Nam Hoang Hạt Đạo và Đồng Cổ Thiên Tôn nghe Như Thiên Hân viện lẽ kiếm gãy để thối thác, thì đều dửng mày định lên tiếng, nhưng Đông Hải Kiêu Bà đã nhếch mép mỉm cười hỏi :

- Thiết kiếm tuy gãy, nhưng giọt tinh huyết vẫn còn, Nhuế Băng Tâm xin hỏi, vừa rồi Như đại hiệp đã hạ bái, vậy chẳng hay đại hiệp vái lạy khúc kiếm gãy, hay vái lạy giọt bích huyết chu ngân đã lưu danh thiên cổ trên khúc kiếm?

Như Thiên Hân bị Đông Hãi Kiêu Bà vặn hỏi, bất đắc dĩ phải đáp :

- Tự nhiên là Như mỗ vái lạy giọt bích huyết của cổ chủ chứ ai đi vái lạy khúc kiếm gãy làm gì?

Đông Hải Kiêu Bà gật đầu cười :

- Như đại hiệp quả là bậc chính đại quang minh không nói điều dối lòng! Cũng Như đại hiệp đã phân biệt rõ ràng “Thiết kiếm bình thường, Chu ngân vô giá”. Vậy xin hỏi hiện nay giọt bích huyết chu ngân đó đã do chúng tôi mang, chẳng hay đại hiệp có tôn trọng lời hứa, thuận nghe chúng tôi thỉnh cầu một việc chăng?

Đan Tâm kiếm khách thấy Đông Hải Kiêu Bà, trong lúc nói chuyện, tuy luôn luôn tươi cười như hoa nở, phong thái tuyệt mỹ nhưng lời lẽ sắc bén như dao, đã dồn lão vào chỗ bí không thể từ chối, nên bất đắc dĩ lão phải cau mày đáp :

- Vậy người muốn bắt Như mỗ phải làm gì? Và...

Đông Hải Kiêu Bà không đợi Đan Tâm kiếm khách nói hết đã tiếp lời :

- Chúng tôi không dám phiền đại hiệp phải nhọc lòng xuất sơn! Hơn nữa, chúng tôi cũng biết rõ xưa nay Đại hiệp rất trọng lời hứa, và đã nhận lời Phó Thiên Lân đến dự Đại hội thì lúc đó chúng tôi vẫn mong đại hiệp cứ đến, nhưng chỉ yêu cầu một điều là bất luận hai phe thắng bại ra sao cũng xin đại hiệp chớ ra tay can thiệp bênh vực bên nào!

Như Thiên Hân không ngờ, Đông Hải Kiêu Bà chỉ đưa ra điều yêu cầu như vậy nên đã đáp ngay không cần suy nghĩ :

- Dù các ngươi có bắt buộc Như mỗ phải đứng về phe các người để tham dự đại hội, Như mỗ cũng phải tuân lời. Và để từ nay trở đi không bị giọt bích huyết thay đổi chủ khác đến làm rộn nữa. Như mỗ muốn xin các người tặng lại khúc kiếm gãy này, để làm kỷ niệm có được chăng?

Nghe nói, Đông Hải Kiêu Bà quay lại khẽ bàn bạc với Nam Hoang Hạt Đạo và Đồng Cổ Thiên Tôn trong giây lát, rồi gật đầu nhận lời, mụ còn tươi cười nói với Như Thiên Hân :

- Chúng tôi xin tuân mệnh, kính tặng lại điểm bích huyết chu ngân ấy cho Như đại hiệp và xin đón chờ đại giá tại Thanh Lương đài trên Hoàng Sơn vào dịp tiết Trùng Dương năm nay!

Đan Tâm kiếm khách thở dài một tiếng đoạn hai tay cung kính nâng khúc kiếm gãy, quay mình từ từ bước vào Cửu Tử động. Bọn Đông Hải Kiêu Bà cũng kéo nhau rời khỏi Đan Tâm Bích! Đến khi vừa vượt qua một ngọn núi, bỗng nhiên Đồng Cổ Thiên Tôn dừng lại hỏi Đông Hải Kiêu Bà :

- Lôi mỗ có một đều thắc mắc xin hỏi Nhuế đạo hữu. Tại sao chúng ta đã tốn bao công phu mới đoạt được điểm Bích huyết chu ngân, vậy mà đạo hữu không yêu cầu Như Thiên Hân đứng về phe mình, lại chỉ yêu cầu lão ta đừng can thiệp vào chuyện thắng bại đôi bên là ý gì?

Nghe hỏi Đông Hải Kiêu Bà tủm tỉm cười đang định trả lời thì Nam Hoang Hạt Đạo đã cất tiếng cười dòn dã bảo Lôi Chấn Vũ :

- Đây mới là chỗ cao minh của Nhuế lão bà! Thế mà Thiên Tôn vẫn chưa hiểu ra ư?

Trong bọn Tam hung, Lôi Chấn Vũ tuy có tài sai khiến bách thú, giỏi phóng ngải độc và võ công luyện thành riêng một phái độc đáo nhưng về tâm kế thì hơi kém! Nay nghe Nam Hoang Hạt Đạo tán dương Nhuế Băng Tâm cao minh, lão ta đang băn khoăn tự hỏi thầm, thì Nam Hoang Hạt Đạo lại mỉm cười nói tiếp :

- Trong kỳ Đại hội Hoàng Sơn, chỉ cần Như Thiên Hân đừng ra tay can thiệp là chúng ta nắm chắc phần thắng. Còn nhóm “Bình Trung ngũ hữu” với lão Hoàng Sơn Độn Khách Cát Ngu Nhân gì đó, kể cả Tuệ Giác thần ni ở Lưu Vân Phong và Bạch Y Đà Ông có nhập bọn với nhau, nhưng cũng không sao địch nổi những món binh khí thần kỳ như thanh “Thiên Lam độc kiếm” của Nhuế lão bà, cây roi “Ngọc Chỉ Linh Xà” của Tiêu Dao Tử, cặp “Phong Ma Đồng Cổ” của Thiên Tôn cùng chút tài nghệ của Phí mỗ! Chỉ cần, trước ngày đại hội chúng ta tung tin cho khắp giang hồ hào kiệt biết rõ Như Thiên Hân đã nhận lời không ra tay can thiệp để đến lúc đó, lão ta không trở mặt được nữa! Theo tiểu đệ dự đoán, không chừng, lão ta chỉ nhìn thảm cảnh những nhân vật quen biết của lão lần lượt chết dưới tay chúng ta, mà lão phải lao đầu xuống núi mà tự vẫn cũng nên? Còn như, nếu chúng ta đương mặt đối đầu với lão ta, chẳng những được thua chưa rõ, mà còn bị mọi người đem lòng tức giận, vì với những sự tích oanh liệt và danh hiệu “Huyết Lệ Bố Y Đan Tâm kiếm khách” của lão ta đã được khắp mặt giang hồ kính trọng! Hiện thời chúng ta làm như thế, đã không lộ âm mưu cho nên Phí mỗ nhìn nhận thủ đoạn của Nhuế lão bà, quả thực lợi hại giết người không vấy máu, cao minh kín đáo, đáng gọi tuyệt luân!

Đồng Cổ Thiên Tôn nghe Nam Hoang Hạt Đạo giải thích một hồi mới vỡ lẽ, và lão cũng tấm tắc khen ngợi Đông Hải Kiêu Bà không ngớt!

Nhuế Băng Tâm tuy luôn luôn tươi cười từ tạ những lời khen ngợi của đồng bọn, nhưng thâm tâm của mụ ta cũng có vẻ gờm sợ trí lực của Nam Hoang Hạt Đạo, vì câu nào của hắn cũng nói trúng tâm ý của mụ cả.

Sau khi chia tay nhau tại Cao Lê Cống Sơn, ba tên ma đầu đều trở về sào huyệt của mình để tĩnh luyện công lực chuẩn bị dự Đại hội Hoàng Sơn.

Riêng Đông Hải Kiêu Bà rất nóng lòng vì đứa trò yêu nên mụ đã gấp rút trở về Đông Hải. Và khi mụ ta về gần đến Thúy Vi đảo thì lại gặp Thu Thuỷ, rồi trong lúc nóng nảy, không phân biệt phải trái, đã ra tay nhận chìm một vị cân quắc kỳ anh xuống lòng biển cả...

Hồng Y La Sát tuy không rõ chi tiết về việc Thu Thủy ngộ nạn nhưng khi nghe sư phụ nàng thuật chuyện, thì trong lòng hồi hộp vô cùng. Nàng rất lo lắng cho người tình là Phó Thiên Lân, không biết từ khi chàng tự bẻ gãy kiếm, rồi bị mê man nằm trong rừng rậm núi sâu, hiện giờ tình trạng ra sao? Còn sống hay đã chết rồi? Phần thì lo trong cuộc Đại hội Hoàng Sơn sắp tới, thực lực của phe chính nghĩa quần hào rất chênh lệch, thua sút bọn “Vực Ngoại tam hung” nhiều, lúc đó dù nàng có ý cải tà quy chánh nhưng sợ cũng khó lòng thực hiện được những điều theo như ý nàng đã định.

Tuy nghĩ vậy, nhưng Cổ Phiêu Hương vốn biết xưa nay nàng vẫn được sư phụ nàng thương yêu chiều chuộng nên nàng sà vào lòng Đông Hải Kiêu Bà rồi mỉm cười thỏ thẻ :

- Sư phụ, theo ý con nghĩ thì sư phụ đã phục dụng một trái Ngọc Hương Lan, giữ được nhan sắc trẻ tươi mãi mãi. Đảo Thúy Vi này lại là một cảnh đào nguyên hải ngoại, xa cách trần tục, hà tất sư phụ phải lao đầu vào vòng mưa máu gió tanh, để tranh đoạt một chút hư danh võ lâm làm gì nữa cho mệt mỏi trí óc và thân xác?

Nghe nói, Đông Hải Kiêu Bà trừng mắt ngạc nhiên hỏi :

- Ủa! Tại sao bữa nay Hương nhi lại đột nhiên thay đổi luận điệu như thế? Thường ngày, con vẫn lập chí ao ước được trở thành một hảo thủ đệ nhất trong lớp nhân vật võ lâm trẻ tuổi hiện thời hay sao?

Cổ Phiêu Hương cười gượng đáp :

- Trong ít lâu nay, đồ nhi đứng trên đảo ngắm nhìn lớp lớp sóng dồn ngoài mặt biển cả, đã thấu rõ trò đời ảo hóa hư vô! Thử hỏi đệ nhất nhân vinh ở chỗ nào? Mà tới hậu nhân thì nhục ở chỗ nào? Nếu cậy tài giết người để nổi danh thì cái danh đó cũng chẳng hay ho gì. Cho nên đồ nhi nghĩ, chỉ có cách gắng công tu luyện, tự bảo chân như tùy thời tùy hứng, du hiệp nhân gian, ra tay can thiệp những việc bất bình, để cứu giúp người đời mới là bản sắc của kẻ võ lâm cao sĩ chân chính. Vì vậy mà đồ nhi định...

Nghe Cổ Phiêu Hương nói đến đây, Đông Hải Kiêu Bà hơi cau mày, nhưng mụ ta vẫn tỏ vẻ tươi cười nói tiếp :

- Hương nhi định thế nào? Sao không nói nốt đi?

Cổ Phiêu Hương đã hiểu rõ tính tình của Đông Hải Kiêu Bà, nàng biết chỉ có cơ hội duy nhất này là có thể ngỏ lời khuyên can, nên nàng cố gượng lấy can đảm nói tiếp :

- Đồ nhi định yêu cầu ân sư hướng dẫn dìu dắt đồ nhi cùng Lục Lục Hoa sư muội ẩn cư suốt đời ngoài cõi Đào Nguyên hải ngoại này, để làm bạn với trăng trong gió mát, tiêu khiển cùng chim trời cá nước, vui hưởng tuổi già chẳng nên tham dự đại hội...

Không đợi Cổ Phiêu Hương nói hết, Đông Hải Kiêu Bà đã đưa tay vuốt mớ tóc mây óng ả của nàng, rồi lắc đầu cười :

- Hương nhi chớ nên nói như thế, vì sư phụ là nhân vật chủ yếu trong cuộc Đại hội Hoàng Sơn, không đi dự sao được?

Cổ Phiêu Hương thấy lời nói của mình không làm Đông Hải Kiêu Bà giận dữ, nên nàng có đôi phần hy vọng mà vững bụng tiếp tục nói :

- Nếu sư phụ đã nhất quyết đi dự đại hội thì cũng được, nhưng đồ nhi có lời yêu cầu sư phụ, sau cuộc đại hội tại Thanh Lương đài, sư phụ nên thanh minh trước mặt quần hào thuộc các phái võ lâm trong thiên hạ rằng, từ nay sư phụ sẽ lui khỏi giang hồ, không nhúng tay vào chuyện ân oán nữa, đồng thời hủy bỏ thanh “Thiên Lam độc kiếm” để làm tin. Như vậy, chẳng những đã tạo được thanh danh muôn thưở, mà còn được mọi người tôn trọng nữa.

Nghe đến đây, Đông Hải Kiêu Bà bỗng sa sầm nét mặt, khẽ đẩy Hồng Y La Sát dang ra, rồi phóng cặp mắt hàn quang như điện, nhìn nàng một lượt đoạn trầm giọng hỏi :

- Hương nhi, con đã bị đứa nào xúi giục thế? Có phải con định phản môn phái Đông Hải ta chăng?

Cổ Phiêu Hương thấy sư phụ nàng biến sắc và hỏi vặn như vậy, thì nét mặt nàng cũng trở nên rầu rĩ, thầm cắn răng run giọng đáp :

- Đồ nhi chịu ơn sâu dưỡng dục của ân sư, tuy mang danh nghĩa thầy trò, nhưng chẳng khác nào tình thương yêu giữa mẹ với con. Những lời đồ nhi trình bày vừa rồi, đều xuất phát tự đáy lòng, chứ không phải bị ai xúi giục mê hoặc. Nếu ân sư đã có ý nghi ngờ đồ nhi xin dùng thanh “Thiên Lam độc kiếm” tự vẫn để thanh minh lòng trong sạch vậy!

Nàng vừa dứt lời, thì thanh “Thiên Lam độc kiếm” cũng được rút ra khỏi vỏ, kèm theo tiếng “leng keng” trong trẻo ngân rền. Rồi cánh tay ngọc nhẹ vung, trở mũi kiếm đâm thẳng vào cổ họng.

Lúc đó Đông Hải Kiêu Bà cũng giật mình kinh hoảng, biết mình đã quá nặng lời với đứa trò yêu, nhưng mụ ta không dè Cổ Phiêu Hương lại quá cứng rắn, liều lĩnh mà rút kiếm tự vẫn ngay như vậy!

Và khi ánh kiếm màu lam thẫm vừa loé lên, thì Đông Hải Kiêu Bà đã thốt câu nói :

- Sao hôm nay Hương nhi lại liều lĩnh hồ đồ như thế?

Công lực của mụ ta quả đã đạt mức xuất thần nhập hóa, chỉ thấy thân hình mụ vẫn ngồi yên như thường, rồi giơ hai ngón chỏ và ngón cái bên tay mặt khẽ búng ngoài không khí một cái, cũng không nghe có tiếng kình phong gió rít mà cánh tay mặt Cổ Phiêu Hương đã bị tê bại, bỏ rớt thanh Thiên Lam độc kiếm xuống đất nghe một tiếng “coong”!

Cổ Phiêu Hương tuy đã lập chí cương quyết, nhưng dù sao vẫn là tính khí nữ nhi, nên sau khi khuyên can sư phụ không được, và rút kiếm tự vận cũng không xong, thì nàng tự cảm thấy xấu hổ ngượng ngùng vô cùng liền nấc lên một tiếng, rồi hai hang châu lệ tuôn trào như mưa.

Đây là lần thứ nhất Đông Hải Kiêu Bà thấy đứa trò yêu vốn tính cang trường nóng nảy của mụ ta nhỏ lệ khóc lóc nên mụ ta cảm thấy thương xót, bất nhẫn vội ôm Cổ Phiêu Hương vào lòng, kéo vạt áo chùi nước mắt cho nàng rồi ôn tồn dỗ dành :

- Hương nhi, giữa thầy trò chúng ta, đã có một điểm giống nhau là tính kiêu ngạo và hiếu danh! Cho nên, chẳng những ta đã truyền hết công lực cho con, mà còn hy vọng con sẽ trở thành một nhân vật siêu quần xuất sắc trong đám thiếu niên hiện thời. Chính ta cũng thường có ý khí chinh phục thiên hạ anh hào để trở thành một bậc thái sơn bắc đẩu, vô thượng chí tôn trong giới võ lâm. Bởi vậy, đối với kỳ Đại hội Hoàng Sơn này, chẳng những ta cần tham dự, mà còn có ý định là, sau khi so sánh công lực với Hoàng Sơn Độn Khách Cát Ngu Nhân và các nhân vật trong nhóm “Bình Trung ngũ hữu” rồi, ta cũng muốn tranh tài cao thấp cùng bọn Nam Hoang Hạt Đạo, Ngọc Chỉ Linh Xà Tiêu Dao Tử và Đồng Cổ Thiên Tôn Lôi Chấn Vũ nữa. Ta chỉ cần thỏa mãn được tâm nguyện bình sanh là chinh phục quần hào, lúc bấy giờ ta sẽ nghe lời khuyên can của con, và thầy trò ta sẽ cùng nhau tiêu dao tự tại ở nơi Thúy Vi đảo này, không nhúng tay vào chuyện giang hồ ân oán nữa!

Cổ Phiêu Hương nghe Đông Hải Kiêu Bà thổ lộ tâm chí thì nàng biết đại nguyện của sư phụ nàng là muốn xưng bá võ lâm, khống chế anh hùng thiên hạ. Và trước khi cái nguyện vọng ấy chưa hoàn thành, hoặc chưa ảo diệt tan vỡ thì mấy lời can gián của nàng khó lòng lay chuyển được ý định tham dự Đại hội Hoàng Sơn của sư phụ nàng.

Cho nên, sau một hồi suy nghĩ đắn đo, bất đắc dĩ Cổ Phiêu Hương cũng phải chùi lệ gượng vui, nhưng trong thâm tâm nàng đã quyết định, nếu đã không khuyên can được, thì chi bằng hãy cứ theo sư phụ nàng đến dự Đại hội Hoàng Sơn, để may ra có thể thừa cơ, tìm cách dung oai lực thanh Thiên Lam độc kiếm cố sức cứu vãn được tính mạng một vài nhân vật chánh phái chăng?

Đến đây tạm gác chuyện thầy trò Đông Hải Kiêu Bà, xin tiếp sang chuyện Phó Thiên Lân. Chàng đã được may mắn ở lại bảy ngày tại Vô Sầu cốc để thưởng thức linh dược dị quả, tăng cường công lực thể hội thân pháp khinh công thượng thặng trong cách bay lượn của bầy linh điểu. Và trong thời gian bảy ngày ấy chẳng những về phương diện chân khí nội lực của chàng được tăng tiến rất nhiều, mà cả về phương diện khinh công cũng trở nên linh diệu vô cùng, vì đã được Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu tận tình tiếp đãi và chỉ dẫn.

Sau khi mãn hạn bảy ngày, Phó Thiên Lân ngỏ lời cáo biệt, Đỗ Vô Sầu liền trao cho chàng một chiếc túi gấm đựng manh áo “Lông chim ngũ sắc” chuyển tặng Thu Thuỷ. Ngoài ra vị kỳ hiệp này còn tặng chàng con chim Anh Vũ (chim két) “Bích Linh” biết nói tiếng người, để dẫn theo làm bạn trên đường hành hiệp giang hồ.

Phó Thiên Lân vội cúi lạy xưng tạ và sau đó được Đỗ Vô Sầu cho quái điểu lông vàng cõng ra khỏi Vô Sầu cốc.

Lúc đến, Phó Thiên Lân ở trong trường hợp lao mình tự tận rồi được quái điểu tha xuống, hơn nữa lúc bấy giờ tâm thần hoảng hốt, nên chưa được nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Đến nay được ngồi yên trên lưng Thần điểu, yên ổn bay lượn lưng trời ngắm nhìn cảnh vật, chàng mới thấy nơi đây quả thực là hùng vĩ, núi non trùng trùng điệp điệp, cây cối xanh ngắt bao la mây trắng phủ lưng đèo, chẳng khác một tấm lụa bạch giăng kín ngang trời, thực là một tiên cảnh nhân gian chưa từng thấy.

Thời gian bảy ngày ở trong hang Vô Sầu, Thiên Lân được ngắm nhìn bầy linh điểu bay lượn đuổi nhau, chàng thấy hình như trong số những loại dị điểu đó có mấy con quái điểu lông vàng là dũng mãnh nhất. Cho nên, khi ngồi trên lưng quái điểu, chàng đã đưa tay khẽ vuốt bộ lông cứng như sắt trên cổ chim và thầm nghĩ nếu trong cuộc Đại hội Hoàng Sơn mà được một vài linh cầm như con chim này trợ trận, thì lo gì lũ dị thú hung ác của Đồng Cổ Thiên Tôn không bị tiêu diệt!

Con quái điểu lông vàng bay rất chậm và khi thấy Thiên Lân vuốt ve bộ lông tên lưng thì nó liền cất cao cổ giương cặp quái nhỡn đỏ như lửa, nhìn chàng và kêu lên hai tiếng “quác quác”.

Phó Thiên Lân cho rằng con quái điểu không bằng lòng, đang định rụt tay lại, thì đã nghe con Anh Vũ “Bích Linh” đậu trên vai dùng tiếng người nói :

- Phó tướng công, không phải lão Kim giận tướng công đâu, vì hắn biết tướng công đến Mãng Thương sơn tìm gặp “Bách Cầm Tiên Tử” nên hắn định yêu cầu tướng công nhổ một chiếc lông của hắn, gửi đến cho một con chim bạn của hắn đó!

Nghe chim Anh Vũ nói chuyện, Phó Thiên Lân tỏ vẻ thích thú vô cùng, chàng liền thò tay nhổ một chiếc lông màu vàng của con quái điểu tên gọi “Lão Kim” rồi mỉm cười hỏi chim Anh Vũ “Bích Linh” :

- Bạn của “Lão Kim” tên gọi là gì? Nghe nói bầy linh điểu của “Bách Cầm Tiên Tử” Công Tôn Đỉnh lão tiền bối, có phải...

Con quái điểu tên gọi “Lão Kim” không đợi Thiên Lân dứt lời, đã lại kêu lên mấy tiếng “quác quác...” nữa.

Chim Anh Vũ Bích Linh vội lên tiếng giải thích :

- Phó tướng công, “Lão Kim” hắn nói, sau khi chúng ta tìm gặp Bách Cầm Tiên Tử, chỉ cần đưa chiếc lông này ra là “Lão Hoàng” bạn hắn sẽ tìm đến gặp chúng ta!

Càng nghe, Phó Thiên Lân càng cảm thấy vui thích. Và chàng nhìn kỹ chiếc lông đang cầm; chỉ thấy một nửa dưới chân màu vàng sậm, còn nửa trên màu vàng lợt như hoàng kim, trông óng ánh rất đẹp mắt, chàng vội cất vào bọc rồi lại hỏi con Anh Vũ Bích Linh :

- Bích Linh thử hỏi “Lão Kim” xem kỳ Đại hội Hoàng Sơn vào dịp tiết Trùng Dương năm nay có một số nhân vật tà phái nuôi rất nhiều quái thú độc xà, chẳng những sức người không chế phục được, mà còn rất bận tay đối phó, không biết lúc đó “Lão Kim” có thể đến giúp đỡ được chăng?

Nghe nói chim Anh Vũ Bích Linh liền líu lo kêu hót một chập nói chuyện với con quái điểu màu vàng, rồi lại dùng tiếng người nói với Thiên Lân :

- Lão Kim hắn nói, tất cả độc xà, quái thú trong dãy núi Võ Đang này đều bị hắn ăn sạch hết rồi, và hắn cũng đang định tìm món ăm mới mẻ khác để thay đổi khẩu vị. Nhưng vừa rồi Phó tướng công không yêu cầu với chủ nhân cho phép, nên hắn không dám tự tiện bay ra ngoài trăm dặm của phạm vi “Vô Sầu cốc”.

Nghe chim Anh Vũ Bích Linh nói như vậy, Thiên Lân thầm tiếc rẻ, tại sao trong thời gian lưu trú tại Vô Sầu cốc, mình không thỉnh cầu Bách Điểu Tiên Nhân về việc này? Đến nay trở lại thì không tiện nên chàng đành phải tự nhủ đợi sau này hãy hay chứ biết làm sao!

Trong khi người, chim vẫn đáp, phút chốc Thiên Lân đã được quái điểu đưa qua bảy từng mây mờ, đến nơi mỏm đá mà bảy ngày trước chàng đã từng đứng đây lao mình xuống để tự tử.

Khi bay ngang mỏm đá, chàng định nhảy xuống nhưng quái điểu vẫn vỗ cách bay thẳng không chịu ngừng lại, chim Anh Vũ Bích Linh vội lên tiếng giải thích :

- Phó tướng công, “Lão Kim” đã được lệnh chủ nhân, đưa chúng ta qua ba tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên, và Qúy Châu để đến tận địa phận Vân Nam đó!

Lúc này, thâm tâm Thiên Lân đang lo lắng, không biết chuyến đi Hoa Sơn của Thu Thủy an nguy ra sao? Và không biết Đan Tâm kiếm khách có bị bọn “Vực Ngoại tam hung” lợi dụng khúc kiếm gãy có điểm chu ngân đoạt được của chàng đem đến để uy hiếp tinh thần, bắt làm những điều trái với lương tâm hay chăng? Rồi lại còn việc đi tìm Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh nữa, không biết bao giờ mới gặp? Do đó, khi chàng được biết quái điểu chịu đưa qua quãng đường xa xôi hàng nghìn dặm, thì mừng rỡ vô cùng!

Chim thần vỗ cánh tung bay, chớp mắt hàng ngàn dặm tuy gió lạnh tạt vào mặt ào ào, rát buốt như muốn tắt thở, nhưng tâm thần vẫn thấy thư thái, sảng khoái vô cùng! Lúc này, thâm tâm Thiên Lân rất hâm mộ hai vị tuyệt thế kỳ nhân Công Tôn Đỉnh và Đỗ Vô Sầu.

Chàng thầm nhủ, nếu có cơ duyên, chàng cũng cùng Thu Thủy học theo hai vị kỳ nhân này, mỗi người nuôi mấy con linh điểu, rồi cùng nhau cưỡi gió tung mây, ngao du sơn thủy, xa lánh cảnh tranh đua danh lợi, phú quý hư vinh. Và như vậy, mới xứng là một cặp vợ chồng thần tiên chân chính!

Con quái điểu quả rất khôn và biết tuân lệnh chủ nhân. Khi bay đến địa phận Vân Nam, nó liền hạ cánh xuống lưng chừng một ngọn núi; đợi Phó Thiên Lân bước xuống rồi mới cất cao cổ kêu lên mấy tiếng tỏ ý từ giã, bay lượn trên không một vòng và biến mất trong khoảng mây mờ xa thẳm!

Phó Thiên Lân ngửa mặt nhìn trời, hồi tưởng những chuyện gặp gỡ trong mấy ngày qua, mà lòng bâng khuâng như luyến tiếc!

Thấy thần thái chàng như vậy, chim Anh Vũ Bích Linh vừa bay lượn chung quanh vừa lên tiếng :

- Nếu Phó tướng công ham thích loài chim như vậy, đợi khi gặp Bách Cầm Tiên Tử tướng công sẽ yêu cầu người tặng một con, thế nào mà chẳng được mãn nguyện!

Được chim Anh Vũ nhắc nhở, Thiên Lân mới chợt tỉnh ngộ và thầm nghĩ, nếu may gặp được Công Tôn Đỉnh lão tiền bối, chàng sẽ tìm cơ hội ngỏ lời, biết đâu chẳng có hy vọng?

Lại nói, dãy núi Thiên Lân vừa đặt chân xuống, tuy ở lưng chừng, nhưng cây cối rậm rạp um tùm, đá mọc lởm chởm, mùi hôi hám bốc lên nồng nặc, hình thế rất hiểm ác!

Chàng đang đứng ngắm tìm phương hướng, bụng suy tính không biết có nên đến Cao Lê Cống Sơn để bái yết Đan Tâm kiếm khách trước hay đi tìm Công Tôn Đỉnh trước.

Và trong khi đang phân vân thì bỗng nhiên nghe văng vẳng phía sau đèo có mấy tiếng còi trúc rất quái gở.

Mấy tỉnh vùng biên cảnh Tây Nam vốn nổi tiếng nhiều chim muông rắn rết quái dị, cho nên Phó Thiên Lân đang phải ngưng thần lóng tai nghe ngóng thì bỗng nhiên thấy chim Anh Vũ Bích Linh đáp xuống vai chàng khẽ nói :

- Phó tướng công, chúng ta hãy tránh lên đỉnh núi kia đi, vì ở đây hình như có mùi hôi của một loại độc xà hiếm thấy, và có phần nguy hiểm lắm!

Phó Thiên Lân biết sức cảm ứng của loài cầm thú thường thường vượt hơn loài người rất nhiều, nên chàng vội lắc mình nhảy liên tiếp mấy cái, lên cao bốn, năm trượng, ẩn mình trong bụi cây lá um tùm của một khóm cổ tùng to lớn. Còn chim Anh Vũ Bích Linh thì vẫn đậu trên một mỏm đá nhỏ khuất sau bụi cỏ rậm tại chỗ cũ!

Tiếng còi trúc quái gở vừa rồi chỉ khẽ vẳng lên rồi tắt hẳn. Kế đó, là tiếng người thầm thì và tiếng vòng sắt chạm nhau nghe leng keng...

Từ khi Phó Thiên Lân ở Vô Sầu cốc ra, chẳng những về phương diện nội ngoại công tiến bộ rất xa, mà cả về tai, mắt cũng linh mẫn hơn trước nhiều. Cho nên tiếng người thầm thì tuy rất nhỏ, nhưng chàng cũng nghe ra giọng nói có vẻ hơi quen!

Quả nhiên, sau một tiếng động mạnh, nơi vách đá chàng vừa đứng ban nãy bỗng xuất hiện một cửa hang hình vuông khoảng mấy thước. Từ trong hang có hai người bước ra, một người mặc áo dài màu sặc sỡ, nhưng ống tay áo bên mặt bay phất phơ, hình như người đó đã cụt bàn tay mặt.

Còn một người thì đầu tóc bù xù, nửa thân trần trùng trục ngang lưng quấn mảnh da cọp, trông như một tên mọi vùng Miêu Cương.

Hai người này đối với Phó Thiên Lân không xa lạ gì, họ chính là hai tên tiểu ma đầu Thái Y Ma Mật Ngạn và Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ đã cùng nữ đệ tử của Nam Hoang Hạt Đạo là Vô Mục Tiên Cơ Phùng Tiểu Thanh đến Ma Vân Bích dùng ngải độc ám hại Vạn Bác thư sinh Bành Hàm, sau đó chúng đã rủ nhau ra Đông Hải khuấy rối, bị Hồng Y La Sát dùng Thiên Lam độc kiếm chém Ma Mật Ngạn cụt bàn tay mặt.

Nguyên khi Ma Mật Ngạn ở Đông Hải bị Hồng Y La Sát chặt đứt cổ tay nhưng vì sư phụ hắn là Ngọc Chỉ Linh Xà Tiêu Dao Tử có tài nuôi các loại độc xà kỳ dị và luyện được nhiều loại linh dược giải độc rất hay cho nên hắn ta đã từ chối không nhận viên “Bích Vân đan” của Cổ Phiêu Hương ném sang tặng, mà đã tự uống thuốc giải độc của hắn mang theo.

Sau đó, bọn chúng bàn nhau và cũng nhận định :

Võ học của Hồng Y La Sát quá cao, nếu giao đấu đường hoàng tất nhiên không thể nào thắng, nên chúng rủ nhau cùng trở về sào huyệt cầu khẩn sư phụ chúng là “Ngọc Chỉ Linh Xà” Tiêu Dao Tử, “Đồng Cổ Thiên Tôn” Lôi Chấn Vũ, và “Nam Hoang Hạt Đạo” Phí Nam Kỳ, xuất đầu đối phó với Đông Hải Kiêu Bà để trả thù cho chúng!

Nhưng chúng không dè, Ngọc Chỉ Linh Xà và Đồng Cổ Thiên Tôn là hai tên lão quái rất tinh khôn, chúng đã biết rõ lợi hại đang lúc hai phe chính tà sắp thanh toán nhau, không thể nào lại vì cơn tức khí của một tên môn hạ đệ tử mà trở mặt với Đông Hải Kiêu Bà để tự tàn sát lẫn nhau cho hao thực lực?

Vì vậy, sau khi hai tên Thái Y Ma Mật Ngạn và Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ kéo về khóc lóc cầu khẩn, chẳng những chúng không được như nguyện mà còn bị sư phụ chúng chửi mắng một trận nên thân. Thế rồi trong lúc oán hận, hai tên này liền bàn nhau, làm liều mỗi tên tìm cách đánh cắp của sư phụ chúng mấy con linh xà dị chủng và quái thú hung mãnh, rồi dắt nhau trốn đến ẩn cư tại hang núi này để chuẩn bị sau khi điều luyện xà thú được thuần thục, chúng sẽ kéo nhau ra Đông Hải tìm Hồng Y La Sát Cổ Phiêu Hương để thanh toán mối thù cũ!

Còn riêng Vô Mục Tiên Cơ Phùng Tiểu Thanh, vì thấy hai tên Mật, Mạnh về cầu cứu sư phụ không được toại nguyện nên y thị bàn định với hai tên đồng bọn, không về kêu cầu Nam Hoang Hạt Đạo nữa mà ngấm ngầm thi hành mưu kế để một đứa ở lại bên cạnh ba tên lão quái, còn hai đứa kia đi trốn, sau đó, chúng sẽ cùng nhau liên lạc tin tức đồng thời dò xét xem “Ngọc Chỉ Linh Xà” Tiêu Dao Tử và “Đồng Cổ Thiên Tôn” Lôi Chấn Vũ đối với việc hai tên Mật, Mạnh đánh cắp xà, thú trốn đi có tức giận không? Và tức giận đến mức nào?

“Ngọc Chỉ Linh Xà” Tiêu Dao Tử phần thì đi lại chơi bời thân thiết với Đông Hải Kiêu Bà, phần thì môn hạ đệ tử của y rất đông, cho nên đối với việc Mật Ngạn đi trốn, hắn không buồn để ý!

Riêng có “Đồng Cổ Thiên Tôn” Lôi Chấn Vũ thì ngày thường rất yêu mến Mạnh Vũ, nên lão ta nhiều lúc tỏ ra như vô tình, nói với Phùng Tiểu Thanh, dặn nàng chuyển lời bảo Mạnh Vũ nếu ở ngoài có gặp điều gì gian nguy thì cứ về Dã Nhân sơn, hắn sẽ được tha thứ, không bị trách mắng gì đâu!

Đến nay, trong lúc vô tình, Phó Thiên Lân may mắn gặp được hai tên Mật Ngạn và Mạnh Vũ từ trong hang kín đi ra và lại được nghe chúng bàn chuyện, nên chàng đã đoán rõ đại khái âm mưu của chúng mà thầm nghĩ :

- “Vạn Bác thư sinh” Bành Hàm đã bị táng mệnh dưới thủ đoạn hèn hạ lén phóng ngải độc của chúng mà bị ngậm hờn nơi chín suối, “Trường Bạch Tửu Đồ” Hùng Đại Niên cũng vì đi tìm hai tên tiểu tặc này mà bị trọng thương tại Bách Thú Nham trong Dã Nhân sơn, nay mình gặp chúng tại đây, sao không nhân cơ hội ra tay trừ khử để báo thù rửa hận cho hai vị tiền bối võ lâm...

Ý nghĩ vừa đến đây, Thiên Lân bỗng thấy Ma Mật Ngạn tay trái cầm một mũi dùi sắt có năm khoen tròn, đâm loạn xạ vào tảng đá bên cạnh phát ra những tiếng “leng keng” rồi nhìn Mạnh Vũ cười khăng khắc :

- Mạnh đại ca này, con “Tam Trảo Kim Ngao” (chó sói ba chân) của đại ca đã được dạy dỗ rất thuần thục chỉ còn đợi con “Thất Tinh Hồng” của tiểu đệ không sợ Thiên Lam độc kiếm tạm điều khiển được là chúng ta có thể ra Đông Hải tìm Hồng Y La Sát để trả mối thù chặt cụt bàn tay của tiểu đệ.

Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ cũng gật đầu cười khà khà, đáp :

- Lúc trước, con tiện tỳ Cổ Phiêu Hương vì đã biết rõ gốc ngọn của chúng ta và đề phòng trước nên y thị mới tránh thoát ngải thần của tiểu đệ, và cậy oai lực của Thiên Lam độc kiếm chém chết con “Ngũ sắc linh xà” của Mật huynh. Nhưng phen này, nhất định con khốn đó không thể nào ngờ được rằng con “Thất Tinh Hồng” của Mật huynh lại mềm mại và nhẹ như bông, bất cứ một bảo đao bảo kiếm nào cũng không chém đứt được. Lại còn con “Tam Trảo Kim Ngao” của đệ nữa, tuy trông không có gì đáng sợ nhưng oai lực của nó thì lợi hại vô cùng! Chỉ cần chúng ta tìm gặp được con khốn đó, lo gì không trả được thù? Hiện chúng ta đã hẹn với Phùng Tiểu Thanh, đợi nàng ăn cắp được cây gậy “Tiêu Hồn” của Lão Đạo Mù, vậy chúng ta hãy cố chờ nàng ít lâu, rồi sẽ đi Đông Hải trả thù thì tiện hơn!

Phó Thiên Lân sắp sửa nhảy ra thách đấu, nhưng sau khi nghe được mẩu chuyện bàn tính của hai tên Ma Mật Ngạn và Mạnh Vũ, lại thấy chúng nhắc đến sự lợi hại của hai con vật “Thất Tinh Hồng” và “Tam Trảo Kim Ngao” thì chàng đoán chắc hai con vật này phải thuộc loại độc xà mãnh thú cực kỳ lợi hại, nên bất giác chàng phải tạm thời thay đổi ý định và thầm nghĩ :

- “Rất tiếc, nếu con quái điểu vừa đưa chàng đến đây chưa bay về thế nào chàng cũng dụ hai tên tiểu ma đầu này thả hai con vật bảo bối của chúng ra cho con quái điểu nếm thử mùi vị lạ miệng thì hay biết bao?”

Trong lúc Thiên Lân còn đang suy nghĩ đắn đo chưa quyết định ra tay hay không thì ngờ đâu con Anh Vũ Bích Linh đã lên tiếng gây sự. Nó đậu trên một mỏm đá cao, trừng cặp mắt lộ vẻ tinh quang lóng lánh, nhìn Ma Mật Ngạn và Mạnh Vũ cất mấy tiếng cười nhạt “khành khạch”!

Hai tên tiểu ma đầu đang đứng bỗng nhiên nghe đàng sau có tiếng cười nhạt, thì bất giác chúng giật mình cả sợ, vội vàng cùng giơ chưởng thủ ngang ngực rồi quay lại nháo nhác tìm kiếm!

Đến khi “Song Cổ Truy Hồn” Mạnh Vũ phát giác tiếng cười “khành khạch” xuất phát ra từ nơi con Anh Vũ màu lục đậu trên mỏm đá cách đó một trượng, thì hắn lộ vẻ ngạc nhiên hỏi Ma Mật Ngạn :

- Này Mật huynh, con chim Anh Vũ kia thực là kỳ quái, chẳng những nó cứ trừng mắt nhìn chúng ta mà còn biết cười nhạt nữa!

Ma Mật Ngạn không ngờ nghệch như Mạnh Vũ, xuất thân từ nơi lam chướng hoang vu vùng Miêu Cương cùng với sự hiểu biết kém cỏi mà hắn đã được theo “Ngọc Chỉ Linh Xà” Tiêu Dao Tử lặn lội giang hồ lâu năm, thâu lượm được một mớ kiến thức rộng rãi. Cho nên, khi hắn thấy bộ điệu của chim Anh Vũ Bích Linh thì biết không phải loại chim thường nên hắn vội lên tiếng hỏi thử :

- Này chim Anh Vũ kia, có phải mi biết nói tiếng người không? Tại sao mi cứ nhìn chúng ta mà cười nhạt như thế?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play