Lúc Vietnam Airlines (VNA) mở đường bay thẳng đi London, cũng trùng hợp đợt đó mình sang Anh họp. Đi cùng là hai anh bạn người Nhật. Mình ép hai anh bạn đi VNA, nên phải ghé Tp.HCM transit, chứ nếu không thì hai bạn ấy bay từ Tokyo bay thẳng London, nhưng mình ép quá nên đành chiều lòng. Vì tiền vé mạnh ai nấy trả nên mình đi hạng ghế phổ thông, hai anh bạn Nhật đi hạng doanh nhân, giá mắc gấp 3 lần nên mình muốn tiết kiệm. Mình có gì nói đó, thiệt thà chứ không có sĩ diện, nên hai bạn Nhật hết sức yêu mến. Nhiều người khuyên nói mày làm việc với Tây không hà, nên phải diện cho nó xứng đáng. Chứ toàn cái Vina Giày, quần áo tự may hay của Dệt May An Phước, hay nước hoa cũng mùi lúa mới của mỹ phẩm Sài Gòn, quê mùa, toàn đồ Việt Nam không có xứng, phải dùng hàng hiệu. Bỏ thêm ít tiền ngồi trên khoang doanh nhân luôn, chứ ngồi chi dưới khoang kia, nó coi thường thì sao. Tony thì không quan tâm mấy, miễn là thấy đẹp, thấy hợp gu là dùng, nhưng thật ra vẫn có sự ưu tiên hàng Việt, vì tinh thần dân tộc. Một công dân tự trọng với sản phẩm quốc gia họ sản xuất thì dân tộc đó mới tự cường. Mình nên chinh phục bạn bè quốc tế bằng vẻ đẹp của trí tuệ, vẻ đẹp của sự chân thành... còn ngoại hình thì tử tế, sạch sẽ, tươm tất là được. Trong điều kiện hiện nay của mình, sang trọng quá thành ra không hay, mình thấy có lỗi với đồng bào của mình đang vất vả kiếm cái đưa vào bao tử cho no bụng, cho hết một đời người, ngoài kia.

Tony cũng hay đi Hàn Quốc, Nhật và thực sự thích cách làm, cách phát triển của họ. Người Đức cũng vậy, họ rất ủng hộ sản phẩm của nước họ với một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, đôi lúc cực đoan, nhưng phù hợp cho một giai đoạn phát triển nào đó. Papa Kim, tức cha nuôi người Hàn Quốc của mình kể, lúc ông ấy đi học, tức thập niên 60-70, Hàn Quốc nghèo, nghèo hơn cả miền Nam Việt nam. Tổng thống Park Chung Hy lúc đó mới suy nghĩ cách nào để phát triển kinh tế, nên mới gửi quân đi đánh thuê, kiếm tiền về làm đường sá. Phải bán máu lúc cần thiết. Người Hàn Quốc trở thành số một thế giới về thời gian xây dựng đường cao tốc, nhanh nhưng có chất lượng vì họ nghiêm khắc với bản thân mình. Ở Sài Gòn, có xa lộ Đại Hàn là của họ làm, với chất lượng tương đương với một đường băng Tân Sơn Nhất, máy bay có thể sử dụng để đáp xuống. Tinh thần dân tộc họ mạnh mẽ đến mức, cứ vào lớp học, cô giáo sẽ kiểm tra cặp học sinh, những dụng cụ học tập nếu không phải của Hàn Quốc sản xuất sẽ bị phê bình, gửi thư về phụ huynh góp ý. Một thế hệ lớn lên trong sự quyết tâm cao độ, rằng sẽ thoát nghèo, sẽ cho thế giới biết trí tuệ dân tộc, sẽ trở nên văn minh... nên cái gì họ cũng xài của nội địa. Lòng dân thì quyết tâm nên các doanh nghiệp cũng quyết tâm không kém. Họ lùng sục đi mua các thiết bị, các sản phẩm của Nhật hay Âu Mỹ về, lục tung hết, nghiên cứu ngày đêm không ăn không ngủ để sản xuất y chang cho bằng được, thậm chí tốt hơn, rẻ hơn. Các du học sinh khi học xong, đồng lòng kéo nhau về đất nước dù Hàn Quốc đến bây giờ vẫn trong tình trạng chiến tranh với chế độ đi lính bắt buộc. Tất cả đều bảo nhau, hãy làm thêm, làm thêm. Những người con dân tộc mình đang bán máu, bán sinh mạng để gửi từng đồng đô la về xây dựng đất nước, hà cớ gì mình không thêm vài giọt mồ hôi? Những công trường rầm rập, những cao ốc văn phòng đèn sáng đến nửa đêm, những học sinh ở trần, lăn lê bò trườn dưới tuyết với một lời thề sẽ đưa đất nước tiến lên. Thư viện sáng đèn 24/24. Không nghỉ ngơi, giải trí gì hết, vì không được phép khi đất nước còn nghèo. Trên tivi là sự chia sẻ cách làm giàu, dạy ngoại ngữ, dạy đạo đức, dạy kiến thức... Cả xã hội lao vào học tập và làm việc như điên. Chỉ trong mười mấy năm, một kỳ tích sông Hàn ra đời, một Hàn Quốc kiêu hãnh với ô tô, xe máy, điện tử, hóa chất, đóng tàu, phim ảnh, thời trang... không thua một quốc gia tiên tiến nào. Thế vận hội năm 1988, Seoul đã trình cho thế giới thấy, với sự quyết tâm, không có gì là không thể. Cứ như một ngôn ngữ bất thành văn, một quốc gia phát triển kinh tế sẽ ra thế giới đệ trình bằng một cái Olympic. 20 năm sau, đến lượt người Trung Quốc với Olympic Bắc Kinh.

Từ nước chót bảng, Hàn Quốc thành nền kinh tế thứ 12 trên thế giới, dân Hàn Quốc được cả thế giới tôn trọng, hầu hết đều miễn visa cho họ, muốn đi đâu thì đi. Rảnh, nhức đầu thì đi Mỹ. Muốn ăn Pizza thì lên máy bay đi Ý...

Giờ đây những hình ảnh Hàn Quốc, gọi là làn sóng Hanlyu (한류), lan tràn khắp châu Á. Các ụ pa với vẻ đẹp đài các, kiêu sa và hay khóc, đã quảng cáo hiệu quả ngành mỹ phẩm và thời trang của nước này. Nhớ lần Jang Dong Gun qua Việt Nam, một nhãn hàng băng vệ sinh phụ nữ tài trợ với yêu cầu phải mua mấy chục gói mới đổi một tấm vé, tạo thành sự hỗn loạn tranh giành, một ngày bán hết veo. Giá vé chợ đen lên gấp mấy lần. Tony thấy cả có những nhà trọ, toàn con trai, nhịn tiền ăn cơm để mua băng vệ sinh. Chen lấn coi xong, về kể 3 ngày 3 đêm chuyện một tài tử đẹp trai cũng chưa hết. Còn đống băng vệ sinh thì không biết làm gì. Nhân dịp qua chơi nên tụi nó mới hỏi anh Tony ơi, anh thông minh anh nghĩ giúp tụi em, giờ làm gì với đống giấy này, không lẽ vứt? Mình nói thôi tụi mày bỏ vào ngăn đá tủ lạnh, lấy ra làm khăn lạnh lau cũng mát. Nhớ cho tao vài cái...

Gần đây, các ụ pa này sang nữa, vì hợp thị hiếu nên cứ sang hoài, kiếm khối tiền. Vừa xuống sân bay, dù 2 giờ sáng cũng luôn có một nhóm nhốn nháo ngoài cửa đợi, băng rôn giơ cao, hình ảnh in ra cầm trên tay, khóc lên xỉu xuống. Ụ pa vừa họp báo đứng lên, lại có một nhóm học sinh khác lao đến, tranh giành đánh nhau để được hôn vào ghế...

Viết đến đây. Mồ hôi đầm đìa. Tí ơi, đưa dượng cái khăn lạnh...

Ngày 28/09/2013

Chuyện trên chuyến bay đường dài

Lại nói về chuyến bay hôm đi London. Tony ngồi hạng economy hay còn gọi là hạng phổ thông, hai anh bạn Nhật thì đi hạng thương gia (business class), phía trên đầu máy bay, cách nhau cái rèm. Ghế hạng thương gia thì rộng, bật ngã phía sau như cái giường nên ngủ thoải mái. Cái một anh bạn nói thôi mày cứ ngồi dưới đọc sách hay viết báo cáo đi Tony, tụi tao ngủ trước, xong sẽ nhường ghế cho mày, chứ bay mười mấy tiếng mà không ngủ sẽ rất mệt. Tony ngồi bật đèn lên làm việc đâu mấy tiếng thì lên đổi chỗ để ngủ. Giờ mới để ý thấy các cô tiếp viên hàng không của mình, lúc phục vụ ở khoang economy thì mặt lạnh tanh, ăn nói cộc lốc “bò hay gà”, nhưng vừa kéo rèm bước qua khoang business là nhún một cái, cười toe toét, dịu dàng hẳn ra, dù chỉ đi ngang qua để lên lấy thức ăn hay trao đổi với phi công trên buồng lái.

Tony đang ngon giấc thì bỗng bị đập kêu dậy. Cô tiếp viên nói yêu cầu anh xuất trình Boarding Pass. Tony ngái ngủ nên móc trong quần một lúc mới ra được (ý nói móc cái Boarding Pass-NV). Cái cổ nghiêm mặt, “Mời anh xuống dưới kia, ngồi đúng vị trí của mình!”. Tony ngáp (có che miệng) rồi tươi cười: “Thưa cô, chỗ này của bạn tui, cậu ấy nhường tui lên ngủ một lát”. Cổ phẩy tay, “Mời anh đi cho, đó là quy định hàng không. Không ai được phép ngoại lệ!”. Gương mặt khó đăm đăm, nói tiếng nào rõ tiếng đó cứ như “dao cau liếc vào mỏm đá”. Cái mình nói nếu là quy định thì tui chấp hành, cám ơn cô đã nhắc nhở. Tony đi xuống, trình bày với thằng Nhật, kêu nó trả chỗ. Thằng Nhật ngạc nhiên, đi tìm cô tiếp viên hỏi cho ra nhẽ. Lý luận của thằng Nhật là chỗ của nó, cho ai là quyền của nó. Rằng lẽ ra là đi hãng khác, mà cái thằng Tony này nó ép tụi tao đi vì đường bay mới mở, ủng hộ quê hương, nên các bạn phải có thái độ nhẹ nhàng. Nhưng cô tiếp viên đốp chát ngay, nói chúng tôi không quan tâm ai là ai, đó là quy định. “Giá vé khác nhau, chế độ ăn uống của hai khoang là khác nhau, ngồi lộn xộn thế này chúng tôi không phục vụ được”. Giọng nói của cô càng ngày càng gay gắt và quyết liệt với các cấu trúc tiếng Anh như I dont like, if you want, you must, you have to, don't say that, how to do...

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Tony mới trình bày, thưa cô, nếu cô không giận thì cho tui góp ý cái nhé. Cổ lườm mắt nhìn, rồi gật đầu. Tony said: “Cô ơi, quy định của hàng không nhiều lúc hành khách không biết. Thật ra ở các hãng khác, có thể cũng có quy định vậy nhưng trên máy bay người ta đổi ghế cho nhau cũng bình thường thôi cô à. Nhưng mà nghề của cô suốt ngày trên này, sao cô không vui vẻ cho môi trường công việc của mình nó thoải mái, có phải hay hơn không? Tụi tui đi ba người, một Việt hai Nhật, cô xem, đều cao ráo đẹp trai, gương mặt đứa nào đứa nấy cũng ngời ngời thanh tú, tính tình lại hoạt bát vui vẻ. Cô nên nhìn hành khách như tụi tui mà tìm thấy niềm vui trong nghề nghiệp. Cô đẹp quá mà, cô mà dễ thương nữa thì hay biết mấy...”.

Cô tiếp viên nhìn Tony sững sờ. Chắc hồi giờ chưa ai dám nói vậy. Chớp mắt mấy cái xong cái rú lên, ối trời ơi, anh Tổng phải không. Anh Tổng đây mà. Em chắc luôn. Rồi rầm rập chạy vào trong buồng kêu thêm bạn bè, Yến ơi, Oanh ơi... có Tony đi chuyến bay của mình nè, ra coi. Cái Yến cái Oanh lao ra ngay, nói ủa Tony nào, Tony Blair hả? Hay Tony Buổi Sáng? Đẹp trai vầy phải là Tony Buổi Sáng rồi. Anh ngồi đâu, ối anh lên đây với tụi em... Nói đoạn, ba cô kéo xềnh xệch Tony vào buồng để thức ăn, bóp tay bóp chân sờ má... Hỏi anh Tổng ăn gì em lấy, nước rau má mã đề cũng có nè, anh uống hem? Còn nói ở ngoài anh trẻ quá anh à, anh ăn gì mà trẻ quá. Cái mình giả bộ giận, nói: “Nhưng hồi nãy mấy cô làm tui buồn”. Cô tiếp viên trưởng nãy giờ đứng quan sát nghe hết câu chuyện, vội xen vô: “Tụi em hứa với anh, từ nay về sau, tụi em sẽ vui vẻ với hành khách, ăn nói dạ thưa ngọt lịm, cái gì cũng giải quyết thấu lý đạt tình. Sẽ không nhăn nhó, cau có với hành khách nữa. Sẽ lễ phép dễ thương, giữ hình ảnh đẹp của một hãng hàng không lớn, của một dân tộc văn minh nghĩa tình”. Cái Yến nói thêm: “Dù sau này có làm ở môi trường trên không hay dưới mặt đất, hay đổi qua ngành khác, em sẽ luôn luôn giữ môi trường làm việc của mình đầy ắp tiếng cười. Cám ơn anh Tổng...”. Tụi Nhật nhìn nhau nói đấy, nó là Tổng biên tập Tony Morning cơ mà, có phải chuyện chơi. Tính tình của nó lại vui vẻ hài hước một cách thông tuệ, nên hóa giải mọi xung đột căng thẳng cứ như không. Chuyến bay dài mà chẳng thấy mệt mỏi, vì nụ cười thường trực trên môi tiếp viên lẫn hành khách.

Tony ngồi đọc báo một lúc thì anh phi công cũng xuống, rủ lên buồng lái chụp hình. Tony nói cám ơn nhưng xin lỗi vì tính hay ngượng, không muốn lên báo. “Thôi anh lên tập trung lái đi, chứ để máy bay vô vùng thời tiết xấu, bị turbulence là hành khách ói.” Tony said. Ảnh nói, ừa, thôi em ngồi chơi uống nước rau má đi nghen, để anh lên lái tiếp.

Mình nói, “Dạ.”

Ngoài cửa sổ, mây bay trắng xóa...

Chuyện ở London

Lại nói về chuyện hôm Tony ở London. Xuống sân bay Gatwick, cái Oanh cái Yến rủ thôi tối nay mấy anh em mình đi chơi đi. Tony cũng chưa dự hội nghị, thường là đi trước 1-2 hôm để tránh jetlag, nên cùng nhau bát phố. London về đêm thật đẹp. Mà đúng ra, ở London thì ngày hay đêm đều đẹp.

Trong mắt Tony, London là thủ đô đẹp nhất. Những con đường nhỏ. Những công viên thơ mộng với những cây sồi già xù xì, những ghế gỗ và lá vàng đầy dưới lối đi. Sạch sẽ không chút bụi. Những dãy phố cổ kính kiến trúc Gothic hay Tân Gothic. Những hàng rào bằng cây xanh, thường chừa một lối nhỏ vào nhà với bậc tam cấp, rồi cái cửa gỗ nhỏ xíu. Những lan can hay hiên nhà bao giờ cũng có những giỏ hoa đủ màu sắc rung rinh trong gió.

Tony đưa các bạn vô quán rượu gọi là English Pub. Bên trong quán, nội thất bằng gỗ nhưng ngả xỉn màu vì thời gian, có quán nghe nói cả mấy trăm năm. Đặc trưng này của nước Anh đang mất dần, do suy thoái kinh tế, người ta không có tiền vào đấy uống ly bia 5-6 bảng nữa, mà ra siêu thị mua về uống cho rẻ. Gọi dĩa ô liu mặn chát, nhưng uống kèm bia thì rất hợp, các cô say sưa kể về nghề của mình. Các cô nói, trong các cuộc thi sắc đẹp ở mình, rất nhiều cô ghi ước mơ là trở thành tiếp viên hàng không. Trong khi ở phương Tây hay ở Mỹ, các cô có nhan sắc ít ai chịu làm nghề này, vì cực và ít tiền hơn làm người mẫu hay đóng phim. Nên nếu đi Air France hay KLM hay các hãng bên Mỹ, hình ảnh các tiếp viên đeo kính lão, tay run run do bị Parkinson gắp bánh mì đưa hành khách... là hình ảnh hết sức bình thường. Xuống các sân bay trung chuyển, đoàn tiếp viên châu Á thường nổi bật, kéo vali ngẩng cao đầu đi kiêu sa ghê lắm. Các cô nói đấy, anh xem, tụi em toàn là người đẹp, mà người đẹp thì “mỹ nhân tự cổ như danh tướng”, được chiều chuộng từ nhỏ. Ví dụ rửa bát, nhiều ông cha bà mẹ nói thôi để ba mẹ làm, con nghỉ ngơi đi, hư tay búp măng hết. Lên trường thì bạn trai cũng giành làm hết những việc như lau bảng, trực nhật. Nên sau này làm phục vụ trên máy bay cũng không được nhanh nhẹn lắm, do lao động tay chân không quen.

Nhưng Tony hỏi ủa sao tiếp viên hãng khác ở châu Á cũng đẹp nhưng lại nhiệt tình chu đáo giỏi giang? Hàng không Thái thì lúc nào cũng cười, bưng đồ ăn ra ép hành khách ăn đến lòi họng. Nếu khách đang ngủ, các bạn tiếp viên Thái sẽ nói thì thầm, vẫn để cho ngủ chứ hẻm có đập bắt thức dậy cho bằng được. Mình mà vừa ngáp thức dậy là các bạn mò tới liền, hỏi ngủ dậy rồi hả cưng, ăn gì hem, bữa nay có món này món này nè. Tiếp viên hàng không Sin hay Malay thì hẻm có đẹp lắm nhưng tiếng Anh như gió, động tác dứt khoát, làm gì cũng nhanh. Hàng không Nhật ít nói ít cười, nhưng sẵn sàng quỳ mọp xuống để năn nỉ khách uống thuốc chống say, khi phục vụ, đầu họ bao giờ cũng cúi thật thấp. Các hãng quốc tế khác, tiếp viên đều có điểm chung là luôn tay luôn chân, không lúc nào nghỉ ngơi trong ca trực của mình. Bay đường dài, đêm khuya vẫn có hành khách thức, khát nước nhưng nhiều lúc không dám gọi hay do không biết ngoại ngữ. Nắm tâm lý này nên tiếp viên Air Korea không dám bật đèn, đi khẽ, bưng khay nước lên xuống cả trăm lần. Họ nói họ được trả 1giờ làm việc là bao nhiêu đô la đó, nên phải làm việc. Nếu ngồi không hay chờ ai bấm chuông mới đến, vậy còn gì là phục vụ nữa? Nghe vậy, cái Yến cái Oanh cũng quê nhưng nói chắc tụi em chưa chuyên nghiệp anh à. Và lại, chi phí để làm tiếp viên bay quốc tế cũng cao, tụi em phải mua ít đồ mang về nhằm gỡ gạc lại, nên cũng căng thẳng, anh làm thương mại anh biết. Nghe nói vậy thì mình càng thông cảm hơn, thấy thương nhiều hơn... khi thấy các bóng áo đỏ dáo dác trong các cửa hàng miễn thuế, điện thoại lúc nào cũng đổ chuông, đầu óc bấn loạn với tỷ giá hối đoái lên xuống thất thường của nước bạn. Vừa mua xong mấy chục cái Iphone thì đầu mối nhắn tin giá ở Việt Nam đã giảm, thua lỗ mấy ngàn đô rùi thì đầu óc đâu mà “bò với gà”, “cơm với mì”, hành khách còn đòi phải nhìn thấy nụ cười xinh xinh trên môi em? Nên thôi bạn đừng có trách móc. Ai cũng vậy mà, vừa thua lỗ mất tiền thì mặt mũi phải cau có chứ.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, lý do vì sao đi đâu Tony cũng đi hãng của nước mình. Thứ nhất là tất cả máy bay đều khá mới, an toàn-cái này cực kỳ quan trọng. Phi công giỏi, đệp choai, nhìn không có nhức đầu. Thứ nữa là thời gian di chuyển là ngắn nhất nếu là đường bay trực tiếp, nên đi xa cũng ít mệt. Người ta tính, 1 giờ ngồi trên máy bay tương đương 2 giờ ngồi xe đò do áp suất không khí. Đi mấy hãng khác phải xuống sân bay nước họ rồi lật đật đi tìm cổng ra rồi lại leo lên máy bay nữa, mệt bắt ớn. Và việc trao đổi bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cũng phẻ, hiểu hết nên có cái mà bắt bẻ giận hờn. Ngoài ra, mình dùng hàng Việt cũng là một cách ủng hộ sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt, vì sự tự tôn của dân tộc, nên những khó chịu kia chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Và cũng bởi vì “còn tình yêu đó, lỗi lầm sẽ qua”...

Cái Tony hỏi ủa sao hôm qua trên máy bay, tụi em nhận ra anh hay vậy, anh có lộ mặt bao giờ. Cái cổ nói tại vì anh nói “gương mặt thanh tú” đó, em mới nhận ra, ở Việt Nam, có ai dám tự nhận thanh tú, trừ anh. Trò chuyện một chút rồi “thơ thẩn dang tay ra về”, bèn ga-lăng xuống tàu điện ngầm đưa mấy cổ về khách sạn, bịn rịn chia tay kiểu “người lên ngựa kẻ chia bào, rừng phong-thu đã nhuốm màu quan san”. Mà đúng là hôm đó, lá những cây phong (maple) trước khách sạn mấy cổ ở chuyển màu, gió thổi rơi xào xạc, nhuốm đỏ cả thành phố. Tony mặc chiếc áo bành tô màu lông chuột, dài quá đầu gối, may ở Sài Gòn theo kiểu Jame Bond thập niên 60, tóc cắt ngắn, gương mặt điển trai, dáng vẻ cao ráo sang trọng, ai đi ngang qua cũng ngoái lại nhìn vì thích. Tản bộ dưới những tán phong chập chờn trong ánh đèn đường để xuống lại trạm tàu điện, thẳng đến ga Westminster. Bữa đó ngày lễ, ở sông Thames có bắn pháo hoa...

Dòng sông rực sáng. Tháp Big Ben ngay trên bờ sông, cao lớn uy nghi. Tiếng pháo đì đùng, tiếng violon réo rắt. Năm nào Tony cũng gặp nghệ sĩ đường phố này ở đây. Anh đứng dựa vào tường tòa nhà quốc hội, trước mặt là cái vali và vài đồng xu lẻ. Kinh tế suy thoái nên người ta không cho nhiều. Anh đang chơi bài “I have a dream”, đầu nghiêng nghiêng, mắt nhắm nhưng lại mỉm cười, có vẻ không buồn mấy.

Gió dưới sông thổi lên mạnh dần, về khuya trời càng lạnh. Thọc tay vào túi quần cho ấm, ái chà, lạnh teo bugi rồi, thôi về khách sạn ngủ.

Cái thủng thẳng xuống lại tàu điện để trở về khu Hyde Park. Ngồi đợi tàu, tình cờ quen nàng tiên tóc vàng có tên Evavock đến từ nước Áo. Nàng vừa tốt nghiệp trường nhạc ở Vienna, và đến London để ứng tuyển làm ca sĩ. Evavock đẹp và rất đỗi dịu dàng. Dáng người bé nhỏ và mái tóc vàng óng. Trên mũi có cái khuyên bằng bạc nhìn rất lạ, rất duyên. Nàng cũng vừa đi ngoạn cảnh ở bờ sông Thames về, chắc thuộc tuýp lãng mạn giống Tony đây. Tâm sự hồi lâu, mấy chuyến tàu đến rồi đi nhưng cả hai vẫn không buồn bước lên, đề tài cứ miên man bất tận, không dứt ra được. Tony là người châu Á đầu tiên nàng quen ở London. Evavock nói có nghe nói về Việt Nam nhưng tưởng đang còn chiến tranh, nói hồi nhỏ học môn lịch sử có học qua, rồi thôi, không biết gì nữa. Cái Tony kể về Việt Nam cho cổ nghe. Nước Việt qua miệng lưỡi của Tony đẹp lung linh, nàng say sưa lắng nghe cứ như Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Sau khi nói đủ chuyện trên trời dưới đất, cả hai cảm thấy hợp vô cùng, cứ như sinh ra là để cho nhau. Tony bèn ra một quyết định quan trọng: rủ nàng đi chơi tiếp.

Nàng thoáng suy nghĩ rồi gật đầu. Trời thì lạnh, bất giác nàng gục đầu vào vai Tony. Chiếc áo bành tô may ở hiệu may Trúc chợ Bến Thành (có lót nhung, giá hai triệu rưỡi) trở nên ấm áp lạ thường. Trong đêm xứ sương mù lạnh lẽo, có hai kẻ tha hương lặng lẽ đi bên nhau. Hand in hand, nóng hổi...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play