Năm 1292, đoàn quân Nguyên Mông của Hốt Tất Liệt vượt biển tấn công vào đảo Java của vương quốc Kediri lúc này do quốc vương Jayakatwang trị vì. Trước đó Jayakatwang vốn là một tiểu vương của xứ Kediri, đã cướp ngôi vị vua cuối cùng của vương triều Singhasari trong một cuộc nội chiến.

Raden Vijaya, một hậu duệ của vương triều Sanghasari đã khởi binh chống lại kẻ cướp ngôi, tuy nhiên đã bị thất bại và phải tạm lùi về Majapahit, nơi mà sau này sẽ là kinh đô và tên gọi của vương quốc do ông ta sáng lập.

Khi đoàn quân viễn chinh của Hốt Tất Liệt đặt chân tới Java, Raden Vijaya đã lợi dụng một cách tài tình quân đội Nguyên Mông cho mục đích phục quốc của mình. Ông ta đã vờ thần phục quân đội Nguyên Mông và làm đạo quân tiên phong dẫn đường cho bọn họ. Quân Nguyên Mông đã đánh bại hạm đội của quốc vương Jayakatwang trong một trận chiến ở cửa sông Surabaya và tiến vào nội địa. Quốc vương Jayakatwang đã phải đầu hàng.

Mục tiêu sử dụng quân Nguyên Mông cho việc đánh bại quân đội của quốc vương Jayakatwang đã thành công, Raden Vijaya liền rút lui về Majapahit và bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội Nguyên Mông. Sau khi đã thiệt hại khá nhiều lực lượng vì cuộc chiến với quân đội của quốc vương Jayakatwang, các cuộc tiến công của Raden Vijaya đã buộc quân Nguyên Mông phải rút lui, lên thuyền quay trở về Trung Hoa.

Raden Vijaya, người sáng lập ra vương quốc Majapahit, sau khi lên ngôi, đã lấy niên hiệu là Kritanajasa Jayavardhana và xây dựng quan hệ với nhà Nguyên - Trung Hoa, thông qua các đoàn sứ thần tới Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) được chép trong Nguyên sử.

Vương triều Majapahit cực thịnh vào thời kỳ trị vì của quốc vương Rajasanagana (1350 - 1389). Các cuộc bành trướng liên tục trong thời kỳ này được thể hiện trong bản danh sách các thuộc quốc của Majapahit trong cuốn ‘Nagarakitagama’. Về đại thể nó bao gồm các đảo Java, Bali, phía nam đảo Borneo (còn gọi là Kalimantan), phần lớn đảo Sumatra và một phần phía nam của bán đảo Mã Lai. Nhưng khi quốc vương Rajasanagana qua đời, truyền ngôi cho Vikramavardhana vừa là cháu vừa là con rể, vương triều này bắt đầu suy thoái.

Lúc này, trong vương quốc bùng nổ cuộc nội chiến giữa quốc vương Vikramavardhama và người anh rể là Virabhumi vốn là tiểu vương ở miền Đông. Vương quốc thực tế bị chia cắt làm hai, lịch sử còn gọi là Đông Java và Tây Java (Sử Tàu gọi là Đông Trảo Oa và Tây Trảo Oa). Chiến sự bắt đầu vào năm 1401 và kết thúc vào năm 1406 với các chết của Virabhumi. Cuộc nội chiến dẫn đến hậu quả là sự suy yếu của vương quốc Majapahit.

Trong suốt nửa cuối thế kỷ 14 còn có những cuộc chiến tranh liên miên giữa vương quốc Majapahit và vương quốc Srivijaya ở khu vực quần đảo Sumatra. Kết quả của những cuộc chiến tranh liên miên này là vương quốc Srivijaya bại trận. Một vị vương tử của vương triều Srivijaya đã phải vượt eo biển sang lánh nạn ở bán đảo Mã Lai, và xây dựng căn cứ địa ở Malacca. Thành Malacca chính thức thành lập vào năm 1404, cũng chính là tiền thân của vương triều Malacca sau này.

Lúc Giang Phong đang bình định Lã Tống, đã là mùa đông của năm 1403. Tức là sang năm sau, thành Malacca sẽ chính thức thành lập, và vương triều Malacca cũng được xem như thành lập, tất nhiên lúc này vẫn còn nhỏ yếu.

Còn vương triều Majapahit, dù kiểm soát được phần lớn khu vực các quần đảo Nam Dương, nhưng sau những cuộc chiến tranh liên miên với Srivijaya, và cuộc nội chiến vẫn còn đang diễn ra trong nước, quốc thế đã rất suy nhược. Nếu không, sau này vương triều Malacca nhỏ bé sao có thể phân đình kháng lễ, chia nhau cùng thống trị khu vực được.

Giang Phong xây dựng An Phú Thành và thống trị Lã Tống trong hoàn cảnh như thế.



An Phú Thành.

Sau khi di chuyển Thái Học Viện và các công xưởng từ Hải Tân sang, An Phú Thành giờ đây đã chính thức trở thành đại bản doanh tạm thời của Giang Phong. Gọi là tạm thời, bởi vì Giang Phong không có ý định đóng đô tại đây. Trong tâm tưởng của Giang Phong, nơi đóng đô lý tưởng nhất vẫn là thành phố ở phương nam.

Nhiệm vụ của Nam Dương Hạm đội lúc này là tiếp tục di chuyển những tài sản của Giang Phong từ Tư Dung sang. Chẳng bao lâu nữa, cuộc chiến giữa Đại Ngu và Đại Minh sẽ nổ ra, Giang Phong không muốn tài sản của mình bị mất mát vì chiến loạn. Hơn nữa, vị quản gia của Giang Phong, Quảng Tế Pháp sư, cũng phải sang đây giúp Giang Phong quản lý công việc.

An Phú Thành giờ đây trở nên vô cùng nhộn nhịp. Cả khu vực phía tây của thành thị toàn là các công xưởng, chủ yếu là những xưởng thủ công mỹ nghệ, xưởng dệt tơ lụa, và xưởng hương liệu. Đó là những công xưởng ít gây ô nhiễm (vì thời này toàn làm thủ công, xem như không đáng kể), nên Giang Phong mới cho xuất hiện trong thành. Những công xưởng nào gây ô nhiễm nhiều, đều được xây dựng ở An Hòa trấn và An Hiệp trấn (một thành trấn mới được xây dựng gần mỏ sắt). Hàng thủ công mỹ nghệ thì được xuất sang Minh triều, hiện đang rất được ưa chuộng. Còn tơ lụa được dệt từ tơ sợi mua từ vùng Giang Chiết, Trung Hoa; cùng với hương liệu sẽ được mang bán sang các xứ Ấn Độ và Ả rập, rồi từ đó còn có thể bán sang châu Âu. Hiện tại, các thương đội của Giang Phong mới chỉ buôn bán đến Ấn Độ và một vài xứ Ả rập duyên hải lân cận.

Trước đây, các thương đội của Giang Phong trực tiếp mua tơ lụa từ Trung Hoa, sau đó mang sang các xứ Ấn Độ bán lại. Nhưng Giang Phong cho rằng như thế lợi nhuận không cao (chỉ hơn 10 lần một chút), nên cho xây dựng các xưởng dệt tơ lụa tại An Phú Thành, rồi mua tơ sợi về dệt. Người Đại Việt cũng không lạ gì với việc nuôi tằm dệt lụa. Vương phi Ỷ Lan thời Lý nổi tiếng trong lịch sử cũng từng là một cô gái hái dâu nuôi tằm. Thậm chí sử còn chép rằng các vua nhà Lý đã sử dụng tơ lụa dệt trong nước, không mua của nhà Tống. Hơn nữa, trong các loại cống phẩm đưa sang nước Tàu còn có cả gấm lụa. Điều đó chứng tỏ nghề dệt tơ lụa thời Lý đã rất phát triển, chất lượng cũng rất tốt.

Nguyên nhân thứ hai là Giang Phong nhìn thấy kiểu dáng, chủng loại của tơ lụa nhà Minh không đẹp. Đó là theo cách nhìn của Giang Phong, bởi thời hiện đại vải vóc tơ lụa có vô số chủng loại, không như thời này chỉ có đơn điệu vài loại. Thế là Giang Phong cùng một số Thái học sinh ở Thái Học Viện nghiên cứu, chế ra nhiều chủng loại hơn nữa. Đương nhiên ý tưởng là do Giang Phong đưa ra, còn làm sao thực hiện được ý tưởng là nhiệm vụ của chúng Thái học sinh. Người thời này tay nghề thì khỏi phải nói, bọn họ chỉ thiếu ý tưởng (bị cục hạn do thời đại). Thành ra những sản phẩm mới chất lượng tuyệt hảo, kiểu dáng mới lạ, chủng loại phong phú, sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ nhu cầu của các thương đội. Tơ lụa sản xuất tại An Phú Thành được bán với giá rất cao, rất được giới quyền quý ưa chuộng, vừa xuất hiện trên thị trường là bị mua ngay. Không chỉ có thế, hàng mỹ nghệ và hương liệu của An Phú Thành cũng có chủng loại phong phú, rất được ưa chuộng. Mỗi ngày đều có hàng đoàn thương thuyền chở hàng hóa đi các nơi, đồng thời cũng có hàng đoàn thuyền chở vàng bạc về. Giờ đây, Giang Phong chỉ chuộng vàng bạc, không nhận châu ngọc và ngân phiếu. Châu ngọc chỉ được xem là nguyên liệu cho các công xưởng. Ngân khố của Giang Phong chỉ chứa vàng bạc.

Khu vực phía Tây của An Phú Thành là các khu công xưởng, cũng là khu vực nhộn nhịp nhất thành. Phía đông bắc về hướng An Phú Giang là khu quyền quý, phần còn lại là các khu dân cư. Ngay trung tâm thành, Thái An Cung đã được xây dựng xong, đang trong quá trình hoàn thiện phần nội thất. Nhờ sử dụng thạch nê, công trình xây dựng rất nhanh, chỉ khoảng 4 tháng là đã hoàn thành. Giang Phong đã chuyển vào sống trong cung. Trước cửa chính của Thái An Cung là một đại lộ rộng 20 trượng (tức 80 mét) dẫn thẳng ra bờ vịnh. Song song với nó là hai đại lộ xây dựng từ lúc đầu, rộng 10 trượng, thông từ tây sang đông, đi ngang hai cửa bắc và nam của Thái An Cung. An Phú Thành giờ đây đã có cận 3 vạn hộ, với khoảng 2 vạn là dân bản địa thuận phục, đã trở thành một thành thị lớn, và sự phồn vinh của nó còn hơn hẳn nhiều thành thị có hàng chục vạn hộ ở bắc phương. Mọi dân cư trong thành đều có cuộc sống sung túc no đủ, nên dân bản địa đối Giang Phong không hề tỏ ý phản kháng. Chỉ chưa đầy nửa năm mà nền thống trị của Giang Phong ở Lã Tống đã rất vững vàng. Một phần là vì giới quyền quý bản địa bị bọn Triệu Phong xử lý hết cả, một phần là nhờ cuộc sống sung túc hơn trước, người dân chẳng phản kháng làm gì. ‘Dân dĩ thực vi thiên’ mà. Đủ ăn đủ mặc, cuộc sống yên ổn, mọi sự khác không thành vấn đề.

(chú : "Sử ký - Lệ Thực Kỳ Lục Giả Liệt Truyện” trong đó có câu : "Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên” –“王者以民為天,而民以食為天", tạm dịch : “Bậc vương giả lấy dân làm điều tiên quyết để tồn tại, và dân thì lấy sự ăn làm điều quan trọng hàng đầu". ‘Thiên’ ở đây có nghĩa là điều tối quan trọng để tồn tại. Nhiều người dùng “dân dĩ thực vi tiên”, về mặt ý nghĩa thì cũng không sai, chỉ có điều không được chính thức xem là thành ngữ, ngạn ngữ mà thôi).

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play