Đối với mình, thì chiếc áo khoác đồng phục của Korea University thật sự giống như một tấm áo giáp bảo vệ chiến binh vậy.  

Như bao bạn bè cùng trường, mình mua áo khoác đồng phục lần đầu theo...phong trào. Mình thích cảm giác tự hào khi mặc nó, thích mặc nó đi cổ vũ bóng đá lúc các trường thi đấu với nhau, thích việc nó thật sự là một chiếc áo xịn và tốt – đến mức mang ra tiệm giặt là ở Việt Nam họ còn không nhận vì sợ làm hỏng. 

Mình chỉ không nhận ra là, chiếc áo đồng phục đó đã bảo vệ mình hơn chỉ là một mùa đông lạnh, chung vui với mình qua một mùa bóng. Nó đã thật sự "bảo vệ" theo mình nghĩa đen. 

Ngày xưa lúc nào ra sân bay mình cũng rất điệu đà. Nhưng gần đây bất cứ lúc nào tới Hàn, gặp người Hàn, đến chỗ nào liên quan đến Hàn Quốc – điều đầu tiên mình nói, đó là "Mình tốt nghiệp từ Korea University", phản ứng của họ cởi mở và thân thiện hơn rất nhiều. Mình cũng đủ nhận ra, cho dù thế nào thì nhân viên hải quan ở sân bay cũng rất khắt khe với người Việt vì tình hình thực tế, nhưng ở cả hai nhà ga Incheon và Nội Bài – khi nhìn thấy chiếc áo khoác, mọi người cũng dễ chịu hơn rất nhiều và không gặng hỏi. Nếu mình có quá cân, tay xách nách mang thì mọi người cũng thông cảm, "sinh viên nên cần nhiều đồ". 

Không chỉ thế, mỗi lần đi ăn hàng quán ở đây, các thím đầu xoăn cũng luôn cho nhiều đồ hơn khi biết mình là sinh viên. "Ăn nhiều vào, lấy sức mà học". Đi đường cần hỏi giúp đỡ cũng dễ hơn. Mình nhận ra không phải vô duyên vô cớ mà người Hàn đối xử ấm áp với một người lạ, mà vì mình là một sinh viên trên đất nước của họ. Trong đó có sự tôn trọng, quý mến và động viên rất nhiều. 

Mình mặc áo khoác nhiều hơn, bạn bè mình bảo là tốt nghiệp rồi trông vẫn như năm nhất – vấn đề không phải ở cái đẹp, ở sự tự hào về ngôi trường, mà là vì đây là "bộ giáp tri thức" của mình. Mình chưa bao giờ nghĩ, một chiếc túi hàng hiệu hay một cái áo đắt tiền có thể làm cho người đối diện ngay lập tức có thiện cảm với mình – nhưng một chiếc áo khoác đồng phục lại có thể. 

Cần lắm, việc làm cho sinh viên cảm thấy họ được tôn trọng và bảo vệ như vậy khi khoác lên mình tấm áo giáp của bất kỳ ngôi trường nào. Cần lắm, việc làm cho sinh viên muốn tự hào về nơi họ theo học. Cần lắm, việc khiến cho mọi người nể phục tri thức – hơn là vật chất.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play