Ăn bữa sáng xong xuôi, tôi muốn nói chuyện về cái người chết trong căn nhà trôi ấy và muốn đoán thử xem vì sao mà bị giết. Nhưng Jim không thích nói chuyện ấy. Jim bảo nói chuyện sẽ gặp điều không may, hơn nữa người chết có thể hiện về. Jim nói rằng người chết mà không được chôn thì lại hay hiện về nhiều hơn là người chết được chôn cất tử tế. Điều đó nghe cũng có lý, nên tôi không nói gì nữa; nhưng tôi không thể nghĩ mãi về chuyện này, muốn biết ai đã bắn người kia và bắn để làm gì?
Chúng tôi lục lọi trong đám quần áo mang về, tìm được tám đồng đô la bằng bạc khâu kín vào đường viền của một cái áo choàng. Jim bảo có lẽ cái người ở trong nhà đó ăn cắp chiếc áo, vì nếu biết có tiền thì đã không để lại. Tôi nói có lẽ họ giấu người ấy đây, nhưng Jim vẫn không muốn nói gì về chuyện này. Tôi nói:
- Anh bảo là không may; thế hôm kia tôi tìm thấy cái da rắn lột ở trên đỉnh gò đấy thì anh bảo sao? Anh chả nói là sờ vào da rắn lột sẽ gặp điều không may nhất trên đời đấy ư? Đấy, không may đây này; chúng mình nhặt được bao nhiêu là thứ này, lại được cả tám đô la nữa. Tôi mong ngày nào cũng gặp cái không may thế này, Jim ạ!
- Đừng tưởng, cậu ơi, đừng tưởng. Cậu chớ vội mừng. Rồi cậu sẽ thấy. Cậu nên nhớ rồi sẽ thấy, tôi bảo thật đấy.
Quả nhiên cái không may đến thật đấy. Chúng tôi nói với nhau câu chuyện ấy vào ngày thứ ba. Thế thì đến ngày thứ sáu, sau bữa ăn chiều, chúng tôi đang nằm chơi trên bãi cỏ ở đỉnh gò, thuốc hút vừa hết, tôi trở về hang lấy thuốc bỗng thấy một con rắn nằm trong đó. Tôi giết con rắn chết ngay, nhưng tôi cuộn nó lại vứt xuống dưới chăn ở chỗ Jim nằm. Cũng là nghịch tự nhiên vậy thôi, tưởng rằng Jim bất ngờ thấy thế mà sợ thì mình sẽ được một mẻ cười. Nhưng đến đêm, việc con rắn tôi đã quên khuấy đi rồi, lúc Jim vừa chui vào chăn và tôi vừa châm đèn lên thì con rắn cái đã ở trong từ lúc nào, nó mổ ngay vào Jim.
Jim nhảy chồm lên hét, tôi soi đèn nhìn thấy con rắn cái đang cuộn lại lấy đà và sắp văng mình một cái nữa. Tôi vớ lấy gậy đập luôn một nhát chết, còn Jim thì quơ lấy chai rượu uýt sky của bố tôi đổ ộc vào miệng. Jim đi chân đất, và con rắn đã mổ vào đúng góc chân Jim. Tôi mới thấy rằng mình thật điên rồ tại sao không nhớ rằng mình đánh chết một con rắn rồi để đó thì con rắn vợ hay chồng nó sẽ tìm đến cuộn tròn nằm bên cạnh. Jim bảo tôi chặt đứt đầu con rắn đi vứt ra ngoài xa, rồi lột da đem nướng một mẩu rằng như vậy sẽ chữa được độc. Hắn lại bảo tôi dứt cái vòng ở đuôi cả hai con rắn mà buộc vào cổ tay nữa. Jim bảo như thế sẽ không việc gì cả. Tôi lặng lẽ đi ra ngoài, đem vứt xác hai con rắn vào bụi cây thật xa; hối hận vì tôi không nghịch như vậy có hơn không.
Jim nốc rượu, lại nốc rượu, thỉnh thoảng vươn cổ, lắc lư cái đầu và rú lên; nhưng sau mỗi lần trở lại bình thường rồi thị lại nốc rượu. Chân Jim sưng vù lên rất nhanh, rồi đến bắp chân nữa. Dần dần rượu ngấm và tôi nghĩ Jim sẽ không vịêc gì. Nhưng tôi lại nghĩ tôi thà bị rắn cắn còn hơn là nốc rượu uýt sky kia của bố tôi.
Jim nằm liệt bốn ngày đêm. Rồi những chỗ sưng biến mất và Jim đi lại được. Tôi nghĩ bụng nhất định từ nay sẽ không mó vào cái da rắn lột nữa, vì vậy đã thấy nó tai hại như thế nào rồi. Jim bảo rằng hắn mong từ lần sau tôi sẽ tin lời hắn. Rồi hắn nhắc lại là sờ vào cái da rắn lột thì hết sức không may, mà có lẽ mình chưa biết rõ sẽ tai hại đến như thế nào. Jim nói thà là phải liếc nhìn mặt trăng lưỡi liềm qua phía vai bên trái đến một nghìn lần còn hơn là phải cầm trong tay cái da rắn lột. Tự tôi cũng thấy thế, vì tôi cũng hiểu nhìn mặt trăng lưỡi liềm qua phía bên trái của mình là một trong những điều không cẩn thận và dại dột nhất mà không ai làm bao giờ. Ông cụ Huck Bunker đã có một lần làm như vậy rồi cứ khoe mãi. Thế mà chỉ mới chưa được hai mươi năm đã có chuyện ông cụ say rượu và ngã từ trên chòi cao xuống đất, nằm sóng sượt như một thanh gỗ để chèn gốc cây, có thể nói như vậy; rồi họ phải khiêng ông cụ qua cửa sổ để cho quan tài mà đem chôn. Nghe họ kể lại như vậy, tôi chưa trông thấy tận mất. Bố tôi cũng nói thế. Dù sao cũng là do ông cụ đã dám nhìn mặt trăng cái kiểu như thế. Thật là điên dại.
Ngày ngày trôi qua, nước sông đã rút xuống nằm giữa hai bờ rồi. Việc đầu tiền chúng tôi làm mắc mồi vào một lưỡi câu to, mồi là con thỏ lột da. Thả mồi xuống, bắt được một con cá he lớn bằng người, dài gần hai thước nặng gần một trăm cân. Chúng tôi không kéo nổi con cá lên, mà chả biết chừng nó có thể lôi chúng tôi đến tận Illinois ấy. Đành cứ để mặc đấy mà nhìn nó quẫy đến lúc nó chết. Chúng tôi moi được một chiếc khung đồng trong ruột con cá, với một quả bóng ra, trong đó có một cuộn dây lõi. Jim bảo là cái ấy đã có sẵn ở trong quả bóng từ trước, họ đem bọc ra ngoài làm thành quả bóng. Tôi chắc đây là con cá to nhất chưa bao giờ thấy con cá nào to hơn thế. Nếu là ở trong làng thì đã bán được nhiều tiền lắm. Với con cá như thế này, họ chặt ra làm nhiều khúc nhỏ từng nửa cân một đem ra chợ bán; ai cũng muốn mua một vài miếng vì thịt nó trắng như tuyết, đem rán lên rất thơm.
Sang hôm sau, tôi bảo Jim rằng mình thấy buồn và mỏi mệt, nên muốn tìm cách nào hoạt động lên một chút. Tôi định ra phía ngoài sông xem có cái gì ở đó không. Jim cũng đồng ý như thế, nhưng bảo tôi chờ đến tối hãy đi và phải để ý nhìn cẩn thận. Hắn nghĩ một lúc rồi nói tôi có nên bỏ mấy cái quần áo cũ đang mặc đi và cải trang làm cô gái chăng? ý kiến đó nghe cũng hay. Thế là chúng tôi đem một cái váy vải cắt ngắn đi, xắn ống quần lên đến đầu gối rồi mặc váy vào. Jim lấy cái lưỡi câu túm đằng sau váy lên trông rất vừa mắt. Tôi đội cái mũ rộng vành lên, buộc dây mũ xuống cằm. Nếu như có người nào muốn nhìn tận nơi và xem mặt tôi thì cũng phải cúi xuống như nhìn vào ống khói bếp lò. Jim bảo là chẳng ai nhận được ra tôi đâu, dù ngay giữa ban ngày cũng vậy, khó mà nhận ra lắm. Suốt ngày hôm đó tôi tập đi lại cho quen, dần dần tôi cũng thấy mình khá thoải mái trong cái bộ đồ ấy; nhưng Jim bảo tôi đi chưa giống cái dáng điệu người con gái; và bảo tôi phải thôi không được kéo váy lên để đút tay vào túi quần nữa. Tôi theo lời, bắt chước được đúng hơn.
Trời vừa tối thì tôi đi xuồng lên phía bờ Illinois.
Tôi đi quá lên phía tỉnh, ở dưới bến đò một quãng, dòng nước đưa xuồng tôi đến tận cuối tỉnh. Tôi buộc xuồng rồi bước lên, đi dọc theo chân đê. Có ánh sáng ở trong một căn lều nhỏ hình như đã lâu không ai ở. Tôi lấy làm lạ không biết ai đã đến ở đây rồi. Tôi lần đi lên, ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ. Trong lều, một người đàn bà chạc bốn mươi tuổi đang ngồi khâu dưới ngọn nến đặt trên chiếc bàn bằng gỗ thông. Tôi không nhận ra mặt; bà ta là một người ở đâu mới đến, vì trong tỉnh này không có ai là tôi không biết mặt. Thế này thì may quá; vì lúc nãy tôi đang còn lo rằng đến đây nhỡ có ai có thể nhận ra tiếng nói của tôi và biết được tôi chăng. Nhưng nếu người đàn bà kia đã đến cái tỉnh nhỏ này được hai ngày rồi thì bà ta có thể nói được cho tôi nghe tất cả những điều tôi muốn biết.
Nghĩ vậy, tôi gõ cửa, và tự nhắc lại cho tôi khỏi quên rằng mình đang đóng giả một cô con gái.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT