Gần đây có người cho rằng trên thông báo tuyển dụng của ngân hàng X, điều kiện là nam từ 1m65, nữ từ 1m55 trở lên là một cách phân biệt đối xử nghiêm trọng, cần phải lên án. Cần phải có bình đẳng về giới, tuổi, chủng tộc, tôn giáo, màu da... trong tuyển dụng và cho rằng ở các nước tiên tiến không có chuyện này. Không rõ những nước tiên tiến mà bài viết đề cập là nước nào nhưng mình thấy ở Nhật và Mỹ, văn hóa doanh nghiệp ở hai quốc gia đã từng làm việc, vẫn có sự ưu tiên trong tuyển dụng. Ở Mỹ, trừ người được sinh ra tại đó, một người nhập cư cùng trình độ và làm công việc giống nhau nhưng mức lương sẽ thấp hơn người bản xứ. Các ông chủ trong lòng cũng có sự ưu tiên dân nhập cư trong tuyển dụng vì cần cù, chăm chỉ hơn và quan trọng là rẻ hơn. Điều này khiến tụi bản xứ thường không mấy thiện cảm với dân nhập cư, thậm chí ở Nga hay ở Anh, họ còn kỳ thị và lâu lâu còn đánh đập vô cớ, chỉ vì tức.
Tuyển chọn nhân viên tiêu chuẩn như thế nào hoàn toàn là quyền của doanh nghiệp. Ở Sài Gòn, làm chứng từ giấy tờ, các doanh nghiệp không nói ra vẫn có sự ưu tiên tuyển nữ tốt nghiệp nhân văn, hành chính, ngoại ngữ... Trong khi nếu telesales tức bán hàng qua điện thoại thì giọng miền Tây Nam Bộ vẫn ăn khách nhất do ngọt như mía lùi. Hay sales ngành máy móc chẳng hạn thì phải là nam giới, để đi nhậu với khách hàng tăng một tăng 2, rồi những thùng hàng mẫu nặng trình trịch nếu sales nữ thì phải thêm một anh nữa để bưng bê. Hay như nhân viên thủ quỹ, các ông chủ người Hoa chợ Lớn chỉ tuyển người có gia đình Phật tử, vì họ cho rằng những người này vì biết quy luật nhân-quả mà không dám làm bậy, không tham. Ở Thái Lan, người ta ưu tiên tuyển những người dù là Phật hay Thiên Chúa hay Hồi Giáo, Ấn Độ giáo, gì cũng được miễn là phải có..., vì họ cho rằng những người theo tôn giáo là có đức tin, biết sợ thượng đế, không dám làm bậy, vì có những cái chỉ mình họ làm họ biết, chứ giám sát sao hết được. Phật giáo thì sợ nhân quả, Thiên Chúa thì phải đi rửa tội. Công ty làm ngành giải trí thì họ ưu tiên ngoại hình chứ xấu quắc sao thu hút được đám đông. Có công ty chỉ tuyển nữ vì nhiều nam quá rồi, dượng thịnh âm suy, vô làm hương hoa cho đẹp đội hình. Họ có quyền từ chối không tuyển dụng người mà không đạt yêu cầu, mà không cần phải “lý do chính đáng” nào cả, đơn giản một cái thank-you letter là xong.
Trong thâm tâm họ đã có một sự phân biệt như vậy rồi, cho nên việc ghi rõ điều kiện tuyển dụng sẽ tiết kiệm thời gian và công sức của cả xã hội. Ví dụ mình cao có 1m60 thôi mà vẫn chạy đến nộp hồ sơ vô, bên ngân hàng X vẫn nhận hồ sơ nhưng im lặng hay mời lên, thấy lùn quá thì nói bâng quơ vài câu rồi cảm ơn, cho về. Có phải mắc công hem, một bên tốn thời gian gặp mặt, một bên thì vừa tốn tiền làm cái hồ sơ xin việc, vừa hy vọng rồi thất vọng, đau khổ hẻm biết tại sao mình rớt.
Gần đây các xí nghiệp ở Bình Dương ghi rõ không tuyển lao động tỉnh Y. Người dân có hộ khẩu tỉnh Y này cũng thấy bị tổn thương, tự ái và tất nhiên sẽ phản đối gay gắt. Thật ra, không phải không có lý do. Đặc trưng của lao động phổ thông tỉnh này là tính địa phương rất cao, vô Nam thấy làm được là rủ cả làng vào làm. Bác Cả của mình có xí nghiệp may mặc, bác ấy nói nhiều lúc ức lắm, chuẩn bị giao hàng, sáng vào thấy cả một dây chuyển mấy chục cô nghỉ hết, đi qua xí nghiệp bên cạnh chỉ vì lương cao hơn có 200 ngàn/tháng, làm bác ấy không giao hàng kịp, bị phạt hợp đồng và đối tác nhập khẩu nói Việt Nam tụi mày tổ chức sản xuất kém, dồn hết đơn hàng qua Trung Quốc. Cũng có đứa biết điều chạy qua xin lỗi, nhưng kêu ở lại làm thì kiên quyết nói không. Nó nói em không dám cãi, các chị ấy nói đi là phải đi, vì em ở chung, làm chung, rồi còn cha còn mẹ ở quê nữa. Căng thẳng chuyện nhân công miết mà bác Cả đóng cửa xí nghiệp may luôn, mấy xí nghiệp khác chuyên giành giật lao động ở bên cạnh cũng rứa, đóng cửa hết vì đối tác chán, không muốn làm với các đơn vị gia công suốt ngày giao hàng trễ. Đấy, nên thôi, nhiều doanh nghiệp nói không với hộ khẩu tỉnh Y cho lành, treo luôn trước cửa công ty, thấy cũng quá đáng thiệt nhưng cũng nên nghĩ lại cho họ. Có doanh nghiệp thì đồng ý tuyển, nhưng chia ra mà trị, bố trí ở các bộ phận khác nhau. Các xí nghiệp may của Hàn Quốc thì dân tỉnh nào cũng nhận, vì có chiêu bài nợ lương 1-2 tháng, công nhân tự bỏ đi là mất lương... mặc dù không phải họ không có tiền trả.
Thêm vào chuyện lao động tỉnh này tỉnh kia hay gây gổ đánh lộn vì bênh nhau một cách mù quáng. Mà công nhân sống chung, làm chung với nhau thì xích mích suốt, có khi chỉ là ngôn ngữ vùng miền, người này nói ý này người kia hiểu ý khác. Kiểu như chuyện ở xí nghiệp may nọ, xung quanh tre nó mọc nhiều, nên anh sếp mới phân công cô nấu cơm (người Huế) đi hái măng về cải thiện chất lượng bữa ăn. Cô bị lông tre nó bay vào gây ngứa mông, ở vùng quê miền trung thì người ta quen nói là ngứa đít, rất khó chịu nên hái măng không được nhiều. Khi về, sếp yêu cầu giải thích vì sao hái ít vậy. Cô mới thật thà báo cáo: “Thưa thủ trưởng, trong lúc đang hại măng, em bị ngựa địt... nên...”. Anh thủ trưởng người Bắc mới nghe đến đây là cắt ngang: “Ối giời ơi, thấy ngựa thì cô phải lập tức chạy đi, chứ đứng đó làm gì cho nó tẩn, mà cái con ngựa to lớn thế, cô không chết là may. Cô đúng là gái chẳng ra gì”. Cô gái giận dữ: “-Răng mà nói lạ rứa, phải con ngựa chi mô, em bị ngựa”. Cãi qua cãi lại, rồi gây lộn ầm ĩ, bạn bè cô này chẳng hiểu mô tê gì, thấy đồng hương bị ức hiếp nên tập trung gậy gộc, tiến lên, rượt đuổi anh thủ trưởng chạy té khói.
Anh sợ quá chui vào bụi tre nấp. Một lúc sau bước ra thì cũng gãi sột soạt. Cô nấu cơm nhìn thấy và cười hả hả, đấy, thủ trưởng cũng bị ngựa. Răng mà nọi em hè...
Ngày 31/10/2013
Chuyện bóng đèn và con ruồi...
Lúc mới ra trường, Tony có đi làm ở nhà máy giày dép một thời gian để quen với việc sản xuất trước khi làm thương mại. Có lần nhà máy bị mất vật tư, thế là những người liên quan sẽ phải giải trình, gồm có bảo vệ, thủ kho, cán bộ vật tư, bốc vác... Xong mọi người nghi ngờ vào anh bốc vác mới tuyển vào làm, vì ê kíp kia đã làm với nhau được mấy năm, chưa có sự cố gì, mới tuyển anh này vào vài hôm đã có chuyện. Chú Chương giám đốc giao Tony xử lý việc này rồi báo cáo lại cho chú.
Cái kêu mọi người vô họp. Mọi người nhìn anh bốc vác vì nghi ngờ tập trung vào đó. Nhìn thấy gương mặt gộc gạc của anh, tự nhiên mình lại có cảm tình, nghĩ là chắc không phải. Mới hỏi anh ơi, anh có lấy cắp không ạ, ảnh nói không. Mình nói em mong anh nói thật một lần, giọng tha thiết và mắt nhìn sâu vào mắt ảnh. Ảnh lúng túng, lóng ngóng vụng về, rồi cũng hết biết giải thích sao, lấy cái cuối cùng của một chút lòng tin còn vớt vát, ảnh xin thề. Anh nói anh xin thề có cái bóng đèn, anh mà nói dối, bóng đèn tắt liền. Cái mình nhìn lên cái bóng đèn, nhìn miết cũng hẻm thấy nó tắt, xong hết biết hỏi gì nữa, vô báo cáo chú Chương, nói con hỏi rồi mà anh ấy trả lời là không có. Chú giám đốc cười hả hả, nói đúng là đồ mới ra trường, ngáo ngơ tin người quá đáng. Có ai ăn cắp mà thừa nhận mình ăn cắp đâu. Nên phải có tang chứng rạch ròi. Rồi đứa ăn cắp đó sẽ lập tức chối tội, nên phải có nhân chứng. Có tang chứng vật chứng chưa đủ, còn phải đấu tranh khai thác mãi ấy chứ...
Hôm qua đi ăn với đứa em nó hạc từ trường K. Một ông phó GSTS của trường nó bị bộ GD tước bằng vì người ta phát hiện luận văn tiến sĩ đang lưu ở thư viện quốc gia, có tới 30% giống y chang một luận văn khác (lỗi đạo văn tiếng Anh gọi là Plagiarism). Kiến thức của người khác thì phải tiêu hóa, còn trích dẫn thì phải ghi nguồn, mở ngoặc đơn ngoặc kép. Nếu không thì là ăn cắp. Nhưng ổng lên báo cãi ngay, nói luận văn lưu trữ ở thư viện đã bị đánh tráo hoặc bữa đó đứa cháu nó đi nộp nhầm hay sao đó chứ tôi đời nào. Mới thấy, dù anh bốc vác hay một người từng là phó GSTS, cách phản ứng khi bị phát hiện cũng giống nhau. Chối ngay. Chối phắc. Chối là một khái niệm thuộc phạm trù tâm lý hạc. Tự nhiên nhớ lời chú Chương.
Về tư vấn tâm lý trên báo, mình chỉ đọc cô Dạ Loan báo Thôn Quê Ngày Nay. Mấy người kia nói như sách, không thực tế, chả thấy hứng thú gì, toàn thấy gương mặt bự phấn sơn son thiếp vàng lên báo nói mình là nhà tâm lý hạc. Đọc thấy có người tâm sự, “Cô Lan ơi, em nghi ngờ chồng em ngoại tình. Một lần em bắt gặp anh ấy đi vào nhà nghỉ với một cô gái, về vặn vẹo thì ảnh nói là không có, thề thốt với mấy cái bóng đèn neon trong nhà, bảo là đang đi trên đường mệt nên vào đó nghỉ thôi. Nhà nghỉ là để nghỉ ngơi chứ. Sau đó cô kể tiếp là lần thứ 2, em và bạn em ập vào bắt quả tang anh ấy và một cô tiếp viên quán cà phê đang ở trong phòng trong nhà nghỉ, em nói bắt quả tang rồi nhé, cả hai đều trong tình trạng không mảnh vải che thân rồi nhé, xem lần này có chối được không. Ảnh mắng em sa sả, nói là mang “mảnh vải” vào nhà nghỉ làm gì, có che thân thì che bằng quần bằng áo chứ ai lại đi che bằng mảnh vải. Cái em hỏi thế quần áo đâu, anh ấy nói trời nóng quá cởi ra cho thoáng. Chồng em làm nghề thẩm phán huyện nhà. Anh bảo thường vào nhà nghỉ để tư vấn pháp luật vì môi trường nơi ấy yên tĩnh, tư vấn cho rõ. Như quy định là cà phê chồn phải bỏ hai muỗng đường, cô bán cà phê không rành pháp luật, bỏ 3 muỗng là vi phạm ngay. Giờ em phải làm sao, em có nên tin anh ấy nữa không. Cô ơi, có ai trần truồng ngồi tư vấn pháp luật cho nhau không cô?”
Cô Dạ Loan nói: “Cô chưa biết em và chồng em thuộc thể loại gì... nhưng cô biết một điều, làm sai khi bị bắt gặp người ta sẽ phải chối. Đó thuộc về phàm trù tâm lý học, bình thường ai cũng vậy. Người càng ăn cắp lão luyện sẽ có kỹ năng chối bay chối biến một cách chuyên nghiệp. Nên ai hồi nhỏ đi học thường xuyên quay cóp thì lớn lên sẽ rất dễ nói dối hay ăn cắp vì nhớ nghề. Dù gì thì cũng ít nhất là 12 năm đào tạo. Nên nếu bạn gặp một người chỉ mới tốt nghiệp tiểu học thì XÁC SUẤT đó là người chân thành sẽ cao hơn “
Nghe lời cô Dạ Loan, Tony thích chơi với thể loại bỏ hạc nửa chừng, vì yên tâm. Có bị ăn cắp cũng chỉ là ăn cắp nhẹ. Về chuyện hạc vị và bằng cấp ở nước ta, Tony nghĩ càng thấp càng uy tín. Vì ít ai bỏ tiền ra mua bằng tốt nghiệp tiểu hạc hay trung hạc cơ sở.
Tối qua thấy mất tiền mấy chục ngàn bỏ quên trong nhà tắm, chắc thằng Tí nó lấy đi chơi game rồi chứ không ai vô đây. Bèn cất tiếng hỏi:
“Tí, mày có lấy tiền của dượng không Tí?”
Tí: “Dạ không dượng ơi.”
Tony: “Mày chắc không Tí?”
Tí: “Con thề có con ruồi bay qua nè dượng. Con mà nói dối, con ruồi trước sau gì cũng sẽ chết”.
Ối. Thằng này khá. Vậy mà mọi người cứ nói nó ngây ngô kém trí tuệ. Nó biết chối bay chối biến và thề thốt như vậy tức phát triển tâm sinh lý bình thường. Sau này sẽ hòa nhập được vào xã hội. Cũng mừng.
Ngó ra ngoài phố, mấy cái bóng đèn đường cứ lúc sáng lúc tắt, đèn với chả đóm. Người ta cứ nói dối, rồi ăn cắp, rồi lôi mấy cái bóng đèn ra thề. Nhưng bù lại cũng chả thấy con ruồi nào. Cứ thế này, chẳng mấy chốc giống ruồi sẽ bị tuyệt chủng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT