mưu trí có hay đến đâu cũng chỉ là mưu trí của trẻ con.
Khi nghe Tiểu-long-Nữ nói như vậy, tâm trạng chống đối lại âm thầm nổi đậy trong đầu óc nó.
Nó nghĩ thầm:
- Tại sao lại buộc ta phải chết, mà phải chết nơi đây? Nhưng cái chết cái sống hãy còn xa vời, ta có đủ thì giờ để đối phó.
Tiểu-long-Nữ thấy nó thẫn thờ suy nghĩ hiểu ngay tâm trạng của nó, liền bước đến giờ nắp quan tài, đặt xác Tôn bà vào trong.
Dương-Qua chợt nhớ đến lời trăn trối của Tôn bà: "Mi hãy lấy chiếc áo bông phủ ngoài của ta. áo này..."
Nó vùng đứng dậy, chạy đến bên Tiểu-long-Nữ, nói:
- Thưa cô nương! Theo lời trăn trối xin cô nương cho tôi chiếc áo bông ngoài của Tôn bà.
Tiểu-long-Nữ không muốn cho người bên mình phải buồn phiền, lại thấy Dương-Qua với Tôn bà quen biết mới trong ngày mà tình quyến luyến đã sâu đậm, nên cởi chiếc áo bông ngoài của Tôn bà trao cho Dương-Qua.
Dương-Qua cầm lấy chiếc áo khóc nức nở, nghĩ đến lời trăn trối của Tôn bà, mặt mày nó đau đớn như mất một người thân.
Tiểu-long-Nữ thừa lúc nó gục mặt xuống khóc, lấy tay kéo nắp quan tài đậy kín lại khít rịt, không khí không còn ra vào được nữa.
Tiểu-long-Nữ sợ Dương-Qua lại khóc nữa, liếc mắt nhìn nó một chút, rồi nhìn lãng sang chỗ khác nói:
- Thôi! Hãy theo ta ra ngoài.
Dứt lời, nàng lấy vạt áo quạt một cái, ngọn đèn dầu tắt, căn phòng rộng lớn bao la bỗng trở nên tối đen như mực.
Dương-Qua sợ nàng bỏ rơi nó lại trong căn phòng mộ địa này vội vàng vớ chiếc áo bông của Tôn bà mà theo luôn Tiểu-long-Nữ bước ra.
Trong mộ đài, ngày cũng như đêm bóng tối đen ngòm.
Vì hai người đã hoạt động hơn nửa ngày, nên ai cũng có cảm giác mệt mỏi. Tiểu-long-Nữ ra lệnh cho Dương-Qua ngủ ở căn phòng mà bình sinh Tôn bà dùng làm chỗ nghỉ ngơi.
Dương-Qua từ tấm bé, tuy đã trải qua những lúc quạnh hiu cô độc, đã từng ngủ ở đầu hè, xó chợ, đã từng ngủ nơi núi rậm, rừng sâu, song đối với mộ đài nầy như cái gì rùng rợn oai nghiêm làm cho nó muốn rỡn óc. Nó không dám tuân lời của Tiểu-long-Nữ.
Thấy như nó không để ý đến lời mình, Tiểu-long-Nữ nhìn nó hỏi:
- Mi không nghe ta nói gì sao?
Dương-Qua thưa:
- Thưa cô nương, tôi sợ...
Tiểu-long-Nữ hỏi:
- Sợ cái gì?
Dương-Qua thở dài đáp:
- Tôi cũng không hiểu nữa... Tôi không dám ngủ một mình.
Tiểu-long-Nữ nghĩ thầm:
- "Tuổi nó hãy còn nhỏ, nó sợ sệt cũng phải".
Nàng suy nghĩ một lúc rồi thở dài, khẽ nói:
- Được, cứ theo ta vào đây mà ngủ.
Rồi nàng dẫn Dương-Qua vào phòng nàng. Nàng thường có thói quen không thắp đèn, nhưng nay có Dương-Qua, nàng thắp lên một ngọn đèn dầu nhỏ.
Dương-Qua thấy Tiểu-long-Nữ dung mạo mỹ miều, không gì sánh kịp, trong bộ y phục trắng như tuyết không vướng chút bụi trần, ngỡ rằng khuê phòng nàng hẳn trần thiết cực kỳ diễm ảo. Nào ngờ lúc bước vào phòng thì thực là thất vọng. Phòng xây bằng đá trống rỗng, không có gì cả, chẳng khác gì căn phòng có năm cỗ quan tài kia. Giường nàng là một phiến đá xanh dài có trải thảm bằng cỏ, trên phủ một lần vải thô. Ngoài mấy thứ ấy ra, căn phòng chẳng còn có gì khác.
Dương-Qua nghĩ bụng:
- Chẳng biết nàng cho mình nghỉ ở đâu nhỉ! Có lẽ nàng bắt mình nằm dưới đất là phải.
Đang lúc nó phân vân chưa kịp hỏi thì Tiểu-long-Nữ cất tiếng bảo:
- Mi leo lên giường nằm ngủ đi.
Dương-Qua hỏi:
- Thế thì cô nương ngủ ở đâu?
Tiểu-long-Nữ nghiêm nghị nói:
- Ta đã có chỗ khác, mi khỏi phải lo.
Dương-Qua nói:
- Ngủ trên giường bất tiện, xin cô nương cho tôi ngủ dưới đất cũng được.
Tiểu-long-Nữ nghiêm sắc mặt nói:
- Ta là bậc sư phụ mi, ta nói gì mi cũng phải nghe. Mi đừng quen thói đánh lại sư phụ như ở bên Trùng-Dương cung mà mất mạng đó.
Dương-Qua thấy Tiểu-long-Nữ dùng lời gay gắt, vội nói:
- Xin cô nương đừng giận dữ như thế. Tôi chỉ cần vâng theo lời cô nương là được chứ gì?
Tiểu-long-Nữ thấy giọng nói của Dương-Qua có vẻ không tôn kính mình nên không vừa ý, nói:
- Mày bướng bỉnh phải không?
Dương-Qua thấy nàng còn ít tuổi lại đẹp đẽ mỹ miều, không có vẻ gì đang bậc sư phụ mình, nên nó chép miệng một cái, rồi nói:
- Tôi đâu dám chẳng tuân lời...
Tiểu-long-Nữ thấy Dương-Qua chép miệng, đoán được ý nó, hét:
- Tại sao mi có cử chỉ khinh thường ấy. Mi không phục ta phải không?
Dương-Qua thấy Tiểu-long-Nữ làm dữ, không dám nói nữa vội tuột hài, nhảy phóc lên giường nằm.
Nằm được một lúc, nó cảm thấy lạnh buốt xương, vội chồm dậy, tụt xuống đất la lớn:
- Lạnh quá! Lạnh chết đi thôi!
Tiểu-long-Nữ không nhịn được cười, chạy đến phía sau vách lấy chiếc phất trần chỉ vào mặt nó:
- Ta bảo mi phải nằm lên đó, và ngủ đi. Nếu còn rên rỉ than lạnh ta đánh cho mười roi nầy.
Dương-Qua thất kinh, vội leo lên giường nằm nữa, lần nầy nó cố chịu đựng, nhưng lạ thay, sức lạnh từ đâu xông vào người nó, làm cho nó tê cứng cả người, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập.
Tiểu-long-Nữ lấy chiếc áo bông của Tôn bà để vào một nơi khiến Dương-Qua không rờ tới.
Lạnh quá, nhưng Dương-Qua sợ đánh đòn không dám tuột xuống như lần trước nữa, ré lên:
- Ôi chao! Cô nương ơi!
Tiểu-long-Nữ mỉm cười hỏi:
- Cái gì thế?
Dương-Qua nói:
- Ôi chao! Chiếc giường nầy như có gì kỳ lạ! Tôi không thể nằm được lâu.
Rồi nhìn thấy nét mặt tươi cười của Tiểu-long-Nữ, Dương-Qua cho rằng nàng đã sung sướng trước cái đau khổ của nó, nó nổi giận nói:
- Tôi không muốn nằm nơi đây nữa đâu. Cô nương cho tôi nằm dưới đất mà thôi.
Tiểu-long-Nữ giơ chiếc phất trần trước mặt nó nói:
- Hãy nằm im và ngủ. Trái lời, mi đừng trách ta độc ác.
Dứt lời, nàng rút hai sợi dây cột vào kẹt đá, leo nằm lên hai sợi dây đó, rồi lấy tay vẫy một cái, ngọn đèn phụt tắt.
Trong phòng tối mịt, Dương-Qua lấy làm lạ:
"Tại sao nàng lại có thể nằm ngủ lơ lửng trên hai sợi dây như thế nhỉ?" Nó bắt đầu khâm phục tài nghệ của Tiểu-long-Nữ, và hỏi:
- Thưa cô nương, cô nương có thể dạy tôi nằm ngủ như thế chăng?
Bản tính con nít dễ giận mà cũng dễ làm thân. Nó vừa có ác cảm với Tiểu-long-Nữ, bây giờ thấy Tiểu-long-Nữ vui vẻ, nó lại cảm mến ngay.
Tiểu-long-Nữ thấy tánh nết trẻ con của nó cũng tức cười. Nàng nói:
- Dạy mi nằm ngủ như thế nầy để làm gì? Ta còn lắm điều phải chỉ dạy cho mi.
Câu nói ấy làm cho Dương-Qua đoán biết Tiểu-long-Nữ không có ác ý với nó, mà chỉ muốn dạy dỗ nó thôi. Nó hối hận cất tiếng nói:
- Thưa cô nương! Cô nương có thể cho tôi biết những điều mà cô nương sắp dạy bảo tôi chăng? Lúc nãy tôi có lỗi với cô nương.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta biết rồi! Tự nhiên mi oán ta! Điều đó có gì lạ!
Dương-Qua vội nói:
- Không, không! Tôi đâu dám oán giận cô nương. Lúc nãy tôi cứ tưởng cô nương cũng như sư phụ trước của tôi, cứ hành hạ tôi mà không truyền dạy cho tôi gì cả.
Tiểu-long-Nữ cười lạt nói:
- Mi trách sư phụ trước của mi không dạy dỗ cho nên mi oán hận. Bây giờ ta dạy dỗ sao mi cũng oán hận?
Dương-Qua nói:
- Chỉ vì cô nương cũng hành hạ tôi, bắt tôi nằm trên chiếc giường giá lạnh này.
Tiểu-long-Nữ nói:
- à ra mi cho thế là ta đã hành hạ mi ư? Ta thiết tưởng suốt đời mi nên tìm cái cực nhỏ như vậy để nên người.
Dương-Qua trố mắt nhìn Tiểu-long-Nữ hỏi:
- Thế thì sống để chịu cực hình sao?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Các cực hình ấy sẽ đem lại cho mi biết bao điều hay!
Dương-Qua mới hiểu ra, hỏi:
- Thưa cô nương, chiếc giường lạnh nầy có gì bí quyết ư?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Những tay võ nghệ cừ khôi trong thiên hạ chưa chắc đã nằm nổi trên chiếc giường này. Nhưng thôi, việc đó mi sẽ hiểu sau, bây giờ mi phải nhắm mắt ngủ đi, không được nói nữa.
Trong căn phòng tối om, Dương-Qua chỉ nghe giọng kêu cót két của hai sợi dây mà Tiểu-long-Nữ dùng làm võng.
Sau câu nói như ra lệnh của nàng, Dương-Qua không dám hỏi nữa, song nó không làm sao ngủ được. Chốc chốc nó lại xuýt xoa vì lạnh.
Một lúc lâu nó cất tiếng khẽ nói:
- Cô nương ơi! Tôi không chịu nổi sự lạnh nầy nữa.
Không nghe tiếng Tiểu-long-Nữ đáp lại, nó lắng tai nghe thì thấy hơi thở của nàng đều đều và chậm lại.
Nó đoán chừng Tiểu-long-Nữ đã ngủ, nó nghĩ bụng:
- Cô nương đã an giấc, vậy ta xuống đất một chút cho đỡ lạnh cũng chẳng sao.
Nghĩ vậy nó rón rén tụt xuống giường, không dám thở mạnh.
Nào ngờ nó vừa bước chân xuống đất thì một tiếng đàn cầm vang lên. Tiểu-long-Nữ từ trên dây nhảy xuống một tay vớ cây phất trần, một tay thộp vào cổ nó, quất mấy cái vùn vụt nói:
- Mi dám trái lời ta sao! nếu còn lừa dối ta sẽ đánh đến chết.
Nàng đánh đủ mười roi khiến Dương-Qua đau tím ruột.
Nó lồm cồm lên giường nằm trở lại không dám động đậy.
Tiểu-long-Nữ ngỡ là sau trận đòn thế nào Dương-Qua cũng khóc và oán trách nàng. Nhưng thấy nó nằm im thin thít không hề than thở gì cả. Tiểu-long-Nữ lấy làm lạ gọi nó hỏi:
- Dương-Qua tại sao mi nằm im thế?
Dương-Qua thỏ thẻ:
- Cô nương bảo sao làm vậy. Cô nương bắt nằm là phải nằm, bảo đánh thì đánh, thế thì khóc lóc ích gì?
Tiểu-long-Nữ nói:
- A! Thế ra mi nằm im để hờn dỗi ta phải không?
Dương-Qua nói:
- Tôi chẳng bao giờ hờn cô nương. Tôi đã thấy lòng cô nương thương mến tôi rồi.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ai bảo mi thế?
Dương-Qua nói:
- Cô nương đánh tôi, nhưng thực ra cô nương không đánh mạnh. Như vậy không phải vì cô nương sợ tôi đau sao.
Thật vậy, Tiểu-long-Nữ đánh Dương-Qua là để bắt nó thi hành theo lệnh mình. Vì vậy nàng chỉ đánh mạnh hai roi đầu, còn mấy roi sau chỉ đánh cho đủ số.
Tiểu-long-Nữ thấy Dương-Qua ranh mãnh, tìm hiểu được dụng ý của mình, liền hét lớn:
- Đừng tưởng lầm! Nếu lần sau mi còn trái lệnh ta sẽ đánh đến thối thịt đó.
Dương-Qua thấy lời nói nàng tuy hăm dọa nhưng có âu yếm, lòng hớn hở nói:
- Dù cô nương có đánh đến tan xương nát thịt tôi vẫn vui lòng.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta chỉ sợ rồi đây với tánh ương ngạnh, rắn mắc của ngươi, ngày nào cũng bị đòn là khác.
Dương-Qua nói:
- Tôi chỉ ghét và thù hằn những người đánh tôi với ác ý. Còn như cô nương vì thương tôi mà đánh, tôi đã không giận mà lại còn sung sướng hơn nữa. Cô nương thuộc vào những người tôi thương.
Tiểu-long-Nữ nghe nó nói, mỉm cười, hỏi:
- Mi thử kể ta nghe ai là người mi ghét? Ai là người mi thương.
Dương-Qua nói:
Những người tôi ghét tôi không thèm nhớ đến làm chi. Còn những người tôi thương như mẹ tôi thì đã chết mất rồi. Âu-dương-Phong là cha nuôi tôi, rồi đến Quách-Tỉnh và sau nữa là Tôn bà và cô nương.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta đã làm gì mà mi thương ta?
Dương-Qua nói:
- Vì cô nương đã thương tôi.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Chưa chắc ta đã thương mi. Chỉ vì Tôn bà dặn ta săn sóc mi thì ta phải làm tròn lời hứa. Còn việc ta thương mi, mi chớ vọng tưởng.
Câu nói của Tiểu-long-Nữ như một gáo nước lạnh tưới vào mình Dương-Qua. Nó đang lạnh lại cảm thấy còn lạnh hơn. Nó nói như trách móc:
- Thưa cô nương! Chắc tôi có điều gì không tốt nên cô nương ghét tôi.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Mi tốt hay không, không quan hệ đến ta. Ta chưa hề biết ghét thương ai cả, suốt đời ta chỉ biết ngôi mộ đài nầy.
Dương-Qua hỏi:
- Thế ra từ lúc nhỏ đến giờ cô nương chẳng hề có một lần du ngoạn sao?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta chưa hề ra khỏi Chung-Nam sơn nầy.
Dương-Qua vỗ tay lớn tiếng nói:
- Ôi chao! Thế thì uổng lắm! Cô nương không được thưởng thức bao nhiêu cảnh đẹp bên ngoài.
Tiểu-long-Nữ nói:
- ở ngoài bất quá cũng là rừng núi, trăng thanh, gió mát là cùng. Những cái đẹp đó nơi đây cũng có.
Dương-Qua nói:
- Nào phải có thế thôi! ở mộ đài tuy đẹp, song nhìn mãi cũng chán mắt. Còn cảnh đẹp bên ngoài biến ảo không cùng, mỗi nơi có cái đẹp mỗi khác, chẳng bao giờ làm cho ta chán được.
Rồi ngay lúc đó, Dương-Qua thuật lại cho Tiểu-long-Nữ nghe những chuyện xảy ra trong cuộc đời nó từ tấm bé, và những cảnh đẹp đó đây, mà vì hoàn cảnh nó đã trải qua.
Với tài ăn nói của nó, nó thêu dệt nhiều chỗ làm cho câu chuyện trở nên kỳ thú, lạ lùng.
Đối với Tiểu-long-Nữ, một cô gái từ tấm bé đến giờ chưa bước ra khỏi ngôi mộ, nào có hiểu đời là gì, nên dầu Dương-Qua có thêu dệt thế nào nàng cũng cho là sự thực.
Nghe Dương-Qua kể một lúc, nàng buông tiếng thở dài.
Dương-Qua nói:
- Thưa cô nương! Tôi muốn dẫn cô nương đi du ngoạn, cô nương có bằng lòng chăng?
Tiểu-long-Nữ có vẻ giận dữ, mắng:
- Mi đừng nói nhảm! Lời di huấn của tổ sư để lại rằng:
"Phàm người nào đã sống ở Hoạt-tử-Nhân mộ đài thì không được ra khỏi Chung-Nam sơn nửa bước".
Dương-Qua giật mình hỏi:
- Thế tôi cũng không được ra ngoài nửa bước sao?
Tiểu-long-Nữ đáp:
- Dĩ nhiên là thế.
Dương-Qua nghe nàng nói như vậy, nghĩ bụng:
- Té ra mình không thích cảnh tù túng ở đảo Đào-hoa, đem thân đến đây để bị giam hãm thì đời sống còn gì là vui nữa. Chẳng lẽ thân ta sống để chôn vùi trong mộ đài nầy sao?
Tuy nghĩ thế, song gần Tiểu-long-Nữ, Dương-Qua cũng cảm thấy không còn cô độc nữa. Dẫu có ở mãi trong mộ đài nó thấy cũng vui.
Trong lúc chuyện trò với Tiểu-long-Nữ, Dương-Qua quên cả lạnh. Đến khi Tiểu-long-Nữ không nói chuyện nữa, nó cảm thấy rét buốt tràn trề, liền nói:
- Cô nương có thể tha cho tôi khỏi nằm nơi giường đá nầy chăng?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Mi có muốn cho các đệ tử môn phái Toàn-Chân tha cho mi đừng đánh mi nữa chăng?
Dương-Qua nói:
- Họ là những kẻ thù của tôi! Nếu họ giết tôi, tôi cũng không khi nào xin tha cả.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Như vậy sao mi nằm trên giường nầy lại than vãn.
Dương-Qua nói:
- Vì cô nương tốt với tôi! Cô nương không muốn cho tôi phải khổ cho nên tôi mới than vãn.
Tiểu-long-Nữ từ nhỏ nhờ ơn sư mẫu và Tôn bà nuôi nấng dạy dỗ, đã hai mươi năm trời chỉ biết sống gần hai người cao tuổi ấy mà thôi. Hai người nầy tuy đối với nàng thực là tốt, nhưng từ buổi nàng lúc còn nhỏ họ đã dụng ý đào luyện nàng thành một người mất cả thất tình: "hỉ, nộ, ái, ố, dục" để có thể nối dõi rèn luyện môn "Ngọc nữ tâm kinh" là ngón võ duy nhất và lợi hại nhất của Cổ Mộ đài.
Bởi vì muốn luyện "Ngọc nữ tâm kinh", điều căn bản trước tiên là phải cởi bỏ thất tình đi đã.
Ngày nay, Dương-Qua tới chốn này, mang vào đây những tình cảm nồng nhiệt của một thường nhân thật là trái mong muốn của các bậc tiền nhân trong mộ đài vậy.
Tiểu-long-Nữ từ khi thừa tiếp Dương-Qua đã rõ lẽ đó, song vì có lời Tôn bà, không dám làm khác hơn.
Dương-Qua thấy bề ngoài Tiểu-long-Nữ vẫn với thái độ lạnh lùng song bên trong không khỏi có tình cảm với nó. Nó nói:
- Ôi chao! Cô nương bắt tôi nằm đây lạnh quá có lẽ tôi hông còn chịu nổi nữa.
Thực ra, chiếc giường ấy lạnh lắm, song không đến nỗi làm cho Dương-Qua lồng lộn lên như thế. Một phần nào nó giả vờ để thử lòng Tiểu-long-Nữ đối với nó.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Mi đừng than vãn gì cả. Ta sẽ cho mi nghe sự ích lợi của chiếc giường nầy.
Dương-Qua nghe nói mừng quýnh hỏi vội:
- Hay lắm! Xin cô nương vui lòng cho tôi biết một chút. Vì đâu nó lại lạ lùng?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Lúc nãy ta nói với mi là những khách anh hùng trong thiên hạ vị tất đã hiểu được cái huyền diệu của chiếc giường nầy. Tổ sư phu nhân ta đã phải mất bảy năm công trình lao tâm lao lực đến mãi tận miền băng tuyết đào hàng trăm trượng dưới đất sâu mới lấy được thứ ngọc lạnh nầy đem về luyện nội công. Nằm trên giường ngọc nầy luyện nội công trong một năm thì hiệu quả bằng mười năm.
Dương-Qua kinh ngạc nói:
- à ra lai lịch chiếc giường nầy là thế? Chiếc giường bằng ngọc mà tôi không biết cứ ngỡ là đá!
Tiểu-long-Nữ nói tiếp:
- Lúc đầu mi ngủ trên giường nầy thấy lạnh buốt không chịu nổi, phải vận dụng hết sức để kháng cự lại sức lạnh đó. Nhưng lâu ngày thành thói quen tự nhiên ngủ được. Ngay trong giấc ngủ, tự nhiên cơ năng vẫn vận dụng tình lúc để đề kháng. Như vậy là cơ năng suốt ngày đêm luyện tập không lúc nào nghỉ.
Theo người thường khi luyện nội công chỉ luyện lúc thức mà thôi, đến khi ngủ thì cơ năng trở lại bình thường. ấy vậy, họ tập được bao nhiêu thì phải phí đi một ít trong lúc nghỉ ngơi. Đằng nầy, chúng ta nhờ chiếc giường có thể luyện từ ban đêm, từ trong giấc ngủ. Suốt ngày đêm cơ năng luôn luôn tiến tới để chiếm đoạt sức đề kháng bên ngoài. Do đó nội công tiến bộ phi thường.
Dương-Qua vốn thông minh và lanh lợi nghe nàng nói đến đâu là lãnh hội đến đó.
Nó hỏi:
- Nhưng tại sao lại phải nằm trên chiếc giường lạnh buốt nầy?
Tiểu-long-Nữ đáp:
- Ta đã bảo rằng muốn luyện nội công tất cơ năng con người phải vượt qua sức uy hiếp của mãnh lực bên ngoài. Nằm trên giường tức là luyện cho sức nóng chống lại với lạnh. Lạnh mạnh quá, sức nóng phải thua chạy vào trong trở vào tiềm phục trong huyệt đạo của nó. Dần dần quen, thân thể người luyện tập hóa thành nước. Tiến hơn lên bước nữa, nước hoá thành băng tuyết so với sức lạnh của hòn ngọc chỉ mới một phần mười. Đại phàm tập luyện nội công là phải hàm súc chân hỏa không bao giờ để nó thoát ra ngoài sào huyệt của nó. Hàn ngọc là một vật chí âm. Lạnh nhiều tức cũng là hàm dưỡng sức nóng. Sức nóng đã được tập trung đến cực độ thì đến lúc vận dụng chân hỏa chúng ta sẽ đạt được một sức mạnh phi thường không gì sánh kịp.
Dương-Qua hiểu ra, sung sướng nói:
- Thưa cô nương, cô nương đối với tôi thật chí tình. Tôi đã được nằm trên giường nầy rồi chắc sau nầy không còn phải sợ một ai trong võ lâm nữa. Ngay như Quách, Hoàng tôi cũng chẳng sợ. Còn như Triệu-chí-Kính với sức nội công ấy chắc tôi sẽ đuổi kịp.
Tiểu-long-Nữ mỉm cười nói:
- Di huấn của Tổ sư phủ nhận chẳng cho một ai trong mộ đài này có tính hiềm khích. Muốn tập luyện mi phải bỏ hết thú hắn và ý nghĩ ganh đua mới được.
Dương-Qua nói:
- Tôi xin vâng lời cô nương. Tuy nhiên, tôi chẳng hiểu vì đâu bọn họ lại khi dễ tôi, ghen ghét tôi, họ lại dám đánh chết Tôn bà người tôi yêu quí. Cái chết của Tôn bà, cô nương cũng không cho phép tôi được thù hận họ sao.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ai là người chẳng phải chết? Vì dù Tôn bà chẳng chết vì Xích-đại-Thông thì vài ba năm nữa cũng phải chết vì duyên cớ khác. Sống thêm ít năm hay chết trước ít năm nào có nghĩa lý gì. Ta không muốn rằng từ nay trở đi mi còn nói đến chuyện oán hận, phục thù...
Dương-Qua xem chừng lời nói ấy có lý lắm, song nó vẫn không khỏi thắc mắc trước hoàn cảnh của nó đã trải qua.
Tiểu-long-Nữ dò hỏi xem cha nuôi của nó là Âu-dương-Phong dạy nội công cho nó như thế nào.
Nó lần lượt kể lại sự thật tất cả. Tiểu-long-Nữ bảo nó áp dụng nội công của Âu-dương-Phong truyền dạy, xem có hiệu quả gì chăng.
Nó lấy gân suốt từ đầu đến chân nằm thẳng đờ trên giường đá lạnh buốt. Khí lực chuyển khắp nơi trong mình nó. Nó thấy khắp người nóng ran. Nó nằm nghiêng một phía mắt nhắm lại, cố mơ màng để ngủ.
Nhưng nó ngủ được một khoảng ngắn thì khí nóng trong người nó lại tiêu tan đâu mất. Cả người nó lạnh buốt như cũ.
Nó lại vận gân cốt nữa. Rồi cứ thế, ngủ và thức, nóng và lạnh cứ tiếp diễn mãi suốt đêm.
Tuy nhiên, đến sáng trong mình nó không chút mệt nhọc. Nó cảm thấy tinh thần thanh sảng vô cùng.
Tiểu-long-Nữ sờ trán nó, thấy nhiệt độ điều hòa lấy làm lạ tỉ tê hỏi nó.
Nó đem việc áp dụng phương pháp nội công của Âu-dương-Phong truyền dạy kể lại.
Tiểu-long-Nữ thầm nghĩ:
- Mỗi người có một lối tập luyện và phương pháp nào cũng lợi cả.
Nàng nghiền ngẫm lối nội công của thân mẫu Dương-Qua và lối nội công của Âu-dương-Phong rồi đem so sánh với lối tập luyện của nàng. Bấy giờ nàng không còn có ý khinh thường các môn phái khác nữa.
Sáng hôm ấy, hai người dùng cơm xong, Dương-Qua xuống dưới bếp rửa chén, và làm những việc thay thế Tôn bà.
Khi Dương-Qua trở lại phòng lớn, Tiểu-long-Nữ bảo nó:
- Ta có một điều cần hỏi mi. Vậy mi phải suy nghĩ kỹ càng trước khi trả lời mới được.
Dương-Qua thưa:
- Việc gì xin cô nương cứ dạy.
Tiểu-long-Nữ nói:
Mi muốn nhận ta làm thầy mi chăng? Và suốt đời mi có chịu nghe ta chỉ dạy chăng?
Dương-Qua không ngần ngừ đáp:
- Sao cô nương lại nói thế. Tôi nguyện sống với cô nương, nhờ cô nương, chỉ bảo mà.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Nếu mi không nhận ta làm thầy mà ta chỉ dạy cho mi sau nầy thế nào mi cũng bỏ ngôi mộ nầy mà đi.
Dương-Qua nói:
- Tôi xin nhận cô nương làm thầy. Dù cô nương không truyền cho tôi chút võ nghệ nào tôi vẫn coi cô nương như bậc sư phụ, lúc nào tôi cũng vâng theo lời cô nương không chút trái ý.
Tiểu-long-Nữ hỏi:
- Tại sao ta không truyền võ nghệ cho ngươi mà ngươi vẫn kính ta là thầy?
Dương-Qua nói:
- Thưa cô nương, lòng cô nương đối đãi với tôi như vậy lẽ nào tôi không biết.
Tiểu-long-Nữ tươi hẳn nét mặt, nói:
- Được, ta sẽ xem mi có thành thực với ta chăng? Mi có chịu nghe lời ta chăng? Mi đã nhận ta làm thầy vậy phải ra đằng sau làm lễ.
Dứt lời nàng bước ra phía phòng sau. Dương-Qua vội vã nối gót theo.
Đó là một căn phòng không trần thiết vật gì cả, ngoài hai bức chân dung treo ở vách tường.
Vách tường phía Tây treo một bức họa, vẽ hình hai thiếu nữ một người trạc độ hai mươi lăm tuổi, đang đứng trước gương chải đầu và sửa sang quần áo. Một người trạc độ mười sáu tuổi một tay đang cầm một cái bồn đứng hầu bên cạnh.
Người thiếu nữ nhiều tuổi lông mi dài đẹp, đôi mắt như có ẩn sát khí căm hờn.
Dương-Qua nhìn hai bức chân dung không hiểu gì cả.
Tiểu-long-Nữ đưa tay chỉ vào chân dung người thiếu nữ lớn tuổi nói:
- Đây là di ảnh sư tổ phu nhân. Mi phải quỳ xuống ra mắt.
Dương-Qua lấy làm lạ hỏi:
- Người ấy là sư tổ phu nhân sao? Tại sao lại ít tuổi như thế? Thưa cô nương.
Nó ngắm bức tranh một hồi, chẳng biết nghĩ sao, nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn nó, đôi dòng nước mắt chảy ra ràn rụa.
Tiểu-long-Nữ vô tình, không làm sao hiểu được mối cảm xúc của nó, lại chỉ vào bức chân dung thứ hai, nói:
- Đây là ảnh sư mẫu ta, mi phải quỳ xuống làm lễ.
Dương-Qua sụp lạy, nghĩ thầm:
- Sư tổ, sư mẫu đều ít tuổi cả, và ai cũng có sắc đẹp phi phàm. Chẳng hiểu đến lúc già, sắc đẹp họ ra sao nhỉ?
Tiểu-long-Nữ đợi Dương-Qua bái kiến xong, mới chỉ sang bức tường phía đông, nơi có treo một bức ảnh, nói:
- Mi hãy khạc nhổ vào hình đạo nhân này.
Dương-Qua liếc mắt nhìn thấy người đạo sĩ trong tranh dáng điệu cao lớn, lưng giắt thanh trường kiếm, tay phải đang chỉ về hướng đông bắc, lưng xây ra ngoài nên không trông rõ mặt.
Nó ngạc nhiên hỏi:
- Người ấy là ai? Vì sao phải khạc nhổ?
Tiểu-long-Nữ đáp:
- Đó là giáo chủ của môn phái Toàn-Chân tên Vương-trùng-Dương. ở đây đã có lệ, hễ làm lễ trước Tổ sư phu nhân xong rồi thì phải quay sang khạc nhổ vào bức hình đó.
Dương-Qua đã sẵn có thành kiến ghét môn phái Toàn-Chân, nên khi nghe nàng bảo, không ngần ngừ gì cả, liền khạc nhổ vào bức họa Vương-trùng-Dương một bãi rất lớn.
Đoạn nó hỏi:
- Thưa cô nương. Tổ sư phu nhân có gì oán hận Vương-trùng-Dương sao?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Đúng vậy.
Dương-Qua nói:
- Thế sao không đem bức ảnh của hắn liệng quách ra ngoài rừng còn treo nơi đây làm gì?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta cũng chẳng hiểu nữa, chỉ nghe thấy sư mẫu và Tôn bà bảo là những người đàn ông trong thiên hạ không ai tốt cả.
- Mai này lúc lớn lên, nếu mi có những điều xấu xa mi sẽ coi ta có tha thứ cho mi chăng?
Dương-Qua nói:
- Tuy nhiên cô nương sẽ tha thứ cho tôi.
Câu nói bất ngờ và đột ngột ấy của Dương-Qua làm cho Tiểu-long-Nữ chột dạ. Nàng vốn có tánh uy hách, muốn cảnh cáo Dương-Qua không ngờ Dương-Qua lại nói thế.
Nàng trừng trừng nhìn Dương-Qua bảo:
- Hãy quỳ xuống lạy sư mẫu của mi đi.
Dương-Qua nói:
Thưa cô nương! Việc quỳ lạy sư mẫu là việc dĩ nhiên rồi, tôi không thể nào từ chối. Song xin cô nương nhận cho đệ tử này một điều kiện đã.
Tiểu-long-Nữ nghĩ thầm:
- Xưa nay chỉ có bậc sư phụ mới buộc đệ tử điều kiện này điều kiện nọ chứ làm gì có chuyện môn đồ buộc sư phụ phải theo điều kiện.
Tuy nhiên, nàng vẫn trầm tĩnh muốn tìm hiểu ý muốn của hắn thế nào.
Nàng hỏi:
- Được. Mi muốn gì cứ nói, ta sẽ xét nghĩ cho.
Dương-Qua nói:
- Lòng tôi kính cô nương như sư mẫu. Cô nương dạy bảo tôi cũng nghe, không dám sai lời. Song cô nương cho phép tôi gọi bằng cô nương, không gọi bằng sư mẫu có được chăng?
Tiểu-long-Nữ hỏi:
- Như thế nghĩa là thế nào?
Dương-Qua thưa:
- Tôi đã có những người từng làm sư phụ tôi. Những người đó đều không tốt đối với tôi, nên lòng tôi oán hận lắm. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng nguyền rủa sư phụ tôi. Chẳng lẽ bây giờ tôi gọi cô nương bằng sư mẫu, cũng là bậc sư phụ, thì thế nào cũng sẽ lẫn lộn giữa người thương và kẻ ghét. Xin cô nương chăm chước cho tôi điều đó.
Tiểu-long-Nữ thấy Dương-Qua có ý nghĩ ngộ nghĩnh, mỉm cười, hỏi:
- Thế ra mi chỉ kính ta trong lòng thôi sao?
Dương-Qua nói:
- Không phải! Tôi kính cô nương cả trong lòng, ngoài mặt, và suốt đời, song chỉ không gọi là sư mẫu mà thôi.
Tiểu-long-Nữ vốn còn trẻ tuổi cũng chẳng cần tiếng gọi sư mẫu sớm, nàng gật đầu nói:
- Được, ta bằng lòng đó.
Dương-Qua mừng rỡ, tỏ vẻ cung kính, quỳ gối, vập đầu xuống đất nói:
- Được, ta bằng lòng đó.
Dương-Qua mừng rỡ, tỏ vẻ cung kính, quỳ gối, vập đầu xuống đất nói:
- Đệ tử Dương-Qua, tôi từ nay trở đi kính bái Tiểu-long-Nữ cô nương làm thầy. Kể từ đây tôi vĩnh viễn nghe lời cô nương. Nếu cô nương gặp điều gì hiểm nghèo cùng quẫn tôi sẽ đem cả tính mệnh ra để bảo vệ cô nương. Nếu có người nào làm nhục cô nương tôi quyết tâm giết hắn.
Thực ra, lúc đó Dương-Qua cũng chưa biết Tiểu-long-Nữ võ nghệ đến bực nào. Nó chỉ thấy Tiểu-long-Nữ là người trang nhã, kiều mị, khả ái, nên nó đem lòng kính mến, muốn được con người đẹp như thế bảo vệ cho mình, và nguyện đem thân để phụng sự người đẹp mà thôi. Đó cũng là bản tính tự nhiên của những chàng trai đối với phái nữ lưu vậy.
Lời nói của nó mỗi lúc một khẳng khái hơn, bộc lộ sự thành khẩn, làm cho Tiểu-long-Nữ không khỏi động tâm.
Dương-Qua vập đầu làm lễ xong, đứng dậy với nét mặt vui mừng hớn hở.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Mi quá nhiều thiện chí đối với ta. Ta chỉ sợ tài nghệ của ta không đủ cho lòng ngưỡng mộ của ngươi, không chắc đã thắng các vị lão thành trong môn phái Toàn-Chân và chưa chắc đã thắng nổi Quách-Tỉnh, sư bá của mi.
Dương-Qua nói:
- Những người ấy chẳng can hệ gì đến tôi. Họ có giỏi họ cũng chẳng truyền dạy cho tôi được chút nào. Xin cô nương cứ thương tình truyền dạy cho đệ tử là được.
Tiểu-long-Nữ thở dài nói:
- Dẫu ta có cố gắng truyền dạy cho mi thành tài thì cũng chẳng ích gì, vì suốt đời mi không được ra khỏi chốn nầy. Và ở nơi mộ đài nầy thực là vô sự.
Dương-Qua hỏi:
- Nếu học hành mà không đem tài năng thi thố với anh hùng thiên hạ thì chẳng uổng công tập luyện lắm sao?
Tiểu-long-Nữ trầm lặng, mắt mơ màng như nghĩ đến điều gì xa xăm, nàng nói:
- Ta dạy mi để mi trông coi mộ đài, để ta rảnh rang có dịp phải đi xuất du một lần.
Dương-Qua nghe nói đến việc phải ở trong mộ đài một mình, đâm ra lo sợ, nói như mơn trớn:
- Này cô nương! Hay là cả tôi lẫn cô nương, hai ta cùng đi nhé.
Tiểu-long-Nữ gườm vào mặt nó, nói:
- Mi đã thề vĩnh viễn nghe theo lời ta, sao mới đó đã trái ý?
Dương-Qua thở dài nói:
- Tôi sợ... lắm!
Tiểu-long-Nữ nghiêm sắc mặt bảo:
- Là tu mi nam tử, muốn trở thành bậc trượng phu mà lại sợ thì còn làm nên trò trống gì. Thế mà mi nói vì ta mi đánh những kẻ toan làm hại...
Câu nói ấy chạm vào lòng tự ái của đứa bé đã quyết tâm. Nó suy nghĩ một lúc rồi hăm hở bảo:
- Được! Tôi sẽ ở lại một mình. Nhưng thế nào cô nương cũng mau trở về nhé.
Tiểu-long-Nữ lạnh lùng như không mấy để ý đến lời nói của Dương-Qua, nàng nói trong ngớ ngẩn:
- Chẳng thể định trước được! Còn phải xem có làm được xong công việc khi xuất mộ đài không đã! Phải bắt...
Nói đến đó, nàng lặng thinh.
Dương-Qua ngạc nhiên hỏi:
- Làm được việc gì? Cô nương định bắt ai?
Tiểu-long-Nữ như sực tỉnh, nhìn Dương-Qua không đáp, bỏ ra ngoài.
Nàng đi khỏi, không khí trong phòng trở nên lặng lẽ phi thường. Không một tiếng động, dù là tiếng động trong không gian.
Dương-Qua phân vân chẳng biết nàng xuất mộ đài để làm gì? Để bắt ai? Chẳng biết nàng có phải qua Chung-Nam sơn để bắt bọn đạo sĩ Toàn-Chân chăng?
Nó nghĩ quanh quất một hồi rồi ung dung ra khỏi căn phòng lớn, rảo bước về phía tây. Đi chừng mười lăm bước, nó thấy tối om. Một con đường hầm bằng đá sâu ngòm chẳng biết ăn thông vào đâu. Nó lần mò theo đường hầm. Bóng tối mỗi lúc mỗi đen đặc. Nó không còn trông thấy đường nữa, phải đưa tay mò mẫm vào các tường đá để đi.
Đi mãi không tìm ra ánh sáng, nó thất kinh, quay lưng trở lại, định trở về đại sảnh.
Nhưng tìm mãi không thấy đại-sảnh đâu nữa. Những con đường hầm ngoằn ngoèo cứ dẫn nó càng đi càng tiến sâu vào bóng tôi.
Thực sự, nó đã lạc đường rồi. Nó la hoảng:
- Cô nương ơi! Cô nương ơi! Cứu tôi với!
Nó chỉ nghe tiếng kêu của nó vọng lại đáp lời. Nó hoảng vía băng mình vụt chạy về phía trước.
Chạy được một lúc, nó cảm thấy chân nó bỗng nhiên nong nóng khác thường, và dưới đường có bùn. Nó đoán biết nó chẳng còn ở trong mộ đài nữa. Đó là đường mộ đài ăn thông ra hang núi này.
Nó càng sợ sệt hơn, nghĩ thầm:
- Bây giờ mình đã ra khỏi mộ đài thì làm sao cô nương trông thấy để cứu mình được. Hơn nữa, nếu cô nương bắt gặp mình bỏ trốn thì còn nguy hiểm hơn nữa.
Sờ thấy một phiến đá, nó bấu tay trèo lên, ngồi thừ ra, mặt lo lắng không ngớt.
Bỗng đàng sau nó có tiếng gọi:
- Dương-Qua! Dương-Qua!
Nghe giọng kêu, nó mừng quýnh nhận ra đó là tiếng kêu của Tiểu-long-Nữ. Nó nhảy xuống chạy về phía đó, gọi lớn:
- Cô nương ơi! Cô nương ơi! Tôi ở chốn này.
Tiếng kêu ấy lại im bặt không đáp lại. Bốn bề vẫn lặng ngắt. Nó càng sợ hơn, phân vân chẳng biết tiếng gọi vừa qua là tiếng gọi của Tiểu-long-Nữ hay của ma quái.
Bỗng nhiên, tai nó đau nhói. Một bàn tay véo vào tai nó. Nó giật mình kinh sợ, quay lại, thì đó là Tiểu-long-Nữ.
Nó mừng quýnh reo lên:
- Cô nương ơi! Cô nương đến lúc nào mà tôi chẳng biết?
Tiểu-long-Nữ sừng sộ hỏi:
- Mi đến chốn này để làm gì?
Dương-Qua đáp:
- Tôi bị lạc đường.
Tiểu-long-Nữ tu mồm "suỵt" một tiếng rồi đưa tay nắm lấy nó dắt về phía đường hầm.
Trong đường hầm tối nghịt, chằn chịt như màn nhện, thế mà Tiểu-long-Nữ bước đi thoăn thoắt, lúc rẽ bên này, lúc sang lối nọ như đi giữa chốn ban ngày.
Dương-Qua khâm phục quá thốt ra miệng:
- ồ! Sao cô nương lại trông thấy nhỉ! Tôi mù mịt chẳng biết đâu là đâu cả.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta từ nhỏ sống trong chốn tối tăm nầy đã quen, chẳng cần đến ánh sáng.
Dương-Qua nói:
- Thế thì tôi có thể quen đi được như cô nương chăng?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Dĩ nhiên, nếu mi là người của cổ mộ đài.
Chỉ chốc lát Tiểu-long-Nữ dắt Dương-Qua về đến đại sảnh.
Dương-Qua vừa mừng vừa sợ, thở dài nói:
- Cô nương ơi! Tôi khâm phục cô nương quá! Nhưng tôi sợ...
Tiểu-long-Nữ hỏi:
- Sợ cái gì? Ta đã đến cứu mi dẫn về còn sợ gì nữa?
Dương-Qua nói:
- Không, tôi chẳng sợ những việc đó nữa. Tôi chỉ sợ cô lại cho rằng tôi trốn đi thì buồn quá.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Nếu mi trốn đi thì ta chẳng còn giữ lời trối trăn của Tôn bà và chẳng biết ta sẽ phải đối xử với mi thế nào đây?
Dương-Qua thì vẫn còn giữ tính tình của con người thường với đầu đen máu đỏ, còn Tiểu-long-Nữ thì từ tấm bé luyện nội công đã dứt hẳn được thất tình, nên lúc nào nàng cũng lạnh nhạt, chẳng chút bợn lòng.
Tâm lý hai người đã không giống nhau thì sự suy tư nào có giống nhau được.
Dương-Qua hỏi:
- Thưa cô nương, cô nương để tôi đi bắt, được chăng?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Ta đã bắt rồi.
Dương-Qua hỏi:
- Cô nương làm thế nào mà bắt được hắn? Và bắt hắn để làm gì?
Tiểu-long-Nữ nói:
- Bắt hắn để về luyện tập võ nghệ cho mi. Mi hãy theo ta ra ngoài nầy.
Dương-Qua bước theo Tiểu-long-Nữ, nhưng lòng phân vân tự hỏi:
- Cô phải nàng đã bắt một người trong phái Toàn-Chân chăng?
Nếu nàng bắt một người trong phái Toàn-Chân đem về luyện võ nghệ cho mình thì còn gì thú vị nữa.
Tuy phân vân, song không dám hỏi, Dương-Qua lặng lẽ lẽo đẽo theo chân Tiểu-long-Nữ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT