“Có một gia đình nọ, người chồng mất sớm, chỉ còn lại quả phụ Vương Thị cùng cô nhi mười bảy tuổi. Vương Thị dùng số tiền công ít ỏi nhờ vào việc may vá giặt giũ thuê cho người ta để chu cấp cho con trai đi học, tuy sống trong cảnh cơ hàn túng bấn, nhưng mẹ hiền con hiếu thuận, người mẹ cần mẫn hiền đức, cậu con trai lại khắc khổ ham học, có thể xem như trong khổ cực cũng tìm thấy niềm vui.

Vương Thị vì để tiện cho con trai vào Kinh ứng thi, bèn thuê một ngôi nhà ngoài thành. Trong ngoài hai gian, trước còn có một chiếc sân nhỏ.

Sống ở đó chừng nửa tháng, hôm đó thời tiết về đêm oi bức ngột ngạt, hai mẹ con trở dậy ra ngoài sân ngồi, Vương Thị thì khâu áo, còn thư sinh mượn ánh trăng để đọc sách. Bỗng có một người đàn ông không biết ở đâu đến từ ngoài cửa lớn xông vào, trên người mặc y phục màu đỏ, trên mặt còn bịt một tấm vải dầu, không nói lời nào đã vội giật lấy cuốn sách trên tay thư sinh rồi tiến vào trong nhà.

Hai mẹ con kinh hãi tái mét cả mặt mũi, cứ cho rằng có kẻ xấu tới cướp bóc, nhưng nhà nghèo như thế, nào có thứ gì giá trị để lấy đi chứ? Nhưng người mặc đồ đỏ đã vào nhà rất lâu mà không thấy ra, hai người đành phải cứng đầu vào nhà xem thế nào.

Nhưng lạ thay, trong nhà trống không nào có ai, ngôi nhà này chỉ có hai gian phòng nhỏ, không có lấy cửa sổ hay cửa sau. Vương Thị phát hiện, dưới chiếc giường phòng trong thò ra một miếng khăn đỏ, chẳng lẽ người đó vẫn đang nấp dưới gầm giường hay sao?

Thư sinh vớ ngay lấy chiếc gậy dùng để chèn cửa, hai mẹ con hợp lực dịch chiếc giường, nhưng dưới giường lại không có người, thì ra mảnh khăn đỏ đó được lấp ở dưới đất chỗ gầm giường. Vương Thị móc tay vào chỗ đất lộ ra mảnh vải đỏ, phát hiện lại có một tầng đất nữa, bèn bảo con trai đào chỗ đất đó lên, xem xem tấm khăn đỏ đó rốt cuộc là vật gì.

Thư sinh đào bới không lâu đã lộ ra một chiếc hòm lớn được bọc trong một tấm vải đỏ, chiếc hòm được đóng kỹ bằng khóa đồng, không cách nào mở ra được. Thư sinh trẻ tuổi ra bộ nôn nóng, bèn lấy rìu nện vào hòm, bên trong ánh kim sáng loáng, đầy những châu báu vàng bạc.

Vương Thị mừng rỡ khôn tả, cho rằng ông trời thương cho cảnh mẹ con sống cơ cực nên đã ban phát phú quý. Có điều khoản tài sản này quá lớn, hai mẹ con không tránh khỏi tim đập chân run. Vương Thị sinh lòng mê tín, bèn lấy một miếng ngọc bội trong đó ra, sai con trai vào thành mua về một chiếc đầu lợn làm đồ cúng tế tổ tiên. Đoạn lại chôn chiếc hòm ở nguyên chỗ cũ.

Bận rộn suốt một đêm, lúc này trời đã hưng hửng sáng, cửa thành vừa mở, thư sinh liền cầm lấy ngọc vào thành mua đầu lợn. Đến quầy thịt của Mã đồ tể trong thành, trông thấy một cái đầu lợn to béo máu vẫn đỏ tươi được treo trên phản thịt. Thư sinh lấy tiền ra đưa cho Mã đồ tể nói rằng muốn mua đầu lợn về để cúng tế.

Mã đồ tể thấy một thanh niên ăn mặc cũ rách lại đưa ra một miếng ngọc bội giá trị như vậy, rất lấy làm ngạc nhiên. Nhưng cổ nhân cho rằng: Vạn người đều là hạ đẳng, duy chỉ có người đọc sách là thanh cao. Dù người đọc sách dùi mài kinh thơ có nghèo túng quẫn bách, nhưng đi tới đâu cũng vẫn được tầng lớp lao động coi trọng. Mã đồ tể tuy cảm thấy kỳ quái, nhưng không cho rằng số tiền của thư sinh là do làm việc bất chính mà có, bèn gỡ đầu lợn xuống đưa cho cậu ta.

Thư sinh ra bộ lóng ngóng vì không biết phải ôm đầu lợn thế nào, mà máu tươi vẫn cứ nhỏ ra mãi. Mã đồ tể thấy cảnh đó cảm thấy rất buồn cười, vội lấy tấm vải dầu của nhà hay dùng để gói đầu lợn vào đó. Thư sinh cám ơn đồ tể, rồi ôm đầu lợn vội vã trở về nhà.

Kinh thành là nơi trọng yếu, người của quan nha cũng rất nhiều, có mấy vị công sai trở dậy từ sớm để tới Nha môn làm việc, thoáng thấy một tú tài nghèo ôm bọc vải dầu máu đỏ thẫm, vẻ mặt hoang mang, hớt ha hớt hãi đi trên phố. Công sai này vừa nhìn đã đoán người này không bình thường, vậy là đi lại chặn đầu cậu ta, gạn hỏi:

- Mới bảnh mắt ra nhà ngươi đã vội vã đi đâu vậy?

Thư sinh đêm qua tìm được một khối tài sản lớn, vẫn còn chưa hết kinh ngạc, nay lại bị quan sai dò hỏi, nhất thời sững người lại, lắp ba lắp bắp nói là phải vào thành sớm để mua đầu lợn về cũng tế tổ tiên.

Quan sai thấy vẻ thành khẩn của thư sinh trẻ tuổi, bèn để cậu ta đi. Đúng lúc thư sinh đang chuẩn bị rảo bước bỏ đi, thì một công sai lớn tuổi bỗng gọi giật lại:

- Cậu nói trong cái bọc này là đầu lợn phải không, phiền cậu mở nó ra cho ta xem chút có được không?

Thư sinh nghĩ bụng, đầu lợn có gì đáng xem chứ, nếu các ông muốn nhìn, vậy ta cũng chẳng ngại. Vẫn đang chần chừ nghĩ ngợi thì bọc vải dầu đã được mở ra, nào có đầu lợn gì, bên trong là một cái đầu người đầy máu.

Đám công sai hết sức sửng sốt, rùng mình vì suýt chút nữa bị qua mắt. Không nói nhiều lời liền áp giải thư sinh về Nha môn.

Quan phủ biết chuyện bèn lấy khẩu cung của thư sinh. Bắt cả Mã đồ tể và Vương Thị tới tra xét.

Mã đồ tể một mực khẳng định trước giờ chưa từng gặp thư sinh trẻ tuổi này, hơn nữa hôm nay cảm thấy trong người không được khỏe nên cũng muốn nghỉ chợ một ngày.

Sau đó lại sai người đến lấy chiếc hòm được chôn dưới giường trong nhà thư sinh, bên trong cũng chẳng có châu báu bảo bối gì, bên trên đầy những giấy tiền để hóa vàng cho người chết, phía dưới đáy hòm là thi thể một người đàn ông không đầu, mặc đồ đỏ, trong tay xác chết có cầm chặt một cuốn sách, cũng chính là cuốn sách mà đêm qua thư sinh ngồi đọc trong sân.

Qua kiểm tra khẳng định, chiếc đầu người mà thư sinh ôm trên tay chính là của thi thể người nam được phát hiện. Trong khoang miệng của người chết toàn là máu đen, có thể là do trúng độc mà chết.

Quan phủ cảm thấy vụ án này hết sức dị thường, bèn cho tra xét lại khẩu cung, dựa vào lời nói cũng như sắc mặt, nhận thấy Vương Thị không giống loại người gian tà xảo quyệt, còn Mã đồ tể thần thái vẫn hết sức bình thản, cứ như thể mọi chuyện không liên quan tới mình, nhưng lại ẩn tàng một sự căng thẳng nào đó.

Quan phủ theo khẩu cung, hỏi Mã đồ tể:

- Thư sinh khai là đã dùng một miếng ngọc để mua đầu lợn của nhà ngươi, ngươi nói, sáng sớm ra mới bày hàng, không có bạc vụn để trả lại. Thế nên cậu ta đã để miếng ngọc đó lại chỗ người, hẹn hai ngày sau quay lại lấy tiền thừa. Có chuyện này không?

Mã đồ tể lắc đầu chối bẩy:

- Tuyệt đối không có chuyện này, từ tối qua đến giờ tiểu nhân chỉ nằm ngủ trong nhà thôi, vợ tiểu nhân có thể làm chứng.

Quan phủ phái người tới nhà Mã đồ tể khám xét kỹ lưỡng, trong sạp hàng thịt của hắn đã tìm thấy có tiền giấy. Quan phủ lại hỏi, Mã đồ tể chỉ lắc đầu, vội phân trần:

- Oan uổng quá !

Hôm đó phía quan sai đã tìm thấy một con dao mổ bên sông cách nhà Vương Thị không xa, qua giám định, xác nhận đầu người chính là đã bị con dao này chặt đứt, hàng xóm của Mã đồ tể cũng xác nhận, con dao này chính là của nhà gã ta. Quan phủ phán xét Mã đồ tể hình phạt tàn khốc nhất, biết không thể nào chối cãi, Mã đồ tể đành thú nhận:

Một tháng trước, Mã đồ tể có ra ngoài thành mua lợn sống, vì quay về muộn nên cổng thành đã đóng, không thể vào thành. Vậy nên đã ở lại qua đêm trong một gian phòng trống cùng với một thương gia Sơn Tây. Mã đồ tể bị tiền làm cho u mê đầu óc, bèn hạ độc mưu sát thương khách Sơn Tây, sau đó còn dùng dao mổ lợn để chặt đầu nạn nhân, đem giấu thi thể dưới gầm giường, còn hung khí và đầu người thì ném xuống sông sau nhà. Gã cho rằng đã xóa hết dấu vết thì không còn sơ hở, có thể thoát khỏi lưới trời.

Xú Ngư nói:

- Chuyện này kể ra cũng hay đấy, người chết tự tìm cách báo thù. Trước đây có xem vở kinh kịch “ Điểu bồn ký” cũng kể về chuyện hại người chiếm của, thi thể của người bị hại bị nghiền nát làm thành ngói, oan hồn đó vẫn đi tìm Bao Công cáo trạng. Cũng giống như câu chuyện A Hào vừa kể.

Tôi nói:

- Vụ án này hình như trước đây tớ cũng đọc ở đâu rồi, cũng không khác mấy so với trong cuốn sách ghi chép lại những vụ án của Bao Công, có điều là Bao Công cuối cùng phải dùng đến chẩm âm dương thẩm vấn vong hồn mới có thể tìm ra chân tướng. Thật ra vụ án này là do người đời sau diễn nghĩa mà thành, nhằm ca ngợi sự anh minh của quan viên, răn dạy người đời nhân quả báo ứng, đe dạy lão bách tính không làm chuyện xấu, cũng là một thủ đoạn ngu dân của chính phủ, không thể cho là thật.

A Hào hỏi chẩm âm dương là cái gì, tôi nói:

- Truyền thuyết Bao Long đồ, nhật đoạn dương, nguyệt đoạn âm. Ban đêm nằm ngủ trên chẩm âm dương là có thể phán xét những vụ án của cõi âm. Nếu đúng là như vậy, tức là người chết có thể mở miệng nói chuyện, trên đời này không có vụ án nào huyền nhuyễn như vậy đâu.

A Hào tiếp lời:

- Vụ án kiểu này là có thật đó, có điều là kỹ thuật phá án thời cổ đại lạc hậu, có những vụ án không thể nào được phá giải, vậy nên mới mượn chuyện ma quỷ hiển linh để dân chúng tin phục. Thời ấy oan hồn hiển linh cũng là một chứng cứ quan trọng đấy.

Xú Ngư nói:

- Tớ nghe những người già kể, phàm là án mạng thì dù có sau bao nhiêu năm cũng đều được phá giải.

A Hào rất thích bông đùa với Xú Ngư, vội nói:

- Toàn là những lời vô căn cứ, mình vẫn giữ nguyên quan điểm, những chuyện này chỉ nhằm mục đích bó buộc con người về mặt đạo đức. Song tự cổ chí kim cũng không biết đã xảy ra bao nhiêu vụ án mạng không thể điều tra ra kết quả, cũng có những tên ác nhân quang minh chính đại giết người vô tội một cách bừa bãi, nhưng rồi cũng có thấy chúng bị báo ứng đâu.

Xú Ngư quay sang nhìn, tôi mới lên tiếng:

- Không phải cứ giết người là bị báo ứng, nhưng mình vẫn tin thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Trên đời này nếu không có sự bó buộc của quan niệm đạo đức, thì có lẽ xã hội này chẳng khác nào địa ngục, vậy thì thật ghê tởm.

Xứ Ngư gật đầu:

- Nghe hai người nói vậy, tớ bỗng nhớ tới một vụ án huyền bí được đọc trước đây, một vụ án mạng không có kết quả, vụ án này được ghi chép trong rất nhiều sử sách giã sử thời Thanh, xem ra đúng là có thật, không thì đâu thể lưu truyền rộng rãi đến vậy, còn chân thực hơn cả câu chuyện mà A Hào kễ lúc nãy, tớ kể cho hai cậu nghe nha…

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play